Turi và Aspanu thức dậy trước lúc bình minh, dù chẳng muốn dậy. Nhưng, vì bọn cảnh vệ cũng có thể khởi hành sớm để bất ngờ chộp hai đứa lúc đang tắm nắng ban mai. Lúc sẩm tối hôm qua, chúng đã nhìn thấy một chiếc xe võ trang liên thanh hạng nặng cùng với hai xe Jeep nữa chạy vào trại Bellampo để tăng cường. Ban đêm, Guiliano tuần khám phía bên kia sườn núi và lắng nghe xem có tiếng động gì khác thường không. Pisciotta châm chọc sự đề phòng đó: - Lúc tụi mình còn nhỏ thì may ra tụi mình mới dám liều mạng vậy. Bộ mày tưởng bọn cớm lười như hủi, nhát như thỏ đế ấy lại chịu liều mạng đi rình mò trong đêm tối hơn là quấn mền nằm trên giường nệm đánh một giấc cho đến sáng bảnh mắt ra, rồi lại còn khệnh khạng cà - phê cà pháo hay sao? - Mình phải tập có thói quen tốt, và nhất là cảnh giác thì không bao giờ thừa! - Turi đáp. Hắn biết rằng sẽ có ngày nó phải đối đầu với kẻ thù khá hơn bọn này. Turi và Aspanu lại miệt mài kiểm tra lại vũ khí, từng món và từng chi tiết. Nó ăn vài miếng bánh bằng hớp rượu nho do Hector Adonis để lại cho chúng. Miếng bánh, với những gia vị cay, nóng, đã làm cho chúng cảm thấy ấm bao tử, tăng thêm sức lực để dựng chướng ngại vật và ngụy trang cành lá chỗ mép bìa mỏm đá. Đứng đằng sau chướng ngại vật, chúng chiếu ống nhòm xuống thành phố. Guiliano khoác tiểu liên lên vai, từ tốn nhét đạn vào đầy các túi áo. Hắn cũng cẩn thận chôn tất cả các thứ khác rồi phủ đất lên, bên trên chèn một tảng đá lớn. Hắn có thói quen tự mình kiểm tra lại các chi tiết, chứ không hoàn toàn tin một ai. Qua ống nhòm, Pisciotta nhìn thấy chiếc xe có võ trang đại liên ra khỏi trại. - Mày có lý, - Pisciotta nói. - Chiếc xe đi vòng xuống thung lũng Castellammarra để đánh bọc hậu tụi mình. Chúng toét miệng cười với nhau, Guiliano cảm thấy một niềm vui phơi phới. Pisciotta nói tiếp: - "Chơi" lại bọn cớm, nói cho cùng, đếch có gì là khó! Chỉ là trò trẻ nít chơi lại bọn trẻ nít quỉ quyệt hơn một chút vậy thôi. Chắc tụi nó cũng biết cái hang này có đường hầm thông qua sườn núi bên kia, và chắc tụi nó nghĩ là mình sẽ chuồn qua đó khi bị chúng nó lùa đuổi bên này, cho nên, chúng nó cho xe gắn súng đại liên phục sẵn để "đón tiếp" tụi mình. Một giờ đồng hồ nữa có thể sẽ có một đơn vị cảnh vệ đến phía dưới chân núi, chỗ đỉnh Ora, tấn công trực diện. Nếu giết được chúng ta càng hay, nếu không thì lùa qua sườn núi bên kia cho súng đại liên. Bọn cớm nghĩ chúng ta chỉ là lũ con nít mới lớn ngông cuồng mà lại nông nổi, dại dột, tập sự làm ăn cướp, khờ khạo ít kinh nghiệm. Chính lá cờ Sicilian treo đó là một bằng chứng "lạy ông tôi ở bụi này". Hớ hênh, ngây ngô, ngu dại. Y như rằng, một giờ đồng hồ sau, một chiếc xe tải chở cớm và một chiếc xe Jeep chở Marseciallo vượt qua cổng trại Bellampo. Hai chiếc xe tà tà đến chân núi, ngừng lại và đổ quân xuống. Mười hai tên cớm đeo tiểu liên dò dẫm, lò mò theo đường mòn lên dốc. Maresciallo gỡ cái mũ đen viền trắng và chỉ tay về phía lá cờ cắm trên mỏm đá. Turi Guiliano đứng đằng sau chướng ngại vật, chiếu ống nhòm quan sát. Bỗng hắn chợt nhớ đến chiếc xe có súng đại liên ở phía bên kia núi, không biết ở bên đó có bao nhiêu thằng. Nhưng rồi hắn lại an tâm, vì lúc đó có leo lên được đến nơi thì cũng mất cả nửa giờ nữa, cho nên, không sợ bị đánh tập hậu, không quan tâm đến bọn bên kia sườn núi nữa, hắn quay ra nói với Pisicotta: - Nếu tụi mình không thực hiện khéo, đúng với kế hoạch thì chắc sẽ khỏi về nhà ăn tô mì nóng tối nay như lúc mình còn bé đi chơi trên núi về vậy, đúng không? - Nhưng, mày nhớ không? - Pisciotta nói. - Tụi mình vẫn không thích về nhà. Tuy nhiên, phải công nhận, chơi lần này vui hơn, thú vị hơn. Mình phải hóa kiếp cho một vài thằng chứ? - Đừng, Guiliano nói. Nghĩ đến chuyện đêm hôm trước, Pisciotta đã không nghe lời nó, nên Guiliano nói chẳng có ích gì cho mục tiêu của tụi mình trong giai đoạn này. Hai đứa kiên nhẫn chờ thêm một giờ nữa. Guiliano chĩa khẩu súng ra ngoài chướng ngại vật, bắn hai phát. Bọn lính đang đi thành hàng, bỗng chạy tán loạn và mau lẹ tản ra, nấp và các tảng đá và bụi rậm như những con kiến chui và đám cỏ. Pisciotta bắn bốn phát, khói bay lên ở những chỗ khác nhau. Bọn cảnh vệ nổ súng như mưa, nhưng nổ cầu may chứ có nhìn thấy chúng đâu. Guiliano bỏ súng xuống, đưa ống nhòm lên, nhìn. Hắn thấy Maresciallo và tên lính đang mở máy truyền tin, chúng tiếp xúc với chiếc xe ở sườn núi bên kia, chắc là để báo tin cho bọn kia chuẩn bị, chúng có thể sắp chuồn qua bên đó. Guiliano cầm súng lên, bắn hai phát nữa, rồi nói với Pisciotta: - Đã đến lúc tụi mình chuồn được rồi đó! Hai đứa lủi qua phía bên kia mỏm đá, khuất tầm nhìn của bọn cớm đang tiến lên, rồi tuồn xuống một mỏm đá dốc và lăn xuống dốc cách đó khoảng năm chục mét rồi đứng dậy, súng ống sẵn sàng. Chúng lom khom chạy luồn phía dưới và chỉ ngừng lại để Guiliano chiếu ống nhòm quan sát bọn cớm. Đến một chỗ dốc khác, chúng lại lăn xuống hai cái dốc như vậy nữa và thế là chúng đã ở phía dưới bọn Maresciallo. Phía trên chỗ Pisciotta và Guiliano đang đứng, qua ống nhòm, chúng thấy Maresciallo vừa đì đụp bắn bâng quơ vừa rón rén bò lên. Chúng cứ thi nhau bắn vào chỗ lá cờ, mà đâu ngờ rằng hai thằng ranh đang đứng ở cạnh sườn chúng. Hai đứa, khi thì lom khom luồn lỏi, khi thì lúp xúp chạy qua các tảng đá lớn che khuất phía dưới và đi vào vạt rừng nhỏ. Đứng nghỉ một chút, chúng lại rón rén lần theo đường mòn chạy xuống. Khoảng một giờ sau chúng đã đến dải đất tiếp giáp chân núi và thị xã. Chúng giấu vũ khí dưới lớp áo khoác và bình thản đi qua dải đất như thể nông dân đi làm về. Chúng vào thị xã qua chỗ cuối đường Via Bella chỉ cách trại Bellampo chừng hơn trăm mét. Cũng trong thời gian đó, Maresciallo ra lệnh cho đám lính của gã tiếp tục tiến lên chỗ mỏm đá có cắm cờ. Nhưng không thấy súng bắn trả, gã tin rằng hai thằng ranh con đã chuồn theo đường hầm qua phía sườn núi bên kia. Gã muốn bao vây để sập bẫy. Gã ra lệnh cho lính mon men bò lên tiếp. Mất cả tiếng đồng hồ sau gã mới lên đến chỗ mỏm đá và xé lá cờ. Maresciallo chui vào hang, đẩy tảng đá chặn ở cuối hang qua sườn núi bên kia. Gã chưng hửng khi thấy con mồi của gã đã chuồn đâu mất. Tức điên lên, gã cứ đinh ninh con mồi của gã không thể thoát được, mà chỉ là ẩn nấp đâu đó. Bởi vậy gã đốc thúc đám lính hì hục lục soát khắp hai bên sườn núi và từng tảng đá, quyết lùa cho được con mồi ra khỏi nơi ẩn náu. Hector Adonis đã theo đúng chỉ dẫn của Guiliano. Ở đầu đường Via Bella đã có một cái xe lừa đậu sẵn ở đó. Cái xe đúng kiểu mẫu truyền thống, sơn lòe loẹt, sặc sỡ với các tấm tranh kể các tích truyện anh hùng hiệp sĩ. Xe sơn lòe loẹt từ trước ra sau từ trên xuống dưới, từ càng xe cho đến những nan hoa bánh xe. Cái xe trông loang lổ sặc sỡ như hình xăm trên thân thể một tay anh chị, chỉ khác là xăm kín hết không để hở lấy một phân vuông. Đứng giữa càng xe là một con lừa đang hình như ngủ gà ngủ gật. Guiliano nhảy lên ngồi vào chỗ người lái và nhìn vào bên trong xe xếp đầy những vò rượu. Hắn đưa mắt thoáng nhìn về phía đường đi Castellammare xem chiếc xe gắn súng đại liên có quay về không, nhưng không thấy tăm dạng. Thoáng liếc mắt lên phía ngọn núi: chẳng thấy gì hết ngoài ngọn cờ vẫn phất phới tung bay. Hắn toét miệng cười với Pisciotta: - Đúng y kế hoạch, đầy đủ phương tiên, đúng vị trí. Thôi, đi "múa" chút, coi! Pisciotta đưa tay phác chào vừa có vẻ trang nghiêm vừa có vẻ giỡn giỡn. Y đóng nút áo lại để che kín khẩu súng lục gài bên hông và chệnh choạng đi về phía trại Bellampo. Ngồi trên chỗ người đánh xe, Turi nhìn Pisciotta chậm chạp lướt qua thửa đất trống dẫn tới con đường mòn có đá dẫn vào cổng trại. Cũng từ đó, hắn nhìn về phía cuối đường phía nhà hắn. Không thấy ai ra đứng ngoài cửa. Hắn mong được thoáng thấy bóng bà mẹ hắn. Trước cửa của một trong những căn nhà gần đó có một vài "bợm nhậu" đang khề khà quanh một cái bàn trên có vò rượu. Chỗ cái bàn được bóng của một ban công che nắng. Bỗng hắn giật mình sực nhớ ra cái ống nhòm vẫn lủng lẳng đeo trước ngực, cũng may, quãng đường chỗ đó không có ai qua lại. Hắn vội vã tháo ra và nhét vào khe mấy vò rượu. Một chú cớm đang đứng gác ở cổng. Đó là một cớm oắt mặt non choẹt chưa thể nào quá 18 tuổi. Hai má hồng hào, nhẵn thín, chứng tỏ chú là người ở các tỉnh phía Bắc nước Ý. Bộ đồng phục màu đen viền trắng, túi trên, túi dưới, may vừa dối vừa vụng. Cái mũ lính mỏ vịt chụp hờ hững trên đầu làm cho chú vừa có vẻ một búp - bê vừa có vẻ một anh hề. Trái với quân kỳ, điếu thuốc phì phèo trên cặp môi dày, trông có dáng vừa tham lam vừa dâm dục. Bước lại gần, Pisciotta bỗng cảm thấy trong lòng nổi lên một cái cảm tưởng khinh lờn và cái ý muốn trêu trọc, bỡn cợt và vờn chú cớm oắt như mèo vờn chuột. Chỉ mới cách đây có vài ngày, đám cớm ở đây bị một vố như vậy mà chú cớm oắt cũng chẳng có tí gì gọi là cảnh giác, đề phòng, khẩu súng tiểu liên vẫn đeo lủng lẳng ngang lưng. Cớm oắt thấy một tên nhà quê ăn mặc xốc xếch thế mà dám ngạo ngược để bộ ria mép rậm rì trông không xứng tí nào. Chú ta quát lên: - Ê, thằng kia, đồ cà chớn, xớ xa xớn xác đi đâu vậy? Bộ không biết đây là đâu sao chớ? Quát ngậu xị lên như vậy, nhưng chú ta cũng chẳng buồn hạ khẩu súng và giữ tư thế sẵn sàng tác chiến. Pisciotta ta có thể cắt họng chú trong nháy mắt. Nhưng thay vì thế, y lại làm ra vẻ rụt rè, khúm núm. Y phải cố nén để khỏi bật cười trước cái vẻ vênh váo con nít và ra cái điều ta đây oai vệ của cớm oắt. - Cậu Hai. - Y rụt rè nói. - Cậu làm ơn cho tôi gặp ông sếp, tôi có một cái tin quan trọng muốn báo cho sếp. - Cứ nói cho tao cũng được, - Cớm oắt nói. Không nén được cơn tức trước câu nói xấc của cớm oắt, Pisciotta bèn giở giọng cha chú liền: - Bộ mày tưởng mày có đủ tiền đặng trả cho cái tin này sao chớ? Cho mày hay, mười năm lương của mày cũng không đủ đâu! Chưng hửng trước cái giọng thay đổi xấc láo một cách đột ngột của thằng nhà quê, cớm oắt hơi chột dạ, nhưng vẫn đáp lại bằng cái giọng khinh khỉnh, tuy đã có chút e dè: - Bây giờ chú có nói cho tôi trời sập chỗ nào thì tôi cũng đếch có tiền trả cho chú! - Còn hơn trời sập nữa kìa, - Pisciotta toét miệng cười, đổi mặt làm vui, - Cho cậu Hai hay, tôi biết chỗ thằng Guiliano đang trốn né, cái thằng mà mới cách đây mấy bữa đã cho mấy cậu ở đây "lỗ mũi ăn trầu" đó. Cậu Hai không cho tôi vô gặp sếp gấp, nó đi mất, cậu Hai chịu trách nhiệm đó. Cớm oắt nói một cách ngờ vực: - Đời thuở nào mà ở cái đất trời đánh này lại có một thằng Sicilian cộng tác, báo tin cho chính quyền thế này. Hôm nay đúng là trời sập chỗ nào rồi. Pisciotta tiến lại gần hơn chút nữa: - Nhưng tôi có ý đồ. Tôi định xin đăng lính cảnh vệ như chú vậy đó. Tháng sau tôi đi Palermo xin khám sức khỏe nên tôi nghĩ là phải có một cái lễ gì đó ra mắt. Nhưng, vì nghèo quá nên lấy cái tin này đề làm lễ ra mắt đặng "sếp" ở đây chiếu cố. Ai biết đâu đấy, không chừng tôi và cậu Hai có ngày cùng mặc bộ đồ cảnh phục này. Cớm oắt nhìn Pisciotta vừa có chút thích thú, cảm tình lại vừa có chút thương hại tội nghiệp. Thật ra thì có thiếu gì thằng dân Sicilian muốn xin đăng lính cảnh vệ. Đó là một lối để thoát khỏi cái cảnh nghèo kinh niên, sạch gạch mà lại có tí ti quyền hành, quát nạt, làm phách với bọn nhà quê, cũng oai chán và ít nhất cũng được no cái bụng. Bữa nào trúng mối, gặp được thằng cù lần buôn chui thì cũng được đấm cho tí tiền còm, nếu không thì "tóm" cái tang vật về chia chác với nhau hoặc đớp thả ga miễn phí. Trong truyện tiếu lâm bình dân của người Bắc nước Ý mà ai cũng biết, tất cả những thằng đàn ông con trai nào cũng thế - tất nhiên, phải loại từ những thằng "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi" ra - cũng chỉ có thể hoặc là làm ăn cướp, hoặc là làm cớm. Và ở phía nào thì chúng cũng làm hại ngang nhau. Pisciotta cười thầm trong bụng với cái ý nghĩ có ngày mình xin làm cớm. Là một tay ưa ăn diện, chẳng thế mà quần áo Pisciotta phải đặt may tại thủ phủ Palermo chứ không chịu mấy anh thợ may "vườn" ở cái thị trấn Montelpre này. Chỉ có mấy thằng khùng mới cho bộ cảnh phục đen viền trắng và cái mũ mỏ vịt là đẹp, chớ cỡ Pisciotta thì còn lâu. Có lẽ trong thâm tâm cớm oắt có lòng ái ngại thật sự hay là không muốn cho ai cũng "đi lên" bằng mình, nên chú ta nói: - Chú suy nghĩ cho kỹ chưa mà xin đăng lính cảnh vệ? Lương bổng cảnh vệ "yếu" lắm. Tụi này có ngày phải trễ miệng, nếu không kiếm chác được ở mấy thằng buôn chui. Và cũng nguy hiểm lắm. Đó, mấy hôm nay, ngay ở thị trấn này, hai tay trong trại này - trong đó có một đứa là bạn tôi - bị cái thằng trời đánh khốn kiếp " lật gọng" chết ngay đứ đừ. Pisciotta đáp lại, giọng giỡn giỡn: - Mẹ kiếp, bắt được tụi nó, trước khi "phơ", phải cho tụi nó no đòn bastinado..., để cho tất cả những thằng khác trông thấy sợ té đái ra quần, thì chúng mới biết cách ăn ở cho phải phép, phải không cậu Hai. Rồi, bằng cái giọng thân mật như thể tự hồi nào tới giờ, y với cớm oắt đã là anh em hay đồng đội thân thích, Pisciotta chép chép cái miệng, háy háy bộ ria, rồi nói: - Đằng ấy có thuốc lá không, cho xin điếu? Để đáp lại cái vẻ phởn chí, được đằng chân, lân đằng đầu của Pisciotta, cớm oắt thấy thân mật với thằng nhà quê này coi bộ không ổn, nó bèn sửng cồ với Pisciotta: - Cho mày thuốc lá? - Vừa có vẻ xấc láo vừa có vẻ ngờ vực, nó nói tiếp: - Mẹ kiếp, một thằng Sicilian trời đánh nào đó mà nó dám há cái mõm thối tha của nó ra xin thuốc lá tôi chớ. Thiên địa, trời đất ơi! Và nó gỡ súng ra khỏi vai. Lập tức, Pisciotta cảm thấy như có một sức thúc đẩy phải chồm lên lìa cho nó một nhát vào cổ họng để nó câm cái mõm chó của nó lại. Nhưng, Pisciotta dằn lại, nói bả lả: - Bởi vì tôi có thể chỉ chỗ cho mà bắt thằng Guiliano. Mấy cha kia ngu thấy mẹ, giờ này lên núi có mà tìm tắc kè ở trên ấy. Mà này, cậu Hai không đưa tôi vào gặp "sếp" gấp, chậm trễ, nó đi mất, cậu Hai chịu à, nghe chưa! Cớm oắt ngó sững. Câu nói xấc láo của nó vừa rồi khiến cho nó bối rối. Loại tin tức mà thằng nhà quê không chừng thuộc loại có cỡ đối với thượng cấp của nó. Và cái vẻ câng câng, xấc xấc của thằng cha này có thể làm cho nó bị thượng cấp sờ gáy nếu thằng cha này "tâu rỗi" là nó đã xấc với hắn. Nghĩ vậy, cớm oắt lặng lẳng ra mở cửa và lấy mũi súng ra hiệu cho Pisciotta đi vào. Tên cớm oắt và Pisciotta vừa quay lưng lại, thì lập tức Guiliano ra roi quất con lừa cho chạy về phía cổng trại. Doanh trại Bellampo rộng đến 4.000 mét vuông. Trên có một dãy nhà lớn hình chữ L. Cách sau là nhà giam. Phía sau nữa là nhà ở tập thể của cớm, rộng có thể chứa cả trăm người. Có cả khu đặc biệt dành làm nơi ở cho Maresciallo. Phía bên phải là nhà để xe. Thật ra, trước kia nhà để xe vốn là cái chuồng ngựa và hiện vẫn còn dành một phần để nhốt mấy con lừa và la cho cớm dùng trong trường hợp phải lên núi hoặc đến những nơi xe hơi không tới được. Phía xa đằng sau nữa là kho quân trang, vũ khí, kho này có cửa sắt. Quanh doanh trại là hàng rào kẽm gai chằng chịt cao có đến ba mét. Có mấy tháp canh, nhưng từ mấy tháng nay tháp canh không có lính gác nữa vì trại giảm quân số chỉ còn có một tiểu đội. Doanh trại được xây dưới thời Musolini và được mở rộng trong chiến dịch càn quét Mafia. Lúc đó, các tháp canh có lính gác ngày đêm rất cẩn mật. Khi qua cổng trại. Pisciotta đã để ý xem có dấu hiệu gì nguy hiểm không. Không có tiếng nô đùa ồn ào của bọn cớm. Doanh trại im lặng như một trang trại bỏ hoang. Trong nhà xe, không có xe và cũng không có một cái xe nào đậu ở bất cứ chỗ nào. Đó là điều làm cho y ngạc nhiên và hơi lo, vì có thể có một cái xe nào đó về bất chợt. Y không thể nào quan niệm được Maresciallo mà lại ngu đến mức để doanh trại trống không như vậy, và không có một cái xe nào để trực. Y sẽ phải tìm cách báo cho Turi biết tình hình, rất có thể chúng gặp những vị khách bất ngờ. Cớm oắt đang gác cửa đã bỏ vọng gác, dẫn Pisciotta đi qua một cửa lớn để vào phòng làm việc. Đây là căn phòng rộng mênh mông, có quạt trần. Nhưng cái quạt cũng chẳng làm cho căn phòng mát đi được là bao. Có một cái bàn lớn, cao như thể muốn chế ngự căn phòng. Hai bên bàn lớn có hai dãy bàn nhỏ, chắc là cho các thư ký. Tất cả các bàn đều trống, trừ chỗ bàn lớn. Ngồi phía sau bàn ấy là thầy cai cảnh vệ. Trông thầy cai thật khác hẳn với cớm oắt vừa dẫn Pisciotta vào. Trước bàn thầy cai ngồi có tấm bảng ghi chữ "Hạ sĩ Canio Silvestro". Phần thân của thầy cai nhô lên khỏi mặt bàn trông thật dễ sợ: vai rộng cái đầu to như một tảng đá đè trên một cái cổ có ngấn nần nẫn. Vết thẹo đỏ sậm - gần như đen - chạy dài suốt từ mang tai xuống tận cái cằm bạnh. Bộ ria mép rậm, vểnh lên trông như cặp cánh đại bàng gắn trên miệng của hắn. Hắn mặc cảnh phục, cánh tay trái gần via gắn cái lon hạ sĩ, khẩu súng lục trong bao đeo lủng lẳng ở thắt lưng. Khi nghe tên lính gác báo cáo hắn nhìn Pisciotta với vẻ ngạc nhiên, rồi nghi ngờ và không tin. Khi thầy cai mở miệng nói, thì biết ngay là dân Sicilian chánh gốc. - Đồ ba xạo, - hắn nói với Pisciotta. Nhưng hắn chưa kịp nói gì thêm, thì từ ngoài cổng, tiếng của Guiliano ong óng vọng vào đến tận văn phòng. - Ê nè, mấy ông lính, có ra mà lấy rượu cho không! Có hay không thì biểu! Pisciotta rất phục cái giọng nói của Guiliano, cái giọng khàn khàn đặc sệt âm sắc thổ ngữ, đến nỗi nếu không phải là người địa phương thì khó mà hiểu nó nói gì. Thêm vào đó là cái lối nói gàn gàn, hách hách của mấy anh trọc phú nhà quê. Thầy cai cũng từ trong phòng la lớn lên: - Thằng quỉ nào làm cái gì ở ngoài đó mà rống lên như bò vậy? Và thầy cai hùng hổ đứng lên, đi ra. Pisciotta và cớm oắt cũng theo ra. Chiếc xe sơn sặc sỡ, lòe loẹt và con lừa trắng đứng chặn ngay cổng doanh trại. Áo mở banh hết cúc, mồ hôi nhễ nhại, Turi ngồi vắt vẻo ôm vò rượu. Hắn toét miệng cười giả bộ khờ khờ, quê mùa. Toàn thân hắn trông có vẻ ngây ngô. Nhìn mặt hắn, không ai có thể nghi ngờ gì. Trên người không có vũ khí, lại có vẻ ngà ngà say, giọng nói đặc sệt âm sắc thổ ngữ. Thầy cai rời tay khỏi bao súng và cớm oắt cũng đeo súng vào vai. Pisciotta lùi lại đằng sau, trong tư thế sẵn sàng rút súng ra tác chiến. - Tôi có cả một xe rượu nho cho mấy ông nè. Guiliano cất giọng oang oang. Rồi nó đưa tay lên mũi, hỉ cái 'ret" và chùi tay vào ngay cánh cổng doanh trại. - Ai bảo đem đến? - Thầy cai vừa hỏi vừa bước tới. Guiliano biết thầy cai sẽ mở tung thùng xe đặng nhìn vào. - Ba tôi bảo tôi mang đến cho ông đội Maresciallo, - Guiliano vừa nói vừa nháy mắt ra hiệu cho thầy cai. Thầy cai nhìn chòng chọc vào hắn. Thật ra thì mấy tay buôn lậu - ngoài món tiền lót tay - vẫn thường hay "vi thiềng" các sản phẩm, nhất là rượu, đặng cớm thông cảm nhắm mắt làm ngơ. Nhưng thầy cai cũng thắc mắc là thường thì chính cái lão già buôn lậu ấy đích thân đem rượu hay đồ biếu xén đến để thầy chú biết mặt mà thông cảm cho lúc bắt gặp tại trận, chứ ai hơi sức đâu mà nhớ tên mấy thằng chó chết ấy làm gì cho bận trí. Nhưng thầy cai cũng quá hiểu cái "nết" của thầy đội Maresciallo, nên thầy cũng nhún vai, ra lệnh: - Để mấy vò đó xuống, rồi mang vào trong kia! - Tôi để xuống? Tôi mang vào trong? Xí, xin kiếu đi! Một lần nữa thầy cai lại thoáng gợn một chút nghi ngờ, như có một thứ linh cảm mơ hồ gì đó chẳng lành. Hiểu được điều đó, Guiliano giả bộ nhảy xuống khỏi chỗ ngồi, giả bộ lôi vò rượu để có thể dễ dàng rút khẩu tiểu liên ra. Hắn nâng một vò lên và nói: - Tôi có tới hai chục vò như thế này cho mấy ông! Hai chục! Thầy cai quay ra phía doanh trại kêu lớn: - Mấy thằng ở trong kia, ra tao bảo! Có hai tên chạy ra, áo banh cúc, đầu trần, chẳng có đứa nào mang vũ khí. Guiliano đưa hai vò cho hai tên mới ra và một vò cho thằng gác tay còn cầm khẩu súng. Tên này định không đỡ lấy, nhưng Guiliano đã nói và giỡn: - Chừng này rượu ông đội nhậu gì hết, thế nào mấy chú chẳng được nhậu ké, vậy thì hãy đỡ lấy đi. Ba tên cớm ôm ba vò rượu. Nhìn cảnh ấy, Guiliano mỉm cười: đúng như hắn muốn. Pisciotta đứng ngay phía sau lưng thầy cai, tên cớm duy nhất hai tay chưa ôm vò rượu. Guiliano liếc nhanh về phía dốc hướng đi Castellammare: không thấy dấu hiệu chiếc xe có gắn súng đại liên trở về. Nhìn về phía dốc núi: cũng không có dấu hiệu toán tuần tiễu của Maresciallo. Phía cuối đường Via bella chỉ thấy mấy đứa con nít đang chơi. Hắn quay vào thùng xe, rút khẩu tiểu liên, chĩa ngay vào mặt thầy cai. Ngay lúc đó, Pisciotta cũng thọc tay vào trong áo rút khẩu súng lục của mình, ra lệnh cho thầy cai quay vào: - Đừng có nhúc nhích nghe cha, nếu không, tôi lấy đạn hớt bộ ria thì cha đừng trách! Guiliano chĩa súng vào ba cớm oắt đang sợ quá đứng ngây người ra: - Ba đứa cứ ôm ba vò rượu, - Guiliano nói; - Anh kia bỏ cây súng xuống. Tất cả quay trở lại văn phòng. Tên gác thả súng xuống đất. Lúc đi ngang, Pisciotta cúi xuống lượm khẩu súng ấy. Vào đến văn phòng, Guiliano cầm lấy tấm biển tên của thầy cai, gật gù ngắm nghía, rồi quay nhìn thầy cai và ra lệnh: - Hạ sĩ Canio Silvestro, làm ơn đưa chìa khóa, tất cả chìa khóa! Tay của thầy cai đặt trên bao súng, mắt nhìn chòng chọc vào Guiliano. Pisciotta hất tay hắn ra và thò tay móc khẩu súng lục hắn ra. Hắn nhìn y, lườm lườm như muốn xé xác y ra. Pisciotta nở nụ cười tủm tỉm, chế giễu: - Xin lỗi nhé! Thầy cai quay về phía Guiliano, và nói: - Này lỏi, hãy chạy đi và tìm gánh hát nào đó mà xin làm diễn viên. Trông mày đẹp trai, hy vọng ăn khách đấy. Nhưng, đi thì chớ có mang theo những thứ giết người đó. Tụi bay không thoát đâu. Maresciallo và lính của ông sắp về. Ông sẽ săn đuổi tụi bay cho đến tận cùng trời đất. Nghĩ kỹ đi, con. Chơi cái trò kẻ cướp làm gì để cái đầu bị treo giải thưởng. Chính tao cũng sẽ săn đuổi tụi bay và sẽ không bao giờ quên cái bản mặt tụi bay. Tao sẽ tìm ra tên tụi bay, dù tụi bay có chui xuống địa ngục tao cũng sẽ moi tụi bay ra cho bằng được. Guiliano mỉm cười với thầy cai. Vì một lý do nào đó, hắn lại thấy có cảm tình với con người này. Hắn nói: - Muốn biết tên tụi này, sao không hỏi? Thầy cai nhìn chòng chọc vào nó, giọng khinh bỉ: - Đời nào tụi bay dám nói, hay nếu có thì cũng bịa ra một cái tên vớ vẩn nào đó. - Tôi không bao giờ nói dối. - Guiliano nói: - Tên tôi là Guiliano. Thầy cai quên mất là súng đã bị tước mất rồi, nên vẫn đưa tay lên bao súng. Nhưng đưa tay lên rồi mới nhớ ra và bỏ tay xuống. Guiliano lại càng thấy thích con người này hơn vì cái phản ứng tự nhiên ấy. Hắn đánh giá thầy cai là người can đảm vì có ý thức bổn phận rất cao. Ba cớm oắt sợ, mặt mày tái xanh tái xám, run run đứng không muốn vững. Đây là Guiliano, người đã hắn hạ ba đồng đội của chúng. Không có lý do gì để tin rằng hắn sẽ để cho chúng sống. Thầy cai nhìn kỹ vào mặt Guiliano và Pisciotta như để ghi sâu vào trí nhớ cái bản mặt của chúng, rồi từ từ, rụt rè lấy chùm chìa khóa trong ngăn kéo ra. Hắn phải làm vậy, vì Guiliano đã gí súng vào lưng hắn. Guiliano cầm lấy chùm chìa khóa, ném cho Pisciotta và nói: - Thả tù ra. Trong nhà tù, có nhiều người bị bắt đêm hôm Guiliano trốn thoát khỏi Montelepre. Trong một xà lim nhỏ, có hai tên cướp khét tiếng trong vùng là Passtempo và Teranova. Pisciotta mở luôn cửa xà lim này và chúng hớn hở theo Pisciotta đến các phòng khác. Những thị dân Montelepre bị bắt, tất cả đều là người hàng xóm của Guiliano. Họ đổ dồn vào phòng và ôm hôn Guiliano, tỏ lòng biết ơn. Guiliano để họ ôm hôn, nhưng vẫn cảnh giác, mắt vẫn nhìn về phía mấy tên cớm. Những người hàng xóm rất sung sướng và rất phục cách hành động của Guiliano. Làm như vậy, nó đã hạ nhục mấy tên cớm đáng ghét. Trước mặt họ, Guiliano là vô địch. Họ nói với Guiliano là tên Marsciallo đã ra lệnh cho họ ăn đòn bastinado. Nhưng, ông hạ sĩ đã ngăn lại kịp. Do tánh ngay thẳng và bằng lập luận vững chắc, hạ sĩ đã cho Maresciallo thấy là làm vậy sẽ chỉ gây tình hình nguy hiểm và bất lợi cho an ninh doanh trại. Bởi vậy, thay vì tra tấn bằng đòn bastinado thì sáng hôm sau, họ sẽ bị giải đi Palermo để dự thẩm lấy cung. Guiliano chĩa súng xuống đất, vì sợ lỡ ra trúng phải người những người hàng xóm. Những người này đều lớn tuổi hơn hắn, họ biết hắn từ lúc còn nhỏ xíu. Bây giờ cũng như trước kia, với họ, hắn đều nói năng lễ độ, có ý có tứ. - Các chú, các bác có thể lên núi theo tôi, - hắn nói - hay là đi ẩn náu ở một người bà con nào đó càng xa Montelepre càng tốt, đợi cho nhà cầm quyền tỉnh trí, không còn bắt giam ẩu nữa thì hãy về. Hắn đợi. Nhưng mọi người im lặng. Hai tên cướp - Passatempo va Teranova - đứng cạnh nhau. Chúng rất cảnh giác, lúc nào cũng như cái lò xo sẵn sàng bung ra. Passatempo là một người mập, lùn, xấu xí, mặt bự, rỗ huê, môi dày và méo mó. Nông dân trong vùng gọi là "đồ tể". Teranova vóc dáng nhỏ nhắn, săn gọn như con chồn sương, tuy nhiên, dáng dấp dễ nhìn, đôi môi lúc nào cũng he hé như đang mỉm cười. Passatempo là điển hình cho một tên cướp Sicilian tham lam, chỉ chuyên cướp của giết người vì tiền. Terranova nguyên là một nông dân cần cù. Y trở thành ăn cướp chỉ vì hai thằng thu thuế đã tịch thu mất của y hai con heo có giá trị lớn. Y giết luôn hai tên đó, kế đó, giết luôn hai con heo, mời tất cả bà con lối xóm đến nhậu một bữa tơi bời, còn dư, ai muốn đem về xin cũng cứ tự nhiên. Sau bữa đó, y lên núi làm kẻ cướp. Terranova và Passatempo liên kết lực lượng với nhau. Nhưng chúng bị phản bội và bị bắt khi đang lẩn trốn tại một nhà kho bỏ hoang ngoài cánh đồng thị trấn Corleone. Guiliano nói với hai tên cướp: - Hai anh thì chắc đâu còn cách nào khác. Tôi đồng ý cho các anh theo lên núi. Và ở đó, nếu chịu ở dưới sự chỉ huy của tôi thì ở. Hay là lại muốn ra đi làm ăn riêng thì tùy ý. Nhưng hôm nay, tôi cần hai anh giúp tôi một tay, ít ra cũng là để trả cái ơn mà tôi đã giải thoát các anh hôm nay. Đồng ý chứ? Hắn mỉm cười với chúng như thể muốn làm dịu cái đòi hỏi chúng phải tuân lệnh hắn. Trước khi hai tên cướp kịp trả lời, thầy cai đã hành động khinh suất một cách tai hại. Hành động đó có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như lòng kiêu hãnh của một người Sicilian bị tổn thương, hoặc do lòng lang dạ thú ác đôc bẩm sinh, hoặc tức giận vì hai tên cướp khét tiếng đang bị giam dưới sự canh giữ của hắn được thả ra khiến cho hắn phải chịu trách nhiệm hoặc nghĩ rằng hai tên cướp được thả sẽ lại tiếp tục cướp bóc giết chóc người dân... Đứng trước mặt Guiliano và chỉ cách vài bước, hắn bất ngờ tiến lên, tay rút lẹ khẩu súng lục nhỏ giấu trong người chĩa thẳng vào Guiliano. Guiliano kịp nâng khẩu súng của mình lên nhưng cũng quá trễ, thầy cai đã lảy cò, viên đạn bay xẹt qua đầu Guiliano chỉ cách đầu chừng một, hai xăng ti met. Mặt thầy cai đỏ lên vì tức giận, các bắp thịt trên mặt hắn xoắn, vặn cuồn cuộn như những con rắn uốn khúc. Nhưng rồi khẩu súng trở nên lờ đờ, chậm chạp, từ từ rớt xuống trong cơn ác mộng của hắn. Và rớt xuống đất luôn, vì hắn đã nhận ra cuồng vọng của mình. Hắn cảm thấy như đất dưới chân hắn sụp xuống và hắn rớt xuống một cái hang không đáy. Một nhấp nháy trước khi thầy cai lảy cò, Guiliano nhìn thấy họng súng của thầy cai chĩa vào mặt mình mà ý thức được những gì có thể xảy ra, nhưng hắn vẫn cảm thấy lòng mình bình thản một cách lạ thường. Không cảm thấy sợ hãi gì. Hắn không chớp mắt khi thầy cai lẩy cò và còn tiến lên thêm một bước. Sau tiếng nổ là tiếng "tách" khô khan của òc súng "suông". Và cũng chỉ trong nhấp nháy, thầy cai bị Terranova vặn ngược tay hắn lên, giật lấy khẩu súng. Passatempo nắm tóc giật ngửa mặt hắn lên, đưa ngón tay định móc mắt. Pisciotta rút dao định lụi vào ngực hắn. Nhưng, Guiliano kịp thời cản lại. Hắn lôi thầy cai ra khỏi ba người và bình thản nói! - Đừng giết ông ta! Thầy cai cúi mặt xuống đất, mất hết tinh thần khi ý thức được những tai họa xảy ra cho mình do đám người giận dữ kia gây ra, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Guiliano. Trong lúc xo xát, lỗ tai của hắn bị tét, mí mắt cũng bị tét, máu chảy ròng ròng, cánh tay bị vặn tréo ra sau một cách thô bại khiến cho hắn cảm thấy đau. Tuy nhiên, hắn vẫn giữ được dáng vẻ không sợ hãi, không hốt hoảng và bình tĩnh chờ chết. Trong khi ấy, Guiliano cảm thấy lòng mình tràn ngập lòng trìu mến và cảm phục đối với thầy cai. Guiliano cho rằng con người này đúng là một thử thách, một trắc nghiệm, một bằng chứng chứng tỏ sự bất kha tử của hắn, củng cố cái niềm tin của hắn rằng hắn không thể chết. Guiliano kéo thầy cai lại phía mình. Và trước sự kinh ngạc cảu mọi người, hắn đã ôm hôn thầy cai. Lúc đó, hắn có cảm tưởng hắn phải đỡ cho thầy cai thì hắn mới đứng vững. Terranova xem xét khẩu súng lục mà thầy cai đã dùng để bắn Guiliano, và nói: - Anh thật là hên! Trong băng đạn chỉ còn đúng có một viên đó thôi! Guiliano đưa tay cầm khẩu súng. Terranova hơi do dự, nhưng cũng trao cho hắn. Guiliano quay lại phía thầy cai trao cho y khẩu súng lục và nói: - Ông cứ giữ lấy. Ông và mấy người của ông sẽ không sao đâu. Tôi đảm bảo điều đó. Đờ người ra vì kinh ngạc, thầy cai ú ớ không nói nên lời và cũng chẳng biết nói gì. Passatempo ghé vào tai Pisciotta nói nhỏ: - Đưa tao con dao, tao cho nó vài nhát cho rồi. - Ở đây, Guiliano là người ra lệnh, - Pisciotta đáp, - và mọi người có mặt ở đây phải tuân lệnh. Pisciotta nói, thực tế là để cảnh cáo Passatempo rằng chính y cũng có thể giết chết ngay Passatempo nếu gã có manh tâm vọng động. Những thị dân Montelepre vội vã rời khỏi doanh trại, một phần vì họ sợ Maresciallo và bọn kia có thể trở về bất chợt, một phần vì họ không muốn chứng kiến cuộc tàn sát những tên cớm có thể xảy ra. Guiliano bảo Pisciotta đưa thầy cai và ba tên cớm oắt vào giam trong xà lim, khóa cửa lại. Sau đó, hắn, Pisciotta, Passatempo và Terranova lùng sục khắp các phòng trong doanh trại. Đến kho vũ khí, chúng thấy nào súng trường, súng lục, tiẻu liên... và đạn dược. Chúng lấy hết súng chia nhau đeo lên người và khiêng đạn chất lên xe. Qua phòng ngủ, chúng lấy thêm mấy cái mền và túi ngủ. Pisciotta còn quơ thêm hai bộ cảnh phục ném lên xe, miệng nói: "Để lấy hên". Guiliano ngồi lên chỗ đánh xe, ba người lăm lăm vũ khí, hộ tống sẵn sàng khai hỏa chống lại bất cứ cuộc tấn công nào. Họ đi nhanh về hướng Castellammare. Phải mất một giờ sau họ mới tới nhà của người nông dân mà ông Hector Adonis đã mướn xe. Họ chôn giấu chiến lợi phẩm dưới chuồng heo. Mãi đến giờ cơm tối Marescillo và toán cảnh vệ tuần tiễu mới trở về. Tuy mặt trời đã khuất bóng, nhưng nếu còn thì ánh mặt trời cũng không thể nóng hơn cơn tức giận điên cuồng của Maresciallo khi thấy tù thì sổng, mà người trong tù lại là Silvestro và ba cớm oắt. Gã điên cuồng lồng lộn ra lệnh cho xe và lính truy kích. Nhưng lúc đó, Guiliano và đồng bọn đã an toàn trên núi rồi. Báo chí Ý làm rùm beng vụ này. Mới chỉ ba ngày trước kẻ đã giết thêm hai cảnh vệ sau hai tháng giết chết một cớm sếp, đã chiếm những hàng tít lớn và những cột báo trên trang nhất của tất cả các tờ báo ở Sicily và trên toàn nước Ý. Nhưng lúc đó, Guiliano chỉ được mô tả như một tên cướp xứ Sicilian chỉ muốn được nổi tiếng bằng sự tàn bạo, độc ác của mình. Nhưng, đến vụ này thì lại khác, Guiliano được mô tả như một người anh hùng đầy đảm lược và mưu trí, đã thắng lực lượng cảnh sát Ý một cách oanh liệt bằng chiến thuật vừa táo bạo vừa khôn ngoan, tài tình. Hắn đã giữ lời hứa giải thoát những người hàng xóm bị chính quyền giam ẩu và bất công. Các phóng viên từ Palermo, Naples, Rome và cả thành phố Milan tít phía bắc nước Ý. Cũng đổ xô nhau đến Montelepre, phỏng vấn gia đình và bè bạn của Turi Guiliano. Bà mẹ của Guiliano được chụp ảnh tay đang cầm tấm hình Guiliano gảy đàn ghi ta mà theo lời bà "nó chơi hay không thua gì các thiên thần" (thật ra, do cao hứng mà bà bốc thơm lên vậy, chớ nó mới chỉ biết chơi gọi là). Ông thầy cũ của nó nói nó là người say mê đọc sách đến nỗi bạn bè tặng cho cái biệt danh là "mọt sách". Báo chí vồ ngay lấy những chi tiết ấy, phóng đại lên với những hàng tít giật gân đại khái như một tên cướp "học giả", một tên cướp "nghệ sĩ". Pisciotta cũng được báo chí đề cập đến là em họ và là chiến hữu trung thành với Guiliano. Với tấm hình chụp năm nó 17 tuổi, với dáng đẹp trai, đúng kiểu mẫy lý tưởng Địa Trung Hải, Guiliano đã khiên scho những gì mà giới báo chí đã nói trở thành một sự thật không thể phủ nhận được đối với độc giả. Nưhng trong số tất cả những câu chuyện đó thì câu chuyện Guiliano đã tha mạng cho Canio Silvestro, một người đã cố ý giết hắn, là câu chuyện làm cho cả nước Ý cảm phuc. Đối với họ, câu chuyện đó còn hơn anh hùng ca, còn hơn kịch rối àm dân nước Ý rất mê. Khuôn mặt bằng gỗ trong kịch rối làm soa sánh được với "người thật, việc thật", con người bằng xương bằng thịt, việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật... Trong kịch làm gì có đạn thật bay sướt ngang đầu, làm gì có vết thương toác hoác, làm gì có vết thẹo đỏ lói? Báo chí chỉ hơi phàn nàn việc Guiliano thả luôn cả hai tên cướp khét tiếng độc ác và tàn bạo là Terranova và Passatempo, đồng thời ngụ ý hành động này đã phần nào làm lu mờ cái hình ảnh hiệp sĩ chói sáng của Guiliano. Chỉ có một tờ báo ở Milan nhấn mạnh, Salvatore "Turi" Guiliano đã sát hại ba nhân viên cảnh sát đang lúc thi hành công vụ và gợi ý phải áp dụng những biện pháp đặc biệt để bắt hắn cho bằng được. Bởi vì tội sát nhân của hắn không thể được miễn xá chỉ vì nó đẹp trai, mê đọc sách và biết chơi đàn.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]