Đây là lần thứ hai Đường Thận lên miền Bắc, đích đến vẫn là Ninh Châu. Lần này Đường Hoàng ở nhà, Diêu Tam đi cùng với Đường Thận. Dọc đường, Diêu Tam đánh xe ngựa phía trước, Đường Thận ngồi trong toa xe, chốc chốc lại vén rèm lên quan sát cảnh vật bên ngoài. Từ Thịnh Kinh xuất phát, chiếc xe lăn bánh bon bon trên con đường quan đạo rộng thênh thang. Đường xây men theo bờ ruộng để không hại đến hoa màu ở các vùng nông thôn. Ngu bộ mở rộng nền đường hết sức có thể, phạt hết cỏ dại, san bớt gò núi, xây nên con đường cái bằng phẳng thuận tiện này. Đi được ba canh giờ thì hết phần đường được hoàn thiện. Ở cuối con đường, thợ thuyền khom lưng xúc đất, mải miết làm đường. Đường Thận và Diêu Tam đi vào đường vòng cũ. Vốn dĩ hai người đã đi được hai phần ba lộ trình rồi, khúc đường vòng này chỉ kéo dài khoảng một phần ba quãng đường thôi, nhưng đi mất bốn canh giờ mới đến Ninh Châu. Thành Ninh Châu thăm nay sung túc hơn hẳn năm ngoái. Đường Thận và Diêu Tam đặt phòng tại một quán trọ. Sớm ngày hôm sau, Diêu Tam ra đường hỏi thăm chỗ ở của Viên ngoại Ngu bộ Vương Tiêu, quan ngũ phẩm ở bộ Công. Nghe ngóng xong, đến buổi chiều, Đường Thận cầm một hộp đặc sản Thịnh Kinh và một hộp trà Bích Loa Xuân Cô Tô đến thăm nhà Vương Tiêu. Vương Tiêu đi vắng, thê tử của anh tiếp đãi Đường Thận. Đến sẩm tối thì Vương Tiêu từ nha môn về. Gặp Đường Thận, anh ta mừng rỡ khôn xiết: “Cảnh Tắc, sao ngươi lại đến đây?” Đường Thận đứng dậy bước tới: “Đại Nhạc huynh, lâu lắm mới gặp, gần đây khỏe không?” “Ta khỏe lắm. Nhưng mà ngươi trả lời ta đã, sao lại đến thành Ninh Châu.” Vương Tiêu bảo phu nhân nhà mình: “Mình xuống bếp nấu hộ tôi mấy món với. Cảnh Tắc cũng là người Giang Nam, cậu ấy hợp tay nghề của mình đấy.” Vương phu nhân cười duyên dáng, đi xuống bếp. Đến đêm, Đường Thận và Vương Tiêu cạn ly chuyện trò say sưa. Tháng bảy là tháng nóng nhất, giờ mà ở Thịnh Kinh thì trong cung đã lấy băng ra giải nhiệt rồi. Nhưng ở Ninh Châu là cực Bắc của Đại Tống, thời tiết tuy nóng bức, chỉ cần một trận gió thổi qua là xua tan ngay, mát mẻ vô cùng. Dùng cơm xong, Vương phu nhân cắt mấy miếng dưa hấu tráng miệng. Vương Tiêu đắc ý nói: “Cảnh Tắc chưa thấy quả này đúng không? Quả này ở Thịnh Kinh là của hiếm đấy, chỉ dùng để tiến vua thôi. Tên nó là dưa hấu, đặc sản miền Tây Vực. Người Liêu thường buôn bán với Tây Vực, ta đến Ninh Châu mới được mở mang tầm mắt. Loại quả này tuy đắt nhưng không đến nỗi không mua được, thương lái người Liêu vẫn bán. Ngươi nếm thử đi, mát lắm, ăn đỡ nóng.” Đường Thận đương nhiên biết dưa hấu thế nào, nhưng từ khi về thời cổ đại, đây là lần đầu tiên được ăn dưa hấu. Đường Thận không khách khí, nhón miếng dưa ăn thử. Dưa nhiều nước mặc dù không ngọt lắm. Đến thế giới này lâu quá, Đường Thận sắp quên mất chuyện kiếp trước, cũng không còn nhớ kĩ được giống dưa hấu thời hiện đại sau bao năm cải tạo đã trở nên ngon ngọt như thế nào. Hôm nay được ăn miếng dưa hấu rất đỗi bình thường thôi cậu đã cảm thấy mỹ mãn vô cùng rồi. Đường Thận không hề khách sáo, khen: “Sướng miệng thật!” Vương Tiêu: “Ha ha ha ha, ăn thêm mấy miếng nữa đi.” Ăn dưa hấu xong, hai người uống trà mát ở trong sân. Vương Tiêu bày tỏ: “Ta đến Ninh Châu ba tháng nay, ngươi là người quen cũ duy nhất ta gặp đấy. Ninh Châu được cái tốt, chỉ tiếc là người quen chẳng có lấy một ai.” Đường Thận: “Hôm nay gặp Đại Nhạc huynh, ta liền nghĩ đến một câu thành ngữ.” “Ồ, thành ngữ gì thế.” Đường Thận cười: “Tâm khoan thể bạng1.” Vương Trăn ngớ người ra: “Tâm khoan thể bạng cái khỉ gì, tâm khoan thể bàn chứ! Đường Cảnh Tắc ngươi ghê gớm nhỉ, chúng ta là tiến sĩ cùng khoa, mấy tháng không gặp nhau, ta hết lòng chiêu đãi ngươi, thế mà ngươi dám chê ta béo. Ta béo chỗ nào?” [1] 胖 cùng chữ này đọc “bàn” (pán) thì là thảnh thơi (lòng thư thái thì người thảnh thơi),đọc là “bạng” (pàng) thì là béo. Đường Thận nhún vai: “Béo lên hay không, trong lòng Đại Nhạc huynh chẳng lẽ không rõ sao?” “Ha ha ha ha.” Hai người nhìn nhau cười phá lên. Ở Thịnh Kinh, Vương Tiêu suốt ngày giam mình ở viện Hàn Lâm nước trong leo lẻo2. Đám tiến sĩ cùng khoa hết đứa này đến đứa nọ thăng quan tiến chức, mình thì lầm lũi khổ sở ở viện Hàn Lâm, làm sao mà không phẫn uất cho được? Vương Tiêu ngày ngày buồn bực u sầu, người ngợm gầy guộc héo hon. Ngược lại, Ninh Châu nơi anh ta chuyển đến là chốn trời cao hoàng đế xa. Ở cái miền này, mấy ai đè đầu cưỡi cổ nổi quan chức bộ Công? Chưa kể, anh ta còn được thăng quan. Gặp chuyện đáng mừng thế, tinh thần sảng khoái, thân thể đương nhiên cũng béo tốt khỏe mạnh lên. [2] Gốc: thanh thủy nha môn – thành ngữ chỉ cơ quan nghèo túng, chẳng có lợi lộc gì. Đường Thận kể khái quát tình hình Thịnh Kinh mấy tháng nay. Vương Trăn bèn hỏi thẳng: “Cảnh Tắc, hôm nay cậu đến tìm ta có việc gì?” Đường Thận chắp tay thưa: “Không gạt Đại Nhạc huynh, quả thật ta có việc muốn nhờ. Đại Nhạc huynh cũng biết, họ Đường nhà ta ở phủ Cô Tô làm buôn bán, cũng có cơ ngơi nho nhỏ. Lầu Tế Hà ở Thịnh Kinh là sản nghiệp nhà ta, năm ngoái lúc mới khai trương Đại Nhạc huynh đã đến rồi đấy. Lầu Tế Hà chỉ chuyên bát hà cung, mà thịt dê thịt bò bán ra đều mua từ thương lái người Liêu cả.” Vương Trăn đảo mắt, đã hiểu ý Đường Thận rồi. Nhưng anh ta vẫn hỏi kĩ: “Cảnh Tắc, vậy ngươi định làm gì?” Đường Thận nói nghiêm túc: “Đại Nhạc huynh, xin hỏi quan đạo từ Ninh Châu đến Thịnh Kinh có thể thông đường trong năm nay không? Ta đến Ninh Châu đã thấy một phần đường mới được hoàn thành rồi, chẳng hay phần còn lại sẽ dẫn đến những đâu? Nếu lấy tiểu thương làm ví dụ, thì di chuyển hai chiều giữa Thịnh Kinh và Ninh Châu, ước chừng tốn bao nhiêu thời gian?” Vương Tiêu thở phào nhẹ nhõm, cười nói: “May chỉ là chuyện cỡ này, tuy ta là Lang trung ngũ phẩm, nhưng việc lớn hơn thì ta không giúp ngươi nổi.” Đoạn, Vương Tiêu bèn nói cho Đường Thận biết con đường mới sẽ đi qua những thành và thị trấn nào. Đến Ninh Châu ba ngày thì Đường Thận và Diêu Tam sang trấn Lạc Hà để móc nối với những thương lái người Liêu mới. Sau khoảng nửa năm, Gia Luật Cứu đã sinh lòng ngờ vực với lầu Tế Hà. Vào đông, nhu cầu thịt dê, bò của lầu Tế Hà là cực kì lớn, mỗi ngày đều phải vận chuyển đến vài xe. Nhưng sang mùa hè, nhu cầu thịt lập tức sụt giảm rất nhiều. Quản lí người Tống của Gia Luật Cứu có hỏi thăm Diêu Tam mấy bận, Diêu Tam lấp liếm hết. Nhưng đến mùa đông tiếp theo, chuyện này không thể bưng bít thêm được nữa. Hai người mua mấy người làm công thông qua nha hành. Trên đường trở về Thịnh Kinh, Đường Thận cố ý đi vòng qua những huyện mà Vương Tiêu nhắc đến, nghiên cứu trước địa hình. Đến khi hai người về Thịnh Kinh đã là một tuần sau. Nghỉ ngơi một tối, hôm sau đến phiên Đường Thận làm việc. Mới qua giờ Sửu, Đường Thận đã mặc quan phục đi vào hoàng cung. Trong lúc bá quan đợi hoàng đế vào triều, Đường Thận hỏi thăm hai Khởi Cư xá nhân khác trong Trung Thư tỉnh về những việc phát sinh gần đây. Trao đổi một hồi thì tới chuyện chỉ lệnh vừa được ban hành trên triều ngày hôm qua. Đường Thận kinh ngạc: “Tuần Tra sứ?” Một Khởi Cư xá nhân nói: “Đúng. Đường đại nhân mới về hôm nay nên không biết, hôm qua Thượng thư bộ Công Viên Mục – Viên đại nhân đích thân hồi kinh, bẩm báo tình hình thi công ba tuyến đường. Thánh thượng hết sức đẹp lòng, bèn phong cho ba người làm quan Tuần Tra sứ, ra lệnh cho họ lần lượt đến U Châu, Thứ Châu và Ninh Châu trong vòng ba ngày, rà soát tình hình xây dựng quan đạo. Ba người này là Thượng thư bộ Hộ Vương đại nhân, Thiếu khanh Đại lý tự Tô đại nhân, cùng với Tống đại nhân của Ngự Sử đài. Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn, Tống Tuần. Hai người trước không cần bài cãi, cả hai đều là sủng thần bậc nhất của Triệu Phụ rồi. Tống Tuần là quan Ngự Sử ở Ngự Sử đài, tuổi lớn hơn hai người kia một chút, nhưng là tâm phúc của Triệu Phụ đã lâu, từng nhiều lần mật đàm trong điện Thùy Củng với Triệu Phụ. Hoàng đế phái người tuần tra tình hình làm đường, cả ba đều là thân tín của ông ta, xem chừng không có vấn đề gì cả. Đường Thận có chút ngạc nhiên, nhưng cậu chỉ giữ trong bụng chứ không thể hiện ra. Tan triều, Triệu Phụ cho đòi Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn và Tống Tuần vào điện Thùy Củng, hỏi thăm tình hình chuẩn bị lên phía Bắc trong hai ngày tới của ba người bọn họ. Ba vị Tuần Tra sứ răm rắp trả lời, Triệu Phụ bèn ban cho mỗi người một chiếu chỉ, chính thức phong chức Tuần Tra sứ cho cả ba. Sau buổi trưa, Đường Thận phụng mệnh Triệu Phụ, mang tấu chương về nha môn Trung Thư tỉnh. Buổi chiều Triệu Phụ muốn ngủ trưa, Đường Thận có thể vắng mặt một lúc mà không có gì đáng ngại. Cậu trả tấu chương xong, nghĩ một hồi, lại đến gian làm việc chung của Thượng thư bộ Hộ và Thượng thư bộ Lễ. Lấy hết dũng khí gõ cửa thì ôi chao, trong phòng chỉ có hai viên quan thất phẩm đang trực. Đường Thận có phần lúng túng: “Vương đại nhân và Mạnh đại nhân không ở đây à?” “Mạnh đại nhân đến Ngự Sử đài, Vương đại nhân hôm nay không làm việc ở Trung Thư tỉnh mà làm việc ở bộ Hộ. Đường đại nhân muốn gặp Vương đại nhân ạ? Nếu có việc gấp, hạ quan có thể đến bộ Hộ báo tin giúp.” “Không cần đâu!” Đường Thận ngượng chín mặt, vội vã ra về. Chiều tà, Triệu Phụ tu tiên xong, Đường Thận và hai Khởi Cư xá nhân rời khỏi hoàng cung. Mới ra đến cổng cung, một người nom như xà ích chạy ra đón cậu. Người ấy nói với Đường Thận rằng: “Đường đại nhân, mời qua đây.” Đường Thận và hai người Khởi Cư xá nhân nghìn theo hướng chỉ của xà ích, liền thấy một cỗ kiệu rộng màu đỏ thẫm đỗ ngay cạnh cổng phụ hoàng cung, không biết đã chờ từ bao giờ. Quan viên Đại Tống phải từ nhị phẩm trở lên mới được dùng kiệu vải điều. Xà ích nói: “Thượng thư đại nhân chờ ngài đã lâu.” Đường Thận nhớ chiều hôm nay mình sang tìm Vương Trăn mà công cốc, cậu ho nhẹ hai tiếng rồi đi tới. Vén màn kiệu lên, Vương Trăn đang cầm một cuốn sách, ngồi trong kiệu nhàn nhã đọc. Đường Thận đứng ngoài kiệu gọi: “Tử Phong sư huynh.” Vương Trăn để sách xuống, nhìn sắc trời bên ngoài, nói: “Trăng đà lên đến lưng chừng, tinh vân sà xuống giữa tầng thinh không. Tiểu sư đệ giờ này mới rời cung, đúng là tận tụy hết lòng, xứng đáng là rường cột quốc gia.” Đường Thận chẳng hiểu sao Vương Trăn lại nói một tràng vô thưởng vô phạt như thế, song chàng đã nhích sang một bên, cười bảo: “Nào rường cột nước nhà, lên đây đi.” “Rường cột nước nhà” định lí sự, mà mở miệng ra lại cảm thấy Vương Tử Phong không nói kháy mình thì thôi, trả lời chi cho mất công. Cậu suy nghĩ chốc lát, rồi cũng chui vào kiệu. Vương Trăn nói: “Về phủ Thượng thư.” Kiệu được nâng lên, đi về hướng phủ Thượng thư. Phủ Thượng thư và phủ Thám Hoa ở trên cùng một đường, nhưng trên lộ trình thì kiệu sẽ đến phủ Thám Hoa trước, qua hai con hẻm nữa mới đến phủ Thượng thư. Cỗ kiệu lúc lắc trên đường. Vương Trăn hỏi: “Chiều nay tiểu sư đệ đến điện Cần Chính tìm ta à?” Đường Thận: “…” Vương Tử Phong, huynh phải nuôi đến một trăm tai mắt trong cung đúng không hả? Đường Thận: “Hai vị đại nhân đệ gặp buổi chiều nói cho sư huynh rồi ạ?” Vương Trăn ngạc nhiên: “Đệ còn gặp người khác à, gặp ai thế?” Đường Thận: “…” Huynh chắc chắn là có nuôi tai mắt thật rồi! Đường Thận: “Cũng không có việc gì đâu, chẳng qua hôm nay Thánh thượng sai đệ trả tấu chương về điện Cần Chính, đệ tiện đường định ngó sư huynh một cái. Tiếc là sư huynh vắng mặt nên đệ về thôi.” Vương Trăn cười: “Trước đây mỗi lần đến điện Cần Chính, chẳng thấy tiểu sư đệ tiện đường sang ngó ta nhỉ?” Đường Thận không đáp. Vương Trăn cười tủm tỉm, dài giọng: “Tiểu sư đệ?” “Đúng là có việc thật.” Nụ cười trên mặt Vương Trăn vụt tắt, có thể thấy sự ngạc nhiên trong ánh mắt chàng, dường như chàng không lường trước được Đường Thận sẽ thẳng thắn thế này. Vương Trăn yên lặng nhìn Đường Thận. Đường Thận hít sâu một hơi, dứt khoát đi thẳng vào vấn đề: “Đệ mới về Thịnh Kinh liền nghe chuyện sư huynh sắp đến U Châu. Sư huynh thân là Thượng thư bộ Hộ, về lý mà nói việc tuần tra không đến phiên huynh phải lo, bộ Hộ còn rất nhiều việc cần sư huynh lo toan. Vì thế, đệ có chút ngỡ ngàng, vả lại đệ nghĩ sư huynh sắp rời kinh thành, nên muốn đến gặp huynh một lát.” Vương Trăn nhíu mày, không trả lời. Đường Thận nhận thấy có gì đó bất ổn, bèn gọi chàng: “Sư huynh?’ Lúc này, kiệu đến trước phủ Thám hoa. Phu kiệu dừng lại, hỏi: “Đại nhân, có dừng ở đây không ạ?” Đường Thận vén rèm kiệu, thấy đã đến nhà mình. Vương Trăn lặng thinh, Đường Thận cũng không biết phải nói gì. Nếu giữ thái độ trước đây của cậu với Vương Trăn, cậu sẽ không nói trực tiếp như vậy. Cậu cứ tưởng với tình sư huynh đệ thân thiết giữa mình và Vương Trăn, cậu có thể tin tưởng Vương Trăn, chí ít là tin một nửa. Nhưng hôm nay xem ra cậu chỉ có thể nghe theo lời Lương tiên sinh, vĩnh viễn ôm tâm lý đề phòng Vương Tử Phong. Đường Thận nói: “Sư huynh, đến nhà đệ rồi, đệ xuống trước ạ.” Nói rồi, Đường Thận định xuống kiệu. Cậu vừa mới đứng dậy, chưa xốc màn kiệu lên, Vương Trăn đã nắm cổ tay cậu kéo lại. Đường Thận ngạc nhiên quay đầu lại, chỉ thấy nét mặt Vương Tử Phong hết sức bình tĩnh, ánh mắt nhìn cậu thẳm sâu mà phẳng lặng. Chàng cất tiếng nói nhẹ nhàng: “Tiểu sư đệ, ta sắp phải xa Thịnh Kinh một thời gian. Có bốn chữ này, hy vọng đệ nhớ kĩ lấy.” “Chớ nghe, chớ hỏi.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]