Chương trước
Chương sau
Báo
ADELAIDE GAZETTE
Ngày 13 tháng Ba, 1956
MENZIES VẪN TRỤ VỮNG
Townsend thấy nàng lần đầu trên chuyến bay về Sydney. Anh đang đọc tờ Gazette: bài báo đáng ra phải in vào trang ba, còn tít báo thì lại quá yếu. Tờ Gazette hiện có vị trí độc tôn ở Adelaide, nhưng ngày càng bán chậm. Lẽ ra sau khi sáp nhập, anh phải cho Frank Bailey thôi chức Tổng biên tập, nhưng có lẽ vì tống khứ được Hầu tước Collin đi, anh đã thấy mãn nguyện lắm rồi. Anh ngồi tư lự.
"Ông muốn dùng cà phê chứ, thưa ông Townsend?"
Anh ngước mắt nhìn cô gái mảnh dẻ cầm bình cà phê đang mỉm cười nhìn mình. Cô trạc hai mươi lăm, tóc vàng lượn sóng, đôi mắt xanh trong veo làm người khác cứ muốn soi mình vào đó.
"Vâng", anh trả lời, mặc dù không muốn uống thêm nữa. Cô cười, nụ cười của tiếp viên hàng không dù với người béo hay gầy, người giầu hay người nghèo cũng vậy mà thôi.
Townsend bỏ tờ báo qua bên, cố tập trung vào cuộc họp sắp tới. Gần đây anh mới mua một nhóm các xưởng nhỏ chuyên in các loại quảng cáo phát không ở những khu vực ngoại ô Sydney với giá nửa triệu bảng. Việc mua bán này chỉ để tạo cho anh một chỗ đứng ở cái thành phố lớn nhất nước Úc này.
Chính trong bữa tiệc tối hàng năm của Hiệp hội báo chí xuất bản tại khách sạn Cook, có một người khoảng hai bẩy, hai tám, cao khoảng năm feet, cằm vuông, tóc đỏ, vai rộng đi tới bàn anh và nói nhỏ vào tai anh: "Tôi sẽ gặp ông trong nhà vệ sinh". Townsend đang phân vân không biết nên đồng ý hay phớt lờ anh ta. Nhưng anh cũng lại thấy thực sự tò mò nên vài phút sau bèn đứng dậy, tới nơi hẹn. Người đàn ông tóc đỏ đang rửa tay ở góc phòng. Townsend bước tới đứng ở bồn bên cạnh và mở vòi nước.
"Ông ở khách sạn nào?", anh ta hỏi.
"Town House", Keith trả lời.
"Phòng bao nhiêu?"
"Tôi không biết".
"Tôi sẽ hỏi ra. Khoảng nửa đêm tôi sẽ tới phòng ông. Đó là nếu ông quan tâm tới việc mua tờ Sydney Chronicle". Anh ta khoá vòi nước, lau khô tay rồi đi.
Vào lúc gần sáng, Townsend được biết đó chính là Bruce Kelly, phó Tổng biên tập của tờ Chronicle. Anh ta không mất thời gian, nói ngay với Townsend rằng Hầu tước Somerset Kenwright đang muốn bán tờ báo vì thấy nó không hoà nhập được vào tổ hợp của ông.
"Cà phê của ông có sao không, thưa ông?” Nàng hỏi.
Townsend ngước nhìn cô gái, rồi nhìn xuống cốc cà phê. "À, không. Cám ơn cô", anh nói. "Tôi đang mải suy nghĩ công việc một chút". Nàng nhìn anh trước khi dọn cốc rồi xuống ngồi ở hàng ghế sau. Một lần nữa, anh cố tập trung suy nghĩ.
Lần đầu khi anh thảo luận việc này với mẹ, bà bảo rằng tham vọng suốt cả cuộc đời của cha anh là được sở hữu tờ Sydney Chronicle, còn bà thì thế nào cũng được. Đây là lần thứ ba trong mấy tuần liền anh tới Sydney làm việc lại với ban quản lý cao cấp nhất của Hầu tước Somerset, sau đó mới có thể xem xét các khoản cụ thể trong hợp đồng mua bán. Một người trong số bọn họ vẫn còn mắc nợ anh.
Mấy tháng qua, các luật sư của anh đã làm việc trực tiếp với các luật sư của Somerset, bây giờ cả hai bên đều cảm thấy cuối cùng họ cũng sắp đi tới thoả thuận. "Ông già cho rằng, giữa hai cái xấu thì anh là cái ít xấu hơn", Kelly nói trước với anh như vậy. "Vấn đề của ông ta là con trai thì chưa đủ tầm công việc, mà ông lại không muốn để tờ báo rơi vào tay Wally Hacker, người mà ông ta hình như không ưa và chắc chắn là không tin. Ông không biết rõ về anh, nhưng có những ấn tượng tốt về cha anh". Vì được Kelly cho biết thông tin vô giá đó, nên mỗi khi gặp ngài Somerset, Townsend đều nhắc đến cha mình.
Khi máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Kingsford-Smith, Townsend tháo dây an toàn, cầm cặp, đi ra cửa trước. "Chúc ông một ngày tốt lành, thưa ông Townsend", nàng chào. "Tôi hy vọng sẽ gặp lại ông trên chuyến bay của Hãng hàng không Austair".
"Nhất định rồi", anh hứa. "Đúng ra là ngay tối nay”. Chỉ vì dòng người xếp hàng sốt ruột muốn ra, nên anh mới không hỏi nàng sẽ có mặt trên chuyến bay đó không.
Khi tắc xi chở anh dừng bánh ở phố Pitt, Townsend xem đồng hồ, thấy vẫn còn thời gian. Anh trả tiền, băng qua dòng xe cộ sang bên kia đường. Từ chỗ đó, anh quay nhìn lên ngôi nhà, trên đó có trụ sở của tờ báo lớn nhất nước Úc. Anh chỉ ước ao giá cha anh còn sống để chứng kiến ngày anh ký hợp đồng mua tờ báo này.
Anh lại lộn về, bước vào ngôi nhà và đi đi lại lại gần quầy lễ tân cho đến khi một bà trạc trung niên, ăn mặc lịch sự từ thang máy bước ra, đi đến chỗ anh, nói: "Hầu tước Somerset đang chờ, thưa ông Townsend".
Khi bước vào văn phòng rộng thênh thang trông ra cảng, Townsend được một người mà anh hết sức kính nể từ thủa còn nhỏ bước tới, nồng nhiệt bắt tay anh. "Keith! Rất mừng được gặp anh. Tôi nghĩ anh học cùng trường phổ thông với giám đốc điều hành của tôi, Duncan Alexander". Hai người bắt tay, nhưng không nói gì. "Nhưng tôi không tin là anh đã gặp Nick Watson, Tổng biên tập của tờ Chronicle".
"Vâng, tôi chưa có được hân hạnh đó", Townsend nói, bắt tay Watson. "Nhưng tất nhiên tôi đã nghe tiếng anh".
Somerset vẫy tay ra hiệu cho mọi người ngồi quanh chiếc bàn rất rộng, còn ông ngồi ở vị trí đầu bàn. "Anh biết đấy, Keith", ông già bắt đầu nói. "Tôi rất tự hào về tờ báo này. Ngay cả Beaverbrook cũng cố mua nó của tôi".
"Hoàn toàn có thể hiểu được", Townsend nói.
"Trong toà nhà này, chúng tôi đã xây dựng một nghề báo tiêu chuẩn mà tôi vẫn nghĩ, ngay cả cha anh cũng sẽ lấy làm tự hào".
"Cha tôi thường nói đến tờ báo của ngài với lòng kính phục nhất. Thực tế, trong trường hợp báo Chronicle, thì tôi nghĩ phải dùng chữ ghen tị mới đúng".
Hầu tước Somerset mỉm cười. "Anh thật tử tế, anh bạn trẻ”, ông dừng lại. "Nào! Xem ra trong mấy tuần vừa qua, hai bên đã có thể thoả thuận được mọi chi tiết. Vì vậy, chừng nào anh có thể trả bằng giá của Wally Hacker là 1,9 triệu bảng, và điều này nữa rất quan trọng đối với tôi, anh đồng ý giữ lại Nick làm Tổng biên tập và Duncan làm Giám đốc điều hành thì chúng ta có thể ký hợp đồng".
"Tôi có ngốc thì mới không dựa vào kiến thức rộng lớn và kinh nghiệm chuyên môn cao của họ", Townsend nói. "Họ là hai người chuyên nghiệp rất được kính trọng, và tất nhiên tôi sẽ vui mừng được cùng làm việc với họ. Tuy nhiên tôi cảm thấv cần nói cho ngài biết chủ trương của tôi là không can thiệp vào guồng máy bên trong của các báo, nhất là đối với nội dung thuộc quyền Tổng biên tập. Cái đó không phải phong thức của tôi".
"Tôi có thể thấy anh đã học được nhiều điều từ cha mình", Somerset nói. "Giống như cha anh, và cũng giống như anh, tôi không dính vào những việc hàng ngày của tờ báo. Làm thế chỉ có thất bại".
Townsend gật đầu tán thành.
"Đến lúc này, tôi nghĩ không còn gì để phải thảo luận nhiều nữa, vì vậy tôi đề nghị chúng ta sang phòng bên cùng ăn trưa". Ông già quàng tay lên vai Townsend. "Tôi ước gì cha anh cũng có mặt ở đây hôm nay".
Trên đoạn đường ra sân bay, nụ cười luôn nở trên môi Townsend. Nếu nàng có mặt trên chuyến bay, thì đúng là được đơn được kép. Nụ cười càng tươi hơn khi anh thắt dây an toàn, bắt đầu ôn lại những điều anh định nói với nàng.
"Tôi hy vọng ông có một chuyến đi đáng giá tới Sydney, thưa ông Townsend", nàng nói trong khi đưa anh tờ báo buổi tối.
"Không gì đáng giá hơn", anh đáp. "Cô có thể dự bữa tối với tôi để cùng chúc mừng thắng lợi được chứ?"
"Ngài thật tốt bụng", nàng nói, nhấn mạnh vào chữ "ngài", "nhưng tôi e rằng điều đó phạm vào quy định của hãng".
"Nếu hỏi tên cô thì có trái với quy định của hãng không?".
"Không, thưa ngài", nàng nói. "Tôi là Susan". Nàng mỉm cười, đi xuống hàng ghế sau.
Việc đầu tiên khi anh về đến nhà là làm cho mình một chiếc bánh mỳ kẹp cá thu. Mới vừa kịp cắn một miếng thì điện thoại bỗng đổ chuông. Người gọi là Clive Jervis, đối tác cao cấp của hãng luật Jervis, Smith & Thomas. Clive vẫn còn lo lắng về một vài chi tiết nhỏ của hợp đồng như thoả thuận về đền bù và mua bán cổ phiếu.
Townsend vừa đặt máy xuống thì chuông lại reo. Lần này anh nói chuyện rất lâu với Trevor Meacham phụ trách tài chính. Anh này vẫn cho rằng 1,9 triệu bảng là cái giá quá cao.
"Tôi không có nhiều lựa chọn", Townsend bảo anh ta. "Wally Hacker đã trả cái giá đó".
"Hacker có thói trả giá cao", anh ta trả lời. "Tôi nghĩ chúng ta nên trả theo thời đoạn, dựa trên chỉ số phát hành của năm nay, chứ không tính chung cho mười năm vừa qua".
"Tại sao?" Townsend hỏi.
"Vì mỗi năm tờ báo mất khoảng từ 2 tới 3% độc giả. Mọi cái đều phải dựa vào những số liệu mới nhất".
"Tôi đồng ý với anh về điểm đó, nhưng không muốn nó là lý do khiến tôi mất hợp đồng này”.
"Tôi cũng thế ", anh ta trả lời. "Nhưng tôi cũng không chỉ muốn anh bị phá sản bởi mua bằng cái giá quá cao vì những lý do tình cảm. Mỗi hợp đồng đều phải xem xét trên những điều khoản riêng của nó, chứ không phải ký chỉ để chứng tỏ rằng anh cũng tốt bụng như cha anh".
Cả hai cùng chợt im lặng.
"Anh khỏi phải lo về chuyện đó", cuối cùng Townsend nói. "Tôi đã có kế hoạch tăng gấp đôi chỉ số phát hành của tờ Chronicle. Trong thời gian một năm, cái giá 1,9 triệu bảng sẽ trở nên thấp. Hơn nữa, nếu còn sống chắc cha tôi cũng ủng hộ tôi trong chuyện này". Anh dập máy trước khi Trevor kịp nói gì thêm.
Cuối cùng là Bruce Kelly gọi lúc gần 11 giờ khi Townsend đã thay đồ ngủ, miếng bánh còn thừa đã khô cứng.
"Hầu tước Somerset vẫn còn lo lắng", anh ta báo.
"Tại sao?" Townsend hỏi. "Tôi nghĩ buổi họp hôm nay kết quả quá tốt".
"Cuộc họp thì không có vấn đề gì. Sau khi anh về, ông ta có một cú điện thoại của Hầu tước Collin Grant dài gần một tiếng. Còn Duncan Alexander thì không hoàn toàn là bạn bè thân thiết của anh đâu".
Townsend đập mạnh tay xuống bàn. "Thằng cha chết tiệt", anh chửi thề. "Xin anh nghe đây, Bruce. Tôi sẽ nói anh cần làm gì. Khi nào có người nhắc đến cái tên Collin, hãy nhắc Hầu tước Somerset rằng ngay khi ông ta trở thành chủ tịch tờ Messenger, tờ báo này bắt đầu mất khách. Còn về Alexander thì anh cứ để tôi lo".
oOo
Townsend thất vọng khi phát hiện trên chuyến bay tới Sydney không thấy có Susan. Khi một tiếp viên mang cà phê tới, anh hỏi có phải nàng đang phục vụ trên một chuyến bay khác không.
"Không, thưa ngài", anh ta trả lời. "Susan đã thôi việc từ cuối tháng trước".
"Anh biết cô ấy hiện làm ở đâu không?"
"Tôi không được rõ, thưa ngài", anh ta đáp rồi rót cà phê cho hành khách bên cạnh.
Suốt sáng hôm đó, Townsend được Duncan Alexander dẫn đi thăm các văn phòng của toà báo. Anh ta chỉ nói chuyện công việc, chứ không hề tỏ ra thân thiện. Townsend đợi đến lúc chỉ còn hai người trong thang máy mới nói với anh ta: "Nhiều năm trước, anh đã từng nói với tôi: dòng họ Alexander chúng tớ được cái nhớ lâu. Nếu cần mình thì cứ gọi, đừng ngại".
"Đúng, tôi có nói thế", Duncan thừa nhận.
"Thế thì ổn rồi, vì đã đến lúc tôi đòi nợ anh".
"Anh muốn gì ở tôi?"
"Tôi muốn Hầu tước Somerset được biết, tôi là một người tử tế như thế nào".
Thang máy dừng, cửa mở ra.
"Nếu tôi làm việc đó, anh có đảm bảo tôi vẫn giữ được việc làm không?"
"Tôi hứa với anh điều đó", Townsend nói, rồi bước ra ngoài hành lang.
Sau khi ăn trưa, Hầu tước Somerset, với vẻ căng thẳng hơn lần gặp đầu, đưa Townsend đi thăm bộ phận biên tập và giới thiệu anh với các phóng viên. Tất cả mọi người đều mừng khi thấy ông chủ mới chỉ gật đầu, mỉm cười nhìn họ, tỏ ra dễ thương với cả những nhân viên thấp nhất. Bất kể ai gặp Townsend hôm đó đều ngạc nhiên một cách dễ chịu, nhất là sau khi họ được các phóng viên từng làm cho tờ Gazette kể về anh. Ngay cả Hầu tước Somerset cũng bắt đầu băn khoăn tự hỏi không biết Hầu tước Collin có nói quá tính tình trước đây của Townsend không.
"Đừng quên rằng tờ Messenger phải bán sau khi hầu tước Collin trở thành chủ tịch", Bruce Kelly thì thầm vào tai vài người, kể cả những người trong ban biên tập của mình, ngay khi Townsend vừa về.
Nhân viên của tờ Chronicle chắc sẽ chẳng phải bán tín bán nghi nếu họ được đọc những nhận xét anh ghi lại trên chuyến bay về Adelaide. Anh thấy rõ rằng, nếu muốn tăng lợi nhuận của báo lên gấp đôi, cần phải tiến hành đại phẫu, cắt giảm từ trên xuống dưới.
Townsend thỉnh thoảng lại ngó ngược nhìn xuôi, nghĩ tới Susan. Khi một tiếp viên khác mang báo tới, anh hỏi có biết Susan hiện làm ở đâu không.
"Ngài muốn nói Susan Glover phải không?" Cô ta hỏi.
"Tóc vàng lượn sóng, trạc ngoài hai mươi", Townsend nói.
"Thế thì đúng rồi. Cô ta thôi làm ở hãng hàng không khi được nhận vào cửa hàng Moore's. Cô ta nói là không thể chịu được việc giờ giấc thất thường, chưa nói luôn bị đối xử như người bán vé xe buýt. Tôi biết rất rõ cảm giác đó".
Townsend mỉm cười. Moore's là cửa hàng ở Adelaide mà mẹ anh hay tới mua đồ. Anh tin sẽ không mất nhiều thời gian để tìm ra Susan đứng ở quầy nào.
Sáng hôm sau, sau khi đã cùng Bunty xem hết các văn thư, ngay khi bà vừa khép cửa, anh gọi ngay cho cửa hàng Moore's.
"Tôi xin nói chuyện với cô Glover".
"Quầy nào?"
"Tôi không biết", Townsend trả lời.
"Có việc khẩn cấp à?"
"Không, việc riêng".
"Ông là người nhà?"
"Không", anh lúng túng trả lời.
"Vậy thì xin lỗi, tôi không thể giúp ông được. Công ty quy định nhân viên không được nói chuyện riêng trên điện thoại trong giờ làm việc". Và đường dây bị cắt.
Townsend gác máy, đi ra phòng Bunty. "Tôi ra ngoài độ một tiếng, để mua đồ tặng sinh nhật mẹ tôi".
Bà Bunty ngạc nhiên vì biết bốn tháng nữa mới tới ngày sinh nhật của Hầu tước phu nhân. Nhưng ít ra thì con cũng hơn cha, bà nghĩ. Bà bao giờ cũng phải nhắc Hầu tước Graham trước đó một ngày.
Ra khỏi toà nhà, thấy trời nắng ấm, Townsend bảo lái xe là anh muốn đi bộ tới cửa hàng Moore’s, đồng thời để kiểm tra các quầy báo trên đường. Anh không hài lòng khi qua quầy đầu tiên ở góc phố King Williams, lúc đó mới 10 giờ 10 phút mà đã không còn báo Gazette bầy trên giá. Anh ghi lại nhận xét này.
Khi tới gần cửa hàng đồ sộ ở phố Rundle, anh tự hỏi không biết bao lâu mới tìm được Susan. Anh đẩy chiếc cửa quay, đi khắp các quầy bán đồ trang sức, găng tay, nước hoa ở tầng một, rồi theo thang máy lên tầng hai, lại đi hết qua các quầy bán đồ gia dụng, giường tủ, đồ dùng nhà bếp. Vẫn không thấy nàng đâu. Tầng ba hoá ra bán quần áo đàn ông, làm anh nhớ mình cần bộ comlê mới. Nếu nàng bán hàng ở đó, chắc anh đã dặt mua ngay.
Khi theo thang máy lên tầng bốn, anh thấy một người đàn ông ăn mặc rất diện đứng trên anh một bậc cầu thang trông có vẻ quen quen. Khi anh ta quay lại, nhìn thấy Townsend liền nói: "Anh khoẻ không?"
"Tôi khoẻ", Townsend đáp, cố nhớ xem là ai.
"Ed Scott", anh ta nói, làm anh đỡ phải vắt óc. "Tôi học sau anh mấy lớp ở trường Thánh Andrew và vẫn còn nhớ những bài bình luận của anh trên tờ báo của trường”.
"Anh làm tôi cảm động quá. Hiện anh làm gì?".
"Tôi là trợ lý Giám đốc cửa hàng".
"Khá quá", Townsend nói, mắt nhìn quanh gian hàng rộng mênh mông.
"Có gì đâu", Ed nói. "Bố tôi là giám đốc. Nhưng thôi, cái đó thì tôi chẳng cần phải giải thích cho anh".
Townsend cau mày.
"Anh tìm mua thứ gì đặc biệt không?" Ed hỏi khi hai người ra khỏi thang máy.
"Có đấy. Quà tặng mẹ tôi. Bà đã chọn sẵn rồi, tôi chỉ việc tới lấy. Tôi không nhớ ở tầng nào, nhưng nhớ người bán hàng cho bà".
"Cho tôi biết tên, tôi sẽ tìm ra quầy".
"Susan Glover", Townsend nói, cố không đỏ mặt.
Ed đứng qua bên, bấm một số trên máy điện thoại nội bộ và nhắc lại tên. Một lát sau, vẻ mặt anh ta thoáng ngạc nhiên. "Cô ta ở quầy đồ chơi trẻ em", anh ta nói. "Anh có chắc là nhớ đúng tên không?"
"Chắc. Xếp hình".
"Xếp hình ?"
"À, mẹ tôi rất thích trò chơi đó. Nhưng không ai trong gia đình được phép chọn cho bà, bởi vì chúng tôi mua toàn những cái bà đã có".
"À, ra thế", Ed nói. "Thế thì anh phải theo thang máy xuống tầng hầm. Anh sẽ thấy quầy đồ chơi ở phía bên phải". Townsend cám ơn anh ta, rồi đi xuống "Thế giới đồ chơi". Anh nhìn quanh quầy nhưng không thấy Susan, nên nghĩ có thể nàng nghỉ. Anh tha thẩn đi quanh quầy hàng, quyết định thôi không hỏi một bà mặt lừ lừ với chiếc thẻ đề "Tổ trưởng" trên bộ ngực vĩ đại xem Susan Glover có đi làm không.
Anh nghĩ chắc hôm sau phải quay lại và sắp sửa về thì cánh cửa phía sau một quầy hàng chợt mở, Susan bước ra, tay mang một bộ đồ chơi Meccano rất to và mang đến chỗ một khách hàng đang đứng chờ bên quầy.
Townsend đứng im không nhúc nhích. Trông nàng còn đẹp hơn lần đầu anh gặp.
"Ngài cần mua gì?".
Townsend giật mình quay lại, mặt đối mặt với bà nọ.
"Không, cám ơn", anh nói giọng hơi run. "Tôi muốn tìm mua quà tặng cho.... cháu tôi". Bà ta nhìn anh trừng trừng, thế là Townsend vội tìm một chỗ sao cho khuất tầm mắt bà ta, nhưng vẫn nhìn thấy Susan.
Bà khách xem rất lâu. Susan phải mở hộp để chứng minh những thứ bên trong đúng như in ngoài bao bì. Cô nhặt vài miếng màu đỏ, màu vàng, cố ghép chúng với nhau, nhưng mấy phút sau bà khách đã đi ra tay không.
Townsend đợi cho bà nhiễu sự nọ phục vụ một khách hàng khác mới lò dò lại chỗ quầy hàng. Susan ngẩng lên, mỉm cười, lần này là nụ cười nhận ra anh.
"Tôi giúp gì được ông, thưa ông Townsend?" Nàng hỏi.
"Cô đi ăn tối với tôi được không?" Anh hỏi lại. "Hay lại vẫn trái với quy định của công ty?".
Cô mỉm cười nói: "Đúng thế, thưa ông Townsend, nhưng...".
Bà tổ trưởng xuất hiện ngay cạnh Susan, vẻ đầy ngờ vực.
"Phải trên một ngàn miếng", Townsend nói. "Mẹ tôi cần loại ít nhất một tuần mới xếp xong".
"Vâng, thưa ngài", Susan nói rồi dẫn anh tới một ngăn để nhiều bộ đồ xếp hình khác nhau.
Anh nhấc lên xem nhưng không nhìn nàng. "Tám giờ tối nay ở nhà hàng Pilligrini, được không?" Anh thì thầm đúng khi bà nọ đang tới gần.
"Tuvệt vời. Tôi luôn muốn đến dó, mà chưa bao giờ được đến", nàng nói, đỡ lấy bộ có hình cảng Sydney anh đang cầm trên tay. Nàng trở lại quầy, tính tiền vào máy, rồi cho nó vào một cái túi của cửa hàng Moore’s. "Của ngài hết hai bảng, mười silinh".
Townsend trả tiền, định khẳng định lại giờ hẹn, nhưng bà tổ trưởng đứng ngay cạnh Susan bỗng chen vào. "Tôi hy vọng cháu anh sẽ thích bộ xếp hình này".
Hai cặp mắt cùng nhìn theo anh ra khỏi cửa hàng.
Lúc anh trở lại văn phòng, Bunty hơi ngạc nhiên khi thấy thứ hàng trong túi. Hơn ba mươi năm làm việc cho Hầu tước Graham, bà không thể nhớ là có lần nào ông tặng vợ bộ đồ chơi xếp hình.
Townsend phớt lờ vẻ thắc mắc của bà. "Bunty, tôi muốn gặp Giám đốc phát hành ngay. Quầy ở góc phố King Williams mới 10 giờ sáng đã hết báo". Khi bà định ra, anh nói thêm: "A, bà đặt cho tôi một bàn hai nguời tối nay ở nhà hàng Pilligrini nhé".
oOo
Khi Susan bước vào, vài người đàn ông quay mặt nhìn nàng đang đi về phía chiếc bàn trong góc phòng. Nàng mặc bộ đồ màu hồng, càng làm nổi thân hình mảnh dẻ, và tuy váy dài quá gối một chút, nhưng khi nàng đến bên bàn, mắt Townsend vẫn đang còn nhìn xuống. Khi nàng ngồi xuống ghế đối diện, vài thực khách nhìn anh với vẻ ghen tỵ. Một người cố ý nói to đủ cho anh nghe thấy: "Thằng cha đó có đủ mọi thứ mà hắn muốn".
Cả hai cùng cười. Townsend rót sâm banh cho nàng. Anh nhanh chóng nhận thấy nàng rất dễ gần. Họ bắt đầu kể cho nhau nghe những việc đã làm trong hai mươi năm qua, cứ như hai người bạn cũ gặp lại. Townsend giải thích tại sao gần đây anh phải tới Sydney nhiều như thế, còn Susan nói tại sao nàng không thích làm tại quầy dồ chơi ở cửa hàng Moore's.
"Bà ta lúc nào cũng kinh thế à?" Townsend hỏi.
"Anh gặp lúc bà ta đang vui đấy. Sau khi anh đi, suốt buổi bà ta cứ châm chọc có phải anh đến mua hàng vì mẹ anh, cháu anh hay vì ai khác. Khi tôi ăn trưa về chậm có vài phút, bà ta bảo: Cô Glover! cô về chậm một trăm hai mươi giây. Một trăm hai mươi giây thời gian của công tỵ! Nếu còn tái diễn, chúng tôi sẽ tính trừ vào lương tháng của cô”. Nàng bắt chước giọng bà ta giống đến mức Townsend cười phá lên.
"Bà ta làm sao thế?"
"Có lẽ bà ta muốn làm tiếp viên hàng không".
"Tôi nghĩ rõ ràng bà ta còn thiếu một hai tiêu chuẩn gì đó", Townsend bảo.
"Hôm nay anh làm những gì nào? Vẫn tiếp tục tìm các cô tiếp viên hãng hàng không Austair chứ?"
"Không", anh cười. "Tuần trước cơ, nhưng đã thất bại. Còn hôm nay tôi phải cố nghĩ xem mình có đủ 1,9 triệu bảng để mua tờ Sydney Chronicle không".
"Một triệu chín?" Nàng hỏi với vẻ không tin. "Vậy thì tôi nhận phần ít nhất là trả tiền ăn tối nay. Lần cuối tôi mua tờ Sydney Chronicle giá có sáu xu".
"Đúng đấy. Nhưng tôi muốn mua toàn bộ tòa báo đó cơ", Townsend nói.
Mặc dù cốc tách đã được dọn đi, họ vẫn còn tiếp tục nói chuyện cho đến khi nhân viên nhà hàng đã về hết. Hai người bồi bàn mệt mỏi dựa lưng vào cột, thỉnh thoảng lại nhìn họ với vẻ hy vọng. Khi thấy một người đang ngáp. Townsend gọi thanh toán, để lại khoản tiền boa rất hậu. Lúc ra bên ngoài, anh cầm tay Susan hỏi: "Cô sống ở đâu?"
"Vùng ngoại ô phía bắc, nhưng tôi e rằng đã lỡ chuyến xe buýt cuối cùng. Tôi sẽ về bằng tắc xi".
"Trời đêm tuyệt vời. Tại sao ta không di bộ nhỉ?"
"Tôi cũng thích thế", nàng mỉm cuời nói.
Một tiếng sau đó, họ vẫn còn đang nói chuyện khi về tới cửa trước nhà nàng. Susan quay nhìn anh nói: "Cám ơn anh về một buổi tối thật đáng yêu, Keith. Anh đã mang đến cho cụm từ thả bộ về nhà một ý nghĩa mới."
"Vậy thì chúng ta làm lại nữa", anh nói.
"Tôi cũng thích thế"
"Khi nào tiện cho cô?"
"Tôi có thể nói là tối mai, nhưng còn tuỳ thuộc tôi có phải đi bộ về nhà hay không. Nếu phải đi bộ, tôi có thể gợi ý một quán ăn ở đây, hoặc ít nhất cũng chọn đôi giầy thích hợp hơn.”
"Không đâu", Townsend bảo. "Tôi hứa ngày mai sẽ đánh xe đưa cô về tận nhà. Nhưng buổi sáng tôi phải tới Sydney ký hợp đồng, nên có lẽ phải sau tám giờ mới về tới nhà".
"Không sao. Tôi càng có nhiều thời gian về nhà thay đồ".
"Khách sạn L'Etoile được chứ?"
"Chỉ khi anh có gì đó để ăn mừng".
"Sẽ có cái đáng ăn mừng, tôi hứa với cô điều đó".
"Vậy chín giờ sẽ gặp anh tại L’Etoile". Nàng vươn người hôn anh lên má. "Anh biết không, Keith. Vào giờ này, ở đây anh không kiếm đâu ra tắc xi", nàng nói, nhìn anh lo lắng. "Tôi e rằng anh sẽ phải đi bộ ngược lại một đoạn khá dài".
"Cũng đáng thôi", Townsend nói trong khi Susan vào nhà.
Một chiếc xe từ từ đỗ lại cạnh anh. Ngưòi lái xe nhảy xuống, mở cửa cho anh.
"Đi đâu, xếp?"
"Về thôi, Sam", anh bảo tài xế. "Nhưng hãy đi theo lối nhà ga, để tôi lấy số báo buổi sớm".
Sáng hôm sau. Townsend đáp chuyến bay đầu tiên về Sydney. Clive Jervis, luật sư và Trevor Meacham, phụ trách tài chính của anh ngồi hai ghế bên cạnh.
"Tôi vẫn chưa đồng ý lắm về điều khoản huỷ bỏ hợp đồng", Clive bảo.
"Còn thời hạn trả chắc cũng cần phải rà lại", Trevor nói thêm.
"Rà lại tất cả thì mất bao nhiêu thời gian?" Townsend hỏi. "Tối nay tôi có hẹn ăn tối ở Adelaide, nên chiều buộc phải đáp máy bay về". Câu nói của anh làm họ nhìn nhau.
Nỗi lo lắng của họ xem ra là đúng. Luật sư cả hai công ty dành suốt buổi sáng xem lại văn bản hợp đồng, còn người phụ trách tài chính mất nhiều thời gian hơn để xem xét các số liệu. Không ai ngừng việc để ăn trưa, và lúc ba giờ chiều, cứ vài phút Townsend lại nhìn đồng hồ một lần. Dù anh có đi lại mãi trong phòng, trả lời nhát gừng những câu hỏi dài dòng, văn bản cuối cùng mãi đến sau năm giờ mới hoàn tất để ký.
Townsend thở phào khi thấy các luật sư rời bàn làm việc đứng dậy cho dãn gân cốt. Anh lại nhìn đồng hồ, tin rằng vẫn đủ thời gian về Adelaide kịp giờ hẹn. Anh cám ơn các cố vấn vì những cố gắng của họ, bắt tay các cố vấn phía bên kia khi Hầu tước Somerset vào phòng theo sau là tổng biên tập và giám đốc điều hành.
"Tôi được biết cuốỉ cùng văn bản đã hoàn tất", ông già cười rất tươi nói.
"Tôi nghĩ thế", Townsend đáp, cố không tỏ ra muốn chuồn càng sớm càng tốt. Nếu gọi về cửa hàng Moore’s, anh biết họ cũng không cho anh nói chuyện với nàng.
"Nào, chúng ta hãy uống mừng trước khi ký văn bản cuốỉ cùng", Hầu tước Somerset nói.
Sau tuần whisky thứ ba, Townsend gợi ý có lẽ đã đến lúc ký. Nick Watson đồng ý, nhắc Somerset rằng ông vẫn còn một văn bản phải đưa ra. "Ô, đúng rồi", ông già nói, lấy trong túi ra một chiếc bút mực. "Vì vẫn còn được sở hữu tờ báo trong sáu tuần, nên tôi không thể xem nhẹ tiêu chuẩn được. Keith này. Tôi hy vọng anh ở lại dùng bữa tối với tôi?"
"Tôi e tối nay thì không được. Tôi đã có hẹn ở Adelaide".
Hầu tước Somerset quay ngoắt lại nhìn anh. "Chắc phải là một cô gái rất xinh, nếu không tôi thề sẽ không bao giờ ký hợp đồng nào nữa", ông nói.
"Tôi đảm bảo với ngài cô ta rất xinh", Townsend cười nói. "Và đây mới là lần gặp thứ hai".
"Vậy thì tôi không giữ anh làm gì". Hầu tước Somerset nói, đi tới chỗ bàn để hai bản sao hợp đồng. Ông dừng lại một lát, nhìn bản hợp đồng với vẻ lưỡng lự. Cả hai bên đều lo lắng, một luật sư của ông bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột.
Ông già quay sang nháy mắt với Townsend. "Tôi phải nói chính Duncan là người cuối cùng đã thuyết phục tôi bán cho anh, chứ không phải cho Hacker". Ông cúi xuống ký vào cả hai bản, rồi đưa bút cho Townsend. Anh ký loằng ngoằng bên cạnh chữ ký của Somerset.
Hai người bắt tay nhau với vẻ long trọng. "Cần phải uống mừng lần nữa", ông già nói, nháy mắt với Townsend. "Nhanh lên đi, Keith. Để xem trong lúc anh không có đây, chúng tôi xơi mất bao nhiêu lợi nhuận nào. Anh bạn trẻ này. Phải nói tôi rất mừng vì đã chuyển tờ Chronicle vào tay con trai Hầu tước Graham Townsend".
Khi anh chuẩn bị đi, Nick Watson tiến đến quàng tay ôm vai anh. "Với tư cách là Tổng biên tập của tờ báo, tôi phải nói rất mong được cùng làm việc với anh. Tôi hy vọng không lâu nữa sẽ thấy anh trở lại Sydney".
"Tôi cũng mong được làm việc với anh", Townsend nói. "Tôi tin chúng ta còn gặp nhau nhiều". Anh quay sang Duncan Alexander. "Cám ơn anh. Vậy là hoà", anh bảo. Duncan chìa tay, nhưng Townsend đã chạy vụt ra cửa. Người lái tắc xi nhất định không chịu chạy quá tốc độ quy định mặc dù anh nài nỉ, hứa thưởng thêm và cuối cùng là quát tháo. Khi xe chạy đến nơi, anh còn kịp nhìn thấy chiếc DC4 đang cất cánh, rõ ràng là đã để lại hành khách cuối cùng của nó ngồi trong tắc xi dưới sân bay.
"Ít ra nó cũng cất cánh đúng giờ", người lái tắc xi nhún vai nói. Câu đó lại không đúng cho chuyến bay sau, dự định một tiếng sau đó, nhưng cuối cùng lại chậm bốn mươi phút.
Townsend nhìn đồng hồ, từ từ đi lại chỗ điện thoại, tìm số của Susan trong danh bạ Aclelaide. Người trực tổng đài báo là số máy anh gọi đang bận. Mấy phút sau anh gọi lại thì lại không có ai trả lời. Có thể cô đang tắm, anh cố tưởng tượng trong khi loa phóng thanh báo: "Đây là thông báo lần cuối cho hành khách đi chuyến máy bay cuối cùng về Adelaide".
Anh yêu cầu tổng đài thử lại một lần nữa, nhưng máy lại bận. Anh chửi thề, gác máy, chạy vội ra, vừa kịp trước khi cửa máy bay khép lại. Suốt chuyến bay. anh cứ đấm vào chỗ để tay, nhưng nó không làm máy bay bay nhanh hơn.
Sam đứng cạnh xe, vẻ mặt lo lắng khi ông chủ chạy tới. Anh ta cho xe chạy vào thành phố, phớt lờ các biển báo hạn chế tốc độ, vậy mà khi xe đến được khách sạn L'Etoile, bồi bàn đã không nhận đặt chỗ nữa.
Townsend cố giải thích chuyện xảy ra, nhưng hình như Susan đã hiểu ngay cả trước khi anh mở miệng. "Tôi gọi từ sân bay, nhưng lúc thì máy bận, lúc thì chuông đổ mà không ai nghe". Anh nhìn dao dĩa trên bàn trước mặt cô. "Đừng nói với tôi là cô chưa ăn uống gì".
"Không, tôi không cảm thấy đói", nàng nói, cầm tay anh. "Nhưng anh thì chắc là đói lả, mà tôi cuộc là anh vẫn muốn ăn mừng thắng lợi. Vậy nếu được chọn, anh thích làm gì nhất?".
Sáng hôm sau, khi đến văn phòng, Townsend thấy Bunty tay cầm một tập giấy đứng cạnh bàn anh, trông như đã từ rất lâu.
"Có chuyện ư?" Anh hỏi sau khi khép cửa lại.
"Không. Có điều cậu quên là tôi sẽ được nghỉ hưu từ cuốỉ tháng này".
"Tôi đâu có quên", anh nói rồi ngồi vào bàn. "Nhưng tôi không nghĩ..."
"Công ty quy định rất rõ về vấn đề này", Bunty nói. "Khi nhân viên nữ đến tuổi sáu mươi..."
"Bà không bao giờ sáu mươi cả, Bunty ạ".
"...thì được nghỉ hưu kể từ thứ sáu cuối cùng của tháng đó".
"Quy định là để người ta vi phạm".
"Bố anh nói quy định đó không có ngoại lệ, và tôi đã hoàn toàn đồng ý với ông".
"Nhưng lúc này tôi không có thời gian tìm người thay bà, Bunty ạ. Nào là tiếp quản tờ Chronicle, rồi..."
"Tôi đã tính trước rồi", bà vẫn không chịu nhượng bộ. "Tôi đã tìm được cho cậu người thay thế lý tưởng".
"Nhưng các tiêu chuẩn của cô ta thế nào?" Anh hỏi, đã sẵn sàng gạt phăng là không thích hợp.
"Cô ta tử tế, nhưng điều quan trọng hơn, cô ta là con cháu của dòng họ Edinburgh".
Townsend không nghĩ ra câu trả lời thích hợp. "Thôi được. Bà hãy sắp xếp cho cô ta đến gặp tôi". Anh ngừng lại. "Lúc nào đó của tháng tới".
"Hiện cô ta đang ở ngoài chỗ tôi. Cậu có thể cho cô ta vào gặp ngay bây giờ", Bunty nói.
"Bà biết tôi rất bận", anh nói, mắt nhìn tờ nhật trình hãy còn trống. Rõ ràng Bunty đã lo sắp xếp để anh không có cuộc hẹn nào sáng hôm đó. Bà đưa cho anh tờ giấy mà bà đang cầm.
Anh bắt đầu nghiên cứu sơ yếu lý lịch của cô Younger, cố tìm cớ để từ chối gặp. Khi đọc đến cuối trang, anh miễn cưỡng nói: "Tôi sẽ gặp cô ta bây giờ".
Khi Heather Younger bước vào, Tovvnsend đứng đợi cho tới khi cô ngồi xuống ghế ở phía bên kia bàn.
Younger cao khoảng 5 feet 9 inch, và từ bản tự khai, anh biết cô ta hai mươi tám tuổi, nhưng trông già hơn nhiều. Cô mặc áo thun màu xanh, váy xếp. Đôi tất nâu cô mang làm anh nhớ lại thời kỳ còn tem phiếu, đôi giầy cô đi hẳn mẹ anh sẽ bảo là đứng đắn. Mái tóc màu nâu của cô buộc lại thành búi, không một sợi loè xoè. Cảm giác trước tiên của Townsend là cô Steadman đang tới thăm anh. Cảm giác này càng rõ khi cô Younger trả lời các câu hỏi của anh một cách ngắn gọn và đầy đủ.
Cuộc phỏng vấn diễn ra đúng mười một phút, và Younger bắt đầu làm việc từ thứ Hai sau đó.
Townsend phải đợi thêm sáu tuần trước khi tờ Chronicle hội đủ cơ sở pháp lý thuộc sở hữu của anh. Trong thời gian đó, hầu như ngày nào anh cũng gặp Susan. Mỗi khi nàng hỏi tại sao anh vẫn ở Adelaide trong khi tờ Chronicle rất cần thời gian và sự chú ý của anh, anh chỉ nói: "Tôi không làm gì khác được trước khi sở hữu tờ báo. Và nếu họ biết được tôi đang định làm gì, họ sẽ xé ngay hợp đồng trước khi hết thời hạn sáu tuần".
Giá không có Susan thì sáu tuần này hẳn dài vô tận, mặc dù nàng vẫn thường trêu anh về việc hiếm khi đúng hẹn. Cuối cùng, anh tìm ra cách giải quyết vấn đề bằng cách gợi ý: "Có lẽ nếu em dọn về ở với anh thì sẽ dễ dàng hơn".
Vào tối chủ nhật trước khi Townsend chính thức tiếp nhận tờ Chronicle, anh cùng Susan bay đến Sydney. Townsend bảo tắc xi đỗ lại ở văn phòng toà báo trước khi tới khách sạn. Anh khoác tay, dẫn Susan qua đường. Khi đã sang tới bên kia đường, anh quay nhìn trụ sở toà Sydney Chronicle. "Từ nửa đêm nay, nó sẽ thuộc về anh", anh nói với giọng nồng nàn nàng chưa bao giờ nghe.
"Em lại cứ hy vọng từ lúc nửa đêm anh sẽ thuộc về em cơ đấy", nàng trêu.
Khi họ tới khách sạn, Susan ngạc nhiên thấy Bruce Kelly đang đứng ở hành lang đợi họ. Nàng càng ngạc nhiên khi Keith mời anh cùng ăn tối với họ.
Nàng cảm thấy đầu óc không tập trung khi Keith nói về kế hoạch của anh hoặc tương lai của tờ báo cứ như không có nàng ở đó. Nàng thắc mắc tại sao Tổng biên tập của tờ Chronicle không được mời. Cuối cùng, khi Bruce ra về, nàng cùng Keith vào thang máy lên tầng trên cùng và ai về phòng người ấy. Keith ngồi vào bàn, đang xem xét lại các số liệu thì nàng luồn qua cửa thông hai phòng, vào với anh.
Chủ bút tờ Chronicle dậy trước sáu giờ và rời khách sạn rất lâu trước khi Susan tỉnh giấc. Anh đi bộ ra phố Pitt, dừng lại kiểm tra từng sạp báo trên đường. Không đến nỗi như lần đầu với tờ Gazette, anh nghĩ, nhưng còn có thể tốt hơn nhiều.
Khi vào phòng sảnh, anh bảo người phụ trách an ninh rằng anh muốn Tổng biên tập và Giám đốc điều hành khi đến, hãy lên gặp anh, và anh cần ngay một thợ khoá. Lần này khi anh đi trong toà nhà, không còn ai hỏi anh là ai.
Lần đầu tiên Townsend ngồi vào chiếc ghế của Hầu tước Somerset, bắt đầu đọc bản cuối cùng của tờ Chronicle buổi sáng. Anh ghi lại vài nhận xét, và khi đọc hết tất cả các trang, anh đứng dậy, bắt đầu đi lại quanh phòng, thỉnh thoảng lại nhìn ra cảng Sydney. Mấy phút sau, khi người thợ khoá đến, anh chỉ cho anh ta phải làm những gì.
"Khi nào?" Anh ta hỏi.
"Ngay bây giờ", Townsend trả lời. Anh trở lại bàn, tự hỏi không biết trong hai người, ai sẽ đến trước. Anh phải đợi thêm bốn mươi phút nữa trước khi có tiếng gõ cửa. Nick Watson, Tổng biên tập bước vào, thấy Townsend đang chăm chú đọc một tập hồ sơ rất dầy.
"Xin lỗi anh, Keith", anh ta nói. "Tôi không nghĩ anh lại đến sớm như thế vào ngày đầu tiên của mình". Townsend ngẩng đầu trong khi Watson nói thêm: "Chúng ta nói nhanh được không? Tôi sắp phải họp giao ban sáng".
"Hôm nay anh không phải giao ban", Townsend nói. "Tôi đã bảo Bruce Kelly làm việc đó".
"Sao? Nhưng tôi là Tổng biên tập".
"Anh không còn là Tổng biên tập nữa. Tôi đã đề bạt anh".
"Đề bạt tôi?" Nick hỏi.
"Đúng. Anh sẽ được đọc thông báo trong số báo ngày mai. Anh sẽ là Tổng biên tập danh dự đầu tiên của tờ Chronicle".
"Thế nghĩa là thế nào?".
"E có nghĩa là cựu, còn M nghĩa là anh đáng được như thế". Townsend dừng lại để anh ta thấm thía. "Đừng lo, Nick. Anh có một tước hiệu rất lớn và một năm nghỉ phép nguyên lương".
"Nhưng anh nói với Hầu tước Somerset, có cả tôi ở đó, là anh mong muốn được làm việc với tôi mà".
"Tôi nhớ, Nick ạ", anh nói, mặt hơi đỏ. "Xin lỗi, tôi...". Lẽ ra anh đã nói hết câu nếu không có tiếng gõ cửa.
Duncan Alexander bước vào. "Xin lỗi làm phiền anh, Keith, nhưng người ta đã thay khoá cửa phòng tôi".
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.