Mông-ta-ne-li đứng trước ban thờ, chung quanh là các vị thừa tác (2) và những người giúp lễ (3). Ông ta cất cao giọng, rành rọt đọc kinh Introit. Toàn bộ nhà thờ chính toà chan hoà ánh sáng và màu sắc. Từ những bộ áo lễ của những người chầu lễ cho đến những hàng cột bọc vải đỏ chói, những dây tết hoa, tất cả đều không còn một chỗ nào là u ám. Cửa ra vào mở toang, rủ đầy những tấm rèm to và đỏ tía dưới ánh sáng nóng hổi của mặt trời tháng sáu như những cánh hoa anh túc trong cánh đồng lúa mạch. Các nhà nguyện ở hai bên mọi khi vẫn âm u, nay sáng rực nến và đèn sáp của các chức sắc và các dòng tu, và tấp nập những tháng giá và cờ ảnh của các đoàn từ các giáo sứ. Cờ lụa treo cả ở các hành lang, rủ xuống tận đất. Chóp cán cờ, ngù cờ lóng lánh dưới các vòm cửa. Ánh sáng ban ngày đổ qua các khung kính màu, rọi vào những áo các phép (4) của các đội viên đội đồng ca làm thành bảy sắc cầu vồng lấp lánh. Ánh sáng mặt trời rọi lên sàn nội điện thành những vệt theo ô bàn cờ màu da cam, đỏ tía, xanh lá cây. Đằng sau ban thờ treo một tấm màn gấm bạc óng ánh. Và giữa tấm màn cùng các đồ trang trí và những đèn nến trên ban thờ nổi bật lên thân hình đứng im phăng phắc trong bộ áo lễ trắng dài quét đất của Hồng y giáo chủ, trông chẳng khác gì một pho tượng đá hoa đã được truyền sinh khí để trở nên sống động.
Theo tục lệ, trong những ngày trước lễ, ông ta chỉ đứng chủ trì ở Thánh lễ chứ không tự thân tiến hành cuộc lễ. Cho nên sau kinh Indulgentiam (5) ông rời ban thờ, từ từ bước về phía ngai giám mục giữa những hàng lưng cúi gục của vị chánh tế và những người thừa tác khi ông đi qua.
Hai kinh sĩ nói thầm với nhau:
- Tôi e rằng Đức Hồng y không được khoẻ. Hôm nay trông ngài lạ lắm.
Mông-ta-ne-li cúi đầu để nhận mũ gầu (7) dát ngọc. Vị linh mục làm nhiệm vụ phó tế danh dự (8) đặt mũ cho ông xong, chăm chú nhìn ông trong giây lát rồi cúi mình khẽ hỏi ông:
- Thân lạy Đức Hồng y, ngài có bị ốm không ạ?
Mông-ta-ne-li hơi quay mặt lại. Cặp mắt ông không còn nhận thức được gì nữa cả.
Linh mục lầm rầm nói:
- Xin Đức Hồng y tha lỗi.
Ông ta bái quỳ rồi trở về chỗ cũ, tự trách mình đã kinh động Đức Hồng y trong việc cầu nguyện sùng kính của ngài.
Nghi lễ tiến hành rất thông thuộc. Mông-ta-ne-li ngồi thẳng người, không nhúc nhích. Ánh mặt trời long lanh trên chiếc mũ dát ngọc và ánh lăn trên bộ áo thêu kim tuyến. Tà áo choàng lễ hội trắng muốt nặng nề phủ xuống tận tấm thảm đỏ dưới chân ngài. Hàng trăm ngọn nến lung linh rọi sáng những viên hồng ngọc trên ngực Hồng y giáo chủ. Nhưng đôi mắt sâu trũng và đờ đẫn của ông vẫn không có một tia phản hồi nào.
Và khi có tiếng xướng lên: "Benedicite, pater eminentissime" (1),Mông-ta-ne-li cúi xuống làm phép bình hương. Ánh mặt trời nhảy nhót trên chiếc mũ ngọc. Hình ảnh này gợi nhớ đến một hung thần băng tuyết nào đó của các đỉnh núi cao, lộng lẫy mà dữ dội, đầu đội cầu vồng, mình mặc áo tuyết, đang giơ hai tay ra để ban phát những lời chúc phúc hoặc để gieo rắc những lời nguyền rủa.
Khi dâng Bánh Thánh (2),Hồng y giáo chủ bước xuống ngai, quỳ gối trước ban thờ. Trong những cử chỉ đều đều cứng nhắc của ông có một vẻ gì khác thường, và khi ông đứng dậy trở về chỗ cũ, viên thiếu tá kỵ binh mặc sắc phục ngày lễ ngồi sau viên Giám binh, quay lại thì thào với viên đại uý bị thương:
- Lão Hồng y giáo chủ suy sụp mất rồi, không hồ nghi gì nữa! Trông không ra người, mà như cái máy ấy.
Viên đại uý cũng thì thào đáp lại:
- Càng tốt. Từ ngày có cái lệnh đại xá chết tiệt ấy, lão ta cứ như tấm đá cối xay tròng quanh cổ chúng ta.
- Nhưng lão ta cũng đã chịu thua rồi và phải đồng ý cho lập toà án binh.
- Phải, nhưng mất bao nhiêu thời giờ lão ta mới chịu thế đấy. Trời, sao ngột ngạt thế này. Tí nữa đi rước chúng ta sẽ say nắng, lăn ra cả lũ mất. Giá chúng ta được làm Hồng y giáo chủ thì sướng biết bao, suốt dọc đường lúc nào cũng được che phương du... Suỵt, chú tao đang nhìn lại kia kìa!
Đại tá Pherari quay lại quắc mắt nhìn hai sĩ quan trẻ tuổi. Sau sự việc nghiêm trọng ngày hôm qua, hắn ta đã trở nên sùng kính và ngoan đạo, và hắn rất sẵn sàng nhiếc mắng lũ thanh niên khi chúng tỏ thái độ thiếu nghiêm túc trước "tình thế đòi hỏi phải chịu nỗi khó nhọc".
Những người trong ban tổ chức bắt đầu tập hợp và xếp vào hàng ngũ những ai tham dự đám rước. Đại tá Pherari đứng dậy đi đến hàng rào nội điện và ra hiệu cho bọn sĩ quan đi tháp tùng mình.
Khi buổi Thánh lễ đã xong và Bánh Thánh đã được cất vào bình vàng (3) đặt trong chiếc hộp pha lê, thì ông chủ tế và các vị thừa tác rút vào phòng thánh để thay áo. Những tiếng rì rầm nói chuyện riêng vang lên. Nhưng Mông-ta-ne-li vẫn ngồi bất động trên ngai, đôi mắt vẫn sững sờ nhìn về phía trước. Cả một biển người sống động như dâng lên chung quanh và dưới chân ngai để rồi lặng tắt trong cõi tịch mịch quanh chân ông. Bình hương đưa tới thì ông giơ tay lên như cái máy, bỏ hương liệu vào bình, mắt vẫn trừng trừng nhìn thẳng.
Giới giáo sĩ đã từ phòng thánh trở ra, tề tựu trong nội điện để chờ ông xuống ngai, nhưng ông vẫn tiếp tục ngồi yên, hoàn toàn bất động. Vị phó tế danh dự cúi mình về phía trước để cất mũ ngọc cho ông, rồi lại khe khẽ, ngập ngừng nói với ông:
- Thưa Đức Hồng y!
Hồng y giáo chủ nhìn quanh quẩn:
- Con nói gì?
- Ngài có chắc là cuộc rước lễ sẽ không quá sức đối với ngài không ạ? Trời nắng nóng lắm.
- Nắng thì có hề gì!
Nghe Mông-ta-ne-li nói với vẻ lạnh lùng và có cân nhắc cẩn thận, vị linh mục lại một lần nữa có cảm tưởng rằng mình đã xúc phạm đến ngài.
- Xin Đức Hồng y tha lỗi. Con tưởng là ngài khó ở.
Mông-ta-ne-li đứng dậy, không trả lời. Ông đứng im lặng một lát ở bậc cao nhất trên bệ ngai, rồi cũng với giọng cân nhắc ấy, ông hỏi:
- Cái gì kia?
Đuôi áo choàng của ông phủ dài trên các bậc dưới chân ngai rồi toả rộng trên sàn nội điện. Ông chỉ vào một vệt đỏ như lửa trên tà áo sa tanh trắng.
- Thưa Đức Hồng y, đó chỉ là ánh mặt trời chiếu qua cửa kính màu.
- Ánh mặt trời ư? Đỏ đến thế sao?
Ông bước xuống bậc, quỳ trước ban thờ, cầm dây treo bình hương rồi từ từ lắc qua lắc lại (1). Khi ông trả lại bình hương cho người giúp lễ, ánh nắng rọi thành những ô bàn cờ lên mái đầu trần của Mông-ta-ne-li, chiếu thẳng vào đôi mắt mở to và đang ngước lên của ông, hắt một vệt đỏ tươi lên chiếc khăn choàng vai (2) màu trắng mà các vị thừa tác đang sửa lại nếp gấp quanh mình ông.
Vị phó tế đưa chiếc bình vàng Mặt nhật thiêng liêng cho Mông-ta-ne-li. Ông đứng dậy giữa lúc ca đoàn (3) cùng tiếng phong cầm cất vang một giai điệu khải hoàn.
Những người giúp lễ từ từ tiến lại giương chiếc phương du bằng lụa che lên đầu ông. Các vị phụ tế danh dự đến đứng vào chỗ của mình ở bên phải và bên trái ông, cầm tà áo choàng của ông mà kéo về phía sau. Và khi những người giúp lễ cúi xuống nâng tà áo của ông lên khỏi mặt sàn nội điện thì các hội giáo hữu tay cầm nến sáng, chia thành hai hàng tả hữu, tiến lên trước, dẫn đầu đám rước bước ra lối đi chính giữa nhà thờ và rồi từ từ tiến đi.
Đứng bất động trên bệ cao bên ban thờ, đầu che phương du trắng, tay cầm chắc Mình Thánh (4) mà nâng cao lên, Mông-ta-ne-li im lặng dõi theo đám rước đang diễu qua trước mặt. Mọi người đi hàng đôi, mang nến, đèn sáp cùng với thánh giá, tượng thánh và cờ, từ từ bước xuống bậc nội điện, đi giữa hai hàng cột kết đầy hoa, rồi chui qua những chiếc rèm đỏ tía đã được cuốn lên ở cửa lớn mà tiến ra đường phố đầy ánh nắng chói chang. Tiếng hát của tốp đi trước lắng dần, biến thành một tiếng rì rầm mơ hồ, còn phía sau thì mỗi lúc một vang lên những giọng hát mới tiếp theo. Đám rước kéo dài thành một dòng người trôi đi vô tận. Dưới vòm nhà thờ âm vang, tiếng chân rậm rịch không ngớt dọc theo lối đi chính giữa nhà thờ.
Các đoàn thuộc các giáo xứ diễu qua, họ choàng khăn liệm trắng, mạng che kín mặt; rồi đến dòng anh em hội Misericordia (5) mặc đen từ đầu tới chân, chỉ thấp thoáng ló ra hai con mắt lóng lánh qua những lỗ thủng ở mặt nạ. Kế đến các tu sĩ đi theo hàng ngũ rất nghiêm trang: các đan sĩ khất thực đội mũ trùm đầu màu xám xịt, chân màu nâu đi đất; các tu sĩ dòng Đaming khắc khổ mặc áo trắng. theo sau là các quan chức thế tục ở địa phương, kỵ binh, pháo thủ, sĩ quan cảnh sát địa phương và viên Giám binh mặc sắc phục lễ hội cùng với các sĩ quan tháp tùng. Sau cùng là một vị phó tế mang một cây thánh giá rất to đi giữa hai người giúp lễ cầm hai cây nến cao cháy sáng rực. Và do các tấm rèm ở cửa chính đã được cuốn lên cao, từ vị trí đứng dưới chiếc phương du, Mông-ta-ne-li nhìn ra thấy đường phố ngập nắng, rải đầy thảm, cờ xí phấp phới trên các bức tường, trẻ con mặc áo trắng đang tung hoa hồng trên đường cái. Ôi! Hoa hồng! Sao những bông hồng đỏ đến thế!
Đám rước tiếp tục diễu đi, thong thả, rất có trật tự. Trang phục và màu sắc mỗi phút mỗi đổi khác. Những chiếc áo các phép dài trắng, khắc khổ và gọn ghẽ, nhường chỗ cho những áo lễ lộng lẫy và những áo choàng thêu kim tuyến. Kia là một cây thánh giá mạ vàng, cao mà thon, đang chơi vơi trên những ngọn lửa nến. Nọ là những vị kinh sĩ Nhà thờ chính toà cứng ngắc trong áo choàng trắng tuyền. Một linh mục tuyên uý từ nội điện bước ra, tay mang chiếc trượng của giám mục (1),đi giữa hai chiếc đèn sáp đang léo sáng. Rồi những người giúp lễ chân bước đều, bình hương vung vẩy theo nhịp âm nhạc. Những người giúp lễ càng nâng cao phương du, mồm lầm rầm đếm "một hai, một hai". Mông-ta-ne-li bắt đầu cất bước trên "Đàng Thánh giá" (2).
Ông bước xuống các bậc nội điện rồi đi theo lối đi rộng giữa nhà thờ, đi ngang dưới tầng gác nơi đang vang ầm những hồi phong cầm oai hùng. Rồi ông đi dưới những rèm cửa đã cuốn lên - rèm cửa cũng một màu đỏ chói đáng sợ - mà bước ra đường phố chói loà ánh nắng, với những bông hồng đỏ như máu nằm ngổn ngang, đang héo tàn và bị biết bao bước chân dẫm nát trên thảm đỏ.
Ra đến cửa, đám rước ngừng một lát để các quan chức thế tục tiến lên cầm phương du thay những người giúp lễ, rồi đám rước lại đi. Mông-ta-ne-li cũng cất bước, hai tay cầm chắc bình Mặt nhật Thánh thể. Tiếng hát của ca đoàn lúc bổng, lúc trầm quanh ông, hoà nhịp với tiếng lắc bình hương và tiếng bước chân dồn dập trên đường.
Máu, chỗ nào cũng có máu. Tấm thảm trải dài trước mặt ông như một dòng sông đỏ; những đoá hồng rải rác trên các phiến đá trông như những vết máu tung toé!... Ôi! Chúa ơi! Có lẽ nào tất thảy đất của Chúa, và tất thảy trời của Chúa cũng đều nhuốm đỏ? Ôi! Đức Chúa Trời mạnh mẽ vô cùng! Cớ sao đến cả đôi môi của Chúa cũng đà vấy máu?
Mông-ta-ne-li nhìn Mình Thánh nằm trong hộp pha lê. Cái gì rỉ ra từ bánh thánh, nhỏ giọt xuống giữa những tia nắng vàng và nhỏ giọt xuống cả áo choàng trắng của ông thế này? Ông đã từng trông thấy sự nhỏ giọt như thế, sự nhỏ giọt từ một cánh tay giơ lên chăng? Cỏ pháp trường hôm ấy nhàu nát và đỏ... đỏ hết..., sao nhiều máu thế! Máu chảy ròng ròng trên má, nhỏ giọt từ cánh tay bên phải bị đạn bắn thủng, ồng ộc chảy đỏ lòm và nóng hổi từ vết thương ở cạnh sườn (3). Cả một lọn tóc văng vào bãi máu... phải, lọn tóc ướt đẫm và bết lại trên trán. À, đó là mồ hôi lúc giãy chết, toát ra do đau đớn cùng cực.
Tiếng hát của ca đoàn càng vút lên cao, oai hùng và đắc thắng.
Ôi! Không lòng kiên nhẫn nào chịu nổi nữa! Chúa ngự trên ngai trời màu đồng sáng láng, đôi môi vấy máu mỉm cười, nhìn xuống những cảnh hấp hối và chết chóc của thế gian, như thế còn ít hay sao? Vẫn còn cần đến những lời ngợi ca và chúc phúc nực cười ấy sao? Thân thể Chúa Giêsu đã bị vò xé để cứu rỗi người đời, máu Chúa Giêsu đã đổ để chuộc tội cho người đời! Thế còn chưa đủ hay sao?
- À, Cha gọi to lên! Có lẽ Người đang ngủ!
Con yêu của cha, có thật là con đã ngủ rồi và sẽ không bao giờ con trở dậy nữa ư? Có phải nấm mồ kia cứ khư khư giữ lấy chiến công của nó và lỗ huyệt đen sì dưới gốc cây kia cũng không buông tha con ra một phút nào cho chút niềm vui sướng của lòng cha?
Và lúc ấy Vật Thánh (4) nói vọng ra từ sau nắp hộp pha lê, trong khi máu vẫn nhỏ giọt, nhỏ giọt... Vật Thánh nói:
- Cha đã lựa chọn rồi, bây giờ cha lại còn hối hận về sự lựa chọn của mình hay sao? Cha chưa lấy làm mãn nguyện hay sao? Cha hãy nhìn đám người ăn mặc lụa là gấm vóc đang đi trong ánh sáng kia. Chính vì họ mà con phải nằm trong lỗ huyệt đen sì. Cha hãy nhìn đám trẻ con đang tung những bông hồng kia, cha hãy lắng nghe những tiếng hát véo von của chúng. Chính vì chúng mà mồm con ngập đầy cát bụi, và những bông hồng kia thắm đỏ cũng là nhờ nguồn tưới từ trái tim con. Cha thấy không? Mọi người đang quỳ xuống để uống cạn máu nhỏ ra từ những đường viền trong trang phục của cha. Máu ấy đổ ra là vì họ, là để họ giải được cơn khát cháy cổ bỏng họng. Bởi chưng đã có sách viết rằng "Không tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người hiến đời mình cho bè bạn" (5).
- Ôi! Ác-tơ, Ác-tơ! Vẫn có một tình yêu khác lớn hơn thế. Nếu có kẻ đem hiến dâng cả cuộc đời của đứa con yêu quý nhất của mình, thì tình yêu đó có lớn không không?
Và từ trong hộp bánh thánh, Vật Thánh lại trả lời:
- Ai là đứa con yêu quý nhất của cha? Chắc chắn không phải là con đâu!
Khi Mông-ta-ne-li định nói lại, thì những lời nói của ông đã đóng băng lại trên lưỡi ông, bởi vì tiếng hát của ca đoàn đã lướt qua những lời ông định nói, hệt như làn gió bấc quét trên những hồ lơ băng giá, xua chúng vào cõi câm lặng.
- "Hỡi những người Kitô giáo! Tất cả các người hãy uống đi! Máu đỏ không phải là vật sở hữu của các người sao? Vì các người mà dòng máu đỏ nhuộm ngập cỏ, vì các người mà thịt người tươi sống đã phải chịu nướng chín và xé nát ra từng mảnh! Hỡi những kẻ ăn thịt người, hãy ăn đi, tất cả các người hãy xúm lại mà ăn đi! Đó là bữa tiệc, là cuộc đánh chén thả cửa của các người, ngày hoan lạc của các người! Hãy mau chân đến dự lễ hội, mau chân tham gia vào đám rước và đi diễu hành cùng ta! Hỡi nam phụ lão ấu, hãy đến mà chia phần thịt sống! Hãy đến mà rót cho dòng rượu máu tuôn ra như suối, hãy uống nó đi khi nó còn đang tươi đỏ! Hãy nhận và cắn xé thân người..."
Ôi! Lạy Chúa! Pháo đài kia rồi. Pháo đài âm u, xám xịt với những công sự đổ nát và những tháp canh đen tối giữa cảnh núi đồi quạnh quẽ. Nó cau có nhìn xuống đám rước đang kéo dài trên con đường tắm bụi bên dưới. Những chiếc răng thép của tấm rào chắn đã được kéo sập xuống che lấy miệng cổng. Pháo đài như một con thú dữ nằm phục xuống bên sườn núi để giữ chặt lấy mồi. Nhưng dù cho những nanh vuốt ấy có siết chặt đến đâu, chúng vẫn sẽ bị bẻ gẫy và bị bật tung ra, và nấm mồ trong sân pháo đài sẽ phải nhả thi thể ra khỏi miệng. Là vì lũ chủ nhân Kitô giáo đang hành quân và hành quân bằng một đám rước hùng hậu để xông tới bữa tiệc máu theo bí tích (1) của họ, hệt như một đàn quân chuột đói đang xung phong đến những bông thóc còn sót lại ngoài đồng sau vụ gặt. Và trong bọn họ ai nấy đều gào lên: "Đưa đây! Đưa đây!", chứ không kẻ nào trong bọn họ sẽ nói rằng: "Đã đủ!"
- Như thế cha còn chưa thoả mãn hay sao? Con đã phải hy sinh vì những người đó. Cha đã tiêu diệt con để cho họ được sống. Cha trông kìa, họ đang kéo đi, người nào người nấy đi theo con đường trước mặt, và sẽ không khi nào chịu rời bỏ hàng ngũ (2).
Đó là đạo binh của những người Kitô giáo, của những người tin theo Đức Chúa Trời của cha, một đạo binh mạnh mẽ, đông không kể xiết. Lửa ngùn ngụt cháy phía trước dọn đường cho họ và lửa thiêu đốt cả phía sau theo vết chân họ. Đất đai trên con đường ấy như vườn Địa đàng (3) trước mặt họ, nhưng khi đạo binh ấy đi qua thì chỉ còn là cảnh hoang tàn mà thôi. Thật vậy, không gì thoát nổi tay chúng.
- Nhưng, con yêu quý, dù sao con vẫn hãy quay lại, quay lại với cha đi con. Bởi vì cha đã hối hận về quyết định của mình rồi! Con về với cha đi! Chúng ta sẽ cùng nhau lẩn trốn đến một nấm mồ tăm tối, lặng lẽ, để cho đạo binh khát máu ấy khỏi tìm thấy. Cha con ta sẽ nằm xuống đấy, sẽ ghì chặt lấy nhau mà ngủ, ngủ mãi. Khi đạo binh Kitô giáo đói khát ấy tràn qua trên đầu chúng ta dưới ánh ban ngày tàn nhẫn, và khi chúng hú rít lên đòi máu cho đỡ khát, đòi thịt cho đỡ đói, thì tiếng gào của chúng vẫn sẽ tắt ngấm trong tai chúng ta và chúng sẽ phải bỏ đi, để cho cha con ta được yên nghỉ.
Và Vật Thánh lại đã trả lời.
- Con biết ẩn nấp vào đâu cho được? Sách đã chẳng viết: "Chúng nó sẽ chạy nháo khắp phố phường, leo lên tường, trèo vào nhà, chui qua cửa sổ như những tên trộm cướp" (4) đó sao? Nếu con xây mồ trên đỉnh núi thì chúng chẳng phá toang mồ ra được hay sao? Nếu con đặt mồ nơi đáy sông thì chúng lại không quật mồ lên được hay sao? Con nói thật cho cha hay, chúng như giống chó săn thuần chủng thính nhạy, chúng sẽ tìm ra con mồi, và những vết thương của con phải rỉ máu để chúng uống cho qua cơn khát. Cha chẳng nghe thấy chúng hát gì hay sao?
Vừa đi vừa hát, dòng người tiến vào giữa những tấm rèm cửa đỏ tía ở cửa Nhà thờ chính toà. Bởi vì cuộc rước đã kết thúc và hết thảy các bông hồng đều đã tung hê sạch cả rồi.
Và khi họ đã thôi hát, Hồng y giáo chủ đi vào cửa chính giữa các hàng tu sĩ và giáo sĩ, ai nấy đều quỳ gối ở chỗ của mình, tay giơ cao những ngọn nến leo lét cháy. Và ông thấy những cặp mắt đói khát của họ hau háu nhìn vào Thánh Thể (5) trong tay ông, ông hiểu rằng họ cúi đầu không nhìn theo ông là chỉ bởi vì một dòng đỏ sẫm đã chảy xuống theo nếp gấp của bộ lễ phục trắng của ông và bởi vì những bước chân ông đã để lại một vết đỏ sâu trên nền đá Nhà thờ.
Cứ như vậy ông đi qua lối đi giữa nhà thờ mà vào đến hàng rào nội điện. Ở đây những người giúp lễ đã dừng chân, ông ra khỏi chiếc phương du và một mình bước lên các bậc ban thờ. Hai bên tả hữu ban thờ là những người giúp lễ quỳ gối tay cầm bình hương và những linh mục tuyên uý tay cầm đèn sáp cháy dở. Mắt họ chăm chăm nhìn vào Thân thể Đấng Hy Lễ (6) và loé lên những tia thèm khát dưới ánh sáng lung linh của đèn nến.
Và khi ông ra đứng trước ban thờ, dùng hai bàn tay vấy máu giơ cao thân thể bị cào xé tàn hại của đứa con yêu dấu đã bị giết của mình, thì tiếng hát của những người đến dự bữa tiệc Thánh Thể lại vang lên trong một bài thánh ca khác.
À, bây giờ họ đến để nhận phần thân thể của con rồi... Đi đi thôi, con yêu của lòng cha, con hãy làm theo số phận đắng cay đã an bài và con hãy mở rộng cánh cửa thiên đàng cho những con chó sói háu đói không sao xua đuổi được ấy. Còn cánh cửa mở ra cho cha sẽ là cánh cửa xuống đáy địa ngục.
Khi linh mục phó tế đặt bình bánh thánh lên ban thờ, thì Mông-ta-ne-li quỳ sụp xuống chỗ ông đang đứng và rồi từ trên ban thờ màu trắng trên đầu ông, máu túa xuống, nhỏ giọt lên đầu ông. Các tiếng hát vang lên mỗi lúc một to, ngân lên dưới những vòm cửa và vọng lại những dư âm theo vòm mái vút cao:
"Sine termino... sine termino!" (1)
"Ôi, Giêsu, khi Người gục xuống dưới giá chữ thập của mình, Người sung sướng vô cùng! Khi Người nói được "Thế là xong!" (2) Người sung sướng vô cùng! Còn số phận này thì vô tận, là vĩnh hằng như những tinh cầu đang xoay vần trên thượng giới. Đây là một con sâu không bao giờ chết, một ngọn lửa không bao giờ tắt (3) "Sine termino... sine termino!"
Hồng y giáo chủ làm nốt phần lễ cuối cùng một cách mệt mỏi, miễn cưỡng. Ông hành lễ như một cái máy theo những thói quen cũ và những nghi lễ mà giờ đây đối với ông đã mất hết ý nghĩa. Rồi sau khi đã ban phép lành kết thúc nghi thức Chầu Thánh thể, ông lại một lần nữa đến quỳ trước ban thờ và lấy tay bưng mặt. Tiếng một giáo sĩ đang cất cao giọng đọc bản danh sách xá tội (4) chỉ vọng đến tai ông phảng phất như một tiếng rì rầm xa xôi của một thế giới mà ông không bao giờ phụ thuộc nữa. Tiếng đọc đã im bặt, vậy mà ông lại đứng dậy, giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Một số giáo hữu đã ra tới cửa đều vội quay trở lại xì xào bàn tán khi có tiếng thì thầm truyền đi trong nhà thờ rằng: "Đức Hồng y giáo chủ sắp giảng thuyết..."
Các vị thừa tác nhìn nhau sửng sốt và tiến lại gần ông. Một người hỏi khẽ và gấp:
- Thân lạy Đức Hồng y, ngài định giảng thuyết cho con chiên ngay bây giờ?
Mông-ta-ne-li lặng lẽ phẩy tay gạt ông ta ra. Các giáo sĩ lùi lại đồng thanh thì thào. Việc này không những là khác thường mà còn là bất thường nữa, nhưng vẫn nằm trong đặc quyền của Hồng y giáo chủ nếu ngài muốn làm như vậy. Hẳn là ngài sẽ tuyên cáo một điều gì đặc biệt quan trọng, công bố một cuộc cải cách mới của La Mã hoặc là một sắc dụ đặc biệt của Đức Thánh Cha.
Mông-ta-ne-li đứng trên bậc cao trước ban thờ, nhìn xuống biển người đang ngửa mặt lên dưới chân ông. Mọi người ngẩng đầu chăm chắm nhìn ông với lòng thiết tha chờ đợi, vậy mà ông vẫn đứng trên cao, vừa im phăng phắc lại vừa trắng toát như một con ma.
Các linh mục áp lễ khẽ nhắc:
- Suỵt, suỵt! Im lặng!
Và những tiếng xì xào của mọi người tắt lặng dần như một làn gió đang lịm đi trong những ngọn cây rì rào.
Tất cả đám đông đều nín thở nhìn lên thân hình trắng toát đứng trên bậc ban thờ. Và giọng nói vững chắc, chậm rãi của Hồng y giáo chủ cất lên:
- Sách Phúc Âm theo Thánh John (1) viết rằng: "Vì Chúa thương xót thế gian nên Người đã hiến người Con một của mình để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu rỗi". Ngày hôm nay chúng ta làm lễ kính Mình Thánh và Máu Thánh của Đấng Hy Lễ (2) đã chịu chết để cứu rỗi các ngươi, của Chiên Thiên Chúa (3) đã chịu lấy tội lỗi của thế gian, của Con Thiên Chúa đã chết để chuộc tội cho các người. Các ngươi tụ họp đông đủ và trang nghiêm ở đây để hưởng lấy của hy sinh cho các ngươi, và để tạ ơn lòng thương xót cao cả ấy. Và ta biết rằng sáng nay khi các ngươi đến để chia phần tiệc, để chịu Mình Thánh, thì lòng các ngươi tràn đầy vui sướng, và các ngươi đã nhớ tới sự Thương Khó (4) mà Đức Chúa Con đã phải chịu để cứu độ các ngươi.
Nhưng cho ta hay: kẻ nào trong các ngươi đã nghĩ tới một điều khổ nạn khác, đó là sự Thương Khó của Đức Chúa Cha, Người đã để cho con mình phải chịu đóng đinh trên giá chữ thập? Kẻ nào trong các ngươi đã nhớ tới sự thương (5) của Đức Chúa Cha khi Người từ trên ngai báu trên trời cúi mình nhìn xuống Canvê(6)?
Ngày hôm nay, dõi nhìn các ngươi đi trong hàng ngũ rước lễ chỉnh tề, ta thấy các ngươi hân hoan trong lòng vì đã được tha tội, vui sướng trong lòng vì đã được cứu rỗi. Và ta cầu xin các ngươi một điều: các ngươi thử suy nghĩ xem công cứu độ ấy đáng giá nhường nào? Hiển nhiên là công ấy quý giá vô ngần, công ấy còn quý hơn cả châu báu, là vì giá công ấy tính bằng máu.
Một cơn xao động nhẹ và kéo dài lướt trong đám người đang lắng nghe. Các giáo sĩ đứng trong nội điện thì xì xào bàn tán, rướn cả người về phía trước.
Nhưng họ yên lặng khi người rao giảng nói tiếp:
- Chỉnh bởi thế ngày hôm nay ta nói với các ngươi rằng TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU (7). Là vì ta đã chiếu cố tới sự yếu đuối và những nỗi đau buồn của các ngươi, ta đã quan tâm đến các trẻ em đùa nghịch quanh chân các ngươi. Và lòng ta xót thương cho số phận chúng vì chúng sẽ không sao tránh khỏi cái chết. Rồi ta nhìn vào đôi mắt đứa con trai yêu dấu của ta, và ta đã thấy sự Đền Bù bằng Máu (8) chính là ở đó. Thế là ta đành phải đi con đường của ta, để mặc con ta với số phận của nó.
Đấy xá tội là thế. Con ta đã chết thay cho các ngươi, bóng tối đã nuốt mất con ta; con ta chết đi mà không bao giờ sống lại nữa; nó chết đi, ta không còn con nữa. Ôi, con trai của ta, con trai của ta!
Hồng y giáo chủ buông ra một tiếng kêu dài thảm thương, và những tiếng lao xao của đám người kinh hoàng đã đáp lại lời kêu thương ấy như một tiếng vang. Tất cả các giáo sĩ đều vụt đứng dậy, những người phó lễ danh dự tiến lại định đặt tay lên cánh tay ông. Nhưng ông giật phắt tay ra, đột nhiên trợn mắt nhìn họ như một con thú dữ đang trở nên hung hãn:
- Cái gì? Máu như thế còn chưa đủ sao? Lũ chó rừng, các ngươi hãy đợi đến lượt mình! Rồi tất thảy các ngươi đều sẽ được no nê!
Họ lùi lại, đứng túm tụm lại với nhau mà run lẩy bẩy, họ hổn hển thở dốc ra nặng nhọc, mặt họ trắng bệch như vôi. Mông-ta-ne-li lại quay về phía mọi người và biển người dào dạt lên như cánh đồng lúa trước cơn gió bão.
- Các ngươi đã giết con ta! Các ngươi đã giết con ta! Và ta đã phải cắn răng chịu đựng, vì ta không muốn để cho các ngươi phải chết. Giờ đây, khi các ngươi đến với những lời cầu nguyện nhơ nhớp và những lời ngợi khen lừa dối thì ta hối hận, phải, ta hối hận vì ta đã xử sự như vậy! Lẽ ra cả lũ các ngươi phải bị vùi dập thối tha trong tội lỗi, phải chịu nguyền rủa bêu riếu đời đời, và để cho con ta phải được sống. Những linh hồn xấu xa ôn dịch của các ngươi có đáng được cứu vớt với giá đắt như thế không?
Nhưng đã muộn quá rồi, quá muộn rồi! Ta kêu to lên mà con ta không nghe thấy. Ta gõ cửa mồ nó mà nó không tỉnh dậy. Một mình ta đứng giữa nơi hoang vắng và ta nhìn chung quanh ta. Ta đưa mắt từ mặt đất vấy máu này, nơi chôn vùi tim của tim ta, mà nhìn lên nơi thượng giới ghê rợn và trống rỗng là nơi duy nhất còn để lại cho tấm thân cô độc của ta. Ôi, những kẻ dòng dõi rắn độc (1)! Ta đã phải từ bỏ con ta, vì các ngươi mà ta đã phải từ bỏ con ta!
Đấy sự cứu rỗi đối với các ngươi là như thế đấy! Các ngươi hãy đón lấy. Ta ném sự cứu rỗi cho các ngươi như ném một khúc xương cho lũ chó dại đang nhe nanh gầm gừ! Cái giá của bữa tiệc đã được trả sẵn cho các ngươi rồi. Hỡi những kẻ ăn thịt người, những kẻ uống máu người, những thú dữ chuyên ăn xác chết, các ngươi hãy tự đến mà ngốn cho thoả thích! Các người hãy nhìn vào nơi những dòng máu đang tuôn xuống từ ban thờ, những dòng máu nóng hổi và sủi bọt từ tim đứa con yêu dấu của ta, những dòng máu đã đổ ra vì các ngươi! Các ngươi hãy nốc cạn máu ấy, liếm lấy máu ấy, và lấy máu ấy mà bôi lên mặt! Các ngươi hãy vồ lấy, hãy tranh cướp nhau những miếng thịt người, hãy ăn ngấu nghiến đi, và đừng quấy rầy ta nữa! Đây là thân thể đã hiến dâng vì các ngươi. Các ngươi nhìn xem, nó đầy vết thương và đang còn rỉ máu, nó vẫn còn thoi thóp do cả đời bị hành hạ và nó vẫn còn quằn quại vì đang hấp hối và ngắc ngoải! Hỡi lũ người Kitô giáo, các ngươi hãy nhận lấy và ăn đi!
Ông nắm lấy bình Mặt nhật trong có Mình Thánh Chúa, giơ lên khỏi đầu, và bây giờ ông vung tay ném xuống sàn nhà thờ. Tiếng loảng xoảng của kim khí trên những phiến đá vừa vang lên, lũ giáo sĩ đã kéo nhau đổ xô đến và hai chục bàn tay cùng một lúc vươn ra túm lấy kẻ điên rồ.
Lúc đó, và chỉ lúc đó, sự im lặng của quần chúng mới bùng lên thành những tiếng thét điên cuồng và man rợ, và rồi cuống cuồng lật ngửa cả ghế tựa và ghế dài, họ xô đẩy nhau để ra cửa, giẫm đạp lên nhau, giật tung các rèm cửa và dây tết hoa, dòng lũ người đang dâng lên và còn đang nức nở ấy cuồn cuộn đổ ra đường phố.
--- ------
(1) Introibo ad altare Dei (tiếng Latin) - Ta hãy đến quỳ trước ban thờ Chúa - (Câu mở đầu đoạn kinh "Introit", kinh nhập lễ).
(2) Ministers (tiếng Anh): Những người giúp lễ cao cấp hơn.
(3) Acolytes (tiếng Anh): Những người giúp lễ cấp thấp.
(4) Surplices (tiếng Anh): áo dài trắng có nhiều nếp, cũng gọi là áo súpli, để các giáo sĩ mặc khi phụng sự tôn giáo, nhất là khi hành lễ.
(5) Indulgentiam (tiếng Latin): kinh xin tha tội.
(6) Canons (tiếng Anh): cũng là quy sĩ.
(7) Mitre (tiếng Anh, Pháp): mũ nhọn, mũ gầu (biểu thị chức sắc của giáo hoàng, giám mục...) Đây là mũ giám mục.
(8) Deacon (tiếng Anh): người phụ tá cho chủ tế. Có phó tế vĩnh viễn, phó tế chuyển tiếp, phó tế danh dự (of honour)...
1) Benedicite, pater eminentissime (tiếng Latin): lạy Cha rất tôn kính, xin ngài hãy làm phép.
(2) Host (tiếng Anh): cũng là Bánh Lễ.
(3) Processional sun (tiếng Anh): bình đựng bánh thánh bằng vàng và pha lê hình mặt nhật để chầu và kiệu bánh thánh cũng gọi là bình Mặt nhật để rước lễ.
(4) Sacristy (tiếng Anh): phòng ở sát cung thánh, dùng để cất giữ áo lễ, đồ thờ..., cũng gọi là phòng áo.
1) Swinging the censer slowly to and fro (nguyên bản tiếng Anh): lắc bình hương để khói hương toả ra (xông hương).
(2) Veil (tiếng Anh): đây là loại khăn để người hành lễ lót tay khi cầm vào các vật lễ linh thiêng.
(3) Choir (tiếng Anh): là ca đoàn (hát thánh ca) trong nhà thờ, khác với Chorus là hợp xướng biểu diễn văn nghệ.
(4) Eucharist (tiếng Anh): bánh đã truyền phép.
(5) Misericordia (tiếng Anh): lòng thương xót, tên một đoàn thể Công giáo từ thiện, chuyên lo việc mai táng.
(1) Crozier (tiếng Anh): gậy bên trên có thánh giá, tượng trưng cho quyền uy của các chức sắc Công giáo từ giám mục trở lên.
(2) Way of the Cross (tiếng Anh): các đoạn đường Giêsu phải vác giá chữ thập lên đồi Calvary để chịu hình phạt rồi được mai táng, gồm tất cả mười bốn chặng. Nhưng ở đây ngụ ý là "Đàng Thánh giá" của riêng Mông-ta-ne-li.
(3) Hàm ý về Chúa Giêsu khi bị đóng đinh trên giá thập tự rồi, vẫn bị đâm một nhát giáo vào mạng sườn.
(4) The Thing (tiếng Anh): ở đây chính là vật được gọi là Mình Thánh (tức Chúa Kitô).
(5) Lời Giêsu, theo Kinh Thánh.
(1) Sacramental feast of blood (tiếng Anh): tức theo bí tích Thánh Thể (hoặc Mình Thánh Chúa),một trong bảy bí tích (sacraments) do Chúa Giêsu đích thân thiết lập.
(2) trích Kinh Thánh.
(3) Garden of Eden (tiếng Anh): cũng là Vườn cực lạc, Thiên đường trên mặt đất, mà theo Kinh Thánh, Chúa Trời đã dành cho Adam và Eva đến ở đầu tiên.
(4) trích Kinh Thánh.
(5) The sacred Body (tiếng Anh): cũng là Mình Thánh, Bánh Thánh.
(6) The Body of the Victim (tiếng Anh): Victim là người bị nạn, người thụ nạn, trong Công giáo dịch là hy lễ, lễ vật hy sinh, đều là chỉ Chúa Giêsu chịu nạn, do vậy gọi là Đấng Thọ nạn hoặc Đấng Hy Lễ. Ở đây là Thân thể (Mình) Đấng Hy Lễ.
(1) Sine termino.. sine termino (tiếng Latin): đời đời chẳng cùng... đời đời chẳng cùng.
(2) Hoặc "Thế là hết"; theo sách Phúc Âm của Thánh Joan, đó là lời của Giêsu khi sắp chết.
(3) Ý chỉ những sự trừng phạt đang chờ đợi mình nơi hoả ngục.
(4) List of indulgences (tiếng Anh): Bản kê tên những người được Nhà thờ tha tội, sau khi đã phải nộp vạ cho Nhà thờ. Cũng là ân xá, tha vạ.
(1) The Gospel according to St.John (tiếng Anh): cũng gọi là sách Tin mừng; một trong bốn sách đầu tiên của Tân Ước (New Testament) thuộc bộ Kinh Thánh. Tác giả của bốn sách này vốn là bốn vị thánh cha đạo Kitô, trong đó cuốn thứ tư là của St.John, thường gọi là sách "Tin Mừng (hoặc sách Phúc Âm) theo Thánh John".
(2) The Victim: lễ vật hy sinh, người thọ nạn, nhưng thường được gọi là Đấng Hy Lễ (Hiến Lễ),tức Đức Kitô.
(3) The Lamb of God: con chiên của Chúa Trời.
(4) The passion: cũng là Khổ Nạn, Chịu Nạn, nỗi khổ đau.
(5) The agony: sự quằn quại, đau đớn cùng cực về thể xác.
(6) Calvary: theo đạo Kitô, Canvê (Canvariô) cùng với Gongôta (Golgotha) đều là tên ngọn đồi (cũng gọi là núi Sọ) ở gần thị trấn Jerusalem, là nơi Giêsu bị đóng đinh trên giá chữ thập.
(7) I AM THAT I AM, gốc từ tiếng Latin là EGO SUM QUI SUM, trong Cựu Ước (Old Testament).
(8) Atonement of Blood: cũng là sự bồi thường, xá tội bằng máu.
(1) Theo sách Phúc Âm, Giêsu đã gọi dân Do Thái lúc bấy giờ, đặc biệt là những giáo sĩ của họ, là "dòng dõi rắn lúc (rắn độc)" (generation of vipers).
ĐOẠN KẾT
- Giê- ma, dưới nhà có một người đàn ông đến muốn gặp chị.
Mác-ti-ni nói bằng một giọng nén chịu mà hai người đã bất giác chấp nhận từ mười ngày qua.
Giọng nói đó, cùgn với những lời lẽ và cử chỉ đều đều, chầm chậm là biểu hiện duy nhất nỗi đau buồn của từng người trong họ.
Giê- ma, mình đeo tạp dề và tay áo xắn lên, đang đứng bày những gói đạn lên trên bàn để chuẩn bị phân phát. Chị đã đứng làm việc từ sáng sớm tới giờ và giờ đây trông mặt chị hốc hác hẳn đi dưới ánh nắng trưa gay gắt.
- Một người đàn ông à, Trê-da-rê? Anh ta hỏi gì?
- Tôi không rõ, Giê- ma thân mến. Anh ta chẳng nói gì cả, mà chỉ nhắn là muốn nói chuyện riêng với chị.
Giê- ma cởi tạp dề, kéo tay áo xuống.
- Thế thì tôi phải xuống gặp vậy. Rất có thể chỉ là một tên mật thám.
- Để đề phòng, tôi sẽ ngồi ngay ở buồng bên, chị cứ gọi một tiếng là tôi sang ngay. Khi tiếp xong chị nên đi nằm nghỉ một chút. Hôm nay chị đứng suốt ngày rồi.
- Ồ, không! Tôi cứ làm việc thì hơn.
Giê- ma từ từ bước xuống thang gác. Mác-ti-ni lặng lẽ bước theo.
Mới chỉ mấy ngày mà trông Giê- ma già đi hàng chục tuổi. Lọn tóc bạc trước kia nay đã thành một dải lớn trên mái đầu. Chị hầu như không ngước mắt nhìn lên, nhưng mỗi khi Mác-ti-ni ngẫu nhiên gặp đôi mắt của chị, anh rùng mình trước vẻ âm thầm đáng sợ trong đôi mắt ấy.
Trong buồng khách nhỏ, chị thấy một người đàn ông trông có vẻ vụng về, đang chụm gót chân lại với nhau mà đứng ngay giữa phòng. Nhìn toàn bộ thân hình và bộ dạng có vẻ sợ sệt của anh ta, Giê- ma đoán chắc anh ta là lính trong đội cận vệ Thuỵ Sĩ. Anh ta mặc một chiếc áo nông dân ngắn, rõ ràng là đi mượn của người khác. Anh ta lấm lét nhìn ngang nhìn ngửa dường như sợ bị người ta phát hiện.
- Bà có nói được tiếng Đức không?
Anh ta hỏi với thổ âm nặng chịch của vùng Zurich.
- Ít thôi. Nghe nói ông muốn gặp tôi?
- Có phải bà là bà Bôla không? Tôi mang đến cho bà một bức thư.
- Một... bức thư?
Giê- ma bắt đầu run lẩy bẩy, chị phải vịn một tay vào bàn để khỏi quỵ xuống.
- Tôi ở trong đội lính gác ở đằng kia - người lính chỉ tay ra cửa sổ về phía pháo đài trên sườn đồi - Đây là bức thư của... người bị xử bắn tuần trước. Ông ấy viết thư này đêm trước đó. Tôi có hứa với ông là chính tôi sẽ trao tận tay cho bà.
Chị cúi đầu. Thế là anh ấy vẫn có viết thư...
Người lính nói tiếp:
- Vì thế đến tận bây giờ tôi mới đưa đến được. Ông ấy có dặn tôi không được đưa cho ai khác mà chỉ đưa cho bà, mà tôi lại không thể ra sớm được vì họ theo dõi tôi dữ lắm. Tôi phải đi mượn những thứ này mặc vào mới đến được đây.
Người lính lần tay vào ngực áo. Trời rất nóng nực, nên khi anh ta móc ra tờ giấy gấp nhỏ thì tờ giấy chẳng những bẩn và nhàu nát, lại còn đẫm mồ hôi. Người lính áy náy cứ đứng di hết chân nọ đến chân kia trên sàn nhà một lúc rồi lại đưa tay lên gãi gáy.
Anh ta đưa mắt nhìn Giê- ma với một vẻ nghi ngại và rụt rè nói:
- Bà chớ nói với ai nhé! Tôi đã liều mạng ra đến đây.
- Tất nhiên là tôi phải giữ hết sức kín rồi. Ông đợi cho một phút...
Người lính quay gót định đi ra, nhưng chị đã ngăn lại, tay lục túi tiền, nhưng anh ta lùi lại có vẻ giận và cục mịch nói:
- Tôi không cần tiền của bà. Ông ấy nhờ thì tôi vì ông ấy mà làm. Lẽ ra tôi phải giúp ông ấy nhiều hơn nữa. Chúa phù hộ cho tôi... ông ấy đối với tôi rất tốt...
Giọng anh ta nghèn nghẹn khiến Giê- ma phải nhìn lên. Người lính đang chầm chậm đưa ống tay áo cáu bẩn lên quệt mắt. Và thì thào qua một hơi thở, anh ta nói tiếp:
- Tôi cùng các bạn lính không bắn không được, vì chúng tôi phải tuân theo mệnh lệnh. Chúng tôi đã bắn chệch đi, rồi lại phải bắn lại... và ông ấy cười chúng tôi... bảo chúng tôi là đội lính bắn tồi... ông ấy đối với tôi rất tốt...
Căn buồng trở nên im ắng. Một lát sau, người lính đứng thẳng người, vụng về chào theo kiểu nhà binh, rồi đi ra.
Giê- ma đứng im lìm trong mấy phút với tờ giấy trong tay. Rồi chị ra ngồi bên cửa sổ mở rộng để đọc thư.
Bức thư viết bằng bút chì, chữ rất sít, đôi chỗ rất khó đọc. Nhưng ba chữ đầu tiên ngay ở đầu trang nổi lên rất rõ ràng và bằng tiếng Anh.
"Dim thân yêu!"
Những dòng chữ bỗng nhạt nhoà và mờ mịt đi trước mắt Giê- ma. Thế là chị lại một lần nữa mất anh, mất mất anh rồi. Ngay khi trông thấy tên gọi thân thuộc thuở thiếu thời ấy, chị lại thấy niềm tuyệt vọng của sự mất mát đau thương tràn ngập lòng mình. Chị buông xuôi tay với nỗi vô vọng mịt mù, dường như tất cả nấm đất chất trên mình anh đang đè nặng lên trái tim chị.
Rồi chị lại nâng tờ thư lên đọc tiếp:
"Sáng sớm mai tôi sẽ bị xử bắn. Tôi đã hứa nói hết với Dim, và chỉ còn có lúc này mới thực hiện được lời hứa đó. Nhưng phân bua dài dòng làm chi? Bao giờ chúng ta cũng hiểu nhau mà không cần nhiều lời, ngay từ khi chúng ta còn bé bỏng.
Dim thân yêu, chắc Dim cũng thấy rằng không cần gì phải vò xé trái tim mình về câu chuyện cái tát ngày xưa ấy. Lúc đó tôi rất khổ tâm. Nhưng rồi sau tôi cũng nhận bao nhiêu cái tát như thế nữa mà vẫn chịu được. Đôi lúc còn trả thù được nữa. Và bây giờ tôi như con cá nhỏ trong cuốn sách trẻ con của chúng ta (tôi quên tên cuốn sách đó rồi),"sống và quẫy đuôi", thật thế, quẫy đuôi lần cuối cùng... còn sáng mai thì đã "Finita la Commedia!" (1) Đối với Dim và tôi thì điều đó có nghĩa là: trò xiếc đã diễn xong rồi. Và dù sao chúng ta sẽ tạ ơn các thánh thần về bao điều nhân từ này. Ơn ấy tuy chẳng là bao, nhưng cũng vẫn là ơn. Chúng ta cũng vẫn nên biết cả ơn ấy cùng với mọi phúc lành khác nữa chứ nhỉ. (2)
Còn về phần sớm mai đây, thì tôi muốn cả Dim và Mác-ti-ni hiểu rõ rằng tôi rất sung sướng và hài lòng, không ân hận gì về số phận cả. Dim hãy nói cho Mác-ti-ni biết điều ấy, coi đó là lời nhắn nhủ của tôi. Anh ấy là bạn tốt lại vừa là một đồng chí tốt... anh ấy sẽ hiểu. Dim thân yêu, tôi biết rằng khi những kẻ ngoan cố kia quay lại dùng những thủ đoạn xử kín và hành quyết bí mật vội vã như vậy thì chúng chỉ làm lợi cho chúng ta và tự chuẩn bị cho chúng một số phận không hay. Tôi biết rằng, nếu các bạn còn sống, vẫn tiếp tục cùng nhau đứng vững và tấn công mạnh mẽ thì rồi các bạn sẽ thấy những sự kiện vĩ đại. Còn tôi, mai đây, tôi sẽ bước ra pháp trường với tấm lòng thanh thản, thanh thản như một cậu học trò nhỏ rảo bước về nhà nghỉ hè. Tôi đã hoàn thành phần công tác của tôi với một tinh thần tận tuỵ, và bản án tử hình đã chứng minh cho tôi điều đó. Chúng giết tôi là vì tôi đã làm cho chúng hoảng sợ. Như thế lòng người còn muốn gì hơn nữa?
Dẫu sao tôi vẫn còn có điều mong muốn. Người nào sắp chết mà lại chẳng có quyền vòi vĩnh đôi chút. Vòi vĩnh ở chỗ là tôi muốn giải thích cho Dim hiểu tại sao tôi hay cục cằn với Dim và tại sao tôi lại khó có thể quên được chuyện cũ. Thật ra Dim cũng đã tự hiểu, nhưng tôi muốn nhắc lại là chỉ bởi vì tôi thích viết lại những dòng này mà thôi. Giê- ma ạ, tôi đã yêu Giê- ma từ khi Giê- ma còn là một cô bé con xấu xí, từ khi Giê-ma còn mặc chiếc áo vải kẻ ca rô với cổ áo nhàu nhĩ, và còn để bím tóc nhỏ xíu sau lưng. Đến bây giờ tôi vẫn yêu Giê-ma. Giê-ma còn nhớ cái ngày tôi đã hôn tay Giê-ma và Giê-ma khẩn khoản xin tôi "đừng bao giờ làm như thế nữa"? Tôi biết làm thế là bậy bạ nhưng Giê-ma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ tôi lại hôn tờ giấy đã viết tên Giê-ma. Như thế là tôi đã hôn Giê-ma hai lần và cả hai lần đều không được Giê-ma cho phép.
Tất cả chỉ có thế thôi. Giê-ma thân yêu, vĩnh biệt nhé!"
Không có chữ ký. Cuối thư chỉ có bốn câu thơ ngắn mà hai người cùng học với nhau thời thơ ấu:
Đó là tôi
Dù kiếp ruồi
Sống hay chết
Vẫn tươi vui. (3)
Nửa tiếng sau, Mác-ti-ni bước vào phòng, và bừng tỉnh khỏi sự im lặng của nửa đời người, anh quăng đi tờ cáo thị đang cầm trong tay, ôm chầm lấy chị.
- Giê-ma! Sao thế? Chúa ơi! Giê-ma có khóc bao giờ đâu mà nay thổn thức thế! Giê-ma! Giê-ma! Giê-ma thương yêu của tôi!
- Không sao đâu, Trê-da-rê ạ. Để sau tôi sẽ kể lại anh nghe. Ngay bây giờ... tôi... chưa kể được.
Chị vội vã nhét bức thư ướt đẫm nước mắt vào túi, đứng dậy nghiêng người nhìn ra khỏi cửa sổ, giấu mặt đi. Mác-ti-ni nín bặt, cắn lấy ria mép. Sau từng ấy năm trời, lần đầu tiên anh để lộ tình cảm của mình như một cậu học trò nhỏ - vậy mà Giê-ma vẫn không để ý thấy!
Một lát sau đã tự chủ lại được, chị ngoảnh lại nói:
- Chuông Nhà thờ chính toà đang đánh. Chắc là có người chết.
Mác-ti-ni trả lời như thường ngày:
- Chính là cái tôi mang đến để chị xem đây.
Mác-ti-ni nhặt tờ cáo thị lên đưa cho chị. Bản thông cáo được in vội bằng cỡ chữ to, xung quanh viền khung đen.
"Vị giám mục yêu quý của chúng ta, Đức Hồng y giáo chủ Lôrentxô Mông-ta-ne-li do chứng mạch tim phình to (4) bị vỡ tim đã đột ngột từ trần tại Ravena."
Từ tờ cáo thị, chị mau lẹ đưa mắt nhìn lên. Anh nhún vai đáp lại ý tứ kín đáo trong cặp mắt chị:
- Còn muốn gì hơn nữa, Madonna? Vỡ tim do mạch tim phình to, - còn từ nào đủ nghĩa hơn thế.
--- ------ -----
(1) Finita la Commedia (tiếng Ý): hết trò rồi! Hài kịch đã diễn xong rồi!
(2) Đây là một sự châm biếm, nhắc tới lời cầu nguyện của người theo đạo Tin lành trước mỗi bữa ăn.
(3) Nguyên văn tiếng Anh:
"Then am I
A happy fly
If I live
Or if I die"
Trích từ bài thơ "Con ruồi" (The Fly) của nhà thơ và hoạ sĩ Anh William Blake (1757-1827)
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]