Chương trước
Chương sau
Mugambi và đàn thú của mình quay lại rừng sâu chỉ với một mục đích duy nhất: chiếm được một chiếc thuyền độc mộc nào đó để đột nhập lên tàu Kin xây. Mugambi biết rằng nếu không có thuyền, anh ta và đàn thú chỉ biết chạy rông theo kẻ thù và giương mắt chứng kiến mọi chuyện trên sông. Thế rồi cái mà anh ta cần tìm đã chẳng phải tìm lâu. Nó đã thực sự xuất hiện. Trời vừa chập choạng tối, anh ta đã phát hiện ra một chiếc thuyền của thổ dân buộc níu ở một nhánh sông Ugam. Không để phí thời gian, Mugambi thúc đàn thú nhảy lên thuyền rồi nhanh chóng chèo thuyền rời bờ sông.

Mọi việc được quyết định và thực hiện quá mau lẹ nên khi con thuyền rời bờ được một quãng, Mugambi mới phát hiện ra là trên thuyền không phải chỉ có anh ta và đàn thú. Trong khi lục lọi khoang thuyền, anh trông thấy một người đàn bà da đen đang nằm dí ở dưới đáy thuyền, chân tay run lẩy bẩy vì sợ hãi. Sau khi phát hiện ra điều đó, Mugambi phải rất vất vả mới giữ được đàn thú, không cho chúng nhảy vào người đàn bà lạ mặt.

Nhìn kỹ, Mugambi biết rằng người đàn bà đó là một cô gái còn trẻ. Cô kể rằng cô vừa trốn khỏi làng vì không muốn lấy một người đàn ông già ngang tuổi bố mình. Dọc đường chạy trốn, cô tìm thấy chiếc thuyền bỏ không và muốn nằm trên thuyền ngủ qua đêm. Sự có mặt của một người đàn bà trên thuyền lúc này thực sự là một gánh nặng. Mugambi chẳng thích thú gì. Nhưng chả lẽ lại mất thời gian chở cô ta quay lại bờ sông, Mugambi quyết định để cô gái ở lại trên thuyền.

Chiếc thuyền độc mộc bơi trên sông Ugam rất nhanh, bằng cái tốc độ tối đa của nó. Những thủy thủ bốn chân đều cầm chèo khá thành thục. Chẳng bao lâu sau, trong bóng tối, chàng trai da đen đã nhận rõ những đường nét lờ mờ của chiếc tàu thủy. Hình như chiếc tàu mỗi lúc một xa dần điểm đỗ. Tàu không nổ máy nhưng vẫn lừng lờ trôi theo dòng chảy. Mugambi hối thúc đàn vượn tăng nhanh nhịp chèo. Nhưng vừa lúc đó, anh lại phát hiện ra có một chiếc thuyền đang lởn vởn gần đó. Một người đàn ông nào đó đang đứng trên mũi thuyền bắt đầu lên tiếng gọi ai đó trên tàu. Hình như người đàn ông đó kêu gọi người trên tàu đừng nổ súng vì ông ta không muốn đụng độ. Nghe thấy tiếng người đàn ông, con báo Sêta có vẻ như nhận ra kẻ thù cũ. Nó gầm lên một tiếng ghê rợn rồi chồm hai chân trước lên mép thuyền độc mộc, co mình chuẩn bị một cú nhảy vồ mồi.

Nghe tiếng gầm của con báo trên sông, Rôcốp nhận ra mối đe dọa sắp đổ xuống đầu hắn và đồng bọn. Hắn lập tức ra lệnh nổ súng vào chiếc thuyền độc mộc. Đó chính là loạt đạn gây nên tiếng thét hoảng loạn của cô gái da đen trốn trên thuyền độc mộc. Tiếng súng và tiếng thét phụ nữ đó đã vọng tới tai cả Tácdăng lẫn Potơrova.

Loạt đạn hoảng hốt của đồng bọn Rôcốp bay vào không khí. Mugambi tiếp tục lái thuyền áp sát vào con thuyền của Rôcốp. Nhưng đàn vượn chậm chạp, vụng về của anh ta chưa kịp tấn công thì đám thủy thủ đã nhảy bổ xuống nước, dựa theo dòng chảy, bơi tới con tàu Kinxây gần đó.

° ° ° Vấp phải bãi cát ngầm, con tàu từ từ quay mũi ngược dòng nước, hướng về bờ phía nam của sông Ugam rồi một lát sau nó lại quay về vị trí xuất phát ban đầu. Đúng là con tàu vô tri vô giác không hề biết tới tình người. Nó cứ lững lờ xuôi theo dòng nước, mang theo Potơrova về phía kẻ thù của cô. Nhưng cũng đúng lúc ấy, Tácdăng đã lao mình xuống sóng nước Ugam. Có điều, khi nhảy xuống sông, Tácdăng chẳng nhìn thấy con tàu nào cả. Chàng không hề biết rằng con tàu Kinxây đang ở trong tầm tay mình. Chàng chỉ biết bơi theo tiếng động mái chèo của hai chiếc thuyền con đang lẩn quất đâu đó trên mặt sông tối sẫm.

Nhớ tới cuộc đụng độ với cá sấu vừa qua, Tácdăng cũng cảm thấy ái ngại. Nhưng chàng không có thời gian mà tưởng tượng lại hình ảnh hàm răng cá sấu. Bởi vì ngay lúc đó, chàng trông thấy có một bóng đen lù lù trước mặt, chắn đường bơi của chàng. Bằng vài sải tay cắt nước, chàng bơi vọt tới gần bóng đen và vô cùng sung sướng khi hai bàn tay mình chạm vào vỏ thép lạnh lẽo của một con tàu lớn.

Leo qua lan can bao quanh boong tàu, Tácdăng nghe thấy phía bên kia boong tàu có những tiếng động dữ dội, có vẻ như tiếng động của một vụ xô xát. Tácdăng nhẹ nhàng tiến về phía có tiếng động.

Mặc dù bị bóng mây che khuất, vành trăng vẫn tỏa sáng đủ cho Tácdăng nhận ra cuộc xô xát giữa một bên là hai người đàn ông và một bên là một người đàn bà. Vậy người đàn bà đó là ai? Điều đó Tácdăng không cần biết. Chàng chỉ biết rằng mình đang đứng trên boong tàu Kinxây và người đàn bà nọ bị hai gã đàn ông tấn công đang rơi vào tình thế nguy kịch.

Mấy thủy thủ trên boong chưa kịp nhận ra kẻ lạ mặt mới đột nhập lên tàu là ai thì hai gã đàn ông đã bị đánh bật khỏi vai người đàn bà.

- Chúng mày làm gì thế? - Giọng người lạ mặt vang lên.

Đám thủy thủ còn đang bàng hoàng chưa biết trả lời ra sao thì người đàn bà chồm dậy, thét lên sung sướng:

- Tácdăng!!!

Cũng đúng lúc ấy hai gã đàn ông bị ném bay qua lan can, rơi tõm xuống nước. Người lạ mặt, cao lớn có vẻ hơi ngỡ ngàng, như không tin vào tai mình. Sau một thoáng do dự, chàng xông tới, chộp lấy hai bờ vai cô gái.

Nhưng Tácdăng và Potơrova không có thời gian nhìn rõ mặt nhau. Hai người chưa kịp ôm nhau thì đã trông thấy mấy gã thủy thủ hùng hổ xông tới. Kẻ dẫn đầu tốp thủy thủ chính là Rôcốp. Dưới ánh trăng nhạt nhòa, Rôcốp đã nhận ra huân tước Grâyxtâu. Ngay lập tức, Rôcốp ra lệnh cho đồng bọn của mình nổ súng.

Tácdăng đẩy Potơrova áp vào bức tường gỗ rồi nhảy xổ vào Rôcốp. Hai gã thủy thủ gần đó xiết cò súng nhưng đạn trượt mục tiêu. Cũng ngay lúc đó, trên boong tàu đã xuất hiện đàn thú của Tácdăng. Năm con vượn lớn lần lượt bám đuôi nhau leo thang dây lên tàu. Nối tiếp theo chúng là chàng trai da đen Mugambi vạm vỡ với ngọn lao dài trong tay, mũi lao nhọn lóe sáng dưới ánh trăng. Người leo lên boong sau cùng chẳng phải ai xa lạ mà là con báo Sêta khôn ngoan với hai hốc mắt long lên giận dữ.

Loạt đạn không trúng Tácdăng nhưng đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho Rôcốp. Lợi dụng lúc Tácdăng tránh đạn, Rôcốp xô ngã mấy gã thủy thủ, bỏ chạy về phòng ngủ. Vì vướng mấy gã thủy thủ cản đường, Tácdăng không thể đuổi theo. Xung quanh chàng, đàn thú đã ùa vào tấn công kẻ thù. Mấy khẩu súng lên tiếng lẹt đẹt chỉ làm đàn vượn và Sêta nổi khùng. Nhóm thủy thủ vứt súng, chới với trước những cú nhảy vồ mồi tung hoành của đàn thú. Chúng chẳng còn hy vọng gì nữa. Một tên thủy thủ bị vật ngã, nằm bất lực dưới chân Acút. Một tên khác đã trở thành nạn nhân của hàm răng Sêta.

Bốn tên thủy thủ còn lại chạy thoát được vào một căn buồng phía đầu tàu và dồn sức, cố gắng chống đỡ đàn thú. Cả bốn tên thủy thủ đều căm tức Rôcốp. Chỉ vì Rôcốp mà trong phút chốc chúng trở thành nạn nhân của bầy thú. Chúng quyết định phải trả thù Rôcốp - kẻ cầm đầu gian ngoan, thô bỉ. Sau khi phát hiện ra Rôcốp đang rúc đầu trốn trong gầm bàn, bất chấp những lời chửi rủa, cầu xin của hắn, bốn thủy thủ xúm vào tóm cẳng hắn vứt ra khỏi phòng, nằm lăn lóc trên boong tàu. Trong giây lát, Rôcốp nằm phơi mình, trần trụi trước bầy thú dữ.

Từ phía xa, Tácdăng đã nhận ra kẻ bị vứt qua cửa sổ là Rôcốp - kẻ thù của mình. Nhưng người đầu tiên trông thấy không phải là chàng. Sêta đã phát hiện ra Rôcốp trước chàng với đôi hàm răng nhe ra trắng nhởn, Sêta lừ lừ tiến đến gần kẻ khốn nạn. Thấy con báo xông tới, Rôcốp bủn rủn hai đầu gối, thét lên, kêu cứu một cách tuyệt vọng.

Khát vọng trả thù như ngọn lửa thôi thúc Tácdăng xông lên phía trước. Sau bao ngày tìm kiếm, cuối cùng chàng đã có tên hung thủ - kẻ giết con trai mình trong tầm tay. Không ai có quyền trừng phạt Rôcốp hơn chàng! Những ngón tay của chàng lần lượt xiết chặt lại trong khi chàng đuổi theo Rôcốp. Ngay sau đó, chàng trông thấy báo Sêta đang lăm le chạy vượt trước chàng. Chàng lên tiếng gọi để Sêta quay lại. Nhưng tiếng gọi của chàng trở nên vô nghĩa. Nó chỉ làm cho Rôcốp giật mình, cắm cổ bỏ chạy vào cabin thuyền trưởng. Con Sêta thì như không hề nghe thấy mệnh lệnh của ông chủ, cứ vùn vụt bám theo Rôcốp.

Tácdăng đang định quát lên, bắt Sêta quay lại thì thấy có bàn tay ai đó nhẹ nhàng đặt lên vai mình. Tácdăng quay lại. Hóa ra là Potơrova.

- Đừng bỏ em! - Vợ Tácdăng thì thào - Em sợ quá!

Tácdăng nhìn quanh. Thì ra vợ chồng chàng đang đứng giữa đàn vượn hung dữ do Acút cầm đầu. Một con vượn đực bước lại gần Potơrova, nhe răng dọa dẫm.

Chàng khổng lồ tóc vàng ra lệnh cho đàn vượn lùi ra. Vì mải trả thù, chàng quên mất rằng những chiến hữu của mình chỉ là những con thú không có khả năng phân biệt bạn thù. Trong kích động vì vậy chúng có thể coi tất cả những người lạ măt trên tàu đều là những con mồi.

Sau khi vỗ về đàn thú, Tácdăng quay đi tìm Rôcốp để tự tay thanh toán món nợ máu. Nhưng chàng đã chậm chân. Rôcốp đang đứng trong cabin thuyền trưởng, mình mẩy run bắn, đôi mắt kinh hãi tới mức đờ đẫn trước bước chân con báo mỗi lúc một tiến lại gần. Rôcốp há mồm, mồ hôi trên trán túa ra, chảy thành dòng xuống khóe mép. Đàn vượn cũng thong thả bước vào cabin. Rôcốp hiểu rằng hắn không còn đường thoát, chỉ biết đứng im như pho tượng. Báo Sêta hếch mũi đánh hơi rồi nhún hai chân sau lấy đà. Hai đầu gối Rôcốp như lỏng ra. Hắn thì thào một câu gì đó rất khó hiểu rồi ngã oặt xuống. Đúng lúc đó Sêta nhảy vụt tới như một ngọn lửa vàng.

Cơ thể nặng nề của con mèo khổng lồ bổ thẳng xuống người Rôcốp. Ngay sau đó, hắn bị lật ngửa ra sàn. Hai hàm răng nhọn của con báo đã đớp gọn voà cổ họng kẻ khốn nạn.

Potơrova nhìn cảnh tượng khủng khiếp ấy mà rùng mình. Cô quay mặt đi để khỏi phải chứng kiến chuyện đổ máu. Thế còn Tácdăng? Chàng nhìn Rôcốp chết bằng đôi mắt bình thản. Đôi môi chàng hơi run run. Vết sẹo trên trán chàng đang ửng màu cầu vồng đã bắt đầu từ từ nhạt dần, tái đi rồi biến mất.

Potơrova khuyên Tácdăng đuổi con báo ra ngoài. Cô muốn xác Rôcốp còn lành lặn để chôn cất hẳn hoi. Theo yêu cầu của vợ, Tácdăng bước lại vỗ vào cổ con báo. Nhưng Sêta đã say máu, kiên quyết không rời mõm khỏi ngực Rôcốp. Thậm chí nó còn ngẩng đầu, trừng mắt dọa Tácdăng. Vì không muốn mất một trong những người bạn trung thành nhất của rừng xanh, Tácdăng buộc phải từ bỏ ý định, để nguyên cho Sêta thỏa mãn.

Suốt đêm hôm đó Sêta nằm trong cabin với đống thịt Rôcốp. Nó thong thả ăn cái xác kẻ thù của Tácdăng cho tới tận sáng, thỉnh thoảng mới ngửa mặt nhìn vành trăng bằng một cặp mắt hiền lành, vô tư lự. Tới lúc mặt trời mọc, xác Rôcốp chỉ còn sót lại vài khúc xương ống.

Trong số đồng bọn của Rôcốp chỉ còn sống sót bốn thủy thủ và Páplôvích - một người mà cho tới lúc đó không hề lộ diện trên tàu. Dưới sự giám sát của Tácdăng, cánh thủy thủ xúm vào quanh buồng máy, đốt lò hơi. Con tàu bắt đầu nổ máy, hoạt động trở lại. Tácdăng định cho tàu quay lại hòn đảo cũ. Nhưng trời vừa hửng sáng thì gió tây nổi lên từng đợt. Sóng biển dồn lên dữ dội, người thủy thủ được phân công lái tàu không còn đủ bình tĩnh lái con tàu đúng hướng. Suốt một tuần liền, tàu Kinxây buộc phải nằm lại trong khúc sông yên tĩnh. Mãi tới xế chiều ngày thứ tám, gió mới lặng dần. Tácdăng quyết định chờ sang sáng hôm sau mới nhổ neo cho tàu ra biển.

Trong suốt thời gian đó, đàn thú vẫn tự do đi lại trên tàu. Tácdăng và Mugambi thay nhau nhắc nhở cho chúng nhớ rằng trên tàu chúng không có kẻ thù nữa. Tuy vậy, để cho thật an tâm, buổi tối hai người vẫn phải dồn chúng xuống hầm tàu đi ngủ rồi khóa cửa lại.

Nghe Potơrova nói rằng đứa trẻ bị chết trong làng của Ganoada không phải là con của vợ chồng họ, Tácdăng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đó là con của ai? Chuyện gì xảy ra với thằng Giếch bé bỏng? Điều đó vợ chồng Tácdăng vẫn chưa hề biết. Rôcốp đã chết và Páplôvích không có trên tàu, vì vậy hai người chưa biết phải làm gì để tìm được đứa con. Có điều, vì chưa thấy những bằng chứng cụ thể, hai người vẫn tin là đứa con của họ vẫn còn sống.

Một điều chắc chắn mà hai người khám phá ra là đứa con trai của họ chưa khi nào có mặt trên tàu Kinxây. Andecxen không hề biết điều đó. Nhưng anh ta đã thề với Potơrova là đứa trẻ mà anh ta và cô bế đi lúc chạy trốn là đứa trẻ duy nhất mà anh ta trông thấy từ lúc tàu thả neo ở bến cảng Đôvơ.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.