Chương trước
Chương sau
Tầm sâm sẩm tối, Bạch Cẩm Tú cùng bà Trương đi tới trước căn nhà thứ năm từ cổng ngõ đi vào ở phố Thanh Phổ. Bà Trương gõ cửa, rất nhanh có tiếng bước chân chạy đến, then cửa được rút ra, một người làm trung tuổi hồ hởi ra mở cửa, miệng nói:
– Bạch gia, cậu …
Người làm nhìn thấy bên ngoài đứng hai người, một người là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, người kia là một phụ nữ lớn tuổi mặt hằm hằm thì sững sờ, đang nói dở thì khựng lại, vội quay đầu lại, nhìn về phía sau mình.
Bạch Cẩm Tú nhìn vào trong.
Bên trong là một tứ hợp viện nhỏ xinh, một người phụ nữ tuổi tương đương Trương Uyển Diễm, mặt trái xoan, vai thon eo nhỏ, làn da trắng nõn, mặc chiếc váy hồng cánh sen, cổ tay đeo vòng bạc, tay cầm chiếc khăn lụa, mặt mày hớn hở nhanh nhẹn từ nhà chính đi ra, khi tới bậu cửa một tay bám vào cửa, tay kia nhấc làn váy định bước ra ngoài, đột ngột thấy Bạch Cẩm Tú đứng bên ngoài thì nụ cười trở nên cứng đờ, cả người cũng bị chôn chân tại chỗ.
Bạch Cẩm Tú đi vào.
– Này này, các người là ai? Tại sao lại vào nhà?
Người hầu gái đưa tay ra ngăn lại, bà Trương vung tay lên, người hầu gái kêu lên bưng tay che mặt.
– Sao các người lại đánh người ta? Các người là ai? Phu nhân?
Người hầu gái kêu toáng lên, ngoái đầu lại gọi người phụ nữ trẻ đứng ở bậu cửa.
Bạch Cẩm Tú đi vào, nhìn ngôi nhà. Bờ tường có đặt mấy lu sứ lớn, bên trong nuôi cá vàng, có mấy cây hoa sen nở, bên cạnh là vườn hoa, nhiều hoa lan, đất còn mới, nhìn là biết vừa mới được trồng.
Người phụ nữ trẻ kia mau chóng trấn tĩnh lại, đi ra, nhìn Bạch Cẩm Tú, chần chừ một giây lập tức mỉm cười, giọng nhẹ nhàng:
– Em chính là tiểu thư khuê danh cẩm tú của Bạch gia đúng không? Chị họ Liễu, rất nhiều năm trước chị từng gặp em rồi. Em còn nhận ra chị không?
Bạch Cẩm Tú đánh giá chị ta một lượt, lạnh tanh đáp:
– Không biết.
Liễu thị mặt hơi tái đi, nhưng rất nhanh lại trở lại bình thường, nói:
– Không nhận ra cũng không sao. Hôm nay Bạch tiểu thư đến nhà, không biết là có chuyện gì?
Bạch Cẩm Tú nhìn vào nhà một lượt:
– Tôi nghe nói anh cả tôi thuê nhà ở đây, hôm nay rảnh rỗi, tâm tình tốt nên tới đây xem thế nào. Chị là người anh tôi thuê xem nhà à? Dọn dẹp cũng sạch lắm, tạm được. Mới có mấy ngày mà đã nuôi cá, trồng hoa đủ cả rồi.
Liễu thị cố duy trì nụ cười gượng gạo:
– Chị rảnh rỗi, vừa hay cách chợ hoa cũng không xa, nhiếu loại không biết mấy nhưng lại thích lan, cho nên mới trồng đôi ba cây. Làm Bạch tiểu thư cười chê rồi.
Bạch Cẩm Tú ờ một tiếng:
– Khéo vậy, tôi cũng thích hoa lan.
Cô quay sang bà Trương,
– Đi hái mấy cành cho cháu đi.
Bà Trương đáp lời, bước vào vườn hoa, nhanh chóng ngắt toàn bộ số hoa lan vừa mới trồng ở đó, đưa cho cô:
– Đây tiểu thư.
Bạch Cẩm Tú nhận lấy, ngửi ngửi, nhíu mày:
– Sao bảo hoa lan thơm và đẹp lắm cơ mà, xì.
Cô ném hoa xuống đất, nhìn sang Liễu thị:
– Ồ, chưa được sự đồng ý của chị thì đã hái hoa của chị rồi. Nhưng hoa này chắc là dùng tiền của anh cả tôi mua, tôi hái bao nhiêu cành cũng được, chị Liễu nói có đúng không?
 Liễu thị biết mình đụng phải tiểu thư Bạch gia, biết cô kiêu căng ngang bướng nên nào dám phản bác, chỉ biết lắc đầu nói không sao cả.
 Người hầu gái vừa nãy bị đánh cũng nhận ra tình hình kỳ lạ, rụt cổ ở một bên không dám hó hé gì.
– Bạch tiểu thư, chỉ mải nói chuyện quên mời em vào trong. Em vào nhà đi.
Liễu thị cười gượng nói.
Bạch Cẩm Tú đi vào, qua nhà chính, đi đến một căn phòng nhìn như là phòng ngủ của Liễu thị thì đẩy cửa, nhìn vào trong, bên trong bày biện lịch sự tao nhã, đốt hương thơm. Mới vào ở mấy ngày nhưng trên tường đã treo tranh chữ, còn có một tập sách, trên bàn có giấy, bút mực đủ hết. Có một bình hương gỗ, một cái chăn lụa thêu uyên ương màu đỏ tươi được gấp gọn gàng trên giường.
Bạch Cẩm Tú đi vào ngồi lên mép giường, nhún nhún thử đệm.
– Hôm nay tôi sẽ nghỉ ở đây.
Sắc mặt Liễu thị tái đi.
– Sao thế, chị Liễu không muốn à?
– Được, được. Nếu Bạch tiểu thư muốn thì cứ ở lại, bao lâu cũng không vấn đề.
Liễu thị vẫn mỉm cười, nhưng rõ ràng là sắp nhẫn nhịn không nổi nữa rồi.
Bạch Cẩm Tú liếc chị ta, đứng lên đi đến trước bàn, nhìn nghiên mực đặt trên đó. Nghiên mực này rất tinh xảo, trông rất giống đồ cổ lâu năm, bóng bẩy.
– Cái này từ đâu mà có thế, cũng là lấy ở chỗ anh cả tôi à? – Bạch Cẩm Tú chỉ vào hỏi.
– Không, không đâu. – Liễu thị vội lắc đầu, – Đây là vật kỷ niệm mà tiên phụ lúc sinh thời để lại cho chị.
– Ồ.
 Bạch Cẩm Tú gật đầu, cầm lên, sau đó buông tay, nghiên mực rơi xuống đất, bụp một tiếng, vỡ vụn thành mấy mảnh.
– Xin lỗi nhé, trượt tay, làm hỏng vật kỷ niệm mà cha chị để lại cho chị rồi. Lát gọi thợ thủ công sửa lại có lẽ vẫn dùng được.
Bạch Cẩm Tú cười nhận lỗi.
– Không sao, không sao đâu…
Liễu thị giọng run lên, nhìn mấy mảnh vỡ dưới đất, mặt mũi trắng bệch.
Bạch Cẩm Tú cười nhạt.
Chỉ làm vỡ nghiên thôi mà tỏ vẻ đau khổ như cha mẹ chết rồi ấy, lúc bám lấy anh cả mình sao không nghĩ đến tâm trạng của A Tuyên và mẹ thằng bé chứ. Bạch Cẩm Tú luôn phản cảm dùng những từ ngữ để chỉ xúc phạm phụ nữ, nhưng hai chữ “đê tiện” này rất xứng với tên khi được sử dụng lên người phụ nữ họ Liễu này.
– Chị không trách thì tốt quá. Tôi khát nước rồi, pha trà cho tôi đi.
Liễu thị vội ra ngoài bảo người hầu gái đi đun nước. Nước sôi thì lấy trà Long Tĩnh cùng với một bộ dụng cụ trà Thanh Tuyền Mai Tử Thanh, dùng nước sôi tráng sạch, pha trà xong đích thân bưng lên, cười làm lành nói:
– Bạch tiểu thư, mời uống trà.
Bạch Cẩm Tú nâng chung trà lên uống một ngụm, lập tức nhổ ra, tiện tay quét toàn bộ ấm trà xuống đất.
– Nóng quá, chị muốn tôi bị bỏng chết à?
Bộ ấm trà này rất đắt tiền, Liễu thị tiếc đứt ruột nhưng đành phải nhận lỗi về mình.
Bạch Cẩm Tú sầm mặt một lát, lại chuyển giận mỉm cười, nói:
– Vừa rồi thái độ của tôi không tốt. Từ nhỏ tính tôi đã vậy rồi, nếu chị đã gặp tôi lúc nhỏ, ắt là cũng biết. Chị không trách tôi chứ.
– Không sao đâu, không sao đâu. Bạch tiểu thư ngây thơ hồn nhiên, đều tại chị cả, vừa rồi quên không nhắc em.
Liễu thị trong lòng đã mắng Bạch Cẩm Tú đến thất khiếu đổ máu nhưng ngoài miệng thì kiêng kỵ thân phận của cô, không dám biểu lộ ra ngoài, tự cúi xuống nhặt mảnh sứ vỡ nát, dọn dẹp cho sạch.
Bạch Cẩm Tú thờ ơ quan sát, chờ chị ta đứng lên thì nói:
– Muộn rồi, tôi hơi đói, nấu cơm cho tôi ăn đi.
– Được được, Bạch tiểu thư chờ một lát. Cũng tại không biết em muốn ở lại ăn cơm nên chị chưa  chuẩn bị được thức ăn gì cả.
– Món gì cũng được, tôi không kén chọn.
Liễu thị ôm hận đi ra, gọi người giúp việc xuống bếp. Sợ người giúp việc nấu nướng sẽ khiến cô không hài lòng, vì vậy đích thân xuống bếp, bận rộn cả buổi cuối cùng làm món tôm rang, vịt gừng thái sợi, đậu phụ chưng cá, thêm một món canh, lại lau bàn thật sạch, đặt món ăn lên, sau đó mới đi mời cơm.
Lúc này sắc trời cũng tối đen.
Bạch Cẩm Tú xem thời gian, đã 6 giờ tối rồi.
Cô đến bên bàn ăn, nhìn Liễu thị và người hầu đứng nép một bên, không một câu khách sáo, cầm lấy đũa lên, chọc chọc vào đĩa tôm rang bóc vỏ, miễn gưỡng gắp một con lên ngửi ngửi, lại ném xuống bàn, nhíu mày nói:
– Tanh vậy, sao mà ăn được.
– Bạch tiểu thư, em thử món này xem. – Liễu thị lại chuyển đĩa vịt gừng thái sợi đến trước mặt cô.
 Bạch Cẩm Tú gắp một tiếng, cắn cắn, lại nhổ ra, buông mạnh đũa xuống, lạnh lùng nói với Liễu thị:
– Nấu kiểu gì vậy, heo cũng không ăn được. Chị coi tôi là ai, làm vậy để đối phó tôi à?
Cô liếc nhìn bà Trương. Bà Trương đi lên hất toàn bộ món ăn xuống đất, bát đũa vỡ tan, canh bắn đầy đất, bắn cả lên váy Liễu thị.
Liễu thị nhịn rồi lại nhịn, cuối cùng cũng không nhịn được nữa.
Chị ta mấy năm trước chồng chết, bản thân không chịu tự hạ thân phận địa vị để tái giá, cuộc sống không dễ dàng gì, sống dựa dẫm vào anh trai thì ngày ngày bị chị dâu nói móc máy. Năm ngoái ngẫu nhiên gặp lại Bạch Kính Đường, đối phương từng là công tử hào môn nổi danh, hình như vẫn còn chút tình cảm với mình, chị ta làm sao mà không dao động cho được.
Có Bạch lão gia, chị ta cũng không mong mình sẽ thay thế được địa vị của Trương Uyển Diễm, hoặc là được vào Bạch gia làm thiếp, bản thân cũng không muốn làm thiếp mà chỉ muốn làm một người thứ ba ở bên ngoài, chờ khi Bạch lão gia không còn nữa, mình mà sinh được một đứa con trai, đến lúc đó sẽ tính toán tiếp. Nào ngờ kế hoạch còn chưa thực thi thì đã bị Trương Uyển Diễm phá hủy, đành phải hậm hực theo anh chị về quê để sống.
Anh chị của chị ta cũng chẳng phải người yêu thương em gái gì cho cam, về quê không lâu thì thu xếp hôn sự cho chị ta. Rõ ràng là có hy vọng được đi theo đại thiếu gia Bạch gia, người thanh cao như chị ta làm sao cam tâm tình nguyện sinh sống khổ cực ở thôn quê, vì thế tìm mọi cách chống lại, thuyết phục anh chị để mình lẳng lặng quay về Quảng Châu, nói đến Quảng Châu rồi thì không nhờ vả anh chị nữa. Vợ chồng anh chị của chị ta cũng đoán được mục đích của chị ta, nếu thành công, dĩ nhiên cầu còn không được, vì thế để chị ta lặng lẽ trở lại.
Tới Quảng châu rồi, chị ta mang theo hy vọng và đánh cược với bản thân đi tìm Bạch Kính Đường, khóc lóc kể lể anh chị vô tình, muốn gả chị ta cho một ông già ở quê làm vợ lẽ, chị ta thà chết chứ không chịu, cùng đường đành phải tìm Bạch Kính Đường, cầu mong anh ta giúp đỡ mình. Bạch Kính Đường dĩ nhiên là không đành lòng cự tuyệt, phái một thân tín đi về tận quê chị ta tìm hiểu. Anh chị của Liễu thị dĩ nhiên là nghe theo dặn dò trước đó, kể lể cuộc sống ở quê quá khó khăn, luôn mất mùa, không có thu nhập, thật ra là cũng cùng đường hết cách rồi. Bạch Kính Đường vô cùng khó xử, biết rõ không ổn, nếu như bị Trương Uyển Diễm biết thì rất dễ xảy ra xung đột lớn. Nhưng tình trạng của Liễu thị quá đáng thương, khóc lóc không ngừng, anh ta không đành lòng, cuối cùng tạm thời an trí cho chị ta ở đây, đồng thời nghĩ cách làm thế nào để xử lý tốt chuyện này.
Liễu thị vừa chuyển đến ở, mấy ngày trước liên tiếp mời Bạch Kính Đường tới, nhưng anh ta rất ít khi tới, dù là tới thì cũng là ban ngày, ở lại gấp gáp, an ủi chị ta đôi câu rồi lại đi ngay.
Tuy đã có chỗ ở đàng hoàng, nhưng đây chỉ là tạm thời, cách mục tiêu của chị ta còn khá xa. Trong lòng Liễu thị thất vọng, hai ngày này vắt hết óc nghĩ cách làm thế nào để buổi tối Bạch Kính Đường đến rồi ở lại. Chỉ có người ở lại thì sự việc may ra mới thành công. Nào ngờ Bạch Kính Đường còn chưa tới, người tới lại là tiểu thư Bạch gia.
Chị ta cũng biết tính tình của Bạch tiểu thư kiêu căng không phải dạng vừa, có lẽ cô đã biết gì đó nên mới đến đây điều tra. Chị ta tính một điều nhịn chín điều lành, chờ cô đi rồi thì mình vừa hay có cớ nói là bị em gái anh ta ức hiếp để dễ bề lấy được lòng thương của Bạch Kính Đường, ai ngờ đâu Bạch Cẩm Tú lại làm nhục mình đến như vậy.
Liễu thị ở trước mặt người khác luôn tỏ vẻ yếu đuối đáng thương, hôm nay nhẫn nhịn lâu như vậy, thật sự là không nhịn được nữa, mặt tái đi, gằn nói:
– Bạch tiểu thư, tôi thấy cô là em gái Bạch Kính Đường nên mới lịch sự với cô, nhường nhịn cô. Cô làm thế có phải quá đáng lắm rồi không? Bạch thiếu gia với tôi từng có tình cảm, anh ta còn từng hứa cưới tôi, về sau là anh ta thất hứa, phụ tôi. Giờ tôi cũng chẳng muốn gì cả, chỉ muốn có một chỗ dựa mà thôi. Thời đại này tam thê tứ thiếp có rất nhiều, tôi không tranh đoạt gì cả, nếu thiếu phu nhân chịu nhận tôi, tôi cũng nguyện quỳ lạy kính trà chị ấy. Huống chi, đây là chuyện của anh cả cô, cô đã gả ra ngoài rồi, đừng có xen vào chuyện người khác nữa.
Bạch Cẩm Tú cười:
– Tôi xen vào hay không, chị quyết định được à? Chị là ai chứ? Nhà người khác thế nào tôi chẳng quan tâm nhưng Bạch gia chúng tôi không cho phép nạp thiếp. Phải là loại gia đình rách nát nào mới chịu gả con gái mình đi làm thiếp cho người ta chứ? Chị trước nay tự cho mình là tài nữ mà đúng không? Đọc sách rồi quăng hết cho chó rồi à? Tôi nghe nói cha chị năm xưa cũng có chút thanh danh ở Quảng Châu, tại sao lại đẻ ra đứa con gái không biết liêm sỉ không có giáo dục như chị vậy?
Liễu thị luôn kính trọng người cha đã khuất, nhớ tới nghiên cổ kia, móng tay cắm vào lòng bàn tay, nghiến răng kèn kẹt nói:
– Bạch tiểu thư, hôm nay tôi bị sỉ nhục đủ nhiều rồi. Mời cô đi cho. Lúc trước nếu không phải anh cả cô phụ tôi, tôi đến nỗi gì mà rơi vào cảnh bị cô làm nhục hả?
Chị ta nổi giận, Bạch Cẩm Tú thì lại ung dung, đến trước mặt chị ta, đánh giá một lượt, lắc đầu:
– Nhìn bộ dạng của chị kìa. Chị cho rằng kiểu người nào cũng đều vào Bạch gia được à? Vì sao năm đó cha tôi phản đối anh cả cưới chị? Không phải bởi chị xuất thân bần hàn, mà bởi vì chị chỉ biết ngâm gió ngắm trăng, khoe khoang tài học mà thôi. Chị ngoài mấy cái đó thì còn có gì hơn. Chị đọc nhiều sách như vậy, chẳng qua là để làm gia tăng sức hấp dẫn của ban thân trong mắt đàn ông mà thôi, để dễ dàng bán mình với cái giá tốt hơn mà thôi. Từ điểm này mà nói, chị cùng với loại phụ nữ làm nghề đen tối trên thuyền hoa có gì khác nhau, thậm chí chị còn không bằng họ, ít nhất họ bán đường hoàng công khai, chị thì lại chỉ muốn che che giấu giấu. Tôi ban đầu không hiểu nổi, anh cả tôi coi trọng gì ở chị, giờ thì tôi đã biết rồi.
– Tiếc là, chị nằm mơ đi. Môn đình như Bạch gia chúng tôi, làm sao để hạng người như chị vấy bẩn được.
Liễu thị nghe Bạch Cẩm Tú so sánh mình như hạng kỹ nữ thì giận run người:
– Bạch Cẩm Tú, cô nói gì, cô lặp lại lần nữa đi?
– Chị muốn bán nhưng lại che che giấu giấu. Nghe không hiểu à?
Liễu thị hận không thể tả tiểu thư Bạch gia đã không có giáo dục lại còn khiêu khích mình, tức thì không còn lý trí gì nữa, nghiến răng, đưa tay lên muốn cho cô một bạt tai.
– Sao thế? Chị muốn đánh tôi à? Chị đánh đi!
Đúng vào lúc này, phía sau có người xông vào, gầm lên:
 – Dừng tay!
Bạch Kính Đường lao vào, túm lấy cánh tay Liễu thị, giận giữ:
– Em định làm gì? Em dám đánh em gái anh à?
Nhiếp Tái Trầm đi cùng Bạch Kính Đường đã kéo Bạch Cẩm Tú vào lòng, thấy cô giãy giụa không chịu, như là không bị đánh thì không cam lòng thì lắc đầu giữ chặt cô.
Chiều anh nhận được điện thoại của Bạch Cẩm Tú, muốn anh trước 6 giờ tối phải đưa anh cả tới đây, không được làm kinh động đến người bên trong, nói mình sẽ tranh luận với Liễu thị, để anh cả nghe được mà hiểu rõ Liễu thị rốt cuộc là hạng người như nào.
Cô dặn dò như thế, anh không dám không nghe theo. Đang định gác lại công việc đi tìm Bạch Kính Đường thì cũng khéo, Bạch Kính Đường lại tới tìm anh.
Chậu nước lạnh sáng sớm em gái đổ vào đầu làm cho Bạch Kính Đường càng nghĩ càng sợ, đoán hẳn cô đã biết mình giấu Trương Uyển Diễm bố trí nhà ở cho Liễu thị, cô đã biết rồi, vậy thì chỗ vợ mình sớm muộn gì cũng sẽ biết. Nhỡ đâu để cha biết được, thế thì chuyện hỏng bét hết không cứu vãn được. Liễu thị tức thì biến thành củ khoai lang nóng bỏng tay, anh ta muốn vứt đi nhưng lại không vứt được. Nghĩ đi nghĩ lại thì nghĩ tới em rể, thế là vội vàng tới tìm Nhiếp Tái Trầm, muốn anh giúp mình khuyên em gái, đừng nói mọi chuyện cho cha biết, cũng đừng nói cho vợ mình biết, còn nói bản thân sẽ mau chóng giải quyết dứt điểm, cho người đưa người kia về quê, sau này không có liên quan gì nữa.
Anh vợ cũng là người có thân phận địa vị, Nhiếp Tái Trầm biết cũng không thể để chuyện vỡ lở, vì thế đồng ý, tiếp đó nói có lẽ Tú Tú đã đi tìm Liễu thị rồi, nhỡ đâu chuyện gây lớn sẽ không hay. Bạch Kính Đường sợ mình không đối phó được em gái hung hãn, bèn kéo em rể đi cùng mình. Vừa nãy ở bên ngoài đã nghe rõ rành rành.
Anh ta vô cùng ngỡ ngàng.
Trong trí nhớ của anh ta, Liễu thị vẫn luôn là cô gái yếu đuối đáng yêu thường cúi đầu thẹn thùng. Anh ta cảm thấy chị ta thanh cao, cao ngạo như đóa u lan không cốc, là một đóa mai trắng cao quý trong tuyết, vốn dĩ nên được người ta hái đặt vào trong bình ngọc. Bởi vì mình năm đó không cương quyết đã đẩy chị ta rơi vào cảnh lưu ly. Giờ cầu xin anh ta cứu vớt, anh ta vừa áy náy vừa thương hại, trong lòng cũng mang vài phần hoài niệm quá khứ, bởi vậy mà liên tục giấu vợ ra tay giúp đỡ chị ta.
Anh ta không ngờ được rằng, Liễu thị lại có một mặt như vậy.
Chị ta muốn nương nhờ vào mình, trong lòng anh ta biết rõ, trước đó cũng từng băn khoăn do dự, nhưng bởi ngại đủ loại trói buộc mà vẫn luôn khắc chế bản thân, không vượt qua ranh giới mà thôi.
Anh ta ngỡ ngàng hơn là, chị ta nói ra như vậy, gương mặt vặn vẹo nghiến răng nghiến lợi trèo trẹo, ngay cả khi mình tranh cãi nhau với vợ, Trương Uyển Diễm cũng đều không dữ dằn đến mức thế, càng không cần phải nói chị ta còn định đánh em gái mình.
Tựa như bức tượng thần được tôn thờ trong nháy mắt sụp đổ, Bạch Kính Đường vừa phẫn nộ vừa hối hận.
– Bạch gia! Kính Đường, không phải như thế đâu. Anh đừng hiểu làm. Em không phải cố ý muốn đánh cô ấy…
Liễu thị thấy Bạch Kính Đường đột ngột xông vào thì sợ mất mật, mặt tái nhợt, cả người run lên.
– Anh hãy nghe em giải thích…Là em gái anh…Cô ấy đến đây gây đủ chuyện khó dễ với em, cố tình đập vỡ nghiên cổ mà cha để lại cho em…
Liễu thị bấu lấy cánh tay Bạch Kính Đường, nước mắt lăn dài.
Tiếc là nước mắt của chị ta dù có khiến người ta thương xót như nào thì cũng không bao giờ lay động được trái tim Bạch Kính Đường nữa.
Bạch Kính Đường hất tay chị ta ra. Liễu thị đứng không vững, ngã xuống đất.
– Em gái tôi làm hỏng cái gì của cô, tôi đền cho cô. Cô trở về đi, về sau tự sống cho tốt.
– Kính Đường, anh đừng bỏ mặc em…
Liễu thị đau đớn khóc lên, Bạch Kính Đường đã xoay người bỏ đi thật nhanh.
Nhiếp Tái Trầm nắm chặt tay Bạch Cẩm Tú, ép cô đứng gần mình, chỉ sợ cô giãy thoát lại chạy vào xem náo nhiệt. Chợt thấy Bạch Kính Đường mặt đầy phẫn nộ đi ra, dáng vẻ nhìn Bạch Cẩm Tú như có điều muốn nói thì mới buông tay cô ra, anh thì tránh sang một bên.
– Tú Tú, chị dâu em chiều này tự dưng về nhà ngoại, có phải đã biết chuyện này rồi không? –   Bạch Kính Đường hỏi.
Bạch Cẩm Tú hừ một tiếng:
– Em không biết!
– Em ơi, em gái ngoan, anh sai rồi, sau này không dám nữa đâu. Em giúp anh đi…
– Anh cả, mấy câu này anh đi mà nói với chị dâu ấy. Có nghe hay không là chuyện chị ấy, em không biết đâu! Em càng mong chị ấy nghĩ thoáng hơn, qua một thời gian đưa A Tuyên cùng em đi Châu Âu du lịch là tốt nhất.
– Cái gì?- Bạch Kính Đường sửng sốt.
Bạch Cẩm Tú bỏ mặc anh ta, bỏ đi.
– Tái Trầm!
Bạch Kính Đường lại quay sang nhờ em rể.
Tiếc là em rể anh ta bản thân cũng có chuyện khó xử, chỉ dùng ánh mắt đồng tình và không thể giúp gì nhìn anh ta, sau đó thì chạy theo Bạch Cẩm Tú.
Bạch Cẩm Tú đến chỗ xe ô tô, xoa cổ tay còn bị đau vì lúc nãy bị anh nắm chặt, thấp giọng trách móc.
Chỗ này không có đèn đường, khá tối. Nhiếp Tái Trầm nhìn ra sau, thấy không có người nào thì nắm lấy tay cô, nhẹ nhàng xoa bóp cho cô, nói nhỏ:
– Tại anh hết, vừa rồi dùng lực hơi mạnh. Anh chỉ sợ em xông vào, nhỡ đâu bị đánh thật.
Anh nhớ tới cảnh vừa rồi trong lòng hãy còn sợ.
Bạch Cẩm Tú hứ lên:
– Nếu chị ta đánh em một, em đánh trả mười, một trăm ấy. Em đau, chị ta còn đau hơn. Dù sao thì cũng không có hại, chả quan hệ gì cả.
Nhiếp Tái Trầm lắc đầu, mở cửa xe cho cô lên:
– Được rồi, về nhà trước đi.
Về nhà, Trương Uyển Diễm không về thật, A Tuyên cũng đi Trương gia rồi, Bạch Kính Đường hình như cũng chạy tới nhà ngoại để gặp vợ, trong Bạch gia chỉ còn lại hai người.
Tắm xong, cả hai cùng lên giường nằm ngủ.
Nhiếp Tái Trầm nhắm mắt lại, nghĩ đến tâm sự của mình, chợt nghe cô lẩm bẩm:
– Đàn ông có phải ai cũng đều giống anh cả em không, không có lương tâm, không biết cái gì mới thật lòng tốt với mình?
Nhiếp Tái Trầm mở mắt ra, quay sang, thấy cô cũng đã nhắm mắt, tựa như đầy cảm thán về bản thân mà phát biểu như vậy.
Anh lặng thinh một lát, khẽ nói:
– Anh sẽ không giống anh cả đâu.
Bạch Cẩm Tú mở mắt ra, quay sang nhìn anh.
Nhiếp Tái Trầm và cô nhìn nhau một lát, anh dịu dàng nói:
– Tối qua em cũng chưa ngủ ngon, hôm nay lại như vậy, mệt lắm rồi phải không? Em ngủ đi.
 Bạch Cẩm Tú xoay người nằm nghiêng với anh, hai người biến thành mặt đối mặt, nhìn nhau chăm chú.
Không ai nói gì nữa.
Dần dà, cũng không biết là ai dịch gần vào ai trước, mặt hai người cuối cùng kề sát vào nhau nằm cùng trên một cái gối, hơi thở ấm áp quện vào nhau, trán anh chống vào trán cô.
Bạch Cẩm Tú bỗng như thẹn thùng, hàng mi run rẩy, cụp mắt xuống, chậm rãi nhắm mắt lại.
Sống mũi cao thẳng của Nhiếp Tái Trầm thân mật cọ vào gò mà cô, sau đó, nhẹ nhàng ngậm lấy môi cô.
Phòng ngủ yên tĩnh, bức màn đã buông, chỉ có ánh đèn dịu nhẹ, cùng với tiếng tim đập và hơi thở vấn vít của hai người.
Hết chương 75
 
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.