🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Mặt tôi tái lại khi nhìn thấy đụn pháo đó, nhìn sang Khánh thì thấy cậu ấy cũng chẳng khác tôi là bao. Ngay lập tức, tôi kéo Khánh chạy xuống dưới, cậu ấy cũng để mặc cho tôi kéo.

Tôi và Khánh khá thân với Liên, chắc lí do cậu ấy cho tôi kéo đi là vì vậy. Chạy qua cây cầu, tôi trượt chân rồi ngã úp mặt xuống tuyết. Khánh đỡ tôi dậy, phủi tuyết dính trên áo đi. Lúc vừa phủi xong thì một tiếng nổ nữa vang lên, tôi bịt hai tai lại rồi nhìn lên trời, thấy một đụn khói màu đen nữa.

“Sao thế nhỉ?”

Nghe câu hỏi đó của Khánh thì tôi vỗ cái đốp vào vai cậu ấy, nói: “Cái đó cũng phải hỏi, đó là do có người bị thương đó đồ ngốc!”

Khánh nhìn tôi rồi bĩu môi, sau đó cậu ấy cốc vào đầu tôi một cái. “Cái đó tao biết, ý tao là bên trong có chuyện gì mà lại có người bị thương.”

Tôi gật gù, nhìn Khánh, thấy cậu ấy cũng đang nhìn tôi. Hiểu ý nên cả hai đồng loạt gật đầu rồi đứng lên. Hai chúng tôi tiếp tục đi vào rừng.

Đến lúc này, tôi mới để ý rằng khu rừng này lạnh hơn bên ngoài rất nhiều. Khánh thấy tôi lạnh thì khoác một phần của cái khăn cho tôi, nhưng khi choàng xong thì trước mắt tôi chẳng còn thấy gì nữa… Vì cái khăn che luôn mặt tôi rồi! Khánh rất cao, đã vậy tôi còn có một chiều cao khá khiêm tốn nên khi choàng chung như vậy thì tôi sẽ bị che mất tầm nhìn.

Khánh cười khúc khích, không có ý định gỡ ra cho nên tôi gào lên: “Tao không thấy đường! Mày cố tình đúng không hả?”

Cậu ấy không trả lời mà kéo khăn xuống, lúc tôi đang nhăn nhó khó chịu thì thấy Khánh cởi hẳn khăn choàng ra rồi choàng lại cho tôi. Khánh nói: “Đây! Đã được chưa?”

Tôi cảm nhận được hơi ấm của cái khăn, cảm giác khó chịu cũng biến mất nên gật đầu. Sau đó cả hai lại tiếp tục đi vào trong. Đi được một lúc thì tôi nghe một tiếng gào khóc vang lên bi thiết khiến tôi giật nảy người lên. Theo thói quen, tôi chạy ra sau lưng Khánh nấp.

“Đừng sợ, có tao đây rồi.” Khánh trấn an, xoa đầu tôi sau đó nói tiếp: “Hình như phía trước có người.”

Nghe vậy, tôi he hé mắt nhìn. Đúng thật, tuy không thấy người nhưng tôi có nghe tiếng bước chân càng lúc càng gần và tiếng gào khóc ngày một to. Khánh đi chầm chậm về phía, tôi thì nắm áo cậu ấy bước theo sau.

“Liên ơi… trời ơi khổ quá con gái tôi…”

Đến lúc đã đến gần hơn thì tôi nhận ra đây là người của thôn, tôi định gọi thì nhìn thấy gương mặt ai cũng mang vẻ bi thương, tôi lại để ý thấy có một tấm bạt được đặt lên hai khúc tre bằng với kích cỡ của một đứa nít đang được hai người đàn ông khiên về, bên trên tấm bạt đó còn có phủ một tấm vải trắng giờ đây đã thấm đẫm thứ chất lỏng màu đỏ.

Đám người đó thấy hai chúng tôi thì dừng lại. Ông Bách nói: “Hai đứa sao lại vào đây nữa?”

Tôi ngạc nhiên khi thấy có cả dì Chúc – mẹ con bé Liên đi theo dù lúc nhìn ra từ trong nhà tôi có thấy dì ấy đâu?

Khánh chỉ tay vào tấm bạt, giọng thảng thốt: “Kia, kia… kia là…”

Đột nhiên một cơn gió mạnh thổi thốc đến làm tất cả mọi người đều run lên bần bật vì lạnh, cùng lúc đó tấm vải thấm đẫm thứ chất lỏng màu đỏ thì bị thổi tốc lên rồi rơi xuống tuyết. Khi tôi vừa nhìn được cái thứ được tấm vải che đi ban nãy thì tiếng khóc của dì Chúc lại vang lên bi thiết. Đó… chẳng ai khác là Liên!

Mắt con bé nhắm nghiền, cả người thì dính đầy máu đã đông đặc, tay và chân của con bé đều có những vết cào giống hệt như bố mẹ tôi và chú Dũng năm xưa. Nhưng những thứ ấy chẳng là gì, điều kinh khủng nhất, hơn cả bố mẹ tôi lại chính là ổ bụng của con bé. Ổ bụng nhỏ của Liên như bị ai rạch mà toang hoang lòi cả xương sườn trắng ởn còn dính chút thịt, ruột gan bên trong thì lại nhão nhoét những máu và thịt như bị khuấy lên.

Hai người đàn ông khiêng con bé lúc nãy rú lên một tiếng đầy kinh hãi rồi buông tay làm cái xác con bé rơi phịch xuống nền tuyết lạnh. Hai người đó ngã ra sau, mặt mày tái mét rồi ôm miệng bò vội vào bụi cây gần đó nôn thốc nôn tháo. Lúc này, mùi máu tanh tanh lợm giọng bắt đầu lan toả trong không khí khiến mọi người bắt đầu nôn khan. Tôi chạy đến chỗ đó, nhìn đôi mắt nhắm nghiền của Liên thì ngã khuỵu xuống.

Dì Chúc thấy tôi thì gào khóc to hơn, bà ấy ôm tôi, khóc nức nở: “Khổ quá An ơi… nó còn nhỏ như vậy… lại, lại ngoan như vậy… khổ quá, con gái tôi, trời ơi!”

Sống mũi tôi cay cay, hai hàng nước mắt cũng bắt đầu rơi như mưa. Tôi nhìn người phụ nữ đang gào khóc bất lực thì run giọng nói: “Dì, dì đừng khóc… đừng khóc… nếu dì khóc mãi, thì con bé… con bé không ra đi thanh thản được!”

Nói thì nói như vậy chứ khi nói xong tôi lại khóc oà lên, vậy là hai dì cháu cứ ôm nhau mà khóc. Khánh đứng ngoài sau, gạt vội nước mắt chuẩn bị rơi khỏi khoé mắt đã đỏ hoe. Cậu ấy vỗ vỗ lưng an ủi tôi, xong tôi lại nghe tiếng Khánh hỏi:

“Nãy con có thấy pháo hiệu đen, có ai bị thương vậy ạ?”

Tôi buông dì Chúc ra rồi gạt nước mắt đi. Khánh đỡ tôi đứng lên. Khi này, ông Bách đánh mắt ra sau lưng, tôi nhìn theo thì thấy có hai người đàn ông đang cõng trên lưng hai người bị ngất, nhưng điều lạ là tôi chưa từng gặp hai người này bao giờ. Đúng lúc định hỏi thì ông Bách giải thích:

“Lúc nãy khi trở về thì bọn ta thấy hai người họ bị ngất, có vẻ là người đi lạc.”

Sau đó mọi người nhặt lại tấm vải đắp lại lên người của Liên, rồi tất cả quay trở về thôn. Dọc đường đi, nước mắt tôi không thể ngừng rơi được dù bên cạnh Khánh đang cố gắng an ủi.

Con bé Liên từ mới ra đời đã rất thân với tôi, con bé rất quấn tôi, có gì ngon cũng mang cho tôi đầu tiên. Tôi nhớ lúc trước, bọn tôi thường xuyên trốn vào rừng hái quả dại, nhiều lần hai đứa còn đùa giỡn rồi cùng ngã ùm xuống suối. Dù cả hai đều ướt nhem nhưng vẫn cười ha hả chỉ vào nhau trêu chọc. Từng đoạn kí ức đẹp đẽ ấy đan xen vào nhau, chồng chéo trong đầu làm tôi cứ thút thít dọc đường đi, Khánh nhiều bảo tôi đừng khóc bằng cái giọng nghèn nghẹt như sắp khóc.

Hai người lạ ấy sẽ được mang về thôn rồi cho ở nhờ một nhà nào đó, nhưng vấn đề hiện tại là thôn không còn nhà nào trống cả, nếu có thì ai lại dám cho người lạ mặt vào ở cùng chứ? Vì ai mà biết họ là người xấu hay người tốt đâu mà…

Đi ra đến bên ngoài, về lại thôn thì tôi thấy bà đang đứng ở sân thì chạy vội lên. Bà thấy hai mắt tôi đỏ hoe thì cũng biết chuyện gì đã xảy ra nên thở dài não nề rồi xoa đầu tôi. Ông Bách và Khánh cũng đi lên. Ông Bách cất lời:

“Chị Dung, lâu không gặp, chị có khoẻ không?”

Bà tôi gật gù, cũng hỏi lại ông Bách vài câu. Sau đó, tôi thấy ánh mắt bà để ý đến hai người đang được cõng. Ông Bách dường như hiểu ý bà nên nói: “À… đó là… chúng tôi tìm thấy họ trong rừng, chắc có lẽ là bị lạc.”

Bà tôi ngạc nhiên, xong hỏi: “Ôi thế à? Các bác định đưa hai người họ đi đâu thế?”

“Tôi cũng chẳng biết, phải đi hỏi xem ai cho họ ở nhờ-”

“Ôi…” Bà tôi cười nhẹ nói: “Thôi hay là cho họ vào nhà tôi đi, trời lạnh như thế này mà cứ đi vòng vòng cả thôn chắc người ta chết cóng luôn đấy ông Bách ạ.”



Ông Bách ban đầu ngạc nhiên, sau cười hiền nói cảm ơn rồi kêu hai người đang cõng hai người kia lại để mang họ vào nhà. Vậy là hai người lạ được cho ở nhờ nhà tôi. Khi họ được đặt xuống giường thì tôi mới biết đó là một người đàn ông trung niên và một cậu con trai tầm tuổi tôi và Khánh. Nhưng vì hai người họ nên tối nay tôi sẽ phải ngủ ở phòng của bố mẹ vì hai người họ đang nằm trên giường của tôi.

Khánh bình thường không hay qua đêm ở nhà tôi nhưng hôm nay lại nhất quyết đòi ở lại khiến tôi có chút khó hiểu. Hỏi ra thì mới biết hoá ra là cậu ấy lo cho bà cháu chúng tôi, sợ họ là người xấu sẽ làm hại tôi và bà nên mới như vậy.

Tôi vỗ vai Khánh, nói: “Khỏi lo, đây là nhà tao, họ dám làm gì được?”

Ban đầu cậu ấy cứ lắc đầu không chịu cho đến dì Vĩnh đến lôi cậu ấy về thì Khánh mới lủi thủi mà về theo mẹ mình. Nhưng đi được mấy bước thì tôi thấy Khánh lại ngoảnh mặt lại nhìn, xong lại tiếp tục đi. Tôi nhìn theo bóng lưng cậu ấy mà phụt cười, nhưng nụ cười cũng chợt tắt khi tôi vô tình liếc mắt về phía cánh rừng.

Mọi tế bào máu của tôi dường như đông cứng lại khi tôi thấy một đôi mắt đỏ loé lên nhìn thẳng vào tôi, cảnh tượng… giống hệt năm năm trước! Cả người tôi run lên bần bật không biết là vì tức giận hay sợ hãi nhưng khi tôi tiến lên một bước định bám vào lan can bằng đá để nhìn rõ thì nó biến mất. Lại nữa! Nó lại một lần nữa biến mất tựa như bị bốc hơi, rốt cuộc đôi mắt đó là của ai? Là của ‘Nó’ sao? Là của con ác quỷ đó sao? Con ác quỷ của khu rừng đó, con ác quỷ đã giết bố mẹ, chú Dũng và cả một cô bé vô tội sao?

Tay tôi bám vào lan can, vô thức bấu chặt khiến đầu ngón tay trở nên trắng bệch, tôi nghiến răng trèo trẹo, cả người run lên, lần này tôi biết đây là cảm giác sợ hãi lẫn tức giận của bản thân đối với cái thứ mang đôi mắt đỏ đó. Tôi nhất định sẽ tìm ra ‘Nó’ là cái thứ quái quỷ gì và bắt nó phải trả giá cho những điều kinh khủng mà ‘Nó’ đã gây ra cho người thôn tôi.

Đêm hôm nay trời có rất nhiều sao. Tôi ngồi ngoài sân ngắm sao mà run lên từng đợt vì lạnh. Dù sao thôn tôi cũng có cái tên là Lĩnh Tinh, nghe người lớn giải thích thì họ bảo rằng “Lĩnh” có nghĩ là nhận lấy, đón lấy cái gì đó, còn “Tinh” thì chính là ngôi sao, điều đó ghép lại thì thôn tôi có nghĩa là “Nhận lấy ngôi sao”. Chắc vì điều đó mà thôn vào buổi đêm có rất nhiều sao, rất đẹp.

Hít một hơi thật sâu để cảm nhận bầu không khí trong lành của buổi đêm, tôi lại nhìn về phía cánh rừng như một thói quen thì chẳng có gì lạ xảy ra cả, nó chỉ đơn giản là im lặng như đang chìm vào giấc ngủ mà thôi. Tôi cũng bắt đầu thấy hơi buồn ngủ nên đi vào nhà, đẩy cánh cửa gỗ cũ kĩ ra thì tôi bước vào trong rồi đóng cửa, sau đó cẩn thận cài then lại. Tôi nhìn hai người lạ vẫn còn hôn mê từ lúc mang về trên giường của mình, thì thầm:

“Ngủ ngon nhé hai người lạ.”

Nói xong thì tôi đi vào phòng bố mẹ. Vì hằng ngày tôi vẫn vào đây để dọn dẹo nên phòng rất sạch. Phòng của bố mẹ tôi không quá rộng, chỉ để đủ một chiếc giường và một cái tủ quần áo. Nằm xuống giường, tôi rất nhanh đã chìm vào giấc ngủ.

Đêm hôm đó tôi đã nằm mơ. Một giấc mơ yên bình bên bố mẹ và bà. Hình ảnh tôi lúc chín tuổi đang xem bố gọt gọt đẽo đẽo khúc gỗ thành hình con gà, mẹ ngồi bên cạnh lâu lâu lại đút cho tôi mấy muỗng cháo, bà thì vừa đan len vừa nhìn ba chúng tôi từ bên trong nhà. Thế nhưng ngay sau đó, một ánh sáng loé lên và cảnh vật thay đổi. Hình ảnh lúc này trở nên tối tăm vô cùng. Nhìn xung quanh, tôi giật nảy người khi bên cạnh là xác của bố mẹ bị cào xé nham nhở, tôi cảm thấy khó thở, đến khi nhận ra thì đã thấy bản thân lơ lửng giữa không trung, trước mặt là đôi mắt đỏ quạch đang nhìn như thể muốn xâu xé tôi ra làm trăm mảnh.

Càng lúc tôi càng thấy khó thở, cảm tưởng như có một bàn tay vô hình đang càng lúc càng siết chặt hơn để khiến cổ tôi gãy đi vậy. Trong cơn khó thở, tôi nghe giọng nói của bố mẹ vọng từ khắp phía: “Dậy đi… Tỉnh dậy ngay!” Cùng với đó là tiếng răng rắc của xương gãy.

Tôi ngồi bật dây, thở hồng hộc đầy khó khăn. Lau đi mồ hôi lạnh trên trán, tay còn lại ôm lấy cổ thì tôi mới thở phào khi nhận ra đó chỉ là một giấc mơ. Nhìn ra ngoài, tôi thấy trời vẫn còn tối, ánh trăng bàng bạc hắt vào song cửa sổ làm khung cảnh trở nên vô cùng buồn tẻ. Tôi nhìn bầu trời lấp lánh ánh sao, lại nhớ đến giọng khi nãy thì vô thức cười mỉm.

“Cảm ơn bố mẹ…”

Hai người họ đã cứu tôi một mạng, nếu không chắc là tôi chết trong mơ rồi. Nhưng tôi cảm thấy có gì đó rất lạ. Tuy là tôi cũng thường nằm mơ nhưng đó chỉ là những giấc mơ bình thường chứ không phải thế này. Năm năm trước thì tôi bị đâm từ đỉnh đầu xuống, lần hai cũng là lần này thì bị bóp cổ… Điểm chung là lần nào cũng có một đôi mắt đỏ nhìn chằm chằm bản thân mình.

Nghĩ ngợi một lúc thì tôi lại thấy bản thân có hơi khát bèn đi ra ngoài để lấy nước uống, tôi đi xuống nhà bếp để lấy nước, uống xong thì tôi quay trở về phòng. Tôi có để ý chỗ giường của mình thì chỉ thấy có một người đàn ông trung niên đang nằm thì giật nhìn vội nhìn xung quanh, cuối cùng ánh mắt tôi va phải một cậu con trai đang ngồi ngoài sân.

Tôi mặc áo ấm vào, mở cửa thật nhẹ nhàng rồi bước ra ngoài. Khi vừa chạm chân xuống tuyết thì cậu trai đó quay qua nhìn khiến tôi thót tim một cái. Khi này tôi mới nhận ra đây chính là cậu trai được mang về lúc sáng. Cậu ta nhìn tôi, thấy vậy tôi vẫy tay chào:

“Chào cậu, khuya rồi sao cậu còn ở ngoài này? Không lạnh hả?”

Tôi bước lại gần rồi ngồi xuống ghế gần đó, thấy cậu ta không trả lời thì tôi tiếp tục nói: “Cậu tên gì thế? Mình tên An, Tuyết An đấy.” Tôi chỉ tay xuống tuyết, giới thiệu.

Cậu ta lạnh lùng ngoảnh mặt đi chỗ khác, tôi cau mày định sẽ đứng dậy bỏ vào trong thì cậu ta nói: “Tôi tên… tôi tên Tùng, Bách Tùng.”

Tôi cười mỉm, xong lại để ý thấy Tùng đang nhìn vào trong rừng thì nói: “À… Tùng này, sao cậu và người đàn ông đó lại bị ngất trong rừng vậy?”

Tùng nhìn vào trong nhà, sau đó nhìn tôi, trả lời: “Đó là bố của tôi, hai chúng tôi…” Tùng ngập ngừng rồi im lặng không nói nữa.

Thấy vậy, tôi cũng không muốn tọc mạch nên cũng im lặng. Cả hai cứ vậy im lặng cho đến khoảng năm phút sau thì cậu ta nói: “Cậu bao nhiêu tuổi?”

“Mình mười lăm.” Tôi vui vẻ trả lời, nhìn sang Tùng thì tôi thấy cậu ta đang run lên thì bật cười, tôi nói: “Mau vào nhà và ngủ đi thôi, bây giờ ở ngoài là lạnh lắm đấy.”

“Tôi cũng vậy.” Tùng cười nhẹ, nhìn tôi rồi gật đầu. “Ừm vào thôi.”

Cả hai đi vào trong nhà, cài then cẩn thận, tôi nói: “Nếu lạnh có thể vứt thêm củi vào lò sưởi… ngủ ngon.” Nói xong tôi mở cửa phòng, đi vào trong rồi đóng lại.

Sau đó tôi ngủ rất ngon. Sáng hôm sau, ánh sáng của buổi sớm chiếu thẳng vào mặt khiến tôi tỉnh giấc. Dụi dụi mắt, tôi đứng dậy rồi đi ra ngoài. Lúc vừa mở cửa thì tôi nghe một giọng đàn ông:

“Chào buổi sáng.”

Tôi giật mình, nhìn người đàn ông đó. Người đó thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi thì bật cười nói: “Cảm ơn vì đã nhường giường của mình cho chú và Tùng nhé.”

Lúc này tôi mới sực nhớ ra họ là hai người được mang về thôn hôm qua thì tôi cười cười gật đầu: “Dạ, chào buổi sáng chú và Tùng ạ.”

Tùng chỉ gật đầu, không đáp. Tôi nhìn người đàn ông, chú ấy hiểu ý nên nói: “Chú là Hữu, bố của Tùng.”

“À dạ, con là An ạ.” Tôi gãi đầu, tiếp tục: “Con đi đánh răng cái nha.”

Nói xong thì tôi đi thẳng vào nhà tắm. Khi trở ra thì thấy bà đang nói chuyện với chú Hữu, tôi không thấy Tùng đâu nên hỏi: “Ơ… chú ơi, Tùng đâu rồi ạ?”

Chú Hữu nhìn tôi, trả lời: “Tùng vừa ra sân, nó nói lần đầu thấy tuyết nên muốn quan sát một chút.”



Lần đầu thấy tuyết sao? Tôi tưởng ở đâu vào mùa đông cũng có tuyết chứ? Nhưng tôi không hỏi lại mà gật đầu rồi đi ra ngoài, vừa mở cửa thì tôi nghe giọng của Tùng vang lên:

“Lạnh quá…”

Tôi nhìn cậu ta, tự hỏi xem có phải Tùng bị ngốc không mà lại ra ngoài trời tuyết lạnh như thế này khi chỉ trùm một cái áo mỏng như thế? Tôi nói: “Này, cậu bị ngốc hả? Mặc mỗi cái áo mỏng thế kia thì không lạnh à?”

Tùng giật mình, ngẩng lên nhìn tôi thì cậu ta ấp úng: “Không… tại lần đầu tôi thấy tuyêt nên mới…”

Lại lần đầu. Tôi bước lại gần hỏi: “Không phải ở đâu vào mùa đông cũng có tuyết hay sao chứ?”

Tùng nhìn tôi vẻ khó hiểu, xong cậu ta lắc đầu nói: “Không, ở chỗ bọn tôi không có tuyết… Phải nói là mọi nơi, trừ một số nước khác và một số nơi của nước ta thì còn lại đều không có tuyết vào mùa đông, đây là lần đầu tôi thấy.” Ngừng một lúc, cậu hỏi: “Cậu không biết sao?”

Tôi lắc đầu. Tùng cười nhẹ nhìn rất dịu dàng rồi nói nhỏ: “Ừm, thế thì bây giờ cậu biết rồi đó.”

Hoá ra cậu ta lại có vẻ dễ gần đến thế. Đêm qua tôi còn nghĩ cậu ta khó ưa… Xin lỗi. Ngồi xuống cái ghế gần chỗ Tùng, tôi hào hứng hỏi: “Cậu có thể kể thêm về nơi cậu sống được hông?”

Sau đó Tùng đã kể cho tôi nghe rất nhiều, nào là ở nơi đó còn được gọi là Thành Phố, nơi đó có những toà nhà cao chọc trời, nào là ở đấy vào ban đêm sẽ sáng rực đèn như những ngôi sao trên bầu trời… Nhưng có lẽ thứ làm tôi thích nhất chắc là điện thoại thông minh, hình như còn được gọi là cái gì mà sờ mát phôn (smartphone) ấy. Tùng kể nó có rất nhiều công dụng, mọi thứ có thể tìm thấy trong một nốt nhạc.

“Đã thế! Ở đây ấy nhé, có việc gì thì toàn là đến tận nhà nói hoặc thông báo trên cái loa ấy.”

“Vậy à?” Tùng à một tiếng, xong lại nhìn vào bên trong nhà hỏi: “Tôi thấy bên trong nhà cậu có tivi mà?”

Tôi cũng nhìn theo, sau đó bĩu môi đáp: “Cái đó phế lắm cơ, chỉ coi được có dự báo thời tiết à.”

Thấy tôi có vẻ chán nản thì Tùng nói: “Vậy bao giờ có dịp… tôi đưa cậu đi đến nơi đó chơi nhé?”

Tôi gật đầu ngay lập tức. Cảm thấy rất vui. Sau đó tôi thấy ánh mắt Tùng cứ nhìn vào bên trong rừng thì hỏi: “Cậu nhìn gì thế?”

“Người thôn cậu tốt thật đấy.” Tùng nhìn gương mặt đang ngơ ra của tôi thì cười mỉm tiếp tục: “Nếu như là những chỗ khác, chắc người ta sẽ để hai bố con tôi chết trong rừng rồi.”

Hơi ngạc nhiên một chút, tôi xua xua tay: “Ôi ai lại ác đến thế? Với lại… một phần là vì trong đó có… à mà thôi.”

Tôi im lặng, rồi nhớ lại con bé Liên vừa chết thảm trong đó thì cảm nhận được trái tim của mình như thắt lại, Tùng khó hiểu nhìn tôi thì tôi nói: “Cậu đi đến chỗ này với mình nhé? Sau đó chắc là cậu cũng có thể hiểu vì sao người của thôn mình lại mang hai người về.”

Tùng bày vẻ không hiểu gì nhưng vẫn gật đầu. Tôi phì cười rồi đi vào bên trong nhà, vào nhà, tôi lấy một cái áo ấm của bố trước kia rồi mang cho Tùng. Vì nếu cậu ta chỉ mặc một cái áo mỏng như vậy có thể sẽ bị ốm nên đành vậy.

Mang cái áo ra ngoài, tôi đưa cho Tùng. Ban đầu cậu ta không hiểu ý, tôi thở dài nói: “Mặc vào đi, ấm lắm đó.”

Nói xong thì tôi bước đi luôn, liếc mắt nhìn ra sau thì tôi thấy cậu ta đang loay hoay mặc cái áo vào rồi chạy vội theo, điều đó làm tôi bật cười. Khi Tùng đã đuổi kịp thì cũng chỉ im lặng đi theo. Lâu lâu, Tùng lại nhìn những ngôi nhà ở đây rồi lầm bầm gì đó khiến tôi thấy rất lạ nhưng không tiện hỏi nên thôi, tôi cũng không để tâm đến nữa vì dù sao cũng đã gần đến nhà con bé Liên rồi.

Tôi và Tùng đi lên từng bậc thang để đi lên tầng hai của thôn, khi đã lên đến nơi thì tôi lại rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy căn nhà đơn sơ đang bao trùm không khí bi thương ấy. Đó là nhà của Liên.

Đi lại gần, tôi đã thấy anh Lân ngồi thất thần ở cửa, lại nghe thấy tiếng khóc nấc bi thương của dì Chúc thì trái tim tôi lại dâng lên một nỗi xót xa.

“Có chuyện gì thế?” Tùng hỏi, giọng hoang mang.

Tôi không trả lời mà đi thẳng. Tiếng chân loạt xoạt trên tuyết của tôi vang lên khẽ khẽ, anh Lân nhìn lên, thấy tôi thì gật đầu thay cho lời chào. Tôi thấy anh như vậy thì lại muốn khóc, Tùng tuy vẫn chưa hiểu gì nhưng cũng lẳng lặng đi theo tôi.

Tôi đi vào trong nhà, đập vào mắt tôi đầu tiên là cái quan tài nhỏ vừa một đứa trẻ, nói là quan tài chứ thực ra nó cũng chỉ là một cái thân cây to được đẽo rỗng ruột rồi cắt dọc ra làm đôi mà thôi. Dì Chúc phủ phục khóc lóc bên cái quan tài vẫn còn mở nắp, khung cảnh khiến ai nhìn vào cũng thấy đau lòng.

Tôi khẽ chào mọi người có mặt ở đó, xong ông Bách lấy mấy que nhang, đốt lên rồi đưa cho tôi và Tùng. Cậu ta nhìn nhang xong lại nhìn tôi, bày vẻ khó hiểu thì tôi nói: “Tạm thời cậu là người của thôn, nếu không thắp một nén sẽ bị quở đấy.”

Nghe tôi nói thì Tùng mới nhận lấy.

Nhìn quan tài nhỏ của Liên, tôi khấn trong đầu: “Dù sao trước đây chúng ta cũng thân thiết với nhau, em sống khôn thác thiêng mà phù hộ cho chị tìm ra ‘Nó’ là thứ gì để trả thù cho bố mẹ chị, chú Dũng và cũng như là em nhé… Liên…”

Không biết là vì khói nhang hay là vì điều gì mà hai mắt tôi cay xè, hai hàng lệ ấm đã đổ dài trên gò má. Khấn xong thì tôi vái em ấy mấy vái rồi cắm nhang lên cái lư hương nhỏ có nhiều nhang đã tàn. Nhìn Tùng thì thấy cậu ta đã làm xong và đã đi ra bên ngoài.

Khi này một cơn choáng váng ấp tới khiến tôi suýt thì ngã xuống, cũng may có người ở gần nên đã nhanh tay đỡ lấy tôi.

“Này, em có làm sao không?” Người đỡ tôi lo lắng hỏi.

Tôi xua xua tay, đứng thẳng trả lời: “Không ạ… em ổn, cảm ơn chị.”

Tôi đánh vào đầu mình mấy cái cho tỉnh táo nhưng vẫn cảm thấy đầu óc nhức liên hồi. Cố nén sự khó chịu, tôi đi lại chỗ dì Chúc, vỗ vai dì tôi an ủi: “Dì bớt buồn nhé, chuyện cũng đã qua… con nghĩ Liên sẽ không vui nếu dì cứ khóc mãi như vậy đâu…”

Lời nói của tôi vừa dứt thì cũng là lúc tôi đổ người xuống nền đất, tôi cảm thấy choáng váng và đầu thì như muốn nổ tung, trong lúc nửa mê nửa tỉnh thì tôi thấy Khánh đang hốt hoảng chạy về phía mình, sau đó… tôi không biết gì nữa.

Hết chương 5.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.