🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Kim Luân pháp vương mắt lúc mở lúc nhắm, tựa hồ không thèm để ý đến chiến cục trước mặt, thực ra lão nhìn rõ hết thảy, thấy Hoắc Đô đã rơi vào thế hạ phong, đột nhiên nói:
- A cu si chin tơ nhi, mi ma cáp si tâng, si ơ si ơ hô!
Mọi người không ai hiểu mấy câu tiếng Tạng ấy nghĩa là gì. Hoắc Đô thì biết là sư phụ nhắc hắn không nên chỉ thủ mãi, bèn sử "Cuồng phong tấn lôi công" mà tấn công đối phương, tức thì hú lên một tiếng dài, cây quạt cuốn lên một luồng gió mạnh, xông về phía Chu Tử Liễu. Luồng kình phong lợi hại, những người đứng xem bất giác lùi dần, nghe Hoắc Đô luôn miệng gầm lên như sấm để trợ uy, thiết tưởng "Cuồng phong tấn lôi công" ngoài binh khí quyền cước, thì tiếng gầm thét cũng là một thủ đoạn lợi hại để khắc địch chế thắng. Chu Tử Liễu vung bút, nhìn cao bước rộng, đối phó dữ dội với địch thủ.
Hai người đấu hơn trăm chiêu, Chu Tử Liễu sắp viết xong thiên "Tự ngôn thiếp", bút ý đột nhiên biến đổi, xuất thủ chậm hẳn lại, nét bút vừa gầy vừa cứng. Hoàng Dung tự nhủ: "Cổ nhân nói "Sấu ngạnh phương thông thần", cái lộ "Bao tà đạo thạch khắc" này quả là kỳ quan ngàn năm chưa có".
Hoắc Đô vẫn sử dụng "Cuồng phong tấn lôi công" đối địch, thấy lực đạo của đối phương rất mạnh, thì hắn cũng gia kình tương ứng, tiếng quát cũng ầm ĩ hơn. Những người võ công kém hơn không thể đứng lại trong đại sảnh, cứ phải lùi dần ra sân.
Hoàng Dung thấy Tiểu Long Nữ ngồi kề vai với Dương Quá dưới chân cột, chỗ ấy cách trận ác đấu chỉ hơn một trượng, hai người cứ thì thầm trò chuyện với nhau, dĩ nhiên chẳng thèm để ý tới hai kẻ đang giao đấu, kình phong của Hoắc Đô không làm tổn hại nổi họ. Chỉ thấy cái dải áo của Tiểu Long Nữ bay phần phật, song nàng coi như không có chuyện gì, cứ đắm đuối nhìn Dương Quá. Hoàng Dung càng nhìn càng lạ, sau đó nhìn hai người đó nhiều hơn là xem cuộc đấu, nghĩ thầm: "Quá nhi hình như có võ công thượng thừa, nó và cô nương kia thân mật như vậy, không rõ cả hai là môn hạ của vị cao nhân nào?".
Tiểu Long Nữ hiện thời đã ngoài hai mươi tuổi, chỉ vì nàng hoàn toàn sống trong tòa cổ mộ, không có ánh mặt trời, nên da dẻ đặc biệt trắng trẻo, nội công lại cao, nên trông chỉ chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Trước khi gặp Dương Quá, nàng hầu như không có hỉ nộ ai lạc, thất tình lục dục rất có hại cho thân thể và nhan sắc. Nàng sống hai năm, chỉ như người thường sống một năm. Ví thử nàng cứ theo đúng lời dạy của sư phụ mà tu luyện, thì chẳng những có thể thọ trăm tuổi, mà đến khi một trăm tuổi, thể lực và nhan sắc sẽ chỉ như người năm mươi tuổi, vì thế dưới con mắt của Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ không chỉ ít tuổi hơn Dương Quá, mà cử chỉ hồn nhiên chất phác thì còn nhiều hơn cả Quách Phù.
Lúc này Chu Tử Liễu dùng bút càng lúc càng thô thiển, nhưng kình lực thì cũng mạnh dần, bút tới như nhện giăng tơ, vô cùng kỳ ảo, Hoắc Đô thầm kinh sợ. Kim Luân pháp vương quát to:
- Ma mi pa mi, cu xi mo xi?
Tám chữ ấy không biết nghĩa gì, chỉ làm cho mọi người nghe đinh tai nhức óc. Chu Tử Liễu chợt sốt ruột, nghĩ thầm: "Nếu hắn lại biến chiêu, thì trận đấu này biết khi nào mới xong. Ta là người Đại Lý, đánh trận đầu giúp Đại Tống, nhất quyết không được để thua, làm hổ danh bang quốc và sư môn". Đột nhiên bút pháp lại thay đổi, vận bút tựa hồ không phải để viết chữ, mà là như cầm búa đập đá. Điều này Quách Phù cũng nhận ra, hỏi:
- Mẹ ơi, Chu bá bá đang khắc chữ à?
Hoàng Dung cười, nói:
- Con gái ta cũng không đến nỗi xuẩn, lộ chỉ pháp ấy gọi là Thạch cổ văn. Là thứ văn tự dùng búa khắc vào đá, thời Xuân Thu. Con thử nhìn kỹ, xem Chu bá bá khắc chữ gì nào.
Quách Phù nhìn theo bút ý, chỉ thấy các chữ cứ quấn quýt với nhau, như một bức vẽ nhỏ, không thể nhận biết một chữ nào cả. Hoàng Dung cười, nói:
- Đấy là lối chữ triện cổ xưa, ngươi không biết là phải, ta cũng không nhận ra được hết mọi chữ.
Quách Phù vỗ tay cười nói:
- Tên Mông Cổ ngu xuẩn kia càng nhận không ra nổi. Mẹ nhìn kìa, hắn vã mồ hôi đầy mặt kìa.
Lối chữ triện cổ xưa, quả nhiên Hoắc Đô không nhận ra được chữ nào. Hắn đã không biết đối phương viết chữ gì, tất nhiên sẽ không đoán nổi thế đi của chiêu thức trong thư pháp, khó bề chống đỡ. Chu Tử Liễu viết lối chữ triện cổ xưa hết chữ này chữ kia, "Nhất dương chỉ" làm nền cho thư pháp cũng gia tăng kình lực tương ứng. Hoắc Đô vung quạt đỡ, thu về hơi chậm, bị Chu Tử Liễu viết lên cây quạt một chữ triện to tướng.
Hoắc Đô nhìn, ngạc nhiên hỏi:
- Là chữ "Võng" phải không?
Chu Tử Liễu cười, đáp:
- Không phải, là chữ "Nhữ".
Lại đưa bút viết luôn lên quạt một chữ nữa. Hoắc Đô hỏi:
- Chắc là chữ "Nguyệt" hả?
Chu Tử Liễu lắc đầu, nói:
- Sai rồi, là chữ "Nãi".
Hoắc Đô chán nản, hất hất cây quạt, muốn tránh ngọn bút, không để cho đối phương đề chữ lên cây quạt, ai ngờ Chu Tử Liêu đột nhiên vung tả chưởng công kích, Hoắc Đô vội giơ chưởng chống đỡ, Chu Tử Liễu thừa cơ lại đề hai chữ lên cây quạt, nhưng vì viết vội, đã không còn lối chữ triện, mà là chữ thảo. Hoắc Đô liền nhận ra, kêu lên:
- Man di!
Chu Tử Liễu cười ha hả, nói:
- Không sai, chính là bốn chữ "Nhữ nãi man di" (Mi là mọi rợ).
Quần hùng căm hận quân thiết kỵ Mông Cổ xâm lược tàn hại bách tính, ai cũng hờn căm, nghe Chu Tử Liễu chửi Hoắc Đô "Mi là mọi rợ" thì reo hò thích thú.
Hoắc Đô bị đối phương dùng bốn kiểu chữ chân, thảo, lệ, triện, lồng vào "Nhất dương chỉ" tấn công, không chống nổi, đã khiếp đảm, nghe tiếng reo hò, tâm trí càng loạn, thấy Chu Tử Liễu múa bút viết ba chữ cổ trên không trung, không nhận biết là chữ gì, chỉ gắng gượng dùng cây quạt che đỡ vùng ngực, đột nhiên cảm thấy đầu gối tê dại, thì ra hắn đã bị đối phương quay bút, dùng cán bút điểm huyệt. Hoắc Đô thấy đầu gối mềm đi, chực ngã khuỵu xuống, nhưng nghĩ nếu ngã thì không còn mặt mũi nào làm người, bèn hít một hơi dài dẫn tới huyệt đạo đó, tính lùi lại nhận thua, thì cây bút của Chu Tử Liễu đã như tia chớp điểm tới. Chu Tử Liễu dùng bút thay ngón tay, lấy cán bút liên hoàn tiến chiêu "Nhất dương chỉ". Hoắc Đô làm sao đỡ nổi? Đầu gối tê dại, cuối cùng hắn ngã khuỵu xuống, mặt không còn hạt máu.
Quần hùng hoan hô như sấm. Quách Tĩnh quay sang nói với Hoàng Dung:
- Diệu kế của nàng đã thành.
Hoàng Dung mỉm cười.
Huynh đệ họ Võ đứng bên xem đấu, thấy môn "Nhất dương chỉ" của Chu sư thúc biến ảo vô cùng, thì cực kỳ khâm phục, nghĩ thầm: "Công lực của Chu sư thúc mạnh mẽ thâm hậu, hóa thành thư pháp lại càng biến hóa huyền ảo thêm, bao giờ mình mới học được như vậy?" Cả hai đang định nói lời tán thưởng võ công của sư thúc, bỗng nghe Chu Tử Liễu rú lên, quay đầu nhìn lại, thì thấy Chu Tử Liễu đã ngã ngửa. Diễn biến xảy ra bất ngờ khiến tất cả kinh hãi.
Nguyên sau khi Hoắc Đô nhận thua, Chu Tử Liễu nghĩ bụng mình đã sử dụng phép "Nhất dương chỉ" điểm trúng huyệt đạo của hắn, phép điểm huyệt này khác hẳn phép điểm huyệt thông thường, người ngoài không cứu nổi, bèn đưa tay ấn vào sườn hắn mấy cái, vận khí giải huyệt cho hắn. Ai dè Hoắc Đô vừa được giải huyệt, thì sát cơ nổi lên, miệng lầm bầm, thân chưa đứng thẳng dậy, đã đưa ngón tay cái bật cái chốt trên cây quạt, bốn cây đinh bôi chất độc từ trong khung quạt bắn ra, cắm cả vào người Chu Tử Liễu. Cao thủ tỷ võ, đã phân rõ thắng bại, nhất thiết không được tái động thủ, huống hồ trước con mắt của bao nhiêu con người trong đại sảnh, ai ngờ Hoắc Đô lại dám ám toán. Nếu trong lúc giao đấu, Hoắc Đô có phóng ám khí, mấy cây đinh có giấu trong cây quạt khéo đến mấy, cũng không làm gì nổi Chu Tử Liễu, đằng này Chu Tử Liễu giải huyệt cho hắn, chỉ cách hắn chưa đầy một thước, cho nên võ công cao mấy cũng khó lòng né tránh. Bốn cây đinh bôi chất độc lấy trên núi tuyết vùng Tây Tạng, Chu Tử Liễu vừa bị trúng, lập tức cảm thấy toàn thân đau buốt ghê gớm, không thể đứng vững.
Quần hùng căm phẫn, chỉ mặt Hoắc Đô mà chửi hắn là quân hèn hạ vô sỉ. Hoắc Đô cười nhăn nhở, nói:
- Tiểu vương chuyển bại thành thắng, có gì mà hữu sỉ với chả vô sỉ? Trước khi tỉ thí, đôi bên có nói là không được sử dụng ám khí hay không? Vị Chu huynh đây nếu sử dụng ám khí trước, tiểu vương cũng sẽ không nói gì cả.
Mọi người tuy thấy hắn cưỡng từ đoạt lý, song nhất thời cũng chưa biết nên đối phó thế nào, chỉ chửi bới hắn mà thôi.
Quách Tĩnh chạy ra ôm Chu Tử Liễu vào, thấy bốn cây đinh nhỏ cắm trên ngực, sắc mặt rất quái dị, biết là chất độc bôi vào ám khí kỳ dị, vội điểm ngay ba đại huyệt để máu lưu thông chậm lại, phong bế kinh mạch, không cho khí độc chạy vào tim, rồi hỏi Hoàng Dung:
- Làm thế nào?
Hoàng Dung cau mày, im lặng, nghĩ thầm thuốc giải độc hẳn do Hoắc Đô hoặc Kim Luân pháp vương nắm giữ, làm thế nào lấy được thuốc giải, thì nhất thời nàng chưa nghĩ ra.
Điểm Thương Ngư Ẩn thấy sư đệ trúng độc trầm trọng, vừa lo vừa tức, thắt chặt dây lưng, định xông ra giao đấu với Hoắc Đô. Hoàng Dung nghĩ thầm: "Đối phương đã thắng một trận, Ẩn sư huynh nếu nhảy ra, bên đối phương Đạt Nhĩ Ba ứng chiến, thì bên ta hoàn toàn không thể thắng", vội nói: Truyện được copy tại truyentop.net
- Sư huynh hãy khoan?
Điểm Thương Ngư Ẩn hỏi:
- Tại sao?
Hoàng Dung tuy túc trí đa mưu, cũng chưa biết trả lời thế nào, trận thứ nhất đã thua, hai trận sau sẽ rất khó khăn.
Hoắc Đô dùng gian kế thắng Chu Tử Liễu, hắn đứng ở cửa sảnh dương dương tự đắc, đưa mắt nhìn bốn phía. Hắn thấy Tiểu Long Nữ và Dương Quá kề vai nhau ngồi dưới chân cột, thì thầm chuyện trò thân mật với nhau, chẳng để ý đến trận thắng của hắn, thì bất giác nổi giận, giơ cây quạt chỉ mặt Dương Quá, quát:
- Tiểu súc sinh, đứng lên.
Dương Quá còn mải mê ngắm Tiểu Long Nữ, cảm thấy thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng không việc gì có thể làm cho chàng phân tâm, cho nên trận đấu rung chuyển trời đất vừa rồi giữa Hoắc Đô với Chu Tử Liễu, chàng nhìn mà chẳng thấy, nghe mà không để ý. Chàng cùng Tiểu Long Nữ đã sống mấy năm trong tòa cổ mộ, quả thực không biết rằng chàng với nàng đã khắc cốt ghi xương, sống chết có nhau. Hôm Tiểu Long Nữ hỏi chàng có muốn lấy nàng làm thê tử hay không, câu hỏi đột ngột, chàng chưa từng nghĩ đến, chưa biết trả lời thế nào, sau đó Tiểu Long Nữ bỏ đi mất tăm, chàng cứ thầm nhắc lại trong lòng hàng ngàn vạn lần: "Ta muốn, ta muốn. Thà phải chết ngay, ta cũng muốn lấy cô cô làm thê tử của ta". Tình ý giữa Tiểu Long Nữ với chàng, cả hai đều chớm nở mà không biết, đến khi chia tay mới bột phát ra không thể kìm chế. Giờ đây Dương Quá cố nhiên không sợ trời, không sợ đất, mà Tiểu Long Nữ thì lễ giáo thế tục chẳng biết chút gì, chỉ nghĩ mình muốn luyến ái thì luyến ái, đâu có liên quan gì tới người khác? Thế nên, một người thì bất chấp, một người thì không hiểu, đôi bên ở chỗ ngàn người vây quanh, cạnh cuộc ác đấu, vẫn cứ điềm nhiên nắm tay nhau, đắm đuối chuyện trò với nhau.
Hoắc Đô quát một tiếng, Dương Quá vẫn không nghe thấy. Hoắc Đô định quát tiếp, thì nghe Kim Luân pháp vương nói:
- Bên ta đã thắng một trận, có thể bắt đầu trận thứ hai.
Hoắc Đô trừng mắt nhìn Dương Quá, lui về chỗ ngồi, nói to:
- Bên tại hạ đã thắng một trận, trận thứ hai sẽ do sư huynh Đạt Nhĩ Ba xuất thủ. Vị anh hùng nào của quý phương sẽ ra chỉ giáo đây?
Đạt Nhĩ Ba rút binh khí từ trong áo cà sa đỏ, bước ra giữa sảnh. Mọi người nhìn thấy binh khí của y đều kinh ngạc, thì ra đó là một cái chày vừa thô vừa dài bằng vàng, gọi là kim chử. Loại "Kim cương hàng ma chử" này vốn được các bậc cấp pháp trong Phật giáo sử dụng. Lão tăng này dùng nó làm binh khí cũng không lạ, nhưng cây kim chử này của Đạt Nhĩ Ba dài tới bốn thước, đầu thô, cán lấp lánh màu vàng, hình như được đúc bằng vàng nguyên chất, nặng không khác gì sắt thép.
Đạt Nhĩ Ba tới giữa sảnh, chấp tay trước ngực hành lễ với quần hùng, tung cây kim chử lên một cái, nó rơi xuống nghe hịch một tiếng, làm vỡ vụn hai hòn gạch hoa xanh lớn dưới nền, cán kim chử cắm sâu xuống đất non một thước. Trọng lượng cây kim chử nặng tới mức ấy, mà Đạt Nhĩ Ba thì là một hòa thượng gầy đét, sử nổi cây kim chử đó, đủ hiểu võ công cao cường biết chừng nào.
Hoàng Dung nghĩ thầm: "Tĩnh ca ca có thể đánh bại lão hòa thượng này, nhưng trận thứ ba sẽ do Kim Luân pháp vương xuất thủ, bên ta không ai địch nổi, cuộc đấu võ kết cục đã định mất rồi. Có lẽ mình phải gắng dùng xảo kình đấu với lão hòa thượng này vậy". Nàng bèn cầm Đả cẩu bổng, nói:
- Để thiếp xuất thủ!
Quách Tĩnh cả kinh, vội nói:
- Không được, không được. Nàng không khỏe, làm sao động thủ với người khác được kia chứ?
Hoàng Dung cũng cảm thấy không nắm chắc phần thắng, nếu thua trận này nữa, thì khỏi cần đấu trận thứ ba, đang ngần ngừ, thì Điểm Thương Ngư Ẩn lên tiếng:
- Hoàng bang chủ, để lão phu đấu với ác tăng đó.
Điểm Thương Ngư Ẩn thấy thảm trạng của sư đệ sau khi trúng độc, thì nóng lòng báo thù. Hoàng Dung cũng không có cách nào hơn, nghĩ thầm: "Bây giờ chỉ còn cách liều thử, nếu Ẩn sư huynh đánh thắng Đạt Nhĩ Ba, thì Tĩnh ca ca quyết phân cao thấp với Kim Luân pháp vương là được". Bèn nói:
- Xin sư huynh cẩn thận cho.
Huynh đệ họ Võ mang ra cho sư bá hai cái mái chèo bằng sắt, gọi là thiết tương. Điểm Thương Ngư Ẩn kẹp chúng vào nách, bước ra giữa sảnh, hai mắt rực lửa, đi quanh Đạt Nhĩ Ba một vòng. Đạt Nhĩ Ba không hiểu gì, thấy đối phương đi vòng quanh mình, thì xoay người theo. Điểm Thương Ngư Ẩn bỗng quát một tiếng, vung hai cái thiết tương đánh xuống đầu Đạt Nhĩ Ba. Đạt Nhĩ Ba thân pháp cực nhanh, giơ tay rút cái kim chử cắm dưới đất lên, chử - tương đụng nhau, choang một tiếng lớn, mọi người nghe rát cả tai. Hổ khẩu cả hai người đều đau nhức, biết đối phương nội công thâm hậu, cùng nhảy lùi lại Đạt Nhĩ Ba nói một câu tiếng Tạng, Điểm Thương Ngư Ẩn thì dùng tiếng Đại Lý chửi một câu, hai người không ai hiểu ai, đột nhiên cùng sấn tới, chử - tương lại đụng nhau, lại choang một tiếng lớn.
Trận ác đấu này khác hẳn trận đấu tiêu sái mềm mỏng giữa Chu Tử Liễu với Hoắc Đô. Đôi bên dùng đại lực đấu với đại lực, lấy thượng thừa ngoại môn ngạnh công đối địch nhau, chử - tương sinh gió, người xem hết sức kinh hãi.
Điểm Thương Ngư Ẩn có lực cánh tay cực khỏe. Khi Nhất Đăng đại sư ẩn cư ở chùa Sương Tây, ngày ngày Điểm Thương Ngư Ẩn dùng thiết tương chèo thuyền bơi ngược dòng, luyện hai cánh tay có gân cốt cứng như sắt. Điểm Thương Ngư Ẩn là đại đệ tử của Nhất Đăng đại sư, ở trong sư môn lâu nhất, được Nhất Đăng đại sư quý nhất vì cái tính chất phác thô lỗ, chỉ có điều thiên tư hơi kém, nội công không bằng Chu Tử Liễu, nhưng ngạnh công thì cực kỳ lợi hại. Lúc này tỷ thí ngoại công với Đạt Nhĩ Ba, chính là dùng đến sở trường của mình. Chỉ thấy hai cái thiết tương vung lên đánh xuống, công kích mãnh liệt. Mỗi cái thiết tương nặng dăm chục cân, Điểm Thương Ngư Ẩn vung múa nó linh hoạt cứ như người ta sử dụng cây đao thanh kiếm nặng vài cân vậy.
Đạt Nhĩ Ba tự phụ có hai cánh tay vô song, nào ngờ đến Trung Nguyên lại gặp một vị tướng quân có thần lực nhường này, đối phương không chỉ cực khỏe, mà chiêu số càng tinh diệu, phải dốc toàn lực sử dụng kim cương chử. Chử đối tương, tương đối chử, cả hai thủ ít công nhiều. Lúc Chu Tử Liễu đấu với Hoắc Đô, nhiều người xem trong sảnh đã phải tản đi tránh gió, bây giờ hai loại binh khí nặng đấu nhau, đừng nói luồng gió quạt ra khó chịu, mà tiếng va nhau của chúng càng không thể chịu nổi. Đa số phải bịt tai mà xem. Dưới ánh nến, cái kim chử hóa thành một đạo kim quang, thiết tương thì trông như hai luồng hắc khí, cứ xoắn lấy nhau, càng đấu càng ác liệt.
Trận đấu này, mọi người quả là bình sinh chưa từng gặp. Tình cảnh hung hiểm cố nhiên lại càng hiếm thấy, cao thủ khi đấu nội công, bên trong căng thẳng, mà bề ngoài thì rất thản nhiên. Còn việc tỷ thí bằng quyền cước và binh khí, sự xảo diệu và hiểm ác dĩ nhiên là cốt yếu. Đằng này trước hết là cuộc đấu ngạnh công. Trên thế gian mấy ai có thần lực như Điểm Thương Ngư Ẩn, trận đấu dữ dội thế này quả là khó gặp.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.