Nhà chứa phân gia súc nặc mùi phân khô, mùi rơm mục và mùi cỏ bò ngựa ăn thừa. Ban ngày chỉ có một ánh sáng xám xám rỉ xuống qua cái mái lợp bằng hương bồ. Đôi khi cũng có lúc mặt trời ngó qua cái cửa đan bằng cành cây khô như qua một cái rây. Ban đêm chung quanh tối đen đến đau cả mắt. Chuột kêu chí chí. Bốn bề lặng tờ…
Mỗi ngày người vợ của chủ nhà lén mang thức ăn đến cho Grigori một lần, vào buổi tối. Bên cạnh chàng có một bình nước rất to vùi trong phân khô. Có lẽ mọi điều phải chịu đựng đều cũng chẳng sao, nhưng lại hết thuốc lá. Mấy ngày đầu Grigori đau khổ ghê gớm, và không có gì hút không chịu được, một buổi sáng chàng bò ra sàn đất, quơ một ít phân ngựa khô vào trong lòng bàn tay, xát hai tay vào nhau cho phân nát ra rồi hút. Đến tối người chủ nhà cho vợ mang tới hai tờ giấy mốc meo xé trong một cuốn Phúc âm, một bao diêm và một nắm vừa cỏ đôn- nhích khô vừa rễ thứ thuốc lá "điu- bêch" nhà trồng lấy, còn quá non. Grigori sướng quá hút luôn một mạch đến buồn nôn và lần đầu tiên đánh được một giấc li bì trên lớp phân khô lồi lõm, tà áo phủ kín đầu, như con chim rúc đầu vào cánh.
Một buổi sáng người chủ nhà đánh thức chàng dậy. Bác ta chạy vào trong gian chứa phân, gọi giật giọng:
- Vẫn còn ngủ cơ à? Dậy đi thôi! sông Đông tan băng rồi? - Nói xong cười một tràng ròn tan.
Grigori nhảy từ trên chỗ chàng đang nằm xuống, những tảng phân khô nặng hàng pút rơi theo bình bịch sau lưng chàng như tuyết.
- Có chuyện gì thế?
- Anh em hai trấn Elanskaia và Vosenskaia bên nầy sông đã nổi lên bạo động rồi. Fomin và tất cả cái chính quyền ở Vosenskaia đã phải chuồn đi Tôkin. Hình như ở Kazanskaia, Sumilinskaia, Migulinskaia cũng đều đã nổí dậy. Cậu đã hiểu là như thế nào chưa?
Các mạch máu trên trán và trên cổ Grigori phồng cả lên, hai tròng con mắt của chàng lóe ra những tia xanh lè. Chàng không thể ghìm nén niềm vui sướng được nữa: giọng nói của chàng run lên, những ngón tay đen thủi đưa lên đưa xuống không mục đích theo hàng móc trên chiếc áo ca- pốt.
- Thế ở chỗ bác… trong thôn nầy ấy? Tình hình hiện nay như thế nào?
- Chẳng thấy động tĩnh gì cả. Tôi có gặp thằng Chủ tịch, nó chỉ cười và bảo: "Đối với tôi thì đằng nào cũng thế cả. Cầu nguyện vị thần nào cũng được, miễn là có một vị thần mà cầu nguyện". Nhưng cậu hãy chui ra khỏi cái hang của cậu đã nào.
Hai người cùng lên nhà trên. Grigori bước những bước rất dài. Người chủ nhà vừa chạy lon ton bên cạnh, vừa kể luôn miệng:
- Ở trấn Elanskaia, thôn Karanoiasky đã nổi lên trước nhất. Hôm kia có hai mươi thằng Cộng sản trên Elanskaia về hai thôn Krivskoi và Plesakovk để bắt bà con Cô- dắc, nhưng anh em ở Karanoiasky nghe tin có chuyện như thế bèn tập họp và quyết định: "Chúng ta còn để cho chúng nó đè đầu cưỡi cổ đến bao giờ nữa? Chúng nó bắt cha chú chúng ta, rồi sẽ đến lượt chúng ta. Thắng ngựa đi, chúng ta sẽ cướp lại các bà con bị bắt". Họ đã tập hợp được chừng mười lăm anh em, toàn là những tay sừng sỏ. Chỉ huy họ là Ailanov, một tay Cô- dắc chiến đấu rất cừ. Họ chỉ có hai khẩu súng trường, còn thì người gươm, người giáo, người chàng nạng. Họ vượt sông Đông, cho ngựa chạy tới Plesakov. Bọn Cộng sản đang nghỉ ngơi trong sân gia súc của nhà Melnikov. Anh em Karanoiasky bèn tấn công trên lưng ngựa vào trong sân, nhưng nhìn quanh sân lại có một bức tường đá. Họ đã xông tới rồi lại phải rút lui. Bọn Cộng đã giết mất một tay trong bọn, cầu cho hắn được hưởng phúc nơi thiên đường. Chúng nó bắn đuổi theo, hắn ngã ngựa, người mắc lại trên hàng rào. Bà con Cô- dắc ở Plesakov bèn đem hắn về chuồng ngựa của trấn. Nhưng hắn chết rồi mà vẫn còn nắm chắc cái roi ngựa trong tay, cái anh chàng thân mến ấy… Phải giằng thật mạnh mới lấy ra được. Bây giờ thì đã đến ngày tận số của cái chính quyền Xô viết rồi, mẹ nó chứ!
Grigori ngồi ở nhà trên ngốn lấy ngốn để bữa sáng ăn thừa rồi cùng với người chủ nhà ra phố. Ở các đầu ngõ, dân chúng Cô- dắc đứng túm tụm từng đám như trong một ngày hội. Grigori cùng người chủ nhà đi tới chỗ một đám. Thấy hai người chào họ, bọn Cô- dắc đưa tay lên mũ lông chào lại một cách dè dặt và cứ tò mò nhìn bộ mặt là lạ của Grigori như chờ đợi điều gì?
- Đây cũng là anh em mình thôi, các cụ và các bác Cô- dắc ạ! Bà con ta đừng sợ. Các cụ và các bác có nghe nói đến nhà Melekhov ở thôn Tatarsky không? Đây là bác Grigori, con thứ của ông Panteley đấy. Do những vụ xử bắn nên bác ấy phải đến trốn ở nhà tôi đấy. - Người chủ nhà nói một cách kiêu hãnh.
Câu chuyện của nhóm nầy cũng vừa bắt đầu, một gã Cô- dắc kể chuyện dân các thôn Resetovsky, Dubrovsky và Chernovsky đánh bật Fomin ra khỏi Vosenskaia. Nhưng giữa lúc ấy có hai người cưỡi ngựa xuất hiẽn ở cuối dãy phố dựa lưng vào khoảng sườn núi trắng lốp nom như một cái trán mênh mông. Hai người ấy cho ngựa chạy dọc theo phố. Cứ tới mỗi nhóm, họ lại dừng lại một lát, quay ngựa và hoa chân múa tay kêu lên không biết những gì. Grigori chỉ mong họ mau chóng đến gần.
- Không phải là bà con thôn ta, không phải là dân Ryvnyi đâu… Phái viên ở đâu cử đến đấy. - Gã Cô- dắc ngừng câu chuyện về cuộc đánh chiếm Vosenskaia, nhìn kỹ một lát rồi nói.
Hai người kia cho ngựa chạy qua cái ngõ gần nhất và đã đến nơi.
Người đầu tiên là một lão già mặc chiếc áo choàng bằng dạ thô không cài cúc, đầu không mũ, mặt đỏ bừng, đẫm mỗ hôi, vài món tóc bạc loăn xoăn xoã xuống trước trán. Lão kéo con ngựa lùi lại coi bộ rất hùng dũng rồi ngửa hẳn người ra sau và giơ tay phải về phía trước:
- Sao thế nầy, các anh là tráng đinh Cô- dắc mà lại ra ngõ đứng như đàn bà thế nầy hay sao? - Lão kêu lên, giọng mếu máo. Những giọt nước mắt tức tối làm giọng lão phá ra, hai bên má đỏ rực rung rung vì cảm động.
Lão cưỡi một con ngựa cái bốn tuổi rất đẹp, chưa có con, lông đỏ, mũi trắng, đuôi to sợi, bốn chân khô chắc như đúc bằng thép. Nó thở phì phì, cắn hàm thiếc, khuỵu hai chân sau rồi đứng chồm hẳn lên, đòi thả dây cương để lại có thể tiếp tục chạy một nước đại rất đẹp, để từ bốn vó nó lại vang ra những tiếng rầm rập, để gió lại bẻ cụp hai tai nó xuống và rú vù vù trong bờm nó, để mặt đất giá băng và dội lại tiếng rên siết dưới những cái móng nhẵn như vỏ ngao. Bên dưới làn da rất mỏng, thấy hiện rõ từng đường gân, từng mạch máu đang giật giật. Những bắp thịt tròn nằm dọc theo cổ nó nảy nảy, cái mũi hồng hồng trong trong run run, còn hai con mắt lồi đỏ như hồng ngọc thì cứ long hai khoảng lòng trắng đầy những tia máu, tức tối liếc nhìn chủ như đòi hỏi.
- Hởi những người con của sông Đông êm đềm, các người còn đứng ở đây làm gì hử? - Lão già chuyển cặp mắt từ Grigori sang những người khác, kêu lên lần nữa. - Chúng nó bắn giết cha ông các người, chúng nó cướp đoạt tài sản của các người, bọn chính uỷ Do Thái nhạo báng tôn giáo của các người, thế mà các người cứ cắn hạt hướng dương, cứ ra bãi chơi hay sao? Các người còn chờ cái vòng thòng lọng xít vào họng các người nữa hay sao? Các người còn ôm lấy gấu váy vợ đến bao giờ nữa? Dân toàn trấn Elanskaia, già trẻ lớn bé đều vùng dậy cả rồi. Bọn Đỏ đã bị tống cổ khỏi Vosenskaia rồi… Thế còn các người, bà con Cô- dắc thôn Ryvnyi? Phải chăng đối với các người cuộc đời không còn giá trị gì nữa? Phải chăng trong mạch máu của các người, nước kvas 1 mu- gích đã chảy thay dòng máu Cô- dắc rồi? Hãy vùng dậy đi! Hãy cầm lấy vũ khí! Thôn Kripskoi cử chúng tôi đi phát động các thôn. Lên ngựa mau, anh em Cô- dắc kẻo muộn mất rồi? - Lão đưa cặp mắt như hoá điên, nhìn chòng chọc vào mặt một lão già quen thuộc rồi quát lên bằng một giọng căm uất. - Ông còn đứng đây làm gì nữa hử, ông Semion Khristoforovich? Bọn Đỏ chúng nó chém chết con trai ông ở Filonov mà ông lại đứng núp bên bếp lò sao?
Grigori không chờ nghe xong, chạy ngay về sân gia súc. Chàng vào nhà trấu, lôi nhanh con ngựa của chàng đứng trong dó ra. Chàng bới đống phân khô, bật máu cả móng tay, kéo cái yên ngựa lên rồi đánh ngựa phóng thẳng ra cổng như hoá ngộ.
- Tôi đi đây! Ơn Chúa cứu thế? - Chàng nhìn thấy người chủ nhà đã về gần tới cổng, chỉ kịp kêu lên mấy tiếng là cúi rạp ngay xuống mũi yên, nằm soài trên cổ ngựa, quất roi vào cả hai bên sườn nó, cho nó chạy hết tốc độ, để lại trên đường phố một làn bụi tuyết trắng loá cuộn lên như gió lốc. Sau lưng chàng, đám bụi tuyết mù mịt dần dần rơi xuống. Hai cái bàn đạp trượt trượt dưới hai bàn chân, cặp đùi cọ vào má yên đến tê dại. Bên dưới bàn đạp, bốn vó ngựa đập rất nhanh xuống đất như kim máy khâu. Chàng cảm thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui cực lớn, một niềm vui man rợ, chàng thấy mình rất dồi dào sức lực và quyết tâm. Bất giác trong họng phát ra một tiếng thở mạnh nghe như một tiếng rít khàn khàn. Những tình cảm thầm kín, trước đây bị trói buộc, đã được giải phóng trong tâm hồn chàng. Chàng cảm thấy như từ nay con đường mình di sáng sủa như được rọi dưới một vầng trăng.
Tất cả các mặt đã được cân nhắc, được giải quyết dứt khoát trong những ngày đau khổ, những ngày chàng phải lẩn trốn như một con thú trong cái ổ phân khô, và cũng như một con thú, chàng đã phải lắng nghe từng tiếng động, từng lời nói bên ngoài. Sau lưng chàng tựa như không hề có những ngày mày mò đi tìm chân lý, dao động, ngả nghiêng và đấu tranh nội tâm nặng nề. Những ngày ấy đã quay lộn như những bóng mây và trong lúc nầy trang chảm thấy như mọi sự tìm tòi trước kia của mình đều vô ích và trống rỗng. Có cái gì mà phải suy nghĩ cơ chứ? Việc gì mà phải khuấy lộn tâm hồn để giải quyết các mâu thuẫn, để tìm lối thoát như một con sói kinh hoàng trước một cuộc vây bắt? Cuộc đời có vẻ buồn cười, giản đơn một cách lạ lùng. Trong lúc nầy, chàng có cảm tưởng như từ xưa tới nay chưa từng bao giờ có cái chân lý duy nhất để tất cả mọi người đều có thể nép mình bên dưới bộ cánh của nó mà sưởi ấm. Chàng nổi nóng đến cực độ, bụng bảo dạ: người nào cũng có lẽ phải của mình, cũng có cái luống cày cho mình đi theo.
Con người bao giờ cũng đã đấu tranh với nhau vì mẩu bánh, vì mảnh đất, vì quyền sống và sẽ còn chiến đấu mãi mãi chừng nào mặt trời còn toả ánh sáng và máu nóng còn chảy trong cơ thể. Phải chiến đấu chống lại những kẻ muốn cướp quyền sống, cướp đời sống của mình; phải đấu tranh kiên quyết, không dao động, đấu tranh như một kẻ đã bị dồn vào vách, và cuộc đấu tranh sẽ tôi luyện lòng căm hờn, sẽ làm cho ý chí được kiên định. Chỉ cần đừng trói buộc tình cảm, mặc cho tình cảm tự do phát triển một cách điên cuồng.
Con đường của người Cô- dắc đã bị cắt ngang bởi con đường của người mu- gích Nga, con đường của những con người trong các nhà máy. Phải chiến đấu một sống một chết với họ. Phải dành lại vùng đất sông Đông màu mỡ dưới chân họ, vùng đất đã được tưới bằng máu của dân Cô- dắc. Phải đuổi họ như đuổi dân Tarta 2 ra khỏi địa giới Quân khu? Phải đánh cho Moskva run sợ, bắt Moskva phải ký một hoà ước nhục nhã! Đã chạm trán với nhau trên một con đường hẻm thì không thể nào nhường bước; dù là ai đánh gục ai, nhưng phải có một kẻ bị đánh gục. Kể ra cũng đã có một lần thử nghiệm rồi đấy, các trung đoàn Đỏ đã được mở đường vào đất đai Quân khu, thử nghiệm như thế liệu đã đủ chưa? Bây giờ thì hãy cầm chắc cán gươm!
Grigori đã suy nghĩ như thế, trong lòng bừng bừng một mối căm hờn mù quáng, trong khi con ngựa đưa chàng qua sông Đông lồm xồm và trắng loá như bờm một con ngựa trắng. Tuy nhiên trong khoảnh khắc, một ý nghĩ ngược lại vẫn còn lởn vởn trong đầu óc chàng: "Người giàu và người nghèo chứ không phải người dân Cô- dắc và nước Nga… Miska Kosevoi và Kotliarov cũng là dân Cô- dắc nhưng hai người vẫn một lòng đi theo bọn Đỏ…". Song chàng lại bực bội xua đuổi những ý nghĩ ấy đi ngay.
Thôn Tatarsky đã hiện ra trước mặt. Grigori nới lỏng dây cương.
Con ngựa chuyển sang nước kiệu nhỏ, mồ hồ sủi lên trên mình nó như bọt xà phòng. Đến đầu phố chàng lại giật cương, cho ức con ngựa hích vào cửa hàng rào, rồi vào thẳng trong sân.
--- ------ ------ ------ -------
1 Một đồ uống mát của người Nga, làm bằng bột mì hoặc hoa quả ngâm cho lên men (ND).
2 Xưa kia dân Cô- dắc đã nhiều lần đánh bật được những cuộc xâm lăng của dân Tarta (ND
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]