🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Edit: Thịnh Ái Tư Tư

Giờ Lịch sử lại tới.

Thầy giáo bước vào, chào học sinh rồi ngồi xuống. Mắt Thầy không hề nhìn tôi, không có một chút biểu lộ gì!

Chả hiểu Thầy có biết Ki Ki là ai không?

Thầy mở cuốn danh sách lớp ra, bắt đầu nhìn vào đó.

Tất cả các bạn đã từng đi học đều biết cái giây phút khủng khiếp, khi giáo viên nhìn vào danh sách và gọi bất kỳ ai lên bảng.

Theo kinh nghiệm nhiều năm cắp sách và mài quần trên ghế nhà trường, những đứa tên đầu tiên thường thoát. Những đứa tên tận cùng cũng thoát.

Bom thường rơi trúng đầu những kẻ ở giữa. Và đặc biệt, những kẻ có tên kỳ dị.

Nếu bạn là một nữ sinh tên Nguyễn Thị Thắm, hoặc Trần Thị Tâm thì bạn vô cùng ít cơ hội bị gọi lên đoạn đầu đài. Nhưng nếu bạn có quý danh Công Tằng Tôn Nữ Chiến Thắm hoặc Mai Phương Thúy Thu Thảo Hồng Tâm thì bạn bị Thầy kêu lên cho biết mặt là điều chắc chắn xảy ra.

Cho nên, đã đi học phổ thông, đừng quá ham tên hay mà thiệt thân. Mà khổ.

Cả lớp nín thở. Dù sao đi nữa, môn Lịch sử cũng chả phải môn đêm trước ta thức khuya học bài.

Thầy đọc tên thong thả:

-Phạm Ngọc Lưu Ly.

Cả lớp ồ lên.

Ly Cún bị tóm rồi!

Đã đến giờ Ly Cún đền tội!

Các bạn ơi, khi đi học phần lớn chúng ta đều sợ bài kiểm tra, đặc biệt kiểu kiểm tra trực tiếp. Phải lên bảng, đứng trước toàn thể bà con để trả lời.

Vì lúc ấy còn trông mong gì nữa? Không có “phao”, không sách để quay cóp, nhét thập thò trong gầm bàn, cũng không thể liếc con mắt bên phải nhìn con mắt bên trái để cầu cứu đứa bạn bên cạnh hoặc chôm của nó.

Ở trên bảng ta như con cá nằm trên đống cát, chả mong cựa quậy gì.

Không thể đăm chiêu suy nghĩ, không thể chống tay vào cằm thở dài và cũng không ngước lên trời để suy nghĩ mông lung như khi bài kiểm tra trên giấy.

Đã vậy, phần lớn học sinh đều viết không đến nỗi nào, đặc biệt khi viết nhăng viết cuội trên “Fây” sao mà sôi động thế, nhưng khi phải nói trực tiếp, trả lời thầy cô thì lưỡi cứ như dính chặt vào răng, bảy ngày cũng không bung ra để phát thành âm thanh được.

Do đấy, đừng ai ngạc nhiên khi Ly Cún giật bắn mình như bị điện giật khi Thầy dạy Sử đẹp trai lồng lộng kêu dõng dạc:

-Phạm Ngọc Lưu Ly.

Có một câu hát lãng mạn tôi vẫn khoái nghe, mặc dù kể ra cũng khá sến: “Gọi thầm tên em, khi nắng chiều nhạt ngoài sân”.

Nhưng than ôi, đây không phải là gọi thầm. Đây là kêu lên bảng một cách oai nghiêm. Ngoài sân trường, nắng chả nhạt tí nào mà vàng rực, chói chang.

Nữ sinh Ly Cún hốt hoảng đứng dậy. Dưới cặp mắt khoái trá của hàng chục đứa trong lớp.

Tất nhiên rồi, vì tôi lên chúng nó khỏi phải lên, chúng nó thoát.

Thoát cái gì?

Dạ, thoát bài học Lịch sử. Tất cả nam sinh và nữ sinh trên đời chỉ có một buổi tối hôm trước để ôn bài thôi, các bạn chắc quá biết điều này.

Thế mà buổi tối hôm qua có bao nhiêu cái hấp dẫn, khổ thân chưa.

Trên ti vi, thì chiếu phim “Vừa đi vừa khóc”, với anh Lương Mạnh Hải đẹp trai, da trắng như trứng gà bóc, đóng cũng chị Minh Hằng xinh gái, tóc ngắn bum bê như búp bê.

Trên màn hình máy tính thì có bốn đứa bạn chờ “chát”, trên điện thoại có ba cuộc gọi nhỡ chúng nó rủ đi uống trà chanh chém gió vù vù.

Dưới bếp có cái bánh kem vẫn cón một nửa, chờ ta cất vô bụng cho khỏi hư.

Thử hỏi sức lực đâu dành cho Lịch sử bây giờ? Chưa kể bao nhiêu môn quan trọng, không nhồi nhét thì không đậu đại học, không đậu đại học chả là sinh viên, chả là sinh viên mà đi thi hoa hậu thất thế vô cùng.

Cho nên, thầy Sử gọi lên lúc này, toi là cái chắc.

Nhưng Ly Cún vẫn hất mái tóc dài đen mượt, hiên ngang đứng lên, bước những bước dài tới bảng. Có chết cũng phải chết như một công chúa anh hùng.

Cả lớp nín thở.

Thầy giáo từ tốn điềm tĩnh, nhỏ nhẹ:

-Em hãy cho biết tác hại của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ vào những năm 1928-1933?

Ôi chao. Kinh khủng.

Các bạn học sinh lớp 11 của tôi, các bạn nghe câu hỏi này đã choáng váng chưa?

Xin chất vấn, ngay giây phút này đây, bụng các bạn khủng hoảng thức ăn gì, túi các bạn khủng hoảng tiền gì, răng các bạn khủng hoảng loại sâu gì, các bạn đã biết chưa? Mà đòi biết về nước Mỹ những năm 28-33. Vào năm đó, cả Ly Cún, cả các bạn đều còn là hạt bụi, lơ lững trên trời hoặc bốc lên mù mịt dưới đất.

Lìa đời!

Ở dưới, bọn con trai nhìn tôi, nét mặt của đứa nào cũng khoái trá tràn trề.

Bởi vì có một thực tế hiển nhiên, toàn bộ con trai lớp 11A đều mê Ly Cún. Vẻ xinh đẹp của nàng, sự thông minh của nàng luôn khiến chúng tê liệt.

Nhưng chưa kẻ nào có hy vọng mảy may. Sơn ngày nào cũng dâng quà, hết kem đến bánh. Việt cứ lăm lăm đòi chở, đường càng xa càng hạnh phúc. Long thì cứ năm phút lại kiếm cớ đến hỏi chuyện.

Rõ ràng, nếu con trai trong lớp có đuôi, thì đuôi của chúng đều xoắn tít lên, ve vẩy tứ tung khi Ly Cún đi qua. Nhưng vô vọng.

Cho nên hôm nay, nếu Ly Cún chết trên bảng, nếu nàng nhận được một điểm 0 thì chúng phải hả hê, hạnh phúc tràn trề.

Ta biết thừa điều đó. Ta hít một hơi dài. Thầy giáo động viên dịu dàng:

-Cứ bình tĩnh. Nói đi em.

Thế là Ly Cún nói:

-Thưa Thầy, thưa các bạn. Vào những năm 28-33, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã nổi lên một cách bất ngờ. Trước đó, không ai đoán được điều này. Kinh tế đang phát triển như vũ bão. Cơ hội kiếm tiền nổ ra khắp nơi. Ai cũng có cảm giác mình chắc chắn sẽ trở thành tỷ phú. Trai gái nhảy nhót, dự tiệc thâu đêm. Cả nước Mỹ chìm trong những buổi liên hoan vui vẻ. Bánh, kẹo, hoa quả và rượu ngọt chỗ nào cũng có.

Cả lớp há hốc mồm nhìn tôi. Một con ruồi bay vô mồm Sơn, rồi lại bay ra, an toàn!

Tôi nói tiếp:

-Nhưng chỉ trong một đêm, thị trường chứng khoán sụp đổ. Đấy là nơi mà toàn bộ tiền bạc dân chúng để vào. Những cổ phiếu dân Mỹ từng coi như vàng, hôm trước còn phải tranh cướp nhau mua, hôm sau bỗng vụt biến thành các tờ giấy trắng.

Các xí nghiệp phá sản hàng loạt, các nhà băng vỡ nợ liên tiếp, người dân thất nghiệp ầm ầm. Tại những lâu đài vừa đêm qua còn mở vũ hội thâu đêm suốt sáng, bỗng vụt trở thành hoang tàn. Hàng triệu gia đình và hàng triệu tình yêu tan vỡ. Rất nhiều người đàn ông đẹp trai, giàu có đã phải chọn cái chết để thoát ra. Khủng hoảng tài chính nhanh chóng trở thành khủng hoảng niềm tin. Bi kịch lan tới tận gia đình và từng cá nhân. Nhiều người đã khóc một cách tuyệt vọng, hoặc đã phản bội lại những gì mình nguyện ước. Cả nước Mỹ nhận ra họ đã tồn tại bằng ảo tưởng.

Thầy giáo kinh ngạc nhìn tôi:

-Ly, em học ở đâu những điều ấy? Nó không hề viết trong sách giáo khoa?

Tôi thở dài:

-Thưa Thầy, em không hề đọc sách giáo khoa. Em biết vì vừa xem “Gatsby vĩ đại”. Nó nói về tình yêu của một đôi nam nữ bị cuộc khủng hoảng kinh tế 29-33 chia lìa.

Thầy giáo đứng phắt dậy nhìn cả lớp:

-Tại sao các em ngồi im thế? Các em không vỗ tay đi.

Năm chục đứa học sinh đờ ra. Rồi Mai Tồ, trời ơi, chính Mai Tồ, rụt rè giơ hai bàn tay be bé của nó vỗ lên một cái.

Cả lớp như sực tỉnh ào ào vỗ theo.

Thầy giáo nói:

-Các em học sinh của lớp 11A thân mến. Thầy rất buồn khi các em nghe Khổng Tú Quỳnh hát thì vỗ tay, nghe Đông Nhi hát vỗ tay, và nghe Ông Cao Thắng hát các em còn khóc.

-Nhưng tại sao khi bạn Lưu Ly nói về một bài Lịch sử tuyệt hay thì các em im lặng? Lịch sử không có cảm xúc à?

-Bạn Ly đã rút ra những kiến thức Lịch sử từ một bộ phim. Đó là điều vô cùng nên làm. Lịch sử không phải có trong sách, mà trong cả Điện ảnh, cả ca nhạc, cả mọi thứ hàng ngày, và các em cần biết nhận ra điều đó. Tôi đên đây cũng để giúp các em nhận ra điều đó. Hãy nhớ và tin như thế.

Cả lớp 11A choáng váng vì Thầy.

Đã từ lâu, chúng tôi không còn tin vào sự hấp dẫn của môn Lịch sử và nói thực, cũng không còn tin vào các thầy giáo quá đẹp trai. Họ sẽ không bao giờ đậu lại lâu trong trường phổ thông.

Nhưng hóa ra Thầy không giống vậy. Sợ chưa?

Thầy giáo tiếp:

-Cám ơn em, Lưu Ly. Mời em về chỗ. Thầy cho em 10 điểm.

Cha mẹ ơi, 10 điểm? Đời tôi đã vô số lần nhận 10 điểm Toán, 10 điểm Hóa, 10 diểm Lý, thậm chí đã có lần đạt điểm 10 Đạo dức và điểm 10 Thể dục.

Nhưng điểm 10 Lịch sử thì chưa bao giờ. Đã thế, lại còn điểm 10 Lịch sử qua phim.

Choáng!
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.