Chư dã chịu sự quản lý chặt chẽ của thiếu phủ nhưng lại hoạt động độc lập với thiếu phủ. Thật ra, thiếu phủ có hai chức quan rất đặc biệt. Một là thủy hành đô úy chuyên đôn đốc tạo khí giới, chế tạo thuyền; chức quan còn lại chính là chư dã đô úy chuyên giám sát, chế tạo binh giới, giáp trụ, cùng các loại thiết khí. Thủy hành đô úy hiện tại chỉ có hư danh, do thiếu phủ Lưu Diệp đảm nhiệm. Nhưng chư dã đô úy lại thật sự có thực vụ ở nha môn, vừa lệ thuộc thiếu phủ, lại vừa chịu sự quản lý của phủ Tư không. Tuy nhiên, chung quy mà nói, chư dã phủ vẫn nằm dưới sự quản lý của thiếu phủ, hay ít nhất trên danh nghĩa vẫn phải nghe theo sự quản lý của thiếu phủ Lưu Diệp. Chư dã phủ vì đặc thù công việc mà không được xây dựng ở Hoàng thành, được đặt riêng ở phía tây Hứa Đô, phía cổng Tú Xuân. Chư dã phủ rộng chừng bốn vạn mét vuông, cánh cổng lớn rất cao, hai bên đều có tượng đá bằng thú vàng cổ xưa. Đi vào bên trong, tất cả các loại công việc của chư dã phủ đều được xử lý ở tiền đình. Vào sâu thêm một chút, ở chính giữa Chư dã phủ là một tòa trung đường, mặt trước đặt một cái bàn Công Thâu, và một pho tượng bậc thầy Âu Dã Tử. Lưu Diệp bình thường vốn không quản đến Chư dã giám, mà sau khi Chư dã giám được phong làm phủ, gã lại càng ít tới đây. Tuy nhiên, hôm nay, Lưu Diệp muốn tới tra một vài tư liệu. Bản thân gã cũng là một bậc thầy về cơ quan, bình thường tư liệu về các cơ quan đều được cất giấu ở trong thư quán trong Chư dã phủ. Chính vì thế, mặc dù ở nhà Lưu Diệp cũng có một tàng thư rất lớn, nhưng khi cần tìm các tư liệu chuyên sâu, gã đều phải tới Chư dã phủ. Công việc của Chư dã phủ rất hỗn tạp. Luyện kim loại cho cả nước và các loại khí giới quan trọng cần thiết đều phải được thông qua Chư dã phủ, rồi sau đó mới truyền xuống dưới. Nơi này cộng cả nhân viên tạp dịch có tầm hơn trăm người, cũng coi như là một nhánh có nhiệm vụ riêng biệt. Khi Lưu Diệp đi vào Chư dã phủ, các viên lại đang bận rộn làm việc. Tào Tháo đã hạ lệnh cho Chư dã phủ gia tăng tốc độ tạo binh giới, cần phải nhanh chóng đổi mới trang bị cho binh mã của Dự Châu, đặc biệt là Trần quận Dĩnh Xuyên, bao gồm cả binh mã của Trần Lưu nữa trước năm mới. Đồng thời, Chư dã phủ còn phải đảm nhiệm việc chế tạo Tào Công lê và các nông cụ nữa. Tháng giêng, Hải Tây đã tấu lên, thỉnh xin ba nghìn Tào Công lê. Chuyện này cũng buộc phải đến tay Chư dã phủ. Tóm lại, Chư dã phủ việc lớn thì không có, nhưng việc nhỏ thì lại dồn dập. Hơn một trăm người tuy rằng vội vàng nhưng đều rất trật tự, ngăn nắp, không có đến nửa điểm hỗn loạn. -Tấm bài tử đó là sao? Lưu Diệp chỉ vào bài tử đặt trước các cửa phòng, không nén nổi tò mò hỏi. -Khởi bẩm Lưu thiếu phủ, đây là do Tào đô úy sai người làm, vừa tiện để truyền tin, người đến trình công văn không cần hỏi cũng có thể tìm được nhân viên thích hợp. Lưu Diệp khẽ gật đầu, hỏi tay viên lại đi theo mình: -Mọi chuyện trong phủ đều bình thường chứ? -Hết thảy đều bình thường. Viên lại viên kia vừa nói xong, chợt bất ngờ cười hì hì thành tiếng. -Ngươi cười cái gì? -Chỉ có điều, Tào đô úy gần đây làm rất nhiều chuyện thú vị. Còn có chuyện này chúng ta mới phát hiện ra, không ngờ Tào đô úy có biết chữ. -A? -Gần đây Tào đô úy giống như bị ma nhập, cả ngày cứ lẩm nhẩm, không biết nói cái gì đó. Cái gì mà thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang. Dù sao cũng khá thú vị. Tất cả mọi người đều đoán Tào đô úy đang đọc sách gì đó, hơn nữa mọi người đều rất hiếu kỳ. -Ta cũng thấy hiếu kỳ nữa là. Lưu Diệp nghe thấy, không khỏi khẽ mỉm cười. Đối với Tào Cấp, gã cũng không lạ gì lắm. Tuy nhiên bởi vì lúc trước Tào Cấp được tiến cử làm lương tập, khiến Lưu Diệp trong lòng không được thoải mái cho lắm. Kết quả là ngay đến Tào Cấp cũng bị liên lụy, không được Lưu Diệp trọng dụng. Cũng may trước đây, Tào Cấp luôn chăm chỉ làm việc, chính vì thế, Lưu Diệp cũng không tìm y gây phiền toái. Hiện giờ Tào Cấp đã trở lại, Đặng Tắc ở Hải Tây lại luôn lập được nhiều chiến tích lớn. Nhờ thế, chút oán giận nhỏ nhoi của Lưu Diệp cũng theo đó mà tan thành mây khói. -Tào đô úy hiện đang làm gì? -Hình như đang ở công phòng phía sau đọc sách. -Dẫn ta tới đó xem. Lưu Diệp chợt thích thú, liền lệnh cho tên viên lại kia dẫn gã đi gặp Tào Cấp. Hai người cùng đi qua một lối nhỏ, đi vào công phòng ở hậu viên. Nơi Tào Cấp làm việc thật ra là một tiểu viện riêng biệt, gồm hai sương phòng nhỏ. Một bên dùng để tiếp đãi khách khứa, bên còn lại dùng làm nơi nghỉ ngơi của y. Cửa công phòng đang mở, Tào Cấp không có trong phòng. Tạp dịch nói Tào Cấp vừa mới đi ra, chỉ chốc lát nữa sẽ trở về. Lưu Diệp thầm nghĩ: "Bất kể nói thế nào, Tào Tuyển Thạch cũng là quan dưới quyền của ta. Kể từ khi y đảm nhiệm chức vụ này tới nay, ta vẫn chưa từng gặp y. Dù sao hôm nay cũng không có việc gì, ta cứ chờ một chút, gặp mặt y một lần xem sao. Người ta vẫn nói Tào thị có ba vị đô úy, ta cũng muốn gặp một chút." Nghĩ đến đó, Lưu Diệp xua tay, ra hiệu cho các lại viên lui ra. Đứng trong công phòng, gã quan sát xung quanh, nhẹ nhàng gật đầu. Công phòng của Tào Cấp cũng chính là phòng làm việc, rộng chừng hơn hai trăm mét vuông. Căn phòng giản dị, không học đòi làm sang gì cả, chỉ có một cái bàn dài, mấy chiếc ghế ngồi. Trên bàn bày mấy quyển sách, ngoài ra còn có bản vẽ, và đủ các loại mô hình thô kệch. Có lẽ đây là những thứ ngày thường Tào Cấp vẫn hay nghiên cứu. Căn phòng rất lớn, cũng rất giản dị. Ngoài cửa sổ có một rừng trúc tốt tươi, xanh um, mới nhìn đã thấy thư thái. Một cơn gió khẽ thổi, Lưu Diệp khoan khoái ngồi xuống ghế, ngắm nhìn mọi thứ. Gã chợt thấy trên bàn có đặt một quyển sách đang mở. Quyển sách được giở chừng hơn mười trang, được kẹp giữ trang. Trên sách đề: Bát bách tự văn (Bài văn tám trăm chữ). Bên cạnh còn có một hàng chữ nhỏ: Triều văn đạo, tịch khả tử. Giai nhi sở kỳ, vưu bất khả phụ. Chuyện đứa con bảo bối của ta mong đợi, người làm cha là ta tuyệt không thể khiến con bảo bối của ta thất vọng được. Lưu Diệp thấy thế không khỏi mỉm cười. Gã vươn tay, cầm lấy quyển sách nhỏ kia. Gã mở ra, trang đầu trong sách viết: Cha không cố gắng, con sẽ rất buồn. Ngày thường phải cố gắng nhiều thêm một chút, há lại phải hối tiếc sao? Điều thú vị nhất là hai tấm thẻ kẹp sách có hình phác họa. Một tấm thẻ vẽ hình một thiếu niên lệ rơi đầy mặt. Một hình vẽ khác là một nam tử râu đen đang ngoác miệng cười to. Đây là điển hình cho tranh hoạt hình đời sau, hình ảnh cực kỳ dễ hiểu, vừa xem liền hiểu ngay. Lưu Diệp vừa xem, không khỏi bật cười thành tiếng. Gã liên tục lắc đầu, thầm nghĩ: Cha con Tào Cấp quả thật là người thú vị. Tuy nhiên câu nói "Triều văn đạo, tịch khả tử" quả là rất hay. Rất hay a! Lưu Diệp lại giở qua một trang khác, chỉ thấy trên đó viết: Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang, nhật nguyệt doanh trắc, thần tú liệt trương, hàn vãng thử lai, thu thu đông tàng, nhuận dư thành tuế, luật lã điều dương. Vốn dĩ ban đầu, Lưu Diệp cũng không để ý lắm, nhưng sau khi đọc hết một lượt, gã lại xem lại lần nữa. Cứ tám chữ tạo thành một cột, bốn chữ thành một dòng. Mỗi trang có tám cột, cộng vào là sáu mươi bốn chữ. Hơn nữa ngoài bìa, tên trang sách và mặt sau của sách tổng cộng có mười sáu chương, ước chừng hơn tám trăm chữ cả thảy. Lưu Diệp dần phát hiện, nếu đọc một lèo từ đầu đến cuối cả tám trăm chữ cái này không có một chữ nào lặp lại. Mà tám trăm chữ này sắp xếp cùng một chỗ lại hàm chứa cả thiên văn, địa lý, quân sự, lịch sử, nông canh, điển tích, điển cố. Lưu Diệp càng xem càng giật mình, càng cảm thấy không thể tin nổi. Tám trăm chữ vuông lại hợp thành một bài văn hay tuyệt thế, từ xưa đến nay chưa từng có, vừa thông tục dễ hiểu, vừa lắng đọng, hàm xúc. Có thể thấy được người viết ra được tám trăm chữ này biết trình độ học vấn của Tào Cấp vốn không cao nên cố ý viết ra như thế. Nghĩ đến hai tấm thẻ kẹp sách có vẽ hình họa kia, còn có cả năm câu thơ tuyệt cú cổ quái kia, Lưu Diệp tức thì đoán ra người nào đã viết sách này. -A, hạ quan Tào Cấp không biết Lưu thiếu phủ ghé thăm, không kịp nghênh đón từ xa, xin thiếu phủ thứ tội. Đúng lúc này, Tào Cấp từ bên ngoài tiến vào. Lưu Diệp giật mình, ngẩng đầu nhìn Tào Cấp. Chỉ thấy Tào Cấp cao tám thước, dáng người vạm vỡ. Toàn thân y khoác một chiếc áo dài màu xanh, khiến khuôn người vạm vỡ của y có thêm một chút lịch sự, tao nhã. Ánh mắt của Lưu Diệp chợt trở nên hết sức dịu dàng. Lúc này, Tào Cấp trong mắt gã chợt trở nên hết sức khả ái. Đặc biệt, bộ râu của Tào Cấp lập tức khiến gã liên tưởng đến bức họa hình người ngoác miệng cười to kia. Lưu Diệp không khỏi mỉm cười. -Tuyển Thạch chớ đa lễ. Ta hôm nay cũng là ngẫu nhiên đi ngang qua mà thôi. Ngươi nào có tội gì? Nói xong, Lưu Diệp đứng dậy, đỡ tay Tào Cấp. Chuyện này khiến Tào Cấp tức thì cảm giác thụ sủng nhược kinh (được sủng ái mà khiếp sợ). Đám tùy tùng của Lưu Diệp đều trợn mắt há hốc mồm. Ai chẳng biết vị Lưu Diệp - Lưu Tử Dương này là người cực kỳ cao ngạo. Ngày thường, cho dù là các danh sĩ như Khổng Dung cũng chẳng được gã đối xử hòa ái như thế. Vậy tại sao… -Tuyển Thạch, ngươi ở Chư dã phủ đã quen chưa? Tào Cấp gãi gãi đầu, thật thà, chất phác cười: -Vẫn còn có chút chưa quen. Hạ quan ở xưởng lâu rồi, quen nghe tiếng rèn sắt, giờ tự nhiên thấy im lặng như thế này…Ha ha, nhưng cũng không sao, một thời gian nữa là quen thôi ạ. Cũng khó trách, một người đã làm việc nhiều năm như thế, chợt đổi sang ngồi phòng làm việc dĩ nhiên có chút không thoải mái. Lưu Diệp thoải mái, không chú ý đến, nhàn nhã trò chuyện với Tào Cấp. Chợt chủ đề câu chuyện đổi hướng, gã cầm quyển sách nhỏ trong tay huơ huơ lên. -Tuyển Thạch, người nào viết cuốn sách này vậy? Tào Cấp ngẩn ra, tức thì trả lời: -Là A Phúc nhà ta. Ồ, Kỵ đô úy Tào Bằng soạn ra. Ha ha, nó muốn ta đọc sách biết chữ, nhưng ta lớn tuổi như vậy rồi thật sự có chút khó khăn. A Phúc, ồ, khuyển tử vất vả một đêm, soạn ra bài văn hơn tám trăm chữ này, còn nhờ phụ tá bên cạnh nó là Hám Trạch tiên sinh dạy ta. Hám tiên sinh nói bài văn tám trăm chữ của khuyển tử là kỳ văn, năm trăm năm chưa chắc đã có được một bài. Ta không hiểu nhưng cảm thấy cứ đọc to lên cũng rất dễ nhớ. Mỗi ngày ta cố học hai mươi chữ, sau đó về luyện viết chính tả mấy chục lần, cũng nhớ được khá nhiều. -Đâu chỉ là năm trăm năm mới có một. Ngay cả Cao Tổ Hưng Hán, chỉ sợ đến cả Tư Mã Tương Như và Đông Phương Sóc cũng chưa chắc đã có thể viết ra được bài văn dường này. Lưu Diệp nghiêm mặt nói: -Tuyển Thạch, bài văn hay dường này sao ngươi có thể hưởng một mình được. Ta muốn mượn về nhà chép ra, chẳng biết có được hay không? Tào Cấp ngây thơ, gật gật đầu, nói: -Chuyện này có gì mà không được? A Phúc, khuyển tử vì hạ quan mà viết ra ba cuốn sách, một quyển ở trong tay hắn, một quyển ở trong tay Hám Trạch tiên sinh. Thiếu phủ cứ cầm lấy quyển của ta, ta về nhà sẽ bảo khuyển tử sao chép thêm cho ta một quyển, có gì phải khách khí? Y quả thực không hiểu được tám trăm chữ này ẩn chứa ý nghĩa như thế nào. Lưu Diệp thở phào một cái, phức tạp nhìn Tào Cấp, lòng thầm cảm thấy ngưỡng mộ. Có một đứa con tốt như vậy người này phải có phúc bực nào đây? Nhưng người có con trai tốt như thế, tiền đồ của y nhất định cũng sẽ rất sáng sủa. Chuyện Tào Cấp và Tào Tháo có cùng tông, Lưu Diệp không biết rõ lắm. Lúc trước, Tào Cấp chẳng qua là ngẫu nhiên nhắc đến chuyện này với Tuân Du và Quách Gia, sau này Tào Nam lại nói đúng chuyện này với Ngô lão phu nhân, đến sau này có thêm bốn người Tào Tháo, Tào Chân, Tào Phi và Hạ Hầu Chân biết nữa. Sau khi Tào Cấp trở về Hứa Đô, Tào Tháo cũng không có thời gian nói chuyện với y. Hơn nữa, đối với chuyện nhận mặt tổ tông này, không phải nói nhận là nhận ngay, còn có rất nhiều chuyện cần phải tiến hành khảo chứng nữa. Lưu Bị sở dĩ có thể nhận thức tổ tông, danh chính ngôn thuận trở thành dòng họ Hán thất là nhờ có một câu của Hán đế. Lực lượng của hoàng tộc suy yếu, cần có nhân vật có sức mạnh xuất hiên. Lưu Hiệp bản thân vốn cũng mong muốn hoàng tộc có thể hùng mạnh trở lại, vì thế mới thuận nước đẩy thuyền. Nhưng đối với tông tộc mà nói, có đôi khi còn phức tạp hơn nhiều so với hoàng thất. Bạn đang xem tại Truyện FULL - trumtruyen.net Tào Bằng không nói gì với Tào Cấp, chỉ bảo y đọc sách, học chữ là để chuẩn bị cho ngày sau. Vì để gia tăng hứng thú học tập của Tào Cấp, Tào Bằng cũng phải hao tổn rất nhiều tâm huyết. Cũng may là cha hắn ở kiếp trước là một học giả về Hán ngữ cổ. Kiếp trước, từ thuở mới vỡ lòng, Tào Bằng đã phải học thuộc Thiên tự văn, Bách gia tính, Tam tự kinh và Đệ tử quy. Tuy nhiên so ra thì, Tam tự kinh và Đệ tử quy có cách thời đại này hơi xa, chính vì thế rất nhiều nội dung không được thích hợp cho lắm. Nhưng bài văn nghìn chữ lại không giống thế, nó được viết từ thời Lương Vũ Đế của Nam triều, tác giả là viên ngoại Tán kỵ thị lang Chu Hưng Tự. Khi Thiên tự văn được viết thành sách, cách nay cũng chỉ chừng chưa đến ba trăm năm, bất kể là về vận dụng hay bình luận đều hoàn toàn phù hợp với thư văn, cũng hợp với tập quán những năm cuối thời Đông Hán. Nhưng để viết lại được trọn quyển, Tào Bằng cũng phải hao tổn rất nhiều tâm huyết. Đầu tiên, hắn định viết toàn bộ Thiên tự văn ra. Rồi sau đó, hắn lại cắt đi những nội dung không phù hợp với bối cảnh của thời đại này. Làm đi làm lại, hắn đã cắt đi hai trăm chữ, trở thành bài Bát bách tự văn lúc này. Bát bách tự văn vừa viết ra, bất kể là Hám Trạch hay Hoàng Nguyệt Anh đều phải vô cùng kinh ngạc. Hoàng Nguyệt Anh lập tức sao chép ra một quyển, giữ bên người để đọc và nghiên cứu, thường ngày còn có thể dùng Bát bách tự văn này giảng giải cho Trương thị và Tào Nam, đồng thời có thể tăng thêm tình cảm với Trương thị, vừa giúp mẹ con Trương thị tu dưỡng học thức. Dù sao, Bát bách tự văn này cũng là do Tào Bằng viết ra, thân là mẫu thân, tỷ tỷ của hắn sao có thể một chữ bẻ đôi cũng không biết được? Không chỉ Trương thị và Tào Nam phải biết ít nhất một nửa, Bộ Loan và Quách Hoàn lại càng cần phải đọc thuộc, đọc thuộc làu làu mới thôi. Đây đúng là giai đoạn quật khởi của cả một dòng họ. Trong tương lai, rất có thể Tào gia phải thừa nhận cả dòng họ này. Là một gia tộc, thứ phải kế thừa không phải chỉ có tài sản vật chất, mà còn có tinh thần, văn hóa nữa, cũng tương tự như trở thành vốn liếng của một thế tộc. Hoàng Nguyệt Anh xuất thân từ thế gia, dĩ nhiên hiểu điều này vô cùng rõ ràng. Hơn nữa, trước đây Tào Bằng từng có những kiến giải vô cùng độc đáo về "Luận", cũng có ý nghĩa kế thừa rất lớn. Tuy nói hắn chỉ viết ra một nghìn "Học nhi", nhưng theo Hoàng Nguyệt Anh thấy, Tào Bằng thật sự có thể bình được "Luận ngữ" đã đủ khiến hắn trở thành bậc thầy, là thế gia vọng tộc rồi. Tâm sức của Tào Bằng và Hoàng Nguyệt Anh, Tào Cấp không hiểu rõ. Nhưng lưng mang theo kỳ vọng của ái tử, Tào Cấp cũng hạ quyết tâm không thể khiến Tào Bằng thất vọng. Chẳng qua, Tào Cấp không biết rằng Bát bách tự văn này sẽ mang lại những thay đổi lớn lao thế nào cho y mà thôi. Khi đối mặt với Lưu Diệp, y vẫn còn sợ hãi theo bản năng, nhưng so với lúc trước, đã có tiến bộ rất lớn. Lưu Diệp có được Bát bách tự văn này không còn lòng dạ nào ở lại nữa. Nói chuyện thêm với Tào Cấp hai câu, gã liền cáo từ rời đi. Ôm chặt cuốn Bát bách tự văn trong lòng, Lưu Diệp vội vàng ra khỏi Chư dã phủ. Gã trèo lên xe ngựa, nói với người đánh xe: -Đi, lập tức tới phủ Tư không. ........... Tháng ba cuối xuân, đào hạnh tàn phai. Từng cánh hoa màu hồng phấn, màu trắng buông rơi dưới đất, lòng người có chút nặng nề. Tháng hai năm Kiến An thứ tư, tình hình chiến sự U Châu đi đến hồi kết. Sau khi Viên Thiệu tiêu diệt Công Tôn Toản, chiếm lấy Ký Châu, Thanh Châu, U Châu, Tịnh Châu, thực lực tăng mạnh. Hiện nay dưới trướng gã có hơn mười vạn hùng binh, chiến tướng cả ngàn người. Mùa thu hoạch ở Ký Châu vào năm Kiến An thứ ba cũng giúp Viên Thiệu bớt đi mối lo lắng về thuế ruộng, có thể nói gã hiện đang có tinh binh lương thảo sung túc. Vì thế, Viên Thiệu liền cử trưởng tử Viên Đàm, thứ tử Viên Hy và cháu là Cao Cán trấn thủ Thanh Châu, U Châu và Tịnh Châu. Bản thân gã lĩnh chức Ký Châu mục, lấy danh xưng đại tướng quân của Đại Hán điên cuồng sung binh mã, luôn chực chờ rình rập Tào Tháo. Lại nói tiếp, Tào Tháo vốn vẫn luôn hoang mang, lo sợ. Nhưng kể từ buổi nói chuyện với Tào Bằng ngắm hoa mai uống rượu đó, Tào Tháo như xua được màn đêm tăm tối, nhìn thấy ánh dương chói lòa. Viên Thiệu có gì đáng nói? Nhưng người tên Lưu Bị kia không ngờ lại có thể tránh khỏi sự truy sát của Hổ Báo kỵ, thật khiến Tào Tháo nghẹn lời. Y nhớ lời Tào Bằng nói ngày đó: Kim lân khởi thị trì trung vật, nhất ngộ phong vân liền hóa long (Cá vàng vốn là vật trong ao, gặp được phong vân ắt hóa rồng). "Phong vân" của Lưu Bị hiện đang ở đâu? Nếu không thể sớm tiêu diệt gã, một khi để gã hóa rồng, ắt sẽ thành cái gai, cái ung nhọt trong mắt Tào Tháo. Tào Tháo dù có muốn cũng không thể phủ nhân Lưu Bị thật giống như con cá chạch, cứ trơn trượt tuột khỏi tay y, khiến y khó có thể hạ thủ được. Sự cảnh giác của người này rất cao, vả lại bản thân gã cũng có sức hấp dẫn rất lớn. Hiện giờ, gã đã có được danh hiệu Hoàng thúc, danh vọng của gã càng tăng cao nhiều. Tào Tháo lệnh Hổ Báo kỵ truy sát gã khiến không ít người trong triều chính sinh lòng bất mãn với y. Cũng có rất nhiều người trực tiếp đả kích y trên triều. Những người này đều có bụng dạ khó lường! Tào Tháo càng nghĩ càng thấy hối hận trước kia bản thân chỉ lo chiêu hiền đãi sĩ, không ngờ lại dưỡng hổ di họa (nuôi hổ rước họa). Khi còn ở Hạ Bì, người vận chuyển lương thực của Tào Bằng từng có xung đột với Lưu Bị, lẽ ra Tào Tháo nên nhân cơ hội đó mà giết chết Lưu Bị; sau này Lưu Bị lại lén liên hệ với Trương Liêu, lẽ ra y cũng có thể nhân cơ hội đó mà ra tay. Nhất thời ra tay nhân từ lại khiến đại tặc trốn thoát. Y lại càng không nên vô duyên vô cớ giúp huynh đệ Lưu Bị thành danh: Lưu Bị được làm hoàng thúc, còn Quan Vũ nhờ chém được Lã Bố mà vang danh thiên hạ. Bản thân Tào Tháo đúng là tự làm tự trói buộc chính mình!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]