Một buổi chiều tháng mười nắng rọi sáng bừng khắp Sách phủ. Tân Nguyên đang ngồi trong sảnh, xem mấy bài thơ viết về trà của Tô Đông Pha, nàng xem đến đoạn “tửu tỉnh khước tư ta hưu đối cố nhân tư cố quốc”của bài Vọng Giang Nam Siêu Nhiên Đài Tác, cầm lòng không đậu, lại nghĩ tới vùng đất Hàng Châu, và người ở đó... Tân Nguyên ngồi bên chiếc bàn đặt ở giữa sảnh, tay cầm quyển sách bện bằng nhiều thanh trúc nhỏ, mặt mày ngơ ngẩn.
Chiếc bàn rất to, chính giữa đặt một bàn cờ tướng, quanh đó là cả trăm hộp trà và mười mấy niêu nước sôi. Sách Ngạch Đồ ngồi đối diện Tân Nguyên, Tiểu Điệp thì ngồi cạnh Sách Ngạch Đồ. Từ trưa đến giờ Sách Ngạch Đồ đã thử qua bảy mươi mốt loại trà mà Tiểu Điệp pha cho rồi, còn chưa ưng ý, tiếp tục thử đến loại trà thứ bảy mươi hai. Tân Nguyên, Sách Ngạch Đồ và Tiểu Điệp lặng lẽ ai làm việc nấy, không khí trong sảnh êm ả thư nhàn. Được một lúc, Sách Ngạch Đồ gọi vọng ra ngoài sai mấy đầy tớ gái đi châm thêm nước nóng, tiện thể mang thêm mấy cái chung sạch vào sảnh.
Lúc một đầy tớ gái mang nước nóng vào đã sơ ý làm đổ một ít nước ra bàn, nhỏ xuống đùi Tân Nguyên, nhưng Tân Nguyên mải xem sách trúc, đầu không ngẩng lên mà chỉ lơ đãng nói:
- Lần sao cẩn thận một chút nhé.
Rồi tự lấy khăn tay lau, không đợi Tiểu Điệp giúp nàng lấy khăn lau.
- Không biết bài thơ nào của Tô Thức khiến cách cách chăm chú thế?
Sách Ngạch Đồ ngạc nhiên hỏi.
Tân Nguyên nghe hỏi khẽ nhoẻn miệng nở nụ cười không đáp. Tiểu Điệp mỉm miệng cười ý nhị, thay Tân Nguyên trả lời Sách Ngạch Đồ:
- Trong tập thơ viết về trà của Tô Đông Pha còn bài nào ngoài bài Vọng Giang Nam Siêu Nhiên Đài Tác khiến cách cách ngơ ngẩn?
Sách Ngạch Đồ à một tiếng. Tiểu Điệp bưng miệng cười khúc khích, trong khi Tân Nguyên làm mặt tỉnh như không. Đã từ lâu Sách Ngạch Đồ và Tiểu Điệp biết tâm sự của nàng dành cho Cửu Dương nên Tân Nguyên chẳng cần ở trước mặt hai người này giấu giếm. Tiểu Điệp nhìn Tân Nguyên nói:
- Cách cách à, em có việc này vẫn không hiểu cho lắm, cách cách có thể nào giải thích với em được chăng?
Tân Nguyên gật đầu, đặt quyển sách lên bàn, Tiểu Điệp nói:
- Tuy rằng khoa cử lần này, Tần Thiên Văn chàng ấy đỗ, nhưng mà, khi chấm thi, các quyển thi đều phải niêm phong kín, lại không được ghi ký hiệu, vậy thì làm sao khảo quan nhận ra được quyển nào là quyển của chàng ấy đã do Phủ Viễn tướng quân lót tiền trước?
Tân Nguyên cười:
- Xem ra thì em chưa hiểu gì về sĩ lộ rồi!
Tiểu Điệp lắc đầu, Tân Nguyên tiếp:
- Ô thứ nhất trong văn bát cổ nhất định phải dùng chữ nào thí sinh chỉ cần nói trước với khảo quan, nên khảo quan nhìn là họ biết ngay.
- Nhưng nếu khảo quan nhận tiền rồi lại nuốt lời, trượt thì làm thế nào, thế chẳng hóa ra mất toi tiền của Phủ Viễn tướng quân sao?
Tân Nguyên nói:
- Phủ Viễn tướng quân phải có cách của ngài ấy chứ. Ngài ấy làm gì ngốc đến mức cầm tiền mặt hối lộ khảo quan? Ngài ấy làm giấy vay nợ! Nói ví dụ là, khoa thi mở vào năm Giáp Tí, thì trong giấy vay tiền ngài ấy sẽ viết: "Nhận vay của lão đại nhân… tên gì đó, năm trăm lạng bạc trắng," phía dưới chỗ đề tên người vay tướng quân viết: "Giáp Tí cống sinh... gì đó." Khi đỗ rồi, thì cứ theo giấy mà trả tiền, nếu không đỗ thì người vay tiền không phải là "Giáp Tí cống sinh," vị khảo quan kia cũng không dám đưa giấy đó ra đòi tiền. Nhưng mà Phủ Viễn tướng quân cũng chỉ có thể lót tiền cho Tần Thiên Văn chàng ấy được vào vòng trong mà thôi, quyết định ai làm trạng nguyên vẫn do ở Ngao Bái. Cho nên, ở vòng thi cuối cùng, chàng ấy mới viết bài văn dài ba mươi trang giấy ca ngợi công đức của gã, thay vì làm theo đề thi đã được định sẵn.
Tiểu Điệp suy nghĩ thấy Tân Nguyên giải thích quả rất có lý, bất giác Tiểu Điệp cười lớn, nói:
- Phủ Viễn tướng quân và anh chàng họ Tần thật là quỷ quyệt mưu mô!
Tân Nguyên cũng cười. Sách Ngạch Đồ nói:
- Tam mệnh đại thần thao túng quyền hành, để người của bọn chúng gác thi thật là đồi bại. May là Tần Thiên Văn là người phe mình, có thực lực thật sự, có thể giúp đỡ bá tánh. Bằng không, mấy viên quan của tam mệnh đại thần cứ nhận tiền hối lộ rồi cho mấy tên không có học lực thi đỗ, dùng mấy tên đó phụng sự triều đình, như vậy thì triều đình sẽ chỉ toàn là những kẻ sĩ không có một chút năng lực ngồi vào những chiếc ghế trong quân cơ xứ. Còn người nho nghèo khó, tài giỏi, thì không có tiền nên không thể giành công danh để vào làm việc trong sở quân cơ được.
Tân Nguyên gật đầu. Sách Ngạch Đồ định tiếp tục rủa Ngao Bái nữa thì ngay lúc đó quản gia của chàng từ ngoài sân bước vào sảnh nói:
- Dạ thưa Sách đại nhân, ngài ấy đã đến.
Sách Ngạch Đồ nhìn quản gia:
- Đến rồi à, mau mau, đi mời ngài ấy vào.
- Dạ.
Quản gia nói.
Tiểu Điệp ngưng nấu nước trà, nhìn ra sân.
Tân Nguyên cũng ngẩng đầu nhìn sân. Một lát sau, Cửu Dương theo quản gia đi vào sảnh làm lễ bái chào Tân Nguyên và Sách Ngạch Đồ. Tiểu Điệp đứng dậy kéo ghế mời Cửu Dương ngồi. Sách Ngạch Đồ đưa Cửu Dương một chung trà, mấy năm nay Sách Ngạch Đồ đã quen dùng cách xưng hô giang hồ với Cửu Dương, nên nói:
- Tại hạ không biết nhiều về trà nên mời Tân Nguyên cách cách đến giúp một tay, cách cách ngoài biết cách nung trà rất độc đáo ra còn có sở thích sưu tập các loại trà ngon trên thế giới, lần này cách cách đích thân chọn trà cho các hạ, nhất định các hạ sẽ ưng ý.
Cửu Dương nghe Sách Ngạch Đồ nói thế, khẽ đánh mắt sang Tân Nguyên, nhưng nàng vẫn giữ vẻ mặt bình thản như không. Thì ra nàng rất thạo về trà, Cửu Dương nghĩ bụng, lại nhớ tới những buổi hướng dẫn nàng cách chọn, trồng, và thu hoạch trà, chàng cảm thấy chạnh lòng. Nào là mùa hái trà tùy theo từng loại và tùy theo khí hậu. Ở ven Tây hồ Hàng Châu nơi sản xuất trà Long Tỉnh, thợ trà bắt đầu hái trà từ tháng ba kéo dài đến tháng mười, tổng cộng ba mươi lần, mỗi lần cách nhau khoảng mười ngày. Giang Nam có trà Long Tỉnh, Giang Bắc nổi tiếng về các loại trà xanh, Lĩnh Nam có trà Ô Long, Tây Nam trồng nhiều trà đen. Nếu dùng làm trà Ô Long thì thợ chỉ ngắt đúng ba lá non và một búp. Trà xanh lá thường rất non nên chỉ ngắt hai lá. Long Tỉnh phải cần lá to hơn nên phải ngắt ba. Trà được chế biến bằng cách để hong ngoài trời cho héo đi, sau đó đem vào ủ. Thợ phải luôn kiểm soát để hương vị được đúng độ. Khi đã ủ đến thì cho trà vào lò sấy. Trà được sấy nhiều lần nhưng phải đúng cách để khỏi mất phẩm chất. Qua hồi biến chế này trà gọi là trà sống. Tiếp theo là sàng sảy, rây, nhặt cọng và phân loại thành từng bậc khác nhau…
Cửu Dương nhớ lại những khoảnh khắc đó, nhìn Tân Nguyên bùi ngùi. Chàng ngộ ra tại sao nàng giả vờ ngu ngơ với chàng, nhưng Cửu Dương không thể đáp ứng lại nàng, chỉ biết nhìn nàng bằng ánh mắt bùi ngùi, sau đó nhận lấy chung trà từ tay Sách Ngạch Đồ.
Trong khi Cửu Dương uống trà, Tiểu Điệp quay sang Sách Ngạch Đồ vờ nói nhỏ nhưng cố ý để Cửu Dương nghe thấy được:
- Hai người đó một thạo cách trồng trà, một thạo cách chọn và pha trà, nhìn thế nào cũng thấy rất hợp nhau.
Sách Ngạch Đồ cười cười, im lặng. Cửu Dương nghe Tiểu Điệp nói nâng chung trà hình ống trúc làm bằng đất tử sa lên uống một hơi cạn sạch.
Sách Ngạch Đồ chờ Cửu Dương uống xong, chỉ tay vào một hộp trà trên bàn, nói với Cửu Dương:
- Các hạ thấy loại trà vừa uống đó thế nào? Hợp khẩu vị và tình cảnh lắm phải không? Tại hạ đã nếm qua nếm lại mấy chục loại từ trưa đến giờ rồi đó, thấy nó là ngon nhất và hợp cho buổi tiệc thọ ngày mai nhất.
Cửu Dương gật đầu, vẫn là quản gia của Sách Ngạch Đồ trở vào sảnh nói có Quân cơ đại thần Ngạch Nhĩ Thái cần một tư liệu rất cấp bách. Sách Ngạch Đồ bèn nhìn Tân Nguyên và Cửu Dương nói phải rời khỏi phủ một chút.
Trong sảnh khi này chỉ còn lại ba người. Tiểu Điệp thấy giữa Tân Nguyên và Cửu Dương có một khoảng cách nhất định, hai người ngồi cạnh nhau nhưng cách xa vời vợi, họ chào hỏi nhau mấy câu xong ngồi yên đấy, không ai nói với ai một lời nào nữa. Tiểu Điệp suy nghĩ một lát, cũng làm theo Sách Ngạch Đồ dùng cách xưng hô quen thuộc mà nàng và Tân Nguyên hay dùng khi nói chuyện với Cửu Dương trong những năm qua, mặc dù bây giờ chàng đã là một tân khoa trạng nguyên:
- Lần này, huynh bỏ hết mọi hiềm khích với Thanh triều, vào sở quân cơ làm quan, em thay mặt bá tánh cám ơn huynh.
Cửu Dương cười:
- Còn chưa biết thành bại thế nào mà.
Rồi đặt chung trà đã uống xong lên bàn, thêm lời:
- Tế Nhĩ Ha Lãng đã giao một số binh lính nhiệt huyết cho ta nên ta không muốn phụ lòng họ, càng không muốn nhìn thấy cảnh binh lính của tam mệnh đại thần hà hiếp họ nữa.
Tiểu Điệp nói:
- Những binh sĩ Chính Bạch Kỳ đó đều là những người nhiệt huyết, có nhiều kẻ đã từng bị bọn lính áo đỏ hà hiếp nên trong lòng vô cùng căm phẫn.
Cửu Dương gật đầu:
- Nỗi lòng của họ ta hiểu, nhưng nóng nảy trong một lúc có thể giết chết vài trăm tay sai của Ngao Bái vẫn không làm lung lay cơ sở thống trị của ông ta.
Tiểu Điệp gật đầu, nàng tìm cách kháo chuyện với Cửu Dương để giữ chàng bên Tân Nguyên, nhưng nói tới đây nàng không biết phải nói gì thêm. Lúc nãy Cửu Dương nói đúng, Tiểu Điệp nhủ bụng, nàng đương nhiên hiểu nếu muốn đánh thắng trận này thì phải đánh thắng người then chốt. Nhưng, Tiểu Điệp lại nghĩ, thiên hạ này gần như là thiên hạ của tam mệnh đại thần rồi, ba người then chốt đó đâu dễ gì để chàng tiếp cận? Lần này, chàng đi dự tiệc thọ của Ngao Bái nếu không nói quá thì như là đi lột da cọp, tình thế vào buổi sáng ngày mai rất là nguy hiểm, nhưng nàng biết cho dù có khuyên chàng không nên đi thì chàng cũng sẽ bảo phải đi thử một lần mới hay.
Tiểu Điệp không biết nói gì thêm nên đại sảnh rơi vào im lặng, Cửu Dương ngồi thêm một chút nữa, quay sang nhìn Tân Nguyên:
- Cám ơn hộp trà này của cách cách, ta không làm phiền cách cách xem sách, ta về trước.
- Để em đậy nắp lại cho.
Tiểu Điệp nói nhanh, vừa nói, nàng vừa đứng lên, nhưng chưa cầm nắp hộp trà, đã đụng vào chiếc hộp làm chiếc hộp rơi xuống sàn nhà. Xoảng một cái, Tiểu Điệp nhìn đống lá khô rơi vãi trên sàn nhà ôm đầu:
- Ấy chết! Em thật sơ ý, làm đổ hết trà, cũng may là cách cách còn thêm loại trà này trong cung Trường Xuân nữa, để em về lấy một hộp khác mang lại, em đi một thoáng rồi sẽ về ngay thôi.
Nói đoạn chỉ vào Tân Nguyên, Tiểu Điệp tiếp:
- Nghe nói huynh rất giỏi thuật cờ vây, cách cách của em cũng là một tay cao cờ, hay là hai người đánh một ván cờ trong lúc chờ em trở lại?
Cửu Dương nói:
- Cũng được, nhưng ở đây có sẵn bàn cờ tướng rồi hay là chơi cờ tướng vậy?
Tân Nguyên lắc đầu:
- Ta không biết đánh.
Cửu Dương không rõ lần này Tân Nguyên bảo không biết đánh cờ tướng là không biết thật hay lại giả vờ ngu ngơ, nhưng chàng vẫn mỉm cười:
- Không sao, không biết thì từ từ học.
Cửu Dương dứt lời với tay lấy những quân cờ bài lên trên bàn cờ. Tân Nguyên ngồi nhìn bàn cờ hình chữ nhật do chín đường dọc và mười đường ngang cắt nhau vuông góc tại chín mươi điểm hợp thành. Cửu Dương vừa sắp quân vừa từ tốn giảng cho nàng nghe về khoảng trống gọi là sông nằm ngang giữa bàn cờ, khoảng trống này chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Một khắc trôi đi, sau khi Tân Nguyên nắm được nguyên tắc chơi cờ tướng rồi, hai người bắt đầu khai cuộc trung pháo, pháo đầu đối bình phong mã.
Tiểu Điệp quay trở về phủ Sách Ngạch Đồ vào cuối giờ Dậu, Sách Ngạch Đồ vẫn chưa về phủ. Thời tiết khi này là giữa thu nên khí hậu thật dễ chịu. Tiểu Điệp không vào sảnh ngay mà đứng ngoài sân nhìn Tân Nguyên và Cửu Dương đánh cờ. Ngoài việc làm rơi hộp trà một canh giờ vừa rồi Tiểu Điệp không nghĩ được thêm cách nào để tạo cơ hội cho Tân Nguyên được gần Cửu Dương. Một năm trở lại đây, số lần Tân Nguyên gặp được người đàn ông trong mộng nàng có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ ngày Cửu Dương và nữ thần y dọn ra ngoài cô nhi viện ở để hằng ngày sớm tối bên nhau, Tân Nguyên cứ kể như là “chết trong lòng không ít.”
Nhưng mà, Tiểu Điệp vẫn không hề bỏ cuộc, nàng cứ nghĩ hễ mà ngày nào Cửu Dương còn chưa thành thân với nữ thần y thì Tân Nguyên còn cơ hội. Chưa bao giờ Tiểu Điệp thấy thương Tân Nguyên như một năm trở lại đây, cho nên, bất cứ lúc nào, nếu có thể nàng đều sẵn sàng tạo điều kiện cho hai người bên nhau.
Ánh nắng xế chiều ngày cuối thu xuyên qua những kẽ lá rọi trên mặt Tiểu Điệp, nàng đứng nhìn Cửu Dương một hồi tự nhiên nghĩ đến Tiêu Phong. Trong khi Cửu Dương trông như một quân tử khoan hòa, đối nhân xử thế rất mực nhã nhặn, lịch thiệp, khiến nàng kính phục thì Tiêu Phong lại là người tính khí điềm đạm, dáng dấp rất uy, khiến nàng vừa kính nhưng lại vừa sợ.
Tiểu Điệp lại nghĩ đến sự khác biệt giữa hai loại cờ tướng và cờ vây. Lần trước nàng có dịp xem Tiêu Phong đánh cờ vây với Tân Nguyên trong cung Trường Xuân, mục đích của cờ vây là để chiếm nhiều đất, chuyện bắt quân, hoặc gọi là nhốt tù binh, cũng cần, nhưng chỉ được xem là thứ yếu. Thế trận trên bàn cờ vây có khả năng biến hoá cao với các đám quân và vùng đất. Cao thủ chơi cờ vây thường tính trước nhiều nước không chỉ cho một nhóm quân mà có thể cho cả chục nhóm quân nằm xen kẽ phức tạp trên bàn cờ. Do đó cờ vây còn được nhìn nhận không phải là chiến trường đánh phá tiêu diệt mà là một dạng kiến thiết, xây dựng, khai phá và mở rộng phạm vi.
Còn cờ tướng, hoàn toàn trái hẳn, mục đích giành thắng lợi của cờ tướng chính là để chiếu bí hay bắt tướng của đối phương. Theo như quy ước trên bàn cờ tướng thì phía dưới bàn cờ là vùng đặt quân đỏ, phía trên quân đen. Ranh giới giữa hai bên gọi là sông, con sông này có tên Sở hà Hán giới, nghĩa là biên giới giữa nước Sở và nước Hán. Tương truyền rằng khởi nghiệp nhà Hán, Lưu Bang có cuộc chiến với Sở vương là Hạng Vũ, chiến tranh nhiều năm khiến trăm họ lầm than. Có một hôm Hạng Vũ nói với Lưu Bang “mấy năm nay thiên hạ khốn khổ chỉ vì hai chúng ta, bây giờ quyết một trận sống chết để khỏi làm khổ thiên hạ nữa.”
Khoảng đầu giờ Hợi Cửu Dương và Tân Nguyên đánh xong ván cờ, Cửu Dương bái chào Tân Nguyên, rời phủ Sách Ngạch Đồ. Đường phố buổi tối đêm này vẫn như mọi hôm, người qua kẻ lại tấp nập, phố phường ở kinh thành khi màn đêm buông xuống người ta lên đèn chói chang như ban ngày vậy, những chiếc lồng đèn lung linh khắp nơi.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]