Trong phòng làm việc của Khương tiên sinh có rất nhiều sách, được anh đồng ý nên tôi thường mượn đọc một hai cuốn.
Hôm nay tôi đọc trúng cuốn sách mà Khương tiên sinh từng đọc.
Cảm giác này rất mới lạ với tôi vì thỉnh thoảng Khương tiên sinh lại ghi chú trên trang sách.
Nhìn những ghi chú này giống như tôi đang đối thoại với Khương tiên sinh vậy.
【No One Is An Island.】
Không ai là đảo hoang cả.
Câu này được Khương tiên sinh cố ý khoanh lại nhưng bên cạnh không có ghi chú.
Tôi nhìn mấy giây đột nhiên vỡ lẽ.
Chắc Khương tiên sinh có cảm xúc gì đó nhưng không viết ra.
Có lẽ chỉ giấu trong lòng thôi.
Tôi đem sách đến hỏi Khương tiên sinh: "Sao câu này được khoanh lại vậy ạ?"
Khương tiên sinh trầm ngâm một lát mới nhớ ra: "Hình như lúc đó anh không đồng ý với câu này."
Tôi hỏi: "Sao thế ạ, lúc đó anh nghĩ thế nào?"
Khương tiên sinh rũ mắt: "Lúc đó cảm thấy...... chính mình là một hoang đảo."
Tôi sững sờ.
Khương tiên sinh nhìn tôi nói: "Nhưng giờ anh không nghĩ vậy nữa."
Anh lại gần hôn tôi một cái: "Giờ anh có em rồi còn gì."
...... Tôi hoài nghi anh chỉ cố ý tìm cớ hôn tôi mà thôi.
"Khương tiên sinh." Khi nụ hôn này kết thúc, tôi kề vào tai anh nói, "Nếu anh là hoang đảo thì em chính là hải âu hạ cánh xuống đảo...... em sẽ dừng chân và đậu trên người anh, vĩnh viễn ở bên anh để anh không còn cô đơn nữa."
Nửa câu sau của tôi bị Khương tiên sinh nuốt mất.
Nhưng tôi nghĩ chắc anh cũng đã nghe được.
Nếu một chú hải âu bay lượn tự do chịu dừng lại trên hoang đảo thì nhất định là nó yêu hòn đảo này tha thiết.
Giống như tôi yêu Khương tiên sinh tha thiết vậy.
—————
1568
Đến cuối tuần Hứa Tri Niên lại bắt đầu xoắn xuýt nên mặc bộ đồ nào để dự tiệc tốt nghiệp.
Cậu ấy đem ra mấy cái áo sơmi và quần tây từ phòng để đồ của tôi, phối từng bộ đặt lên giường rồi cau mày ngắm nghía có vẻ khó xử.
"Trước kia em không phiền não vậy đâu." Hứa Tri Niên thở dài.
Tôi hỏi: "Trước kia em chọn nhanh lắm à?"
"Trước kia em đâu có cơ hội để chọn chứ." Hứa Tri Niên lắc đầu nói, "Chỉ có mấy bộ mặc tới mặc lui, vài ngày là lặp lại, chỉ cần đừng mặc lại bộ hôm qua là được rồi."
Tôi chưa từng trải qua điều này nên hơi kinh ngạc.
Hứa Tri Niên giải thích: "Cũng không phải nghèo mà cảm thấy quần áo đủ mặc là được rồi, cần gì phải tiêu tốn quá nhiều tiền vào đó. Chắc cảm giác bây giờ gọi là phiền não của người có tiền."
Tôi nói: "Vậy có phiền não này cũng tốt đấy chứ."
1569
Hứa Tri Niên chuyển đến ngủ chung phòng với tôi lâu lắm rồi, chúng tôi dùng chung một phòng quần áo, trong đó hầu hết là đồ của tôi còn một phần là của cậu ấy.
Nhưng phòng quần áo rất lớn nên dù chỉ có một phần nhỏ thì số lượng quần áo của cậu ấy cũng được xem là nhiều.
Khương Sênh Sênh mê shopping nên lúc Hứa Tri Niên còn đi học thường rủ cậu ấy đi mua đồ.
Nhiều khi tôi thấy quần áo hợp với cậu ấy cũng sẽ không nhịn được mua về.
Tâm lý này rất kỳ quái, đại khái là vì cậu ấy quá đẹp nên luôn muốn để quần áo của cậu ấy tương xứng với ngoại hình.
1570
Tôi từng nói điều này với Khương Sênh Sênh.
Khương Sênh Sênh bảo tôi hệt như bé gái thích chơi búp bê, ngắm là một chuyện, khoe khoang lại là một chuyện khác.
Vì thế mà tôi đã suýt block nó.
1571
Hứa Tri Niên chọn mấy bộ đồ không tệ, mặc cũng rất hợp.
Tôi nhìn lướt qua thấy cậu ấy vẫn còn rầu rĩ nên đề nghị: "Em thử áo sơmi vàng nhạt của bộ thứ hai với cái quần của bộ ngoài cùng bên phải xem?"
Hứa Tri Niên thử phối hai món với nhau rồi nói: "Hình như đẹp hơn lúc đầu nhiều."
Tôi nói: "Vậy mặc bộ này đi, mất công em lại xoắn xuýt nữa."
Hứa Tri Niên gật đầu rồi đem mấy bộ còn lại treo vào phòng quần áo.
1572
"Khương tiên sinh thật tinh mắt." Giải quyết xong vấn đề nan giải, lông mày nhíu chặt của Hứa Tri Niên cũng giãn ra.
"Tất nhiên rồi." Tôi cười nhìn cậu ấy rồi nói với vẻ sâu xa, "Nếu không thì sao tìm được bạn trai ưu tú vậy chứ."
Hứa Tri Niên: "......"
Cậu ấy đỏ mặt đi thay đồ, còn lẩm bẩm một câu: "...... Vậy chẳng phải em tinh mắt hơn sao."
Khóe miệng tôi nhịn không được nhếch lên.
1573
Vì mất thời gian chọn quần áo nên lúc ra cửa trúng ngay giờ cao điểm.
Mấy con đường trung tâm kẹt xe mấy phút mới có thể lái tới phía trước, chạy mấy mét lại phải dừng.
Đợi đến nơi thì đã trễ hơn giờ ghi trên thư mời rất nhiều.
Tôi cũng chẳng thấy gì nhưng Hứa Tri Niên khá sốt ruột.
Buổi họp mặt cựu sinh viên được tổ chức ở một xưởng rượu vang tên Rafael.
Xưởng rượu này tôi từng nghe tiếng nhưng chưa ghé bao giờ.
Xưởng rượu nằm ở một con đường nhỏ, địa chỉ rất tư mật.
Nó có một hoa viên xinh đẹp, phong cách trang trí theo kiểu Âu Mỹ.
1575
Có nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu thích tổ chức tiệc sân vườn ở xưởng rượu Rafael, chủ yếu để giải trí và ăn mừng dịp gì đó.
Khách khứa có thể trò chuyện ở hoa viên bên ngoài hoặc tổ chức tiệc nhỏ trong sảnh.
Hôm nay bạn học cùng trường với tôi họp mặt ngay tại hoa viên nổi danh nhất xưởng rượu này, còn tiệc tốt nghiệp của Hứa Tri Niên tổ chức ở hội trường cách đó hơi xa.
Tuy không lớn nhưng đối với sinh viên cũng cao cấp lắm rồi.
1576
Sảnh trước có nhân viên tiếp tân, sau khi đưa thư mời liền có nhân viên phục vụ dẫn tôi vào hoa viên.
Vì có tiệc nên hoa viên trang trí rất lộng lẫy, ánh đèn lung linh mờ ảo.
Đi hết con đường là lối đi rải đá cuội, hai bên trồng hoa cỏ chia hoa viên thành nhiều khu khác nhau.
Chỗ lớn nhất ở giữa là một chiếc bàn dài, cũng là nơi đông đúc náo nhiệt nhất.
Các khu còn lại tùy theo diện tích lớn nhỏ mà đặt các kiểu bàn khác nhau, trên bàn ngoại trừ rượu ngon còn có đồ ngọt và điểm tâm.
Rất thích hợp để hai ba người ngồi xuống tán gẫu.
1577
Đi một đoạn có người chào hỏi tôi, chính là người khởi xướng buổi họp mặt này, anh ta họ Đoàn, nhìn độ tuổi thì chắc học trên tôi hai khóa.
Đoàn tiên sinh nhiệt tình nói: "Họp mặt nhiều lần lắm rồi mà năm nay mới may mắn mời được Khương tổng đấy."
"Xin lỗi." Tôi bình tĩnh nói, "Trước kia bận quá không có thời gian, hiếm lắm mới được rảnh như hôm nay."
Đoàn tiên sinh nói: "Khương tổng bận rộn công việc, hôm nay nể mặt đến đây đã là may mắn của chúng tôi rồi."
Tôi hàn huyên với Đoàn tiên sinh mấy câu mới biết anh ta chẳng những là người khởi xướng buổi họp mặt này mà còn là một trong những người sáng lập xưởng rượu Rafael.
1578
Tôi không khỏi thán phục anh ta: "Danh tiếng xưởng rượu Rafael tôi đã được nghe nói, Đoàn tiên sinh quả là thâm tàng bất lộ."
Đoàn tiên sinh cười ha ha: "So với Khương tiên sinh thì có là gì đâu."
Tôi lại hỏi: "Nghe nói lần này cũng có một buổi tiệc ở kế bên đúng không?"
Đoàn tiên sinh đáp: "Đó cũng là trường chúng ta nhưng là tiệc tốt nghiệp, một đàn em khóa sau nhờ tôi tìm hội trường nên giới thiệu xưởng rượu nhà mình cho cậu ta. Khương tổng yên tâm, họ ở trong sảnh cách xa nơi này nên sẽ không quấy rầy chúng ta đâu."
Tôi cười: "Nếu là đàn em cùng trường thì có quấy rầy cũng chẳng sao mà."
Đoàn tiên sinh đáp: "Đương nhiên rồi."
1579
Đoàn tiên sinh ăn nói khéo léo, cũng rất biết nhìn mặt mà nói chuyện.
Dù sao anh ta cũng là chủ nên người tìm anh ta không ít.
Còn tôi thời đi học chẳng thân thiết với ai, nhìn quanh hoa viên mấy lần mà không gặp được người nào đủ quen biết để tán gẫu.
Có lẽ thấy tôi bối rối nên lúc rời đi Đoàn tiên sinh giới thiệu cho tôi một thanh niên mặc vest đi giày da, nói cậu ta là luật sư nhỏ hơn tôi mấy tuổi.
Là đàn em khóa sau của tôi.
1580
Đàn em này tên là Thôi Cao Dương, mặc vest rất chỉn chu, tóc cũng chải keo láng mướt nhìn rất có khí chất của thành phần tinh anh.
Nhưng nghe nói cậu ta là luật sư thì tôi nhịn không được so sánh cậu ta với Hứa Tri Niên.
Ý nghĩ đầu tiên chính là.
Cậu ta không đẹp trai bằng Hứa Tri Niên.
1581
Chỉ mới xa nhau chốc lát mà tôi đã bắt đầu nhớ cậu ấy rồi.
Tôi cười thầm trong lòng rồi tiếp tục trò chuyện với Thôi Cao Dương.
Nói là trò chuyện nhưng thật ra chỉ có mình cậu ta thao thao bất tuyệt còn tôi ở bên cạnh hờ hững nghe, thỉnh thoảng ậm ừ cho có lệ.
Chắc vì làm luật sư nên Thôi Cao Dương rất giỏi ăn nói, nhưng theo tôi thấy thì cậu ta thích bàn luận những thứ cao siêu, thậm chí còn hơi cường điệu.
Điều này khiến tôi rất khó nảy sinh thiện cảm, tôi thích những gì thực tế hơn.
Đương nhiên tôi cũng không biểu hiện ra mặt.
1582
Nói chuyện một lát, tôi biết được Thôi Cao Dương đã hành nghề ba năm, hiện giờ đang định hợp tác với mấy người bạn luật sư khác mở công ty riêng.
Nhưng tiền vốn hơi khó khăn, cậu ta đến buổi họp mặt này để thử thời vận xem có tìm được ai chịu đầu tư không.
"Tôi nghe Đoàn tiên sinh nói Khương tổng luôn ủng hộ các đàn em khởi nghiệp." Cậu ta hỏi tôi, "Chẳng hay Khương tổng có hứng thú với việc này không......"
Tôi cười nói: "Xin lỗi, tôi không có ý định đó."
Thôi Cao Dương lập tức lộ vẻ tiếc nuối.
1583
Đúng là tôi rất ủng hộ các đàn em học cùng trường lập nghiệp, cũng từng đầu tư không ít tiền.
Nhưng cảm giác của tôi về Thôi Cao Dương không tốt lắm.
Tôi hy vọng cậu ta có thể đưa ra một đống kế hoạch kinh doanh chứ không phải nhờ vào tài ăn nói để lôi kéo người khác.
Sau khi tôi từ chối thẳng thừng, cậu ta nói chuyện phiếm với tôi có vẻ lơ đễnh, hỏi mấy lần đều không được đáp lại.
Tôi ngẩng lên mới phát hiện cậu ta đang nhìn chăm chú về một hướng nào đó.
Nhìn theo ánh mắt cậu ta, tôi khựng lại.
Là Nghiêm Chi Triết.
1584
Nghiêm Chi Triết cũng là bạn học với tôi nên xuất hiện ở đây chẳng có gì kỳ quái.
Chỉ là tôi nhịn không được nhíu mày lại, tâm trạng càng thêm kém cỏi.
Tôi thu lại biểu cảm, sau khi ổn định cảm xúc mới hỏi Thôi Cao Dương: "Gặp người quen à?"
Thôi Cao Dương bừng tỉnh: "...... Vâng, là Nghiêm Chi Triết. Lúc cha anh ta qua đời đã nhờ tôi tư vấn về tài sản thừa kế và di chúc."
Tôi nói: "Đã quen biết thì đến chào hỏi đi."
Thôi Cao Dương nhìn tôi, hình như hơi do dự.
Tôi nói: "Tôi muốn ngồi một mình chốc lát."
Thôi Cao Dương lập tức bưng ly rượu đến chỗ Nghiêm Chi Triết.
Cậu ta cười nói gì đó với Nghiêm Chi Triết, Nghiêm Chi Triết có vẻ không kiên nhẫn nhưng cũng không đuổi cậu ta đi.
1585
Dạo này Nghiêm Chi Triết sống chẳng vui vẻ gì.
Tập đoàn Nghiêm thị thay tên đổi họ, hắn là người nhà họ Nghiêm mà ngay cả cổ phần cũng chẳng có, đám phú nhị đại hay chơi bời với hắn giờ cũng hắt hủi hắn.
Trong giới này thượng đội hạ đạp cũng không hiếm, nhất là trước kia hắn ngang ngược càn rỡ, đắc tội không ít người.
Những người trước đây e sợ gia thế nhà hắn nên buộc lòng phải a dua nịnh hót giờ lại mượn gió bẻ măng, trở mặt châm chọc khiêu khích hắn.
Nghe nói mấy ngày trước hắn nóng máu đánh nhau với một công tử khác, lần này đối phương không nhịn nữa mà đánh cho mặt hắn sưng vù.
Nghĩ tới đây tôi nhìn thoáng qua mặt hắn.
Tuy không nhìn ra vết bầm nào nhưng sắc mặt Nghiêm Chi Triết đúng là rất kém.
1586
Tôi chậm rãi thu tầm mắt lại rồi cúi đầu xuống, hờ hững đặt ly rượu lên bàn.
Cũng không ít người lại gần muốn bắt chuyện với tôi, tôi yên lặng để bọn họ ngồi, nói gì cũng ậm ừ nhưng tuyệt nhiên không trả lời trả vốn gì.
Có lẽ bọn họ thấy xấu hổ nên không ngồi tiếp nữa.
Tôi cứ thế đuổi người đi.
Chỗ tôi ngồi cũng không lớn, chỉ đủ cho khoảng hai ba người ngồi tán gẫu, bên cạnh lối đi lại có cây cối che khuất nên nhìn qua sẽ không phát hiện được có một không gian nhỏ như thế.
Nhờ vậy mà tôi hưởng thụ sự yên tĩnh một lúc lâu.
Nhưng cây cối có thể che mắt chứ không che được âm thanh.
1587
"Chẳng phải anh nói hôm nay Lâm Thư Kỳ sẽ đến à? Sao tôi không thấy cậu ấy, anh không gạt tôi đấy chứ!"
Kẻ đang nói chính là Nghiêm Chi Triết.
Một giọng khác tôi đã nghe lúc nãy nên có thể nhận ra là Đoàn tiên sinh: "Lúc đưa thư mời anh Lâm Thư Kỳ có hứa sẽ đến mà."
Nghiêm Chi Triết hung dữ hỏi: "Vậy cậu ấy đâu? Tới chưa?"
Đoàn tiên sinh nói: "Chưa, chắc còn đang trên đường."
Nghiêm Chi Triết quát: "Thế sao anh còn chưa gọi điện hỏi xem cậu ấy ở đâu! Tôi nói cho anh biết, nếu không phải nghe tin cậu ấy cũng đến thì còn lâu tôi mới tham gia buổi họp mặt rác rưởi này!"
Hắn nói năng lỗ mãng làm tôi vô thức nhíu mày.
Nhưng Đoàn tiên sinh rất kiên nhẫn, bị hắn rống cũng chẳng tức giận mà chạy ra một góc gọi điện thoại.
"Xin lỗi." Sau khi trở lại Đoàn tiên sinh nói, "Lâm Thư Kỳ đang trên đường tới thì bị fan cuồng gây náo loạn nên không thoải mái, chắc hôm nay không tới được đâu."
Nghiêm Chi Triết nghe xong lập tức nổi nóng.
1588
Giọng hắn quá to nên không chỉ có tôi mà rất nhiều người nghe được, không ít người tò mò xúm tới xem.
Có mấy người nhận ra hắn nên châu đầu ghé tai nhau xì xào, cũng có người không biết hắn nhưng thấy bộ dạng này của hắn thì không khỏi nhíu mày.
Tôi rũ mắt ung dung uống nốt hớp rượu cuối cùng, cảm thấy ngồi đây cũng chán nên dứt khoát đứng dậy đi ra ngoài.
1589
Đi hết đường nhỏ có hai đường chính, một đường dẫn tới sảnh trước còn đường kia dẫn ra sảnh sau.
Nếu khách nào cảm thấy ở hoa viên quá mệt mỏi thì có thể vào sảnh nghỉ ngơi.
Ngoài phòng nghỉ và phòng khách còn có các nơi ăn chơi.
Nếu chơi đến khuya thì trên lầu có phòng nghỉ qua đêm.
1590
Tôi tìm đại một phòng vắng vẻ rồi nhắn tin cho Hứa Tri Niên.
Tôi: Tiệc tốt nghiệp thế nào rồi?
Đợi mấy phút cũng không thấy Hứa Tri Niên trả lời, chắc cậu ấy không xem điện thoại.
Điều này khiến tôi bắt đầu nóng nảy.
1591
Tôi nhíu mày cố dằn xuống sự nóng nảy và bực bội, tiện tay cầm một tờ rơi của xưởng rượu Rafael lên xem.
Xưa nay tôi không có kiên nhẫn để tham gia những buổi tiệc tùng kiểu này, không phải đối tác, cũng không bàn chính sự thì với tôi đều là lãng phí thời gian.
Đương nhiên điều này có liên quan đến tính cách của tôi.
Tôi cũng không phải người giỏi ăn nói, không thể nào thao thao bất tuyệt trước mặt người lạ như Thôi Cao Dương được.
Hơn nữa tôi cũng không rành giao tiếp, bạn bè có thể đếm được trên đầu ngón tay, trò chuyện lâu với người ta còn dễ mất đi mối quan hệ.
1592
Những lúc xã giao thế này chỉ khiến tôi cảm thấy tịch mịch.
Giữa tôi và họ như bị ngăn cách bởi một bức tường trong suốt, vạch ra ranh giới rõ ràng.
Tôi không hòa nhập được với họ, họ cũng chẳng nhìn thấy tôi.
Đôi khi tôi cảm thấy như mình bị đày tới một hoang đảo, làm bạn với tôi chỉ có bầu trời và biển cả.
Đang nghĩ ngợi thì điện thoại rung lên một cái.
1593
Tri Niên: Khương tiên sinh! Em vừa nghe trưởng khoa phát biểu xong!
Tác giả có lời muốn nói:
Hứa Tri Niên: Chào mọi người, tôi đổi tên rồi, từ nay trở đi tên tôi là bầu trời và biển cả!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]