By Lăng Y
Tiết thanh minh, người qua lại trên đường Biện Lương vắng đi hơn nửa. Lúc mặt trời đã lên cao, Triển Chiêu vốn đang nhân ngày nghỉ mà ngủ nướng trong phòng bị Bạch Ngọc Đường nằng nặc kéo dậy, nói muốn đi đạp thanh.
Triển Chiêu không cưỡng được, cũng không muốn làm mất nhã hứng bất chợt của hắn, đành phải mặc quần áo ra ngoài, sóng vai cùng hắn đi đến Bắc thành.
Trước cửa nhà nhà đều treo tảo cố phi yến (1),trong những viên bột trắng như tuyết lộ ra những miếng táo mê người, cực kỳ đáng yêu. Bạch Ngọc Đường bẻ một cành liễu rủ bên sông cài lên tóc, màu xanh non mơn mởn kia càng tôn thêm sắc mặt hồng hào cùng thần thái phi dương của hắn.
“Này, ngươi nói xem lúc bị thiêu chết, trong lòng Giới Tử Thôi (2) đang suy nghĩ gì?” Bạch Ngọc Đường đột nhiên hỏi.
Triển Chiêu cũng coi như trong đầu hắn lại bất chợt nảy ra cái suy nghĩ kỳ quái gì đó, bèn đáp lại: “Hắn có công không nhận, không màng phú quý, lấy chết minh chí, cũng coi như là quân tử đi.”
Bạch Ngọc Đường liền bật cười “ha ha”, nói: “Nhất định là ngươi bị người kể chuyện gạt rồi. Sự thực nào đâu có như vậy? Rõ ràng là năm đó Giới Tử Thôi cắt thịt đùi nấu canh, nhưng Trùng Nhĩ sau khi lên làm vua lại quên mất hắn, hắn căm hận chạy vào trong núi ngày ngày nguyền rủa. Sau đó Trùng Nhĩ nhớ tới hắn, đến mời hắn ra, nhưng Giới Tử Thôi oán hận quá lớn, muốn buộc Trùng Nhĩ phải gánh lấy cái ác danh vong ân phụ nghĩa. Trùng Nhĩ cũng nổi giận, nào có ai lại dám lên mặt với ta —— đốt, thanh minh chính là như thế mà ra. Không tin sao? Giới Tử Thôi để lại một thủ ‘Sĩ thất chí thao’ làm chứng đây: ‘Hữu long kiểu kiểu, khoảnh thất kỳ sở. Ngũ xà tòng chi, chu biến thiên hạ. Long cơ vô thực, nhất xà cát cổ. Long phản kỳ uyên, an kỳ nhưỡng thổ. Tứ xà nhập huyệt, giai hữu xử sở. Nhất xà vô huyệt, hào vu trung dã’.”
Triển Chiêu ngó trời, nói: “Ta biết ngươi không có cảm tình gì với quân vương hoàng đế, có điều cũng không cần lấy loại thơ ngụy này ra để chứng minh cho lời ngụy biện của ngươi. Ta đối với chốn quan trường này xưa nay không có gì lưu luyến, đến lúc ta quyết ý dứt đi, không một ai có thể ngăn cản, ai cũng không cản được. Nếu như có người nhất định phải chọn cách thiêu cháy, ngươi cũng cứ tin ta nhất định có thể sống sót bò ra Miên sơn.”
“Đúng, ta tin.” Bạch Ngọc Đường đột nhiên yên lặng, bình tĩnh nhìn y, “Thế nhưng, sĩ thất chí thì lại thương tâm, gặp hỏa thiêu thì lại thương thân. Ta vẫn sẽ lo lắng, cũng sợ ngươi sẽ bị thương.”
“Quên đi. Người xưa dầu sao cũng đã chết rồi.” Triển Chiêu nhẹ nhàng đẩy hắn ra, nói, “Nếu như ta có một ngày đó, chỉ mong Thanh minh ngươi có thể đến viếng mộ ta mà thôi.”
“Vậy nếu như ta chết trước, ngươi sẽ đến thăm mộ phần ta chứ?” Bạch Ngọc Đường hỏi.
“Chuyện này…” Triển Chiêu tưởng tượng đến cảnh này, lòng chợt đau như cắt. Y không sợ chết, nhưng y chưa từng mong Bạch Ngọc Đường sẽ chết trước y, chuyện này quả thật là so với việc mình chết đi còn khó mà chịu đựng nổi bội phần. Có phải khi Ngọc Đường nghĩ đến cảnh tượng đi viếng mộ cho mình, cũng sẽ có tâm trạng thế này hay không?
“Đời người đẹp đẽ biết bao nhiêu.” Triển Chiểu nhìn Bạch Ngọc Đường, nói, “Có chuyện muốn làm, có ân tình nhất định phải báo đáp, cũng có bằng hữu, tri kỷ… Cứ nghĩ đến những thứ ấy là lại không nỡ chết. Vậy nên, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng sống tiếp đi.”
Chú thích:
(1) Tảo cố phi yến: Còn gọi là ‘bánh Tử Thôi’. Là một loại bánh táo làm thành hình chim yến bay, dùng dây xâu lại treo lên cửa làm đồ ăn lạnh để tưởng niệm đến phẩm chất cao thượng không cầu danh lợi của Giới Tử Thôi.
(2) Điển tích về Giới Tử Thôi: Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.
∗∗∗∗∗