Khi Canuela thu dọn hết mọi đồ đạc của mình, luôn cả sách vở và giấy tờ liên quan đến Ramón de Lopez thì chợt nhận ra cô đã bỏ quên hộp bút chì trong phòng khách của hắn.
Cô vào cabin thấy phòng vắng vẻ nên đi lại chỗ cô để bút trên bàn, đối diện với chỗ cô ngồi thường lệ để lấy tốc ký. Lúc vừa cầm chiếc hộp lên thì cô thấy Ramón đi ngang qua cửa dẫn vào phòng ngủ. Hắn nhìn Canuela và nhận thấy cô đã chuẩn bị lên bờ.
Hôm nay cô mặc bộ áo đi đường của mẹ cô thật thanh lịch màu xanh dương. Vì tiết trời ấm áp nên cô không cần khoác áo choàng không tay có lớp lót dầy cùng một bộ với áo đầm, thay vì thế cô chỉ định mặc chiếc áo khoác ngắn cài nút đến eo vào lúc chót. Nón bonnet của cô còn cầu kỳ hơn bất cứ cái nào cô thường đội bên Anh. Giống như bộ áo, nón này được đặt làm ở Pháp, kiểu cách rất đặc biệt mà thời trang ở các quốc gia khác khó lòng cạnh tranh được.
“Cô đã sắp xếp xong mọi thứ rồi sao, cô Gray?” Ramón hỏi cô.
“Tôi hy vọng thế, senor.”
“Nhân viên của tôi sẽ lo liệu các hành lý nặng,” hắn báo cho cô biết, “và xe kéo đã đợi sẵn ở bến tàu để đưa chúng ta về nhà của tôi.”
Hắn ngưng lại rồi nói thêm.
“Tôi sẽ thưởng tiền cho tiếp viên của cô.”
“Ông không cần làm vậy đâu, senor,” Canuela đáp lại. “Chị ấy đã chăm sóc cho tôi, nên tôi cần thưởng cho chị ấy.”
“Nhưng tôi đoan chắc cô sẽ cần tiền cho những việc khác.”
“Tôi muốn cho tiền tiếp viên của tôi.”
Dường như lời lẽ của cô đã khiến hắn phật ý.
“Trời ơi!” hắn bực bội thốt lên. “Cô nhất định phải cãi từng li từng tí như vậy sao? Tôi sẽ lo liệu việc thưởng tiền cho tất cả tiếp viên trên tàu, trước đây cũng thế bây giờ cũng thế.”
Giọng hắn nghe có vẻ khó chịu đến nỗi Canuela chỉ biết ấp úng nói khe khẽ.
“Ông đã đưa cho tôi nhiều tiền... rồi, tôi cũng có lòng tự hào của tôi.”
“Tự hào!” hắn thốt lên cáu kỉnh. “Cô Gray, chính cô đã nhắc tôi người quá tự hào sẽ ngã đau mà, ngày nào đó câu nói đó sẽ xảy ra cho cô.”
Canuela ngước nhìn hắn đầy ngạc nhiên.
“Ông muốn... nói gì?”
“Tôi muốn nói,” hắn trả lời một cách gay gắt, “rằng có ngày cô sẽ khiêm tốn hơn, cô sẽ dịu dàng mềm mỏng, có lòng thương xót và biết rơi nước mắt!”
Qua làn kính đen Canuela sửng sốt nhìn hắn đăm đăm trong lúc hắn nói thêm.
“Khi nào cô khóc cô sẽ biết mình đang yêu!”
Canuela hít một hơi dài.
“Senor, với tôi chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra! Nhưng tôi sẽ để ông thưởng tiền thù lao cho tiếp viên.”
Cô bước ra khỏi cabin và đóng cửa lại phía sau. Chỉ đến khi đi dọc theo hành lang cô mới nhận ra rằng mình đang run rẩy một cách khác thường.
“Tại sao tôi lại làm cho hắn tức tối dữ vậy?” cô bâng khuâng tự hỏi.
“Tại sao cô chỉ cố cư xử theo cách mà cô nghĩ là đúng thì hắn lại thấy phiền?”
Cứ băn khoăn hoài nhưng cô vẫn không có câu trả lời và hai mươi phút sau cô nhận ra tàu đã cập bến, cầu tàu đã kéo xuống và đã đến lúc phải lên bờ.
Trước khi hành khách được xuống tàu cả một rừng bạn bè thân nhân đã ùa lên tàu. Hình ảnh này khiến Canuela nhớ lại ngày xưa lúc nào cũng có nhân viên của ngoại giao đoàn và đông đảo bạn bè của cha mẹ cô đứng đón mỗi khi họ đi xa về. Rồi còn có hoa cho mẹ và chocolate cho cô. Khung cảnh này dường như lúc nào cũng là sự đoàn tụ gây ấn tượng mạnh mẽ và có quá nhiều trải nghiệm để thuật lại, quá nhiều chuyện để nghe.
Nhưng hôm nay hoàn cảnh thật khác lạ, cảnh đoàn tụ vẫn diễn ra trước mắt nhưng không hề có một ai trò chuyện cùng cô.
-o0o-
Cô thấy senor Juan Sánchez, mặt mày đỏ ửng dáng điệu khoa trương, đang chào vợ ông ta và nhìn quanh đám đông đang đợi xuống tàu, ánh mắt săm soi từng người một.
Canuela dường như thấy, cũng có thể đấy chỉ là tưởng tượng của cô, khi mắt ông ta dừng lại nơi Ramón ông ta cau mày.
Tuy nhiên, ông ta vẫn bước về phía Ramón và chìa tay ra.
“Ông ra sao rồi, de Lopez? Tôi nghe nói ông đi chuyến này.”
“Rất mừng được về nhà,” Ramón đáp lại. Hắn quay qua senora lúc này đang đứng cạnh chồng bà ta, và nhấc nón chào.
“Tôi hy vọng, senora, chuyến đi này thoải mái đối với bà?” hắn hỏi ra điều xã giao. “Thật đáng tiếc là chúng ta gặp nhau ít quá, nhưng không may công việc đã chiếm hết thời gian của tôi.”
“Công việc?” Senor Sánchez ngờ vực hỏi.
“Sau này ông sẽ có dịp nghe tất cả mọi chuyện,” Ramón hứa hẹn. “Đấy là bản dự thảo để chính phủ nghiên cứu và tôi nghĩ với tư cách là bộ trưởng tài chính văn kiện này có liên quan đặc biệt đến ông.”
Hắn vừa nói vừa quay đi, và ra hiệu cho Canuela đi xuống cầu tàu trước. Một số đông bạn bè của hắn đã đợi sẵn trên bến để thăm hỏi Ramón, chúc mừng hắn về nhà. Cuối cùng hắn cũng xoay sở tách ra được và lên ngồi bên cạnh Canuela trên chiếc xe thanh lịch mui trần, được kéo bằng đôi ngựa giống qúy. Sau khi hắn yên vị họ bắt đầu rời bến và trực chỉ trung tâm thành phố.
Đối với Canuela trở về Buenos Aires như quay ngược về quá khứ đã xa. Mọi con đường đều có vẻ quen thuộc và là một phần đời thơ ấu không thể chia lìa của cô. Ngay cả những khu vực khác của Buenos Aires cũng trở lại với cô trong tiếng ngân vang du dương nhiệm màu gợi lại trong cô những câu chuyện thần thoại.
Này là Palermo với khu vườn dài tăm tắp, kia là La Recoleta với hàng cây cổ kính rợp bóng, đó là El Pasque Lezama với những thung lũng nhỏ huyền bí, và La Costanera với lối đi dạo xinh đẹp viền bằng những thân bạch dương cao vút.
Tất cả những hình ảnh này tạo nên một Buenos Aires kỳ diệu mà ba cô đã ấp ủ trong trí óc của cô khi kể cho cô nghe Argentina đã thành hình như thế nào. Thoạt đầu người Spaniards không đoái hoài đến thành phố này vì họ chỉ chú ý đến vàng thoi bạc nén và động vật tự nhiên ngoại trừ đà điểu vì theo họ giống chim này không có giá trị xuất cảng. Nhưng đứng sừng sững bên bờ giòng sông mênh mang màu nước như bộ lông của mãnh sư thành phố càng ngày càng tăng trưởng mang hai sắc thái – nét nghiêm trang của Anh quốc kết hợp với các khuôn viên đủ sắc màu của Lima (thủ đô của Peru) cổ kính.
Ramón de Lopez yên lặng lái xe một đoạn ngắn và khi họ đến khu vực quan trọng hơn của thành phố Canuela reo lên thích thú. Đây là những phố xá và nhà cửa được trang hoàng với cơ man cờ quạt. Chỗ này người ta đang chăng các biểu ngữ ngang những đại lộ, nơi khác dân chúng đang treo những dải băng dài lên các cột đèn đường và gắn những vòng cung đến ban đêm sẽ tỏa sáng với các gas-globes (qủa cầu kính trang trí trên các vòi bơm dầu). Nhìn thấy những cảnh tượng này Canuela đột nhiên nhớ lại hôm nay là ngày nào trong tháng, và ngay lúc ấy Ramón nói:
“Ngày mai là 25 tháng năm, lễ kỷ niệm Độc Lập. Cô sẽ có dịp ngắm Buenos Aires vào lúc tưng bừng nhất.”
“Đồ trang hoàng nhiều màu sắc quá,” Canuela nhận xét.
Cô hy vọng giọng của mình nghe có vẻ ngạc nhiên, và tự dặn mình không nên tỏ ra biết quá rõ thành phố tưng bừng nhộn nhịp ra sao vào ngày lễ lớn này. Thế nào cũng có biểu ngữ, âm nhạc, và các cuộc diễn hành rầm rộ và pháo hoa khắp nơi.
Te Deum (thánh ca) được đồng ca trong vương cung thánh đường, có tổng thống và các bộ trưởng đến tham dự thánh lễ trong trang phục thật long trọng theo cấp bậc riêng của họ. Rồi cô cũng biết dân chúng sẽ tràn ồ ạt xuống phố, làm nghẽn đường xe chạy, và chồm qua balconies ngắm các cuộc diễn hành. m thanh tiếng động vang dội khắp nơi, bởi vì mỗi khi dân Argentines ăn mừng họ đều ồn ào náo nhiệt không thể tả. Pháo hoa được đốt từ sáng đến tối trong mọi ngôi làng hẻo lánh cho đến thủ đô, đạn pháo hoa nổ tung mù mịt rền vang như sấm động.
Cũng chính vì ngày hội nên thiên hạ bày ra biết bao nhiêu là trò đùa nghịch, đôi lúc trở thành quá quắt mất cả thú vị. Lionel Arlington từng kể cho Canuela nghe hội hè có thể gây phiền đến cỡ nào khi ông vừa mới tới Argentina.
“Nếu con dám bước chân ra khỏi nhà là sẽ bị người ta ném loạn xạ vào người mình, mà cũng chẳng biết từ đâu phóng tới.”
“Người ta ném cái gì?” Canuela hỏi ba cô.
“Pomitos,” ông trả lời. “Đó là những gói chứa giấy vụn li ti trộn với bột mì hay tiêu. Con cứ tưởng tượng xem những thứ đó cám dỗ mấy thằng bé biết chừng nào.”
Canuela phá lên cười.
“Nếu không bị ném ngay mặt hay vào quần áo,” ba cô nói tiếp. “Thì thế nào cũng có nguy cơ bị tạt nước, tạt bột, hay bị ném trứng thậm chí quăng đá nữa.”
“Nghe ghê quá ba à.” Canuela rùng mình kêu lên.
“Trò đùa đã trở nên quá đáng đến nỗi cảnh sát cấm không cho tạt nước trong thành phố, và pomitos không được đựng bất cứ thứ gì gây tổn hại đến người khác ngoại trừ hương liệu!”
Lễ hội Canuela có dịp thấy cách đây ba năm thật vô cùng rực rỡ. Từ balcony của sứ quán Anh cô được ngắm toàn bộ cảnh tượng và hớn hở biết bao với đoàn diễn hành mang thánh tượng. Rồi còn có những nhóm thanh niên trẻ thuộc các hội đoàn hay các tổ chức, trong trang phục hội hè hay y phục cải trang mang tính chất lịch sử. Ai nấy đều rất vui vẻ phấn chấn. Và còn tiết mục như một phần không thể thiếu được trong ngày Độc Lập là đua ngựa của dân tay chăn bò, vẫn còn đọng lại trong tâm trí Canuela như là tiết mục vui nhộn nhất.
Nhiều người trong số họ dành dụm cả năm chỉ để thắng một bộ bảnh bao lần này. Những đồ phụ tùng của ngựa được lau chùi sạch sẽ và đánh bóng sáng loáng, bờm và đuôi được cắt sát. Họ ganh đua với nhau xem ai phô trương nhiều bạc nhất, không chỉ trên thân ngựa mà còn trên người họ.
Kiêu hãnh như các hiệp sỹ thời trung cổ, họ dong ngựa tới trước để thử tài kỵ mã với tất cả những tay đua đang tới. Cuộc đua đơn giản mục đích chỉ là thử thách lòng gan dạ của người, tốc độ, và sức chịu đựng của vật. Nhưng cả hai đều cố hết sức bình sinh trổ tài. Giải thưởng cho cuộc đua được đánh giá cao vì nói lên tầm quan trọng của tài cưỡi ngựa xuất chúng.
“Ngày mai cô có thể theo dõi các chuyến diễn hành từ nhà tôi,” Ramón cất tiếng, “tôi mong khi về nhà mọi việc đã sắp xếp đâu vào đấy trong lúc tôi vắng mặt, mà đúng lý ra tôi phải tham gia.”
Hắn không nói thêm lời nào và Canuela cảm thấy hình như hắn đang báo trước cho cô chuyện gì đấy sắp xảy ra.
Đường đến quảng trường Victoria, công viên chính của thủ đô, cũng không mấy xa. Cô lại thấy được vương cung thánh đường nơi an táng thánh Martin, tòa điện tổng giám mục, và biệt điện Rosa sơn màu hồng rất huy hoàng là nơi cư ngụ của tổng thống. Rồi xe lăn bánh đến quảng trường thánh Martin và cô thấy một số dinh thự mà mẹ cô từng diễn tả là “cung điện” của giới qúy tộc.
Vây quanh bởi các khu vườn và mang màu trắng lấp lánh, các tòa nhà trông thật nguy nga trong ánh nắng ấm áp. Và biệt thự của Ramón de Lopez là tất cả mọi điều Canuela hình dung và còn hơn thế nữa.
Cảm giác đầu điên là quá đồ sộ, và khi vào bên trong cô nhận ra nhà như có một làn mờ mờ tối mát mẻ che chắn cho nhà khỏi những tia nắng nóng gắt. Bầu không khí không hề có vẻ trang trọng, huy hoàng, hay thậm chí xa hoa. Cô không thể tự giải thích tại sao ngoại trừ căn nhà dường như ấm cúng dễ chịu. Nhưng rồi cô tự nhủ mình chỉ khéo ảo tưởng thôi, chẳng qua đấy là vì không khí này gợi lại trong cô những năm tháng êm đềm hạnh phúc cô từng trải qua ở Buenos Aires.
Mẹ cô từng nói Ramón có cả “đạo quân hầu” và trong đó chắc chắn có nhiều người lắm. Sau cùng cô được một người mà cô đoán chừng là quản gia chỉ đường cho cô lên phòng nằm ở lầu trên.
Tương tự như các kiểu nhà thường thấy ở Argentina, nhà này xây chung quanh nhiều vuông sân, nhưng chưa bao giờ Canuela thấy được đài phun nước chạm bằng đá lớn và đẹp đến thế, cứ liên tục phun những tia nước lóng lánh như ngũ sắc vào vầng dương trên cao. Chung quanh đài nước cơ man là hoa, trông thật thanh nhã như một áng thơ đầy màu sắc. Tô điểm cho khung cảnh hữu tình là những gốc cam trĩu quả và các loại dây leo như dâm bụt và hoa giấy rực rỡ trên nên nền cẩm thạch trắng.
Quang cảnh mỹ miều đến độ Canuela không nói nên lời, và khi cô được đưa vào phòng ngủ cô nhận ra nơi này cũng là một phần bổ sung cho vẻ đẹp của “cung điện.”
“Tôi mong cô ở được thoải mái, senorita,” quản gia nói với cô. “Tôi đã phân công một người hầu đến chăm sóc cô. Tên cô ấy là Dolores.”
“Cám ơn.”
Một lát sau Dolores bước vào phòng. Cô gái này rất duyên dáng, khuôn mặt trái xoan, và đôi mắt to đen được viền bằng rèm mi dài. Canuela đoán cô ấy độ 17 tuổi. Dolores cúi chào cô và nói rằng cô rất hân hạnh được phục vụ một qúy cô thanh lịch từ ngoại quốc đến.
Hành lý của cô đã được mang lên lầu và trong lúc Dolores dỡ đồ đạc cô gái trò chuyện rất thân mật như phần nhiều tính cách thường thấy của người Argentine.
“Em có mong đến ngày mai không?” Canuela hỏi, biết rằng đó là ngày quan trọng ra sao đối với người dân của Buenos Aires.
“Em có một cái áo đầm mới, senorita, để đi khiêu vũ với chồng sắp cưới của em. Ba mẹ em cũng đi chung với chúng em,” cô nhanh chóng nói thêm phòng khi Canuela nghĩ ngợi có điều gì sai sót trong cách hành xử như thế.
“Ồ tất nhiên rồi,” Canuela tán thành. Cô biết rõ các thiếu nữ Argentines muôn đời phải chịu sự giám sát của cha mẹ họ hay một duena (phụ nữ lớn tuổi).
“Con gái bất cứ tầng lớp nào cũng không bao giờ được thoát ra khỏi vòng kiểm soát,” cô từng nghe ba mình dạy như thế, “từ lúc còn nằm trong nôi cho đến lúc thành hôn, để tránh khỏi bị cám dỗ.”
Canuela thầm nghĩ sự việc cũng giống nhau thôi, tương tự như kiểu cách các thiếu nữ Anh được tháp tùng và không một giây phút nào được cho phép ở riêng biệt với đàn ông. Nhưng cô nhận ra tình cảnh của mình thật khác thường, sau khi ghé đảo Madeira cô đã ở riêng rẽ với Ramón gần như là mười hai ngày. Cô hình dung đến cảnh những người bạn đồng song trước đây của mẹ cô sẽ kinh ngạc đến chừng nào nếu họ biết được, và thực ra ba cô cũng không bao giờ cho phép cô làm như vậy. Nhưng cô không sợ là nếu gặp lại bạn của ba họ sẽ nhận ra cô.
Thuở còn là học trò cô không bao giờ được phép tham dự bất cứ buổi hội họp nào vì đối với xã hội bên ngoài cô chưa được chính thức ra mắt. Đến giờ cơm cô phải dùng bữa trong phòng học với gia sư. Nếu cô ra ngoài đi dạo trong công viên hay vòng quanh phố thì phải đi với cô Johnson và hoàn toàn không có chuyện xem đua ngựa. Đến rạp hát cô chỉ được phép xem những màn trình diễn đặc biệt của Shakepeare hay một trong các tác giả cổ điển, nhưng chỉ là xem vào buổi chiều.
“Kể từ khi ra ngoài làm việc mình có nhiều thời gian tự do,” Canuela thầm nghĩ, “hơn bất kỳ cô gái nào cùng tuổi và vị thế trong xã hội.” Rồi cô hiểu từ ngữ đó diễn tả thật xác đáng – một “cô gái trong vị trí của cô.” Cô là một đứa con gái không có một vai trò nào trong xã hội vì cha cô bị cáo buộc mưu phản. Cô là một đứa con gái mà không bất cứ nhân vật đứng đắn trong Buenos Aire muốn biết đến, nếu như họ có chút khái niệm nào về danh tính của cô.
Canuela thấy mình run lên trước viễn ảnh bị phát hiện, và tự hỏi Ramón sẽ phản ứng ra sao nếu thân thế cô bị phơi bày. Đương nhiên hắn sẽ tin ba cô là kẻ có tội. Có khi nào hắn sẽ đuổi cô về Anh không buồn nói một lời cảm kích công sức của cô không? Cô không tin hắn nỡ ra tay như thế, nhưng làm sao cô có thể tin được ai đây?
Giá mà Ramón đừng quay lưng lại với ba cô, người lúc nào cũng xem hắn là bạn? Giá mà hắn đừng giống như những người Argentines kia chỉ biết sẵn lòng phỉ báng và hủy diệt người hắn từng khen ngợi tán dương hàng bao nhiêu năm qua?
“Không một ai có thể phát hiện được tôi cả,” Canuela thầm nhủ.
Khi đến lúc phải rời khỏi đây cô sẽ lẳng lặng bỏ đi và trở về với thân phận tối tăm mờ mịt bên Anh. Thậm chí cô còn nghĩ đến việc cô và mẹ sẽ phải thay tên đổi họ một lần nữa. Thay được một lần rồi thì cả chục lần nữa có vấn đề gì khác biệt đâu?
Giá mà cô có thể kiếm đủ tiền, mẹ con cô có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, khuất danh ẩn tánh, không ai để ý. Chỉ có hai chiếc bóng lặng câm không một ai màng đoái hoài tới.
Canuela khẽ thở dài và ấn chặt đôi kính đen vào sát mũi hơn nữa. Cặp kính này bảo đảm thân phận nặc danh cho cô trước những con mắt soi mói tọch mạch. Là khiên giáp của cô.
“Tôi phải hết sức cẩn thận mới được,” cô tự cảnh giác mình, “để khỏi lộ ra là tôi từng ở đây dạo trước.”
Một lát sau cô được đưa tới một văn phòng nhỏ kế bên căn phòng rất lớn, mà cô đoan chắc là nơi Ramón làm việc. Vào phòng đã có nhân viên của hắn thông báo cho Canuela nhiệm vụ cần làm.
“Senor yêu cầu cô giải quyết những sự vụ quan hệ với Anh quốc, và bản tường trình mà theo tôi hiểu senor đã đọc cho cô khi ở trên tàu.”
Canuela cúi đầu.
“Tất cả thư từ và điện tín từ Anh sẽ được mang tới cho cô, senorita, thư tới đây vẫn còn nguyên chưa mở,” ông ta nói tiếp. “Nếu cô cần bất cứ cái gì, làm ơn cho tôi biết. Tên tôi là Náon – Marcela Náon.”
“Cám ơn ông, senor Náon,” Canuela nói. “Ngoại trừ việc cần thiết tôi cũng không muốn làm phiền ông nhiều, nhưng xin ông hiểu cho có thể nhiều điều vẫn còn lạ và khó hiểu đối với tôi.”
“Tôi rất hân hạnh và vui mừng được trợ giúp cô, senorita,” ông ta đáp lại.
Trước lời lẽ lịch sự của ông ta cô cảm thấy phấn khởi được tiếp xúc lại với cung cách lễ độ lịch thiệp, đôi khi có phần dài dòng ở Argentina. Ở đây cô không phải nghe những giọng điệu hách dịch gay gắt vẫn thường xảy ra trong các công sở ở London.
Chốn này mọi người đều nhã nhặn và tôn trọng lẫn nhau, nếu không nói là có đôi chút màu mè. Nhưng tựu trung cung cách ở đây có nét khả ái của truyền thống cũ và dễ chịu cho người nghe hơn nhiều so với thái độ cộc lốc đôi khi làm cô nhói cả người. Nhưng đồng thời Canuela quá thấu hiểu cách ăn nói hòa nhã như thế thường phản ánh vấn đề thiếu khả năng ẩn đằng sau các quan hệ thương mại của người Argentine.
-o0o-
“Con có thể tóm gọn mọi việc chỉ trong vài từ,” ba cô tươi cười nhận xét. “Manana, pasado manana, la semana que viene.”
“Ngày mai, ngày kia, tuần tới,” Canuela thông dịch.
Những từ ngữ đó đã là lá chắn của cô.
“Chính xác!” ba cô nói. “Thời gian qua đi mọi việc sẽ lắng xuống. Trong lúc này tài trí của người ta sẽ bị thử thách đến mức tận cùng để có thời gian cho mọi việc được an định vĩnh viễn.”
Tối hôm đó Canuela dùng cơm tối một mình. Theo lời người hầu cô biết senor Lopez ăn tối bên ngoài. Phần ăn của cô được dọn trong phòng ăn nhỏ trông ra khuôn viên mà cô đoán là nơi senor thường ăn sáng. Đến lúc này cô thấy căn nhà dường như kéo dài đến vô tận. Nhà còn có nhiều những khoảng sân khác nữa, và nằm tuốt đằng sau trông ra vườn là một phòng khiêu vũ khổng lồ.
Chỉ nội khu vườn thôi đã tuyệt đẹp rồi, vườn đẫm bóng mát bởi những tàn cây keo và đơm đầy các loại hoa xinh đẹp rực rỡ cô vẫn thường nhớ đến khi ở bên Anh. Thấy cảnh này cô phân vân không biết cô vẫn còn có thời gian ngồi dưới nắng mơ mộng như cô từng mơ mộng thuở còn nhỏ không.
Dạo trước cô vẫn hằng tin thế giới này chỉ toàn là những người cao thượng, tử tế, thân tình những người cô thương yêu cũng như họ sẽ thương yêu cô. Mọi thứ trải ra trước mắt cô dường như đều vàng son tuyệt diệu như những đồng cỏ hoang trải dài đến vô tận. Đồng cỏ hoang, cánh đồng trống “trơ trọi cây cối” của thi sỹ là xứ sở thoáng đãng bạt ngàn mà dưới trận cuồng phong cũng “dậy sóng ào ạt như biển khơi.”
Cánh đồng hoang đó đã từng kích thích trí tưởng tượng của cô và khiến cô cảm thấy đời sống cô như trải dài đến chân trời vô định. Nhưng giờ đây cô phải học hiểu một cay đắng rằng chân trời của cô đã bị giới hạn bởi tội phản quốc và thiếu thốn tiền bạc, đã thu gọn vào căn phòng nhỏ hẹp trên đường Bloomsbury.
Tuy nhiên trong hiện tại cô đã thoát được khung cảnh tù túng đó!
“Tôi phải hưởng thụ từng giây từng phút này. Tôi phải nhớ cho kỹ. Tôi phải khắc sâu vào tâm khảm,” Canuela tự nhủ, “để sau này tôi sẽ vĩnh viễn không quên.”
Cô sẽ giữ những hình ảnh này cho đến khi senor Lopez không cần cô nữa và phải quay về Anh quốc, đến lúc ấy cô sẽ nhắm mắt lại và hồi tưởng đến những cảnh sắc đã làm cô say đắm, nghe được tiếng chim hót như những khúc nhạc cô không bao giờ quên.
Thỉnh thoảng khi trời London trở nên tối tăm xám xịt, sương mù giăng mắc và mưa như trút nước, cô từng hình dung đến những giòng sông nông lòng lầy lội tuôn chảy cuồn cuộn trên các đồng cỏ hoang mà ba thường đưa cô đi dạo. Tránh khỏi những mảng cúc dại khổng lồ đầy gai, họ dong ngựa xuống vùng đất trũng cỏ mọc cao đến tận thắt lưng và cơ man là hoa.
Quang cảnh trông giống như các đồng cỏ Anh quốc vào tháng sáu và họ tìm thấy được cả những dòng suối thỉnh thoảng vì mưa nhiều lan rộng như sông. Rồi còn không biết bao nhiêu là chim chóc. Nào là vịt trời, thiên nga, chim cao cẳng, cò mỏ cong, diệc, cò mỏ thìa tất cả mọi loại mà ba cô nêu ra được. Thỉnh thoảng, đó là lúc cô cao hứng nhất, cô thấy được loại chim cao cẳng mang hai sắc lông trắng và hồng, mỗi khi chúng giương cánh nền lông ánh lên sắc hồng thắm thật lộng lẫy. Đó là chim hồng hạc, dù cô vẫn thường xuyên tìm kiếm chúng nhưng chỉ thấy được loại chim này trong vài dịp hiếm hoi.
“Tôi phải nhớ. Tôi phải nhớ hết mọi thứ!” Giờ đây cô tâm niệm như thế.
Trong lúc này thật là khó dời mắt khỏi khu vườn và quay vào căn nhà yên tĩnh mát mẻ. Cô đã dùng xong cơm tối và bước ra sân đi dạo. Giữa sân là một đài phun nước bằng đá rất lâu đời kiểu Tây Ban Nha, từng được chạm khắc thật tài tình bởi những nghệ nhân đã qua đời từ lâu. Cô nhận ra được nền đá chạm nổi tỉ mỉ là công trình thủ công của thợ Indian được người Jesuits thuê vào làm.
Tiếng nước rơi rì rào vào bể đá đã át tiếng chân của ai đó đang bước tới gần. Cô giật mình khi bất ngờ nghe tiếng Ramón hỏi.
“Cô đang ngưỡng mộ đài nước của tôi phải không, cô Gray?”
“Đẹp tuyệt!” Canuela buột miệng khen. “Nhưng lúc đó công trình điêu khắc của người Indian luôn luôn...”
Cô vụt nhận ra mình suýt chút nữa đã lỡ lời nên vội khỏa lấp.
“... luôn luôn được mô tả qua sách vở như là vừa đẹp vừa nổi bật.”
“Đúng thế,” hắn đồng ý. “Thế cô đã thám hiểm hết nhà tôi chưa?”
“Tôi chỉ mới xem chút ít thôi,” Canuela trả lời.
“Còn khu vườn thì sao?”
“Vườn của ông đẹp lắm.”
Cô có cảm tưởng hình như hắn đang ép cô phải thừa nhận là thán phục tài sản của hắn thì phải, rồi hắn nói tiếp.
“Ngày mai, ngày Độc Lập, mọi người thường mở tiệc tùng. Trước khi tôi đi vũ hội đã được chuẩn bị cho bạn bè tôi trong nhà này, và tôi cũng tham gia chung với nhà kế bên thuộc về một thành viên của chính phủ.”
Hắn dừng lại, nhưng Canuela không lên tiếng, chỉ không hiểu tại sao hắn lại phải cất công giải thích cho cô biết.
“Vào dịp hội hè mọi người đều lấy làm thú vị được ẩn danh,” Ramón nói tiếp, “tất cả bạn hữu của tôi và chủ nhân nhà láng giềng đều mang mặt nạ. Phần lớn cũng sẽ mặc theo kiểu hoá trang. Tôi hy vọng cô nhận lời mời của tôi tham dự tiệc.”
Trong giây lát Canuela hãy còn nghĩ là mình chưa hiểu hết ý hắn rồi cô hỏi.
“Như là khách?”
“Phải là khách!” Ramón lập lại. “Tôi không muốn ra lệnh cho cô tham dự, cô Gray, nhưng mời cô đến.”
Canuelas suýt buột miệng nói ra là cô đồng ý, nhưng rồi cô hiểu quá rõ việc chấp thuận của cô sẽ gây ra hậu quả gì. Ở đó biết đâu sẽ có người cô từng gặp khi trước. Nếu quả thật như vậy, cô cũng không phải biết nói gì với họ, còn đối với mọi người khác cô chỉ là kẻ xa lạ. Với tư cách là chủ nhà Ramón không thể nào có nhiều thời gian để trò chuyện với cô, và cô cũng đâu quen biết ai.
Cô chỉ đành phải lang thang đó đây mang cảm giác ngượng ngùng bối rối và sợ hãi từng giây từng phút, dù không có nguy cơ bị ai đó đoán ra cô là con gái của Lionel Arlington.
“Cám ơn ông có lòng mời tôi, senor,” cô trả lời, “nhưng tôi đành phải từ chối.”
“Tại sao chứ?” hắn hỏi một cách đột ngột.
“Vì tôi không muốn tham dự tiệc tùng.”
“Lý do đó thật hoang đường,” hắn phản bác. “Cô còn trẻ và tất cả thanh niên trẻ đều muốn khiêu vũ, nhất là trong dịp lễ hội.”
“Ông đang nói đến người Argentines, senor. Còn tôi là người Anh.”
“Cô hãy còn trẻ mà, lúc tôi còn ở London mỗi tối tôi đều được mời tham dự vũ hội, có vài đêm còn tới hai ba buổi dạ vũ nữa.”
“Nhưng trường hợp của tôi khó lòng giống như thế, senor.”
“Các vị nữ gia chủ người Anh tiếp đón tôi nồng nhiệt lắm. Bây giờ với tư cách là chủ nhà Argentine tôi sẵn sàng chiêu đãi như thế đối với cô.”
“Tôi cám ơn ông, nhưng tôi đã trả lời ông rồi.”
“Cô lại tỏ ra khó khăn sao?”
“Không phải khó, mà là thực tế,” Canuela trả lời. “Tôi là nhân viên của ông, và ông cũng như tôi đều biết rõ là các vị khách đến tham dự vũ hội của ông tối mai sẽ không trông mong chen vai với một thư ký quèn, và họ sẽ cảm thấy vô cùng sỉ nhục nếu bị giới thiệu một cách khinh suất với người mang thân phận thấp kém trong xã hội.”
Ramón không nói năng gì một lúc lâu, nhưng Canuela hiểu những gì cô vừa nói hắn không thể phủ định được.
Trong một số khía cạnh xã hội Argentina rất ư là khe khắt, hẹp hòi. Dân tộc Argentine cũng tương đối giống như dân Anh, họ tin rằng cơ cấu xã hội dựa trên tôn ti trật tự. Hơn nữa, người Argentine trong mọi tầng lớp đều đặt niềm tin vào cách hành xử mẫu mực như là thuần khiết, liêm chính, và danh dự. Tất cả những điều này dựa trên một quy tắc xã hội mà khi liên quan đến phạm vi gia đình thì đều hẹp hòi và mù quáng.
Canuela biết cho dù mẹ cô là người tử tế, hiểu biết, và cảm thông bà cũng không thể nào mời thư ký của chồng ăn trưa cùng với bạn bè mình. Các vị nữ chủ Argentine thì lại càng không thể thừa nhận hay thậm chí gặp gỡ Canuela, vì cô là thư ký của Ramón và đã du lịch cùng hắn không có người tháp tùng suốt từ Southampton tới Buenos Aires.
“Mọi người đều che mặt mà,” Ramón nói nhỏ. “Tôi rất mong cô có mặt.”
“Để làm gì? Thấy cái gì? Nghe cái gì? Canuela chất vấn.
Hắn không trả lời và cô nói tiếp.
“Tôi rất ý thức vị trí của mình, senor. Chỗ của tôi là văn phòng của ông, và đó là nơi tôi nên lưu lại.”
Hắn khẽ thở dài.
“Tôi nghĩ biết đâu cô có tinh thần phiêu lưu hơn và đỡ khuôn sáo hơn hầu hết các cô gái đồng tuổi cô.”
Thấy cô vẫn im lặng hắn nói như tự giải thích với chính mình.
“Nhưng một thiếu nữ Anh bình thường chắc chắn không thông minh như cô hay có được nền học vấn như cô.”
“Một cô gái Anh, nếu cô ấy là kiểu phụ nữ ông mời tham dự vũ hội thì sẽ không bao giờ làm việc cho ông, senor. Điều đó càng cho thấy tôi nên giữ vị trí của mình thưa ông.”
“Tôi chỉ phân vân không hiểu điều đó là gì,” hắn trầm ngâm nói.
“Tôi được thông báo là phải giải quyết các thư từ giao dịch với bên Anh. Tôi đoan chắc thế nào cũng có khá nhiều điện tín vào sáng mai. Nếu ông tham dự lễ hội tôi không dám làm phiền ông với mớ giấy tờ đó cho đến hôm sau.”
“Cô thật chu đáo đấy cô Gray!” Giọng hắn đượm vẻ châm biếm.
“Tôi chỉ cố hết sức thôi, senor.”
Nói xong, cô vội nhún chào và quay đi. Không cần nhìn lại cô vẫn biết hắn đang dõi theo cô. Canuela mong rằng dáng đi của mình không những trông chững chạc, mà thậm chí còn uyển chuyển nữa. Nhưng rồi cô cương quyết tự nhủ mình không có quyền nghĩ đến những chuyện như thế.
Cô đi đứng ra sao thì có gì quan trọng đây?
Cô chỉ là một thư ký, chỉ như thế thôi và lại càng không nên xem việc hắn mời cô đi dự tiệc như là lời khen tặng. Lời mời của hắn, cô tự nhủ, chủ ý chẳng qua chỉ là muốn khoe khoang. Hắn muốn cho cô thấy chung quanh hắn toàn là thành phần xuất chúng của Buenos Aires, để cô phải thán phục phương thức tổ chức yến tiệc của hắn, để ngắm thưởng khu vườn xinh đẹp của hắn rực rỡ lấp lánh với biết bao gas-globes và đèn nến lung linh.
Ôi những “ánh đèn tiên”, cô vẫn gọi như thế từ thuở ấu thơ, vẫn nhớ được mình kiễng chân chồm qua balcony xem ba mẹ khiêu vũ trong lúc những ánh đèn màu lấp lánh trong các khóm cây và hoa cỏ. Rồi còn những ngọn đèn lồng Trung Hoa rải ánh vàng trên những vòm che nắng dưới các lùm cây, nơi các cặp ngồi nghỉ chân và chuyện vãn với nhau trong lúc họ không khiêu vũ.
Còn mẹ cô thì giống như công chúa thần thoại. Đấy chính là hình ảnh Canuela hình dung mẹ trong chiếc áo dạ hội trắng hiện đang xếp trong rương mà mẹ nhất định muốn cô đem theo.
“Thương cho mẹ tôi quá – vì mẹ chẳng biết tí gì về vị thế của con gái mẹ hiện giờ.”
Đối với cô lúc này, chẳng có áo dạ hội trắng tinh, chẳng có khiêu vũ giữa những ánh đèn màu lấp lánh, cũng chẳng được dự phần trong ngày hội quốc khánh đang khiến bao người dân Argentine như đang phát điên lên kia.
-o0o-
Dù phòng Canuela ngủ nằm phía bên trong sân, trời vừa hừng sáng là cô đã bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo hoa rít chói tai trên không trung.
Trong lúc cô thay áo tiếng ồn càng lúc càng vang lộng, và ngay sau đó là tiếng trống và kèn trumpet của dàn nhạc đã vẳng tới từ xa xa rồi kế đến là tiếng chuông nhà thờ đổ. Hình như cứ mỗi giờ là giai điệu hùng hồn của quốc ca lại vang lên, nhạc điệu mà Lionel Arlington thường diễn tả là “du dương, khơi động tinh thần ái quốc, và là tuyệt tác của thi ca.”
Trong nhà gia nhân đang hối hả tất bật, theo Canuela thấy hình như kiểu bận rộn của họ có vẻ khác thường. Khi tới văn phòng thì cô mới biết là hôm nay không có thư từ hay điện tín nào. Tối hôm qua nói chuyện với Ramón cô đã quên bẵng là bưu điện đóng cửa vào ngày náo nhiệt nhất, rảnh rỗi nhất trong năm! Sớm hay muộn thế nào cô cũng phải đứng chung với senor Náon và các nhân viên khác trên balcony xem náo nhiệt.
Dưới đường một cuộc diễn hành đang diễn ra, họ khênh một bức tượng Thánh thật lớn và vô số biểu chương được thêu thùa của các giáo đường. Theo sau Thánh tượng là những giáo dân thống hối mặc áo choàng nâu như tu sỹ, đi chân đất và đọc kinh cầu nguyện. Trong đám rước còn có các binh sỹ giúp tay đẩy các Thánh tích dọc theo con đường lát đá, và đối với Canuela lúc này như đang có cả ngàn tiếng kèn đồng lanh lảnh tràn ngập không trung.
Người ta reo hò, cười nói, ca hát. Khắp nơi người nào người nấy đều thỏa thuê vui đùa. Trẻ con thì dĩ nhiên là ném pomitos, Canuela đoán chắc thế nào mấy cái gói đó cũng chứa những thứ tinh nghịch gì khác chứ không đơn giản là hương liệu. Từ các balcony phụ nữ ném hoa xuống các binh sỹ đang đều bước diễn hành và các tay chăn bò bên dưới.
Những đóa hoa xinh tươi được bắt lấy vô cùng tài tình, rồi được giắt lên nón, lên tai hay cài vào khuy áo đồng phục kèm theo nụ cười tươi tắn, và đổi lại là những sóng mắt yểu điệu mơ màng từ balcony.
Canuela biết hoa trong ngày lễ hội tượng trưng cho khởi đầu của hàng trăm cuộc tình mới tinh khôi. Có những cuộc tình kết thúc bằng đám cưới sau đó trong năm, và rất nhiều những mối tình khác chấm dứt trong nước mắt.
Phụ nữ đàng hoàng đứng đắn không thể lang thang trên đường phố, nhưng đối với đàn ông là cơ man những khuôn mặt yêu kiều khêu gợi, với đôi môi mời gọi, và ánh mắt long lanh đưa đẩy.
“Có lẽ tối nay thay vì đi đến vũ hội mình sẽ thử ra đường xem sao!” Canuela tự nhủ. Nhưng rồi cô lại nghĩ mẹ mình sẽ kinh hoảng đến dường nào khi biết được chuyện này!
Ngày qua đi thật nhanh chóng với bao nhiêu thứ để trông để ngắm. Vào buổi chiều Canuela biết mọi nhân vật quan trọng đều đi xem đua ngựa. Thật là đáng tiếc khi còn ở đây thì cô hãy còn quá nhỏ nên không được tham dự. Giờ thì lại càng không có cơ hội vào khu vực đặc biệt dành riêng cho giới qúy tộc của Buenos Aires. Cô không quan tâm đến điều này lắm, nhưng cô muốn xem ngựa, muốn thưởng thức cuộc đua.
Nhưng trên hết cô thích ngắm vẻ sôi nổi nồng nhiệt của đám đông. Ba cô thường mô tả cho cô mọi thứ liên quan đến cuộc đua. Thắng một trận đua là đưa những tay đánh cuộc ủng hộ người quán quân lên đến tận mây xanh! Thua là đồng nghĩa với thất vọng thường làm cho những kẻ dễ xúc động rơi nước mắt!
Đương nhiên trong trận đua này Ramón sẽ cưỡi ngựa của hắn, mà nghe nói là một trong những loại ngựa thượng đẳng trong toàn thể Argentina. Vì hắn là nhân vật nổi tiếng, tất nhiên sẽ có thêm nhiều người đặt tiền chỉ riêng cho tài nghệ của cá nhân Ramón hơn là cho tàu ngựa kiệt xuất của hắn. Và đến lúc hắn thắng, điều này thì nhất định rồi, vì hắn bỏ nhiều tiền trên ngựa của mình hơn mọi người khác, chiến tích đó sẽ làm cho danh tiếng hắn lẫy lừng hơn và đưa hắn đến gần ngôi vị tổng thống hơn.
Dường như thật lạ lùng rằng dân chúng Argentine lại ăn mừng quá sôi nổi những bốn mươi tám năm sau khi họ dành được độc lập vào ngày 25 tháng 5 năm 1810. Sau dấu mốc lịch sử đó đại diện chính quyền của Tây Ban Nha đã hoàn toàn ngưng thực thi quyền lực trong Buenos Aires ngoại trừ một góc nhỏ của địa phận thuộc về Rio de la Plata vẫn chịu quyền quản hạt của kinh lược sứ, nhưng quyền hạn ấy không bao lâu sau cũng bị giải trừ. Vào ngày Độc Lập của Argentina kinh lược sứ, hầu tước de Sobremonte, đã bỏ trốn khỏi thủ đô.
Như Lionel Arlington vẫn thường kể cho Canuela sau ngày quốc khánh vẫn có người trung thành với Tây Ban Nha sẽ đóng vai trò quan trọng trong những sự kiện về sau nhưng thế chủ động trong các tổ chức và hoạt động chính trị đã chuyển sang cộng đồng Creole (người Tây Ban Nha hay châu Âu sinh ở Argentina).
Khi kink lược sứ đào thoát khỏi Buenos Aires và chuyển giao thành phố vào tay thành phần đối nghịch không va phải sự phản kháng nghiêm trọng nào, ông ta truyền lệnh cho Montevideo (thủ đô Uruguay) gửi quân vào thủ đô. Nhưng ông ta đã mất quyền kiểm soát. Dân chúng đã tự ra tay giải thoát các thành phố của họ, những đồng cỏ hoang, và dòng sông vĩ đại luân lưu qua bao làng mạc phố xá. Biết bao cuộc chiến đã nổ ra, biết bao đau khổ chồng chất, nhưng cuối cùng Argentina với tư cách một quốc gia đã thành hình.
Canuela nghĩ rằng buổi đầu lập quốc đã sản sinh ra những đại gia tộc như của gia tộc Ramón de Lopez. Họ vẫn bảo tồn tất cả những tinh túy trong đặc tính Tây Ban Nha, loại bỏ thành phần mục nát, và trở thành đồng nhất với tổ quốc cho đến khi hoàn toàn có tính cách của riêng họ.
Và có điều gì đấy nơi Ramón de Lopez mà cô thấy thật khác biệt so với nam giới ở các quốc gia khác cô từng gặp. Cô không thể giải thích điều ấy là gì cho dù với chính mình, ngoại trừ biết rằng tính chất ấy vừa có phần kiêu hãnh, vừa tự mãn, lại vừa cao ngạo mà cô từng ghét. Nhưng dần dà cô đã nhận ra tính cách đó vốn bản chất là niềm tin nơi bản thân hắn, niềm tin vào định mệnh của hắn.
Hắn biết hắn có thể giúp Argentina. Hắn biết hắn có giải pháp cho nhiều vấn nạn đang đè nặng trên nền kinh tế và dân chúng trong nước vào thời điểm đặc biệt này. Canuela thực sự nghĩ rằng nếu mọi người đều có lòng tự tin một cách toàn tâm toàn ý, biết bao nhiêu điều sẽ được thực hiện.
Nhưng không phải ba cô cũng thường tự tin nơi bản thân mình hay sao. Thật không thể nào đè nén nỗi căm ghét Argentina và mọi thứ trong đất nước ấy đang dâng lên ào ạt trong lòng! Tuy nhiên, cô vừa ghét lại vừa yêu miền đất này.
-o0o-
Tất cả người trong nhà càng lúc càng bận rộn sắp đặt mọi việc cho tối hôm nay.
Canuela bước ra vườn và thấy những ngọn đèn màu nhỏ được giăng mắc khắp nơi, và đèn lồng lớn đã treo trong lùm cây. Toàn bộ các cửa sổ của vũ sảnh được tháo ra hết để chừa một vách trống nhìn ra vườn.
Căn phòng rất đẹp, được gắn những phiến gương khung mạ vàng và trần treo những chùm đèn pha lê. Tường được phất giấy lụa Trung Hoa – với những họa tiết hoa lá và các giống chim lạ. Sàn được đánh bóng như gương soi, thấy cảnh này bỗng dưng cô ao ước được nhảy vì đã hai năm qua cô không hề có cơ hội.
Canuela chưa bao giờ tham dự một vũ hội thực sự nào, nhưng dạo trước có nhiều tiệc tùng được tổ chức cho các thiếu nữ trạc tuổi cô và ba cô thường nhảy với cô vào các buổi đó trong lúc mẹ cô đệm đàn dương cầm.
“Con phải nhảy cho giỏi,” ba từng nói với cô. “Ba không thể chịu nổi phụ nữ nhảy cứ bị vấp hay di chuyển nặng nề đâu.”
Ông mỉm cười và nói thêm.
“Mẹ con thân hình nhẹ như lông tơ. Ba chưa bao giờ gặp ai nhẹ nhàng và uyển chuyển như mẹ con vậy!”
“Vì em thích khiêu vũ với anh thôi,” mẹ cô bật cười.
Họ trao nhau tia mắt đong đầy hạnh phúc, cảm thấy hơi ganh tị vì không được ba chú ý Canuela kì kèo.
“Nhảy với con nữa đi ba! Nhảy với con nữa đi mà!”
Thế là hai cha con lại lướt vòng quanh phòng trong điệu waltz và lúc đó ba dạy cô thêm điệu tango, sử dụng những bước thật kiểu cọ khiến mẹ cô sửng sốt kêu lên.
“Nếu Canuela nhảy như thế trong vũ sảnh, các bà phu nhân khó tính sẽ giơ hai tay lên kêu trời đấy!”
“Mẹ nói hoàn toàn đúng đấy con!” ba cô đáp lại. “Điệu nhảy này rất khiêu khích.”
“Khiêu khích cái gì hả ba?” Canuela ngạc nhiên.
“Khi nào con lớn ba sẽ nói cho con nghe,” ba cô trả lời.
Giờ đây đi ngang qua vườn, Canuela tự hỏi không biết Ramón nhảy ra sao. Chắc là rất tài tình rồi. Dù thân hình cao lớn như thế, hắn có nét cường tráng uyển chuyển của người Argentine lúc có tư thế đẹp nhất trên lưng ngựa, nhưng dáng dấp vẫn chất chứa nét phong nhã khi lướt trên sàn nhảy.
Còn người Anh thì cứng nhắc, mọi cái phải hợp lề hợp lối, và rất ư chú trọng đến tầm quan trọng của bản thân. Để trở thành một tay khiêu vũ giỏi họ rất chăm chút không bao giờ bỏ qua bất cứ phương thức tập luyện chủ yếu nào.
“Phải, Ramón đương nhiên là nhảy giỏi rồi,” Canuela vừa thở dài vừa bước lên lầu. Cô thầm hỏi không hiểu có khi nào hắn sẽ ôm senora Sánchez trong tay không, hay biết đâu bà ta quá thận trọng không dám nhảy với hắn khi có chồng mình hiện diện. Nhưng cho dù senor Sánchez có níu kéo hắn hay không thì cũng còn bao nhiêu người khác quá háo hức lao vào vòng tay hắn.
Chỉ một lát sau Dolores đã kể hết cho cô nghe.
“Tối nay vũ hội lớn lắm, senorita,” cô gái nói. “Tiếc là chúng tôi không được ngắm, vì senor tuyệt đối cấm.”
Canuela hiểu Ramón cấm như thế vì không muốn những đôi mắt tò mò của gia nhân theo dõi hắn và khách khứa.
“Toàn thể phụ nữ đẹp trong Buenos Aire sẽ tham dự tiệc của senor,” giọng Dolores đầy hãnh diện.
“Nhưng vẫn còn những tiệc khác mà,” Canuela nhận xét.
“Cả hàng trăm tiệc lận, senorita, nhưng chỉ có mỗi một senor de Lopez thôi, các tiểu thư trẻ đều muốn lấy ông ấy, còn những người khác – em phải nói như thế nào nhỉ – à họ thích ve vãn ông ấy!” Cô gái nói bằng tiếng Tây Ban Nha, tuy từ ấy không được phiên dịch nhưng ý nghĩa đã quá rõ.
“Họ có thấy... ông ta thu hút không?” Canuela nói như thể tự nhủ với mình.
“Ai lại không chứ?” Dolores hỏi. “Mọi cô mọi bà đều nói ông ấy là người đàn ông thu hút nhất, quyến rũ nhất, và tình tứ nhất trong Buenos Aires!”
Canuela không hiểu sao nhưng cảm thấy có điều gì đấy thật lạ đang xảy ra trong thâm tâm mình.
“Tình tứ?” cô hỏi Dolores.
“Dĩ nhiên rồi, senorita, người ta nói như vậy là khen đấy! Đàn ông phải thế mới được, và senor nổi tiếng là người có nhiều, nhiều cuộc tình lắm!”
“Dolores,” Canuela lạnh lùng nói, “tôi nhờ em mang cơm tối lên lầu cho tôi. Như thế tôi không cần ra khỏi phòng.”
“Em sẽ mang lên cho cô, senorita, nhưng đáng tiếc cô lại không dự tiệc.”
Canuela gỡ kính và ngồi xuống ghế trong lúc Dolores trải chiếc áo đầm lẽ ra cô sẽ mặc khi dùng cơm tối.
“Tôi chỉ là thư ký thôi, Dolores,” cô trả lời cô hầu.
“Em biết mà, senorita, nhưng cô đẹp quá... rất là đẹp! Còn đẹp hơn cả những tiểu thư đến dự tiệc chu môi làm điệu với senor nữa, cứ mong được ông ấy hôn.”
“Có thật không chứ?” Canuela phản đối. “Làm như thế không đứng đắn tí nào.”
Dolores phá lên cười ngặt nghẽo.
“À, senorita, cô không biết chuyện gì tiếp theo đâu. Bọn em là gia nhân, nên thấy được nhiều chuyện lắm! Mấy bà có chồng làm bộ hỏi senor cho ý kiến nên mua loại ngựa nào cho sinh nhật chồng họ.”
Cô gái lại cười thích thú.
“Còn có bà thì,” cô tiếp tục. “trong dạ vũ tìm mọi cách lôi kéo ông ấy ra khỏi chỗ đèn sáng lấy cớ là họ cảm thấy chóng mặt nhức đầu, cần phải ngồi nghỉ, hay là quai giày bị tuột gì đó.”
Dolores vung tay.
“À – bọn em nghe được hết mấy cái cớ đó rồi cười họ muốn chết!”
“Vậy senor... có... đồng tình không?”
“Có đàn ông nào lại từ chối một quả đào ngon lành mà không cần phải cất công hái đâu cô!”
Canuela bật cười, nhưng đồng thời cô biết lời lẽ của Dolores không phải là bịa đặt. Đàn bà đẹp như senora Sánchez không chỉ muốn gần gũi Ramón mà còn muốn môi hắn ve vuốt nữa.
Tại sao không được chứ khi hắn đẹp trai, hắn tài cán, hắn lại giàu!
Không những thế hắn còn có tính cách khiến các đàn ông khác phải lu mờ, trở thành tầm thường khi đứng bên cạnh hắn, và hơn nữa, hắn còn độc thân!
“Tại sao senor không lập gia đình?” cô hỏi Dolores, dù biết tọc mạch với gia nhân là điều không nên. Nhưng cô lại quá thắc mắc và cũng chẳng có ai để trò chuyện.
“Có lẽ senor chưa tìm được người phụ nữ ông ấy thực sự yêu,” Dolores trả lời. “Tất cả đàn ông đều giống nhau cô ạ, họ muốn tìm người hoàn mỹ, một phụ nữ mà họ nghĩ là khác biệt với những người khác trong khi bản thân họ thứ nào cũng không có!”
Canuela lại bật cười.
“Em rất có nhận thức đấy, Dolores. Ai dạy em suy nghĩ như thế?”
“Chồng sắp cưới của em nói là em nghĩ ngợi quá nhiều và hay chỉ trích,” Dolores trả lời, “nhưng ba em luôn luôn khuyến khích em.”
“Ba em làm nghề gì?”
“Ba em có một hiệu thuốc nhỏ, senorita, nhưng người ta thích ông lắm và thường tới mua đồ vì ba em hay nói chuyện tiếu lâm với họ! Đôi khi ba em nói còn nhiều hơn ông ấy bán hàng!”
“Nhưng em lại thích ở đây, làm việc trong nhà này thay vì làm trong tiệm ba em?”
“Em phải kiếm tiền, senorita. Em muốn kết hôn nên phải dành dụm và dành dụm.”
“Chuyện đó nhắc tôi nhớ một điều,” Canuela nói, “tôi cứ ngỡ em ra ngoài với hôn phu của em tối nay chứ. Em nói với tôi là đã mua chiếc áo đầm đặc biệt cho dịp này mà.”
Dolores khẽ thở dài.
“Mọi chuyện đều dự định hết rồi, nhưng đùng một cái chủ của anh ấy lại trả thêm tiền để làm trong nhà hàng tối nay nên bọn em không đi hội được. Như em đã nói, senorita, chúng tôi đang để dành tiền.”
“Ồ, Dolores, thế thì chán thật!” Canuela than thở.
“Phải rất là chán,” Dolores tán đồng. “Nhưng chúng em được kết hôn sớm hơn. Cái đó còn đáng hơn là đi khiêu vũ.”
“Em thật biết nghĩ ghê!” Canuela mỉm cười.
“Thế là phí cái áo đẹp,” Dolores thở dài, “nhưng năm tới em sẽ mặc.”
“Tôi hy vọng thế,” Canuela an ủi.
Thình lình Dolores đi tới một bước và nói.
“Em có ý kiến này, senorita. Tại sao cô không mặc áo của em xuống dự tiệc?”
Canuela ngạc nhiên nhìn cô gái.
“Em sẽ tìm mặt nạ cho cô,” Dolores nói tiếp. “Trong hành lang dưới lầu để nhiều lắm cho khách nào không mang theo. Chẳng có ai vào vũ sảnh hay ra vườn không đeo mặt nạ cả. Senorita, nếu cô mặc áo của em và che tóc lại, đâu có ai nhận ra cô.”
“Không được... không được đâu!” Canuela phản đối. “Tôi biết là em rất tối, nhưng không thể nào đâu.”
“Tại sao không?” Dolores vẫn kèo nài. “Cô có thể phiêu lưu một chuyến mà. Này nhé cô là người Anh, chưa bao giờ thấy vũ hội ở Buenos Aires. Huy hoàng lắm cô à! Năm ngoái em có giúp đưa khách vào vũ sảnh và em chưa bao giờ thấy điều gì hứng thú như thế cả.”
Cô gái vung hai tay.
“Cả hàng trăm bộ áo hóa trang khác nhau, cái nào cũng giống như trong tranh vậy. Có chú hề và hoa Columbine, dũng sỹ Tây Ban Nha, rồi các mệnh phụ với bộ tóc giả to tướng, đàn ông trang phục như qủy sứ, còn nhiều, nhiều lắm, senorita, các tiểu thư qúy phái giả dạng như thôn nữ Tây Ban Nha nữa.”
Canuela mê man lắng nghe.
Ý kiến này thật là hoang đường, khùng điên, tuy nhiên cô nghẫm nghĩ cũng có thể thực hiện được mà.
Trang phục trong bộ áo thôn nữ của Dolores, với một chiếc khăn tay bao tóc bên trên là chiếc nón rộng vành, rồi đeo mặt nạ, ngay mẹ cô cũng không nhận ra nổi đâu. Cô biết đích xác là mình sẽ mặc kiểu áo cải trang nào, vì hồi nhỏ cô đã mặc một lần khi tham dự tiệc hoá trang.
“Nếu như... nếu như cô chỉ tham dự vũ hội nửa tiếng thôi thì sao nhỉ?”
Cô có thể đi vòng quanh khách khứa ngắm các phụ nữ đẹp đang tìm cách lôi cuốn Ramón de Lopez. Biết đâu thêm một lần nữa cô lại phát hiện một tên do thám nào hay thám tử đang thay mặt các đức ông chồng ghen tuông bắt gian tình nhỉ.
“Ôi không được... không... ý tưởng này thật hoang đường hết sức, đúng ra Dolores không nên gợi ý cho cô mới phải!
“Đợi em một chút, senorita,” nói xong, Dolores chạy vụt đi.
Canuela đứng dậy và bước tới bàn trang điểm và ngắm mình trong gương. Trong căn phòng được soi sáng bằng gas-globes, mái tóc cô ánh đỏ trội hơn sắc vàng và đôi mắt màu lục xám thẫm tối như mặt hồ bí ẩn.
Cô vẫn nhớ như in nét mặt của Ramón khi thấy cô xoay qua nhìn hắn đứng trong cabin của cô, và trong tay cô là đứa bé đang ngủ. Lúc ấy hắn sửng sốt lắm – thật ngạc nhiên! Trong lúc đó ánh mắt hắn còn có vẻ gì khác nữa, vẻ ấy cô từng thấy trong mắt các đàn ông khác.
“Ai là người hắn sẽ nhìn với ánh mắt đó tối nay?” cô tự hỏi.
Canuela có cảm giác là hắn đã hết chú ý tới senora Sánchez. Cuộc tình của họ, nếu từng xảy ra, thì đã chấm dứt đột ngột và hắn có vẻ hài lòng để mặc chuyện như thế. Nhưng vẫn còn biết bao phụ nữ khác. Vẫn còn những người đàn bà xinh đẹp, quyến rũ, lạ lùng như các loài trân điểu trên thiên đường đang phô trương suối tóc đen như mun và làn da mịn màng như thạch cao trước mắt hắn. Canuela hãy còn nhớ những đôi môi mọng đỏ, dáng dấp gợi cảm của họ mà cô từng đọc trong tạp chí là biểu hiệu của bản tính khêu gợi, nồng nàn.
Có phải đấy là bản chất senor Ramón de Lopéz muốn có nơi những người phụ nữ của hắn không? Cô cũng biết là phụ nữ Argentine có nét duyên dáng hoạt bát mà senor không tìm thấy nơi các phụ nữ qúy tộc Anh quốc.
“Họ khiến mình lóa cả mắt, giác quan chao đảo,” một nhân viên ngoại giao trẻ nhạy cảm từng nhận xét với ba cô khi Canuela có mặt ở đó.
“Họ là những động vật xinh đẹp,” Lionel Arlington đáp lại.
“Nói như vậy là khiếm nhã đấy Lionel! Họ rất quyến rũ, thú vị, và đáng yêu!”
Lionel Arlington bật cười.
“Tham vọng tột đỉnh của họ chỉ gồm ba lĩnh vực thôi: biết chơi đàn dương cầm, nói được tiếng Pháp, và có cả lô nhân tình!”
“Bậy bạ quá!” bà Arlington thốt lên phản đối, nhưng lại bật cười.
“Phụ nữ Argentine chỉ có một khuyết điểm thôi,” ba cô nghiêm trang nhận xét, “ngoại trừ điều họ không có sức hấp dẫn về mặt tinh thần như em.”
“Khuyết điểm gì?” mẹ cô thắc mắc.
“Giọng nói!”
Canuel biết điều đó không sai.
Phụ nữ Argentine thường có giọng nói thô, nghe hơi chát tai. Thật là ngạc nhiên dù họ xinh đẹp là vậy giọng nói lại không êm ái. Không hiểu Ramón có lưu ý đến điểm này không.
Trong lúc cô đang suy nghĩ vu vơ thì cửa sịch mở và Dolores đã ào vào trong phòng.
Trên tay cô gái là bộ y phục váy đỏ, áo cánh thêu màu trắng, và áo chẽn đen của các cô thôn nữ Argentine. Rồi còn cả những lớp váy lót trắng tinh đã được giặt và hồ cứng, áo yếm viền ren, và khăn tay để bao tóc bên dưới nón sombreo rộng vành.
“Đây là áo của em hả?” Canuela hỏi chiếu lệ.
“Bây giờ thì là của cô!” Dolores trả lời. “Mặc vào đi, senorita, em muốn xem coi mặc áo này cô đẹp đến chừng nào!”
CHAPTER 6
“Cô rất là đẹp, senorita,” Dolores suýt soa.
Bóng của Canuela trong gương nói với cô rằng bộ áo cải trang trông rất xứng với cô. Thân áo chẽn đen phô bày vòng eo thon, và chiếc áo cánh cổ cắt thấp bằng muslin thêu những đường nhún hình tổ ong màu đỏ càng tôn thêm vẻ mỏng mịn của làn da.
Bên dưới vành nón sombrero mái tóc được bao kín bằng khăn tay đỏ, và đôi mắt trông thật to trên khuôn mặt thanh tú.
“Đeo mặt nạ lên đi, senorita,” Dolores nhắc, cho cô. Trong lúc Canuela thay áo, cô gái đã xuống dưới lầu đem lên chiếc mặt nạ này. Canuela thấy món đồ rất xinh xắn, nhưng che rất kín. Phần vòng qua mũi và chung quanh mắt làm bằng nhung, nhưng dưới đáy gắn tua bằng ren đen theo kiểu Venetian hầu như che khuất môi. Cô mang mặt nạ vào và nhận ra người nào tinh mắt lắm mới đoán được danh tính của cô.
“Bây giờ cô xuống dự tiệc được rồi,” Dolores tuyên bố.
“Tôi không thể nào... em biết mà tôi không thể xuống dưới đâu!” Canuela phản đối.
“Tại sao lại không được, senoriata?” Dolores hỏi tới. “Em hứa với cô, không có ai nhận ra cô đâu, bảo đảm cô sẽ thích thú tất cả các bộ đồ hóa trang tuyệt vời đó cũng như em vậy.”
Cô gái nhỏ giọng như sợ có người nghe trộm và nói thêm.
“Em tiết lộ cho cô một bí mật nhé: senor mặc đồ như qúy tộc Anh hồi xưa đấy.”
“Tôi không biết mình cải trang như vậy có đủ không?” Canuela nói với chính mình hơn là với Dolores.
Rồi cô nghĩ điều mình nên làm là cởi bộ áo ra ngay lập tức và lên giường đi ngủ cho xong. Ở địa vịa của cô mà gia nhập với những người dự hội hè đình đám dưới kia thì thật hoang đường, tuy vậy Ramón lại mời cô tham dự chung với khác khứa của hắn khiến cô ngờ vực không hiểu động cơ của hắn là gì. Nhưng đồng thời cô không thể biện hộ cho tính rụt rè của mình bằng cách cho rằng mình không được mời.
Vậy thì cô rụt rè, e lệ, hay nhút nhát đây? Cô tự hỏi mình và cảm thấy xấu hổ vì cô chưa bao giờ là người nhút nhát cả. Cô lúc nào cũng nghĩ về mình như là người can đảm có óc phiêu lưu, tuy nhiên không hiểu vì lý do nào cô lại e sợ dấn thân vào chuyến phiêu lưu này mà suy cho cùng chỉ là một mạo hiểm nhỏ nhoi.
Trước kia cô chỉ là khán giả – là người ngoài cuộc đứng xem những lễ hội chỉ quan trọng đối với dân chúng Argentine. Nhưng bây giờ giả sử cô chỉ đi vài phút thôi – chỉ để xem vườn tược, đèn màu, và vũ sảnh được trang hoàng ra sao thôi. Như cảm giác được tâm trạng do dự của cô, Dolores thúc giục.
“Mau đi, senorita – đi mau đi! Chuyện nguy hiểm nhất là bị bắt gặp lúc đi xuống thang lầu, nhưng em sẽ dẫn cô đi lối khác và đến khi xuống vũ sảnh thì cô đã lẫn vào đám đông rồi.”
Không sai, năm phút sau Canuela mới nghĩ ra.
Cô đã len vào được trong đám đông.
Cô đoan chắc không có ai lưu ý đến cô trong lúc cô len lỏi giữa rừng người trang phục vui nhộn đang dạo trong vườn, khiêu vũ trong phòng, hay đứng tán gẫu với nhau. Dường như có khá nhiều phụ nữ giống như cô, đứng riêng một mình, hay có lẽ đang đi tìm người đàn ông đặc biệt giữa bao đàn ông ẩn danh.
Dolores hoàn toàn đúng khi nói rằng đồ hóa trang đẹp đến độ mê ly. Trước mắt cô là vô số các bộ y phục như những loài hoa Columbines, rồi vũ công ballet, Harlequines (vai hề trong tuồng câm),và các chú hề ngộ nghĩnh. Rồi còn một số giả trang trong váy tròn phồng to và đội tóc giả to tướng theo thời trang khởi xướng bởi hoàng hậu Pháp Marie-Antoinette trong thế kỷ 18.
Kia là gần cả chục Portias (vệ tinh của thiên vương tinh) trong đồ lụa đỏ, loại đồ thích hợp với những người tóc màu sậm, và đây là sáu bảy Persephones (hoàng hậu của địa ngục trong thần thoại Hy Lạp) mà Canuela đinh ninh là đang đội tóc giả bạck kim.
Khi dõi mắt tìm hắn, dù cô không muốn thừa nhận điều này ngay cả với chính mình, Canuela thấy Ramón de Lopez trong đám đông. Hắn đang đi từ vũ sảnh ra ngoài vườn và đang dìu một nàng Carmen (cô gái du mục trong tiểu thuyết Prosper Mérimée) trong trang phục thật ấn tượng. Hắn mặc bộ dạ phục vừa khít người, áo khoác đuôi tôm và quần chẽn màu champagne theo kiểu quý ông thời Georgian. Cravat trắng tinh được hồ cứng cao đến tận đường cằm sắc nét. Hắn che mặt nhưng Canuela vẫn nhận ra được hắn ở bất cứ nơi nào.
Cô không thể nào quên được vầng trán vuông vức, mà cô thường ngắm mỗi khi dùng cơm với hắn trong suốt mười hai ngày trên tàu, hay là mái tóc dày màu sẫm và đường viền môi hắn. Cô vẫn nhớ như in vành môi đó uốn lên châm biếm hay đanh lại như thế nào khi cô khiến hắn nổi giận.
Giờ thì hắn đang trò chuyện sôi nổi với người đi bên cạnh, thấy thế Canuela vội vã rẽ sang hướng ngược chiều. Rồi cô thấy họ đang đi về phía những luống hoa, nơi đó chỉ có ánh đèn lồng mờ ảo quyến rũ và những ánh đèn màu nhấp nháy như đưa đường dẫn lối vào sâu trong bóng tối của lùm cây.
Canuela không dằn nổi câu hỏi cứ thôi thúc trong lòng mình rằng nàng Carmen duyên dáng bên cạnh Ramón sẽ dùng cái cớ nào để cám dỗ hắn vào chỗ khuất như vậy. Nhưng cô lại tự trả lời mình hắn đâu cần đến bất cứ cái cớ nào. Cô từng biết quá rõ suốt thời gian trên tàu hắn đã phải ép mình sống như nhà tu khổ hạnh, thì giờ hắn phải tìm kiếm lại những nét lôi cuốn và mọi sự đãi ngộ nơi những người đàn bà khêu gợi chứ.
Phải cố hết sức Canuela mới tự nhủ rằng đây không phải là lúc nấn ná xem Ramón sẽ làm gì trong vườn, nhưng phải nắm lấy cơ hội tham quan vũ sảnh. Cô đi vào trong phòng ngang qua lối đi đã được tháo cửa sổ. Buổi sáng khi ghé qua đây cô chưa nhận ra là Ramón đã có ý thắp sáng căn phòng chỉ bằng đèn sáp. Những ngọn nến lung linh tỏa ánh sáng quyến rũ trên những người đàn bà đang dìu dặt trong điệu waltz với bạn nhảy của họ trên sàn nhảy bóng loáng. Hoa được trưng bày khắp nơi – trên những dây hoa treo dọc theo tường, chất cao trong các góc phòng, và hầu như che khuất cả ban nhạc trên sân khấu nhỏ.
Hương hoa, mùi các loại nước hoa lạ, và tiếng cười nói dường như hoà lẫn với giai điệu lãng mạn. Toàn thể khung cảnh nơi đây đều đẹp đẽ, đồng thời thật thú vị cho những ai chưa một lần được tham dự vũ hội của những người trưởng thành.
Lần đầu tiên Canuela thấy được dáng dấp phụ nữ tao nhã như thế nào trong lúc khiêu vũ, làn váy rộng xòe quanh thân người như những cánh hoa, rồi đầu cô gái ngửa ra sau để ngước lên nhìn người bạn nhảy.
Thế rồi điệu nhạc waltz đã chấm dứt và giờ đây các cặp đang đưa nhau ra vườn dạo hay đến bên dãy bàn dài trên đấy là thức ăn hay các món giải khát đã được dọn sẵn trong phòng bên ngoài thông với vũ sảnh.
Canuela đang phân tự hỏi không biết có ai để ý cô đang đứng một mình trong lúc nhạc bắt đầu trổi lên hay không. Lần này dàn nhạc chơi điệu tango. Cô lúc nào cũng muốn xem điệu nhảy này vì ba từng dạy cho cô, nhưng giờ thì cô không thể ra nhảy và chỉ đành đứng ngắm điệu vũ uyển chuyển với những bước nhảy cầu kỳ và đôi khi khó khăn được trình diễn ngay trước mắt cô.
Trong lúc cô đang say mê thưởng thức thì bỗng có giọng nói vang lên bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Senorita, cho tôi hân hạnh được nhảy với cô bản này chứ?”
Nghe tiếng nói cô giật mình hoảng sợ và trước khi kịp quay đầu lại cô đã biết ai đang đứng đó. Trong giây lát cô vẫn đứng đờ người không cất tiếng nổi, cảm thấy giọng mình như tắc ngẹn trong cổ. Rồi cứ xem như cô đã chấp thuận Ramón choàng tay qua eo cô và dìu cô ra sàn nhảy.
Canuela cảm nhận được bàn tay vững vàng của hắn trên hông mình. Vì mặc y phục nông dân nếu như mang găng thì không hợp nên cô để tay trần, không những thế bàn tay trái của Ramón cũng không đeo găng. Khi hắn chạm vào ngón tay cô, Canuela cảm thấy một luồng rung chuyển như đang xuyên suốt thân thể mình mà cô nghĩ đấy là vì lo sợ.
“Tôi e rằng tôi nhảy không tương xứng với hắn,” cô băn khoăn.
Nhưng cô nhận ra họ đang phối hợp thật hài hoà trong những kiểu cách lạ lùng mà thậm chí hắn vừa nhảy bước này là cô đã đoán được bước kế tiếp của hắn là gì. Cô thật không biết nguyên do vì sao, có lẽ là do tay hắn đang áp trên eo cô hay là vì cô đang ở sát bên hắn quá chăng.
Cô chỉ biết mình bước thật dễ dàng theo bất cứ kiểu nào hắn muốn, và không cần nghĩ suy gì ngoại trừ niềm vui thú được khiêu vũ với người đàn ông tài nghệ điêu luyện.
Hắn lên tiếng hỏi sau khi họ di chuyển đến nửa vòng quanh phòng.
“Cô thích dạ vũ này không?”
Cô toan trả lời nhưng chợt nhận ra nếu nói bằng tiếng Tây Ban Nha hắn sẽ biết được giọng cô. Trong phút chốc cô ngập ngừng, rồi bỗng tâm trí cô lóe lên một ý tưởng.
“Buổi dạ vũ này rất vui, signor,” (ông, anh) cô trả lời bằng tiếng Ý.
Ramón chưa bao giờ nghe cô nói tiếng Ý, cho dù cô không thạo thứ ngôn ngữ này như tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhưng cô từng được Maria, đầu tiên là bà vú rồi sau này là người hầu của cô, chỉ dạy.
Lionel Arlington từng cương quyết bắt Canuela phải học tiếng Ý, nhưng cô lại học được ở Maria cách nói tiếng lóng, thường gọi là “Lunfardo.” Thứ tiếng này được hình thành bởi thành phần người Ý nhập cư và được sử dụng trong các bài hát Argentine, đặc biệt là các bản điệu tango. Canuela biết hắn chắc chắn không thể nào hình dung được cô biết nói “Lunfardo.”
“Thì ra cô đang sống trong Buenos Aires, signorita,” (cô) Ramón nhận xét.
Giờ thì hắn cũng nói tiếng Ý nhưng là thứ tiếng Ý thuần túy và có văn hóa của thành phần qúy tộc.
“Si, signor.” (vâng, thưa ông)
Canuela hy vọng rằng hắn đừng hỏi cô nhiều quá. Dù thế nào đi nữa, trong ngày lễ hội mà cố truy nguyên danh tính của bạn nhảy mình là điều không phải. Vì cái vui của ngày hội là được ẩn danh khuất tính! Có như thế thì người chồng không nhận ra được vợ mình đang mặc áo nào để biết đâu cô vợ mình có thể tán tỉnh mình mà anh ta vẫn không hay biết. Còn riêng đối với các tiểu thư Argentine thì đây luôn luôn là dịp để đoạt được nhân tuyển kết hôn mới hay khám phá thêm người ái mộ bất ngờ.
Dường như Ramón đoán được ý nghĩ của cô họ tiếp tục nhảy trong yên lặng và Canuela biết hắn phối hợp với cô rất ăn ý nên các bước của cô hầu như không có tì vết nào. Ramón không đưa cô vào những bước mà theo lời mẹ cô nói là sẽ khiến những bà phu nhân khả kính phải kinh hoàng, nhưng hình như hắn nhận ra cô rất thành thạo nên họ lại càng tạo những kiểu rối rắm hơn khó khăn hơn.
Canuela thầm nghĩ một cách hãnh diện, “tôi vẫn chưa để lộ sơ xuất nào.”
Cuối cùng bản nhạc cũng kết thúc Canuela cảm thấy hắn nắm tay cô bên ngay bên dưới khuỷu tay và đưa cô len lỏi qua đám đông ra ngoài vườn. Tâm trạng vẫn còn nửa bàng hoàng nửa hưng phấn với điệu nhảy cô chưa kịp nhận ra hắn đang đưa cô đi, cho đến khi cô thình lình nhận ra mình đang đứng trên lối đi hẹp viền đèn màu và họ dường như đã bỏ lại đám đông mãi phía sau.
Cô tự nhiên dừng lại ngay và ngước mắt lên nhìn hắn.
“Cô nhảy rất đẹp, signorita,” hắn trầm giọng nói.
“Grazie,” (cám ơn) cô đáp lại, giọng nhỏ rứt gần như là thì thào.
Hắn không nói tiếp câu nào và dường như đối với Canuela sự im lặng của hắn đầy ý nghĩa – ý nghĩa nào đấy cô không cách nào hiểu nổi.
Ramón cúi xuống nhìn cô và cô cảm thấy hắn áp đảo làm sao, áp đảo như lần hắn bước vào cabin của cô và dáng dấp hắn hình như quá to lớn trong căn phòng ấy.
“Chúng ta phải... quay trở lại,” cô ấp úng nói.
“Nếu cô muốn vậy,” hắn đáp lại.
Hắn vẫn nhìn xuống cô, dọ dẫm. Cô bứt rứt suy nghĩ chắc hắn muốn nhìn tận phía sau lớp mặt nạ của cô để đoán xem cô lại có thể là ai. Nhưng hắn tuyệt nhiên không hề cử động và Canuela cảm thấy chân mình như bị chôn chặt. Rồi thật bất ngờ hắn đưa tay ra cầm lấy tay cô.
“Cám ơn nhé,” hắn nói thật khẽ và hôn lên tay cô.
Cô cảm nhận được làn môi hắn ấm áp, áp mạnh trên da mình và cảm giác thật lạ lùng như một lằn chớp bạc đang xuyên ngang thân thể. Rồi hầu như có điều gì đấy thật khó hiểu đang kiềm tỏa họ, hai người họ quay bước trở về khu vườn tràn ngập khách khứa.
Khi họ đến gần nhóm người đầu tiên đang đứng trò chuyện trên tay cầm rượu champagne, bỗng một bóng người trong y phục La Dame aux Camélias (trà hoa nữ) tách khỏi đám đông và kêu lên nho nhỏ.
“Em tìm anh từ nãy đến giờ – em đang đợi anh đấy.” Giọng điệu cô ta lộ rõ vẻ nồng nàn.
Không đợi nghe câu trả lời của Ramón Canuela quay đi nhanh như cắt và không hề quay đầu lại cô len lỏi qua nhóm người đang đứng trên cỏ tiến về phía ngôi nhà. Cô vào qua lối cửa ngỏ, khi thấy hành lang vắng lặng cô lẻn lên lầu không để cho ai hay biết.
Cô lao vội đến phòng mình, đóng ngay cửa lại phía sau và kéo nón xuống. Giờ đây toàn thân cô như hãy còn rộn ràng thao thức với tiếng nhạc và điệu vũ tuyệt diệu.
Họ vừa cùng nhau khiêu vũ điệu tango!
Bây giờ cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, không ai có thể tước đoạt đi hồi ức đẹp đẽ đó. Cô được khiêu vũ như cô hằng ao ước với người mà bước nhảy thật tương xứng với cô, và di chuyển với tài nghệ điêu luyện mà cô phải công nhận là hiếm có.
Thật chậm rãi Canuela lần lượt cởi chiếc váy đỏ, áo chẽn đen, và chiếc áo cánh thêu, rồi mặc áo ngủ và tháo khăn choàng đầu để tóc buông dài xuống vai. Tận xa xa cô nghĩ mình hãy còn nghe được tiếng nhạc dập dìu.
Vào giường nằm lặng im trong bóng đêm, cô suy ngẫm lại những chuyện vừa mới xảy ra. Cho đến bây giờ cô vẫn không nhận rõ được khi hai người nhảy tango người đàn ông sẽ ôm người đàn bà gần đến thế. Thâm tâm cô hãy còn bồi hồi với cảm giác thầm kín khi ngực cô tựa vào ngực anh.
Họ đã gần bên nhau – rất gần đến độ cô hơi e ngại anh nghe được nhịp tim của cô. Chỉ đến lúc này cô mới cảm thấy lạ là họ nói với nhau ít quá. Tuy nhiên cô biết thật khó mà nói khi họ đang nhảy những bước thật khó khăn phức tạp và uyển chuyển của điệu tango. Nhưng chắc chắn nếu chỉ là người bạn nhảy bình thường cô sẽ có rất nhiều điều để nói với Ramón. Thế nào cô cũng khuyến dụ anh như “trà hoa nữ” hiển nhiên đang làm trong lúc này, sẽ chu đôi môi đỏ như senora Sánchez, sẽ ngửa ra sau phô bày cần cổ trắng mịn màng. Nhưng kiểu nào Canuela cũng không thực hiện.
Cô cảm thấy e thẹn vì, dù rằng Ramón không hề biết, vẫn cảm nhận thật rõ rệt khi anh hiển hiện bên cô. Thân thể anh toát lên vẻ nam tính vừa uy nghi vừa mạnh mẽ làm sao. Dáng vẻ đó cứ quấy nhiễu cô khi họ làm việc chung với nhau và mỗi khi cô tự nhủ là mình căm ghét anh.
Nhưng giờ đây cô lại dao động.
Tay cô vẫn còn cảm giác mang dấu ấn nụ hôn của anh.
“Tôi đã sai rồi khi đi dự tiệc của anh ấy. Ramón đã phản bội ba và vì chuyện đó mà tôi căm thù anh.”
Nhưng không hiểu sao trong căn phòng phủ đầy bóng tối cô chỉ cảm nhận được đôi môi anh áp trên tay mình.
-o0o-
Vì cảm thấy lương tâm áy náy vì cách hành xử của mình tối qua, sáng hôm sau Canuela xuống làm việc thật sớm.
Xuống đến nơi cô đã thấy một số thư và khá nhiều điện tín đã nằm trên bàn của cô, Canuela liền đi mở thư và giải mã. Khi cô tự hỏi không biết khi nào Ramón sẽ gọi cô thì senor Náon đã bước vào phòng.
“Buenos dias, senorita,” ông chào cô. “Tôi hy vọng đêm rồi cô ngủ ngon và không bị tiếng nhạc làm phiền?”
“Không có gì đâu, senor, cám ơn ông hỏi thăm. Tôi ngủ ngon lắm,” Canuela đáp lại, dù điều đó không mấy thành thật.
“Vậy thì tốt, tôi thấy là cô đã sẵn sàng bắt tay làm việc.”
“Vâng, đúng vậy,” Canuela trả lời. “Thế senor có trong văn phòng không?”
“Không, sáng nay ông ấy ra ngoài cưỡi ngựa.”
Senor Náon mỉm cười nói thêm.
“Thông thường khi senor ngủ trễ ông ấy ‘ra ngoài vận động cho tinh thần sảng khoái,’ như cách nói trong tiếng của cô bằng cách chạy ngựa dữ lắm. Ông ấy nói làm thế tốt cho gan.”
“Ba tôi cũng thường nói như vậy!” Canuela reo lên, nhưng bất chợt cô nhận ra nói như thế sẽ tiết lộ bản thân mình, điều mà cô không bao giờ muốn.
“Ba cô cũng thích ngựa à?” Senor Náon hỏi han.
“Như hầu hết người Anh,” Canuela lạnh lùng nói. “Tôi hy vọng senor Lopez sẽ không đi lâu. Có một số điện tín từ Anh cần hồi đáp.”
Senor Náon nở nụ cười.
“Senor lúc nào cũng làm theo đường lối của ông ấy. Ngoài ra, ông ấy có thể đang tìm những lối thông thường ra khỏi thành phố vì đường xá sáng nay đã bị chặn.”
Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Canuela senor Náon nói tiếp.
“Tối qua xảy ra bạo động và Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến đã dựng rào cản trong một vài nơi, có lẽ cảnh sát chưa kịp dọn đi.”
“Tình trạng bất an sao?” Canuela hỏi.
“Rắc rối hơn thường ngày một chút. Tôi không hiểu cô có nghe về thành phần cấp tiến mới này trong Buenos Aires hay chưa.”
Qủa tình Canuela đã nghe tới nhưng cô cảm thấy mình tốt hơn nên giữ im lặng, thay vì thế cô chỉ nói.
“Ông nói có những thành phần chống đối à? Nghe đáng sợ quá!”
“Bắt đầu từ bốn năm qua rồi, trong năm 1889,” senor Náon nói, thái độ ông tỏ rõ hài lòng khi giải thích cho Canuela, vì ông tin cô không am tường vấn đề này. “Và khởi sự bằng những sự tố cáo các hành động xấu xa của nouveaux riches (nhà giàu mới phất) bởi các thành viên của giới qúy tộc thủ cựu, bảo thủ.”
“Tôi nghĩ ông nói họ là những người cấp tiến?”
“Họ là một số thành viên bất bình và ảo tưởng trong xã hội, bọn người này thấy mình có vài điểm tương đồng với nỗi bất mãn, cay đắng của công nhân,” senor Náon giải thích.
“Thế nên họ lập thành tổ chức?” Canuela hỏi một cách gợi ý, vì có cảm tưởng senor đang chờ cô hỏi câu đó.
“Đó là tổ chức chính trị gọi là Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến, và họ tập hợp những người trong các phe phái chống đối và bạo động.”
“Họ thành công chứ?” Canuela chất vấn.
“Họ gây cho mọi người nhiều trở ngại lắm,” senor đáp lại. “Đã có những cuộc biểu tình đại chúng rầm rộ xảy ra và họ đã khởi đầu phong trào chống chính phủ, vì có sự hậu thuẫn của hải quân.”
“Hải quân cũng chống đối sao?” Canuela ngạc nhiên hỏi.
“Chính vì họ có khả năng tấn công quân đội chính phủ, vấn đề này khiến tổng thống phải cân nhắc lại vị thế của ông ấy. Tổng thống đã cố bám víu vào chức vụ, nhưng đã hết hy vọng và ông ấy phải từ chức.”
Canuela thật sự ngạc nhiên.
Cô từng nghe danh của Liên-đoàn-nhân-dân-cấp-tiến trước khi rời Buenos Aires, nhưng không nhận thức rõ họ đã phát triển mạnh mẽ đến tầm cỡ nào hoặc trên thực tế đã trở thành một đảng phái lớn mạnh đủ để chính phủ cần lưu ý một cách nghiêm trọng.
Senor Náon thở dài.
“Dĩ nhiên, như tình trạng lúc nào cũng xảy ra với các sự kiện này, phần tử phiến loạn đã vượt khỏi tầm kiểm soát, và đấy là chuyện xảy ra tối qua.”
“Họ đã gây chuyện gì?” Canuela hỏi.
“Đập nát cửa kính trong các cơ sở của chính phủ, gây trở ngại cho cảnh sát, và không cần phải nói cũng biết họ là đâu dây mối nhợ của rất nhiều cái chết.”
Canuela biết sự việc này cũng không phải mới mẻ gì trong ngày quốc khánh. Đồng thời cô nhớ lại phiến quân trở thành phần tử nguy hiểm thế nào khi họ chống đối an ninh trật tự hết sức cực đoan.
“Chúng ta hãy hy vọng senor không gặp phải chống đối nào trên đường đi.”
“Chuyện đó thì tôi thấy khó lòng lắm,” senor Náon đáp lại, “nhưng tôi không quá sốt ruột đợi ông ấy về đâu, senorita. Nếu cao hứng, biết đâu ông ấy đến tận estancia cũng không chừng.”
“Từ đây đi chắc cũng mất khoảng hai tiếng?” Canuela kêu lên hầu như thất thần.
“Tôi không tin là senor mất nhiều thời gian như thế,” senor vừa cười vừa nói. “Mặt khác biết đâu ông ấy có thể trở về bất cứ lúc nào.”
Canuela nghĩ đúng là thái độ điển hình của dân Argentine.
Sau một hồi cô bỏ cuộc hết nóng lòng trông ra cửa đợi Ramón về, và nhắn lại cho người trong văn phòng biết họ có thể đi đâu tìm cô, Canuela bỏ ra vườn. Ngoài đó khá nhiều gia nhân đang lúi húi thu dọn rác rến từ tối qua. Hoa đã được đem khỏi vũ sảnh, các ly đĩa dơ cũng được gom lại. Các người làm vườn đang gỡ đèn lồng trên cây xuống và tháo luôn những dây đèn màu khỏi những lối đi.
Không để ý đến đôi chân đã đưa mình đến đâu, Canuela thấy mình đang đi dọc theo lối đi hẹp đã cùng sóng bước với Ramón. Tại sao khi điệu vũ chấm dứt họ gần như không nói lời nào với nhau? Có thể nào anh ấy cũng có cùng cảm giác nhiệm màu như cô khi bước nhảy của họ rất đồng nhất với nhau không?
Giờ đây cô nhận ra rằng giây phút ấy say mê đến không ngờ khiến cô khiêu vũ điệu tango cùng anh thật hài hòa, không một chút nào ngập ngừng hay vấp váp, hay thậm chí lo lắng đến bước kế tiếp sẽ là gì.
“Chúng ta phối hợp thật hoàn hảo!” cô tự nhủ.
Rồi không muốn nghĩ tới anh nữa, cô vội vã quay trở lại. Vào đến văn phòng, cô lại dọn dẹp dù đã sắp đặt ngay ngắn đâu vào đó trước khi đi, và đến cuối cùng cô lấy một quyển sách kinh tế ra đọc. Nhưng toàn bộ thời giờ cô chỉ chú tâm nghe ngóng đến khi nào chủ mình trở về một cách lo lắng. Cô tự bảo mình đó chẳng qua vì cô muốn biết anh sẽ trả lời điện tín từ Anh tới ra sao.
Cơm trưa của cô được dọn trong căn phòng trông ra sân, cùng nơi cô dùng cơm tối đêm đầu tiên đến đây. Nhìn qua các ô cửa sổ đang mở cô thấy được nền cẩm thạch được điêu khắc tuyệt đẹp trên đài nước và nghe tiếng nước dìu dặt phun lên không trung rồi lại rớt xuống bể đá. Cô thấy mình đang ngắm nghía đài nước, tuy nhiên vẫn có cảm giác mình đang chờ đợi, nghe ngóng.
Nóng lòng với cả chính mình, Canuela ngồi xuống viết một bức thư dài cho mẹ. Cô cố nhớ mọi chi tiết nhỏ nhặt sẽ làm cho mẹ thích thú – Buenos Aires trông ra sao, rồi mô tả về ngôi nhà của Ramón, vũ hội nhộn nhịp tối qua.
“Con đã khiêu vũ cùng senor Lopez...” cô mở đầu thư với hàng chữ ấy, rồi lại xóa đi. Cô không thể giải thích vì sao mình làm vậy, nhưng cô không muốn mẹ biết họ đã cùng nhau khiêu vũ.
Cô viết xong thư, ghi địa chỉ, dán tem rồi bỏ hòm thư. Khi senor Náon vào văn phòng thì vừa đúng bốn giờ. Canuela biết ông vừa nghỉ trưa khoảng hai tiếng sau khi dùng cơm.
“Vẫn chưa có tin tức của senor Lopez. Theo tôi đoán, chắc ông ấy đã đi estancia. Tôi thật ngạc nhiên vì cứ nghĩ mai ông ấy mới đi.”
“Có lẽ ông ấy lo lắng muốn xem mọi người đã trở lại làm việc chưa,” Canuela mỉm cười nói. “Tôi cho rằng họ cũng ăn mừng quốc khánh như mọi người khác.”
“Cái làng nhỏ đó sẽ được trang hoàng,” senor Náon trả lời, “senor Lopez cũng cung cấp cho họ pháo hoa. Mọi người ở đó đều do ông ấy thuê vào làm mà.”
“Có nhiều người không?” Canuela hỏi.
“Hơn hai trăm,” senor đáp. “Làng đó là một làng có kiểu mẫu đặc trưng, được xây chung quanh một ngôi nhà thờ cổ.”
“Tôi mong ngày nào đó có dịp xem.” Canuela nói.
“Tôi chắc thế nào senor cũng mời cô đến estancia,” senor đáp lại nhưng giọng ông lại thiếu sức thuyết phục.
Khi cô toan trả lời ông thì cửa đột nhiên mở toang và một gia nhân bước vào phòng. Nét mặt anh ta có vẻ lạ lùng miệng thì nói một hơi.
“Senor Náon, là Alberto. Anh ta vừa về tới!”
“Alberto?” Senor Náon ngạc nhiên kêu lên.
Ngay sau đó một người đàn ông bước vào văn phòng, anh ta mặc quần áo gaucho trông lịch sự của người phục vụ cá nhân.
“Senor Náon! Ông không thể nào tin – không thể nào hình dung chuyện gì đã xảy ra đâu, nhưng tôi được phái mang tin nhắn về cho ông. Ông phải hành động – ông phải hành động ngay tức thời!”
“Toàn bộ chuyện này là sao đây?” senor Náon lo âu hỏi.
“Senor de Lopez – họ bắt ông ấy rồi. 15 đứa cả thảy. Chúng tôi không còn cách nào – không làm gì được cả!”
Canuela đứng dậy. Cô thấy Alberto đưa cho senor Náon một mảnh giấy, ông ta cầm lấy và chậm rãi đọc.
Canuela không thể kiềm chế được nữa.
“Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì vậy?”
“Bọn du kích quân, senorita,” Alberto trả lời. “Bọn du kích của Liên-đoàn-nhân-dân. Họ đã bắt giam senor.”
Cô nhận ra ngay đó là chữ viết của Ramón và trong thoáng chốc những hàng chữ ấy như nhảy múa trước mắt cô.
Tôi đã bị các thành viên của Liên-đoàn-nhân-dân bắt giữ. Họ đòi tiền chuộc một triệu peso, phân nửa số tiền phải giao bằng vàng. Họ cho tôi biết nếu tiền không được giao vào 12 giờ trưa mai, tôi sẽ bị bắn. Alberto có chỉ thị về địa điểm liên lạc với họ.”
Ramón de Lopez
Canuela chậm chạp đọc mảnh giấy và cảm thấy những từ ngữ đó không thể nào ngấm vào trí não cô.
“Không thể nào là sự thật! Không thể nào cả!” Senor Náon thốt lên hoài nghi.
“Đó là sự thật, senor,” Alberto rầu rĩ bảo đảm với ông. “Bọn chúng đến quá bất ngờ. Chúng tôi đang ra khỏi estancia. Chúng tôi phóng nhanh lắm, vì senor có ngựa mới.”
Anh ta hoa tay diễn tả.
“Dù cho ngựa còn sung sức, chúng tôi cũng không thoát kịp. Bọn nó đón đầu chúng tôi và thoạt đầu chúng tôi không nhận ra chúng là ai.”
“Anh nói có 15 đứa?” Senor Náon hỏi.
“Khoảng 15 đứa, senór, có lẽ hơn. Tôi đâu có đếm. Lúc đó tôi rất là hoảng, rất sợ! Rồi chúng bao vây chúng tôi.”
“Lúc đó senor làm gì?”
“Ông ấy hỏi bọn nó muốn gì,” Alberto trả lời. “Chúng nói với ông ấy một lúc lâu. Tôi không nghĩ là có chuyện gì nghiêm trọng. Tôi chỉ nghĩ bọn nó nhờ senor giúp đỡ gì đó thôi.”
“Tôi hiểu được,” senor Náon xen vào. “Làm sao anh lại cho rằng senor, chứ không là ai khác, lại bị nguy hiểm?”
“Họ nói họ tranh cãi không phải vì cá nhân ông ấy,” Alberto giải thích, “nhưng vì họ muốn tiền. Vì vậy chúng quyết định bắt cóc người giàu đầu tiên nào ra khỏi thành phố mà không có người bảo vệ đi kèm.”
“Anh có mang súng lục chứ?” Canuela hỏi.
“Chỉ có hai người chúng tôi, senorita,” Alberto trả lời, “chỉ có hai thôi! Ngoài ra, khi chúng nó đang bao vây muốn bắn đi chăng nữa cũng đâu có lợi ích gì.”
Anh ngưng lại rồi nói tiếp một cách áo não.
“Chúng tôi chỉ có thể hạ hai đứa, nhưng bọn nó sẽ giết sạch chúng tôi.”
Quả thật là lý lẽ không thể nào có câu trả lời và Canuela nói.
“Vậy chuyện gì xảy ra khi senor nắm được ý bọn chúng?”
“Ông ấy yên lặng và bình tĩnh lắm, senorita. Ông ấy bảo bọn nó làm vậy chả có lợi lộc gì, nhưng tụi nó không chịu nghe.”
“Rồi chuyện gì xảy ra nữa?” senor Náon vặn hỏi.
“Chúng nói chúng phải có một triệu pesos, và senor là người đề nghị tôi mang tin về.”
“Ông ấy muốn cứu anh khỏi bị bắt giữ.” Canuela nhận xét.
“Tôi hiểu được, senorita, nhưng tôi thà là đi chung với ông ấy,” Alberto đáp lại. “Nhưng ông ấy không cho, nên tôi phải quay về đưa tin cho senor Náon, senor sẽ biết phải làm cách nào.”
“Tôi sẽ biết phải làm gì à?” Senor Náon kêu lớn. “Nhưng tôi phải làm gì đây? Làm cách nào tôi có thể đưa cho bọn nó một triệu? Cái lũ hạ tiện – cái bọn cặn bã! Bọn chúng sẽ dùng tiền đó để mua thêm vũ khí giết thêm người!”
“Quân đội có thể làm gì không?” Canuela hỏi.
Senor Náon lắc đầu.
“Họ sẽ tấn công đám du kích nếu tìm được chúng,” ông trả lời, “nhưng đồng cỏ hoang ở khắp mọi nơi và một tên đê tiện như tụi nó chỗ nào chẳng chui rúc được.”
“Trước đây quân du kích có làm như vậy không?” Canuela hỏi.
“Năm ngoái họ bắt cóc một nhà chính trị,” senor Náon đáp lại. “Nhưng ông ta nghèo và đảng của ông không cho ông là người có ảnh hưởng quan trọng. Khi chúng nó không nhận được tiền, mỗi ngày chúng gửi một ngón tay về thành phố.”
“Ồ không phải như thế chứ!” Canuela kêu lên kinh hoàng.
“Cuối cùng thì tiền cũng gửi tới,” senor Náon tiếp tục, “nhưng nạn nhân xui xẻo đó thì mãn đời thiếu năm ngón tay.”
“Thật là kinh tởm... khủng khiếp... khủng khiếp quá! Canuela lẩm bẩm.
Cô nghĩ đến những ngón tay của Ramón chạm vào người cô tối qua và cảm giác lạ lẫm cô có được khi họ khiêu vũ với nhau. Thật không thể nào chịu đựng nổi khi nghĩ đến anh lâm vào cảnh tàn tật.
Cô thở sâu.
“Ông phải nghĩ cách lấy tiền ngay đi, senor Náon!” cô cố nài. “Vì senor thì con số đó đâu phải lớn lao gì.”
“Tôi không nghĩ là lớn lao,” senor Náon trả lời. “Tôi sẽ ra ngân hàng giải thích với họ.”
“Trước khi tôi đi bọn nó còn nói với tôi một điều nữa,” Alberto lên tiếng.
“Điều gì?” Canuela gặn hỏi.
“Họ nói rằng: ‘mang tiền tới một mình. Nếu mang lính hoặc cảnh sát theo, bọn ta sẽ giết senor.’”
“Điều đó thì mình cũng đoán được,” Canuela thấp giọng nói.
“Thật là nhục nhã!” Senor tức tối kêu lên, “quá nhục nhã rằng vào thời buổi này mà một quốc gia văn minh còn phải chịu những hành động vi phạm trắng trợn như vậy.”
Giọng ông vang lộng khi ông tiếp tục.
“Bọn nó cũng tự bôi tro trát trấu vào mặt bọn nó – là sự sỉ nhục với đảng của chúng! Đưa tiền cho chúng chỉ càng tạo điều kiện cho chúng gây tội ác dễ dàng hơn – càng ngày càng gia tăng khiến không chúng ta không có ngày yên ổn.”
“Nhưng trong lúc này mình phải cứu senor!” Canuela khẽ nói.
“Tôi sẽ đi ngân hàng.”
Senor Náon quay ra cửa nhưng Canuela ngăn ông lại.
“Nếu tôi là ông tôi sẽ không nói quá nhiều về những chuyện xảy ra,” cô đề nghị, “ngoại trừ có thể nói riêng với giám đốc ngân hàng thôi.”
Thấy senor Náon có ý đợi cô tiếp tục.
“Thế nào cũng có nguy cơ các thành viên chính phủ có thể sẽ suy nghĩ giống ông, rằng trao tiền cho du kích sẽ khuyến khích bọn chúng hơn nữa. Biết đâu họ sẽ nhất quyết phái quân đội đến cứu senor – trong trường hợp đó ông ấy sẽ mất mạng!”
“Tôi hiểu ý của cô,” senor Náon nói. “Tôi sẽ bắt giám đốc ngân hàng phải thề giữ bí mật. Khi nào trở ra có lẽ senor de Lopez sẽ có cách trừng trị bọn này.”
Ông ngưng lại rồi nói tiếp.
“Tôi hy vọng sau khi nhận tiền bọn chúng sẽ thật sự thả người.”
Canuela nín thở, vì cô chưa từng nghĩ đến điều đó. Đối với cô không có gì quan trọng nữa ngoại trừ anh được phóng thích.
Senor rời khỏi phòng và Alberto vẫn đứng đấy một lúc nhìn Canuela. Cô có cảm tưởng anh ta đang cố tìm từ ngữ để giải thích rằng anh ta không phải là người hèn nhát – anh ta không rút súng chỉ vì lúc ấy đã hết hy vọng. Cô thấu hiểu lòng kiêu hãnh của gaucho là họ không bao giờ thừa nhận bị đánh bại. Họ là bị giết còn hơn phải chịu đầu hàng!
Trước khi anh ta kịp lên tiếng cô nói thật khẽ.
“Tôi biết anh không thể làm gì hơn nữa, Alberto.”
“Tôi thà là chết vì senor – cô có nghe tôi nói không, senorita? Tôi có thể chết vì ông ấy! Nhưng lúc tôi rút súng ông ấy nói: ‘Đừng, Alberto,’ nên tôi biết ông ấy đã quyết như vậy.”
“Tôi chắc chắn ông ấy có ý như vậy,” Canuela nói. “Quăng bỏ mạng sống của anh thì thật vô nghĩa.”
“Cám ơn cô hiểu cho tôi, senorita.”
Anh ta toan đi ra khỏi phòng nhưng Canuela chặn lại.
“Anh nghĩ bọn họ đưa ông ấy đi đâu, Alberto? Họ sẽ giấu ông ấy ở đâu?”
Alberto so vai.
“Có nhiều chỗ lắm, senorita, gần đầm lầy, gần sông, hay là biển.”
“Nếu bọn chúng có 15 đứa,” Canuela nói, “và cộng thêm senor là 16, như thế thì khá đông. Cho dù đồng cỏ hoang cỏ mọc cao cũng không thể che kín bọn họ hoàn toàn.”
“Đúng vậy, senorita, nhưng tôi không cho rằng bọn nó sẽ đi đến đồng cỏ hoang. Lũ rác rưởi đó muốn nấu ăn, và cho ngựa nghỉ ngơi. Bọn nó sẽ nấp ở đâu đó.”
“Phải... nhưng ở đâu mới được?” Canuela hỏi.
Alberto lại đưa tay làm cử chỉ và định quay ra cửa.
“Khi anh bỏ đi, anh đi ngược về hướng thành phố. Vậy anh có nhìn lại không?”
“Có, senorita, tôi nhìn lại thấy bọn nó dong ngựa đi chung quanh còn senor thì ở giữa. Tôi đoán chúng sợ senor bỏ trốn.”
“Tôi chắc chắn bọn chúng nghĩ như thế,” Canuela tán thành. “Thế bọn chúng đi hướng nào? Đông hay tây?”
“Khi tôi nhìn lại lần đầu thì bọn chúng đi về hướng nam, senorita, và rồi tôi nhìn lại lần thứ nhì thì bọn chúng đã đi xa lắm, nhưng lại rẽ về phía đông.”
Canuela thở dốc.
Khi Alberto vừa nói đến đấy thì dường như có ai mách bảo cho cô biết bọn du kích đã đưa Ramón đi đâu. Cô tin chắc như thể nhìn thấu được sự việc.
“Nghe đây, Alberto,” cô hạ giọng nói, “anh sẽ chuẩn bị tinh thần tối nay đi với tôi để đi cứu senor chứ?”
Anh ta nhìn cô, đôi mắt đen giương to vì sửng sốt.
“Cứu ông ấy sao, senorita? Nhưng chúng ta đâu có biết bọn nó dẫn ông ấy đi đâu.”
“Tôi nghĩ rằng tôi biết... tôi đoan chắc tôi biết,” Canuela nói, “nhưng nếu cho mọi người trong nhà biết dự định của mình thì sẽ có sơ xuất. Họ sẽ cản mình.”
“Cô muốn nói là chỉ có cô và tôi, senorita, là có thể cứu được senor sao?” Alberto hỏi một cách ngờ vực.
“Chỉ có tôi và anh thôi, Alberto,” Canuela đáp lời. “Nếu có thêm người ngoài hai chúng ta sẽ rất nguy hiểm khi đến gần chỗ trốn của bọn du kích, chúng ta phải đi riêng.”
“Senorita, cô không nghĩ là sẽ báo cho senor Náon biết chứ?”
“Mình không nói với ai cả!” Canuela cương quyết, “anh phải hứa danh dự với tôi, Alberto, là anh sẽ giữ bí mật. Tôi hứa với anh đó là cách duy nhất chúng ta có thể cứu senor.”
“Để cứu senor tôi sẽ làm bất cứ điều gì!” Alberto khẳng định. “Bất cứ điều gì!”
Anh ta ngưng lại rồi chán nản nói thêm.
“Tôi biết người khác sẽ nghĩ sao khi họ nghe chuyện này. Họ sẽ cho tôi là đồ chết nhát nên mới bỏ rơi ông ấy. Và đúng ra tôi phải giết bọn người cầm tù ông ấy.”
“Anh đã làm đúng và đó là ý của senor muốn anh làm, và bây giờ tôi cần anh giúp. Tôi biết tôi có thể tin cậy ở anh.”
“Tôi sẽ làm theo lời cô, senorita.”
“Vậy hãy đi nghỉ đi,” Canuela nói. “Khi trời tối tôi sẽ gặp anh ở chuồng ngựa. Nhớ đừng nói với ai mình định làm gì. Chúng ta sẽ cần ba con ngựa.”
“Ba sao, senorita?”
“Một cho anh, một cho tôi, và một cho senor để cưỡi về nhà.”
Alberto lẩm bẩm.
“Tôi mong là cô tính đúng, senorita. Mang ông ấy về nhà không cần trả tiền chuộc là một chiến công lớn.”
“Không phải là vấn đề tiền bạc, nhưng một là để bọn du kích thành công sách hoạch âm mưu độc ác của chúng – hai là đánh gục bọn chúng.”
“Cô nghĩ mình có thể đánh bại tụi nó sao, senorita?”
“Nếu trong phạm vi con người có thể làm được,” Canuela trả lời, “anh và tôi sẽ đưa senor về nhà với chúng ta tối nay.”
Cô thấy mắt Alberto sáng lên và nói thêm.
“Không được hé nửa lời với bất cứ ai, Alberto. Anh hiểu chứ? Mọi việc sẽ tùy thuộc vào sự kín miệng của anh đấy.”
“Thề có Chúa, tôi sẽ không hé miệng với bất cứ ai!”
“Vậy tôi sẽ đến tàu ngựa ngay khi trời sụp tối.”
Alberto chào cô và đi ra khỏi phòng. Chỉ đến khi anh ta đi khuất Canuela mới nhận ra người mình đang run bần bật. Không hiểu tại sao cô vẫn chưa thể tin được Ramón bị phiến quân giam giữ, rằng anh sẽ cảm thấy bẽ mặt nếu phải nhượng bộ đòi hỏi của bọn chúng. Cho dù trả tiền chuộc, lấy gì bảo đảm bọn chúng sẽ không sát hại anh vì Ramón đã thấy mặt bọn chúng và biết chỗ chúng ẩn nấp.
Liệu bọn chúng trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó sẽ sẵn lòng thả anh đi, vì biết rằng nếu chúng bị bắt tự do của bọn chúng chứ không phải là mạng sẽ bị thiệt hại không?
“Tôi phải tìm anh ấy bằng được!” Canuela thầm nghĩ, và bỏ về phòng.
Dolores đã soạn tất cả mọi rương đồ của cô, Canuela thấy hai bộ đồ đi ngựa treo trong tủ áo. Một bộ là của mẹ cô, rất trang nhã được may bởi thợ may London. Mặc bộ đó bà Arlington rất được ngưỡng mộ mỗi khi bà cưỡi ngựa. Còn bộ kia là của Canuela mặc lúc còn nhỏ, may theo kiểu Mexican bằng da mềm màu lá cây đậm, và váy da viền tua được xẻ chính giữa để cô có thể cưỡi ngựa hai hàng. Đi xa với ba cô mà cưỡi một bên hay mặc váy liền thì thật không tiện dụng, mặc như thế chỉ thích hợp cho các qúy cô đi dạo trong công viên mà thôi.
Đi cùng với chiếc váy xẻ vào áo chemise lụa là một chiếc áo chẽn không tay bằng da viền tua. Canuela biết bây giờ cô đã quá lớn để mặc những kiểu như thế. Nhưng hiện tại điều quan trọng là cô cần phải đi nhanh và không bị vướng víu bởi bộ y phục thời trang.
Vì biết vài giờ nữa sẽ vô cùng hối hả mệt nhọc, cô ép mình phải nghỉ ngơi để tập trung toàn bộ sức lực cho những giờ phút sắp tới. Cô lại còn thấy mình cầu xin mong cứu được anh. Thật quá khó để nghĩ về anh như tù nhân, thậm chí còn kinh khủng hơn khi nghĩ đến cảnh anh bị tàn phế. Ngón tay bị chặt đứt bởi lũ người thô bạo dã man, bọn người chỉ chực chờ hứng thú theo dõi cảnh anh bị hành hạ.
“Chuyện đó không thể nào xảy ra với anh ấy được... không thể nào!” Canuela dốc lòng cầu nguyện.
Bản tính anh rất cao ngạo, rất chuyên chế – cho dù chỉ hình dung anh phải dưới quyền bọn du kích thôi cũng là điều không tưởng tượng được. Một lần nữa Canuela lại tự hỏi không biết bọn chúng có chịu thả anh không.
Tối qua anh ấy dường như trông uy nghi quá... rất uy nghi... trong lúc họ sóng bước bên nhau dọc theo lối đi giăng đèn màu. Tim cô đang đập rất nhanh, cảm giác cứ như họ vừa cùng nhau khiêu vũ, và cô đã nhận ra họ đứng sát bên nhau đến độ nào. Lúc đó cô cảm nhận thật rõ rệt sự gần gũi của anh, tuy nhiên khi ở trong vườn dù anh không chạm vào cô nhưng anh dường như vẫn thật gần.
Ngày mai anh có thể mất mạng!
Ý tưởng này thật hoang đường – nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra!
“Tôi phải cứu anh ấy... tôi nhất định phải làm được!” Canuela tự bảo mình. “Ôi Chúa ơi, xin hãy giúp con! Hãy giúp con với!”
Những ngón tay cô đan chặt vào nhau khi cô hết lòng nguyện cầu, và đến khi thấy tay mình trắng nhợt vì siết quá mạnh cô biết vì sao mình cảm thấy quá đỗi tuyệt vọng! Tại sao ý tưởng Ramón bị cầm tù cứ như lưỡi dao nhọn xoáy vào tim cô.
Cô biết mình đã yêu anh!
Cô yêu anh, nhưng tình yêu ấy len lỏi vào tim cô thật kín đáo nên cô vẫn chưa cảm nhận được. Trong một lúc lâu cô vẫn không tin đấy là sự thật, rằng cô không chỉ thêu dệt nên tình cảnh này và tưởng tượng ra cảm xúc của chính mình. Nhưng rồi cô nhận ra mình yêu anh từ lâu lắm.
Cô đã yêu anh khi họ ngồi giao đấu với nhau trong phòng ăn trên tàu hay bàn bạc giấy tờ vương vãi khắp nơi trong cabin. Cô đã yêu anh khi bế đứa bé trên tay và ngước lên thấy ánh mắt anh, ánh mắt ấy đã làm cho cô có cảm tưởng như hơi thở mình tắc nghẹn trong cổ.
Cô đã yêu anh đêm hôm qua khi họ khiêu vũ cùng nhau, và cảm giác tay anh chạm vào tay cô không phải là sợ hãi... mà là yêu đương!
“Sao mình ngu quá không biết được!” Canuela thầm trách mình.
Đột nhiên lòng cô quặn thắt đau đớn như viên đạn vừa xuyên qua thân thể cô biết tình yêu của mình như bị đóng dấu ấn tủi nhục. Sao cô lại có thể đi yêu người từng phản bội ba mình? Người đã bỏ rơi ba, người là hiện thân của Judas đối với bạn bè cơ chứ!
Ramón de Lopez là kẻ phản bội! Là người đàn ông cô từng căm ghét! Là người đàn ông cô hằng ao ước phải chịu cảnh bị sỉ nhục, bị bẽ mặt.
Nhưng giờ đây cô lại yêu người đàn ông đó!
Và cô tuyệt vọng biết rằng bằng bất cứ giá nào cô cũng phải cứu anh ấy, cho dù cô có phải bỏ chính mạng của mình.