Người ấy là một người mù. Một người đàn bà lưng quay ra cửa, nằm trên giường, dường như đang ngủ, ngủ rất say. Mộ Dung Thu Hoạch không ở trong phòng này, "chú em" cũng không. Người hỏng mắt đáng thương và người đàn bà ham ngủ này chẳng lẽ đến đợi Tạ Hiểu Phong ở trong phòng này ư? Nhưng xưa nay chàng chưa gặp họ bao giờ. Chàng vừa bước vào thì định quay ra nhưng người mù đã gọi giật chàng lại. Hình như phần lớn người hỏng mắt, mắt tuy mù nhưng tai lại rất thính. Tạ Hiểu Phong ngạc nhiên vô cùng. Chàng không ngờ được người mù lại biết người tới là chàng. Trên nét mặt tiều tụy của người mù chợt hiện lên vẻ cực kỳ kỳ dị lại hỏi một câu cũng kỳ dị không kém: - Lẽ nào Tam thiếu gia không nhận ra ta ư? Tạ Hiểu Phong bảo: - Làm sao tôi nhận ra ông? Người mù bảo: - Nếu chàng nhìn thật kỹ càng đi thì sẽ nhận ra! Tạ Hiểu Phong nhịn không được bèn dừng lại, nhìn thật tỉ mỉ, thật lâu, rồi bỗng như thấy có một dòng điện lạnh chạy ngược từ gót chân lên. Quả nhiên chàng đã nhận ra người này. Người mù đáng thương này rõ ràng là Trúc Diệp Thanh, con người mù mắt nhưng còn độc hơn cả rắn độc Trúc Diệp Thanh! Trúc Diệp Thanh cười bảo: - Tôi biết là chàng nhận ra tôi mà! Chắc chàng đã nghĩ ra mắt tôi tại sao lại bị mù rồi chứ? Nụ cười của gã khiến người ta trông thấy phải thấy lạnh lòng: - Nhưng mà nàng ta vẫn đại từ đại bi, vẫn còn để lại cái mạng này của tôi, lại còn lấy cho tôi một người vợ! Tất nhiên Tạ Hiểu Phong hiểu gã bảo "nàng ta" là người nào, nhưng lại không đoán được tại sao Mộ Dung Thu Hoạch lại không giết gã, chàng lại càng không đoán được sao nàng ta lại lấy vợ cho Trúc Diệp Thanh. Trúc Diệp Thanh bỗng thở dài bảo: - Dù thế nào đi nữa, nàng ta lấy cho tôi người vợ này quả thật cũng là người vợ tốt, giá đổi cho tôi bằng cách điếc thêm một đôi tai tôi cũng tình nguyện! Giọng gã vốn đã đầy oán độc quả biến thành ôn tồn thật. Gã vươn tay đánh thức người đàn bà đang ngủ mê mệt, bảo: - Có khách đến, ngươi dậy rót cho khách bát trà chứ! Người đàn bà vâng lời ngồi dậy, đầu cúi gục, lấy một bát trà cũ kỹ, sứt mẻ rót một bát trà nguội bưng tới. Tạ Hiểu Phong vừa đón bát trà thì bát trà trên tay cơ hồ tuột khỏi tay rơi xuống. Tay chàng lạnh giá, toàn thân cũng giá lạnh, còn lạnh hơn cả lúc nhận ra Trúc Diệp Thanh. Cuối cùng chàng cũng nhìn thấy mặt người đàn bà. Người vợ thuận thảo của Trúc Diệp Thanh rõ ràng là "cô bé", "cô bé" bị gã hại cho thảm thê. Tạ Hiểu Phong không kêu không gọi chỉ vì "cô bé" đã van xin chàng, cô đã dùng đôi mắt gần trào nước mắt để cầu xin, xin chàng đừng có hỏi han gì cả, bất kỳ gì cũng đừng hỏi. Chàng không hiểu sao "cô bé" lại làm như vậy? Sao cô lại cam chịu làm vợ kẻ thù? Nhưng rồi cuối cùng chàng vẫn phải ngậm miệng. Xưa nay chàng không muốn nhẫn tâm cự tuyệt yêu cầu của cô gái đáng thương này. Trúc Diệp Thanh bỗng cất tiếng hỏi: - Vợ tôi rất tốt, rất đẹp phải không? Tạ Hiểu Phong miễn cưỡng chế ngự bản thân, đáp: - Phải! Trúc Diệp Thanh lại cười, sướng đến nỗi bộ mặt tiều tụy rạng rỡ hẳn lên, dịu giọng bảo: - Tôi tuy không nhìn thấy mặt cô ấy nhưng tôi cũng biết là cô ấy rất đẹp. Một người đàn bà có tấm lòng tốt như vậy thì người không thể xấu được! Gã không biết vợ gã là "cô bé". Nếu gã biết người vợ hiền hậu của gã là người đàn bà từng bị gã hại cho thê thảm thì gã sẽ ra sao? Tạ Hiểu Phong không muốn nghĩ gì thêm nữa, cao giọng hỏi: - Phải chăng ngươi đợi ta? Phải chăng "phu nhân" muốn ngươi đợi ta? Trúc Diệp Thanh gật đầu, giọng nói chợt trở nên băng lạnh: - Nàng ta muốn tôi bảo với chàng là nàng ta đi rồi. Dù chàng thắng hay bại, sống hay chết từ sau trở đi nàng ta không muốn gặp lại chàng nữa! Dĩ nhiên đây không phải là ý tứ thật sự của nàng ta. Nàng ta lưu gã ở lại cốt để Tạ Hiểu Phong nhìn thấy Trúc Diệp Thanh đã biến thành con người như thế nào và lấy người vợ ra sao? Trúc Diệp Thanh bỗng nói: - Vốn nàng ta cũng muốn "chú em" ở lại nhưng "chú em" cũng đi, "chú em" bảo muốn lên núi Thái Sơn! Tạ Hiểu Phong nén không được bèn hỏi: - Lên làm gì? Lời đáp của Trúc Diệp Thanh đơn giản mà sắc bén: - Đi làm việc mà gã thích làm! Giọng gã trở nên đầy châm chọc: - Vì gã chẳng có gia thế gì, không cha không anh em, đành đi thử vận may một phen, gây dựng thiên hạ của mình! Tạ Hiểu Phong không nói gì thêm nữa. Điều gì cần nói dường như nói hết rồi. Chàng len lén đứng dậy len lén bỏ đi. Chàng tin là "cô bé" sẽ đi theo chàng, "cô bé" có biết bao nhiêu chuyện cần giải thích! Và đây là lời giải thích của "cô bé". - "Khi Mộ Dung Thu Hoạch ép thiếp phải lấy gã Trúc Diệp Thanh, vốn thiếp đã quyết lòng chết cho rồi. Thiếp chịu lấy gã là để chờ cơ hội giết gã, báo thù cho cả nhà! Nhưng không ngờ sau này thiếp chẳng có cách gì xuống tay cho được. Vì gã đâu còn là tên Trúc Diệp Thanh ngày trước tàn hại cả nhà thiếp mà chẳng qua chỉ còn là một kẻ mù lòa đáng thương hại, chẳng những mắt đã mù mà ngay gân hai chân cũng bị cắt đứt luôn. Có một lần thiếp đã nổi lòng độc ác định giết gã nhưng khi thiếp sắp ra tay thì gã chợt khóc trong cơn mơ mà tỉnh giấc, đau đớn khóc lóc kể lại những chuyện tệ hại gã đã làm xưa kia... Từ đó trở đi, thiếp chẳng còn bụng dạ nào mà căm hận gã nữa. Tuy lúc nào thiếp cũng tự nhắc nhở mình là không bao giờ được quên hận thù đối với gã nhưng khổ nỗi trong lòng thiếp không còn hận thù mà chỉ còn sự thương hại và đồng tình. Gã thường khóc lóc van xin thiếp chớ bỏ rơi gã vì nếu không có thiếp thì một ngày gã cũng không sống nổi. Quả thật gã không biết là đến giờ thiếp cũng không xa rời nổi gã cũng y như gã. Vì chỉ có ở gần gã thiếp mới thấy mình thật sự là một người đàn bà. Tất nhiên gã không biết quá khứ của thiếp, cũng không coi rẻ thiếp lại càng không rẻ bỏ thiếp nhân lúc thiếp ngủ say mà bỏ trốn đi. Thật tình chỉ có ở gần gã thiếp mới cảm thấy an toàn và hạnh phúc vì thiếp hiểu là gã rất cần thiếp. Đối với một người đàn bà, biết được có một người đàn ông thật sự cần đến mình đó chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn nhất ư? Cũng có thể chàng vĩnh viễn không có cách gì hiểu được cảm giác ấy, nhưng dù chàng muốn nói gì thì nói thiếp cũng không bao giờ rời bỏ gã đâu!" Tạ Hiểu Phong còn có thể nói được gì nữa? Chàng chỉ còn nói được ba tiếng vì trừ ba tiếng này ra thực chàng không còn nghĩ ra lời nào khác. Chàng bảo: - Chúc mừng cô! ***** Trăng lạnh. Mộ mới. Mộ Yến Thập Tam. Dùng đá hoa cương đục thành bia chỉ có bốn chữ giản dị vì dùng bao nhiêu chữ đi nữa cũng chẳng thể nào vẽ nên đầy đủ cuộc đời đầy bi thảm và truyền kỳ của ông ta. Vị kiếm khách tuyệt trần đời đã vùi thân ở đây. Ông đã vươn lên đến đỉnh cao của kiếm thuật mà không một người nào khác đạt tới, nhưng bây giờ ông cũng nằm dưới đất vàng, cũng y như mọi người khác! Gió thu heo hắt. Tâm tình Tạ Hiểu Phong cũng hiu hắt như vậy. Thiết Khai Thành từ lâu đến giờ vẫn ngồi nhìn chàng, chợt bảo: - Có thật là ông có thể chết mà không tiếc chăng? Tạ Hiểu Phong bảo: - Thật đấy! Thiết Khai Thành bảo: - Ông có thật sự tin rằng con rồng độc đã giết hại ông ấy không thể sống lại ở ông được không? Tạ Hiểu Phong đáp: - Quyết không thể! Thiết Khai Thành bảo: - Nhưng ông đã biết hết biến hóa trong kiếm pháp của ông ấy, ông lại đã được trông thấy tận mắt chiêu kiếm cuối cùng ấy! Tạ Hiểu Phong bảo: - Nếu có thể nói trên đời này còn có người có thể sử chiêu kiếm ấy thì người ấy phải là ta! Thiết Khai Thành: - Chắc chắn là ông rồi! Tạ Hiểu Phong bảo: - Nhưng suốt cuộc đời này của ta sẽ không thể sử lại chiêu kiếm ấy! Thiết Khai Thành hỏi: - Tại sao? Tạ Hiểu Phong không đáp mà chỉ thò đôi tay trong ống tay áo ra. Trên hai bàn tay chàng hai ngón cái đã bị chặt đứt. Không còn ngón cái là không còn cầm được kiếm. Đối với một con người như cỡ Tạ Hiểu Phong không cầm được kiếm cầm bằng như chết còn hơn. Thiết Khai Thành biến sắc mặt. Nhưng Tạ Hiểu Phong lại mỉm cười bảo: - Trước kia thì ta chẳng làm thế này đâu, có chết ta cũng chẳng làm! Chàng cười nhưng gượng gạo: - Nhưng giờ ta đã nghĩ thông rồi. Một con người chỉ cần trong lòng được bình tĩnh thì dù có phải hy sinh đến đâu cũng đáng! Thiết Khai Thành trầm ngâm rất lâu dường như đang nghiền ngẫm ý vị câu nói của Tạ Hiểu Phong. Rồi bỗng chàng ta nén không nổi bật nói: - Chẳng lẽ hy sinh cả tính mạng cũng được ư? Tạ Hiểu Phong bảo: - Ta không biết! Giọng chàng ổn định và ung dung: - Ta chỉ biết một người nếu trong lòng không yên ổn bình tĩnh thì có sống còn khổ hơn chết nhiều! Dĩ nhiên Tạ Hiểu Phong đủ tư cách nói như vậy vì chàng đã thực sự có cả một cuộc đời dài những kinh nghiệm trải qua đau khổ và cũng không biết tiếp thu kinh nghiệm qua bao đau buồn thê thảm mới cởi mở được tâm tình, mới giải thoát được mình. Nhìn sắc mặt bình tĩnh của Tạ Hiểu Phong, Thiết Khai Thành cũng thở dài rồi trấn tĩnh bảo: - Giờ ông định đi đâu? Tạ Hiểu Phong bảo: - Ta cũng chưa biết. Có khi ta phải trở về nhà xem sao nhưng trước khi trở về nhà ta còn đi các nơi thăm thú xem sao! Chàng lại cười bảo: - Giờ ta không còn là kiếm khách thiên hạ vô song Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong nhà họ Tạ nữa, ta giờ chỉ còn là một người bình thường mà thôi nên bất tất phải dày vò bản thân như trước kia để làm gì! Một con người rút cuộc là một con người như thế nào? Rút cuộc nên làm một con người như thế nào? Thông thường đều do con người ấy quyết định. Tạ Hiểu Phong lại hỏi Thiết Khai Thành: - Còn ngươi? Ngươi định đi đâu? Thiết Khai Thành trầm ngâm chậm rãi đáp: - Tôi cũng không biết nữa, có lẽ tôi cũng nên trở về xem nhà ra sao nhưng trước khi về nhà, có khi tôi cũng đi các nơi thăm thú xem sao! Tạ Hiểu Phong mỉm cười bảo: - Cực tốt đấy! Lúc đó là lúc ánh mặt trời trong trẻo rọi chiếu trên mặt đất như hoa gấm. Đó là một thị trấn nhỏ chất phác và thuần nhất nhưng lại nằm trên con đường phải đi qua để lên núi Thái Sơn. Tuy hai người bảo là sẽ tùy tiện rong chơi, tùy tâm thăm thú các nơi nhưng lại cùng đi đến con đường này. Có khi quan hệ giữa người với người cũng giống y như ta thả một cánh diều theo gió, dù diều bay cao mấy xa mấy nhưng vẫn còn quan hệ với sợi dây buộc dưới gốc. Chẳng qua sợi dây buộc đó cũng y sợi dây buộc kiếm ở dòng sông thông thường kẻ khác không nhìn thấy mà thôi! Trong thị trấn nhỏ đó cũng có một quán trọ nói to thì không phải to nhưng nói nhỏ thì không quá nhỏ. Tất nhiên quán trọ này cũng bán cả rượu. Thiết Khai Thành bảo: - Ông đã thấy quán trọ nào không bán rượu chưa? Tạ Hiểu Phong bảo: - Chưa! Chàng mỉm cười: - Trong quán trọ không bán rượu có khác gì xào thức ăn không cho muối, chẳng những người khác không xài được mà mình cũng xài không được! Điều quái lạ là quán trọ này không bán rượu mà dường như bán thuốc. Hương thuốc theo từng làn gió phả tới, ngửi còn nồng hơn mùi rượu. Thiết Khai Thành: - Ông đã thấy quán trọ bán thuốc bao giờ chưa? Tạ Hiểu Phong chưa kịp nói thì chủ quán đã nói tranh: - Quán nhỏ nhà tôi cũng không bán thuốc, có điều vài ngày trước có vị khách trọ ngả bệnh, bạn ông ta sắc thuốc cho ông ta uống. Thiết Khai Thành hỏi: - Ông ta bị bệnh cấp tính ư? Chủ quán thở dài bảo: - Đúng là bệnh cấp tính thật, một con người đang khỏe mạnh, thoáng cái đã ngả bệnh gần chết. Bỗng như ông ta thấy mình nói sai, nên cười giả lả vội giải thích: - Bệnh này cũng không truyền nhiễm cho người khác đâu. Xin quý khách cứ yên tâm mà nghỉ lại! Nhưng bệnh cấp tính "thoáng một cái đã khiến người ta ngã bệnh gần chết" thông thường phải là loại bệnh lây lan sang người khác. Người giang hồ lăn lóc phong trần ai mà chẳng có hiểu biết thông thường này. Thiết Khai Thành cau mày đứng dậy đi ra cửa sổ phía sau nhìn thì thấy dưới mái hiên nhà ở sân nhỏ đằng sau có một chàng trẻ tuổi đang dùng quạt quạt bếp lò. Khi sắc thuốc cho bè bạn trên mình thông thường không ai dắt binh khí nhưng gã này lại đeo kiếm, đã thế lại còn một tay nắm chắc chuôi kiếm dường như lúc nào cũng sẵn sàng phòng bị kẻ khác đánh lén. Thiết Khai Thành nhìn một lúc lâu bỗng gọi: - Tiểu Triệu! Người kia nhảy bật dậy, tuốt kiếm khỏi vỏ đến lúc nhìn rõ là Thiết Khai Thành mởi thở ra nhẹ nhõm cười giả lả: - Té ra là Tổng tiêu đầu! Thiết Khai Thành vờ làm như không thấy dáng vẻ lo lắng của gã, mỉm cười bảo: - Ta đang uống rượu ở ngoài kia, ngươi sắc thuốc xong ra uống với ta vài chén cho vui được không? Tiểu Triệu tên là Triệu Thanh vốn là một tên chạy cờ trong tiêu cục Hồng Kỳ nhưng từ nhỏ đã rất cầu tiến, mấy năm trước đã xin vào làm môn đệ núi Hoa Sơn. Tất nhiên đó là do sự cố gắng của gã nhưng cũng do Thiết Khai Thành dốc sức vun đắp cho. Thiết Khai Thành đã mời, tất nhiên gã đâu dám từ chối. Gã lập tức ra ngay. Uống vài chén rượu xong, Thiết Khai Thành hỏi: - Người bạn ngả bệnh kia của ngươi là ai vậy? Triệu Thanh đáp: - Là sư huynh của tôi! Thiết Khai Thành hỏi: - Hắn bị bệnh gì vậy? Triệu Thanh đáp: - Bệnh... bệnh cấp tính! Gã vốn là một thanh niên xởi lởi bây giờ bỗng nói năng ấp a ấp úng, dường như không muốn để lộ bí mật cho người khác biết. Thiết Khai Thành mỉm cười nhìn Triệu Thanh, tuy không vạch trần gã nhưng xem ra còn khó chịu hơn là bị vạch trần. Mặt Triệu Thanh bắt đầu bừng đỏ, gã đã có thói quen xưa nay không bao giờ nói dối trước mặt Tổng tiêu đầu, gã cũng định nói thực cho Tổng tiêu đầu biết nhưng hiềm nỗi bên cạnh Tổng tiêu đầu lại có người lạ. Thiết Khai Thành mỉm cười: - Tạ tiên sinh đây là bạn ta, bạn ta không bán rẻ bạn bè đâu! Cuối cùng Triệu Thanh thở dài, cười gượng: - Bệnh của sư huynh tôi là bị kiếm đâm trúng! Bị kiếm đâm, đúng là bệnh gấp, vừa gấp vừa nặng. Thiết Khai Thành: - Người bị bệnh là vị sư huynh nào của ngươi vậy? Triệu Thanh đáp: - Là Mai đại sư huynh! Thiết Khai Thành đổi sắc mặt: - Có phải là vị "Thần Kiếm Vô Ảnh" (Kiếm thần không bóng) Mai Trường Hoa phải không? Quả thật Thiết Khai Thành cũng giật mình. Mai Trường Hoa là đệ tử chưởng môn phái Hoa Sơn, là một kiếm khách đã thành danh trên giang hồ. Xét về kiếm thuật của họ Mai, sao lại có thể "bị bệnh" vì kiếm của người khác được? Thiết Khai Thành lại hỏi: - Ai làm gã bị ngả bệnh? Triệu Thanh đáp: - Là một đệ tử mới nhập môn phái Điểm Thương, tuổi còn rất trẻ! Thiết Khai Thành càng ngạc nhiên. Uy danh của kiếm phái Hoa Sơn còn trên cả Điểm Thương. Một tên đệ tử mới nhập môn Điểm Thương làm sao đánh đổ được đệ tử trưởng của phái Hoa Sơn? Triệu Thanh kể: - Chúng tôi trở về núi Hoa Sơn hội họp đến đây thì gặp gã. Bỗng dưng gã cùng đại sư huynh xung đột thách đại sư huynh đấu một chọi một đến phân thắng bại. Tiểu Triệu thở dài kể tiếp: - Lúc ấy chúng tôi còn cho là gã điên, cho là gã đang muốn chết, ai ngờ... thật không ai ngờ được đại sư huynh lại bại dưới kiếm của gã. Thiết Khai Thành: - Các ngươi đánh mấy chiêu mà bị bại? Triệu Thanh càng lúng túng, ngần ngừ giây lâu mới khe khẽ bảo: - Dường như chưa đầy mười chiêu! Một đệ tử mới nhập môn phái Điểm Thương trong mười chiêu mà đánh bại Mai Trường Hoa! Điều này khiến người ta không biết nghĩ sao mà quả là chuyện "mất mặt", chẳng trách Triệu Thanh cứ lúng ba lúng búng không muốn nói ra. Huống hồ Mai Trường Hoa xưa nay kiêu căng tự phụ, trên giang hồ kết nên không ít kẻ thù cho nên dĩ nhiên là họ phải phòng bị sợ kẻ khác thừa cơ tới báo thù. Triệu Thanh lại bảo: - Nhưng kiếm pháp của gã lại không phải hoàn toàn là kiếm pháp Điểm Thương nhất là chiêu kiếm cuối cùng chẳng những đã độc địa kỳ quái mà hỏa hầu lại già dặn, coi bộ ít ra cũng phải là công phu khổ luyện mười năm! Thiết Khai Thành hỏi: - Ngươi nghĩ là gã đã có nghệ rồi mới theo học thầy ư? Triệu Thanh đáp: - Nhất định thế! Tạ Hiểu Phong bỗng hỏi: - Gã người thế nào? Triệu Thanh đáp: - Gã tuổi rất trẻ nhưng làm việc rất lão luyện, tuy rất ít nói nhưng lời nói ra là có phân lượng lắm! Triệu Thanh nghĩ ngợi một chốc rồi lại bảo: - Coi bộ gã không phải hạng người chỉ một lời nói không hợp là đè nhau ta quyết đấu, xem ra lần này nhất định là gã lập oai lấy tiếng trên giang hồ nên mới ra tay như vậy. Tạ Hiểu Phong hỏi: - Gã tên là gì? Triệu Thanh đáp: - Gã họ Tạ, Tạ Tiểu Hoạch! Tạ Tiểu Hoạch! Ba chữ tên này bỗng chốc đã lừng danh giang hồ. Chỉ trong năm ngày ngắn ngủi Tạ Tiểu Hoạch đã đâm bị thương Mai Trường Hoa, đánh bại Tần Độc Tú, thậm chí đệ nhất cao thủ trong hàng đời sau của phái Võ Đang là Âu Dương Vân Bằng cũng bại luôn dưới kiếm của gã. Sự quật khởi của chàng trẻ tuổi này có thể coi là một kỳ tích! ***** Đêm. Trên bàn có để đèn, có bày rượu. Thiết Khai Thành nâng chén rượu trầm ngâm rồi bỗng cười bảo: - Tôi đoán biết hiện giờ ông đã biết Tạ Tiểu Hoạch là ai rồi! Tạ Hiểu Phong không trả lời trực tiếp câu nói của Thiết Khai Thành mà chỉ thở dài: - Ta chỉ biết gã bây giờ đang vội muốn thành danh vì có thành danh xong gã mới xua đuổi được bóng đen trong lòng. - Bóng đen trong lòng gã là gì? - Phải chăng là ông bố quá nổi tiếng của gã? Hay là đoạn hồi ức đau khổ đè nặng trong lòng gã bấy lâu nay? Thiết Khai Thành: - Gã cố ý tìm đến danh gia đệ tử để gây chuyện, tôi cho rằng gã muốn tranh đoạt ngôi vị Minh chủ ở Thái Sơn! Nhưng gã lại không làm như vậy. Vì gã biết là danh vọng của gã chưa đủ vì vậy gã vẫn ủng hộ Lịch Chân Chân lên ngồi trên bảo tọa của Minh chủ. Đó là chuyện của hai ngày trước. Tin tức hôm nay là gã đã lấy Minh chủ mới nhận chức là Lịch Chân Chân làm vợ. Thiết Khai Thành mỉm cười: - Hôm nay tôi mới biết gã thông minh hơn chúng ta tưởng nhiều! Dĩ nhiên Lịch Chân Chân cũng là người thông minh nên hiểu là chuyện kết hợp nên vợ nên chồng này đều có lợi cho cả đôi bên! Thiết Khai Thành lại bảo: - Xưa nay tôi vẫn nghĩ không hiểu khi nghe tin tức này thì Mộ Dung Thu Hoạch phu nhân có cảm giác thế nào? Tạ Hiểu Phong cũng không hiểu. Thậm chí trong lòng chàng có cảm giác gì chàng cũng khó phân biệt rõ. Bỗng Thiết Khai Thành cười: - Thật ra chúng ta cũng chẳng nên lo thay cho họ. Mỗi đời trên giang hồ đều có những người như loại họ xuất hiện. Trong khi họ vùng vẫy để cố leo lên thật cao thì có lẽ họ chẳng cần chọn thủ đoạn đâu, đợi đến khi họ thành danh rồi thì sẽ nhất định đi mà làm cho tốt thôi! Vì họ đều rất thông minh nên quyết không dễ gì chôn vùi cái danh tiếng phải mất bao gian khổ mới dựng nên. Có lẽ vì trong giang hồ vĩnh viễn tồn tại những người như họ nên có thế mới giữ được thế ổn định, thăng bằng. Vì ngay giữa họ cũng vẫn kiềm chế lẫn nhau và quan hệ đó của họ có khác gì trên đời chẳng những có hổ, báo, sư tử mà còn cần có cả chuột bọ ruồi muỗi mới duy trì được sự cân bằng trong tự nhiên. Tạ Hiểu Phong bỗng thở dài: - Chàng trai này tuy không có gia thế hiển hách, cũng chẳng có cha mẹ có thể nhờ cậy nên muốn thành danh quả không dễ dàng! Thiết Khai Thành bảo: - Nhưng người trẻ tuổi chỉ cần có chí khí như thế. Nếu quả là gã đang tìm cách leo lên cao thì không ai có thể bảo là gã đi sai đường! Tạ Hiểu Phong: - Phải! Chàng vừa nói như vậy thì có một bọn trẻ tuổi xộc vào, cao giọng hỏi to: - Ông là Tạ Hiểu Phong? Tạ Hiểu Phong gật đầu. Gã trẻ tuổi kia lập tức rút kiếm ra, chong mũi kiếm vào chàng: - Ông rút kiếm ra để cùng ta một trận thắng bại! Tạ Hiểu Phong: - Ta tuy là Tạ Hiểu Phong nhưng đã không dùng được kiếm nữa rồi! Chàng chìa bàn tay cho chàng trẻ tuổi nhìn. Chàng trai trẻ không hề xúc động. Tấm lòng muốn nổi tiếng của họ quá cấp thiết. Bất kể lúc nào, Tạ Hiểu Phong đã là Tạ Hiểu Phong, nếu ai giết được Tạ Hiểu Phong thì kẻ đó sẽ nổi tiếng! Cả bọn cùng rút kiếm đồng thời đâm thẳng vào Tạ Hiểu Phong... Tạ Hiểu Phong tuy không cầm được kiếm nhưng chàng còn tay. Tay chàng khẽ chặt vào Mạch Môn của chúng cứ như một trận gió lướt qua. Kiếm của cả bọn lập tức rời khỏi tay. Chàng kẹp cây kiếm dùng ngón trỏ và ngón giữa khẽ bẻ một cái cây kiếm gãy thành hai đoạn. Sau đó chàng buông gọn một chữ: - Cút! Cả bọn lập tức chạy sạch. Chạy đi còn nhanh gấp mấy lúc đến. Thiết Khai Thành cười. Bọn họ còn trẻ tuổi, nhiệt tình như lửa cháy, hành động thì lỗ mãng, làm việc gì thì cứ cắm đầu làm không nghĩ đến hậu quả. Tuy vậy giang hồ không thể thiếu những người trẻ tuổi này nếu không có thì khác gì biển cả không một bóng cá. Có lẽ trẻ tuổi như bọn này mới khiến cho trong giang hồ mãi mãi duy trì được những kích thích mới mẻ, bản sắc sinh động. Thiết Khai Thành: - Ông không trách bọn chúng ư? Tạ Hiểu Phong đáp: - Ta trách bọn chúng làm gì! Thiết Khai Thành: - Phải chăng vì ông biết đợi bọn chúng trưởng thành lên rồi thì sẽ không bao giờ làm những chuyện như vậy? Tạ Hiểu Phong đáp: - Phải! Chàng nghĩ ngợi một lúc rồi bảo: - Trừ các lý do đó ra, vẫn còn nguyên nhân khác! Thiết Khai Thành hỏi: - Nguyên nhân gì cơ? Tạ Hiểu Phong đáp: - Vì ta cũng là người trong giang hồ! Người sống trong giang hồ khác nào chiếc lá rụng trong cơn gió, như cánh bèo trên dòng nước. Tuy họ không chằng không rễ nhưng lại có khí phách, có nghĩa khí. Họ tuy thường xuyên sống trong khó khăn nhưng họ không oán trời, không trách người. Bởi vì họ cùng có cuộc sống lắm màu nhiều vẻ, phong phú những điều tốt đẹp. Tạ Hiểu Phong: - Ta có một lời, muôn vàn mong ngươi chớ có quên! Thiết Khai Thành hỏi: - Câu gì ạ? Tạ Hiểu Phong bảo: - Chỉ cần một ngày ngươi làm người giang hồ rồi sẽ thành người giang hồ! Thiết Khai Thành bảo: - Tôi cũng xin có một câu. Tạ Hiểu Phong hỏi: - Câu gì? Thiết Khai Thành: - Chỉ cần một ngày ông là Tạ Hiểu Phong thì sẽ vĩnh viễn là Tạ Hiểu Phong! Chàng ta cười, chậm rãi nói tiếp: - Dù ông không còn cầm kiếm nữa nhưng ông vẫn cứ là Tạ Hiểu Phong!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]