Chương trước
Chương sau
Báo
THE TIMES
Ngày 1 tháng Tư, 1966
CÔNG ĐẢNG NẮM QUYỀN
Armstrong liếc qua người nhân viên đánh máy mà anh không nhận ra, bước vào văn phòng và thấy Sally đang nói chuyện qua điện thoại.
"Tôi hẹn gặp ai đầu tiên?"
"Derek Kirby," cô nói, khum tay che lên miệng.
"Thế ông ta là ai?"
"Cựu tổng biên tập tờ Daily Express. Một người đàn ông nghèo suốt tám tháng qua, nhưng ông ta tự cho là có một số thông tin thú vị dành cho ông. Tôi gọi ông ta vào bây giờ nhé?"
"Không, cứ để ông ta chờ chút nữa," Armstrong nói. "Ai đang gọi đấy?"
"Phil Barker. Anh ấy gọi từ Leeds."
Armstrong gật đầu và đón lấy ống nghe để nói chuyện với Giám đốc điều hành mới của Tổ hợp West Riding.
"Họ có đồng ý với thời hạn của tôi không?"
"Họ trả 1,3 triệu bảng, thanh toán làm nhiều lần trong vòng sáu năm tới - chừng nào việc bán ra còn ổn định. Nhưng nếu số phát hành giảm xuống trong năm đầu tiên thì mọi khoản tiền trả kế tiếp cũng sẽ gĩảm theo."
"Họ không thấy sai sót trong hợp đồng chứ?"
"Không,” Barker nói. "Họ cho là ông muốn nâng số phát hành trong năm đầu".
"Tốt. Chỉ cần anh ấn định con số thanh toán thấp nhất có thể được, sau đó chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng lại chúng trong năm thứ hai. Bằng cách ấy tôi hy vọng sẽ gặp may. Còn tờ Hull Echo và tờ Grimsby Times thì sao?"
"Vẫn còn quá sớm để nói được điều gì, nhưng giờ đây mọi người đều biết ông là người mua, Dick, công việc của tôi không dễ dàng chút nào."
"Chúng ta sẽ phải yêu cầu nhiều hơn và giảm chi phí đi."
"Và ông có đề xuất gì để làm được việc ấy?" Barker hỏi.
"Bằng cách thêm một số điều khoản cam kết rằng chúng ta hoàn toàn không có ý định giữ lại. Đừng bao giờ quên rằng những công ty gia đình kiểu cũ ít khi đi kiện, và họ không muốn kết thúc ở tòa án. Vì vậy hãy luôn nắm giữ lợi thế về mặt luật pháp. Đừng phá vỡ luật lệ, chỉ bẻ cong đến mức đủ để nó không bị gãy. Cứ xem gió chiều nào thì che chiều ấy." Armstrong đặt ống nghe xuống.
"Derek Kirby vẫn đang đợi," Sally nhắc anh.
Armstrong nhìn đồng hồ. "Ông ta phải đợi bao lâu rồi?"
"Hai mươi, hai nhăm phút."
"Vậy cứ để ông ta đợi."
Sau hai mươi mốt năm, Sally biết chính xác lời mời nào Armstrong sẽ nhận, khoản từ thiện nào anh không muốn bỏ tiền, cuộc họp nào anh bằng lòng tham gia và anh muốn có mặt trong những buổi tiệc của ai. Một qui tắc là hãy nói có với bất kỳ thứ gì có lợi cho công việc của anh, và nói không với những thứ còn lại. Bốn mươi phút sau khi đã gấp cuốn sổ tốc ký lại, cô nhận ra rằng Derek Kirby đã đợi hơn một tiếng đồng hồ.
"Thôi được, cô có thể cho ông ta vào. Nhưng nếu nhận được bất kỳ cuộc gọi nào đáng chú ý thì hãy nối ngay vào chỗ tôi."
Khi Kirby bước vào phòng, Armstrong không đứng lên, mà chỉ đưa tay chỉ vào chiếc ghế đối diện.
Kirby có vẻ căng thẳng; Armstrong đã thấy việc để một người nào đó phải đợi lâu hầu như luôn khiến họ nổi cáu. Người khách của anh khoảng bốn mươi lăm tuổi, mặc dù những nếp nhăn trên trán và cái đầu hói khiến ông ta trông già hơn. Bộ quần áo thì khá lịch sự, nhưng không phải là mốt mới nhất, và mặc dù chiếc áo sơ mi rất sạch sẽ và được là ủi cẩn thận, cổ và tay áo đã bắt đầu sờn. Armstrong đoán rằng ông ta đã ngồi chơi xơi nước khá lâu kể từ khi rời khỏi tờ Express, và đã tiêu hết tiền trong tài khoản. Cho dù Kirby bán cái gì, anh đều có thể trả một nửa giá và thanh toán cho ông ta một phần tư.
"Chào ngài Armstrong," Kirby nói trước khi ngồi xuống.
"Tôi xin lỗi đã bắt ông phải đợi," Armstrong nói, "nhưng có một số việc khẩn cấp."
"Tôi hiểu," Kirby nói.
"Vậy, tôi có thể làm gì cho ông?"
"Không, đây là cái tôi có thể làm cho ngài." Kirby nói, Armstrong nghe như tiếng vọng từ một đường dây điện thoại tốt.
Armstrong gật đầu. "Tôi đang nghe."
"Tôi có một thông tin bí mật có thể cho phép ông với tay đến một tờ báo cấp toàn quốc."
"Đó không thể là tờ Express," Armstrong nói, nhìn qua cửa sổ, "bởi chừng nào Beaverbrook còn sống...”
"Không, tờ này còn lớn hơn."
Armstrong im lặng một lát rồi nói, "Ngài dùng cà phê chứ, thưa ngài Kirby?"
"Tôi thích một tách trà hơn," người cựu Tổng biên tập đáp. Armstrong nhấc một chiếc điện thoại trên bàn. "Sally, cho chúng tôi hai tách trà" - một tín hiệu báo rằng cuộc hẹn có thể kéo dài hơn dự kiến, và rằng anh không muốn bị quấy rầy.
"Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông đã là Tổng biên tập của tờ Express," Armstrong nói.
"Đúng, bảy trong tám năm qua."
"Tôi không hiểu tại sao họ sa thải ông."
Sally bước vào phòng mang theo chiếc khay. Cô đặt một tách trà trước mặt Kirby và tách kia trước mặt Armstrong.
"Người kế nhiệm ông là đồ trẻ nít, còn ông chưa bao giờ thực sự dành đủ thời gian để tự chứng tỏ mình."
Một nụ cười hiện lên trên mặt Kirby khi ông cho chút sữa vào tách trà, thêm vào đó hai viên đường và ngả lưng dựa vào ghế. Ông cảm thấy đây không phải là lúc chỉ cho Armstrong thấy rằng gần đây ông đã thuê lại người kế nhiệm ông để biên tập một trong những tờ báo của ông.
"Vậy nếu đó không phải là tờ Express, thì chúng ta đang đề cập đến tờ báo nào?"
"Trước khi nói thêm bất cứ điều gì, tôi cần làm rõ về vị trí của tôi," Kirby nói.
"Tôi không hiểu." Armstrong ngửng lên và nhìn ông chăm chú.
"Vâng, sau kinh nghiệm với tờ Express, tôi muốn chắc rằng cái ghế của tôi được đảm bảo,"
Armstrong không nói gì. Kirby mở cặp và lấy ra một văn bản "Luật sư của tôi đã soạn thảo cái này để bảo vệ..."
"Hãy cho tôi biết ông muốn gì, Derek, mọi người đều biết về những lời hứa danh dự của tôi."
"Văn bản này quy định rằng nếu ông nắm được quyền kiểm soát tờ báo được nói đến, tôi sẽ được nhận chức Tổng biên tập, hoặc được nhận một khoản hoa hồng là 100.000 bảng." Ông ta đưa cho Armstrong tờ thoả thuận.
Armstrong nhanh chóng đọc qua nó. Ngay khi nhận ra nó không đề cập đến bất kỳ khoản lương nào, mà chỉ nói đến chức Tổng biên tập, anh ký vào phía trên dòng chữ ghi tên anh ở cuối tờ giấy. Anh đã tống khứ một người ở Bradford bằng cách để anh ta giữ chức Tổng biên tập và sau đó trả cho anh ta một bảng một năm. Anh muốn khuyên Kirby rằng một luật sư rẻ tiền luôn mang lại những kết quả rẻ tiền, nhưng anh tự bằng lòng với việc đưa trả lại văn bản có chữ ký phía dưới cho nguời nhận đang háo hức.
"Cảm ơn." Kirby nói, đã tin tưởng hơn một chút.
"Vậy ông muốn nói là tờ báo nào?"
"Tờ Globe."
Đây là lần thứ hai trong buổi sáng Armstrong ngạc nhiên. Tờ Globe là một trong những thần tượng của phố Fleet. Không một ai cho rằng nó có thể được bán.
"Nhưng mọi cổ phần của nó đều do một gia đình nắm giữ," Armstrong nói.
"Đúng thế, hai anh em trai và một bà chị dâu. Walter, Alexander và Margaret Sherwood. Và vì Walter là chủ tịch, mọi người đều tưởng ông ấy kiểm soát công ty. Nhưng thực ra thì cổ phần được chia đều trong số họ."
"Tôi cũng biết như vậy," Armtrong nói. "Điều này đã được thông báo trong mọi tiểu sử của ngài Walter mà tôi đã đọc".
"Đúng. Nhưng điều không được thông báo là sự bất hòa gần đây giữa họ.”
Armstrong nhướng mày.
"Thứ ba tuần trước họ đã gặp nhau trong bữa tối tại căn hộ của Alexander ở Paris. Walter bay đến từ London, còn Margaret từ New York, có vẻ như để kỳ niệm sinh nhật lần thứ sáu hai của Alexander. Nhưng nó không trở thành một lễ kỷ niệm, vì Alexander và Margaret cho Walter biết rằng họ đã chán ngấy việc ông ta không quan tâm đúng mức đến những gì đang xảy ra ở tờ Globe, và đổ lỗi cho ông ta về chuyện giảm số phát hành. Từ khi ông ấy trở thành chủ bút, lượng phát hành đã giảm từ trên bốn triệu xuống chưa đầỵ hai triệu, thụt lùi so với tờ Daily Citizen hiện đang vỗ ngực là nhật báo có số phát hành lớn nhất toàn quốc. Họ kết tội ông ta dành quá nhiều thời gian cho Câu lạc bộ Đua ngựa và trường đua. Phát súng thực sự đã được châm ngòi, Alexander và Margaret đã nói rõ rằng mặc dù trước kia họ đã gạt bỏ nhiều lời đề nghị về những cổ phần của họ, điều ấy vẫn không có nghĩa là họ sẽ làm thế trong tương lai, vì họ không có ý định hy sinh cuộc sống của mình chỉ đơn giản vì sự bất tài của ông ta."
"Làm thế nào ông biết được những chuyện này?" Armstrong hỏi.
"Bà nấu bếp," Kirby trả lời.
"Bà nấu bếp?" Armstrong nhắc lại.
"Bà ấy tên là Lisa Milton. Bà ấy đã làm cho chủ khách sạn phố Fleet trước khi Alexander đề nghị về làm cho ông ta ở Paris". Ông ta ngừng lời. "Alexander không phải là người chủ dễ chịu nhất, và Lisa sẽ thôi việc để trở về London nếu..."
"...nếu bà ta có đủ khả năng làm như vậy?" Armstrong nói rõ hơn.
Kirby gật đầu. "Lisa có thể nghe được mọi điều họ nói khi bà ấy làm bữa tối trong bếp. Thực ra, bà ấy bảo tôi là sẽ không ngạc nhiên nếu nghe được toàn bộ cuộc trao đổi từ tầng trên hoặc tầng dưới."
Armstrong mỉm cười. "Ông làm tốt đấy, Derek. Ông còn biết thêm thông tin nào có thể có ích cho tôi không?"
Kirby cúi xuống và lấy từ cặp ra một tập tài liệu lớn. "Ông sẽ tìm được mọi chi tiết về ba người đó trong này. Tiểu sử, địa chỉ, số điện thoại, thậm chí cả tên cô nhân tình của Alexander. Nếu ông cần bất cứ điều gì, có thể gọi trực tiếp cho tôi." Ông ta đẩy tấm các qua bàn.
Armstrong đón tập tài liệu và đặt nó trước mặt, nhét tấm các vào ví. "Cảm ơn," anh nói. "Nếu bà nấu bếp cho biết thêm bất kỳ tin gì mới hoặc ông muốn cho tôi biết bất kỳ điều gì, tôi luôn sẵn sàng. Hãy dùng dường dây trực tiếp của tôi." Anh đưa các của mình cho Kirby.
"Tôi sẽ gọi ngay khi nghe được cái gì mới." Kirby nói và đứng lên.
Armtrong tiễn ông ta ra cửa, và khi họ vào phòng Sally anh quàng tay qua vai ông ta. Khi họ bắt tay, anh quay lại cô thư ký và nói, "Derek phải luôn luôn có thể nói chuyện được với tôi, dù là ngày hay dêm và dù tôi đang tiếp bất kỳ ai.”
Ngay khi Kirby đi khỏi, Sallỵ vào phòng Armstrong. Anh đang xem trang đầu tiên của tập hồ sơ về Sherwood "Ý ông muốn nói gì khi ông bảo Kirby luôn có thể được nói chuyện với ông dù là ngày hay đêm?".
"Trước mắt thì đúng như thế. Nhưng bây giờ tôi muốn cô thu xếp để tôi có thể tới Paris gặp Alexander Sherwood. Nếu chuyến đi ấy tỏ ra thành công, tôi cần tới New York để gặp bà chị dâu của ông ta."
Sallv bắt đầu lướt qua những trang giấy. "Lịch làm việc của ỏng dầy đặc những cuộc hẹn," cô nói.
"Như thể máu ở chỗ nha sĩ vậy,” Armstrong cáu kỉnh. "Hãy xem tôi hủy bỏ hết chúng khi tôi ăn trưa xong. Và trong khi cô đi ăn, hãy xem qua tập hồ sơ này. Sau đó có lẽ cô sẽ hiểu tại sao việc gặp Sherwood lại quan trọng đến thế - nhưng đừng để bất cứ ai nhúng mũi vào."
Anh xem đồng hồ và ra khỏi phòng. Khi ra đến hành lang, đôi mắt anh dừng lại ở cô đánh máy mới mà ban sáng anh đã để ý. Đúng lúc cô nhìn lên và mỉm cười. Trên đường đến Savoy, anh bắt Reg phải tìm hiểu mọi điều có thể về cô gái ấy.
Armstrong thấy khó tập trung vào bữa ăn - mặc dù người khách của anh là một Bộ trưởng - vì anh còn mải hình dung việc trở thành ông chủ của tờ Globe. Trong mọi trường hợp, anh đã nghe thấy rằng vị Bộ trưởng đặc biệt này sẽ bị cách chức ngay khi Thủ tướng tiến hành cải tổ nội các. Ông ta hoàn toàn chẳng lấy làm tiếc khi Thủ tướng nói rằng ông ta phải ra đi sớm, vì tối nay Bộ của ông ta sẽ phải trả lời chất vấn của Quốc hội. Armstrong gọi thanh toán.
Anh nhìn theo vị Bộ trưởng vụt qua trên chiếc xe riêng, và hy vọng người nghèo không dùng nó như thế. Khi vào ngồi trên chiếc ghế sau xe, những ý nghĩ của anh lại quay về với tờ Globe.
"Xin lỗi ông." Benson nói, liếc nhìn gương chiếu hậu.
"Cái gì?" Armstrong gắt.
"Ông muốn tôi tìm hiểu về cô gái".
"Ah, ừ", giọng Amstrong chùng xuống.
"Cô ấy là nhân viên hợp đồng, tên là Sharon Levitt, thay thế cho thư ký của ông Wakeham đang nghỉ phép. Cô ấy mới vào được khoảng một hai tuần."
Armstrong gật đầu. Khi anh ra khỏi thang máy và vào phòng, anh thất vọng khi thấy cô Sharon không còn ngồi ở chiếc bàn trong góc.
Sally theo anh vào phòng, tay nắm chặt cuốn lịch làm việc và một tập giấy. "Nếu ông hủy bỏ buổi phát biểu với SOGAT vào tối thứ bảy," cô mở đầu, "và bữa ăn trưa với vợ ông vào ngày Chủ nhật..." Armstrong thô bạo khoát tay.
"Đó là ngày sinh nhật bà ấy." Sally nhắc khẽ.
"Hãy gửi cho cô ấy bó hoa, tới Harrods chọn một món quà và nhắc tôi hôm đó gọi điện cho cô ấy."
"Và không nghỉ tất cả những ngày cuối tuần..."
"Thế Alexander Sherwood thì sao?"
"Tôi đã gọi cho thư ký của ông ta ngay trước bữa trưa. Và tôi ngạc nhiên thấy ông ấy đích thân gọi lại mấy phút sau đó".
"Và sao?" Armstrong hỏi.
"Thậm chí ông ấy chẳng hỏi tại sao ông muốn gặp ông ấy, mà chỉ hỏi liệu ông có muốn ăn trưa với ông ấy vào lúc một giờ ngày thứ bảy, tại căn hộ của ông ấy ở Monmartre hay không."
"Tốt lắm. Sally. Tôi cũng cần gặp bà nấu bếp trước khi gặp ông ta."
"Lisa Milton.” Sally nói. ”Bà ấy sẽ gặp ông tại khách sạn George V trong bữa sáng hôm ấy."
"Còn tất cả những gì cô cần làm tối nay là kết thúc các bức thư."
"Ông quên mất là tôi có cuộc hẹn với nha sĩ vào lúc 4 giờ. Tôi đã nhổ răng hai lần, và hàm răng của tôi bắt đầu..."
Armstrong định bảo cô nhổ lần thứ ba, nhưng anh sực nhớ. "Tất nhiên là cô không phải hủy bỏ cuộc hẹn, Sally. Hãy bảo cô thư ký của Wakeham làm thay cô".
Sally không giấu được ngạc nhiên, vì Dick chưa bao giờ cho phép bất cứ ai làm thay cô kể từ ngày đầu tiên cô làm cho anh.
"Tôi nghĩ anh ta đang dùng một nhân viên hợp đồng trong vài tuần tới.”
"Đúng thế. Đó chỉ là thói huyênh hoang thường lệ".
"Tôi sẽ đi và kiếm cô ta," Sally nói, khi điện thoại riêng trên bàn Armstrong bắt đầu đổ chuông. Đó là Stephen Hallet, xác nhận rằng anh đã cho đăng khiếu nại về lời phỉ báng chống lại Tổng biên tập tờ Daily Mail và cho rằng Dick nên khôn ngoan giảm số phát hành trong một vài ngày tới.
"Anh có tìm ra kẻ đầu tiên đã để lộ chuyện không?" Armstrong hỏi.
"Không, nhưng tôi ngờ rằng nó xuất phát từ Đức," Hallet nói.
"Nhưng mọi chuyện đã từ nhiều năm trước." Armstrong nói. "Trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng đã dự đám tang của Julius Hahn, vì vậy không thể là ông ta. Tôi vẫn đặt cuộc là Townsend.
"Tôi không biết kẻ ấy là ai, nhưng có một kẻ nào đó ở bên ngoài đang muốn làm mất thể diện ông. Song tôi nghi rằng trong một vài tuần tới chúng ta phải đăng một loạt những khiếu nại để dập chuyện này đi. Ít ra thì bằng cách này bọn họ sẽ phải tốn sức gấp đôi để nghĩ xem nên in cái gì trong tương lai."
"Hãy gửi cho tôi bản sao của tất cả những gì có dính dáng tới tôi," anh nói. "Nếu anh cần gặp tôi ngay, tôi sẽ ở Paris hết kỳ nghỉ cuối tuần."
"Chúc ông may mắn." Hallet nói. " Và hãy cho tôi gửi lời hỏi thăm Charlotte".
Sally bước vào phòng, theo sau là một cô gái tóc vàng, cao và mảnh dẻ trong chiếc váy ngắn mà chỉ những người có đôi chân thon thả mới dám mặc.
"Tôi vừa bắt tay tiến hành một vụ giao dịch hết sức quan trọng." Armstrong hạ giọng.
"Tôi hiểu," Stephen nói. "Xin đảm bảo là tôi sẽ luôn sẵn sàng."
Armstrong đặt ống nghe xuống và mỉm cười với cô nhân viên hợp đồng.
"Đây là cô Sharon. Tôi vừa bảo cô ấy đây sẽ chỉ là thời gian thử thách, và ông sẽ để cô ấy đi sau năm ngày," Sally nói. "Tôi sẽ trở lại với việc đầu tiên trong buổi sáng ngày mai”.
Cái nhìn của Armstrong dừng ở gót chân Sharon và từ từ lướt lên trên. Thậm chí anh chẳng thèm nhìn Sally khi cô nói. "Hẹn gặp ông ngày mai."
oOo
Townsend đã đọc xong bài báo trên tờ Daily Mail, anh quay ghế lại và nhìn chằm chằm qua tờ Sydney Harbour. Đó là bức chân dung không tô vẽ sự lớn mạnh của Lubji Hoch, và mong muốn của anh ta để được thừa nhận là ông vua báo chí ở Anh. Họ đã dùng nhiều lời trích dẫn từ những cộng sự của Armstrong ở King's Own Regimen, từ những người Đức đã tình cờ bắt gặp anh ta ở Berlin, và từ những nhân viên cũ.
Có một điểm nhỏ trong bài báo không được lấy ra từ bản tiểu sử sơ lược mà Kate đã viết cho tờ Sunday Continent vài tuần trước. Townsend biết rất ít người Úc quan tâm đến cuộc đời của Richard Armstrong. Nhưng bài báo sẽ được đặt trên bàn tất cả các Tổng biên tập ở phố Fleet trong vài ngày, và sau đó nó sẽ là chủ đề duy nhất trước khi nó được tái hiện một phần hoặc toàn bộ trong các cuộc đàm tiếu của giới xuất bản Anh. Anh chỉ không biết là tờ báo nào sẽ in lại nó đầu tiên.
Anh biết rằng chẳng chóng thì chầy Armstrong cũng khám phá ra nguồn gốc của bài báo, điều này thậm chí còn làm anh dễ chịu hơn. Ned Brewer, chủ tịch nhà xuất bản của anh ở London gần đây đã nói với anh rằng những câu chuyện về đời tư của Armstrong đã không còn xuất hiện khá thường xuyên như vậy từ khi đơn khiếu nại bắt đầu bay tới tấp tới bàn Tổng biên tập các báo.
Townsend đã chờ đợi với một nỗi tức giận ngày càng tăng khi Armstrong xây dựng WRG thành một cơ sở quyền lực mạnh ở miền Bắc nước Anh. Nhưng anh không nghi ngờ gì về nơi đặt tham vọng thực sự của anh ta. Townsend đã chiêu mộ hai người trong tổng hành dinh của Armstrong ở phố Fleet, và họ báo cáo cho anh biết về tất cả những người hẹn gặp anh ta. Vị khách mới nhất, Derek Kirby, cựu Tổng biên tập tờ Express, đã được Armstrong khoác vai tiễn ra cửa. Những cố vấn của Townsend cho rằng có lẽ Kirby xin được làm Tổng biên tập cho một trong những tờ báo của WRG. Townsend còn chưa chắc lắm về điều này, và chỉ thị rằng anh phải được biết ngay nếu phát hiện thấy Armstrong đang đặt giá mua bất kỳ thứ gì. Anh nhắc lại, "Bất kỳ thứ gì."
”WRG thực sự quan trọng như vậy đối với ông sao?” Kate đã hỏi anh.
"Không, nhưng kẻ đã đê tiện tới mức dùng mẹ tôi như một phương tiện mặc cả sẽ phải đón nhận hậu quả."
Thêm nữa Townsend đã tóm tắt những khoản lợi tức hàng năm của Armstrong từ Stoke-on-Trent đến Durham. Hiện anh ta đang kiểm soát mười chín tờ báo địa phương và vùng cùng 5 tờ tạp chí cấp tỉnh, và chắc chắn anh ta đã làm một cú táo bạo khi nắm được 25 phần trăm hãng Truyền hình Lancashire và 49 phần trăm đài phát thanh khu vực, trong cuộc trao đổi với những cổ phần đang được ưa chuộng ở công ty anh ta. Cuộc phiêu lưu gần đây nhất của anh ta là lễ khai trương tờ London Evening Post. Nhưng Townsend biết rằng, cũng như anh, cái mà Armstrong thèm muốn là trở thành chủ bút một tờ nhật báo toàn quốc.
Bốn năm qua Townsend đã mua thêm ba tờ nhật báo Úc, một tờ Chủ nhật và một tờ tuần báo. Hiện anh đã kiểm soát nhiều tờ báo ở tất cả các bang của Úc, và không có một chính trị gia hay một thương gia nào ở Úc lại không sẵn sàng vào bất cứ lúc nào Townsend nhấc máy. Trong những năm qua anh cũng đã đến Mỹ mười hai lần, chọn những thành phố có ngành nghề chính là gang thép, than và ô tô, vì gần như anh luôn thấy rằng những công ty nằm trong những ngành công nghiệp ốm yếu này cũng kiểm soát những tờ báo địa phương. Bất cứ lúc nào anh phát hiện ra một công ty như vậy gặp khó khăn về tài chính là anh tìm đến, và thường có thể nhanh chóng hoàn thành việc giao dịch mua tờ báo. Sau đó, trong hầu hết các trường hợp, anh đều thấy rằng tờ báo anh mới mua dư thừa nhân viên và được quản lý tồi, vì hiếm có người nào trong ban biên tập có kinh nghiệm làm việc trong một tờ báo ăn khách. Bằng cách sa thải một nửa số nhân viên và thay thế hầu hết số người làm quản lý bằng người của anh, anh có thể hoàn lại vốn trong một vài tháng.
Bằng cách này anh đã kiếm được chín tờ báo thành phố từ Seattle đến Bắc Carolina, và ngược lại nó đã cho phép anh mở một công ty đủ lớn để là một trong những công ty báo chí hàng đầu của Mỹ : một cơ hội đã nảy sinh.
Kate đã cộng tác với anh trong nhiều chuyến đi như vậy, và mặc dù anh không nghi ngờ việc anh muốn cưới nàng, anh vẫn không dám chắc, sau những gì đã trải qua với Susan, rằng anh có thể đề nghị một người nào đó chia xẻ cuộc đời rong ruổi khắp nơi với anh và không bao giờ biết mình sẽ dừng chân ở dâu.
Nếu có điều gì anh ghen tị với Armstrong, thì đó là anh ta đã có một đứa con trai để kế thừa đế chế của mình.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.