Chương trước
Chương sau
6.

Đang giữa mùa hạ, trời không thiếu mưa, vì không có hoa tượng xử lý nên cây cỏ trong viện mọc um tùm.

Cây cỏ mọc quá dài, dễ che khuất ánh mặt trời, bóng râm và ẩm ướt sinh ra rêu xanh.

Ngày xưa, những ngôi nhà không người ở trong thôn của ta cũng dần trở nên hoang phế như thế.

Nhưng phủ đệ của Ngụy gia rộng lớn và đẹp đẽ thế này, nếu bị hoang phế thì đáng tiếc biết chừng nào.

Sau khi xin phép Đại thiếu gia, ta bắt đầu từ từ chăm sóc cây cỏ trong vườn.

Trong viện có một cây hoa hoè rất cao, hoa bung nở cực kỳ đẹp, trong viện chỉ có một chỗ này là ta không nỡ quét, dưới gốc cây đã tích một lớp hoa rụng rất dày. Có lúc, ta sẽ trèo lên cây, hái một chiếc lá, cuộn lại rồi áp vào miệng thổi, ánh nắng xuyên qua kẽ những cành hoa, tạo thành những đốm sáng lấp lánh trên những đóa hoa, đó là lúc ta thấy vui vẻ nhất trong ngày.

Nhưng đời người, có lúc vui thì cũng có lúc buồn.

Lúc ta buồn nhất trong ngày là khi ngồi trên cây hoa hoè cao cao, từ xa thấy Đại thiếu gia tập đi bộ.

Hắn vẫn chập chững không vững.

Theo thời gian, vết thương đã lành dần, Kiếm Như không cần phải dìu hắn nữa. Đại thiếu gia bảo Kiếm Như ra ngoài đặt hai cây nạng, hắn tự chống nạng rồi chậm rãi tập đi.

Ai cũng có thể nhận ra, chân phải của hắn không có sức, mỗi bước đi đều nhẹ hơn chân trái rất nhiều.

Trưa nào cũng có lang trung đến châm cứu cho Đại thiếu gia, nhưng từng ngày trôi qua, dường như vẫn không có tác dụng gì.

Có một lần ta tình cờ trông thấy lang trung dùng sức bóp chân của Đại thiếu gia, hỏi hắn có cảm giác gì không.

Đại thiếu gia vẫn giữ vẻ mặt điềm nhiên gặp ai đều mỉm cười ấy, giọng nói nhạt nhòa trong màn mưa.

Hắn nói: "Có hơi tê."

Nghe vậy, trong lòng ta nặng trĩu.

Ta vốn chỉ là một nha đầu quê mùa, chuyện triều chính vốn không đến lượt ta bàn luận, nhưng càng thấy Đại thiếu gia bình thản như thế, lòng ta càng thêm xót xa.

Không biết thánh thượng nghĩ gì, bãi quan của hắn vẫn chưa đủ sao, còn phải trừng đánh hắn nữa.

Vết thương tận hai tháng trời chưa lành, lúc hắn bị đánh đòn chắc hẳn phải đau lắm.

Lang trung là người của Bảo Tế Đường, nghe nói đã xem bệnh Ngụy gia nhiều năm rồi. Có một lần lang trung khám bệnh xong, ta tiễn ông ấy ra khỏi phủ, không nhịn được mà hỏi: "Chân của thiếu gia nhà ta liệu có thể lành lại không?"

Lang trung đáp: "Nhặt được một mạng, đã là may mắn lắm rồi."

Lúc ấy ta mới hiểu, đình trượng có hai loại, một loại là đánh hai mươi trượng có thể ch-ế-t ngay, còn một loại nữa là bốn mươi trượng nhưng vẫn còn thoi thóp một hơi. Đại thiếu gia chịu loại thứ hai, người phụ trách hành hình còn đã nương tay.

Đêm ấy trời mưa như trút nước, sấm chớp đùng đoàng, từng hạt mưa lớn như hạt đậu xuyên qua khe cửa, đập mạnh vào phòng khiến ta tỉnh khỏi cơn mộng. Vội xỏ giày định chạy tới đóng chặt cửa sổ, bỗng nghe thấy ngoài tiếng mưa ào ào còn lẫn cả một âm thanh khác.

Là tiếng tiêu.

Tiếng tiêu đứt quãng, lúc có lúc không.

Ta bỗng nhận ra, người thổi tiêu lần trước té ra là Đại thiếu gia.

Chẳng qua lần này tiếng tiêu nghe nghẹn ngào, yếu ớt.

Rồi một tiếng sấm rền lại vang lên, sau đó tiếng tiêu hoàn toàn ngừng hẳn.

Ta hoàn hồn, mặc lại giày cho tử tế rồi chạy thẳng đến chỗ Đại thiếu gia.

Đến khi bước ra khỏi cửa, mới thấy mưa to đến nhường nào, hai hàng cây bên hành lang bị thổi nghiêng ngả, gió giật mạnh quất mưa lên người ta làm ta đứng còn không vững.

Kiếm Như trước kia ngủ chung phòng với Đại thiếu gia, nhưng nay vết thương của Đại thiếu gia dần lành lại nên hắn chuyển sang ngủ tại phòng nhỏ bên cạnh. Khi đi ngang qua phòng Kiếm Như, thấy cửa phòng đóng kín, có lẽ hắn đã ngủ say rồi.

Cửa phòng Đại thiếu gia cũng khép chặt, ta dừng lại ngoài cửa, định đẩy cửa vào nhưng lại do dự. Sợ rằng mình đã cả nghĩ, giữa đêm hôm khuya khoắt lại liều lĩnh xông bừa vào phòng chủ tử, e là không quá quy củ.



Ngoài trời mưa gió dữ dội, ta một đường loạng choạng đến đây, người ướt sũng như vắt được ra nước. Đứng trước cửa phòng Đại thiếu gia, lòng lại lo sợ vượt quá bổn phận, chỉ dám gõ cửa khe khẽ.

Không biết Đại thiếu gia có nghe thấy không.

Ta lặng lẽ chờ một lát, sau đó dùng sức gõ mạnh hơn một chút, khẽ gọi: "Đại thiếu gia, ngài có ổn không?"

Tiếng tiêu đã ngừng, trong phòng tuyệt nhiên không có một tiếng động.

Ta còn đang phân vân không biết có nên quay về hay không thì cửa phòng bất ngờ được mở ra.

Ta vốn đang áp sát vào cửa để nghe ngóng động tĩnh, cửa phòng lại mở bất ngờ khiến ta lao người về phía trước, ngã vào một vòng tay vững chãi.

Ta bị dọa đến phát sợ, vội vàng bật dậy, trên người ta toàn là nước, không thể để Đại thiếu gia bị ướt được. Rồi sau đó ta ngẩng đầu lên thì thấy sắc mặt của Đại thiếu gia quả thực nhợt nhạt đến đáng sợ.

Nhưng hắn vẫn duy trì thể diện, ngồi ngay ngắn trên xe lăn hỏi ta: "Có chuyện gì?"

"Nô tỳ nghe thấy tiếng tiêu, sợ ngài có chuyện gì không hay... Ngài... không sao chứ ạ?"

"Không sao."

Hắn nói vậy nhưng thanh âm rít qua từ kẽ răng, nghe khô khốc đến lợi hại. Ta chợt nhớ lại khi nãy Đại thiếu gia đỡ ta, cơ thể hắn rõ ràng còn lạnh hơn ta rất nhiều.

Đây mà gọi là không sao ư?

Rõ ràng là có chuyện mà.

"Ngài chờ ta một lát!"

Nói xong ta liền xoay người chạy vào màn mưa, phía sau Đại thiếu gia hình như có gọi gì đó, nhưng tiếng mưa quá lớn, ta không nghe rõ.

Về tới phòng bếp, ta nhóm lửa, đun nước nóng, chuẩn bị túi sưởi, sắc thuốc theo toa hằng ngày, làm một mạch lưu loát. Trước khi ra cửa, ta còn với lấy một bình rượu trắng từ trên kệ.

Khi chạy ra ngoài phòng bếp, ta mới muộn màng phát hiện lúc nãy trời tối như thế nào, đèn lồng trên hành lang đã bị gió thổi tắt phân nửa—--vậy mà ta đã quên cả sợ hãi.

Cửa phòng Đại thiếu gia vẫn chưa khép lại, hắn xuống khỏi xe lăn, chống đôi nạng đứng ở cửa, sắc mặt lo lắng, thấy ta về mới âm thầm thở phào nhẹ nhõm.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, không khí xung quanh bốc lên hơi nước mù mịt.

Ta hơi sững lại rồi trở tay tát mình một cái.

Lúc nãy sao ta lại chạy nhanh như vậy chứ? Chủ tử gọi mà ta cũng không thèm quay đầu lại, giờ thì hay rồi, làm Đại thiếu gia bị nhiễm hơi ẩm, giúp đỡ đâu không thấy chỉ thấy phá hoại.

Ta nhanh chóng bước tới, nhét hai túi sưởi vào vòng tay của Đại thiếu gia, rồi dìu hắn vào phòng.

Cửa phòng vừa đóng lại, cơn gió giật mưa rào bỗng chốc bị chặn đứng bên ngoài. Trong phòng thắp hai ngọn đèn dầu, vừa sáng vừa ấm áp. Ta ướt sũng cả người, còn Đại thiếu gia thì đứng ở cửa hứng gió hồi lâu, cũng chẳng khá hơn là bao, trên vai hắn bị ướt một mảng rất rõ ràng.

Ta lo lắng hỏi: "Làm sao đây, lỡ ngài bị sốt thì sao, hay là nô tỳ đi nấu chút canh gừng cho ngài nhé?"

Đại thiếu gia không đáp, chỉ mở tủ, lấy ra một bộ quần áo.

Thấy hắn định thay đồ, ta tự giác quay lưng lại, không ngờ trên vai lại bị vỗ nhẹ một cái, Đại thiếu gia nói rất dứt khoát: "Thay đồ đi."

Hóa ra là lấy cho ta.

Nhưng sao ta có thể mặc quần áo của hắn được?

Vừa định từ chối thì bất chợt nhìn thấy môi hắn bị cắn đến tứa máu, ta liền không dám phản kháng nữa, chạy ra sau bình phong lật đật thay đồ, sau đó lấy một bộ khác, giúp hắn thay vào rồi đỡ hắn nằm xuống giường.

Bất cứ thứ gì có thể đắp được trong phòng đều bị ta lấy ra phủ lên người hắn.

Nhưng cơ thể hắn lạnh quá đỗi, giống như nước dưới hồ sâu ba thước, càng xuống sâu càng lạnh thấu xương, hai túi sưởi nhỏ bé hoàn toàn không đủ sưởi ấm.

Ta hỏi: "Đại thiếu gia, ngài có lạnh không?"



Hắn đáp: "Vẫn ổn."

Lúc này, môi hắn đã chuyển từ trắng sang xanh, ta thật sự không hiểu sao trên đời lại có người cứng đầu đến thế.

Không biết hắn có bao giờ nói thật không nữa?

May mà ta đã mang theo một bình rượu mạnh.

Ta luống cuống rót một chén rượu, nhưng nghĩ đến việc hắn vừa uống thuốc, ta đành thôi, mang chai rượu này theo coi như vô ích.

Nghĩ một lát, ta thấp giọng bảo: "Đại thiếu gia, mong ngài đừng trách ta."

Đại thiếu gia ra chiều ngơ ngác, hiển nhiên chưa hiểu rõ hắn sẽ trách ta cái gì.

Ngay sau đó, ta thò tay vào trong chăn, áp tay lên m.ô.n.g Đại thiếu gia.

Hắn giật nảy người, sau đó cơ thể dần dần căng cứng lại, bởi vì lúc này ta đang xoa bóp dọc từ trên m.ô.n.g hắn xuống dưới, cách một lớp quần áo.

Nói sao nhỉ... mùa đông ở thôn cũ của ta có tục ướp cá.

Người ta thường dùng muối chà xát lên thân cá, lật qua lật lại xoa đều, rồi treo lên phơi khô.

Bây giờ cảm giác cũng tương tự.

Ta liên tục xoa bóp suốt hai khắc, tay cũng mỏi nhừ, cuối cùng mới cảm nhận được nhiệt độ dưới tay dần nóng lên. Nhìn lại Đại thiếu gia đang nằm sấp trên giường, sắc mặt không còn trắng bệch nữa, thậm chí còn hơi hồng hào.

Có lẽ là đã ấm lên rồi.

Ta hỏi: "Đại thiếu gia, ngoài lạnh ra, ngài còn đau nữa không, có đỡ hơn chưa?"

Hắn đáp: "Đỡ rồi."

Nhưng ta thật sự không dám tin lời Đại thiếu gia nói, vươn tay sờ thử trán hắn, đúng là  không sốt.

Ta nói: "Để nô tỳ ra ngoài mời đại phu đến xem sao."

Đại thiếu gia nói: "Ngươi biết đường không? Đêm khuya thế này, cũng không phải bệnh sắp ch-ế-t, không cần phải làm phiền người ta. Yên tâm đi, ta ngủ một giấc sẽ ổn thôi."

Dứt lời Đại thiếu gia từ từ nhắm mắt lại, không nhìn ta nữa.

Trên đất la liệt hai bộ quần áo ướt nhẹp vừa nãy vội vàng cởi ra, ta nhẹ tay nhẹ chân đi thu dọn, lại tìm một cái khăn lau sạch nước trên sàn, cuối cùng ngồi xuống cạnh bàn, mượn ánh đèn phơi cho khô mái tóc ướt.

Trong phòng bỗng trở nên im lặng, ta nằm xoài ra bàn, dần dần thấy cơn buồn ngủ ập đến.

Đại thiếu gia đang nhắm mắt bên kia đột nhiên cất tiếng gọi.

“Thập Lục, Thập Lục trong tên của ngươi là hai chữ nào?”

Ta miễn cưỡng giữ mình tỉnh táo, cố mở mắt ra: “Thập Lục trong mười sáu tuổi ạ. Mẹ nô tỳ nói, mười sáu là tuổi đẹp nhất của một nữ tử. Nhưng nô tỳ cũng rất thích ăn lựu*. Trước kia, trong sân nhà nô tỳ có một cây lựu, quả của nó đỏ au như bảo thạch vậy đó, nhưng sau này cha nô tỳ không cho ăn nữa, bảo phải giữ để bán lấy tiền…….”

*thạch lựu (shí·liu) và mười sáu (shí liù) đọc khá giống nhau

Sáng hôm sau, ta bị Kiếm Như đánh thức.

Ta giật mình tỉnh giấc, vừa mở mắt liền phát hiện ra Kiếm Như còn hoảng hốt hơn ta.

Một tay hắn cầm chậu gỗ đựng nước nóng, một tay run rẩy chỉ vào ta, mặt mày như gặp quỷ, mồm miệng lắp bắp: “Ngươi... ngươi... ngươi... sao ngươi lại ở đây?”

Mắt hắn đảo khắp người ta, ta nhìn xuống theo ánh mắt của hắn—— ơ, ta vẫn mặc áo của Đại thiếu gia —— nhưng đó chưa phải là điều quan trọng, cái quan trọng là ta đang đắp chăn ngủ ngon lành trên giường của Đại thiếu gia. Mà người lẽ ra phải ngủ trên giường thì đã ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn, hiển nhiên hắn đã tỉnh lại một lúc rồi.

Lúc này ta cũng hoảng hốt, học theo giọng điệu lắp bắp của Kiếm Như: “Ta... ta... ta... rõ ràng là...”

Trong phòng toàn là những tiếng lắp bắp, Đại thiếu gia có vẻ không nghe nổi nữa, bèn giơ tay ra hiệu dừng rồi cau mày nói: “Được rồi, Kiếm Như ở lại, Thập Lục —— đi xuống ngủ bù đi, hôm nay không cần làm cơm, lát nữa Kiếm Như sẽ đi mua một mâm đồ ăn về.”

 
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.