Được chủ sạp bán bình hoa nhắc nhở, Donna mới nhớ ra mục đích chạy đi chạy lại của mình. Đều tại anh Syria kia kể chuyện sống động y như thật, làm cô bé nghe đến mê mẩn. Mà cũng không chỉ mình cô, đám Sara cũng ngơ ngẩn lắng nghe kia kìa.
Liếc nhìn mặt trời, cô bé không còn nhiều thời gian nữa.
Donna chỉ chiếc hộp đặt trên chiếc khăn tay, vô cùng nghiêm nghị lên tiếng: “Trong này đựng thư Nữ hoàng viết cho mẹ tớ.”
Donna rất hài lòng với hiệu ứng mà câu nói của mình mang lại. Sara và mấy cô bạn, cả chủ sạp bán bình hoa đều nhìn chăm chú vào chiếc hộp, không dám thốt lên tiếng nào.
Đây là thời cơ tốt để mở hộp.
Cô bé cẩn thận mở hộp ra.
Năm bức thư trong hộp được xếp ngay ngắn theo trình tự thời gian nhận được. Hai bức thư cuối cùng có dấu Hoàng gia Goran, đó là những lá thư sau khi Nữ hoàng lên ngôi. Tất cả thư từ của Nữ hoàng đều phải đóng dấu Hoàng gia.
Rút một bức thư có dấu Hoàng gia Goran ra, Donna giải thích tỉ mỉ.
Nhưng, dù nhìn con dấu trên thư ở khoảng cách gần, những ánh mắt kia vẫn nửa tin nửa ngờ.
Con bé khờ khạo chất vấn Donna trước đó bắt cô bé đọc nội dung thư lên, rồi thông qua nội dung bức thư để quyết định xem có nên tin cô bé hay không.
Donna vô cùng phẫn nộ, không thể nào nuốt trôi cơn tức này.
Sau một hồi đắn đo, Donna quyết định đọc thư.
Thật ra Donna đã giấu mẹ đọc thư của Nữ hoàng nhiều lần rồi. Ba cô là phóng viên chiến trường, bôn ba bên ngoài suốt cả một thời gian dài. Còn công việc của mẹ cũng không cố định tại bất cứ đâu, cô bé ở nhà một mình quá nhàm chán.
Thư Nữ hoàng gửi cho mẹ đều viết bằng tiếng Trung, nét chữ Hán của Nữ hoàng thật đẹp.
Nét sổ là thân thể cao gầy của chàng trai trẻ, nét móc là vũ điệu uyển chuyển của thiếu nữ, nét ngang chứa đựng tư thái hiên ngang, nét phẩy là chim hạc đi xa trở về, nét chấm là lá cây buồn bã lìa cành. Đây là lời nhận xét của mẹ, mẹ luôn có thể cảm nhận được tâm trạng Nữ hoàng qua nét bút của cô ấy.
Đọc thì đọc thôi, dù sao nội dung thư cũng không liên quan đến bí mật quốc gia, chỉ là thư kể chuyện thường ngày mà học sinh gửi cô giáo.
Donna lau tay sạch sẽ, mở bức thư đầu tiên ra.
Khi viết bức thư này, Nữ hoàng mười sáu tuổi.
Hít sâu một hơi, cô khẽ cất tiếng đọc dưới ánh chiều tà:
“Thưa cô, mong cô mừng cho em. Em đã được đề cử vào danh sách với thành tích thứ mười sáu, cũng là người đứng chót bảng. Họ nói sau lưng em rằng, em chỉ ăn may, nếu Vivian Healther không vắng mặt trong cuộc thi vì tai nạn, thì em chỉ có thể đứng thứ mười bảy.
Thưa cô, dù họ có nói thế nào đi nữa, em cũng đã đứng trong top 16, đây là chuyện đáng mừng. Đúng vậy, đây là chuyện đáng mừng. Thưa cô, bây giờ em rất rất rất vui.”
Đây là toàn bộ nội dung bức thư đầu tiên Nữ hoàng gửi cho mẹ cô bé.
Nữ hoàng đã dùng ba từ “rất” liên tiếp để thể hiện niềm vui của cô ấy.
Nhưng khi đọc bức thư này, Donna không hề cảm thấy Nữ hoàng vui mừng là bao, thậm chí cô bé còn cảm nhận được tâm trạng chán chường của Nữ hoàng lúc viết bức thư này.
Một khi suy nghĩ này ùa đến thì…
“Sao có thể? Đâu phải ai cũng có thể trở thành Nữ hoàng.” Một giọng nói khác nhanh chóng phản bác.
Ngón tay Donna chạm nhẹ lên cái tên ký trên lá thư màu xanh nhạt: Thâm Tuyết.
Cái tên thanh tú tao nhã hệt như nét chữ.
Mẹ nói, Thâm Tuyết cô đơn.
Donna không biết mẹ đang nói về con người Nữ hoàng hay ý nghĩa ẩn chứa sau cái tên của cô ấy.
Gập lại lá thư đầu tiên, cô bé cất lá thư vào lại phong bì.
Tiếp theo, cô bé phải đọc lá thư thứ hai của Nữ hoàng.
Vẫn là giấy viết thư màu xanh nhạt, vẫn chỉ vài câu chữ ngắn ngủi, đúng như lời nhận xét “Thâm Tuyết là cô bé trầm lặng ít nói” của mẹ. Cho dù… cho dù… mùa Đông năm đó, cô ấy đã mất mẹ.
Nữ hoàng đặt bút viết lá thư thứ hai gửi mẹ Donna vào mùa Xuân ở Goran.
“Thưa cô, vào một buổi sáng cuối tuần, mẹ nói với em rằng mẹ phải đi thăm một người bạn, nhưng mẹ không nói cho em biết rằng bạn của mẹ ở bên kia đại dương xa xôi. Mẹ phải lên chuyến tàu kéo dài sáu ngày năm đêm mới đến được chỗ bạn của mình. Nếu buổi sáng ấy mẹ nói cho em biết điều đó, em nghĩ em đã dành cho mẹ một cái ôm.
Thưa cô, chuyến tàu đưa mẹ đến bờ bên kia đại dương đã gặp tai nạn. Đến mùa Xuân mà họ vẫn không tìm được mẹ. Cô ơi, họ không tìm thấy mẹ. Thật ra em lại lấy làm mừng, như vậy, em có thể coi như mẹ đang sống ở nơi nào đó mà em không biết, choàng tấm khăn hoa mâm xôi đỏ tự tay em đã chuẩn bị cho mẹ.”
Bức thư này được viết hai năm sau bức thư đầu tiên, Donna không hiểu lắm về nội dung bức thư.
Về sau, cô lén hỏi ba, ba nói với cô rằng, mùa Đông năm Nữ hoàng mười tám tuổi, mẹ của Nữ hoàng đã lên tàu thủy đến Na Uy. Con tàu gặp tai nạn ở biển Na Uy, gần bốn trăm hành khách và nhân viên trên tàu đều thiệt mạng. Không ai biết mẹ Nữ hoàng đến Na Uy làm gì, và đến tận bây giờ, vẫn không thể điều tra được “người bạn” mà mẹ Nữ hoàng nhắc tới là ai.
Sau tai nạn tàu thủy, đội tuần tra biển trục vớt một trăm ngày mà chỉ có thể tìm được một số thi thể, trong số đó, không có mẹ Nữ hoàng.
Mùa Xuân đến, đội tuần tra biển kết thúc quá trình trục vớt, Nữ hoàng cũng mất mẹ từ thuở đó.
Khi đọc bức thư thứ hai của Nữ hoàng, Donna luôn nhớ đi nhớ lại lời mẹ nói: Thâm Tuyết cô đơn.
Bức thư thứ hai được đặt ngay ngắn về lại hộp.
Nội dung bức thư thứ ba dài hơn một chút.
Đây là lá thư Nữ hoàng viết cho mẹ vào đêm trước khi lên ngôi. Cô gái từng bị cười nhạo là ăn may sắp được đội lên chiếc vương miện rực rỡ của mình.
Donna mở thư ra…
“Cô giáo kính mến:
Còn tám tiếng nữa, chân dung của em sẽ được đặt Quảng trường Trung tâm và Bia Hòa bình tại thành phố Goose để dân chúng Goran ngắm nhìn suốt ngày đêm, cho đến khi Nữ hoàng của nhiệm kỳ tiếp theo được kế thừa con dấu Nữ hoàng từ tay em.
Còn tám tiếng nữa, thưa cô, có phải em nên làm gì đó không?
Ngoài cánh cửa kia, có rất nhiều người xếp hàng suốt đêm chỉ để dâng lời chúc phúc cho em. Hầu hết những người đó đã từng chế giễu em, coi thường em. Có lẽ, em nên nói với họ, thôi đi, đừng làm bộ làm tịch nữa, nụ cười của các người còn giả hơn cả hoa nhựa.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]