Chương trước
Chương sau
Đại Chu có ba ngày lễ lớn - một là hội mừng năm mới vào ngày mười lăm tháng Giêng, hai là tết Đoan Ngọ vào ngày 25 tháng Năm, ba là tết Trung Thu vào ngày mùng năm tháng Chín. Trong suy nghĩ của người dân Đại Chu, hội đua thuyền rồng vào tết Đoan Ngọ cũng quan trọng như tục ăn bánh trôi mở tiệc vào năm mới hay ngắm hoa đăng vào tết Trung Thu vậy.
Vì lực lượng thủy quân của Đại Chu rất hùng mạnh, nên hoàng đế còn chỉ định Thi đấu Thuyền rồng là một hạng mục diễn tập cần thiết cho quân đội. Vì thế, cứ đến mỗi dịp tết Đoan Ngọ là các thành lớn lại tổ chức Thi đấu Thuyền rồng. Đây không chỉ là một dịp để dân chúng mở mang tầm mắt, mà còn là một trận ganh đua giữa các gia tộc tham gia. Nếu thắng thì không chỉ được tiền thưởng cực lớn, mà còn có cơ hội vào kinh thành trình diễn Thuyền rồng Đế vương vào tiết Cửu Dương - sinh nhật của Hoàng đế nữa. Theo lệ cũ, gia chủ của gia tộc nào có thuyền rồng thắng cuộc đều sẽ được tăng một cấp quan so với cấp quan cũ - nếu gia chủ đó vào triều làm quan.
Phần thưởng đó cực kỳ hấp dẫn với các quan viên địa phương, và Ninh Như Hải không phải là ngoại lệ. Từ khi bị đuổi khỏi Hoa Kinh đến giờ, trong đầu gã chưa bao giờ tắt ý tưởng muốn về kinh thành làm quan. Bây giờ gã đang giữ chức Thủ thành của Giang Châu, trên đầu còn một Đô đốc Giang Châu là Tào Quế Xuân chèn ép. Nếu gã có thể thăng chức nhờ vào lần Thi đấu Thuyền rồng này, thì khả năng rất rất lớn là hắn sẽ được trở lại Hoa Kinh - vì có Tào Quế Xuân làm Đô đốc rồi nên gã không lên làm Đô đốc được nữa.
Vì thế, mỗi năm Ninh Như Hải đều luôn chuẩn bị rất kỹ cho đợt thi đấu này. Nhưng tiếc là --- tuy gã là Thủ thành Giang Châu, có rất nhiều nhân công là tráng hán khỏe mạnh; nhưng năm nào thuyền của gã cũng bại dưới thuyền của Tào quý phủ, thậm chí còn chưa bao giờ là thuyền dẫn đầu Giang Châu, chứ chưa nói gì đến việc biểu diễn trong tiết Cửu Dương.
Cộng thêm chuyện bê bối của Ninh Bình Nhi, năm nay Ninh phủ đã có nhiều sóng gió lắm rồi. Danh tiếng bên ngoài của họ đã rất tệ, nên Ninh Như Hải không muốn ra ngoài. Gã lại thấy, thể nào năm nay gã cũng không thắng nổi Tào quý phủ đâu, nên cũng không muốn cố gắng nữa. Vì vậy, vừa nghe Thẩm thị nói vài câu, gã đã dứt khoát thảy việc chuẩn bị thuyền rồng này cho Ninh Uyên.
Gần đây, càng lúc Ninh Uyên càng được Thẩm thị yêu quý; Thẩm thị đề cử y làm việc này cũng là vì muốn y trợ giúp Ninh Như Hải mấy việc nhỏ nhặt. Tuy nhiên, y lại chẳng mấy hứng thú với cái việc được tiếng mà chẳng có miếng này, có khi gắng sức cũng chẳng có kết quả tốt ấy chứ.
"Nếu kết quả chuyện này chẳng đi đến đâu, ngươi sẽ phải gánh trọn trách nhiệm. Nếu không thì..." Tay phải Ninh Mạt chống cằm, ngón tay thon dài cầm một quân cờ đen, suy nghĩ một lúc, rồi đặt xuống góc Đông Nam của bàn cờ: "Ăn đậm rồi."
"Thực ra cũng chẳng tốt hơn đến đâu được. Phủ chúng ta đã liều mạng nhiều năm như thế, kết cục năm nào cũng đứng thứ Hai. Chẳng có lý gì mà ta vừa lên đã được ngay thứ Nhất." Ninh Uyên ném quân trắng trong tay vào hộp cờ: "Thôi đi, nhìn là biết thua rồi, không đánh nữa."
"Hiếm khi thấy ngươi không có ý chí chiến đấu như bây giờ đấy. Sao, đang bực bội gì à?" Ninh Mạt hơi buồn cười nói: "Nếu ngươi đoạt được thứ Nhất thì hay quá rồi, không chỉ được mấy trưởng bối thích mà còn được lên Hoa Kinh tham gia tiết Cửu Dương nữa. Cửu Dương hàng năm là dịp náo nhiệt nhất trong kinh thành, người khác có cầu cũng không được cơ hội như vậy đâu."
"Thế thì cũng phải lấy được vị trí đầu trước đã." Ninh Uyên khẽ cười: "Tuy là có tổ mẫu đề nghị thì phụ thân mới giao vụ thuyền rồng này lại cho ta, nhưng ngoài sáng trong tối Đại phu nhân đã thổi bao nhiêu gió... thì cả ta và ngươi đều biết đấy."
"Ta biết ngươi đang lo chuyện gì --- nếu ngươi bảo là Đại phu nhân không nhúng tay vào chuyện này thì ta cũng không tin đâu." Ninh Mạt đáp: "Nhưng ta không biết chính xác bà ta đang mưu đồ gì. Theo hiểu biết của ta, thì tám chín phần là bà ta muốn mượn đao gϊếŧ người, muốn diệt ngươi mà không cần phải vất vả. Nếu có sơ sót gì, thì bà ta cũng có thể phủi tay coi như không liên quan."
Ninh Uyên gật đầu: "Ca ca nghĩ giống ta. Dạo này ta thấy Ninh Tương an phận lắm, hẳn là đang mài dao cho sắc, chờ một lần ra tay!"
"Ngươi đừng bị lung lay là được. Chưa đến mười ngày nữa là đến tết Đoan Ngọ rồi, ngươi nên bắt đầu chuẩn bị đi." Ninh Mạt đứng lên: "Ta đi cũng lâu rồi, nên về thôi. Tuy chỗ này ít người qua lại, nhưng khó mà đảm bảo là không có ai; càng ít người biết quan hệ giữa ta và người thì càng tốt." Rồi hắn gật đầu với y, dẫn nha hoàn bên người ra khỏi đình nghỉ mát này.
"Thiếu gia nghĩ... sẽ có người động tay động chân vào vụ thuyền rồng để vu hại cho chúng ta ư?" Người đứng sau Ninh Uyên - Chu Thạch - hỏi.
Ninh Uyên không trả lời, mà suy nghĩ một lúc, đứng lên đáp: "Bây giờ còn sớm, ngươi và ta đến xưởng thuyền ở bến cảng xem xem."
---
Bàn về chế tạo thuyền đi biển, không đâu ở Đại Chu có thể so với đất Thanh Châu. Nhưng nếu bàn về chế tạo thuyền đi trong sông và kênh đào, thì đất Giang Châu lại là nhất. Vì vậy, những xưởng thuyền ở Giang Châu cũng có quy mô cực kỳ rộng lớn. Ninh Uyên phải đi xe ngựa một đoạn từ cổng xưởng vào mới đến nơi xây thuyền rồng của từng phủ.
Có người giữ cửa thông báo, đốc công đã biết là Ninh Uyên sẽ đến rồi, liền đứng ngoài cửa chờ. Ông rất khách sáo với vị Ninh tam thiếu gia chưa gặp bao giờ này, xoa xoa tay nghênh đón: "Còn mười ngày nữa mới đến tết Đoan Ngọ mà, sao thiếu gia đến sớm thế?"
"Ta đoán là thuyền của phủ chúng ta sắp làm xong rồi, nên đến xem một chút." Ninh Uyên vừa nói vừa bước vào trong. Đốc công vội vàng đi trước dẫn đường, vừa luôn miệng nịnh nọt vừa dẫn y đến sân sau của xưởng thuyền. Ở đó có hơn mười chiếc thuyền mới được lắp xong, vẫn chưa được quét sơn, xếp thành một hàng chỉnh tề trên mặt đất để hong khô. Có mấy người thợ đang xách một cái thùng nhỏ, liên tay quét thứ chất lỏng trong suốt dinh dính trong thùng lên chiếc thuyền ở cuối cùng.
"Họ đang làm gì?" Ninh Uyên hỏi.
"Họ đang quét nhựa cây lên đáy thuyền." Đốc công đáp: "Đáy thuyền quanh năm ngâm dưới nước, dù là gỗ chắc đến mấy thì cũng có ngày bị mủn ra. Mà nhựa cây kia không phải loại nhựa thường quét ở thuyền bình thường đâu - nhựa bình thường chỉ có thể chống nước, chứ không thể bảo dưỡng gỗ. Nhựa họ đang dùng là nhựa cây Trầm, không chỉ cách thủy được mà còn giúp gỗ trở nên cứng cáp hơn sau khi phơi khô. Xưởng thuyền này của bọn ta luôn dùng nhựa Trầm đó."
Ninh Uyên gật đầu, đi lên phía trước. Đốc công chỉ vào một con thuyền dài hơn năm trượng*, rộng hơn sáu thước*, mũi tàu khắc Giao long Cuồng nộ: "Đây là thuyền của Ninh phủ, giờ chỉ cần quét nhựa cây là xong. Bọn ta làm nhanh lắm, cố gắng ba bốn ngày nữa là có thể hoàn thành trọn vẹn. Biểu tượng Giao long này là do nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm nhất trong xưởng ta tự tay khắc đấy, thiếu gia nhìn xem, có phải là sống động lắm không?"
Ninh Uyên nhìn thuyền của phủ mình một vòng, lại nhìn sang thuyền của các phủ khác: "Ta thấy hình khắc của mỗi chiếc thuyền đều khác nhau, không biết là có lý do gì không?"
"Thiếu gia mới quản lý việc thi đấu thuyền rồng lần đầu tiên, hẳn là không biết chuyện kiêng kị trong việc này rồi." Đốc công đáp: "Tuy việc đấu thuyền nghe có vẻ là chỉ so về tốc độ, nhưng thực tế cũng cần chút tâm linh. Nếu có hai chiếc thuyền có hình khắc y hệt nhau, nghĩa là vận may bị chia một nửa ra cho người khác, đương nhiên là cực kỳ xui xẻo; nên không ai muốn có nhà nào làm hình khắc giống nhà mình cả."
Nói đến đây, đốc công hơi khựng lại, rồi thì thầm với Ninh Uyên: "Chắc là Ninh tam thiếu gia chưa biết... May là Nhị thiếu gia của quý phủ nhanh tay trước đấy, khi xưởng ta chưa bắt đầu làm thuyền thì Nhị thiếu gia đã đưa bản vẽ đến rồi, chiếm cứng vị trí Giao long Cuồng nộ này luôn, coi như là đã đi trước một bước. Về sau có rất nhiều phủ khác cũng thích bản vẽ này, ngay cả Tào đô đốc mới đến đây hai hôm trước cũng rất thích nó. Nhưng thích thì cũng vậy thôi, cuối cùng Tào đô đốc đành chỉ đạo bọn ta làm theo bản vẽ Kỳ lân vờn mây này."
Nghe vậy, Ninh Uyên đảo mắt một vòng, gật đầu nói: "Bản vẽ này rất đặc biệt, Nhị ca chu đáo quá rồi. Nhưng mà... Tào đô đốc thích bản Giao long Cuồng nộ lắm ư?"
"Thích lắm chứ, nhưng Tào đô đốc là người biết lý lẽ, cũng không than phiền gì nhiều." Đốc công lắc đầu thở dài, chợt nghe Ninh Uyên nói: "Thế thì nhường cho ông ta đi!"
Đốc công sửng sốt, ngẩng phắt lên, kinh ngạc đến độ lắp bắp: "Công, công tử nói gì cơ?!"
"Bản Giao long Cuồng nộ này trông đẹp thật đấy, nhưng ta không thích nó. So ra thì ta thích bản Kỳ lân vờn mây kia hơn." Ninh Uyên nói: "Các ngươi báo với Tào đô đốc một tiếng hộ ta, bảo là nếu ông ta thích thì ta sẵn lòng đổi. Chỉ là đổi hình khắc trên đầu thuyền mà thôi, chắc các ngươi cũng không tốn nhiều công đâu nhỉ."
"Chuyện này... đương nhiên là không vất vả gì, nhưng..." Đốc công không thể tin nổi, nhìn y chằm chằm: "Còn Nhị thiếu gia của quý phủ thì sao..."
"Phụ thân đã giao toàn quyền xử lý việc đua thuyền rồng cho ta, chứ không phải là nhị ca. Hẳn là đốc công đã biết rõ chuyện này, nên làm thế nào thì ông biết rồi đấy." Ánh mắt sâu thẳm của Ninh Uyên nhìn chằm chằm vào đốc công, nhìn đến mức lưng đối phương phát lạnh.
Đốc công đã làm việc ở xưởng thuyền mấy năm, từng gặp rất nhiều quan to quý nhân, nhưng vị tam thiếu gia của Ninh phủ đang đứng trước mặt ông đây chỉ mới 14 15 tuổi, sao lại có cái nhìn... dọa người như vậy chứ!
"Dạ, ta biết rồi." Ông ngắc ngứ cười: "Bọn ta sẽ làm theo ý công tử sai bảo. Tào đô đốc rất thích bản vẽ Giao long, hẳn là sẽ đồng ý ngay thôi."
Ninh Uyên gật đầu, xong việc rồi thì định về phủ. Nơi phơi thuyền này có hai cửa ra, y định bước vào một cửa. Cách cánh cửa đó không xa là một mảnh đất trống khá lớn, có một con thuyền nhỏ đang làm được một nửa để ở đó. Thuyền đó chỉ chứa được 3 4 người là tối đa, cạnh nó cũng chỉ có hai thợ thuyền. Một người mặc áo vải thô ngắn đơn giản, đứng đối mặt với Ninh Uyên, gõ gõ cố định thuyền; người còn lại thì để tay trần, đưa lưng về phía y, quỳ nửa gối, đang sơn lớp sơn ngoài cho thuyền.
Ninh Uyên vô thức liếc sang họ rồi đi tiếp. Nhưng mới đi được hai bước, y chợt dừng lại, lùi về, nhìn lại cho rõ người đang đứng đối diện mình kia.
Trông người nọ rất bình thường, nhưng cánh tay lộ ra ngoài lại rất rắn chắc khỏe mạnh, hẳn là người tập võ từ bé. Nhận ra có người đang nhìn mình, người đó liền ngẩng lên. Khi thấy đó là Ninh Uyên, hắn ngẩn ra một lúc.
Mà khi đối phương ngẩng lên thì Ninh Uyên cũng nhận ra - y không nhìn nhầm, đúng là người quen rồi.
Người nọ cười cười với Ninh Uyên, trông hơi mất tự nhiên, hẳn là đang do dự liệu có nên lên tiếng chào không. Y lại nhìn sang người đang quay lưng về mình - tóc hắn cũng như những thợ thuyền khác ở đây, chỉ dùng dây buộc gọn nó ở sau gáy. Có lẽ vì mồ hôi mà bờ vai rộng và đường nét cơ bắp duyên dáng của hắn trông như tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời vậy. Chiếc quần vải thô của hắn cũng được xắn lên đầu gối, lộ ra bắp chân săn chắc cường kiện.
Ninh Uyên hé miệng, đang định chào hỏi trước thì người đứng đối diện y lại cuống lên, lập tức hét lớn: "Trùng hợp quá, Ninh công tử!" Rồi nhảy ra vỗ vỗ vai y, không cho y kịp mở miệng: "Nguyên công tử, xem ai đến này!"
"Nguyên công tử?" Ninh Uyên nghi ngờ - chẳng lẽ là y nhìn nhầm? Nhưng người đang vỗ vai y rõ ràng là cận vệ Diêm Phi của Hô Diên Nguyên Thần mà y mới gặp hôm trước mà.
Nghe Diêm Phi nói vậy, cả người thanh niên đang quỳ nửa gối kia chợt run lên, lập tức bật lên quay lại ---thực sự là Hô Diên Nguyên Thần. Nhưng dáng vẻ hiện tại của vị hoàng tử này làm y chợt quên mất không hỏi vì sao hắn lại ở đây, mà suýt chút nữa đã bật cười.
Có lẽ vì tập trung sơn thuyền quá, mà trên khuôn mặt tuấn tú của Hô Diên Nguyên Thần đã lấm lem đầy vệt sơn nâu sẫm, thậm chí còn dây cả xuống ngực. Cộng với vẻ kinh ngạc vì sự xuất hiện của y ở đây nữa, nên trông hắn lại càng... tức cười.
"Hả? Ninh công tử quen Nguyên công tử ư?" Nhìn phản ứng của hai người, đốc công chỉ nghĩ họ là người quen.
"À... Coi như là quen đi." Ninh Uyên bước đến trước mặt Hô Diên Nguyên Thần, ngẩng lên đánh giá thanh niên cao hơn mình hơn nửa cái đầu này. Y trêu chọc cao giọng hỏi lại: "Nguyên công tử à, hửm?"
"Sao... Ninh huynh lại ở đây thế." Hình như hắn hơi xấu hổ, nghĩ đến dáng vẻ nhếch nhác bây giờ của mình, liền vô thức giơ tay lên xoa mặt. Nhưng sơn trên mặt hắn vốn chưa khô lại, trên tay cũng có mồ hôi, quẹt một cái lại làm vệt sơn dây ra nhiều hơn, cuối cùng là lấm lem cả mặt.
Lần này thì Ninh Uyên không nhịn cười được nữa. Trước giờ ấn tượng về Hô Diên Nguyên Thần trong lòng y vẫn luôn là một "thanh niên nghiêm túc", lúc nào miệng cũng giảng đầy đạo lý, trưởng thành chín chắn; chứ có bao giờ như con mèo hoa thế này đâu. Nhất thời y nghiêng mặt sang bên, bật cười thành tiếng.
"Ngươi cười cái gì?" Thương cho Hô Diên Nguyên Thần còn chưa biết "thảm trạng" bây giờ của mình, vẫn xoa mặt liên tục. Mãi đến khi nhận ra cánh tay mình cũng dính sơn, hắn mới ngộ ra là nãy giờ mình đang làm gì. Buồn bực bỏ tay xuống, hắn nói với đốc công sau lưng Ninh Uyên: "Ở đây có chỗ rửa ráy không?"
"Đương nhiên là có!" Đốc công cũng rất muốn cười, nhưng nể mặt hắn là một khách hàng lớn của mình nên mới nín lại. Nghe hắn hỏi, ông lập tức chỉ vào một gian nhà gỗ: "Đó là nơi nghỉ trưa của nhóm thợ thuyền, giờ không có ai cả, mời công tử cứ tự nhiên."
---
"Thế nên ngươi mới lấy tên giả là "Nguyên Thần", thuê chỗ trong xưởng thuyền này để tự tay đóng một cái?" Trong phòng, Ninh Uyên đứng cạnh một giá gỗ, hào hứng quan sát đủ loại công cụ được treo trên đó.
Hô Diên Nguyên Thần đứng trong góc, tay cầm khăn mặt, đang vò khăn trong một thùng nước trong: "Đại Hạ ít sông ngòi, nên cũng chẳng có thuyền mấy. Đến Đại Chu rồi, ta rất hứng thú với nghệ thuật đóng thuyền ở đây, qua mấy năm rồi cũng học hỏi được chút ít. Lần nào đến Giang Châu, ta cũng đến xưởng này luyện tay một ít." Dừng lại một lúc, hắn nói tiếp: "Còn họ của ta.. vừa nghe đã biết là người Đại Hạ, dùng tên giả để tránh phiền phức thôi."
Y quay lại nhìn hắn: "Này, trên lưng ngươi cũng dính sơn đấy."
"Thế hả?" Hắn quay người lại, tự nhiên đưa khăn cho y: "Ninh huynh lau hộ ta đi, ta không nhìn thấy gì cả."
"Ta cũng phục ngươi thật đấy." Y hơi do dự, nhưng cuối cùng vẫn nhận lấy khăn trong tay hắn, nhẹ nhàng lau sạch vết bẩn trên bờ vai rộng rãi của hắn: "Ngươi chỉ sơn thuyền thôi mà, sao lại dính lên lưng được vậy?"
"Chắc là lỡ tay cọ lên?" Hắn đáp.
"Tự dưng ta lại nghĩ đến một chuyện cười." Y bảo: "Ngươi có biết vì sao khi người ta ăn thang bao* mà sau lưng lại bị nóng không?"
"Ăn thang bao mà lưng bị nóng?" Hắn nghiêng đầu sang, tỏ vẻ khó hiểu: "Sao lại thế được?"
"Đương nhiên là được." Y đáp: "Có một người ăn thang bao, không cẩn thận để chảy nước ra tay. Nước chảy đến khuỷu tay, người đó không nỡ để phí nước như thế, liền giơ khuỷu tay lên liếm, rồi lưng liền bị nóng."
Hắn vẫn không hiểu: "Là sao?"
"Có gì mà không hiểu, ngươi thử liếm khuỷu tay xem sao."
Hắn đờ ra một lúc, cuối cùng cũng hiểu, khóe mắt cong lên: "Ta thích văn hóa của Đại Chu là ở chỗ này đấy, không chỉ có thơ hay ý đẹp, mà đến cả chê cười người khác cũng ẩn ý như vậy."
"Cười xong rồi thì ngồi im cho ta lau, đừng có động đậy, kẻo..." Y vỗ vỗ lên lưng hắn, ý bảo hắn đừng nhúc nhích. Nhưng khi tập trung vào mảng da thịt màu nâu đồng trước mắt mình này, y lại ngẩn ra.
Vừa rồi vì đứng ở xa, lại thêm việc mồ hôi hắn phản quang dưới ánh mặt trời, nên y không thấy lưng hắn có vấn đề gì cả. Nay nhìn gần mới thấy --- trên lưng hắn có rất nhiều vết sẹo, dài ngắn nông sâu có đủ, hẳn là đã có từ rất lâu. Sờ lên thì nhấp nhô, nhưng màu da lại không khác lắm màu da bình thường, nếu không để ý thì chưa chắc đã thấy.
"Sao thế?" Chợt thấy y im lặng, hắn nghi ngờ hỏi.
"Không có gì." Y tỉnh táo lại: "Trên lưng ngươi có nhiều sẹo quá, lúc trước đã bị gì vậy?"
"À." Giọng hắn rất đỗi thản nhiên: "Do hồi bé ta bị sói cắn đấy, đã lâu lắm rồi."
"Sói hả?" Y bật cười: "Sói nào có thể cắn ngươi thành thế này? Cả bầy sói hay sao?"
Y vốn chỉ nói đùa thôi, ai ngờ hắn lại gật đầu: "Gần như vậy. Khi đó ta bị cả đàn sói vây quanh, nếu không phải vì mùa đông mặc nhiều thì chắc đã không còn mạng rồi."
"Ngươi..." Tay y khựng lại, không hề che giấu nỗi khiếp sợ. Một người bị cả bầy sói vây quanh ư? Dù y chưa từng thực sự gặp sói bao giờ, thì cũng biết loài động vật quần cư này hung ác cỡ nào. Một con sói hoang dã có thể khỏe ngang bằng một nam tử trưởng thành luyện võ từ bé. Nhất là khi gặp con mồi, chúng sẽ cả đàn xông lên; mạnh như gấu cũng không phải là đối thủ của một bầy sói. Nếu Hô Diên Nguyên Thần nói thật, thì nhiều năm trước hắn vẫn chỉ là một đứa con nít, sao có thể sống sót dưới hàm răng của một bầy sói được?
"Ngươi đừng trách ta nói nhiều." Y nghi ngờ hỏi: "Ta chỉ tò mò thôi... Nếu ngươi thực sự bị bầy sói tấn công, thì sao chỉ bị thương trên lưng chứ những nơi khác không bị sao cả?"
Trước đây khi song tu với Hô Diên Nguyên Thần, Ninh Uyên đã thấy hắn để trần rồi, nên có thể chắc chắn là trước ngực hắn hoàn toàn nhẵn nhụi. Thế nên việc mọi vết thương đều tập trung hết lên lưng hắn này làm y thấy lạ - chẳng lẽ sói còn biết chọn chỗ để ngoạm à?"
"Vì trong ngực ta còn bảo vệ muội muội ta." Im lặng một lúc, Hô Diên Nguyên Thần mới trả lời: "Tiếc là dù ta đã cố gắng hết sức... thì vẫn không giữ người lại được."
"Đó là năm ta mười tuổi. Còn nhớ mùa đông năm đó tuyết rơi rất dày, ta lén dẫn nó cưỡi ngựa ra ngoại ô, ai ngờ không hiểu sao ngựa lại bị giật mình, không những chạy khỏi vùng có thị vệ, mà còn ném bọn ta lại một thung lũng. Chân muội muội ta bị thương, không thể đi được, ta liền cõng nó đi. Kết quả là không tìm được thị vệ, mà lại đụng phải bầy sói khi trời tối."
Ninh Uyên không nói gì - y cảm thấy mình đã hỏi phải một chuyện không nên hỏi rồi, nên giờ giữ im lặng là hơn. Nhưng hắn vẫn nói tiếp, giọng điệu rất bình thản, như thể đang kể lại câu chuyện của người khác vậy: "Rồi bọn ta được thị vệ cứu. Khi thị vệ tìm thấy bọn ta, bọn ta đã sắp bị bầy sói tha về ổ rồi. Ta bất tỉnh bốn ngày, nằm trên giường hai tháng mới có thể gắng gượng xuống giường. Còn muội muội ta, vì quá yếu... nên không cứu được."
Nói đến đây, hắn lắc đầu: "Giờ nhớ lại, cũng tại ta khi đó quá vô dụng thôi, cả ngày ham chơi, chẳng hề chuyên tâm luyện võ. Nếu khi đó ta giỏi võ hơn một chút, cố gắng hơn một chút, thì có lẽ đã có thể bảo vệ muội muội rồi." Rồi hắn nghiêng mặt sang bên, mỉm cười với y: "Đã nhiều năm như vậy rồi, nhưng cứ nghĩ đến chuyện đó là ta lại muốn nói ra. Ninh huynh đệ đừng cười ta nhé."
Ninh Uyên không nói gì. Y chợt cảm thấy - Hô Diên Nguyên Thần thật giống đời trước của y, cũng là thân mẫu mất sớm, muội muội chết trẻ, phụ thân chẳng quan tâm, thậm chí đích mẫu là hoàng hậu còn đưa hắn đến nước khác làm con tin.
Nhưng so với bản thân yếu nhược của kiếp trước, thì rõ ràng là hắn cởi mở lạc quan hơn y nhiều.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.