Chương trước
Chương sau
Sau khi hỏi ý kiến độc giả, một số đông đã đề nghị chúng tôi dịch bộ truyện Thiên Long Bát Bộ. Bộ truyện này cùng với Lộc Đỉnh Ký là hai bộ truyện dài nhất của Kim Dung. Bản chúng tôi dịch là bản đã được sửa chữa, tái bản lần thứ hai do Viễn Ảnh công ti tại Đài Bắc ấn hành tháng 8 năm 1981 bao gồm 5 quyển, 50 chương, 2124 trang.Người ta vẫn bảo rằng Thiên Long Bát Bộ là truyện nhiều tình tiết nhất, đông nhân vật, mỗi vai có một đặc tính riêng không người nào giống người nào và có đến năm sáu người có thể coi như vai chính. Tuy thế, trong khi còn đăng tải trên mặt báo, Thiên Long Bát Bộ cũng đã gây ra nhiều mâu thuẫn, đặt ra nhiều câu hỏi cho độc giả và nhiều đoạn không có câu trả lời. Do đó, bộ truyện này đã được Kim Dung sửa đổi nhiều chi tiết, mặc dầu nội dung không khác nhưng đã tạo nên những nét chấm phá mới khiến cho nó được xếp vào một trong những kỳ thư của nhà văn Hương Cảng.Theo Trần Thế Tương, một học giả quá cố Trung Hoa mà Kim Dung rất kính trọng, Thiên Long Bát Bộ là một bộ truyện phải đọc đi đọc lại từ đầu chí cuối nhiều lần mới thấy hết được cái hay của nó. Những lời phê bình của học giả này đã được Kim Dung coi như là nói lên được tâm sự của ông và chính vì thế, Thiên Long Bát Bộ có thể nói là một bộ truyện mà Kim Dung rất tâm đắc. Trần tiên sinh là người duy nhất được Kim Dung đề tặng trong bản mới lần in thứ hai này, một biệt lệ cho bất cứ tiểu thuyết nào của Trung Hoa.Cũng như Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung đã dụng công để đặt đề tựa cho mỗi chương thành một câu trong một bài thơ. Bộ Thiên Long Bát Bộ bao gồm năm bài thơ, mỗi bài mười câu nhưng Ỷ Thiên Đồ Long Ký theo lối ca trù (Bá Lương Đài thể) còn Thiên Long Bát Bộ thì là năm bài, mỗi quyển một bài theo lối từ. Kim Dung tiên sinh tự nhận rằng mình rất kém về văn chương thi ca, việc làm của ông là một nỗ lực hết sức gắng gượng - và chúng tôi cũng vậy, rất e ngại khi phải dịch những phần thi từ đó ra tiếng Việt nên thường lần lữa không hoàn tất. Nếu có dịch thì chỉ để cho khỏi bị thiếu sót nhưng chắc chắn có rất nhiều lủng củng, xin độc giả cũng lượng tình cho.Rút kinh nghiệm của thời gian qua, chúng tôi mong độc giả góp ý để tiếp tục sửa chữa thường xuyên và thêm bớt những gì cần phải bổ túc. Rất đông thân hữu đã hiệu đính giùm một số sai lầm trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nhân dịp này chúng tôi cũng xin cảm tạ chung các vị đó. Một số bạn bè giúp dịch một vài đoạn thơ văn, có người đề nghị sửa lại một vài chữ khó hiểu, và nhất là bạn DPLT đã chịu khó tìm tòi, tra cứu sách vở chữ Hoa để giúp người dịch những phần thi từ còn bỏ dở.Như đã thưa từ trước - đây chỉ là một việc làm cá nhân trong những thì giờ eo hẹp của đời sống hết sức bận rộn - sau tất cả những nỗ lực phải dành cho công việc và gia đình, việc dịch sách là một cái thú tiêu khiển nên sẽ rất ... thư thả theo chương trình hai tuần một chương như năm qua. Nếu đúng theo lịch trình đó, bộ truyện này sẽ có thể hoàn tất vào cuối năm 2003 hay đầu năm 2004. Một số biên khảo cũng sẽ được tiến hành vì có thể nói, Thiên Long Bát Bộ là một chuyến du hành khắp nước Trung Hoa trong thời Tống, một giai đoạn mà nhiều nước sống bên cạnh nhau, vẫn bang giao nhưng cũng đầy xung đột. Cứ theo những nhà chuyên khảo về Kim Dung đây là bộ truyện mà Kim Dung dụng công hơn cả, chẳng khác gì một bức tranh trải dài hàng dặm với tất cả những chi tiết ly kỳ khiến cho người đọc phải say mê không sao dứt ra được.Thời Bắc Tống là một giai đoạn hết sức thành tựu về mặt văn chương, nghệ thuật của Trung Hoa mặc dầu có nhiều suy sụp về chính trị và quân sự. Nước Tàu lúc đó được chia cắt thành nhiều quốc gia luôn luôn biến động lúc thì liên kết đồng minh, lúc lại nhòm ngó, thôn tính lẫn nhau. Phía Bắc là nước Liêu của người Khiết Đan đóng đô ở Lâm Hoàng (Thượng Kinh). Phía Tây Bắc là Tây Hạ đóng đô ở Linh Châu. Nhà Tống ở phía Đông Nam, kinh đô là Khai Phong. Chính Tây là Thổ Phồn tức miền Ba Thục bây giờ. Tây Nam là Đại Lý và chính Nam là nước ta.Qui mô đó khiến chúng ta được làm một cuộc du ngoạn theo cả thời gian và không gian để đi ngang qua Đại Lý, Tống, Liêu, Tây Hạ, Thổ Phồn với tất cả những đặc trưng về văn hóa của thời đại và sắc thái địa phương. Nhiều nhân vật chính liên tiếp mà tuyệt nhiên không có một nhân vật nào hoàn toàn nổi bật và chi phối toàn cục khiến chúng ta có cảm tưởng đây là nhiều truyện được nối lại với nhau. Cách dựng truyện đó đã tạo nên một nét đặc thù và đưa Kim Dung lên một tầm vóc riêng mà không phải ai cũng có được.Mặc dù trên tổng quát bộ truyện không khác khi còn đăng trên mặt báo bao nhiêu nhưng nếu đi vào chi tiết thì quí độc giả sẽ thấy Kim Dung đã thay đổi rất nhiều. Những chi tiết rườm rà và không liên tục đều bị cắt bỏ, trong đó có khoảng 40,000 chữ do Nghê Khuông viết thay Kim Dung khi ông đi xa cũng bị loại đi và nhiều đoạn mới được thêm vào Những tên nhân vật cũng nhiều thay đổi và chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về việc đó. Tuy nhiên, một cách thường tình thì bản cuối cùng bao giờ cũng là bản mà tác giả vừa ý nhất.Bộ này được viết lần đầu năm 1963, đăng liên tục trên Minh Báo ở Hongkong và Nam Dương thương báo ở Singapore, tổng cộng bốn năm mới hoàn thành. Bản tu đính - tức bản đã được Kim Dung sửa lại hoàn tất tháng 10 năm 1978 và ấn bản lần đầu vào năm 1979. Cũng như mọi bộ truyện khác, mỗi chương có một tấm hình nhưng trong Thiên Long Bát Bộ lại vẽ theo lối thủy mặc thành thử người dịch không thể dùng dạng bitmap (bmp) để scan cho nhỏ mà phải dùng dạng jpg nên thường phải từ 500K trở lên. Việc đưa vào mỗi chương sẽ biến file theo dạng Microsoft Word rất lớn khiến việc gửi đi trở nên khó khăn, nhất là những bằng hữu ở VN phải download rất bất tiện và tốn kém. Do đó chúng tôi sẽ chỉ gửi tấm hình đó theo yêu cầu và sẽ thiết lập một danh sách riêng cho những người nào muốn sưu tầm cho đủ bộ. Hoặc giả chúng tôi cũng có thể gửi theo dạng pdf (phải dùng Acrobat Reader dể mở) nhưng dĩ nhiên format sẽ cố định và người đọc muốn in ra sẽ không thể sử dụng khổ giấy khác khổ 8.5 x 11 là khổ mà người dịch dùng để setup tại Hoa Kỳ.Mỗi câu chuyện xoay quanh một chủ đề, Ỷ Thiên Đồ Long Ký là câu chuyện của kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long còn Thiên Long Bát Bộ thì nói lên cái phức tạp và đa dạng của con người. Trước đây khi dịch ra tiếng Việt người ta đã chia ra thành nhiều bộ nhỏ hơn (có lẽ vì mục tiêu thương mại) như Lục Mạch Thần Kiếm, Thiên Long Bát Bộ, Nhất Dương Chỉ ... nhưng nguyên tác của Kim Dung chỉ có một Thiên Long Bát Bộ mà thôi. Kim Dung đã giải thích cái tên này như sau:Thiên Long Bát Bộ là chữ lấy từ kinh Phật. Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các bồ tát, tì khưu thường có tám loại động vật đến nghe. Kinh Pháp Hoa, trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép:Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật. (Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật)Phi nhân là nói về những giống trông thì hình dáng như người nhưng lại không phải người. Tám hạng đó đều là "phi nhân" là những hạng thần vật mà Thiên và Long đứng đầu nên được gọi là Thiên Long Bát Bộ. Tám loại đó gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia ø.- Thiên là thiên thần (Deva),trong Phật giáo không phải là cao hơn hết nhưng chỉ được hưởng phúc báu lâu dài, to lớn hơn người mà thôi. Thiên thần vẫn còn trong cõi sinh tử, có sống có chết. Trước khi chết thiên thần sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu héo hon, thân thể ô uế, nách chảy mồ hôi, đứng ngồi không yên là thời kỳ đau buồn nhất của các thiên thần. Có mười hai thiên thần quan trọng nhất tượng trưng cho tám hướng và bốn tinh thể của vũ trụ mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất. Đế Thích là lãnh tụ của mọi thiên thần.- Long là long thần (Naga),nhưng rồng trong kinh Phật không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn. Quan niệm về rồng và về Long Vương của Trung Hoa chính là vay mượn từ trong kinh Phật mà ra. Người Ấn Độ ngày xưa rất sùng bái Long Vương, cho rằng rồng là chúa tể các loài trong nước nên người Trung Hoa thường dùng chữ long để chỉ những gì cao quí và đức hạnh. Trong kinh có chép là một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão và nhiều con rắn thần khác thường giả dạng người đến để nghe Thế Tôn thuyết pháp.- Dạ Xoa là một loại quỉ thần (nguyên nghĩa dạ xoa là thần ăn được quỉ),rất mẫn tiệp, nhẹ nhàng, chia làm ba giống ở trên đất, trên chốn không hư và trên trời. Ngày nay nói đến dạ xoa chỉ hàm một nghĩa ác quỉ (chắc tại ảnh hưởng của truyện Tây Du Ký) nhưng trong kinh Phật thì có nhiều dạ xoa rất tốt. Dạ Xoa Bát Đại Tướng có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.- Càn Thát Bà (Apsaras) là một giống không ăn thịt, không uống rượu chỉ sống bằng mùi hương là một trong những nhạc thần phục thị Đế Thích, thân thể có mùi thơm. Theo nghĩa Phạn văn, Càn Thát Bà có nghĩa là biến ảo khôn lường vì mùi hương và âm nhạc đều mênh mang không sao cân đo được.- A Tu La (Ashura) là một loại thần đặc biệt, đàn ông thì thật xấu xa còn đàn bà thì thật xinh đẹp. A Tu La Vương thường đánh nhau với Đế Thích vì một bên có đồ ăn, một bên có mỹ nữ nên thường muốn chiếm đoạt của nhau. A Tu La tính tình đố kỵ thích tranh giành là một trong những ẩn dụ của nhà Phật để nói về tính xấu xa của con người.- Ca Lâu La (Garuda) là một giống chim lớn, đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu. Loài chim này tiếng kêu bi thảm, trong thần thoại Trung Hoa gọi là Đại Bàng Kim Sí Điểu (chim đại bàng cánh vàng) mà danh tướng Nhạc Phi là hóa thân đầu thai. Giống chim này thích ăn rồng, mỗi ngày phải bắt được một long vương hay 500 con rồng con để ăn thịt. Vì nó ăn thịt rồng (độc xà) nhiều quá nên khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc. Hình của chim này thầy nhiều ở các đền thờ tại Cam Bốt.- Khẩn Na La giống người mà không phải là người, đầu có sừng, giỏi múa hát cũng là nhạc thần của Đế Thích.- Ma Hầu La Gia là một vị thần rắn cực lớn, thân hình là người nhưng đầu là đầu rắn.Những con vật huyền thoại này có lẽ là do ảnh hưởng của những vị thần của Ấn Độ giáo (Hindu) và thường xen lẫn trong những truyện thần thoại của nhiều dân tộc ở Nam và Tây Á không hoàn toàn là của Phật Giáo. Trong những tranh vẽ, điêu tượng của Đông Á chúng ta ít thấy những hình tướng của thiên long bát bộ ngoại trừ một số bích họa từ đời Đường trở về trước ở Tân Cương. Người Việt chúng ta có thể nói hoàn toàn xa lạ với những hình ảnh này, ngay cả trong giới tu sĩ cũng ít người nghiên cứu đến.Thiên Long Bát Bộ lấy địa bàn là nước Đại Lý đời Bắc Tống (vào khoảng đời Tiền Lê và đời Lý bên mình). Nước Đại Lý nằm ở phía Tây Trung Hoa, Tây Bắc nước ta địa bàn tỉnh Vân Nam bây giờ, nổi tiếng với nhiều loại kỳ hoa dị thảo, đặc biệt là trà gồm cả trà uống (tea) và cây hoa trà (camelia). Theo sử sách, khoảng năm 937 Đoàn Tư Bình sau khi chiếm được nước Nam Chiếu lập nên nước Đại Lý. Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya),từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư. Truyền thống đó ảnh hưởng đến nước ta và đời Lý đời Trần nhiều người cũng nhường ngôi rồi đi tu, làm Thái Thượng Hoàng.Nước Đại Lý kéo dài 316 năm, 22 đời vua trong đó có mười người bỏ ngôi đi tu, hai người được đề cập trong Thiên Long Bát Bộ là Bảo Định Đoàn Chính Minh và Trung Tông Đoàn Chính Thuần. Một người khác cũng được Kim Dung nói đến là Cảnh Tông Đoàn Chính Hưng (Kim Dung lại viết là Đoàn Trí Hưng) hay Đoàn Hoàng Gia Nam Đế trong Anh Hùng Xạ Điêu. Ông này cũng là con cháu họ Đoàn trong Thiên Long Bát Bộ.Người Đại Lý thuộc giống người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du Bắc Việt. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, người Thổ, người Nùng. Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn lánh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía Nam và Tây Nam và là thủy tổ của người Thái Lan ngày nay.Thiên Long Bát Bộ được đặt trong bối cảnh Bắc Tống, đời vua Triết Tông Nguyên Tá, niên hiệu Thiệu Thánh khoảng cuối thế kỷ thứ 11. Kim Dung dùng cái tên Thiên Long Bát Bộ là để chỉ những biến hóa phức tạp của câu chuyện, ly kỳ chẳng khác gì những chuyện cổ tích của Ấn Độ mà Phật Giáo mượn làm ẩn dụ. Mật tông được truyền vào Trung Hoa do ba nhà sư Thiên Trúc là Thiện Vô Úy (Subhnakarasimha),Kim Cương Trí (Vajrabodhi) và Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) vào khoảng đầu thế kỷ thứ 8 chú trọng đến niệm kinh, bắt ấn, sử dụng Mạn đà la và quán đỉnh. Giáo pháp được thầy truyền qua trò bằng lời nên không được phổ biến rộng rãi.Phật giáo Mật Tông pha trộn đủ màu sắc, nặng phần nghi thức, đôi khi mê tín mặc dầu những khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa chuyên chở khá nhiều tính nghệ thuật, điển hình là những điêu tượng và tranh vẽ mà người ta phát hiện ở Vân Nam, Tân Cương, nhất là tại Đôn Hoàng. Chính vì màu sắc nhiều thần bí của thời sơ khai, các tôn giáo bản địa nhất là Nho giáo đã có những xung khắc đáng kể với Phật giáo. Đời Đường, Hàn Dũ (768 - 824) đã dâng sớ xin ngăn cấm đạo Phật dẫn tới việc phá hủy 5000 chùa lớn và 40,000 am nhỏ. Mấy trăm ngàn tăng sĩ và nữ ni bị bắt buộc phải hoàn tục. Điều đó cũng không phải là không hay vì chính từ đó Thiền tông Trung Hoa có cơ hội nảy nở, xây dựng những cơ sở triết học thanh thoát hơn và tạo ra hẳn một trường phái mới, tổng hợp được nhiều ưu điểm, nhấn mạnh vào việc "kiến tính thành Phật" và xa rời việc thờ cúng thần tượng và nghi lễ.Tuy nhiên, Kim Dung lại khai thác được những hình thái thần bí của tôn giáo làm chất liệu khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Quan Âm bồ tát đã được thế tục hóa qua một vương phi tự hiến thân cho một người ăn mày để sinh ra một đứa con hoang giải quyết hầu như toàn bộ những khúc mắc triền miên từ đầu đến cuối. Lẽ dĩ nhiên, chi tiết tưởng tượng kia khiến cho câu chuyện thêm li lỳ, tuyệt nhiên không phải là một cách giải thích những căn bản giáo lýNgoài Phật giáo Mật Tông đã đóng một vai trò khá quan trọng làm nền tảng cho nhiều tình tiết của câu chuyện, hai đề tài khác chúng ta cũng cần biết thêm, mỗi đề tài đều bao quát đáng trở thành một nghiên cứu riêng. Trong phần giới thiệu này chúng tôi chỉ đề cập đến một cách khái quát.Thứ nhất là ngoài môn Nhất Dương Chỉ, họ Đoàn Đại Lý còn một tuyệt kỹ khác là Lục Mạch Thần Kiếm, một loại kiếm khí dùng sáu kinh mạch của hai bàn tay để sử dụng.- Thủ thái âm phế kinh bắt đầu ở trung tiêu, đi vòng xuống ruột già rồi chạy lên ngực, yết hầu đi ra cánh tay và chấm dứt ở đầu ngón tay cái.- Thủ dương minh đại trường kinh bắt đầu từ đầu ngón tay trỏ chạy lên vai rồi chia thành hai nhánh, một nhánh xuống ruột già, một nhánh lên đầu chấm dứt ở cạnh mũi.- Thủ thiếu âm tâm kinh bắt đầu từ tim chia ra ba nhánh, một nhánh qua hoành cách mạc xuống ruột non, một nhánh theo thực quản lên mắt, và một nhánh đi qua phổi, sang tay tới ngón tay út.- Thủ thái dương tiểu trường kinh bắt đầu từ ngoài ngón tay út chạy theo tay lên vai gặp đốc mạch ở huyệt đại truy chi thành hai nhánh, một nhánh đi xuống ruột non, một nhánh chạy lên mặt đi vào tai.- Thủ quyết âm bao tâm kinh bắt đầu từ ngực nối liền tam tiêu rồi chạy ra cánh tay tới ngón tay giữa.- Thủ thiếu dương tam tiêu kinh khởi đầu từ ngón tay đeo nhẫn chạy theo tay lên vai chia thành hai nhánh một nhánh nối liền tam tiêu, một nhánh chạy lên cổ vòng qua tai rồi ngừng lại tại mắt.Thủ thái âm PHẾ kinh, thủ quyết âm TÂM BAO kinh và thủ thiếu âm TÂM kinh là ba đường kinh ÂM nằm ở bên trong cánh tay, gọi là THỦ TAM ÂM thuộc lý (bên trong) dẫn chân khí từ ngực chạy vào tay.Thủ dương minh ĐẠI TRƯỜNG kinh, thủ thiếu dương TAM TIÊU kinh, và thủ thái dương TIỂU TRƯỜNG kinh nằm ở mặt ngoài cánh tay gọi là THỦ TAM DƯƠNG, thuộc biểu (bên ngoài) từ tay chạy lên đầu.Thứ hai một đặc sản của nước Đại Lý là hoa trà cũng được nhắc tới khá nhiều. Khi đề cập tới vùng Vân Nam, người Trung Hoa vẫn thường tự hào là ở đây có tám loại danh chủng nổi tiếng trên thế giới gồm có sơn trà (camelia),đỗ quyên (azalea),mộc lan (magnolia obovata),báo xuân, bách hợp (lily),phương lan (cymbidium),long đảm (gentian),lục nhung hao.Sơn trà của Đại Lý đã biến câu chuyện trở nên thơ mộng và thú vị khi chúng ta nghe Đoàn Dự luận về hoa trà với Vương phu nhân sau đây:Vương phu nhân vẻ mặt đắc ý, nói:- Đoàn công tử, nước Đại Lý của cậu hoa trà rất nhiều, nhưng nếu so sánh với của ta chắc không thể bì kịp.Đoàn Dự gật đầu:- Những hoa trà loại này dân Đại Lý chúng tôi chẳng ai trồng cả.Vương phu nhân cười khanh khách:- Thật ư?Đoàn Dự nói:- Những người dân quê mùa tầm thường ở Đại Lý cũng biết các loại hoa này phẩm chất kém cỏi, trồng chẳng cao sang gì.Vương phu nhân mặt biến sắc, giận dữ nói:- Ngươi nói sao? Ngươi bảo hoa trà ta trồng là loại tục phẩm ư? Nói như thế chẳng hóa, chẳng hóa .... khinh người quá lắm.Đoàn Dự nói:- Phu nhân tin hay không tin cũng tùy ở người.Chàng vừa nói vừa chỉ một cây hoa trà ngũ sắc trước lầu:- Giá thử như cây này, bà tưởng nó quí lắm ư. Hứ, đẹp thật, cái lan can này thật là đẹp, thật là đẹp.Chàng tấm tắc khen cái lan can đẹp mà hoa thì chẳng nhắc đến một câu khác nào người xem chữ viết, không nhắc đến chữ mà chỉ khen lấy khen để mực đen và giấy tốt.Cây hoa trà đó vừa trắng vừa đỏ, vừa tía vừa vàng, sắc hoa thật là rực rỡ, từ trước tới nay Vương phu nhân vẫn coi là trân phẩm. Nay thấy Đoàn Dự có vẻ xem thường nên lông mày bà nhướng lên, mắt lộ sát ý. Đoàn Dự nói:- Xin hỏi phu nhân, giống hoa này ở Giang Nam gọi tên là gì?Vương phu nhân hậm hực đáp:- Chúng tôi chẳng gọi tên gì đặc biệt, chỉ gọi là hoa trà Ngũ Sắc.Đoàn Dự mỉm cười:- Đại Lý chúng tôi có đặt cho nó một cái tên, gọi là Lạc Đệ Tú Tài (thư sinh thi hỏng).Vương phu nhân hừ một tiếng:- Cái tên sao khó nghe làm vậy, chắc ngươi tiện mồm đặt ra chứ gì. Cây hoa đẹp đẽ như thế, sao lại giống gã thư sinh thi hỏng?- Phu nhân thử nhìn lại xem, cây hoa này cả thảy tất cả mấy màu.Vương phu nhân nói:- Ta đã đếm qua, cũng phải có đến 15, 16 màu khác nhau.Đoàn Dự nói:- Cả thảy đúng ra là 17 màu. Đại Lý có một loại hoa quí giá nổi tiếng tên gọi Thập Bát Học Sĩ. Đó là thiên hạ cực phẩm, trên cây có đủ 18 đóa hoa, mỗi đóa một màu khác nhau, hồng thì toàn hồng, tía thì toàn tía, không một mảy lẫn lộn. Nhưng cả 18 đóa hoa mỗi đóa hình trạng khác nhau, mỗi đóa một vẻ, nở thì cùng nở, tàn thì cùng tàn, phu nhân đã thấy bao giờ chưa?Vương phu nhân nghe qua thẫn thờ, lắc đầu:- Trên đời này lại có loại hoa như thế sao? Đến nghe nói tới ta cũng chưa nghe bao giờ.Đoàn Dự nói:- So với Thập Bát Học Sĩ kém một mức là Thập Tam Thái Bảo là 13 đóa hoa khác nhau trên cùng một cây. Rồi đến Bát Tiên Quá Hải là 8 đóa khác nhau một cây. Thất Tiên Nữ là 7 đóa. Phong Trần Tam Hiệp là ba đóa. Nhị Kiều là một trắng một đỏ hai đóa. Nói đến hoa trà là phải thuần sắc, nếu như trong đỏ có lẫn trắng, trong trắng lẫn tía thì là hạ phẩm rồi.Vương phu nhân bỗng nhiên đờ đẫn, nhìn về xa xăm, nói một mình:- Sao y không nói cho ta biết nhỉ?Đoàn Dự nói tiếp:- Trong Bát Tiên Quá Hải có cả hoa màu tía sậm và màu hồng nhạt, đó là Lý Thiết Quài và Hà Tiên Cô, nếu thiếu hai màu đó, dù là tám màu khác nhau cũng không được gọi là Bát Tiên Quá Hải mà gọi là Bát Bảo Trang, tuy cũng là danh chủng nhưng so với Bát Tiên Quá Hải còn thua một bậc.Vương phu nhân nói:- Nguyên lai như thế.Đoàn Dự lại tiếp:- Trở lại Phong Trần Tam Hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất, đó là Cầu Nhiêm Khách, đóa màu trắng nhỏ hơn, đó là Lý Tịnh, đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất đó là Hồng Phất Nữ. Nếu như hoa màu hồng lại to hơn hoa màu tía, hoa màu trắng thì là phó phẩm, hai đằng một trời một vực.Người ta đã bảo quen thuộc như đồ trong nhà mình. Trong nhà Đoàn Dự có tất cả những loại này nên chàng nói ra vanh vách đâu ra đấy. Vương phu nhân nghe thật thích thú thở dài:- Đến phó phẩm ta cũng chưa được nhìn qua nói gì chính phẩm !Đoàn Dự chỉ vào cây hoa trà ngũ sắc nói:- Còn loại hoa trà này, nếu luận về sắc so với Thập Bát Học Sĩ còn kém một, lại không thuần, nở thì khi sớm khi muộn, hoa thì đóa nhỏ đóa to. Chẳng khác gì Đông Thi giả nhăn mặt, học đòi làm Thập Bát Học Sĩ thì không xong. Vì thế chúng tôi đặt cho cái tên Lạc Đệ Tú Tài.Quả thật khi đọc xong đoạn này, chúng tôi cũng tò mò đi tìm tài liệu để xem những gì Kim Dung viết ra là có thực hay chỉ do óc tưởng tượng phong phú của ông nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như ý. Theo những sách vở chúng tôi có trong tay, đặc biệt là cuốn Vân Nam Phong Vật Chí (Dư Gia Hoa, Vân Nam Nhân Dân xb 1984) trong đó có những chương nghiên cứu khá công phu về hoa trà nhưng không thấy nói đến những chủng loại mà Kim Dung đã đề cập.Trên thế giới có chừng hơn tám mươi loại hoa trà (không kể những giống được lai tạo) thì Vân Nam đã có khoảng ba mươi lăm loại. Trong những loại hoa trà danh tiếng ở Vân Nam người ta thấy có đồng tử diện, tuyết sư, tùng tử lân, tử bào, kim đái, ngân đái, mẫu đơn trà, hận thiên cao, điệp sí, liễu diệp ngân hồng, tảo đào hồng, kim biên mẫu đơn, thông thảo phiến ... mỗi loại có một đặc điểm.Hiện nay tại nhiều danh thắng, cổ tích tại hai tỉnh Vân - Quí còn nhiều cây trà cổ thụ, mỗi năm ra hàng vạn đóa hoa, chẳng hạn như tại chùa Ngọc Phong bên bờ sông Lệ chân núi Ngọc Long còn một cây trà kép dính liền hai loại với nhau nên màu sắc rất phong phú. Cây trà này trồng từ đời Minh Thành Hóa (thế kỷ thứ 15) tính ra đã hơn 500 năm được mệnh danh là "đệ nhất hoàn cầu". Tần Nhân Xương, một thực vật gia Trung Hoa đã nói:- Vua các loài trà trên thế giới là ở Trung Hoa, vua các loài trà của Trung Hoa là ở Vân Nam, vua các loài trà của Vân Nam là hoa trà ở Lệ Giang.Quách Mạt Nhược, một thi sĩ nổi tiếng của Trung Hoa đầu thế kỷ 20 khi đến Vân Nam đã cảm tác một bài thơ như sau:Những tưởng trà kia ưa quí tộc,Ai ngờ dân dã cũng đầy sân.Mẫu đơn ai nấy đều ca tụng,Ta nghĩ hoa trà trội mẫu đơn.(Diễm thuyết trà hoa thị tỉnh hoa,Kim lai thủy kiến mãn thành hà.Nhân nhân đô đạo mẫu đơn hảo,Ngã đạo mẫu đơn bất cập trà)Khi làm một số nghiên cứu nho nhỏ về đất Vân Nam - Quí Châu, người dịch đôi khi cũng thấy bồi hồi khi đọc tới những chi tiết địa phương rất gần gũi với người Việt chúng ta, nhất là về một số sắc tộc thiểu số mà nhiều học giả cho rằng cùng giống với người mình. Chắc chắn nếu có những khảo sát qui mô, chúng ta có thể tìm được khá nhiều di tích văn hóa còn lưu lại ở miền nam Trung Hoa để có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử, truyền thống và nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Một người bạn tôi sau những chuyến du lịch ở Quảng Châu, đi vào những vùng xa xôi hẻo lánh để nghiên cứu về âm nhạc, đối chiếu với những điệu dân ca của mình đã phải ngạc nhiên về sự tương đồng khó hiểu giữa sinh hoạt của người Tàu ở Nam Trung Hoa và người miền Bắc nước ta. Biết đâu trong khi dịch Thiên Long Bát Bộ chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra được một điểm nào mới mẻ chăng?Cũng như Ỷ Thiên Đồ Long Ký, chúng tôi mong mỏi được sự tiếp tay của quí bằng hữu trong mọi lãnh vực để cùng nhau chia xẻ niềm vui khi đọc Thiên Long Bát Bộ.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.