-Ty chức chỉ cảm thấy lần này đối phương rút lui về phía nam rất có trật tự, không vội vàng cũng không chậm rãi, không hề để lộ lỗ hổng nào. Có thể nói là không có nhược điểm nào để tấn công. Điều này hoàn toàn không giống khi Lý Thế Dân ở phía bắc. Lý Thế Dân lúc ở phía bắc giống như một cây trường mâu sắc nhọn mạnh dạn, nhưng lần rút lui này thì lại giống như hòa thượng ngồi yên một chỗ, không để lộ điều gì. Ty chức cho rằng chỉ có người rất có kinh nghiệm mới làm được điều đó. Có thể mạnh dạn phỏng đoán rằng, lần rút quân này do Khuất Đột Thông chủ trì.
Dương Nguyên Khánh gật đầu:
-Ta cũng có cảm giác như vậy. Ta đã hai lần phái kỵ binh đi quấy nhiễu doanh trại bọn chúng nhưng đều không thành. Có lẽ thật sự là do Khuất Đột Thông chủ trì rút về phía nam.
Lý Tĩnh lại nói:
-Nếu thật sự là Khuất Đột Thông thì thói quen của ông ta là đến cuối cùng mới xuất đội quân đánh úp khiến người ta không đoán trước được. Ông ta rất có khả năng là không qua sông ở bến Phong Lăng.
Lý Tĩnh cầm cái que gỗ chỉ về phía huyện Hà Bắc:
-Mọi người có phát hiện ra huyện này có gì đặc biệt không?
Mọi người đều cùng nhìn về phía huyện Hà Bắc. Dương Nguyên Khánh thốt lên:
-Đó là một quan ải!
Tất cả mọi người đều đã nhìn thấy, nơi đó bốn phía là núi non liền nhau, ở giữa triền núi là một hẻm sâu rộng chừng mấy dặm. Huyện Hà Bắc chính là nằm ở hẻm núi đó. Nếu đi qua huyện đó thì sẽ là đến bãi sông.
Lý Tĩnh dùng cây que gỗ gõ gõ mạnh vào huyện Hà Bắc:
-Giữ lấy huyện Hà Bắc thì chúng ta sẽ không thể đến sát bến sông được. Ty chức dám khẳng định, Khuất Đột Thông nhất định sẽ đi qua huyện Hà Bắc huyện để vượt sông. Về phần thuyền bè chắc chắn là bờ bên kia đã chuẩn bị rồi.
Dương Nguyên Khánh yên lặng nhìn chăm chú một lát. Hắn biết chính mình đã bị lừa, Khuất Đột Thông bố trí bến Phong Lăng nhằm đánh lạc hướng.
Đúng lúc này, một tên lính ngoài cửa lớn tiếng bẩm báo:
-Trinh sát tiền phương cấp báo, quân địch đã rời huyện Nhuế Thành hành quân về phía đông.
Mọi người đều thấy bất ngờ. Quả nhiên không phải đi bến Phong Lăng. Mọi người nhao nhác chạy ra khỏi lều trại, Dương Nguyên Khánh quát lớn:
-Không được loạn, tất cả mọi người đứng lại!
Tất cả mọi người đứng lại, Dương Nguyên Khánh hỏi:
-Chúng hành quân như thế nào?
-Bẩm tổng quản, trinh sát nói quân địch đi rất chậm, đi từng nhóm một.
Dương Nguyên Khánh nhìn về phía quan ải huyện Hà Bắc, thở dài nói:
- Chính cái gọi là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ông trời đã an bài quan ải này là đã định cho đại quân của Lý Thế Dân có đường bỏ chạy.
Tô Định Phương ở một bên nói:
-Tổng quản, ty chức nguyện đem kỵ binh vòng qua quân địch để chiếm lấy huyện Hà Bắc trước.
Dương Nguyên Khánh lắc đầu:
-Chúng ta bây giờ mới nghĩ đến huyện Hà Bắc, nhưng Khuất Đột Thông lúc ở huyện Lâm Phần thì đã nghĩ tới rồi. Ông ta hẳn là đã bố trí chu đáo rồi, không cần đi nữa đâu.
…..
Hạ tuần tháng tám năm Đại Nghiệp thứ mười hai, Lý Thế Dân dẫn chín mươi nghìn đại quân từ bến sông huyện Hà Bắc vượt sang Hoàng Hà tháo chạy về phía nam. Khuất Đột Thông tự mình dẫn mười nghìn quân trấn giữ huyện Hà Bắc, khiến sáu mươi nghìn truy binh bị chặn giữ bên ngoài quan ải.
Ba ngày sau, lúc Khuất Đột Thông đưa số quân còn lại qua sông thì bị quân Phong Châu tập kích. Trong mười nghìn quân vượt sông bị chết bị thương và đầu hàng có hơn bảy nghìn. Khuất Đột Thông chỉ dẫn hơn hai nghìn người vượt sông trốn thoát. Đến đây, trận đánh Hà Đông kéo dài hơn hai tháng cuối cùng cũng kết thúc.
Đêm Trung Thu năm nay ở Giang Đô vô cùng quạnh quẽ. Bóng tối vừa phủ xuống, đường xá đã vắng tanh, không hề có một bóng người. Một tháng trước, Dương Quảng đã hạ ý chỉ cấm tất cả mọi người ra khỏi nhà vào ban đêm. Điều này là do ông ta nhận được mật báo từ Ngu Thế Cơ nói rằng, có không ít đại thần thừa dịp đêm tối bí mật liên lạc với nhau, sợ rằng sẽ xảy ra chuyện không hay.
Tin tức này làm cho Dương Quảng rất lo lắng, trong lòng biết rõ lòng dân xao động nhưng lại không có cách nào khác, chỉ đành dùng phương pháp cấm đi lại ban đêm này để cấm mọi người ban đêm ra ngoài liên lạc.
Nhưng cấm đi lại ban đêm thì chỉ giải quyết được phần ngọn, không trị được tận gốc. Không cho liên lạc ban đêm, các đại thần sẽ gặp gỡ vào ban ngày, thậm chí còn công khai thảo luận khi nào sẽ trở về Lạc Dương ngay tại phòng nghỉ lúc lên triều. Tiếng gọi yêu cầu trở lại kinh thành của các đại thần cùng thị vệ càng ngày càng gay gắt, đào ngũ không ngừng xảy ra mà cũng không ngăn cản được. Quân đội của Dương Quảng từ một trăm nghìn người đã giảm một nửa, chỉ còn lại hơn năm mươi nghìn người.
Đối mặt với thực tế lương thực ở Giang Đô sắp cạn kiệt, báo trước một cuộc đào ngũ trên quy mô lớn, bất đắc dĩ Dương Quảng phải đưa ra một lời hứa hẹn với quân dân rằng, chỉ cần chiến sự ở Lạc Dương tạm lắng xuống, ông ta sẽ dẫn mọi người đi đường thủy Trường Giang, thông qua Tương Dương rồi trở về kinh thành.
Hứa hẹn này của Dương Quảng đã trấn an mọi người, tạm thời khiến ông ta có thể đón một đêm Trung thu yên ổn.
Màn đêm buông xuống, trời quang không mây, một vầng trăng tròn lạc lõng giữa không gian mênh mông, tỏa ánh sáng trong trẻo nhưng lạnh lẽo xuống mặt đất. Mặt đất, mặt nước cùng với các cung điện lầu các đều như được khoác lên một tấm khăn che màu trắng bạc.
Một bàn tiệc đã được chuẩn bị sẵn trong lầu ngắm trăng ở hành cung Giang Đô, Dương Quảng cùng người nhà đang uống rượu ngắm trăng. Ngoại trừ vợ ông ta là Tiêu thị thì còn có hai phi tử mà ông ta rất sủng ái. Đêm nay là đêm Trung Thu, nên ngay cả con thứ là Dương Giản vốn bị ghẻ lạnh nhiều năm cũng xuất hiện ở yến tiệc.
Dương Giản năm nay đã ngoài ba mươi tuổi, tửu sắc quá độ khiến y trở nên già nua, giống như người trên bốn mươi tuổi vậy. Khóe miệng y luôn luôn mang theo một nụ cười trào phúng, loại trào phúng này chính là nhắm vào Hoàng đế - phụ thân của y. Phụ thân của y nói y sẽ phá hủy giang sơn Đại Tùy, vậy thì bản thân ông ta thì sao?
Dương Giản ngồi bên cạnh mẹ y là Tiêu Hậu. Y nốc từng chén rượu nho một, không hề có chút kiềm chế. Chưa đến nửa canh giờ mà đã hết hai bầu rượu. Thấy thế Tiêu Hậu khẽ cau mày, bà muốn quát mắng nhưng lại sợ chồng mình chú ý đến sự bê tha của con trai nên đành thấp giọng nói:
- Đừng uống nữa.
Dương Giản lại như thể không nghe thấy gì cả, vẫn bưng bầu rượu lên rót. Tiêu Hậu đưa tay đè bầu rượu của y xuống nhưng Dương Giản lại giật mạnh lại bầu rượu từ tay mẹ y.
Công chúa Đan Dương – Dương Phương Hinh ngồi đối diện với y liền nổi giận, nàng đứng lên giật lấy chén rượu trong tay y, giận dữ nói:
-Mẫu hậu bảo huynh không uống rượu nữa, huynh không nghe thấy sao?
Mọi người trên bàn tiệc đang nghĩ những chuyện riêng tư của mình thì bị đánh thức bởi thanh âm giận dữ của Dương Phương Hinh. Dương Quảng ngẩng đầu nhìn con gái, khẽ chau mày:
- Đan Dương, con làm gì thế?
- Phụ hoàng, Hoàng huynh không ngừng uống rượu, mẫu hậu khuyên nhủ huynh ấy nhưng huynh ấy còn không nghe.
Dương Phương Hinh dù sao cũng vẫn còn trẻ, nàng không thể hiểu được điều lo lắng của Tiêu Hậu. Quả nhiên, Dương Quảng liền chú ý đến Dương Giản. Ông ta phát hiện ra Dương Giản lại trông giống như người ngoài bốn mươi tuổi, mí mắt sưng vù nhìn rất đáng sợ. Đây chính là biểu hiện của tửu sắc quá độ. Dương Quảng trong lòng không vui, nhăn mặt nói:
- Giản nhi, Mẫu hậu bảo con uống ít rượu đi, vì sao không nghe?
Dương Giản căm tức liếc em gái, sau đó với lấy một bình rượu trên mâm của cung nữ theo hầu, không thèm trả lời câu hỏi của cha mà tiếp tục rót rượu. Tiêu Hậu sốt ruột kéo kéo tay y, giọng cầu khẩn nói:
- Phụ thân đang hỏi con đấy.
Dương Giản cười lạnh một tiếng, nói thầm:
- Thiên hạ này đã không có phần của ta, chẳng thà say khướt cho yên thân.
Dương Quảng giận tím mặt, vỗ mạnh bàn, quát:
- Đuổi nó ra ngoài cho trẫm! Cút!
Tiêu Hậu trong lòng cực kỳ tức giận đứa con cứng đầu này. Bà đứng bật dậy tát cho y một cái thật mạnh, rồi khóc rống lên:
- Con muốn chết thì chết đi! Ta mặc kệ con.
Yến Vương Dương Đàm vội vàng nháy mắt với mấy tên thị vệ, bọn thị vệ hiểu ý liền tiến lên nửa mời nửa ép kéo y ra ngoài. Xa xa vẫn còn vọng lại tiếng cười trào phúng cực độ của Dương Giản.
Dương Quảng sắc mặt tái xanh, trong mắt lóe lên sát khí. Tiêu Hậu hiểu rất rõ chồng mình, trong lòng bà sợ hãi vô cùng, vội vã kéo váy chạy đến trước mặt Dương Quảng rồi quỳ xuống, nước mắt chảy ròng ròng, không nói nên lời.
Công chúa Đan Dương Dương Phương Hinh cũng biết là mình đã gây họa, nàng cũng quỳ xuống bên cạnh Tiêu Hậu. Yến Vương Dương Đàm, Triệu Vương Dương Cảo cùng hai sủng phi của Dương Quảng tất cả cũng quỳ xuống.
Không khí tiệc Trung thu đã bị phá hủy. Dương Quảng kinh ngạc nhìn mọi người một lát, cuối cùng ông ta thở dài một tiếng, chống gậy rời đi. Bóng lưng gầy yếu của ông ta dưới ánh trăng toát ra vẻ vô cùng cô độc.
Dương Phương Hinh trở về cung điện nhỏ của mình với tâm trạng chán nản. Vừa vào phòng nàng liền giận dỗi quăng hết áo choàng lẫn mũ xuống đất. Ngồi ở bàn thở dài, nàng đang giận chính mình, giận mình không hiểu chuyện, phá hỏng không khí đêm Trung thu. Người nhà vất vả lắm mới tụ tập được với nhau thì lại cụt hứng bỏ về. Nếu nàng không nhiều chuyện, xen vào chuyện của huynh trưởng thì chuyện vừa rồi cũng không xảy ra.
Nàng vò đầu bứt tai, than thở:
- Sao ta lại ngốc thế cơ chứ!
- Chuyện cũng đã xảy ra rồi, công chúa xin đừng tự trách mình nữa.
Tỳ nữ Ngọc Nhi ở bên cạnh sợ hãi nói.
Ngọc Nhi chính là tiểu cung nữ mà Dương Nguyên Khánh phát hiện ở trong thành Lục Hợp. Về sau Dương Nguyên Khánh nhờ Thẩm Quang đưa nàng về Hoàng cung. Sau khi trở về Hoàng cung, nàng liền kể toàn bộ sự tình Dương Nguyên Khánh cứu nàng cho công chúa nghe. Thỉnh thoảng lại kể đi kể lại khiến Dương Phương Hinh nghe nhiều đến phát ngán.
Dương Phương Hinh bịt chặt hai tai hét lên:
- Phiền quá đi mất, ngươi có thể cho ta yên tĩnh một lát không?
- Dạ! Tiểu tỳ xin cáo lui.
Ngọc Nhi xoay người rời đi, Dương Phương Hinh lại gọi nàng lại:
- Không cần đi!
- Công chúa còn gì dặn dò?
Dương Phương Hinh thở dài, giọng lo lắng:
- Ngọc Nhi, ngươi nói xem phụ Hoàng trong lúc tức giận có khi nào lại đem nhị ca ra chém không?
- Không đâu!
Ngọc Nhi ngồi xuống bên cạnh nàng khuyên nhủ:
- Công chúa chẳng phải đã từng nói, “Hổ dữ cũng không ăn thịt con”, huống chi là người? Thánh thượng cùng lắm là tức giận một phen thôi. Hơn nữa Hoàng hậu nương nương cũng chỉ có một đứa con trai duy nhất đó thôi, Thánh thượng dù sao thì cũng phải nể mặt nương nương.
Dương Phương Hinh ngẫm nghĩ, có lẽ đúng như vậy thật. Nàng dí ngón trỏ vào mũi Ngọc Nhi, cười nói:
- Cô bé như ngươi thì hiểu cái gì gọi là nể mặt chứ?
Nàng rốt cục cũng thở phào một hơi, bất chợt lại nghĩ đến một chuyện khác, liền hỏi:
- Thứ ngày hôm qua ta bảo ngươi đi lấy, đã lấy về chưa?
Ngọc Nhi cười hì hì, kéo một cái thùng dưới gầm giường rồi mở ra. Bên trong là một bộ khôi giáp Kiêu Quả.
Trong mắt Dương Phương Hinh toát lên vẻ vui mừng, vội hỏi:
- Ở đâu ra thế?
- Là Thẩm đại ca cho muội đó. Khôi giáp này là cỡ nhỏ nhất đấy, công chúa mặc thử xem.
Dương Phương Hinh cảm thấy vô cùng hứng thú, vội vàng lấy khôi giáp ra, mặc lên người, kích cỡ cũng tạm phù hợp. Ngọc Nhi vừa giúp nàng buộc dây vừa hỏi:
- Công chúa muốn mặc khôi giáp làm gì?
- Ngươi không cần quan tâm. Kiếm đâu? Đưa thanh kiếm cho ta.
Ngọc Nhi đưa thanh bảo kiếm cho nàng, Dương Phương Hinh rút bảo kiếm sắc bén, múa xung quanh mấy cái. Sau đó lại chạy ra gương ngắm, trong gương đã không còn là cô công chúa yểu điệu lúc trước mà là một tướng quân trẻ tư thế oai hùng. Nàng cảm thấy cực kỳ hài lòng. Đây là kết quả mà nàng mong muốn. Bây giờ nàng chỉ thiếu một con ngựa nữa thôi.
…
Với lệnh cấm đi lại ban đêm ở Giang Đô thì người xuất hiện duy nhất ở trên đường cái chỉ có thể là đội tuần tra Kiêu Quả Vệ. Hiện tại Kiêu Quả Vệ của thành Giang Đô có tổng cộng năm mươi nghìn người. Tháng trước Dương Quảng đã chỉnh đốn lại, chia làm ba quân là Tả, Hữu, Nội. Tả quân do Hổ Bí Lang Tướng Tư Mã Đức Kham chỉ huy, gồm hai mươi nghìn người. Hữu quân do Hữu Đồn Vệ Tướng Quân Trần Lăng chỉ huy, cũng gồm hai mươi nghìn người. Nội quân thì do Tả Vệ Đại Tướng Quân Vũ Văn Thành Đô chỉ huy.
Ban đêm, một đội Kiêu Quả kỵ binh xuất hiện ở trước cửa phủ Vũ Văn Hóa Cập. Dẫn đầu là Hổ Bí Lang Tướng Tư Mã Đức Kham, phía sau là Vũ Văn Trí Cập trong hóa trang của một tướng lĩnh Kiêu Quả. Do y đang là Tướng Tác Thiếu Giam cho nên không thể đi lại ngoài đường được, chỉ có thể hóa trang như thế ra ngoài.
Hai người đi lên bậc thang, không cần bẩm báo mà tiến thẳng vào phủ.
Trong phòng, Vũ Văn Hóa Cập cùng với mưu sĩ của y là Liễu Khánh đang bàn bạc đại sự. Có sự trợ giúp của Liễu Khánh, Vũ Văn Hóa Cập đang từng bước một vạch kế hoạch để soán ngôi. Muốn soán ngôi thì điểm mấu chốt là phải nắm giữ binh quyền. Có lẽ ông trời cũng phù hộ cho Vũ Văn Hóa Cập. Trong ba đại tướng nắm giữ binh quyền thì Tư Mã Đức Kham là huynh đệ kết nghĩa của Vũ Văn Trí Cập, còn Trần Lăng lại là tâm phúc của Vũ Văn Thuật cha y, được trọng dụng vì đã đánh bại Lý Tử Thông.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất của Vũ Văn Hóa Cập chính là Nội quân Vũ Văn Thành Đô. Vũ Văn Hóa Cập hoàn toàn không có chủ ý gì, tất cả đều trông đợi mưu sĩ Liễu Khánh hiến kế.
Liễu Khánh chắp tay sau lưng, đi vài bước, nói:
- Công tử, Vũ Văn Thành Đô vốn là họ Tiêu, có khi nào y lại có liên quan gì tới Tiêu Tiển?
Không đợi Vũ Văn Hóa Cập trả lời thì có thân binh bẩm báo ngoài cửa:
- Nhị công tử và Tư Mã Tướng quân tới!
- Mời vào!
Cửa mở, Vũ Văn Trí Cập cùng Tư Mã Đức Kham đi vào. Vũ Văn Trí Cập cười nói:
- Đại ca cho mời chúng ta phải chăng là để uống rượu ngắm trăng?
Vũ Văn Hóa Cập lắc đầu.
- Mời các ngươi đến là để bàn cách đối phó với Vũ Văn Thành Đô. Liễu tiên sinh đã có cách rồi.
Vũ Văn Trí Cập cùng Tư Mã Đức Kham nhìn nhau, hai người đồng thời lên tiếng:
- Tiên sinh có cách gì?
Bốn người đều nở nụ cười, Liễu Khánh nói:
- Ta vừa nói với đại công tử. Vũ Văn Thành Đô vốn là họ Tiêu, có khi nào y lại liên quan tới Tiêu Tiển!
- Diệu kế!
Tư Mã Đức Kham nắm chặt hai tay, mồm xuýt xoa:
- Tiên sinh không hổ danh là thiên tài đất Ba Thục. Quả nhiên là cực kỳ cao minh, Vũ Văn Thành Đô vốn là bà con xa với Tiêu Tiển. Diệu kế này có thể dùng!
- Thật ra rất đơn giản. Giả dụ như Tiêu Tiển phái người đưa thư cho Vũ Văn Thành Đô, nội dung là đừng viết rõ là muốn gặp mặt lần đầu, mà viết là “Việc lần trước ngài cân nhắc thế nào rồi?” Rồi lời nói lập lờ nước đôi, sau đó tên thủ hạ chuyển thư lại vừa khéo bị Tư Mã tướng quân bắt được. Tư Mã tướng quân vội vàng bẩm báo với Thánh thượng. Ta nghĩ cho dù Thánh thượng cực kỳ tín nhiệm Vũ Văn Thành Đô thì trong lúc này cũng sẽ tạm thời tước đoạt binh quyền của y. Mọi người thấy kế này thế nào?
Ba người vỗ tay cười to.
- Quả nhiên là diệu kế.
Tư Mã Đức Kham lại hỏi:
- Thế nhưng chúng ta lại không có thư của Tiêu Tiển, không thể bắt chước bút tích của y được.
Vũ Văn Hóa Cập suy nghĩ một chút nói:
- Tiêu Tiển trước là Huyện lệnh của huyện La, có lẽ bên Hộ bộ sẽ có báo cáo của y trước đây, chắc là sẽ tốn thời gian để tìm.
Liễu Khánh lắc đầu.
- Không cần thiết. Chúng ta không cần biết bút tích của Tiêu Tiển. Dương Quảng cũng vậy, không cần biết bút tích của Tiêu Tiển. Gặp chuyện như thế này thì ông ta thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Chỉ sợ là chờ ông ta tra ra được chân tướng sự việc thì mọi chuyện đã xong xuôi từ lâu rồi.
- Hay!
Vũ Văn Trí Cập cắn răng nói:
- Việc này không nên chậm trễ, chúng ta bắt đầu luôn trong đêm nay.
Trong ngự phòng không thắp đèn. Ánh trăng trong trẻo xuyên qua cửa sổ như dát lên mặt đất một lớp sáng bạc. Dưới ánh trăng, một bóng người đổ dài trên mặt đất.
Dương Quảng chắp tay đứng ở cửa sổ, hai mắt nhìn về ánh trăng sáng tỏ xa xăm. Ông ta vẫn còn nhớ như in chuyện hơn hai mươi năm trước khi ông ta chỉ huy đại quân phá Trần, khi vượt sông, đứng trên thuyền lớn ông ta cũng đã từng nhìn thấy trăng rằm sáng tỏ như vậy. Lúc đó tâm trạng vui sướng, vung giáo ca hát, khiến cho các tướng sĩ trên thuyền cũng vui theo, cùng nhau hát vang.
“Tráng sĩ sơ hoành sóc. Ẩm mã quá đại giang. Hoành tảo tam thiên lý. Phi cẩm hoàn cố hương.”
(Tạm dịch thơ:
Hỡi anh tráng sĩ giáo cặp ngang
Thúc ngựa hiên ngang lướt đại giang
Ngàn dặm vẫy vùng không đối thủ
Áo gấm về quê thật vẻ vang)
Dương Quảng lại nhớ tới năm mình vừa lên ngôi, cũng dưới ánh trăng rằm này, ông ta ấp ủ tráng chí vô cùng to lớn, muốn thực hiện một kế hoạch to lớn. Ông ta muốn lấy Hán thay Hồ, thống nhất Nam Bắc, diệt trừ Quan Lũng, phía bắc bình định giặc Thát. Ông ta muốn sáng tạo ra một thời đại hoàng kim trong vòng mười năm, để cho triều đại nhà Tùy trường tồn muôn đời.
Nhưng tính đến nay, tính cả năm Nhân Thọ thứ tư, thì thời gian tại vị của ông ta còn chưa đến mười ba năm mà đế quốc Đại Tùy đã sắp đi đến bước đường cùng rồi. Trong tai ông ta vẫn còn văng vẳng tiếng cười trào phúng của con trai, trong lòng ông ta tràn ngập bi thương cùng tuyệt vọng.
Đại Tùy cứ như vậy mà sụp đổ sao? Không! Ông ta không cam lòng, tuyệt đối không cam lòng!
Dương Quảng đột nhiên xoay người, chậm rãi đi đến trước ngự án, ngồi xuống. Trên bàn có một quyển tấu chương mà Dương Nguyên Khánh mới đưa lên. Dương Nguyên Khánh đã dẹp xong Thái Nguyên, diệt sạch hai mươi ngàn tinh binh của Lý Thúc Lương, Hà Đông đã nằm chắc trong tay. Trong tấu chương, Dương Nguyên Khánh thỉnh cầu sắc phong Thái Nguyên làm Bắc Đô, ủng hộ Đại Vương, kéo dài xã tắc Đại Tùy.
Lúc này Dương Quảng mới biết, hóa ra là Đại vương cũng không bị rơi vào tay của Lý Uyên, mà là được Dương Nguyên Khánh mang đi. Thảo nào Lý Uyên lại dựng một người trong dòng họ chẳng biết gì làm Ngụy Đế.
Nhờ ánh trăng sáng tỏ, Dương Quảng chậm rãi nhấc bút, tay run rẩy vẽ trên tấu chương của Dương Nguyên Khánh một chữ “Sắc”. Ông ta đồng ý với thỉnh cầu của Dương Nguyên Khánh. Ông ta biết rõ rằng chính tay ông ta đã mở ra cho Dương Nguyên Khánh một khe cửa, thế nhưng... Có lẽ như vậy thì Đại Tùy sẽ không bị sụp đổ.
Lúc này, từ ngoài cửa truyền tới tiếng của Dương Đàm:
- Hoàng tổ phụ, tôn nhi có thể vào được không?
- Vào đi!
Dương Quảng chậm rãi buông bút.
Dương Đàm tiến tới trước mặt Dương Quảng rồi quỳ xuống.
- Hoàng Tổ phụ, xin người hãy tha thứ cho Hoàng thúc!
Dương Quảng ngả lưng trên ghế, nhìn chăm chú vào Hoàng tôn. Lát sau ông ta thản nhiên nói:
- Khi xưa Hoàng thúc của cháu đã không ít lần hãm hại phụ vương cháu, ai cũng hận y thấu xương, vì sao bây giờ cháu lại cầu xin giúp y?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]