Tháng ba năm 1914, Natalia về ở với bố mẹ chồng vào một ngày tuyết tan, cảnh vật rất vui tươi. Ông Panteley Prokofievich đang dùng một cành cây xam xám, rêu bám lờm xờm đan lại quãng hàng rào vừa bị con bò mộng húc đổ. Nước nhỏ giọt từ cái mái nhà tua tủa những que băng lấp loáng như bạc. Những chỗ nước chảy xuống từ xưa còn để lại ven đường gờ trên mái những dải đen như nhựa chưng.
Mặt trời bây giờ đã đỏ hơn, đang cọ mình vào khoảng sườn đồi tan hết tuyết, nũng nịu như con bò con. Cỏ đầu mùa mọc xanh rờn như đá khổng tước trên những mô dá phấn nhô ra như những cái đầu hói từ ngọn đồi bên bờ sông.
Natalia bước tới sau lưng bố chồng. Nàng gầy rộc đi, nom khác hẳn xưa. Nàng cúi xuống chào, cái cổ tàn tật vẹo sang một bên:
- Cha vẫn khỏe chứ ạ!
- Nataska! Khỏe lắm, con yêu của cha, khỏe lắm! - Ông Panteley Prokofievich luống cuống trả lời. Đoạn cành cây rời khỏi tay ông rơi xuống, cong lại rồi lại thẳng ra. - Tại sao con chẳng còn nhòm ngó gì đến nhà nữa thế? Thôi, ta vào nhà trong đi, rồi con xem mẹ con trông thấy con sẽ mừng như thế nào.
- Cha ạ, con về ở nhà đây… - Natalia khoát tay, không hiểu ý nàng định nói thêm gì, rồi quay người lại. - Nếu cha không đuổi con sẽ ở hẳn nhà.
- Sao con lại nói thế, sao lại nói thế con yêu của cha? Con có phải là người dưng nước lã đâu? Thằng Grigori có viết trong thư… Nó bảo phải chăm nom cho con đấy, con ạ.
Hai người đi vào nhà. Ông Panteley Prokofievich sung sướng quá cứ khập khiễng cuống quít đi lăng xăng.
Bà Ilinhitna ôm lấy Natalia, nước mắt ròng ròng. Bà hỉ mũi vào tạp dề, thì thầm với nàng:
- Mày có được đứa con có phải là hay bao nhiêu không… Có lẽ phải như thế mới giữ được nó. Thôi, ngồi xuống con. Con ngồi đấy để mẹ lấy bánh tráng cho con ăn nhé?
- Cầu Chúa cứu vớt, mẹ ạ, con bây giờ… về ở nhà đây…
Dunhiaska nhảy cỡn từ ngoài sân vào bếp, mặt đỏ như gấc. Cô bé chạy thẳng tới ôm lấy đầu gối Natalia.
- Chị không biết xấu! Quên hết cả nhà!
- Mày hoá rồ rồi à, con ngựa cái nầy! - Người bố quát, gíọng cố vờ nghiêm khắc.
- Em chị lớn thế nầy rồi cơ à? - Natalia nắm lấy hai tay Dunhiaska, dang rộng ra, ngắm mặt cô bé.
Mọi người cướp lời nhau nói cùng một lúc rồi lại cùng nín lặng.
Bà Ilinhitna đau lòng nhìn đứa con dâu bây giờ nom không còn giống Natalia xưa nữa.
- Chị về ở hẳn nhà đấy chứ? - Dunhiaska kéo tay Natalia và hỏi.
- Ai hiểu được anh ấy thế nào…
- Mặc xác nó, con là vợ chính thức của nó thì con còn ở đâu bây giờ! Con cứ ở đây! - Bà Ilinhitna nói dứt khoát và đẩy cái đĩa đất nung đựng đầy bánh tráng cho con dâu ăn.
Natalia đã lưỡng lự mãi rồi mới quyết định về ở với bố mẹ chồng. Bố đẻ nàng không muốn cho nàng đi, hết quát lác lại tìm cách nói cho nàng xấu hổ, và cố khuyên can nàng. Nhưng sau khi lành mạnh, nàng cảm thấy ngượng không muốn nhìn vào mặt những người trong gia đình, và cứ thấy mình gần như xa lạ trong cái gia đình trước kia xiết bao thân thiết. Lần nàng tự tử không chết đã làm nàng trở nên cách bức với bố mẹ anh em. Còn ông Panteley Prokofievich thì sau khi đưa tiễn Grigori ra lính, ông luôn khuyên nàng nên về ở nhà mình. Ông có quyết tâm sắt đá nhận Natalia về nhà ở và hoà giải với Grigori.
Từ hôm ấy Natalia ở lại nhà Melekhov. Daria bề ngoài chẳng tỏ ra có gì không bằng lòng, Petro thì hồ hởi, thân mật. Nhưng Daria thấy Natalia được Dunhiaska quấn quít âu yếm và bố mẹ chồng thương yêu như con đẻ thì thỉnh thoảng cũng có lườm nguýt.
Natalia vừa về ở với bố mẹ chồng hôm trước thì hôm sau ông Panteley Prokofievich đã bắt ngay Dunhiaska viết cho Grigori một bức thư với những ý của ông.
"Grigori Panteleevich, con yêu quí của cha mẹ, cầu mong con được khỏe mạnh! Cả nhà gửi tới con lời chào thân thiết nhất, và với tâm lòng của người cha người mẹ, cha và mẹ con là bà Vaxilisa Ilinhitna gửi tới con lời chúc phước của cha mẹ. Anh con là Petro Panteleevich cùng vợ là Daria Matveevna gửi lời chào con, chúc con khỏe mạnh và bình an hạnh phúc; em gái con là Evdokaia cùng tất cả mọi người trong nhà cũng gửi lời hỏi thăm con. Bức thư con gửi ngày mồng năm tháng Hai, ở nhà đã nhận được và chân thành cám ơn con đã viết thư.
Con có viết là con ngựa đưa chân sau đạp lên chân trước. Nếu vậy thì phải lấy mỡ lòng lợn mà đổ cho nó như con đã biết. Và nếu đường trơn hoặc chỉ có băng mà không có tuyết thì đừng đóng móng sau. Vợ con là Natalia Mironovna đã về ở với nhà ta và vẫn khỏe mạnh bình an.
Mẹ con gửi cho con ít anh đào khô, một đôi bít tất len, có cả mỡ lợn và một số đồ ăn thức uống khác. Cả nhà vẫn khỏe mạnh như thường, chỉ có thằng cháu, con chị Daria đã chết, tin cho con biết.
Hôm kia cha và anh Petro con đã lợp lại mái nhà kho, Petro dặn con phải chăm nom giữ gìn con ngựa. Mấy con bò cái đã đẻ, con ngựa cái già bắt đầu căng vú, đúng là trong bụng nó có một con ngựa con đang đạp. Nó đã thụ tinh của con ngựa đực tên là Đanhết ở tàu ngựa trên trấn, ở nhà chờ nó đẻ vào tuần chay thứ năm. Cả nhà sung sướng thấy con làm việc quan đắc lực và được các quan trên khen ngợi. Con hãy làm việc quan cho mẫn cán. Phụng sự nhà vua thì không sợ uổng công. Hiện nay Natalia đã về ở nhà ta, việc nầy con phải để tâm suy nghĩ mới được. À mới xảy một việc chẳng may là hôm lễ tống tiễn mùa đông, có con thú rừng cắn chết mất ba con cừu. Thôi, chúc con khỏe mạnh và cầu Chúa cứu giúp con. Cha ra lệnh cho con là không được quên vợ. Nó nết na hiền hậu và là vợ chính thức của con. Con không được phá vỡ qui củ xưa 1 và phải nghe lời cha.
Cha của con
Thượng sĩ Panteley Melekhov".
Trung đoàn của Grigori đóng ở Radivilôvô, một thị trấn nhỏ cách biên giới Nga- Áo bốn vec- xta. Khi nghe tin Natalia về ở với bố mẹ mình, chàng trả lời rất dè dặt, chỉ gửi lời hỏi thăm nàng. Nội dung bức thư của chàng có vẻ lẩn tránh loanh quanh, rất không rõ nghĩa.
Ông Panteley Prokofievich bắt hết Dunhiaska đến Petro đọc đi đọc lại hàng mấy lần, cố đoán xem cái bí ẩn mà Grigori còn dấu sau những dòng chữ. Trước lễ Phục sinh ông bèn gửi một bức thư nêu toạc móng heo vấn đề Grigori hết hạn lính về nhà thì sẽ ở với vợ hay vẫn ở với Acxinhia.
Grigori lần lữa mãi chưa trả lời. Sau lễ Lá, ở nhà mới nhận được của chàng một bức thư ngắn. Dunhiaska nuốt bớt chữ, đọc liếng thoắng. Ông Panteley Prokofievich phải vất vả lắm mới nắm được ý chính sau khi bỏ qua vô số những lời chào mừng thăm hỏi tràng giang đại hải. Mãi cuối thư mới thấy Grigori đả động đến vấn đề Natalia:
"Cha bảo con viết thư nói rõ con có ở với Natalia nữa hay thôi nhưng con xin thưa với cha rằng miếng bánh đã cắt ra thì không thể làm cho liền lại được nữa. Con sẽ ăn nói với Natalia thế nào bây giờ, vì chính cha biết đấy, con đã có con rồi? Còn hứa hẹn thì con chẳng có thể hứa gì cả, mà nói đến chuyện nầy thì con rất đau khổ. Trước đây ít lâu ở biên giới có tóm cổ được một tên buôn lậu. Chúng con có dịp gặp mặt nó. Nó bảo sắp có chiến tranh với nước Áo đến nơi rồi và hình như vua bên đó đã đến biên giới quan sát xem sẽ bắt đầu chiến tranh từ nơi nào và sẽ chiếm lấy những vùng đất nào. Nếu chiến tranh sắp bùng nổ thì có lẽ chính con cũng sẽ không còn sống, vì thế không thể quyết định trước một chuyện gì cả".
° ° °
Natalia đến lao động và sống ở nhà bố mẹ chồng, đồng thời ấp ủ một niềm hy vọng mà nàng không ý thức rõ ràng nhưng vẫn ngày càng tăng: chồng nàng sẽ trở về với nàng, hơn nữa trái tim rạn nứt của nàng cũng phải có niềm hy vọng ấy làm chỗ dựa. Nàng không viết cho Grigori bức thư nào, nhưng có lẽ trong nhà không ai mong thư Grigori với một lòng buồn nhớ và đau khổ như nàng.
Cuộc sống trong thôn vẫn trôi theo nhịp thường, một nhịp tưởng chừng không bao giờ đổi khác: tráng đinh Cô- dắc đi lính mãn hạn lại trở về. Thời gian trôi đi lúc nào không biết qua những công việc nhàm toái hàng ngày. Chủ nhật đến, từ sáng sớm, nhà nào nhà nấy lại lốc nhốc kéo nhau đi lễ nhà thờ; đàn ông thì mặc áo quân phục và những chiếc quần rộng dùng trong những ngày hội, đàn bà thì quét bụi đường bằng gấu của những cái váy dài loạt soạt đủ các màu, có người bó chặt trong những chiếc áo hoa vai bồng, tay nhăn nhúm.
Trên cái bãi vuông, những chiếc xe tải vẫn cứ vươn càng lên trời, những con ngựa hí, đủ các hạng người qua qua lại lại; cạnh nhà kho chữ các đồ chữa cháy, những người Bungari trồng rau vẫn bán các thứ la- ghim bày trên những giá hàng dài; sau lưng họ, những đứa trẻ con vẫn xúm đông xúm đỏ, tròn xoe mắt nhìn những con lạc đà dỡ hàng ngạo nghễ lướt mắt qua bãi chợ cùng những đám người nhốn nháo với những chiếc mũ cát- két vành đỏ và những cái khăn phụ nữ lấp loáng muôn màu. Mấy con lạc đà được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc liên miên với cái xe chở nước nhai trầu món cỏ đã ăn, sùi bọt mép, mắt mơ màng với ánh thiếc mạ xanh xanh.
Tối tối các dãy phố lại rên xiết dưới những bước chân người rầm rập, bãi chơi rạt rào tiếng hát, tiếng nhảy múa theo nhịp accordeon, và mãi thật khuya những tiếng hát cuối cùng ở các chỗ ven lề thôn mới tan dần trong làn gió khô ấm áp.
Natalia không ra bãi chơi, nàng sung sướng lắng nghe những câu chuyện Dunhiaska kể rất ngây thơ, mộc mạc. Dunhiaska đã lớn lên lúc nào không biết và đã trở thành một cô gái cân đối, có vẻ đẹp riêng. Cô bé cứ như một quả táo chín sớm. Năm nay, Dunhiaska đã từ giã thời kỳ thiếu niên đi không bao giờ trở lại, và được những bạn gái lớn tuổi hơn nhận vào đám các cô chưa chồng. Dunhiaska giống bố như lột: người cũng thấp thấp, da ngăm ngăm.
Mười lăm mùa xuân đã qua, nhưng cái thân hình mảnh dẻ xương xương vẫn chưa tròn trặn. Trong người cô gái đang có cả thời thơ ấu lẫn thời thiếu niên dậy thì, hai thời kỳ ấy lẫn lộn với nhau một cách ngây thơ và tội nghiệp: cặp vú nhỏ nhỏ, chỉ bằng nắm tay đã rắn lại, hằn rõ dưới làn áo; hai vai cũng rộng ra; nhưng trong cặp mắt đen dài, hơi xếch, hình quả trám, lòng trắng xanh xanh, vẫn còn cái ánh vừa ngượng nghịu vừa tinh nghịch. Ở bãi chơi về, Dunhiaska chỉ kể cho một mình Natalia nghe những chuyện bí mật đơn giản của mình.
- Chị Natalia nầy, chị yêu của em nầy, em kể cho chị nghe nhá…
- Ừ kể thì kể đi.
Anh Miska Kosevoi ngồi với em suốt tối hôm qua trong đám sồi ở gần kho thóc đấy.
- Nhưng làm sao mà má em đỏ như gấc thế?
- Đỏ đâu mà đỏ?
- Ra soi gương xem, cứ là bừng bừng.
- Thôi đi chị! Chị chỉ làm em ngượng…
- Thế thì em kể đi, chị không làm em ngượng nữa đâu.
Dunhiaska đưa hai bàn tay ngăm ngăm đen lên xoa cặp má đỏ ửng ấn ngón tay vào thái dương, rồi không hiểu sao phá lên cười, tiếng cười rất trẻ.
- Anh ấy bảo: "Trông em cứ như một đoá uất kim hương ngoài đồng nội ấy!"
- Thế à? - Natalia khuyến khích em chồng. Trong khi vui với cái vui của người khác, nàng quên cả mối tình bị dày xéo, mối tình đã quá cố của mình.
- Nhưng em bảo anh ấy: "Anh Miska chỉ nói dối thôi?" Anh ấy cứ là thề sống thề chết. - Tiếng cười của Dunhiaska vang lanh lảnh khắp nhà như tiếng nhạc ngựa. Cô gái lắc đầu làm hai bím tóc đen tết rất chặt trườn xuống vai, xuống lưng như hai con thằn lằn.
- Anh ấy còn bảo gì em nữa?
- Anh ấy bảo em cho anh ấy một chiếc khăn tay làm kỷ niệm.
- Em cho rồi à?
- Em bảo không được, em không cho đâu. Anh đi mà xin người đẹp của anh ấy. Anh ấy vẫn đi lại với ả con dâu nhà Erofeev đấy… Ả ấy là vợ lính vắng chồng tằng tịu lung tung.
- Em cố tránh đừng gặp Miska nữa thì hơn.
- Em cũng có tránh anh ấy đấy. - Dunhiaska cố ghìm nét cười đã thoáng trên môi rồi kể tiếp - Chúng em cùng ở bãi chơi về với nhau, tất cả có ba đứa con gái. Lão Mikhey rượu say bí tỉ lẵng nhẵng đuổi theo. Lão kêu rầm lên: "Các cô bé ngoan của lão, lại đây hôn lão cái, lão sẽ tặng cho mỗi cô một đồng hai kopek". Rồi lão chạy bổ đến chỗ chúng em. Con Niurka bèn cầm cái cành cây đập luôn cho lão một cái vào trán. Thế là cả ba chạy bán sống bán chết.
Năm ấy hạn hán. Khúc sông trước mặt thôn cạn dần. Ở chỗ xưa kia dòng nước chảy xiết như điên cuồng thì nay có thể lội qua được. Những con bò sang được bờ bên kia mà không ướt lưng. Đêm đêm những làn hơi nóng hổi, đặc quánh trườn từ trên sống núi vào trong thôn, gió làm cho không khí nồng nặc mùi chỏ cháy hắc hắc. Ở chỗ con sông uốn khúc, cỏ bồng khô cháy xém cả, một làn hơi nóng mịn màng vắt lơ lửng trên bờ sông như một tấm màn vô hình. Cứ đến đêm là những đám mây lại kéo đến dầy đặc bên kia sông Đông, những tiếng sấm khô khan nổ ra ầm ầm, nhưng chẳng có giọt mưa nào rơi xuống mặt đất đang thở hổn hển dưới hơi nóng. Chớp nhoáng nhoàng hết sức đoảng vị, chỉ được cái cắt ngang cắt dọc bầu trời thành những mảng xanh xanh nhọn hoắt.
Nhiều đêm có con cú kêu trên gác chuông nhà thờ. Những tiếng kêu khủng khiếp cứ chập chờn, lơ lửng trên thôn xóm. Rồi nó lại bay từ gác chuông ra bãi tha ma, chỗ đất bị những con bò con dẫm nát, và tiếp tục rền rĩ giữa những nấm mồ cỏ mọc nâu nâu. Các cụ già nghe thấy tiếng cú kêu ngoài bãi tha ma phỏng đoán với nhau về điềm trời.
- Khốn mất rồi.
- Sắp nổ ra chiến tranh đấy.
- Hồi sắp đi chiến dịch Thổ nhĩ kỳ cũng có cú kêu như thế đấy.
- Hay lại có dịch tả?
- Nó đã bay từ nhà thờ ra với người chết thì đừng hòng có gì tốt lành.
- Chao ôi, lạnh Thánh Misen 2, xin người ra ân…
Gã Marchin nhà Sumilin, em trai của gã cụt tay Aleksey, đến bên cạnh tường bao bãi tha ma, rình con chim chết tiệt ấy hai đêm liền. Nhưng con cú vô hình và thần bí đã bay qua đầu gã không một tiếng động, đến đậu trên cây thánh giá ở đầu kia bãi tha ma, và những tiếng kêu đáng sợ của nó lại vẳng xuống cái thôn đang mơ màng. Marchin chửi một câu tục tũi, nã bừa một phát về phía cái bụng sệ của một đám mây đen rồi bỏ về. Nhà gã ở ngay cạnh đấy. Vợ gã là một mụ ốm o, nhát như cáy, nhưng lại sòn sòn năm một, mắn đẻ như con thỏ cái. Thấy chồng về, mụ tru tréo:
- Đồ ngu xuẩn, ngu khổ ngu sở! Nó làm hại gì đến anh không hử, đồ hung thần? Làm thế mà bị Chúa phạt thì sao? Tôi lại đang bụng mang dạ chửa thế nầy. Nếu vì anh mà tôi đẻ non thì sao hả, đồ quỷ sứ?
- Thôi câm cái mồm đi! Mụ mà đẻ non được à? Đẻ quen cứ như con ngựa thằng đóng thùng, quen đường như thế mà còn! Chẳng nhẽ cứ để con chim khốn kiếp ấy nó đến đây làm người ta mất ăn mất ngủ hay sao? Con chim ma quái ấy, nó kêu toàn chuyện tai hoạ đấy. Nếu xảy ra chiến tranh, tôi bị bắt lính, còn mụ thì cho ra hàng lô con chó cái thế nầy thì làm thế nào? - Marchin vung tay về phía góc nhà, trong đó tiếng chuột kêu chi chí hoà lẫn với những tiếng ngáy của bầy trẻ nằm úp thìa.
Trong khi nói chuyện với các cụ già trên bãi họp việc làng, ông Panteley Prokofievich trịnh trọng tuyên bố:
- Thằng Grigori nhà tôi có viết thư về cho biết lão vua nước Áo đã tới biên giới, ra lệnh tập trung toàn bộ quân đội của lão vào một chỗ rồi tiến về phía Moskva và Peterburg.
Các cụ già hồi tưởng những cuộc chiến tranh xưa kia và cùng đoán già đoán non!
- Nhìn vào mùa màng thì không thể có chiến tranh đâu.
- Mùa màng thì có gì dính dáng tới chuyện nầy?
- Có lẽ sinh viên làm loạn đấy.
- Việc nầy chúng ta được biết quá muộn.
- Cũng như hồi chiến tranh với Nhật Bản.
- Ông sắm được ngựa cho cậu cả nhà ta chưa?
- Cần gì phải sắm trước…
- Toàn chuyện tầm bậy!
- Nhưng chiến tranh với ai cơ chứ?
- Với Thổ nhĩ kỳ để dành mặt biển. Biển thì dù sao cũng không thể chia được.
- Chuyện ấy có gì khó khăn đâu? Cứ phân ra từng khoảnh, từng khoảnh như chúng ta chia cỏ ấy, thế là xong thôi mà!
Câu chuyện chuyển theo hướng bông đùa, các cụ chia tay ra về.
Cỏ ngoài bãi đã sắp đến ngày phải cắt, mọi người đều nóng lòng chờ đợi. Các thứ cỏ bên kia sông Đông đều bắt đầu nở hoa, nhưng cỏ bên ấy yểu, không có mùi thơm, kém hẳn cỏ trên đồng. Cũng là đất cả nhưng mỗi nơi cỏ hút một chất mầu khác. Khoảng đồng cỏ sau ngọn gò là một chất đất đen thượng đẳng, sần sật như xương sụn: một đàn ngựa phóng thẳng qua cũng chẳng để lại vết móng nào; đất rắn thành thử cỏ mọc lên cứng cáp, khỏe khoắn, thơm phưng phức, cao đến bụng ngựa. Nhưng sát bờ sông và bên kia sông, đất vừa ẩm vừa nhão nên cỏ mọc lên nom ỉu xìu, vô tích sự, có năm bò ngựa chê không thèm ăn.
Khắp thôn chỗ nào cũng đập lại hái, bào lại răng cào, đàn bà chỉ đem nước kvas cho thợ cắt cỏ cũng đủ bở hơi tai. Nhưng bất thình lình xảy ra một chuyện làm chấn động từ đầu xóm đến cuối thôn.
Tên cảnh sát trưởng trên trấn tên dự thẩm về thôn, cùng đi còn có một gã sĩ quan hom hem, răng đen sì, xưa nay chưa có ai thấy mặt bao giờ. Chúng cho gọi lão ataman thôn, lôi mấy người làm chứng đến rồi kéo nhau tới thẳng nhà mục lác Lukeska.
Tên dự thẩm cầm cái mũ cát- két vải bạt đính phù hiệu. Cả bọn đi theo dãy hàng rào bên trái đường phố. Mặt trời điểm những vệt sáng lên con đường nhỏ. Tên dự thẩm vừa dẫm đôi giầy đầy bụi lên những vệt sáng đó, vừa hỏi lão ataman chạy lộc ngộc phía trước như con gà trống:
- Thằng ngụ cư Stokman có nhà không?
- Bẩm quan lớn có ạ.
- Nó làm nghề gì?
- Bà con thấy nó làm thợ nguội… lại làm cả thợ mộc nữa.
- Không nhận thấy nó có vấn đề gì à?
- Chẳng có vấn đề gì cả.
Tên cảnh sát trưởng vừa đi vừa nặn cái trứng cá mọc ngay giữa hai hàng lông mày. Hắn thở phì phì, mồ hôi tầm tã trong bộ đồng phục bằng dạ. Tên sĩ quan răng đen cầm một sợi rơm xỉa răng, hắn cau mặt làm hiện lên những vết nhăn đo đỏ, nhẽo nhợt chung quanh mắt.
- Những tên nào thường lui tới nhà nó? - Tên dự thẩm đưa tay kéo lão ataman đang chạy phía trước.
- Thưa vâng, đúng là có những tên đến nhà hắn đấy ạ. Có khi chúng nó đánh bài.
- Nhưng là những đứa nào?
- Tên thợ máy, tên đứng cân, tên thợ cán Davydka và trong dân Cô- dắc chúng tôi cũng có kẻ đến đó.
Tên dự thẩm đứng lại chờ tên sĩ quan đi tụt lại phía sau. Hắn nâng cái mũ cát- két lên chùi mồ hôi ở chỗ tinh mũi, rồi xoay xoay cái khuy trên áo quân phục của tên sĩ quan, nói không biết những gì với tên nầy và giơ một ngón tay vẫy lão ataman. Lão ataman nín thở rón rén chạy tới. Những đường gân xanh nhằng nhịt trên cổ lão phồng lên, run run.
- Anh đi lấy hai tuần đinh, bắt mấy thằng ấy. Giải tới nhà hội đồng, chúng tôi sẽ đến ngay. Rõ chưa?
Lão ataman ưỡn ngực đứng thẳng người, nửa thân trên đưa ra phía trước đến nỗi cái cổ đứng áo quân phục nằm hẳn lên đường gân to nhất như một sợi dây màu lam. Lão vâng một tiếng như gầm lên rồi đi ngược trở lại.
Stokman đang ngồi quay lưng ra cửa. Anh chỉ mặc sơ mi lót phanh cổ, dùng cưa tay cưa một đường cong trên mảnh gỗ dán.
- Mời ông đứng dậy. Ông đã bị bắt.
- Về việc gì vậy.
- Ông ở hai phòng à?
- Vâng.
- Chúng tôi đến khám nhà ông. - Viên sĩ quan bước tới gần chiếc bàn nhỏ, đinh thúc ngựa vướng vào tấm thảm nhỏ đặt ở ngưỡng cửa.
Hắn nheo mắt, nhìn thấy quyển sách bèn cầm lên xem.
- Ông làm ơn đưa tôi chìa khoá hòm nầy.
- Thưa ngài dự thẩm, vì sao tôi phải làm như thế?
- Chúng tôi sẽ có thì giờ nói cho ông biết rõ. Người làm chứng đâu lại đây!
Người vợ của Stokman ở trong căn phòng thứ hai ngó nhìn ra, cửa phòng không đóng hẳn. Tên dự thẩm, theo sau là tên văn thư, bước về phía đó.
- Cái gì đây? - Tên sĩ quan giơ một cuốn sách bìa vàng, khẽ hỏi.
- Một quyển sách. - Stokman nhún vai.
- Cái kiểu pha trò ấy, anh nên dành cho những lúc thích hợp hãy đem dùng. Tôi đề nghị anh trả lời những câu tôi hỏi bằng một giọng khác Stokman dựa lưng vào bếp lò, cố ghìm tiếng cười gằn. Viên dự thẩm nhìn qua vai tên sĩ quan rồi chuyển con mắt sang Stokman.
- Ông nghiên cứu à?
- Tôi cũng muốn hiểu biết, - Stokman trả lời gọn lỏn, tay vẫn cầm lược rẽ chòm râu đen làm hai món đều nhau.
- À ra thế!
Tên sĩ quan lật lật vài trang rồi ném cuốn sách lên bàn. Hắn xem qua cuốn thứ hai, đặt sang bên rồi đọc bìa cuốn thứ ba và quay về phía Stokman.
- Nhà mày còn giấu loại sách như thế nầy ở chỗ nào nữa?
Stokman nheo mắt bên trái như nhắm bắn.
- Có bao nhiêu đều ở đây cả.
- Mày nói láo! - Tên sĩ quan vung cuốn sách nói dằn từng tiếng.
- Tôi yêu cầu…
- Lục soát!
Tên cảnh sát trưởng tì tay vào đốc gươm bước tới gần chiếc hòm. Một người tuần Cô- dắc lục lọi trong đống đồ lót và quần áo ngoài. Xem ra những việc vừa xảy ra đã làm hắn hết hồn.
- Tôi yêu cầu nói với tôi cho có lễ độ, - Stokman nói nốt, anh nheo mắt nhìn thẳng vào chỗ tinh mũi tên sĩ quan.
- Ông im đi thì hơn, ông bạn thân mến ạ.
Trong gian Stokman ở với vợ, chỗ nào có thể đào bới được chúng đều không từ. Chúng khám cả trong gian làm việc. Tên cảnh sát trưởng ra vẻ mẫn cán, thậm chí cong ngón tay gõ vào mấy bức tường.
Stokman bị giải đến nhà hội đồng. Anh đi giữa phố, trước mặt người tuần, một tay đặt lên vạt chiếc áo vét- tông cũ, còn tay kia vẩy vẩy như muốn rũ những vết bùn trên ngón tay. Mấy tên kia đi sát dãy hàng rào bên lề con đường lốm đốm ánh nắng. Tên dự thẩm vẫn đặt từng chiếc giày da xanh xanh tì sát vào những cây thân lê lên những đốm nắng. Nhưng bây giờ hắn không cầm mũ ở tay nữa, mà đội chắc chắn lên đầu, bên trên hai vành tai trắng bệch.
Người cuối cùng bị thẩm vấn là Stokman. Những người đã bị hỏi cung xong đứng chen chúc ở phòng ngoài và bị tuần đinh canh gác:
Kotliarov chưa kịp rửa hai bàn tay bê bết dầu ma- dút, Davydka mỉm cười ngượng nghịu, "Bồi" với chiếc vét- tông khác trên vai và Miska Kosevoi. Tên dự thẩm vừa lục trong cặp tài liệu màu hồng vừa hỏi Stokman đứng bên kia cái bàn:
- Lần tôi hỏi cung ông về vụ án mạng xảy ra ở nhà máy xay, tại sao ông giấu không nói ông là đảng viên đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga?
Stokman nín lặng nhìn cao hơn đầu tên dự thẩm.
- Việc nầy đã được xác định. Ông sẽ phải chịu phần trách nhiệm xứng đáng về những việc ông đã làm. - Tức tối vì thấy Stokman chẳng nói chẳng rằng, tên dự thẩm cất cao giọng.
- Xin ông cứ bắt đầu hỏi, - Giọng Stokman đầy vẻ chán ngán. Anh đưa mắt về phía cái ghế bỏ không đề nghị cho phép ngồi.
Tên dự thẩm không trả lời, hắn lật loạt soạt những trang giấy, gườm gườm nhìn Stokman thản nhiên ngồi xuống.
- Ông đến đây từ bao giờ?
- Năm ngoái.
Theo nhiệm vụ tổ chức của ông trao cho phải không?
- Tôi không có nhiệm vụ gì cả.
- Ông đã là đảng viên của đảng ông từ hồi nào?
- Ý ông định hỏi gì?
- Tôi hỏi ông, - Tên dự thẩm nhấn mạnh tiếng "tôi", - Ông đã trở thành đảng viên đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga từ bao giờ?
- Tôi nghĩ rằng…
- Tôi hoàn toàn không cần biết ông nghĩ gì. Ông hãy trả lời câu hỏi đi. Chối quanh chỉ vô ích, mà lại còn có hại là khác. - Tên dự thẩm để riêng ra một tờ giấy, rồi đưa ngón tay trỏ ấn tờ giấy đó xuống mặt bàn. - Đây là bản kết quả tìm hỏi gửi từ Rostov tới đây, tài liệu nầy xác định ông có tham gỉa đảng phái nói trên.
Stokman nheo hẳn mắt, đọc lướt qua tờ giấy trắng, nhìn chằm chằm một lát rồi xoa xoa đầu gối, trả lời bằng giọng rắn rỏi:
- Từ năm một nghìn chín trăm linh bảy.
- À ra vậy. Thế ông chối không nhận rằng ông đã được đảng ông phái đến đây à?
- Vâng.
- Nếu thế thì ông đến đây làm gì?
- Tôi thấy ở đây cần có người làm công việc thợ nguội.
- Vì sao ông đã chọn đúng khu nầy.
- Cũng với lý do trên.
- Hiện nay ông có quan hệ, hay trong thời gian ấy ông có liên hệ với tổ chức của ông không?
- Không.
- Họ có biết rằng ông đến đây không?
- Chắc hẳn là có.
Tên dự thẩm chẩu môi gọt bút chì bằng con dao chuôi sà cừ, mắ không nhìn Stokman.
- Ông có thư từ đi lại với ai trong số đồng đảng không?
- Không.
- Còn bức thư tìm thấy trong khi khám xét?
- Bức thư ấy là của một người bạn, người nầy, xin lỗi ông, chẳng có quan hệ gì với một tổ chức cách mạng nào cả.
- Ông có nhận được những chỉ thị nào ở Rostov không?
- Không.
- Mấy tên thợ nhà máy xay đến tụ tập ở nhà ông với mục đích gì?
Stokman nhún vai, có vẻ ngạc nhiên trước một câu hỏi vô nghĩ lý đến như thế.
- Chẳng qua chỉ là đến ngồi với nhau để giết thì giờ trong những buổi tối mùa đông… Đánh vài ván bài…
- Và đọc những sách mà pháp luật đã cấm đọc. - Tên dự thẩm nhắc.
- Không. Anh em toàn là những người rất ít chữ nghĩa.
- Thế mà tên thợ máy nhà máy xay cùng tất cả những tên khác đều không phủ nhận sự thật nầy.
- Không phải như vậy.
- Tôi có cảm tưởng như ông hoàn toàn không có một nhận thức sơ đẳng nào…
Nghe đến đây Stokman mỉm cười. Tên dự thẩm bất giác ngừng lại một lát, rồi hắn nói nốt với một vẻ bực tức cố nén:
- Thật quả ông không còn có đầu óc khôn ngoan thông thường nữa ông khăng khăng không nhận tội thì chỉ có hại cho mình thôi. Hoàn toàn dễ hiểu là ông đã được đảng của ông phái đến đây để làm công việc phân hoá dân Cô- dắc, để dành lấy họ khỏi tay chính phủ. Tôi không hiểu chúng ta cứ đánh bài mò như thế nầy làm gì? Đằng nào cũng không giảm bớt được tội cho ông chút nào cơ mà…
- Đó mới chỉ là ông ước đoán thôi. Ông cho phép hút thuốc? Cám ơn ông. Đó chỉ là ước đoán, hơn nữa chẳng có căn cứ gì.
- Xin ông cho biết ông có đọc cho bọn thợ đến nhà ông nghe cuốn sách nhỏ nầy không? - Tên dự thẩm đặt bàn tay lên một cuốn sách nhỏ, che mất đầu đề. Phía trên có dòng chữ đen trên nền trắng: "Plekhanov".
- Chúng tôi đọc thơ, - Stokman thở dài, hít một hơi thuốc, mấy ngón tay bóp chặt cái bót xương có những vòng tròn.
Hôm sau, một buổi sáng rầu rĩ đầy sương mù, có chiếc xe thư thắng hai con ngựa chạy ra khỏi thôn, Stokman ngồi ngủ gà ngủ gật phía sau, chòm râu rúc hẳn vào trong cái cổ ngắn bê bết dầu mỡ của chiếc ghế bành tô. Vài người tuần đinh đeo gươm đứng chen chúc hai bên Stokman. Trong số đó có một tên mặt rỗ tóc xoăn. Những ngón tay sần sùi, bẩn thỉu của gã nắm chặt khuỷu tay Stokman, hai con mắt trắng đã đầy vẻ hoảng sợ nhìn anh trô trố, tay trái nắm khư khư chiếc vỏ gươm bạc màu.
Xe chạy long xòng xọc tung bụi mù mịt trên dãy phố. Một người đàn bà nhỏ bé, đầu trùm khăn, đứng tựa vào hàng rào sân đập lúa nhà Melekhov.
Chiếc xe cuốn bụi chạy qua. Người đàn bà đưa hai tay lên ôm ngực, chạy lao theo:
- Anh Oxia… Anh Yosif Davydyt! Trời ơi, sao lại thế nầy?
Stokman muốn giơ tay vẫy vợ, nhưng gã tuần đinh mặt rỗ chồm ngay dậy, kẹp chặt lấy tay anh trong những ngón tay bẩn thỉu, chắc như gọng kìm. Gã quát lên khàn khàn, giọng man rợ:
- Ngồi yên! Tao chém bây giờ!
Trong cả cuộc đời đơn giản của gã, đây là lần đầu gã thấy một người chống lại cả vua Nga.
--- ------ ------ ------ -------
1 Nguyên văn: "Phá vỡ luống cày" (ND).
2 Một thượng đẳng thiên sứ (archange),theo truyền thuyết Do Thái làm nhiệm vụ chỉ huy "lực lượng vũ trang nhà trời" chống các hung thần ác quỷ (ND).
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]