🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Juana đã ổn định cuộc sống của nàng trong nhà Armendariz thật dễ dàng nhanh chóng đến độ nàng cũng lấy làm ngạc nhiên với chính mình. Sau một tuần lễ chỉ có Luis đối xử với nàng như thể Juana là chị lớn của mấy cậu con trai ông, còn đối với Elisabeta vấn đề nàng không hề biết lo toan việc nhà chỉ là chuyện đùa vui. Thoạt đầu bà khó có thể tin được có cô gái nào trạc tuổi Juana lại không biết cai quản mọi việc trong nhà ngoài chuyện chỉ biết chỉ tay năm ngón ra lệnh cho kẻ khác. Nhưng rồi thực tế đến độ khe khắt bà ra tay chỉ bảo cho vị khách của mình mọi điều cô ấy cần biết. “Bởi vì tôi không nghĩ rằng,” bà lanh lợi nhận xét, “Felipe có thể thuê người phục dịch cho tiểu thư trước khi hai vợ chồng cô phải đói chết vì muốn có bữa ăn nấu nướng ngon lành!”
Juana bật cười che giấu nỗi đau khổ và ngẫm nghĩ một cách một cách khó chịu rằng Tristán sẽ có đủ tiền nếu chàng biết tống tiền cha nàng như chàng từng nói. Lòng tự tôn của nàng reo vui rằng chồng nàng không có mặt trong nhà để thấy nàng ra sức giúp việc cho Elisabeta. Nhưng tình cảnh của nàng thật là ngượng ngùng lúc chàng trở về vào những buổi tối: gia đình Armendariz trêu chọc nàng kể cho chàng nghe không thiếu mảy may mọi lỗi lầm hay tai họa nàng gây ra, và nàng thấy được gương mặt nghiêm khắc dịu đi trong tiếng cười quyến rũ vừa phiền toái vừa ngạc nhiên của chàng. Thật là đau lòng khi ánh mắt thú vị dịu dàng đó chỉ dành cho người kể chuyện chứ không phải cho nàng, nhưng nàng cũng ráng cười đáp lễ như thể toàn bộ sự việc chỉ là trò đùa nàng đang thưởng thức thật nhiệt tình cũng như chàng.
Nàng biết chàng đi đâu mỗi ngày: nuốt tự ái, nàng đã nắm lấy lời căn dặn đầy khinh thị chỉ cần hỏi là em có thể biết được... và hỏi thẳng chàng ngay sau ngày đầu tiên. Mặt lạnh lẽo như băng, chàng đã kể hết cho nàng. Số vàng hồi môn của nàng không đủ trang trải vé tàu cho hai người họ, và chàng đang cố bán những món có giá trị để có thêm tiền. Việc này cần có thời gian, chàng bảo với nàng như thế, bởi vì những món rẻ tiền chỉ kiếm về được chút ít, còn những món quý giá hơn chàng chưa thể bán đúng giá vì các thương buôn địa phương sẽ nghi ngờ là đồ ăn cắp. “Em thấy đó, ở đây ai cũng biết tôi từng là kẻ nghèo khó,” chàng nói thêm một cách châm biếm.
“Tôi đem bán được mà. Ở đây đâu có ai biết tôi –” Juana chỉ muốn cắn đứt lưỡi mình ngay khi lời nói vừa thốt ra vì cái âm hưởng tố giác vẻ náo nức trong giọng nói của nàng. Tính ương ngạnh trong thâm tâm trỗi dậy khiến nàng chờ đợi câu trả lời của chàng không hề nao núng, cằm vênh lên ngạo mạn khi nàng nhìn vào tia mắt như xuyên thấu kia trong một lúc lâu, im lặng.
“Em sẽ bị người ta lừa,” chàng chỉ nói bấy nhiêu rồi quay đi.
Nỗi thỏa mãn như ngân lên khắp thâm tâm Juana trong lúc nàng quay sang mớ rau đã cắt sẵn cho món hầm của Elisabeta. Chẳng mấy chốc nàng đã trở nên nhanh nhẹn khéo léo hơn, nhưng Elisabeta vẫn lấy cớ vắng mặt để tránh cho nàng khỏi phải ngượng ngùng khi bà chủ nhà chỉ mất một phần tư thời gian để làm xong cùng một việc.
Có tiếng động vang lên từ đằng sau khiến nàng xoay lại nhanh đến độ lưỡi dao suýt khứa vào ngón tay, và nhịp tim dồn dập báo cho nàng ai đang đứng đó trước khi nàng kịp ngẩng đầu lên.
“Anh về sớm quá.” Nàng nói bằng giọng không âm tiết.
“Tôi đã bán một món cho người thợ vàng không tiếng tăm thường giao dịch với bọn bất lương và chỉ lấy về được một phần ba giá trị món hàng.” Giọng nói đều đặn của chàng mang âm điệu giận dữ. “Giờ tôi phải xem coi nữ trang của em kiếm được bao nhiêu.”
“Tôi cứ nghĩ đúng ra anh phải bán mấy thứ đó trước hơn hết chứ.” Nàng thấy câu nhạo báng không lay chuyển được chàng, khi thấy chàng đi về phía phòng của họ nàng lên tiếng hỏi một cách ngờ vực. “Vậy anh đã bán cái gì?”
“Kiếm của tôi.” Chàng nói cộc lốc như tạt nước, vài giây sau chàng bước ra và liệng một cái túi yên xuống đất. “Nói cho tôi biết em quý thứ nào nhất trong đó –” Mặt chàng đanh lại như đá – “tôi sẽ bán món đó sau cùng.”
Cổ họng Juana đau điếng lúc nàng cúi xuống mở những cái khóa, tay nàng vụng về khi biết chàng đang quan sát mình với vẻ lạnh lùng châm biếm. Ý niệm thôi thúc muốn phản đối việc buôn bán lỗ lã đã tắt ngấm khi Juana thấy chàng không lộ ra phản ứng nào. Thế nào chàng cũng mỉa mai nàng vì tỏ ý thương hại chàng, cho dù chàng có tin thiện ý của nàng đi nữa. Nàng hằn học giật sợi đai da mở bung cái túi và dốc đồ trong túi lên nếp gấp miệng bao lúa mì của Luis.
Vòng đeo cổ trân châu, vòng đeo tay chạm nổi, chiếc thánh giá vàng nàng có từ lúc còn nhỏ - không món nào khơi động bất cứ cảm xúc nào ngoài cảm giác buồn bã hoang mang rằng từ đây nàng sẽ không gặp lại gia đình nữa. Thậm chí ngay lúc này khi nàng cố nhớ đến họ, nàng cũng không thể hình dung gương mặt người thân một cách rõ ràng. Họ đã từng là một phần đời của nàng Juana trước kia, một Juana giả tạo đang trở nên càng ngày càng bớt chân thật với nàng.
“Cái này đáng giá không?”
Nàng nhặt một cái gói mỏng bao trong miếng lụa tẩm dầu đã sờn mà nàng biết không phải là đồ của mình. Rồi trước khi thấy chàng di chuyển, chàng đã bước tới đứng chắn trước mặt nàng và nhanh như cắt giật về cái gói trong tay nàng.
“Chỉ đáng giá đối với tôi thôi - cứ xem nó là vật lưu niệm đi. Ở ngoài chợ nó không đáng tiền đâu.”
Nàng sửng sốt nhìn, cảm nhận được linh tính khủng khiếp đang bắt đầu dâng lên trong thâm tâm. Nàng muốn nghiền nát cái điều đau đớn đó trước khi nó thành hình, nhưng nàng nén nỗi mong muốn để đưa tay ôm choàng lấy ngực rồi hỏi. “Của phụ nữ à?”
“Em phải cho tôi chút ít riêng tư chứ.” Tristán đút cái gói vào ngực áo chẽn, mắt chàng không lộ ra cảm xúc nào, sau giây lát nàng cố mỉm cười một cách gai góc.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy anh phí thời gian với những kỷ vật quá khứ khi chúng đâu có sinh lợi gì cho anh,” nàng phản bác. “Thật là một hành động lạ đời của một người làm thuê.”
“Đúng, nhưng cái này không phải là kỷ vật tình yêu, nếu không tôi cũng chẳng giữ nó làm gì. Cái thứ kia tôi từng đem theo đã cho tôi cảm giác nhờm gớm với mấy thứ đồ chơi như thế.” Đôi mắt màu lục lóe lên chế giễu.
“Thứ kia là gì?” Như bị mê hoặc nàng nhìn theo những ngón tay chàng thản nhiên vuốt lên gò má, rồi nàng nói như bị ép buộc, “kỷ niệm yêu đương? Tôi cứ nghĩ – là trong trận chiến nào đó – anh có nói anh từng là lính tráng mà.”
“Tôi cũng từng là một thằng ngu, có quá nhiều tham vọng.” Giọng nói thiếu vắng cảm xúc nghe châm biếm làm sao khiến nàng rùng mình. “Khi tôi gần hai mươi, tôi đã khao khát yêu đương quá độ, và người tình của tôi sai khiến những đối tượng cầu thân giàu sang hơn của cô ta làm nhụt đi nhiệt tình của tôi. Vì cô ta rất đẹp –” Mắt chàng như ghìm lấy mắt nàng – “anh ta đã lĩnh phận sự đó để tạo ra cho cô ta một trò tiêu khiển hay ho, anh ta và đám bạn bè đã cho tôi cái này vì hành vi hỗn xược của tôi, rồi lôi tôi đến trước mặt cô ta. Chuyện đó khiến cô ta hài lòng lắm – cô ta vui sướng hớn hở biết chừng nào khi thấy họ đã làm cách nào để sửa trị hành động xấc láo của tôi.”
“Nhưng họ đâu có cứu được anh.” Juana nghẹn ngào nói và quay đầu sang hướng khác.
“Có lẽ không, nhưng nó dạy cho tôi bài học bảo đảm rằng tôi sẽ không được hành xử như thế nữa. Bây giờ thì tôi không bao giờ khuất phục trước người phụ nữ nào, dù cho họ có giàu có xinh đẹp tới đâu.”
Juana sững người, mặt vẫn quay đi, một lúc sau chàng nói với giọng trong trẻo thường lệ, “Em đã xem xong món nữ trang đó chưa?”
Nàng thẫn thờ nhìn xuống các món trang sức trong tay mình. Chúng bị bóp chặt đến nỗi đường nét của chúng in sâu vào lòng bàn tay nàng. Khi nàng buông tay mấy món đó hãy còn bám vào tay nàng trong ít lâu trước khi rơi xuống. “Hãy giữ cái vòng bạc đeo tay càng lâu càng tốt,” nàng nói xong và bỏ đi ra ngoài.
“Món quà có được lúc mới lớn à?” chàng khô khan hỏi, tung sợi dây bạc lên và khéo léo chụp lại. Juana nhún vai, tỏ vẻ không quan tâm. Nàng nói câu lúc nãy trong lúc không suy nghĩ, chỉ là muốn khẳng định ý chí của mình nên thuận miệng chọn đại một món. Vòng đeo tay đó là quà tặng của anh nàng Ugo.
“Món đó là của người tôi yêu, người đó cũng yêu tôi, nhưng không quan trọng nữa. Nếu anh muốn thì cứ việc bán.”
Có tiếng bật thốt hầu như không nghe nổi khiến nàng quay đầu lại và thấy chàng đang nhìn nàng đăm đăm nàng làm nàng biến sắc. Rồi cặp mí lạ lùng kia hạ xuống che phủ mắt chàng, Tristán cúi xuống nhặt lấy cái túi yên khi Elisabeta vội vã ùa vào.
“Giờ này mà anh còn ở đây à, Felipé? Có thành công được gì không?”
“Tôi nghĩ chắc vậy.”
Tristán không ngước nhìn lên lúc chàng trả lời, nhưng ánh mắt tinh quái của Elisabeta đi từ người này sang người kia. “À cô em thiếu kiên nhẫn đấy! Tôi hiểu được mà, nina - người ta ai cũng muốn tất cả mọi điều khi họ còn trẻ, nhưng ngay cả Felipe cũng không làm ra được chuyện thần kỳ đâu! Hai người còn biết bao nhiêu năm trước mặt để tìm những đất nước khác mà, chậm một chút cũng đâu phải là chuyện sống chết gì, phải không?”
Tristán cười khẽ. “Có thể như thế, nếu chúng tôi không thể đi trước khi bọn truy nã đuổi kịp. Tôi không thể nào xin lỗi qua loa khi đã cướp đi cô dâu của chủ mình,” chàng nói thêm một cách khắc nghiệt. “Dường như tôi không thể đè nén sở thích của mình với những thứ hiếm hoi, bất chấp nguy hiểm tới đâu.”
Elisabeta ngạc nhiên, khịt mũi. “Nếu cậu muốn nói đến Elena de Frontenera, thì việc cậu lấy Juana đây là may mắn lắm đấy. Người đàn ông cô ta lấy trước đó thay vì cậu đã say sưa tới mất mạng chỉ trong vòng một năm, còn bây giờ cô ta lấy người bị lòa gấp đôi tuổi mình, ông ta không biết cũng như không buồn quan tâm tới vợ mình đã cắm cho mình bao nhiêu cái sừng! Trước đây cô ta bất quá chỉ là thứ lẳng lơ trong thị trấn thôi, nhưng bây giờ thì đúng là gái điếm. Còn mập ra nữa.” Bà cay cú nói thêm.
Tristán bật cười sửng sốt. “Cô hay gặp cô ta lắm sao?”
“Thỉnh thoảng thôi, cô ta băng ngang qua đường tưởng chừng như mình là nữ hoàng vậy! Nhưng cậu muốn nói với tôi là,” Elisabeta cao giọng như bắt lỗi, “Juana đúng ra sẽ kết hôn với công tước à?” Bà nói thêm khi thấy Tristán gật đầu. “Cậu đang mạo hiểm đấy, Felipe!”
“Thì chắc như vậy rồi, nếu cô gào chuyện của tôi ngay cửa sổ thế này.” Juana nín thở khi thấy chàng xốc cái túi yên lên vai, nhớ lại lúc chàng vác thi thể Bartolomé cũng nhẹ nhàng như vậy. Dường như linh cảm được nàng đang căng thẳng chàng quay lại nhìn nàng, đôi mắt xanh thu hút một cách lạ lùng. “Nhưng vô phương cứu chữa rồi phải không Juana?” Chàng nhẹ nhàng đáp lời. “Có chồng – hay không có chồng đâu có khác biệt gì.”
“Đúng là vô phương,” nàng đồng ý.
Elisabeta gật gù một cách trìu mến. Đối với bà chuyện của họ thật đơn giản như bà đang thưởng thức một màn kịch lãng mạn, trí tưởng tượng của bà đang nhuộm lên những chi tiết ít ỏi trong câu truyện của Tristán với những tình tiết yêu đương mãnh liệt, không ngại quan san. Juana khổ sở nghĩ thầm, chuyện họ thành đôi thành cặp đâu có nảy sinh được gì ngoài những khao khát lẫn trong thù nghịch và áp bức, một quan hệ hình thành do hậu quả của cái chết khốc liệt.
Những âm thanh chè chén say sưa ngoài đường phố càng lúc càng to, kích động chát chúa hơn, và không gian yên lặng trong phòng tràn ngập những tiếng hò hét về trò vui nhộn nào đó gần nhà. Tristán vẫn chăm chú nhìn Juana với nụ cười nhẹ dường như mỉa mai nàng không dám tố giác lời dối trá đầy ngụ ý của chàng, rồi bầu không khí bị phá tan bởi giọng nói Luis văng vẳng từ bên ngoài.
“Elisabeta! Elisabeta!”
Cả ba người đồng loạt quay về phía cửa, ngay lúc đó Luis hớt hải ùa vào. Gương mặt ngăm đen của chú hằn sâu lo lắng, chú cởi bỏ tạp dề khi bước vào nhà.
“Elisabeta, chúng mình phải đi tìm Felipe! Kêu Alfonso ra chợ, còn anh thì ra ngoài đại lộ -” Ông ngưng bặt, nét mặt lo âu dịu xuống khi ông nhìn thấy Tristán. “Felipe, thật cám ơn Chúa là cậu ở đây! Có mấy bọn lạ mặt vừa vào thị trấn – tôi nghĩ là bọn du mục - từ Andalusia, bọn ấy nói người ta đã phát hiện công tước Valenzuela đã chết! Cái tin đó đã lan truyền khắp vùng quê rồi, nghe họ bảo thế!”
Juana cảm giác như nàng bị bao kín trong chiếc áo choàng bằng băng đá. Răng nàng va vào nhau lập cập, và trước mắt nàng bóng tối cứ chập chờn tới tới lui lui. Lúc thì nó tô đậm mọi đường nét của căn phòng và khuôn mặt âu lo của Luis, lúc thì nó làm nàng lòa đi như ngụp lặn trong dòng tối đen. Nàng biết được Elisabeta đang ngó nàng với ánh mắt dò hỏi một cách thảng thốt, và nàng phân vân tự hỏi gương mặt nàng có tố cáo nàng không. Ở đâu đó nàng nghe Tristán nói “Bartolomé à?” Và không hiểu làm thế nào chàng có thể nói năng bình tĩnh tới phát điên lên được.
“Công tước của cậu – Valenzuela – tên của ông ta là Bartolomé à? Họ nói rằng ông ta đã mất tích nhiều tuần rồi, và đám dân du mục đó bị tra hỏi về tin tức bắt cóc công tước. Trong lúc họ còn ở castillo có tin là thi thể ông ta đã tìm thấy. Ngay sau đó họ bị đẩy ra ngoài không nói thêm được lời nào, đám đó bảo thế, họ cũng không được cho biết ông ta chết ra sao – cũng như việc cô cậu chạy trốn khỏi chỗ đó lúc nào hay có thể bị tình nghi hay không!”
Juana vô tình làm dấu thánh, thậm chí cũng không nghe được Tristán trả lời ra sao. Trong những ngày vừa qua, nàng đã buông mình vào cõi mộng mơ, hay là nàng đã để mình quên đi điều mình không muốn nhớ, cái sự thật tàn bạo rằng một người đã mất mạng. Cho dù hắn có thú tính đến chừng nào, cho dù hắn có đáng ghét đến đâu, Bartolomé de Benaventes y Rioja cũng từng là một con người, và hắn bị chết bởi vì hắn đã gây trở ngại cho mục đích của Felipe Tristán. Thật lạ lùng ký ức về quang cảnh buổi chiều tà đó trong hầm rượu mà trí não nàng đã xóa bỏ, đang ru ngủ tâm trí tỉnh táo nàng khiến cho nàng yên tâm tin tưởng rằng hậu quả cái chết đó không thể nào ảnh hưởng tới nàng. Tình yêu vừa mới khám phá của riêng nàng và sự chi phối tàn nhẫn của Tristán đã dường như càng lúc càng thật hơn, quan trọng hơn.
Nhưng cho dù Tristán có nói thật khi chàng cho biết chàng chỉ đơn giản để Bartolomé chết hay là chàng đã giết hắn bằng chính đôi tay chàng, chàng có thể bị bắt và buộc tội vì mưu sát, và nàng cũng sẽ bị chịu tội chung với chàng. Thật là vô ích để chàng chinh phục tâm tưởng và con tim nàng như chàng đã từng làm với thân thể nàng, bởi lẽ chỉ có một kết thúc duy nhất. Chàng là người nhẫn tâm, một sát thủ thì đúng hơn, cho dù chàng có nói thật với nàng đi chăng nữa. Chàng không hề có cảm giác nào đối với nàng ngoại trừ lòng thèm muốn. Nàng hầu như đã quên đi điều đó, đối với chàng nàng chẳng qua chỉ là một phụ nữ Tây Ban Nha để cho chàng sử dụng rẻ khinh. Nếu nàng thố lộ tình yêu của mình, có lẽ chàng sẽ cảm thấy thú vị một cách châm biếm, chỉ có thế thôi. Nguy hiểm đã cận kề, nhưng nguồn tin chấn động của Luis đã khiến nàng trở lại trạng thái bình thường vừa đúng lúc.
Elisabeta đột ngột thốt lên khi thấy vẻ mặt tái xanh của nàng và vội giục nàng ngồi xuống. Nàng cảm thấy bàn tay ấm áp của người phụ nữ lớn tuổi áp lên đôi tay giá lạnh của nàng, và siết thật chặt.
“Ngồi xuống nào, Juana, trông cô không được khỏe đấy. Đây, dựa vào tôi.”
“Cái tin kinh khủng này...” Juana nghe được chính giọng nói mình, yếu đuối run rẩy, và nàng nghiêng đầu bắt gặp ánh mắt Tristán. Chàng nhìn nàng chỉ trong một thoáng, rồi quay lại nói với Luis.
“Tôi biết thằng bé đó bệnh hoạn từ tâm thần cho tới thể xác - cứ mỗi tháng trôi qua thì hắn lại càng khó kiềm chế hơn, tôi đã nói với bác nó vấn đề đó.” Gương mặt chàng lại che phủ bằng tấm mặt nạ bí ẩn, châm biếm và kín đáo, không một dấu vết cảm xúc nào lộ ra trên đường nét điềm tĩnh đó. “Người ta biết được nguyên nhân cái chết của hắn rồi sao?”
Luis lắc đầu, khuôn mặt đầy nếp nhăn nghiêm tỏ ra nghiêm trọng. “Không, không có tin tức nào ngoại trừ hắn đã chết – và bọn du mục nói họ bị chặn lại khi sắp rời đi, và được yêu cầu là không được hé môi về chuyện đó! Nhưng bây giờ họ đang ở bên ngoài – tôi nói với người trưởng đoàn là cậu biết vị công tước đó và muốn nói chuyện với họ.” Ông ngập ngừng. “Đương nhiên là tôi không nên – tôi đã quên rằng cậu –”
“Không sao đâu.” Khoảng da chung quanh vết sẹo của Tristán trắng nhợt, nhưng giọng nói chàng vẫn giữ được bình tĩnh. “Tôi vẫn muốn nghe xem họ biết được những gì. Juana –”
Nàng nói thật nhanh, mắt vẫn ngó xuống bàn tay mình đang xiết chặt lấy tay Elisabeta. “Em phải cầu nguyện cho linh hồn hắn được yên nghỉ. Có đứa bé nào có thể đi với tôi đến nhà thờ San Pedro và ở lại cho đến khi tôi ra không? Tôi không đi lâu lắm đâu.”
“Đương nhiên là được,” Elisabeta đồng ý. “Luis, gọi Carlos đi.”
Tristán không nói lời nào cho đến khi Juana choàng khăn san lên đầu và đi ra cửa, tay nàng bấu chặt lấy tua viền của tấm khăn. Luis và Elisabeta đã đi ra đường, và chàng cầm chân nàng khi Juana sắp nối gót theo họ. Người nàng như bất động trước sự động chạm của chàng.
“Tìm nơi lẩn tránh sao?” Chàng nhẹ nhàng hỏi. “Họ không chứa chấp nữ sát nhân đâu, thậm chí trong nhà thờ cao quý của em.”
“Tôi không phải loại người đó,” nàng trả miếng, giọng rung động, “nhưng bây giờ, tôi chỉ muốn đến nơi nào đó mà tôi biết chắc anh sẽ không tới - quỷ dữ đâu có thường đến nhà thờ, phải không?”
Không màng nghe chàng trả lời nàng tránh cánh tay chàng đang dang ra và vội vã bước ra ngoài, đến chỗ Elisabeta đang kéo cậu bé miễn cưỡng Carlos ra khỏi đám bạn. Bà bảo nó không được đi khỏi cổng giáo đường San Pedro cho đến khi Juana ra ngoài, cho dù có chuyện gì hứng thú bắt mắt đến đâu cũng không được bỏ đi. Tristán lên tiếng xen vào ngay ngưỡng cửa, giọng chàng lạnh lùng.
“Khi nào nó muốn thì cứ để nó về, Elisabeta, tôi sẽ đón Juana khi tôi xong việc ở đây. Nhớ đợi anh bên trong cổng –” câu chỉ thị vắn tắt như châm chích vào người nàng, “lần này anh sẽ mạo hiểm đến đón em về.”
Nàng lẳng lặng gật đầu, và một lát sau nàng hối hả theo chân Carlos xuống đường, và lắng nghe câu chuyện đầu cua tai nheo của nó về những người du mục vừa tới thị trấn và ba nó hứng thú ra sao khi nói chuyện với bọn họ. Thằng bé hào hứng nói mãi cho đến gần nhà thờ mới ngưng.
“Ở đây cô an toàn lắm,” Carlos kết luận một cách hài lòng, “chú Felipe sẽ đến rước cô. À ha, cháu thấy mừng rằng cháu không phải là phụ nữ, đi đến đâu cũng cần có đàn ông đi chung.”
“Cô cũng thế.” Juana ráng nở nụ cười. “Cám ơn nhé Carlos.”
“Cháu thấy hân hạnh quá.” Thằng bé cúi đầu vẫy tay chào một cách cầu kỳ bắt chước theo kiểu các vị quan lại nó thấy trên đường. “Adios, senorita!”
Mấy đứa bé nhà này chưa bao giờ tiếp nhận được được việc nàng là vợ của cậu Felipe mà chúng nó mến mộ – ngoại trừ nàng là chính con người nàng, Juana nghĩ một cách mỉa mai – và gần như lúc nào cũng xưng với nàng là senorita. Thậm chí Elisabeta cũng bỏ cuộc, không sửa lại cách xưng hô của chúng nữa. Bỗng dưng có cảm giác như bị săn đuổi nàng quay lưng thật nhanh, vội bước vào bên trong giáo đường lung linh ánh nến. Juana không kịp thấy một bóng người khoác áo choàng ngay cửa mà nàng suýt va vào. Cái bóng đó lưỡng lự rồi đột ngột quay lại nối gót theo nàng.
-o0o-
Tristán không cần mất nhiều thời gian để tìm hiểu những người gitanos (du mục) đã biết được gì về cái chết của Bartolomé. Cái nhóm nhỏ đó đã trải qua những ngày đường vất vả, món rượu họ vừa giải khát đã phần nào làm vơi đi thái độ ngờ vực cố hữu của họ trước những câu hỏi của gaujo (dân định cư, không phải du mục ám chỉ Tristán). Ngoài ra câu chuyện là tin tức tốt, gây tai tiếng nặng nề cho tầng lớp quý tộc nên càng làm họ hăng hái gấp đôi thuật lại ngọn ngành. Tristán chăm chú nghe họ nói cho đến hết, hầu như không nhắc nhở chỉ lắng nghe đám du mục kể lại theo cách riêng của họ.
“Lúc nào cũng thế,” người trưởng nhóm liến thoắng khẳng định. “Họ đổ lỗi cho người gitanos, những người rày đây mai đó, bởi lẽ mọi người đều biết chúng tôi là đầu trộm đuôi cướp và là quân giết người. Tôi hỏi ông, vì lẽ gì bọn tôi phải bắt cóc công tước chứ? Ông ta đâu có ích lợi gì đối với chúng tôi ngoại trừ thêm một miệng ăn. Nhưng không, chúng tôi bị giải đến castillo bởi gã người Ý đó –” Ông ta thêm vào một tràng chửi rủa bằng thổ ngữ của mình – “như thể bọn tôi đã đắc tội vậy. Nếu mà bọn họ không tìm ra được cái xác trong lúc chúng tôi bị canh giữ, tôi dám nói là thế nào hắn sẽ đem bọn tôi đi treo cổ.”
“Cái xác tìm ra ở đâu? Ai tìm ra vậy?”
“Làm sao mà tôi biết được? Tôi chỉ lo tới cái lối hỏi cung độc ác thôi. Bọn tôi chắc hẳn phải ở đó cả tiếng hơn rồi bỗng nhiên có một người lính ùa vào, mặt anh ta xanh lè nói rằng, “họ đã phát hiện ngài ấy – dưới lầu – chết rồi,” và cái tên người Ý đó đứng dậy lại đằng chỗ anh ta. Họ nói nhanh lắm rồi gã Ý đó cũng tái xanh mặt mày.”
Tristán lặng lẽ gật đầu. Chàng mường tượng khá rõ một xác chết trông ra sao khi bị ngâm trong rượu gần cả tuần lễ.
“Dù thế nào đi nữa, sau khi hắn trở lại và nói với chúng tôi rằng công tước đã phát hiện chết bên trong castillo, vì vậy chúng tôi có thể đi. Không thèm nói một lời xin lỗi, không thèm giải thích gì cả - dù chúng tôi vô tội, nhưng nên mừng là được đi ra toàn mạng, cái bản mặt hắn ám chỉ thế đấy. Rồi khi chúng tôi sắp sửa rời khỏi, cái ông già này chặn bọn tôi và bảo kể lại những gì tôi đã nghe được, thế là tôi kể.” Người du mục cười lớn. “À ha! Ông ta không thích cái tin đó. Ông ta nói cái gì đó về lũ ngu ngốc, cái tiếng đó dài lắm, rồi nói ông ta sẽ trả tiền nếu bọn tôi chịu kín miệng – chuyện bắt cóc, chuyện cái ông công tước chết và hết thẩy mọi thứ. Trong nhà có người bệnh, ông ta nói thế, nên gia đình không thể bị phiền nhiễu với những tin đồn thất thiệt. Vì vậy tôi nói với ông ta, “thưa ngài, lưỡi của bọn tôi là của riêng bọn tôi, thích xài khi nào thì bọn tôi xài. Tiền của ngài không mua được đâu.” Xong rồi là chúng tôi đi.”
Ông ta hiển nhiên là rất tự hào vì lời lẽ của mình, và Tristán lạnh nhạt gật đầu, “Nói hay lắm.”
“Sau đó ông ta không thuyết phục gì nữa, nhưng sai người đi theo đưa chúng tôi thêm tiền. Thế nên bọn tôi nghĩ vấn đề đó có lẽ hệ trọng với ông ta hơn ông ta nói, và có lẽ mọi người cũng biết chuyện ông công tước đó chết mau thôi. Tại sao những người được tự do rồi phải làm theo lời bọn nhà giàu đòi hỏi chứ?”
Tristán cám ơn người trưởng nhóm rồi bỏ đi, và khi chàng lách người qua đám người đó bắp thịt mách lẻo trong hốc má chàng máy động. Torres dường như đã can thiệp quá sâu khi mua chuộc sự yên lặng của bọn gitanos - trừ phi, giờ thì đã có thời gian để suy xét ông ta chắc đã hối hận một phút bốc đồng bỏ qua cái chết của Bartolomé. Chàng đã biết ngay trong lúc họ đối mặt với nhau trên thân hình bất động của de Castaneda, rằng Torres đã biết sự thật về Bartolomé – dù không phải là toàn bộ nhưng khá đủ - và đã giữ yên lặng. Còn riêng chàng, chàng từng biết Torres đã muốn tên công tước trẻ đi chầu diêm vương. Nhưng giờ đây ông ta có thể dễ dàng quyết định rằng để cho Bartolomé chết một cách chính đáng sẽ tiện lợi hơn, và là một con dê tế thần toàn hảo cho kế hoạch sát nhân của ông ta. Việc phơi bày hấp tấp này chắc có lẽ nằm trong chủ trương của ông ta, hay chỉ là do vụng về bất cẩn, thiếu hiểu biết của người thành thị đối với cách xử thế của người gitanos. Nếu là vế sau chàng sẽ không thể nào tìm hiểu được. Còn nếu là vế trước chàng sẽ có bằng chứng ngay thôi khi binh lính của Andalusia sẽ đến lù lù trước mắt.
Chàng quẹo ngay góc đường và tiến đến nhà thờ San Pedro bằng những sải chân dài, lơ đi những bọn người da đen đang vội vã tránh đường khi họ vừa thấy chàng.
-o0o-
Juana không cầu nguyện nổi. Lòng nàng, tâm trí nàng tràn ngập giận dữ bối rối, xen lẫn cảm giác tội lỗi, ăn năn. Nàng thậm chí không nhớ nổi những từ ngữ mình từng thuộc nằm lòng. Rất nhiều lần Juana thấy mình ngưng lại giữa đoạn kinh cầu, tay xiết chặt lấy những chuỗi hạt đen tuyền. Nàng cảm thấy mình bị chia trí bởi những bước chân đang kéo lê trên sàn chung quanh nàng, bởi những lượt người cầu nguyện đến rồi đi, bởi những mùi vị, hình thù và các âm thanh - tất cả mọi thứ mà trong lúc bình thường nàng không bao giờ để tâm cho dù giáo đường có đông đúc đến đâu.
Hương thơm là điều đầu tiên khiến nàng nhận biết sự hiện diện của người phụ nữ khoác áo choàng, nó len dần vào cánh mũi nàng trong lúc nàng đang quỳ. Đối với xạ hương thì mùi thơm này quá ngọt, quá nồng đậm với bất cứ loại nước hoa nàng có thể nhận ra. Khẽ quay đầu nàng thấy được dáng dấp kế bên, ẩn trong lần áo choàng mũ kéo cao, mặc chiếc váy phồng sẫm màu. Nàng cảm thấy ngạc nhiên là một phụ nữ thời trang như thế lại đến viếng nhà thờ San Pedro. Giới quý tộc của Villenos, Tristán đã kể với nàng với tia nhìn khinh miệt vô cảm trong đôi mắt xếch, ưu ái ngôi giáo đường mới mẻ San Juan hơn. Nếu là hôm qua lẽ ra Juana sẽ đứng dậy bỏ đi, vì sợ sự hiện diện của nàng sẽ bị kẻ khác lưu ý. Nhưng hôm nay nàng vẫn ở lại trong chống đối âm thầm, chống lại bản năng bảo với nàng là nàng đang bị theo dõi.
Cuối cùng khi nàng đứng lên trong tâm trạng tuyệt vọng cùng cực, nàng quay người vội vã bước xuống lối đi như muốn vượt qua ý tưởng của riêng mình. Lúc nàng tiến đến gần cửa chính có ai đó chạm vào vai nàng, Juana xoay lại và thấy người đàn bà mặc áo choàng mỉm cười với nàng.
“Tôi xin lỗi nếu làm cô sợ -” Giọng của bà ta như mùi thơm đó, êm ái ẩn bên dưới là nét sắc sảo nghe rất lôi cuốn. “Dường như cô đang có điều gì phiền muộn khi ở trong đó.” Bàn tay đeo đầy nữ trang phe phẩy như xua đuổi về phía sau nàng. “Tôi không biết tôi có thể giúp gì không – tôi cũng từng gặp trở ngại biết bao lần trong đời, nên tôi hiểu đôi khi tâm sự buồn phiền của mình với người phàm tục thì dễ dàng hơn nói với Chúa.”
Juan lùi lại một bước. “Bà thật tử tế, senora, nhưng tôi vừa học hiểu rằng không nên quá tin tưởng ai.” Giọng nàng đắng ngắt. “Xin lỗi bà.”
Nụ cười của người phụ nữ hơi rộng mở hơn một cách khó hiểu, bà ta khẽ gật gù như nhận thức được vấn đề. “Điều đó tôi cũng hiểu,” bà nhẹ nhàng đồng ý. “Vậy nhé, cô cứ giữ bí mật của cô! Nhưng, hãy nhớ, nếu cô đổi ý ngày nào tôi cũng đến đây vào giờ này. Hay là cô có thể đến gặp tôi ở Plaza Mayor. Biệt thự de Herreros.” Nói xong bà đi ra, lẫn vào trong đám đông đang chen chúc trên đường.
Juana thoáng ngập ngừng, đăm đăm nhìn theo bà ta, rồi bước đến cửa.
Nàng thấy Tristán trước khi chàng thấy nàng, bờ vai và đầu chàng nổi lên sừng sững trong đám đông. Nàng nhận thấy đối với chàng những người kia trông giống như trẻ con. Điều đó có thể giải thích phần nào bản tính cao ngạo khiến nàng tức điên lên kia. Giờ đây, dựa vào cổng tò vò tay khoanh lại một cách lười lĩnh, chàng trông giống như người khổng lồ đang hờ hững quan sát những trò đùa của bọn người tí hon – Nhà Vua nuôi một tên lùn, nhưng ta thì nuôi tên khổng lồ - những lời lẽ đó xuyên thấu ký ức nàng buốt nhói như dao đâm, và nàng cảm thấy người khó chịu trong lúc hối hả bước về phía chàng đứng. Nàng biết thật khó lòng trốn thoát được chàng.
-o0o-
Dona Bautista Zorilla, thị trưởng của Villenos, không hề ngạc nhiên mảy may khi nhận lời mời dùng chocolate với Dona Jerónima de Herreros. Ông là một trong vài người còn tại thế có ý niệm khá chính xác về tài sản thực sự của la viuda, và nếu ông có trông chờ một lời mời đi chăng nữa nó sẽ là một trong những bữa ăn tối nhỏ, thân mật mà kết cuộc ông biết chắc là ông sẽ hứa cho bà ta mượn tiền. Một dịp không nguy hại như lần này chắc phải có điều gì mới lạ - ông nghĩ chắc là vậy. Jerónima đã thấm thía bài học khi bị ông khước từ thẳng thừng lần rồi kia mà. Ông chưa bao giờ hiểu được bà ta đã sử dụng nghệ thuật gì để thuyết phục ông, nhưng lần đó ông đã sắp sẵn kế hoạch kháng cự bà ta, không hề đụng đến rượu, giữ đầu óc sáng suốt, và cố chống chỏi lại những lời lẽ đường mật. Sự biến cải lần này có thể là thú nhận thất bại hay là thay đổi chiến thuật tác chiến, ông cũng không chắc là mục đích nào. Rồi ông lại suy luận đến đấy tìm ra nguyên nhân cũng đâu có hại gì, còn viện dẫn một lý do để làm cho vợ ông hài lòng vì phải vắng mặt chiều nay thì lại càng dễ dàng hơn. Sự việc này khi sáng tỏ đã khiến tâm trạng ông khá hơn cho đến bây giờ rằng ông tới biệt thự de Herreros trong tâm thái vui vẻ không hề đề phòng.
Jerónima dường như không ngạc nhiên khi thấy ông, và điều này khiến ông tự ái. Từ trường kỷ, bà ta chào ông một cách điềm tĩnh, đưa tay ra cho ông hôn, rồi ngả người ra sau nhìn ông bằng thần thái thú vị ngấm ngầm luôn luôn làm ông bối rối.
“Bautista, ông thật tử tế đến thăm bà góa tội nghiệp này.”
Giọng bà kéo dài một cách trêu chọc ngay cái tính từ đó, còn Don Bautista lúc này toan hạ thân hình đồ sộ xuống chiếc ghế được chỉ định, đột nhiên sững lại và trông có vẻ ngượng nghịu.
“Nghe đây, Jerónima, nếu bà mời tôi tới đây để mượn tiền thì –”
“Ồ, ngồi xuống, ngồi xuống đã! Tôi muốn ông biết chuyện này kín đáo một chút, Bautista.” Dona Jerónima tỏ vẻ bồn chồn. “Không đâu, tôi không mời ông đến đây để mượn tiền. Tôi chỉ mời ông đến dùng chocolate thôi, để mình nói chuyện thân mật một chút.”
Don Bautista thoái thác. “Tôi không ở hơn quá nửa tiếng đâu. Vợ tôi –”
“Vợ ông có lẽ đang lợi dụng cơ hội ông vắng mặt để hú hí với tên đại úy kỵ binh mắt ốc nhồi có ria mép đấy. Thế nào, ông không biết hắn à? Đừng bận tâm nữa, cho nó qua đi. Chúng ta còn chuyện quan trọng cần bàn. Uống chocolate đi và đừng trợn mắt lên nữa.”
Ông chỉ nghe theo mệnh lệnh đầu tiên. Dona Jerónima đưa tay nâng tách lên một cách yểu điệu, nhấp một ngụm, và nói. “Đặc quá, tôi sẽ nói chuyện với con đàn bà tồi đó. Giờ thì nghe đây, Bautista, tôi cần ông giúp đỡ.”
Don Bautista cau mặt. “Tôi đã nói với bà trước đó là tôi không có khả –”
“Ồ, yên nào và để tôi nói hết đã! Ai cũng nghĩ là tôi đang van xin ông bố thí đấy. Tôi không có ý định mượn một xu nào của ông cả. Ông đã biến thành mấy tên chủ nợ chán chường cứ đòi nhằng nhặng từng quan một. Điều tôi đang nghĩ là –” bà tính toán sao cho ông vừa đưa tách lên môi là nói ngay – “một loại đầu tư.”
Y như chủ ý của bà, ông nghẹn lời. “Đầu tư? Bà đang nói cái quỷ – bà đang nói cái gì lạ lùng vậy?”
Đưa mắt liếc vết ố đang lan ra trên đùi ông, bà phản bác một cách chế giễu, “Ồ, nào, Bautista, thế ông đoán xem tôi làm sao có tiền để sống như thế này?”
“Thì vay mượn,” ông cáu kỉnh trả miếng, “từ bất cứ tên nào đủ ngu ngốc để cho bà mượn, hay là tiền ăn bài, đúng không?”
“Tôi mất tiền vì bài bạc thì đúng hơn. Nhưng chuyện này sẽ mang tiền tới cho tôi!”
“Đất đai của chồng bà sao?” Don Bautista đang mất hứng thú với câu chuyện, ông không có tài đoán trong những trò chơi kiểu này.
“Đi đời từ thuở nào rồi. Không, ông có nghĩ đến mấy đứa con gái đẹp thỉnh thoảng đến ở với tôi không - mấy đứa ra tay tài tình lắm lựa toàn nhân tình giàu có. Đương nhiên tôi cũng rầu lắm vì chả có ông nào chịu ngỏ lời muốn lấy bọn nó, nhưng ít ra không có đứa nào cặp với khách tồi và bọn đàn ông đó đều có gia đình hết rồi.” Bà chủ ý đợi xem phản ứng của ông, và thấy nét mặt ông vô cùng sửng sốt.
“Bà muốn nói là họ trả tiền cho bà vì bà chứa chấp bọn nó?”
Bà phá lên cười chế nhạo ông. “Bọn họ trả được cái gì cho tôi! Không phải thế, Bautista, tình nhân của họ trả. Họ chi hậu hĩnh lắm để tỏ lòng biết ơn tôi không quản gian nan giúp đỡ họ đạt yêu cầu mà. Nhưng có vài đứa con gái thoạt đầu hơi khó tính một chút,” bà trầm ngâm nói thêm.
Don Bautista chùi hàm râu của mình, nhìn chăm chăm bà chủ nhà như bị thôi miên. “Bà muốn nói con bé Catalina và Suarez, và còn con bé da trắng – tên cô ta là gì nhỉ? – Ana –”
“Tất cả bọn họ. Tôi đem chúng ra khỏi nhà thổ, o bế tụi nó lại, diện cho tụi nó rồi đem bán. Sao ông trông có vẻ kinh hoảng thế? Đàn ông các người đều giống như ngựa mà. Và đó là chỗ ông thu tiền đấy. Trước đây lúc nào tôi cũng có đủ tiền để bắt tay vào một đứa con gái, trả đủ tiền mặt để củng cố lại uy tín của tôi để đánh bóng cho con bé đó, nhưng thời gian này tôi hơi quá tay. Mấy chuyện này luôn luôn tiến hành như vậy, lần này tôi tìm được một tuyệt tác vô song có thể kiếm về cho tôi cả gia tài chứ chẳng chơi – nhưng tôi không có tiền để gầy dựng cho nó.”
Dona Jerónima ngưng vừa đủ lâu trước khi nói tiếp. “Tôi có lòng tin rằng chuyến này tôi sẽ thu vào đủ để nhận thêm một người hợp tác. Bọn đàn ông đó không những thanh toán vào lúc chót – hãy nghe đây,” bà lên tiếng trách khi thấy ông toan xen miệng vào – “mà còn bằng cách này cách khác: nào là quà cáp, mua chuộc, trong lúc đứa con gái đang quyết định chọn người đàn ông nào. Ông không biết một tên ngu hễ mà mê say đắm đuối rồi sẽ trả ra bao nhiêu đâu – nhưng chuyện đó không quan trọng. Hãy cho tôi vay, xem nào, năm ngàn quan –” nét thú vị đã biến mất trên gương mặt bà – “tôi sẽ trả cho ông phân nửa số tiền đứa con gái mới đó đem về. Tôi bảo đảm với ông ít ra là gấp năm lần tổng số sẽ chia đều giữa tôi và ông khi mọi chuyện kết thúc.”
Vào lúc này Don Bautista đang toát mồ hôi đầm đìa. “Năm ngàn!” ông thốt lên sửng sốt. “Bà chắc khùng rồi! Nếu bà chìm xuồng là đời tôi cũng bế mạc.”
“Tôi không thất bại đâu.” Giọng Jerónima chán nản. “Được rồi, vậy thì ba ngàn đi – nhưng ông chỉ được một phần ba lợi nhuận thôi.”
“Bà nói như thể cái mưu đồ của bà không hề có bất cứ hiểm hoạ nào hết. Nói đến việc bỏ vốn và lợi nhuận thì lúc nào cũng hay ho cả, nhưng tôi được bảo đảm gì đây?” Nét mặt ông sáng hơn một chút. “Giá mà tôi thấy được đứa con gái mà bà nói đó...”
“Tôi cũng đang tự hỏi khi nào thì ông mới hỏi, và câu trả lời ngắn gọn là ông chưa có thể gặp. Tôi nói tôi vừa tìm con bé đó, nhưng tôi còn chưa đụng được nó.”
“Bà quá tự tin, Jerónima. Giả như nó không đến gặp bà thì sao?”
Bà trầm ngâm cười, đôi môi chỉ hơi cong lên gần như nhận không ra, để khỏi xáo trộn nét điềm tĩnh trên gương mặt sắc cạnh trước khi bà lanh lẹ trả lời, “ồ, khi mà tôi có nó trong tay, nó sẽ làm theo lời tôi bảo thôi, chỉ có vài đứa không muốn trốn khỏi cuộc sống như nô lệ trong mấy chốn lầu xanh đó. Ngoài ra, tôi rất khéo léo thuyết phục người khác làm theo ý mình mà, ông chưa bao giờ lưu ý đến điều đó sao?”
Cặp mắt hí màu nâu của Don Bautista xoe tròn sửng sốt. “Đúng, nhưng tôi không nghĩ bà – bà định làm thật.”
“Suỵt, Bautista, tôi chưa tính nói với ông mọi bí mật của tôi. Nhưng ông hãy nhớ lấy lời tôi rằng đứa con gái sẽ hoan hỉ đồng ý bất cứ cái gì tôi đề ra khi mà tôi đã sửa soạn nó đâu vào đấy. Nếu ông muốn thấy nó –” bà nhún đôi vai gầy ra ý khinh miệt – “ông phải tỏ ra sùng đạo mới được giống như tôi trong ba ngày vừa qua. Con bé đó đến nhà thờ San Pedro hàng ngày và cầu nguyện ở đó khoảng nửa tiếng. Tôi tình cờ gặp được nó ở đó, nhưng người ta nói với tôi nó đến đó mỗi ngày, thế nên tôi không buồn theo dõi làm gì. Con bé ắt hẳn là từ nhà thổ ra, nhưng giọng nói thì lại quá thanh tao so với con gái lầu xanh. Tôi phân vân...”
“Cô ta trông ra sao? Tên gì?” Don Bautista háo hức hỏi.
“Nó chưa nói tên cho tôi nghe – nó không muốn nói chuyện với người lạ, cho thấy nó cũng thông minh. Con bé trông kín đáo, không rụt rè một cách ngu ngốc giống mấy đứa con gái khác tôi từng tiếp xúc qua. Đứa con gái này bảo với tôi thẳng thừng là nó không muốn nói chuyện với tôi.” Dona Jerónima mỉm cười ra vẻ tán thưởng. “Về diện mạo, con bé đúng là một nữ thần – còn gì nữa nhỉ? Giờ thì nó ăn mặc như dân cùng đinh, đương nhiên rồi,” bà thêm vào một cách khinh bỉ, “trong bộ áo choàng và váy rộng thùng thình, dù vậy tôi vẫn thấy mấy thằng hậu đậu bẩn thỉu giật chỏ nhau, há hốc miệng khi con bé đi ngang. Tóc đen – thoáng ánh xanh - mắt nâu, theo cái tôi biết thì ông có thể diễn tả làn da nó như là mật ong,” bà nói thêm với vẻ xảo quyệt.
Don Bautista liếm môi. “Đã có chồng,” ông hỏi bằng âm điệu nhã nhặn khác thường, “hay – à – chưa có chồng?”
Dona Jerónima cười tán đồng câu hỏi. “Con bé đeo nhẫn trên tay phải, nhưng chỉ là một dấu ấn thôi – đã đính hôn, tôi nghĩ thế, nhưng chưa cưới. Tôi có thể nói một cách chắc chắn nó hầu như là con gái còn trinh.”
Chẳng hại gì nếu Bautista tin như thế, thâm tâm bà tự nhủ. Nếu đứa con gái không còn tân thì chắc chuyện đó chắc cũng vừa mới xảy ra thôi, và thế nào cũng qua mặt được hầu hết bọn mày râu. Và cái giá mà bà sẽ đập đổ cho một cô gái còn trinh thì ngất ngưởng tận mây xanh, trong khi mấy con bé đã bị xài qua rồi thì bị liệt vào hạng rẻ hơn nhiều. Don Bautista chồm tới trước, ít ra chuyện này đã bắt đầu làm cho ông ta hứng thú.
“Cô ta có giống như...”
Ông ngưng bặt khi Sanchia vội vã tuôn vào phòng. Trong lúc còn khá giả Dona Jerónima từng thuê quản gia coi sóc mọi việc trong nhà, nhưng dạo này thì tình cảnh quá tệ hơn trước. Mọi việc rồi sẽ thay đổi thôi, người góa phụ tự đề ra lý lẽ trấn an mình lúc bà ngước lên nhìn gương mặt bối rối của cô hầu.
“Chuyện gì thế?” Dù giọng nói của bà uể oải, nhưng tia sáng trong đôi mắt bà ngầm truyền đạt rằng bà sẽ không để tâm đến bất cứ chuyện vặt vãnh nào.
“Senora, có người muốn gặp bà. Con đã nói với cô ta rằng bà đang tiếp khách, nhưng cô ta bảo rằng bà có nói là cô ta có thể đến gặp bà bất cứ lúc nào, và vấn đề rất cấp bách. Giờ thì cô ta đang đợi bên ngoài.”
“Cô ta?” Dona Jerónima đột nhiên ngẩng mặt lên. “Một người phụ nữ trẻ? Cô ta có nói tên không?”
“Cô ta nói tên của cô ta là Margarita Armendariz, senora, dạ đúng, cô ta còn trẻ. Cô ta nói rằng bà đã nói chuyện với cô ta ở nhà thờ San Pedro cách đây ba ngày.”
“Đưa cô ấy vào.” Dona Jerónima quay nhanh sang Bautista, nở nụ cười phô bày những chiếc răng nhỏ đều đặn và khiến dáng dấp như con cá sấu của bà thoáng vẻ nóng nảy bồn chồn. “Trời đãi ông đấy, ông bạn của tôi! Đây chính là đứa con gái tôi từng nói tới, khi mà ông thấy nó thì tôi có thể tiết kiệm được hơi sức thuyết phục ông. Giờ hãy nhớ, là ông không biết chuyện gì cả ngoại trừ rằng cô ta là người quen biết của tôi và ông chưa bao giờ gặp qua.” Bà đứng lên trong lúc cửa mở, và đưa tay ra về hướng bóng dáng đứng nơi ngạch cửa. “Senorita Armendariz phải không? Có cách nào tôi có thể - sao thế, cháu thân mến, có vấn đề gì à?”
Juana gần như không nghe nổi từ ngữ nào, nhưng giọng nói dịu dàng của bà ta đã phá vỡ cái cảm giác không khóc ra nổi đang trói buộc lấy nàng. Nàng cố cất tiếng, nhưng khi hương thơm gợi nhớ đó vây phủ nàng và tay người phụ nữ lạ kia xiết chặt trên tay mình, nàng bật lên tiếng kêu khẽ, thổn thức rồi cứ đứng đấy ứa nước mắt. Nàng không cử động nổi, không thể thốt ra được lời nào, nhưng cứ đứng như chôn chân trong đau khổ tuyệt vọng ngút ngàn.
Dona Jerónima kiên nhẫn đợi, thốt lên khe khẽ an ủi. Bà thấy nhẹ cả lòng khi thấy cô gái trông vẫn xinh đẹp ngay trong lúc thương tâm nhất. Sóng mũi đỏ ửng và đôi mắt sưng có lẽ có ảnh hưởng xấu cho kế sách của bà, nhưng Don Bautista đã nhích lại gần hơn như bị thôi miên.
“Giờ thì lại đây, senorita, cháu phải bình tĩnh lại và ngồi xuống chứ. Không có điều gì đáng phải khóc như thế đâu.”
Âm hưởng mạnh mẽ đã xuyên xuốt lớp vỏ u uẩn của Juana, nàng vâng lời lúng túng bước đến trường kỷ và ngồi xuống bên cạnh Dona Jerónima. Người phụ nữ lớn tuổi từ tốn vỗ về nàng và ngước mắt nhìn vị khách kia.
“Bautista, tôi nghĩ ông nên về. Hiện tại chúng ta đã nói hết những điều cần nói rồi. Ngày mai ông trở lại nhé.” Lời căn dặn của bà không phải là một câu hỏi, và người phụ nữ cúi xuống Juana, lơ đi ông ta.
Don Bautista, rõ ràng là bị đuổi khéo, vẫn ráng lẩn quẩn thêm một lúc lâu nữa rồi càu nhàu chào tạm biệt và cất bước đi ra. Ông hy vọng ở lại cùng bà an ủi và nhìn cô gái kỹ hơn – nhưng rồi thế nào cũng có đủ thời gian cho việc ấy, bởi lẽ nếu ông hùn ba ngàn quan tiền vốn trong việc đầu cơ liều lĩnh này ông sẽ có quyền theo dõi chặt chẽ vốn quý của mình. Hoặc có lẽ - ông dừng lại bất chợt khi sắp bước ra đường, khiến Sanchia chưng hửng – nếu ông ráng vét hầu bao và góp năm ngàn quan, biết đâu Jerónima sẽ chịu cho ông nếm đứa con gái đó trước khi các tên đàn ông khác có cơ hội đeo đuổi.
Cuối cùng khi Juana đã nguôi ngoai, nàng thấy mình đang gục đầu vào vai vị chủ nhà và bàn tay nhẹ nhàng của bà ta đang vén tóc nàng ra phía sau gương mặt nóng bừng. Trong khoảnh khắc nàng mơ màng hình dung đến mẹ mình, nhưng bờ vai này quá xương xẩu còn đôi tay lại quá khẳng khiu.
“Xong chưa nào?” Có tiếng hỏi thoáng vẻ thú vị.
Juana gật đầu và nhanh chóng lui lại. “Cháu xin lỗi.” Nàng cảm thấy cổ họng khô nhám, và giọng nói nghe khản đặc với cả chính mình. “Cháu thật tình không muốn làm như thế, nhưng cháu cầm lòng không nổi.”
“Giờ khóc ra được rồi, ta mong cháu cảm thấy đỡ hơn. Nào, ta sẽ sai người mang thức uống lên, khi nào sẵn sàng thì nói cho ta biết sao cháu đến đây.”
Juana ngẩng đầu lên giống như con nai đang thận trọng đề phòng. “Cháu đến xin bà giúp đỡ. Bà có nói là bà sẽ...” Giọng nàng lại sũng ướt, và nàng khó nhọc nuốt xuống.
“Dĩ nhiên là ta có nói thế, nhưng cháu phải nói cho biết chuyện là thế nào! Cháu cần giúp chuyện gì? Và điều gì hay là ai –” cặp mắt uể oải của Dona Jerónima sáng lên một cách tò mò – “đã gây cho cháu đau khổ đến thế?”
Juana hít một hơi dài và đăm đăm nhìn vào đôi mắt vàng ngàu đang hướng về nàng một cách điềm tĩnh. “Chuyện dài dòng lắm, senora, cháu thật ngu quá.”
Dona Jerónima bặm môi. “Có người nào trong đời mình mà lại không như thế chứ? Kể cho ta nghe chuyện của cháu đi, senorita Armendariz, rồi ta mới biết là phải giúp cháu như thế nào.”
“Sự giúp đỡ duy nhất cháu cần là giới thiệu cho cháu một dòng tu, để cháu có thể vào tu viện càng xa chỗ này càng tốt.”
“Ồ, không chứ!” Người phụ nữ già cau mày, đoạn vội vã vuốt trán. “Chuyện đó hoàn toàn không được,” bà dịu dàng nói thêm, “ta chắc cháu tưởng tượng quá đáng thôi, cháu muốn điều này chỉ vì nghĩ rằng đời mình đã bị hủy hoại rồi, phải không? Chuyện không đến nỗi thế đâu, ta bảo đảm, cháu còn quá trẻ thì làm sao mà tội lỗi đầy người được.”
Trong một lúc đôi mắt dài sẫm màu của cô gái nhìn vào mắt bà bằng tia nhìn thật cứng cỏi và ảm đạm đến độ bà nhận ra được vẻ bối rối trong đấy, nhưng rồi hàng mi vút nhọn vì đẫm lệ lại rủ xuống và Dona Jerónima đã mau chóng xua đi nỗi nghi hoặc của mình. Còn Juana, hai tay ấn chặt vào nhau trên đùi, mắt vẫn nhìn xuống cố nhớ rõ câu chuyện mình đã dựng lên.
Nàng kể thật nhanh và đều đặn, không màng tới câu chuyện của mình có thuyết phục được người nghe hay không, tuy nhiên lời lẽ thật thẳng thắn và cách kể chuyện không màu mè đã khiến câu chuyện của nàng nghe đáng tin tưởng hơn mà chính nàng cũng không ngờ. Nàng kể cha mẹ mình đã chọn chồng cho mình ra sao, và nàng đã chấp thuận bỏ trốn với người gia nhân trong nỗi kinh hoảng như thế nào, chàng từng thuyết phục nàng là chàng yêu nàng. Giọng kể nàng run rẩy, và thâm tâm đau đớn phải kể câu chuyện bịa đặt như vậy khiến lời nàng nói nghe thật não lòng. Người hầu ấy đã đưa nàng tới thị trấn Villenos này, và nàng đã phát hiện quá trễ là chàng chỉ muốn của hồi môn và có ý tiêu xài tiền của nàng cho người đàn bà khác.
“Tối qua chúng cháu đã cãi nhau –” giọng nàng chỉ rõ hơn tiếng thì thầm một chút – “và anh ấy dọa sẽ đến chỗ đó gặp cô ta nếu cháu không... ân cần với anh ấy.”
“Ta hiểu rồi,” Dona Jerónima lạnh lùng quan sát. “Và cháu không chiều theo?”
Juana lắc đầu, môi nàng mím chặt cố dằn cơn nghẹn ngào vừa dâng lên trong cổ. Nàng lại nuốt khan, rồi nói, “Tối qua anh ấy đi cả đêm, và cháu đợi mãi – cháu cứ ngỡ anh ấy chỉ nói suông trong lúc tức giận, rằng anh ấy không có ý làm thế, nhưng lúc về nhà anh bảo với cháu anh đã làm đúng như lời anh nói. Anh ấy không ở lại lâu –” Giọng nàng gần như vỡ ra. “Anh chỉ về để lấy đồ của cháu để đem đi bán, và khi anh ấy đi nữa cháu đến đây xin cô giúp.”
Sự thật của câu chuyện nghe lừa dối làm sao khi nó được trộn lẫn với những lời dối trá, nàng mệt mỏi thầm nghĩ. Hiện giờ nàng vẫn ngồi yên, cứng nhắc khi chuyện kể chấm dứt, không dám nghĩ ngợi thêm vì sợ ý tưởng đó lại khơi thêm đau đớn.
Dona Jerónima cất giọng thánh thót, “Người đàn ông này – anh ta là nguyên nhân cháu muốn bỏ trốn đến tu viện sao?”
Juana nhói người, rồi nói với giọng thận trọng có vẻ gượng gạo. “Cháu không chịu đựng nổi,” cổ họng nàng nhức nhối, “để nhìn mặt anh ấy nữa.”
Tại sao, con bé khờ khạo này thực sự thương hắn, Dona Jerónima ngạc nhiên nghĩ nhưng nhanh chóng không để lộ ý nghĩ của mình, nhưng tình yêu đó rồi cũng mau đi vào lãng quên thôi. Một kẻ hầu sẽ không có uy lực kháng cự lại ý định của cô ta, thậm chí nếu hắn có ăn năn hối hận vì sự ngu xuẩn của hắn đã khiến cô ta phải bỏ đi và sau đó lại muốn tìm cô ta trở về. Điều quan trọng là con bé không hề có bè bạn gì trong thị trấn – càng làm cho công việc của bà dễ dàng hơn. Bằng âm điệu thương cảm được trình bày một cách chu đáo bà dọ dẫm, “cháu không còn người quen nào có thể nương dựa sao? Cháu sẽ nghe ai khuyên khi gặp khó khăn.”
“Cháu chỉ biết mỗi gia đình chúng cháu đang ở chung thôi, họ là bạn của Fel – anh ấy. Họ không bao giờ nghĩ xấu về anh ấy đâu, và cháu thà để họ nghĩ cháu bỏ anh ấy không cần lý do. Họ là người tử tế, cháu không muốn làm họ thương tổn.”
“Cháu thật là rộng lượng.” Câu đáp của Dona Jerónima thốt ra khô khan hơn bà có ý muốn nói, nên bà vội vàng sửa sai bằng cách trao cho nàng tia nhìn quan tâm sâu sắc. “Nhưng Margarita thân mến à – cho ta được gọi cháu như thế nhé – trong chuyện này không ai trách cháu điều gì cả ngoại trừ là cháu quá chân chất! Chỉ vì một việc nhỏ như vậy mà đòi vào tu viện là hoàn toàn không đúng, khi cái mà cháu cần hơn hết là một nơi ẩn náu và có người giúp biên thư báo cho cha mẹ cháu lúc cháu dịu lại.” Bà lơ đi khi thấy Juana lắc đầu lia lịa rồi chậm rãi nói, như thể vô tình có cảm hứng, “thế tại sao không ở đây với ta ít lâu cho đến khi chúng ta quyết định cách nào tốt nhất cho cháu? Căn nhà này quá lớn cho một bà góa đơn độc như ta, bầu bạn với cháu sẽ làm cho nơi đây có sinh khí hơn trong ít lâu.” Bà vỗ nhẹ lên gò má còn đọng vị mặn nước mắt, và nở nụ cười. “Cháu ở lại nhé? Người chồng phản bội của cháu sẽ không cả gan đến gần cháu đâu, nếu anh ta dám chúng ta sẽ quăng anh ta ra cửa! Ở đây cháu an toàn lắm. Tạm thời cứ gạt chuyện đi tu viện sang một bên độ một hai tuần - một tháng đi - rồi chúng ta sẽ suy xét lại. Cho đến lúc đó, nhà của ta sẽ vừa là tổ ấm vừa là nơi trú ẩn của cháu.”
Juana đờ đẫn gật đầu. Nàng có làm gì đi nữa cũng không quan trọng, miễn sao nàng thoát được Felipe Tristán. Chàng từng nhạo báng nàng vì đã đi tìm nơi lẩn tránh để trốn thoát chàng, và giờ đây thì nàng đã đạt được ý nguyện. Nàng không hề thấy được nét đắc thắng rực lên nơi những ngón tay đang siết chặt của Dona Jerónima, cặp mắt vàng ngàu của bà ta đột nhiên sáng lên trước khi bà ta quay đầu sang hướng khác, hay có lẽ bà cũng không cảm thấy chắc chắn lắm về nơi nương náu của mình.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.