🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Đôn Hoàng, chợ đêm Sa Châu.

Thịnh Đường đã uống tới cốc nước vỏ hạnh(*) thứ ba rồi.

(*) Nước vỏ hạnh hay còn gọi là trà vỏ hạnh. Là loại nước giải khát nổi tiếng ở Đôn Hoàng, Cam Túc, lấy trái hạnh Lý Quảng của địa phương này làm nguyên liệu, dùng vỏ hạnh nấu chín ép thành nước, sau khi bỏ thêm đá sẽ tạo cảm giác chua chua ngọt ngọt. Hương vị khá giống với nước mận chua của Bắc Kinh.

Đã được thêm đá, giải khát.

Chín rưỡi tối, hoàng hôn vẫn còn lơ lửng phía sau bức tượng Phi Thiên trước cổng chợ đêm. Nơi đây ngày rất dài, phải qua mười giờ, trời mới tối hẳn. Con phố ăn uống đã náo nhiệt từ lâu, đầu người chen chúc, tựa như hơn hai nghìn năm qua nơi đây vẫn luôn phồn hoa như vậy. Những tốp thương nhân từng đi qua Con đường tơ lụa, những tăng nhân đủ các dân tộc, tráng sỹ, họa sỹ… Và ngày nay chính là các du khách Trung Quốc và nước ngoài đủ màu da, các chuyên gia, học giả và các khách phượt đeo ba lô đi khắp trời Nam đất Bắc.

Vùng đất Tây Bắc, thịt dê rất tươi ngon, va đập trong không khí toàn là làn khói mờ trắng từ những bếp than nướng thịt dê, những miếng thịt lừa vàng ruộm, nhưỡng bì tử Đôn Hoàng(*),bánh rán bào nhĩ… món đặc sản nào cũng khiến người ta lóa mắt. Những người phục vụ cầm những tờ thực đơn bằng nhựa dính đầy dầu mỡ giới thiệu với các du khách: Thưởng thức Đôn Hoàng qua đầu lưỡi, đi qua, ngang qua đừng bỏ qua, hãy vào đây thưởng thức gà cát đại mạc và cá sống Dương Quan, có tuổi đời hơn ngàn năm rồi…

(*) Một món ăn vặt nổi tiếng của Cam Túc được làm từ bột mỳ.

Một đĩa móng lạc đà Tuyết Sơn nướng thơm phức, khói bốc nghi ngút được bê lên một bàn ăn ngoài trời, trên bàn có ba người đàn ông mượn men rượu chém gió:

“Mấy cơn mưa lớn vài ngày trước đã làm ngập úng không ít hang Phật, nhất là Tàng kinh động, lên cả tin hot rồi.”

“Nói tới Tàng kinh động, có người nói trên núi Minh Sa vẫn còn một Tàng kinh động khác chưa được phát hiện đấy.”

“Làm gì có chuyện mưa to thì đóng cửa động. Nghe nói có người nửa đêm ngang qua hang đá, nghe thấy tiếng đàn tỳ bà, nên người ta mới đóng hang, không cho tham quan nữa.”

Những âm thanh sang sảng ấy bị vùi lấp giữa tiếng huyên náo của những bàn ăn ngoài trời khác.

Qua một con đường là tới địa bàn của những tác phẩm thủ công mỹ nghệ: tượng khắc bằng gỗ hồ dương, tranh sa bình hình Phi Thiên, đá Gobi bảy màu… Đồ mà các cửa hàng bán nhiều nhất chắc chắn là Mặc ngọc tới từ sa mạc Gobi, điêu khắc thành tác phẩm nghệ thuật như bình trà, bát uống trà, khay trà, nhưng thứ bán chạy nhất phải kể tới ly rượu Mặc ngọc. Rượu nho Dương Quan uống với ly Mặc ngọc Đôn Hoàng là ứng với câu thơ “Rượu nho say lòng ly dạ quang”. Lấy đèn pin rọi lên thành ly mà phát ra ánh sáng màu xanh lục tối thì đó chính là Mặc ngọc đỉnh cao.

Giờ đang là mùa của trái hạnh Lý Quảng, nguyên liệu chính cho món nước vỏ hạnh. Một hơi uống sạch một cốc to còn đã đời hơn uống nước mơ chua Bắc Kinh, người Đôn Hoàng ai cũng thích uống cái này.

Sạp hàng mà Thịnh Đường ngồi chủ yếu bán giấy Tây Hòa Ma(*) và các bức tranh chữ thủ công, xung quanh rải rác những tượng gỗ hồ dương còn chưa khắc xong. Gió thổi qua còn có thể cuốn theo một ít mạt gỗ.

(*) Giấy Tây Hòa Ma là một sản phẩm giấy đã có lịch sử mấy ngàn năm, công nghệ làm giấy truyền từ đời này sang đời khác, xuất phát từ phía Đông Nam Cam Túc.

Cô uể oải ngồi dựa vào lưng ghế, tướng ngồi rất xấu. Hai chân bắt tréo gác lên trên sạp hàng, chỉ hơi dùng sức một chút, hai chân trước của chiếc ghế sẽ hướng thẳng lên trời. Dựa vào sức chống đỡ từ đôi chân của cô, chiếc ghế nhàn nhã đung đưa trước sau.

Mái tóc dài được tết thành bím, rơi nghiêng xuống một bên vai, giữa những lọn tóc có bóng dáng những sợi dây năm màu ngũ sắc. Áo trên màu trắng có vẽ hình Phi Thiên nhuộm bằng nến, kết hợp với một chiếc quần bò bút chì cạp trễ. Giữa eo có một lớp vải sa mỏng màu trắng, một đoạn eo thon gọn thấp thoáng ẩn hiện. Làn da của cô trắng hơn gái Tây Bắc đến vài tông, không ít du khách đi qua đi lại đều phải nhìn ngó một lần.

Những cô gái xinh đẹp đều khiến người ta yêu thích, nhất là đôi mắt của cô. Một đôi mắt hai mí tiêu chuẩn, lại toát ra nét gợi cảm chỉ có ở những cặp mặt phượng. Giống như đang cười mỉm, nhưng trong nụ cười ấy lại có sự lạnh lùng và bỡn cợt với đời. Màu đồng tử nhạt hơn người bình thường một chút. Nói theo lời bạn bè thì: Có yêu khí.

Thịnh Đường tập trung tinh thần dùng đôi mắt yêu khí đó của mình để chăm chú ngắm nhìn hai người đàn ông đứng ở sạp hàng chếch đối diện. Một người đầu đội mũ hoa, vóc dáng thanh mảnh; Người còn lại mặc chiếc áo phông có mũ ngắn tay màu sắt gỉ, cao lớn đĩnh đạc. Mái tóc rối hơi dài được buộc tùy ý và giấu dưới chiếc mũ lưỡi trai màu đen. Anh ta đeo kính râm màu đen, trên cổ đung đưa chiếc tai nghe màu đen. Nổi bật nhất là bộ râu quai nón trên mặt. Người này đeo chiếc ba lô khá to, vừa nhìn đã biết là du khách.

Thông báo tin nhắn nhóm WeChat đám “chị em cây khế” trong di động kêu rộn ràng:

Trình Tần: @Đường Đường! Cậu bảo việc luận văn của cậu bị phê bình là thế nào vậy? Ai dám chọc vào “bách biến yêu nữ” thông minh lanh lợi như cậu? Chẳng phải thực chất đang tìm đủ mọi cách để chui vào lò thiêu xác sao?

Du Diệp: Biết là cậu chí lớn, nhưng mùa này tới Đôn Hoàng có phải là tìm ngược không? Cậu thì da mỏng thịt mềm…

Trình Tần: Bạn yêu, không sao! Hai chúng ta là những người cả hai “Q”(*) đều cao, không tranh luận với kẻ ngốc! Mau chóng quay về mời bọn mình một bữa đã đời là hết mọi phiền não ngay ấy mà!

(*) IQ và EQ.

Du Diệp: Đường Đường chuẩn bị tung ảnh cảnh cáo out khỏi nhóm bây giờ đấy…

Trình Tần: Ấy đừng, nhóm chỉ có ba chúng ta, cậu ấy mà rời khỏi nhóm, nhóm “cây khế” tan rã mất!

Du Diệp: Sao Đường im ắng vậy?



Thịnh Đường bóp nát chiếc cốc giấy lạnh đã uống hết rồi ném một cách chính xác vào thùng rác bên cạnh, nhắm trúng thời cơ đẩy bức tranh khắc gỗ đã thành phẩm lên trước, tiện thể với lấy một chiếc quạt, từ tốn quạt cho mát.

Chẳng bao lâu sau, phần lớn ánh sáng trước mắt bị che kín.

“Bức Phi Thiên nhà cô khắc gỗ khá độc đáo, các hàng khác khắc đều tương tự như nhau. Cô khắc sao?” Một giọng nói rất dễ nghe.

Thịnh Đường không di chuyển khỏi ổ, vẫn tiếp tục quạt không ngừng tay, đôi mắt “yêu” nhẹ nhàng nhướng lên.

Người vừa lên tiếng là người đàn ông đội mũ hoa, đập thẳng vào mắt là một chiếc “ba đáp” màu tím đậm bằng gấm, thêu hoa, viền vàng. Không phải người dân tộc thiểu số, có một đôi mắt đầy tình cảm, rất dễ khiến các cô bé đắm chìm vào trong đó. Ba đáp ở Tân Cương là đai lưng được dùng trong những dịp lễ tế tổ tiên hay cầu phúc lành. Một người ngoài như anh ta mặc lẫn lộn như vậy, ngược lại tạo ra một phong cách mới.

“Đều là làm thủ công đấy.” Cô phóng khoáng gập chiếc quạt vào lòng bàn tay, chỉ tay vào đống đồ bán thành phẩm bên cạnh: “Chỗ này đang làm, có thể kiểm hàng.”

“Được đấy cô gái, khắc cần có tay nghề khéo léo, chỉ cần không cẩn thận một chút là phá tranh rồi.” Người đàn ông đội mũ hoa khi cười đôi mày và đôi mắt đều tít lại, rất khêu gợi.

Các bức khắc gỗ Đôn Hoàng đều được những người thợ dùng dao khắc tỉ mỉ làm từng đường nét một, là một công việc vừa tốn thời gian vừa tốn công sức, sức mạnh của ngón tay và cổ tay đều phải được kết hợp nhuần nhuyễn, bằng không chỉ cần một đường dao bị lệch, nét của tranh sẽ bị phá hoại, cả bức tranh cũng trở thành đồ bỏ đi. Đây chính là “phá tranh”.

Thịnh Đường nghĩ thầm: Cũng rành đấy. Cô còn chưa lên tiếng đã nghe thấy người đàn ông gỉ sắt đứng bên cạnh phì cười một tiếng, thái độ không mấy khách khí.

Cô nhạy bén phát hiện ra ánh mắt anh thông qua chiếc kính râm, liếc nhìn ngón tay cô.

Thịnh Đường ung dung đối diện với tiếng cười khẩy ấy: Nhìn đi, cứ nhìn thoải mái.

Người đàn ông gỉ sắt cũng không nói gì, quay đi nhìn vào một chỗ khác, sau đó tháo kính râm xuống, cài lên cổ áo trước ngực.

Anh ta để lộ chân dung của mình, ngũ quan khá sắc nét, nhưng không gánh đỡ nổi gương mặt râu ria thiếu gọn gàng. Nói dễ nghe người ta gọi là phóng khoáng bất kham. Nói khó nghe thì không khác gì một kẻ vừa chui ra từ một hang đá nào đó, khắp người từ trên xuống dưới bụi bặm, bẩn thỉu.

Trong đầu Thịnh Đường xuất hiện hai câu nói, một câu là: Lông tóc cũng rậm rạp quá rồi đấy; Câu thứ hai là: Cạo râu đi liệu có đẹp không nhỉ?

“Di động.” Anh ta lên tiếng.

Ừm, giọng nói cũng thật trầm bổng, đủ điều kiện làm diễn viên lồng tiếng rồi.

Thấy cô hồi lâu không có phản ứng gì, anh ta lặp lại một lần nữa: “Di động.”

Thịnh Đường tỉnh lại, xóa sạch hình ảnh về lông tóc trong đầu. Nhìn kỹ lại, di động của cô đang đung đưa ngay dưới mí mắt soái ca: “Di động không bán.”

“Chắn tầm nhìn của tôi xem tranh dập(*) rồi.”

(*) Chỉ những bức tranh được dùng một vật cụ thể làm bản gốc, sử dụng phương pháp in dập để chế tạo tranh. Kiểu tranh dập nổi tiếng nhất là kiểu vẽ Ebru, vẽ trên mặt nước rồi in lên giấy.

Thì ra… Bấy giờ Thịnh Đường mới uể oải đứng lên, tiện thể cầm theo chiếc di động đang đè lên bức tranh chép, bỏ vào túi quần.

Tranh chép Đôn Hoàng đa phần dùng mực tàu, nội dung có liên quan tới hang Phật hoặc bia đá. Những năm trước kia thì chúng khá thịnh hành, nhưng bây giờ khi văn vật càng ngày càng được bảo vệ, không ít bia đá cũng bị cấm chép tranh, bán tranh chép dần dần ít đi.

Sạp hàng này không bán chủ yếu tranh chép, thế nên chỉ có vài tấm, một trong số đó được người đàn ông ngắm nghía rất lâu. Thịnh Đường ngó đầu vào nhìn, thầm tính toán trong bụng: “Bức tranh dập này cũng khá lâu rồi, anh nhìn những đường vân bên trên đi, in dập còn rất sắc nét. Đồ cổ đấy, bán đi cái nào là hiếm cái đó.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.