🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Edit: Thịnh Ái Tư Tư

Tan học ra về, đi trên đường tôi suy nghĩ miên man, và chợt nảy ra ý định về hỏi Ba mình.

A, có lẽ phải tới lúc kể về gia đính Ly Cún một chút. Ly là con gái duy nhất trong nhà. Mẹ tôi là bếp trưởng của một khách sạn khá to, còn Ba tôi làm ở công ty bảo hiểm. Trước đó, ông có du học bên Pháp.

Mẹ tôi hiểu rất kỹ về các món ăn. Bà có thể giảng nửa ngày chỉ với một để tài “làm sao luộc rau muống cho xanh” hoặc giảng nửa tuần về phương pháp nhồi gà. Nghe bà nói, tôi hiểu rằng cả cuộc đời mình chưa ăn món nào đúng nghĩa, vì ẩm thực không chỉ cho no bụng, nó còn là văn hóa, còn là nghệ thuật. Ly vô cùng kính trọng mẹ, nhưng thú thực không hiểu được bà. Phần lớn cuộc đời, Ly vừa nhai vừa gõ bàn phím, hoặc vừa ăn vừa xem ti vi hay nói chuyện điện thoại. Ly chưa kịp phát hiện ra sự tinh tế, sự cao quý của món ăn thì nó đã chui vào bụng.

Đặc biệt với tư cách nữ sinh, tôi chả hiểu vì lý do gì, những món ăn càng khả nghi càng hấp dẫn.

Hãy nhìn những trái cóc gọt vỏ ngâm trong thứ nước xanh lè lè. Hãy nhìn những miếng xoài cắt dài dài để gần chai muối ớt, hãy nhìn những thanh bò bía được cuốn bằng những tờ bánh tráng tẩm nước lã bên trong có những cọng hành tẩm với nước bọt của bọn kiến, bọn ruồi.

Dù nữ sinh xuất sắc hay nữ sinh dốt nát tơi bời, dù nữ sinh điểm 10 Toán học hay nữ sinh điểm 0 Văn học cũng thừa biết những thức ăn đó được chế tạo sơ sài bởi những bàn tay cả đời không rửa, thậm chí, đã không rửa còn chùi vào vạt áo, vạt quần.

Thế mà Ly Cún và đồng bọn vẫn ăn. Thế mà Ly Cún là con gái ngoan của một giáo sư ẩm thực, thỉnh thoảng có dạy về nấu nướng trên ti vi.

Do đó, giữa mẹ con tôi, chả hiểu từ lúc nào đã chia một ranh giới rõ ràng. Tôi ăn những thứ bà nấu, bà ăn những thứ tôi nấu. Cả hai đều khen ngon và đều chả hiểu tại sao.

Tôi xem phim Mỹ, và thấy rất hay có cảnh như sau: cô gái đưa chàng trai ra mắt gia đình mình. Họ cùng ngồi ăn cơm. Chàng trai cám ơn và ngồi khen ngon. Bất kể các món ăn ấy được nấu nướng ra sao. Điều đó chứng tỏ ngon hay không ngon chả phải do chế tạo mà do nỗi lo sợ của người ăn.

Với Ba, thái độ của tôi hoàn toàn khác hẳn.

Tôi vô cùng khoái Ba vì ông là một người hài hước. Các bạn sẽ chu môi lên và bảo “thế mà cũng nói. Làm như ba nó là danh hài”. Nhưng tôi cam đoan Ba tôi còn hơn những danh hài nữa.

Danh hài trên sân khấu, trên ti vi tôi xem toàn cười thiên hạ, còn Ba luôn luôn cười chính bản thân mình.

Là một người thông minh, đẹp trai, khi còn trẻ, chắc cũng chả kém Thầy giáo bao nhiêu, và luôn luôn được mọi người đánh giá cao, nhưng Ba lúc nào cũng tự nhận thấy mình kém cỏi, vụng về, quê mùa, dại khờ.

Đôi lúc đi uống “trà chanh chém gió” vỉa hè, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn học sinh nói chuyện oang oang, tay vung lên, chém vào không khí, nhanh đến nổi một con muỗi bay qua có thể bị chẻ làm hai.

Ba Ly Cún uống bất cứ thứ gì cũng không làm thế. Ông chỉ lim dim mắt, nói nhẹ nhàng, phát biểu bằng cách lắng nghe. Nếu ông uống trà chanh, chắc chắn gió chém ông chứ ông chả chém cái gì.

Cho nên tôi có thể nói chuyện với Ba về đủ thứ trên đời, tranh luận hăng say và thường chiến thắng liên miên. Nhưng càng lớn, tôi càng nghi là ông đã để cho tôi thắng. Ông không muốn con gái mình ra đời với tâm trạng thua sớm trong nhà.

Với đầu óc háo hức như thế, tôi nhảy xổ lên cầu thang bằng cách bước hai bậc một, lao vào phòng Ba khi ông đang ngồi xem một cuốn sách tiếng Anh.

-Ba ơi, hôm nay lớp con có một ông thầy giáo Lịch sử mới vô.

Ông gật đầu, mắt vẫn không rời cuốn sách:

-Ờ, Thầy đẹp trai lắm.

Tôi giật mình:

-Sao ba biết?

Ông thủng thẳng:

-Nếu không đẹp, con đâu có quan tâm.

Quê quá. Mặc dù tôi đã trao đổi nhiều thứ trong cuộc sống với Ba, nhưng chưa khi nào tiết lộ mình thích trai đẹp. Vậy mà vẫn bị ông đoán ra. Thần kỳ.

Ly Cún phẩy tay, làm như vẻ đẹp cũng nhỏ bé tựa con ruồi, chỉ cần xua đi là được:

-Đẹp xoàng thôi. Nhưng điều kỳ lạ, Ba ạ, là Thầy cho con điểm 10 về Lịch sử khi con chả nói đúng sách chữ nào.

Ba tôi không có chút ngạc nhiên. Ông thong thả gấp sách lại, để lên bàn rồi nheo mắt nhìn con gái rượu (Thú thật tôi chưa khi nào hiểu rõ từ này. Tại sao lại là con gái rượu? Tại sao không có con gái bia, con gái nước ngọt, con gái trà đá? Tại sao? Chịu!).

-Ai nói với con rằng phải đúng sách mới được điểm 10?

Ly Cún sững sờ:

-Không ai nói cả. Nhưng xưa nay vẫn thế!

Ba tôi hỏi tiếp:

-Vậy ai nói với con cái gì xưa nay vẫn thế sẽ mãi mãi như thế?

Tôi cứng họng. Đơn giản vậy sao mình không hiểu nhỉ? Còn tự hào là nữ sinh thông minh, nổi loạn nhất lớp 11A.

Ba xoa dịu. Một người Ba chân chính thấy con gái tẽn tò luôn xoa dịu:

-Kể ra thầy giáo ấy cũng có cái hay, cũng có chút khác thường.

Tô bèn tường thuật cho ông nghe toàn bộ câu chuyện về bài kiểm tra. Tất nhiên giấu biệt chuyện hẹn Thầy ra bể bơi. Nói ra có mà mang họa.

Ba tôi phá lên cười:

-May cho con.

Tôi ngơ ngác:

-May ở chỗ nào?

-May mà Thầy giáo cũng có xem phim “Gatsby vĩ đại”. Nếu không thì chết chắc rồi.

Ơ, đúng quá.

Từ thuở cắp sách tới ghế nhà trường đến nay, tôi toàn nghe giảng nào là Thầy phải yêu trò, trò phải kính Thầy. Như vậy kết quả học tập mới cao. Nhưng bây giờ tôi biết thêm: Thầy và trò cần phải cùng xem một bộ phim.

Cứ thử tưởng tượng chân lý này ban ra, thời khóa biểu lớp 11A sẽ như sau:

Thứ hai: Toán - Lý - Phim - Sử - Địa

Thứ ba: Phim - Thể dục - Địa - Hóa học

Thứ tư: Văn - Phim - Đạo đức - Tiếng Anh

Thứ năm: Sử - Phim - Ngữ văn - Phim - Hóa học

Thứ sáu: Phim - Thể dục - Phim - Phim

Thứ bảy: Phim hoạt hình - Phim tình yêu - Phim kinh dị

Nếu như vậy, đi học sẽ trở thành ngày hội. Thậm chí, chả đứa nào còn muốn nghỉ hè.

Tôi reo:

-Con muốn giáo viên nào cũng như thầy dạy Sử.

Ba tôi gật đầu:

-Ba cũng muốn.

Một sự đồng ý vô cùng mạnh mẽ.

Giản dị. Không cần giải thích dài dòng.

Tôi hé lộ sự tham lam:

-Con muốn các thầy cô khác cũng thế.

Ba tôi nhún vai:

-Có một người cũng đủ kỳ lạ lắm rồi.

Đúng như vậy. Tôi chợt nhớ, từ bé đến giờ mình đọc bao nhiêu chuyện cổ tích, chuyện thần thoại có ông Tiên, bà Tiên, nhưng họ hoặc là Hoàng tử, hoặc là Công chúa, hoặc là ông Bụt, ông Ngọc hoàng, ông Thiên lôi, cô Lọ Lem, con cóc. Chả ai làm thầy giáo hay cô giáo cả. Chán thật.

-Xuống ăn cơm đi - Ba tôi nói - Cứ bình tĩnh Ly ạ, Lịch sử vốn lâu dài.

Đúng quá, còn hai ngày nữa mới tới giờ Lịch sử mà ai cũng chợt thấy sốt ruột. Mọi đứa đều xôn xao, chả hiểu Thầy sẽ gọi học sinh nào lên bảng và cư xử kiểu gì?

Để đối phó trước, vài kẻ đã lén lút đi coi phim, vài kẻ vội vàng đọc sách, dăm ba đứa thì coi múa rối, đứa nào cũng cảm thấy Lịch sử thấp thoáng đâu đây.

Chả đứa nào coi sách giáo khoa.

Riêng thằng Tuấn đưa ra một ý kiến đáng lưu ý. Theo nó hôm đó thầy giáo đang “phê”. Khi “phê” người ta có thể làm những điều kỳ lạ.

Mai vớ ngay câu đó, hỏi đánh “bộp”:

-Phê cái gì?

Tuấn vênh váo:

-Là một cảm giác khó tả lắm.

Mai đâu bằng lòng với câu trả lời chung chung như thế:

-Có phải điều ấy xảy ra khi ta uống cà phê không? Tuấn?

-Không. Cao hơn nhiều - Tuấn đáp.

Tôi tin điều đó. Vì tôi rất ghét cà phê. Cái thứ nước đen sì sì, đắng ngắt đựng trong những cái ly bé tí ấy là quái gì mà bà con khoái thế nhỉ?

Ly Cún rất bực khi nhìn thấy mấy đứa bày đặt ngồi ở vỉa hè uống thứ mực kinh khiếp ấy. Nghe đồn khi cầm ly cà phê, nhìn trai có vẻ trầm tư, Lộn ruột! Chỉ cần đói là trầm tư ngay thôi mà.

Ôi hay quá, giờ Sử bắt đầu.

Thầy giáo lại bước vào với một cái áo sơ mi mới. Chưa khi nào, tôi thấy thầy mặc hai áo giống nhau. Quá đẹp. Quá sang. Quá hấp dẫn.

Cũng từ hôm đó tới giờ Ki Ki không nhắn tin cho thầy. Biết nói gì đây? Hẹn ra bể bơi nữa à? Chưa đủ sáng mắt hay sao?

Thầy để túi xách lên bàn, mời chúng tôi ngồi, rồi gạt cuốn sổ lớp sang một bên. Ô, như thế hôm nay không có kiểm tra.

Nhầm to.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.