[ Thanh xuân ở nơi nào? Từng ánh mắt của thiếu niên, đen trắng rõ ràng, giống như một bức màn. Dũng cảm, xúc động, yếu đuối, tò mò, khát vọng, hoang mang, thương tâm, thất vọng, suy tư… Tất cả sắc thái đẹp đẽ đều trình diễn trên bức màn đen trắng rõ ràng đó. Khi bức màn ấy được kéo lên, chúng ta lại ngây thơ không biết, cho dù nó đang ở gần ánh mắt của chúng ta.. Nguyên nhân là vì nó quá gần, gần như ở trong mắt chúng ta, thế nên, chúng ta không thể nhìn thấy.. Chỉ đến khi nó dần dần rời xa, chúng ta mới có thể thấy rõ nó. Thấy rõ tất cả có lẽ sẽ tuyệt vời, có lẽ thấy được c chuyện sau lưng con người ta có nhân quả rõ ràng, nhưng, sau khi tất cả hình ảnh đã đóng thành một cuộn phim, thì cho dù chúng ta mỉm cười, hay rơi lệ, cũng chỉ có thể đứng từ xa xa nhìn về thời gian đầu đó, yên tĩnh nhìn trên màn ảnh kia đang dần dần hiện lên những hình ảnh và cũng dần dần biến mất. Đó là thanh xuân, chỉ sau khi rời đi, chúng ta mới có thể thấy rõ ràng.] Bắt đầu nhớ lại Tôi sinh ra trong một gia đình rất bình thường, điều kiện gia đình tôi không giàu cũng chẳng nghèo, trình độ văn hóa của bố mẹ không cao cũng không thấp. Trí nhớ của tôi trước khi tôi năm tuổi, có rất ít hình ảnh về họ, bởi vì khi tôi một tuổi năm tháng, em gái La Viện Viện được sinh ra, bố mẹ đưa tôi đến sống cùng ông ngoại. Ở cùng ông ngoại, tôi rất vui vẻ hạnh phúc, có được ngàn vạn yêu chiều cho cả đời, là một đứa nhỏ điển hình được ngâm mình trong “bình mật”. Ông ngoại là kĩ sư về các công trình bằng gỗ tốt nhất ở địa phương, vẽ vòng tròn có thể không cần com-pa, có thể viết chữ nhỏ rất đẹp, lúc tuổi già khi vui vẻ lại đọc truyện Kim Dung, đến nay trong nhà vẫn có bản viết tay đóng thành sách truyện “Ỷ Thiên Đồ Long Kí” của ông, nó được đóng thành sách như một quyển sách cổ đẹp đẽ quý giá. Ông xuất thân giàu có, nhà có một khu vườn cam lớn. Bởi vì xuất thân của ông mà vào những năm đó, ông đã trải qua không thiếu sóng gió, dù là đau khổ gì, ông cũng lạnh nhạt đối mặt, chuyện duy nhất ông không thể lạnh nhạt là khi ly hôn với bà ngoại. Sau khi ly hôn, bà ngoại mang mẹ tôi rời xa quê nhà, bà gả cho một người khác, người đàn ông đó đối xử không tốt với mẹ tôi, thời thơ ấu và niên thiếu của mẹ tôi có thể nói là bất hạnh. Cho đến khi mẹ tôi gặp lại ông ngoại, cũng đã là hơn hai mươi năm sau rồi, khi mẹ mới gặp lại ông, dù thế nào cũng không gọi một tiếng “bố”, nhưng ông ngoại lại nước mắt ngang dọc. Bà ngoại là người muốn ly hôn, không phải lỗi của ông ngoại, nhưng ông luôn cảm thấy áy náy với mẹ tôi, hơn nữa khi đến ở với ông, ông đã cưng chiều tôi đến độ cả người và thần đều phải phẫn nộ. Mẹ kế của mẹ tôi có nhớ, trước đây tôi là một cô bé điệu đà lại kiêu ngạo, hám bà ấy mua cho tôi một đôi giày da nhỏ, buổi sáng đã giúp tôi đeo giày, nhưng tôi kiên quyết không chịu đeo, ghét giày da có màu không sáng, dù bà có khuyên tôi thế nào tôi cũng không dùng nó, thế nên bà đã bỏ bữa sáng để giúp tôi đánh bóng giày, bà chỉ oán giận hai câu, tôi đã lập tức chạy đi mách ông ngoại, kiên quyết đòi ông đánh mông bà, vậy mà ông ngoại còn nghiêm túc lấy tờ báo vỗ vào người bà hai phát. Còn nữa, trong nhà bất luận là ai chụp ảnh, cũng không thể không cho tôi vào, nếu không cho tôi chụp ảnh cùng, thì người đó đừng mong được chụp, ngay cả khi mẹ kế của mẹ chụp ảnh chung với đồng nghiệp, tôi cũng chen chân vào, vì vậy, tuy năm đó chụp ảnh vẫn là chuyện nghiêm túc rất hiếm gặp, nhưng dưới năm tuổi tôi đã được chụp rất nhiều ảnh, thường thường là một đống người lớn còn ở giữa lại có một cô gái bé xíu, mọi người dở khóc dở cười, tôi phấn chấn dào dạt. Những kỷ niệm đó đều là do mẹ kế của mẹ tôi kể lại, tôi thì không nhớ rõ chút nào. Trong trí nhớ của tôi, tôi chỉ nhớ rõ ông ngoại đưa tôi đi câu cá, tôi không thích ông bế mà muốn tự đi, ông liền đi bên cạnh tôi, đường cũng ngắn thôi nhưng tôi vừa đi vừa hái hoa, rồi lại muốn bắt châu chấu, vậy nên đi một hai giờ cũng là bình thường, ông ngoại vẫn đi cùng tôi; ông mua sô cô la rượu [1] cho tôi, chỉ vì tôi thích ăn, ông cũng không ngại người lớn nói trẻ con không được ăn thứ có chứa rượu ấy; tôi làm đổ mực nước lên bộ sách cổ của ông, vợ hai của ông nhìn mà đau lòng, ông chỉ cười ha ha, sáng sớm, ông dạy tôi tụng “Xuân miên bất giác hiểu”; chạng vạng, ông bế tôi, ngồi trên xích đu, lắc qua lắc lại dưới ánh hoàng hôn. (Xuân miên bất giác hiểu: Giấc ngủ đêm xuân không biết trời sáng.) Dưới sự cưng chiều của ông ngoại, tôi kiêu ngạo vui vẻ thỏa thích. Khi tôi năm tuổi, vì phải vào tiểu học nên bố mẹ đến đón tôi về. Còn nhớ khi mẹ xuất hiện trước mặt tôi, tôi không chịu gọi mẹ là “mẹ”, tôi chỉ vừa mút kẹo que, vừa dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn người phụ nữ mang vẻ mặt đau thương đến từ xa đó. Trong tiếng gào khóc ầm ĩ, chân đá tay đấm của tôi, mẹ mạnh mẽ ôm tôi đến nhà ga xe lửa, quay trở về “nhà” của tôi. Kể từ đó, hạnh phúc của tôi đã kết thúc, cực khổ lại bắt đầu. Khi còn ở với ông ngoại, tôi là cô công chúa nhỏ, tôi có được tất cả những gì tốt nhất, có rất nhiều tình yêu thương, toàn bộ thế giới đều xoay chuyển xung quanh tôi, nhưng, khi ở với bố mẹ, có một cô bé khác, em gái của tôi mới là cô công chúa nhỏ. Bố mẹ tôi vốn bận rộn làm việc, nhưng khi họ có thời gian rảnh thì đều giành cho em gái tôi. E lớn lên bên cạnh bố mẹ, em có thể nói cười thoải mái, có thể làm nũng, có thể dỗ bố mẹ vui, mà tôi thì trong một thời gian dài cũng không chịu gọi họ là “bố”, “mẹ”. Hai đứa trẻ tuổi không hơn kém nhau nhiều, mà cả hai đều được nuôi nấng cưng chiều, khi ở cùng một chỗ không thể tránh được những lúc cùng tranh đồ chơi, cùng tranh đồ ăn vặt, tôi một lần nữa bị bố mẹ căn dặn và cảnh cáo, “Con là chị, con phải nhường em gái.” Cường điệu muốn chị em hòa thuận, chị nhường em gái. Dưới sự giáo dục “Chị em hòa thuận, chị nhường em gái” của bố mẹ, món đồ chơi tốt nhất dành cho em, đồ ăn ngon nhất dành cho em, chiếc váy xinh đẹp nhất dành cho em, nói ngắn lại, chỉ cần cô em muốn, cô em thích, thì cô chị là tôi cũng không rên một tiếng mà từ bỏ những thứ ấy. Sau vô số lần “chị nhường em gái”, tôi bắt đầu học ngoan, tôi thường tránh ra bên ngoài chơi một mình, mặc kệ là cái gì, tôi đều tự giác chờ em gái chọn trước, cái gì em không cần thì sẽ là của tôi, thậm chí khi đã là của tôi rồi, chỉ cần cô em muốn, tôi cũng có thể cho em. Ăn cơm, ngồi trên bàn ăn, một câu không nói, ăn cơm rất nhanh, sau đó rời đi, bọn họ cười vui nói chuyện với nhau cũng không liên quan gì đến tôi. Tôi từ ríu ra ríu rít, bắt đầu trở nên trầm mặc ít lời. Tôi thường nhớ tới ông ngoại, thời gian đó, mỗi lần khổ sở cô đơn, tôi sẽ nghĩ chờ mình trưởng thành, chờ đến khi tự mình có thể ngồi xe lửa, tôi sẽ trở về bên ông, chỉ có như vậy, tôi mới cảm thấy cuộc sống của bản thân mình còn có chút hy vọng. Hình ảnh khắc sâu nhất trong trí nhớ của tôi là vào một buổi hoàng hôn, mẹ bận rộn trong phòng bếp, tôi tránh vào một góc ở giá sách xem sách ảnh nhi đồng, bố tan làm trở về, mở cửa ra, tiếng gọi đầu tiên chính là “Viện Viện”, em gái thì gọi to “Bố”, vui vẻ chạy đến chỗ bố, bố bế cô bé lên, tung cô bé lên cao rồi lại đón lấy, hai người vui đùa cười to trong phòng khách. Tôi âm thầm trốn, trầm mặc rình coi. Họ làm trò chơi, họ kể những câu chuyện, họ cười vui lại cười vui, một giờ, không có ai hỏi tôi ở nơi nào. Cảm giác này giống như tôi đang ngồi ở nơi nguyên thủy nhất của vũ trụ, bốn phía tối đen, vô cùng lạnh lẽo, cô đơn và hoang vắng tràn ngập quanh tôi. Lúc ấy có lẽ tôi còn không rõ cái gì là thời tiền sử của vũ trụ, cũng không rõ loại cảm xúc làm mình nhìn ra bên ngoài đầy khát vọng, lại thấy buồn tủi đó gọi là gì, nhưng, cô bé cuộn mình trong góc âm u, hai tay ôm chặt cơ thể mình, mắt không chớp nhìn chằm chằm ra bên ngoài ấy, khát vọng nghe một tiếng gọi tên mình của bố mẹ vĩnh viễn khắc sâu trong lòng t Mãi cho đến khi nấu xong cơm tối, mẹ dọn đồ ăn ra bàn, mới nhớ tới bảo tôi ăn cơm, tôi vẫn tránh ở giá sách, sofa và vách tường tạo nên một góc khuất khó nhìn thấy. Tôi lại tự thương hại mình, lại kiêu ngạo, trong lòng tôi nghĩ rất nhiều rất nhiều lần, vì sao bây giờ mới nhớ tới tôi? Đã muộn, đã quá muộn rồi! Nếu gọi tôi sớm hơn một chút, tôi sẽ hạnh phúc lao ra vì được các người kêu gọi, nhưng mà bây giờ, tôi không muốn trả lời! Tôi chính là không muốn trả lời! Tôi không quan tâm! Tôi không quan tâm chút nào đến các người! Mẹ mở từng cửa phòng gọi tôi, vẫn không tìm thấy tôi, họ hỏi em gái tôi đi đâu, nhưng cô ngốc đó chỉ biết lắc đầu, nũng nịu nói: “Con đang chơi xếp gỗ, không biết chị đi đâu.” Bởi vì tôi còn nhỏ, ngồi thu mình trong góc, là một điểm mù của thị giác; họ không thể tưởng tượng được, tôi đang ở ngay trong phòng khách mà cũng không nhìn thấy, đó lại là một điểm mù của tâm lý, vì vậy bố mẹ vẫn không tìm thấy tôi, họ lo lắng không thể ăn cơm, vội vàng nhờ một cô hàng xóm trông em gái, hai người mặc áo khoác vào, chạy vào giữa đêm đông gió lạnh, bắt đầu đi tìm tôi, mà tôi thì ngồi một góc trong phòng khách, lẳng lặng nhìn tất cả mọi chuyện xảy ra. Tôi cũng không cố ý gây nên chuyện rối rắm này, chỉ là lúc ấy tôi thật sự không muốn lên tiếng đáp lại lời gọi của bố mẹ, và sau đó, khi mọi chuyện lớn lên, bản thân tôi bắt đầu bối rối sợ hãi, không biết nên làm cái gì bây giờ, chỉ có thể co rúm người lại trong góc. Chuyện khôi hài ấy vẫn tiếp tục đến đêm khuya, cho đến khi em gái đi tìm miếng ghép trong bộ đồ chơi bằng gỗ đã nhìn thấy tôi. Vẻ mặt của cô bé phấn chấn tự hào cứ như quân ta bắt được đặc vụ Quốc dân Đảng, tranh công đi đăng báo, bố muốn đánh tôi nhưng mẹ đã ngăn lại, hỏi tôi nguyên nhân, tôi nhìn bàn tay thô to của bố, vuốt vuốt mông mình, không kịp nghĩ gì đã thốt ra, “Con không nghe thấy bố mẹ gọi, con xem tranh vẽ rồi ngủ quên ạ.” Lời nói dối đầu tiên trong đời đã làm tôi miễn được vài phát “Tay sắt đánh mông”. Khi còn một tháng nữa là đủ sáu tuổi, tôi vào tiểu học. Lúc ấy, độ tuổi đi học bị kiểm soát rất nghiêm ngặt, không đủ bảy tuổi thì tuyệt đối không được đến trường, chứ đừng nói đến chuyện kém hơn một tuổi, ngay cả kém một tháng cũng không được. Bố vì muốn cho tôi nhập học, nên đã nghĩ một cách, dựa vào mối quan hệ của mình mà cho tôi vào học tại trường tiểu học của bộ bi trường học đó được quân đội xây dựng, tiêu chuẩn nhập học thoải mái hơn nhiều. Tuy nhiên, bởi vì tôi mắc bệnh lao phổi, còn chưa học được bao nhiêu đã phải tạm nghỉ học. Sau một năm ở nhà dưỡng bệnh, bố mẹ hỏi tôi muốn học lớp một hay muốn học tiếp lớp hai. Vào thời gian đó, trong trường học lưu hành một bài ca dao nổi tiếng: “Lưu ban sinh sao hoa sinh, sao hoa sinh cho bác sĩ. Bác sĩ nói ăn ngon thật, thì ra là tên lưu ban sinh!” [2] [2] Một bài ca dao có vần, vì vậy mình để Hán Việt, “lưu ban sinh rồi sao hoa sinh”. Hiểu là thế này: “Học sinh lưu ban rang lạc, rang lạc cho bác sĩ, bác sĩ nói ăn rất ngon, thì ra nó là học sinh lưu ban”. (Chắc chỉ là nói vần thôi, còn tại sao lại nói thế thì mình không biết :”>. ) Chính mắt tôi đã thấy một đám trẻ con tụ tập ven đường cao giọng trêu đùa một bạn nhỏ như vậy, nghĩ đến đó, tôi rùng mình, dứt khoát nói với bố mẹ, tôi muốn học lớp hai. Vậy là bố mẹ đã cho tôi theo học lớp hai. Tôi vốn ít tuổi hơn các bạn trong lớp, tâm trí vẫn còn ngây ngô, lại không học năm đầu tiên, kết quả cũng dễ dàng tưởng tượng —— thành tích của tôi không tốt chút nào. Bởi vì tính cách quái gở, trầm mặc ít lời, hơn nữa thành tích lại không tốt, từ đầu đến chân tôi đều không phải dạng học sinh mà thầy cô thích, thế nên tôi càng biểu hiện tính cách quái gở, trầm mặc ít lời, thành tích không tốt. Có điều, những chuyện đó đều không quan trọng lắm, bởi bố mẹ không cần thành tích học tập của tôi, cho tới bây giờ dù kết quả kiểm tra của tôi là thứ nhất hay thứ hai từ dưới lên thì họ cũng không quở trách tôi, bố mẹ chỉ nói tôi cố gắng hết sức là tốt rồi, vì vậy tôi không có áp lực học tập quá lớn. Ngoại trừ cô em gái làm tôi hâm mộ, ghen tị, chán ghét kia, cùng với gia đình làm tôi cảm thấy vô cùng áp lực và cô đơn thì cuộc sống của tôi cũng không có trở ngại gì, thậm chí tôi còn quen một bạn cực kỳ tốt —— Cát Hiểu Phỉ, kết quả học tập của cậu ấy đứng đầu lớp, là con gái một, vô cùng hâm mộ tôi có một cô em gái có thể cùng chơi, mà tôi lại hâm mộ cậu ấy vì được làm con gái một. Khi học trung học cơ sở, trong giờ chính trị học, tôi đã biết kế hoạch hóa gia đình là chính sách cơ bản của quốc gia, tôi còn oán trách nước mình không chấp hành đúng chính sách gì cả. Cát Hiểu Phỉ rất thích nói chuyện, mà tôi lại rất không thích nói chuyện, ở cạnh tôi, cậu ấy hoàn toàn không phải người tranh nói với mình. Ngoài điểm khác biệt ấy, tôi và Cát Hiểu Phỉ còn có một điểm giống nhau, đó là chúng tôi đều không thích về nhà, thường thường sau khi tan học, các bạn trong lớp đều hớn hở chạy về nhà, nhưng hai đứa chúng tôi vẫn lang thang quanh trường học. Lang thang nhiều lần, ngẩng đầu không thấy cúi đầu gặp, thường xuyên qua lại, chúng tôi đã trở thành bạn tốt, mà khi tôi ở trước mặt cậu ấy, đôi khi cũng hoạt bát nghịch ngợm giống như lúc còn ở bên ông ngoại. Hai đứa cùng đến trường, cùng tan học, khi ở cạnh nhau, luôn là tay nắm tay, tôi cảm thấy cậu mới là chị em của mình, thậm chí một cái kẹo, tôi cũng giữ lại một nửa cho cậu, cậu rất tốt với tôi, chỉ cần tôi nghĩ muốn, cậu thà rằng mình không cần cũng sẽ để lại cho tôi, khi tôi không vui, cậu luôn cố gắng làm mọi chuyện để tôi cười, bàn tay tôi rất vụng về, mỗi lần bắt đầu bài học đều viết chậm hơn các bạn khác, cậu ấy luôn giúp tôi làm bài tập, chờ đến khi tôi làm xong, mới vội vàng làm bài của mình. Hai đứa hòa thuận như một cặp song sinh, chỉ tiếc không thể lúc nào cũng dính vào nhau. Có một ngày sau khi tan học, chúng tôi nắm tay nhau chơi thật lâu vẫn không muốn tách ra, nhưng mà trời đã tối rồi. Hiểu Phỉ nói cậu ấy không muốn về nhà, hỏi tôi có thể đi cùng cậu ấy không, tôi liền mời cậu ấy về nhà mình, bố mẹ nhìn thấy tôi dẫn một bạn nhỏ về nhà thì đã chiêu đãi bạn ấy vô cùng nhiệt tình, buổi tối, hai đứa được ngủ chung giường, đầu kề đầu, đó là lần đầu tiên tôi không cảm thấy cô đơn khi ở nhà, mà cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Ngày hôm sau rời giường, thấy vẻ mặt tiều tụy của bố mẹ, tôi mới biết được đêm qua Hiểu Phỉ không về nhà đã tạo nên một chuyện kinh hoảng, những năm đó lại không có điện thoại, bố mẹ cậu ấy chỉ có thể đến từng nhà tìm con, nửa đêm hai ba giờ sáng mới tìm đến nhà tôi. Bố không hài lòng vì Hiểu Phỉ nói dối bố mẹ cậu ấy biết cậu ấy ở nhà tôi, nhưng mẹ lại không nói nhiều lời, mẹ vẫn làm một bữa sáng phong phú như trước, để chúng tôi ăn sáng xong rồi đến trường. Hiểu Phỉ rầu rĩ không vui một ngày, ngày hôm sau lại vui vẻ thoải mái. Vì có Hiểu Phỉ, nên dù cuộc sống của tôi có bóng ma, nhưng vẫn tính là vui vẻ. Tuy nhiên, có lẽ cuộc sống cảm thấy con lạc đà nhỏ tôi đây còn mang vác đồ chưa đủ nặng, vì vậy nó ném cho tôi một cây gỗ rất nặng. Học lớp ba ở Tiểu học, vì bố chuyển công tác nên tôi phải rời khỏi nơi này, đến một thành phố mới, tôi và Hiểu Phỉ rớt nước mắt tạm biệt, cậu ấy ôm tôi khóc lớn, tuy lúc ấy tôi không c, nhưng vừa ngồi lên xe, nước mắt tôi lại tuôn ra ào ào, tôi còn không muốn bố mẹ phát hiện, tôi phải ngậm chặt miệng, mới có thể khóc không ra tiếng. Tuổi nhỏ còn chưa thật sự hiểu được cái gì gọi là chia ly, nhưng cũng đã vì chia ly mà khóc thút thít. Bước vào trường tiểu học mới, tôi gặp một giáo viên toán mới —— cô giáo Triệu. Kể từ đó, cực khổ mới trong cuộc sống của tôi lại bắt đầu. Bà phù thủy độc ác đó đã đè nặng bóng ma tâm lý cho tôi đối với thầy cô giáo. Mỗi lần tôi đọc được câu gì kiểu như giáo viên là ngọn nến, chiếu sáng đường đi cho học trò thì tôi lại cười lạnh. Kinh nghiệm cuộc sống của tôi, hoàn toàn trái ngược, đúng là có giáo viên tốt, nhưng cũng có không ít giáo viên quá để ý đến địa vị, nếu học sinh nào có bố mẹ là quan lớn, giáo viên sẽ rất thân thiết với bạn đó, nếu bố mẹ bạn đó còn làm trong Sở Giáo Dục, vậy thì giáo viên lại càng tốt càng dịu dàng với bạn ấy, vô tư kính dâng xác thực có thể so sánh với ngọn nến. Tuy nhiên, nếu bố mẹ bạn vừa không làm quan, lại vừa không có tiền, không chịu khuất phục, thành tích học tập không tốt, như vậy ở trong lớp học giáo viên sẽ càng thích lấy bạn ra làm bia ngắm, dùng phấn viết bảng quăng vào đầu bạn, hoặc là thường xuyên nhìn bạn với ánh mắt coi thường, chỉ lướt mắt nhẹ nhàng bâng quơ thôi, nhưng trên thực tế thì lại dùng giọng điệu châm chọc khinh bỉ bạn ngu ngốc không trả lời được câu hỏi. Người lớn thường nghĩ trẻ con có rất nhiều chuyện không hiểu biết, nhưng thực tế thì tâm hồn chúng tôi cực kỳ nhạy cảm, chúng tôi đều có “Mặt mũi”, chúng tôi vô cùng chán ghét bị răn dạy trước mặt người khác. Sau vô số lần xấu hổ đỏ bừng mặt, tôi càng ngày càng sợ hãi cô giáo, mà cô ấy thì càng ngày càng coi thường tôi, lần nào lên lớp cũng thích gọi tên đứng lên trả lời câu hỏi, châm chọc tôi vài câu. Tôi ngốc, thành tích học tập của tôi kém, tôi không thích nói chuyện, thậm chí tính cách quái gở của tôi, đều làm cô ấy không hài lòng. Đến nay tôi còn nhớ rõ cô ấy bĩu môi, liếc mắt nhìn tôi chế nhạo, dùng giọng điệu chỉ tiếc rèn sắt không thành thép nói: “Tại sao em không có chút bộ dáng nào của trẻ con thế hả? Sao lại ngu ngốc như thế, em không biết ăn cơm xong tiêu hóa đi nơi nào à.” Trẻ con đều có một trái tim nhạy cảm bất thường, vào độ tuổi đó chúng đều thích được thầy cô yêu quý, thích làm trong ban cán bộ lớp, thích đeo hai, ba cái khăn đỏ trên cánh tay, đứng ở cửa lớp học, phụng phịu nghiêm túc kiểm tra các bạn trong lớp đó có đeo khăn quàng đỏ không, nữ sinh có sơn móng tay không, nam sinh có để tóc dài quá lỗ tai không. Trẻ con có rất nhiều điểm còn coi trọng mặt mũi hơn người lớn, thế giới của chúng nhỏ bé nhưng những việc chúng là không nhỏ chút nào. Giáo viên tiểu học trong toàn xã hội, là những người vô cùng vô cùng bình thường, nhưng gần như tất cả những giáo viên đó khi đứng trước mặt học trò nhỏ, lại giống như một nửa thượng đế, lời khen ngợi và phê bình của giáo viên, tình cảm yêu thích hay chán ghét của họ đều có thể tạo nên hiệu ứng con bướm [3] không thể tưởng tượng nổi. [3] Hiệu ứng con bướm: là một cụm từ dùng để mô tả khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc. Rõ ràng, dưới sự khinh miệt của cô Triệu, các bạn trong lớp cũng đã bị ảnh hưởng, các bạn ấy bắt đầu không thích chơi cùng tôi, chơi nhảy dây, đánh bao cát, đá cầu, không ai muốn ở một nhà với tôi, sau vài lần xấu hổ, tôi bắt đầu chủ động tự giác cách xa các bạn trong lớp, khi các bạn ấy chơi đùa một chỗ, tôi lại ngồi một mình ngẩn người ở bồn hoa bên cạnh. Ở nhà, tôi cô đơn một mình, cái gì cũng nhường em gái. Ở trường học, tôi cô đơn một mình, cô giáo và các bạn đều không thích tôi. Ở nhà, tôi thường ngồi một mình trong góc, lặng im nhìn em gái ôm bố vừa cười vừa nũng nịu; ở trường học, tôi thường đứng từ xa, lặng im nhìn các bạn chơi nhảy dây, đánh bao cát. (Trò nhảy dây này các bạn nhỏ thường dùng dây chun vòng kết vào thành đoạn dài, hoặc loại dây nào đó mềm, đàn hồi, hai bạn đứng giữ hai đầu, một bạn nhảy. Cũng giống trò nhảy dây ở Việt Nam.) Ở trên đời này, có rất nhiều loại cảm giác không tốt, nhưng, trong đó cô đơn chính là cảm giác đáng sợ nhất. Sau đó, vô tình, trên giá sách của bố tôi thấy một quyển tiểu thuyết võ hiệp Cổ Long, nhân vật chính là anh hùng tịch mịch cô đơn, bị người đời vứt bỏ, nó như tiếng sấm đánh trúng vào trái tim nhỏ bé của tôi, tôi phát hiện giá sách ấy chính là bảo bối. Kể từ đó, tôi lại càng im lặng, lại càng quái gở, lẩn trốn trong một thế giới tưởng tượng.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]