Chương trước
Chương sau
Ánh nắng chói chang vắt từ trán ông già ra những giọt mồ hôi lớn, thế mà ông vẫn khum đôi tay ấp lấy cốc trà nóng ngọt ngào như muốn sưởi ấm chúng. Ông không sao rút người ra khỏi những dự cảm đó. Nó cứ quấn quýt lấy lưng ông như những chiếc la lạnh buốt.

Cuộc khai quật đã xong. Gò phế tích đã được sàng lọc kỹ từng lớp đất. Những cổ vật nằm trong lòng gò đất đã được kiểm tra, gắn thẻ ghi chú và chuyên chở đi: những hạt chuỗi và các món trang sức có dây đeo; đá chạm trổ, các mẫu tượng dương vật, các khối vữa bằng đá xây điểm xuyết vết đất sét hoàng thổ, các hũ vại đánh bóng. Chẳng có gì đặc biệt lắm. Một hộp đồ trang điểm bằng ngà của người Assyrie. Và người. Di cốt một người đàn ông. Những di vật mong manh của một nỗi thống khổ vũ trụ có lần khiến ông phải tự hỏi có phải vật chất là sự khắc khoải vươn lên của quỷ Lucifer để tìm về với thượng đế của hắn không. Vậy mà giờ đây ông đã biết rõ hơn. Hương thơm của cây cam thảo và tân hà liễu giục ông nhìn về phía các con đồi, chập chùng cây anh túc; về phía các cánh đồng lau sậy; về phía nhánh đường rải đá lởm chởm phóng mình vào miền kinh hãi. Phía tây bắc là Mosul; phía đông là Erbil; phía nam là thành Bagdad và Kirkuk cùng lò lửa cháy bừng bừng của vua Nabuchodonosor. Ông thay đổi vị trí, đôi chân dưới gầm bàn kê trước một túp lều cô quạnh bên đường, và nhìn đăm đăm những sợi cỏ dính trên đôi ủng và hai ống quần ca-ki. Ông nhấm nháp trà. Cuộc khai quật đã hoàn tất. Có cái gì đang manh nha? Ông gạt ý nghĩ đó đi như phủi bụi một cổ vật tìm thấy bằng đất sét mới, nhưng ông không tài nào hài tên được ý tưởng đó.

Có người thở khò khè từ bên trong túp lều: chủ nhân tàn tạ của túp lều lê bước ra phía ông ta, đã tung lớp bụi dính bên trong đôi giày kiểu Nga mà ông ta mang như đôi dép, hai đế giày rền rĩ dưới sức ép của đôi gót chân ông. Bóng ông ta phủ rợp lên bàn.

"Kaman chay, Chawaga?"

Người vận ca-ki lắc đầu, nhìn xuống đôi giày không dây, bê bết những mảnh vụn vỡ của kiếp sống đoạ đày. Cái chất liệu của vũ trụ ấy, ông suy nghĩ: vật chất, rốt ráo lại hoá ra là tinh thần. Tinh thần, và đôi giày ấy, đối với ông chỉ là những khía cạnh của một chất liệu căn bản hơn, một chất liệu có tính cách nguyên thủy và khác hẳn.

Bóng đen kia xê dịch. Người Kurde đó cứ đứng đấy như một món nợ cũ. Ông già vận ka-ki ngước nhìn vào đôi mắt trắng dã kèm nhèm cứ như có một lớp màng mỏng của quả trứng được dán lên mống mắt: Chứng xanh mắt. Tăng nhãn áp. Đã có dạo ông không thương nổi con người này.

Ông rút ví, lần tìm một đồng xu con giữa đám "khách trọ" tả tơi, nhúm nhó của nó: vài đồng dinar, một bằng lái xe của Irak, một tấm lịch bướm đã quá hạn mười hai năm. Mặt lưng tấm lịch mang dòng chữ: NHỮNG GÌ CHÚNG TA BAN PHÁT CHO NGƯỜI NGHÈO SẼ LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA MANG THEO KHI CHÚNG TA CHẾT. Tấm lịch bướm này được Hội truyền giáo Dòng Tên ấn hành. Ông trả tiền tách trà, để lại món tiền "trà nước" mười lăm "fil" trên mặt chiếc bàn tiều tụy mang màu sắc buồn thảm ấy.

Ông bước đến chiếc "dip" của mình. Tiếng chìa khoá khẽ khua lách cách trong ổ khởi động nghe dòn dã trong cõi yên lặng. Trong thoáng chốc, ông chờ đợi, cảm nhận sự tĩnh mịch. Quần tụ trên đỉnh một gò đá ngất ngưởng, những nóc nhà của Erbil lượn lờ mãi tít xa, chơi vơi giữa các từng mây, giống như một lời chúc phúc đầy vết bùn đất và gạch vụn. Đám lá cây bấu chặt hơn nữa vào mảng da thịt trên lưng ông.

Một cái gì đó đang chờ đợi.

"Allah ma'ak, chawaga"

Những chiếc răng sâu thối. Người Kurde cười nhe răng, vẫy tay giả biệt. Người vận ca-ki cố gượng xoay sở tìm chút nồng nhiệt trong hố thẳm của chính bản ngã mình và kịp đưa được bàn tay lên vẫy trả, với vành môi ráng khuôn được một nụ cười gọi là. Cái cười tàn phai lúc ông quay đi. Ông mở máy xe, đánh một vòng chữ U kỳ quặc, thật gắt, rồi hướng mũi xe về Mosul. Người Kurde vẫn đứng nhìn, bồi hồi vì một cảm giác mất mát đến se lòng khi chiếc xe "dip" tăng tốc độ. Cái gì vừa biến đi mất đó? Một cái gì đó giống như sự an toàn, ông hồi tưởng, một cảm giác được che chở và tràn đầy an lạc. Bây giờ điều đó đã phôi pha vào cõi xa cùng với chiếc dip lao nhanh như gió cuốn. Ông ta cảm thấy cô đơn lạ kỳ.

Công tác liệt kê thật công phu đã hoàn tất vào lúc sáu giờ mười phút. Viên chức quản thủ các cổ vật, một người Ẳ Rập có đôi má chảy xệ, đang thận trọng đặt bút ghi một khoản mục chót vào tập sổ cái trên bàn giấy. Ông dừng lại trong thoáng chốc, ngước lên nhìn bạn, vừa chấm ngòi bút vào bình mực. Người vận ca-ki dường như đắm chìm trong cõi suy tưởng. Ông ta đứng bên một chiếc bàn, hai tay thủ túi, nhìn đăm đăm xuống một lời thì thầm của quá khứ có buộc thẻ, khô khốc. Viên quản thủ quan sát ông với vẻ hiếu kỳ, bất động, rồi trở lại công việc vào sổ, tuồng chữ thảo rất sắc nét, cứng cáp. Cuối cùng ông ta thở dài, đặt bút xuống lúc ông để ý đến thời gian. Tàu hoả đi Bagdad khởi hành lúc tám giờ. Ông thấm trang giấy cho khô mực, rồi mời trà.

Người vận ka-ki lắc đầu, tia mắt ông vẫn dán vào một vật trên bàn. Người Ẳ Rập nhìn ông, lo lắng vu vơ. Có cái gì bảng lảng trong không khí vậy kìa? Quả có một cái gì đó trong không khí thật. Ông đứng lên, tiến lại gần hơn; thế rồi bất ưng, ông thấy rợn tóc gáy khi bạn ông rốt cục động đậy, với tay xuống lấy một đạo bùa, rồi đong đưa nó trong tay một cách trầm mặc. Đó là tượng đầu quỷ Pazuzu bằng đá màu lục, hiện thân của gió Tây Nam. Nó tề trị trên bệnh tật và cơn chứng. Chiếc đầu quỷ bị khuyên lỗ. Người chủ của đạo bùa này xưa đã đeo nó làm vật hộ thân.

"Dĩ độc trị độc", viên quản thủ thở nhẹ, vừa uể oải quạt mát bằng một tờ tạp chí khoa học Pháp, một dấu ngón tay cái dính dầu ô liu vấy bẩn bìa tờ tạp chí.

Bạn ông không cử động; ông ta không bình phẩm gì.

" Có cái gì không ổn vậy?"

Không trả lời.

"Này Cha?"

Người vận ca ki dường như vẫn không nghe thấy gì, hoàn toàn bị cuốn hút vào đạo bùa, vật cuối cùng trong những món khai quật được của ông. Một lúc sau, ông bỏ đạo bùa xuống, ngước ánh nhìn tra hỏi lên người Á Rập. Có phải ông ta vừa nói gì đấy không?

"Không có gì"

Hai người thầm thì từ biệt nhau.

Đến ngưỡng cửa, viên quản thủ cầm lấy tay ông già, chặt hơn thường lệ. "Tự thâm tâm, thưa Cha, tôi muốn cha đừng đi."

Bạn ông nhỏ nhẻ trả lời bằng những nhận xét về trà, về thời gian, về một việc gì đó cần phải làm xong.

"Không, không, không, ý tôi muốn nói là đi về nhà cơ".

Người vận ca ki chiếu tia nhìn của ông lên một vệt đậu nấu dính nơi khóe miệng người Á Rập, tuy nhiên, đôi mắt ông thật xa xôi. "Nhà", ông lập lại. Cái từ đó mang âm thanh của một sự kết thúc, một chung cuộc.

"Hoa Kỳ", người Á Rập nói thêm, lập tức thắc mắc là tại sao ông ta lại nói như thế. Người vận ca ki nhìn xuyên thấu vào cõi tối của nỗi ưu tư nơi bạn mình. Chưa bao giờ ông cảm thấy khó thương yêu con người này.

"Giã biệt", ông thầm thì, rồi quay nhanh ra, bước vào trũng ủ ê càng lúc càng đậm dần của phố xá, bước vào cuộc hành trình về quê nhà mà đường xa vạn lý chẳng hiểu sao có vẻ là vô định.

"Hẹn gặp lại năm sau nhé!" Người quản thủ từ ngạch cửa gọi với theo ông. Nhưng người vận ca ki không hề ngoái lại. Người Ẳ Rập nhìn hình dạng khẳng kheo của bạn mình lúc ông ta băng chéo qua một con phố hẹp suýt đụng phải một cỗ xe ngựa bốn bánh phóng nhanh tới. Xe ngựa chở một bà già Ẳ Rập lực lưỡng, mặt bà khuất sau lớp mạng đen thêu ren, phủ hờ hững trên người bà như một tấm vải liệm. Ông đoán chừng bà ta đang vội đến một cuộc hẹn nào đó. Chẳng mấy chốc, ông mất hút bóng người bạn vội vả của mình.

Người vận ca ki cứ bước như bị thôi thúc. Rứt người ra khỏi thành phố, ông đột phá ra khỏi vùng ngoại ô, vượt con sông Tygre. Gần đến khu phế tích, ông lơi bước. Cứ mỗi bước chân đi, niềm dự cảm khởi phát kia lại càng thành hình vững chắc hơn, kinh khiếp hơn. Nhưng mà ông cần phải biết. Lẽ ra ông phải chuẩn bị. Ông cần phải chuẩn bị.

Một tấm ván bắt cầu qua con suối Khors đục lầy kêu ken két dưới sức nặng thân ông. Thế là ông đã đến nơi, ông đứng trên gò đất đã một thời là kinh thành Ninive vàng son chói lọi mười lăm cửa ô, hang hổ đáng sợ của các bộ tộc Assyrie. Giờ đây kinh thành đó đang nằm thuỗn ra dưới lớp bụi tiền định đỏ như máu của nó. Vậy là ông đã đến đây, không khí vẫn còn đặc quánh hơi hướng Kẻ Kia, kẻ đã thao túng những giấc mơ của ông.

Một anh gác người Kurde đang đi rảo quanh một góc ngoặt, tháo súng trường khỏi vai, bắt đầu đuổi theo ông, sau đó anh ta đứng phắt lại, cười toe toét, với một cái vẫy tay ra dấu nhận biết ông, rồi tiếp tục tuần hành.

Người vận ca ki lượn lờ tha thẩn khắp khu phế tích. Đền Nabu. Đền Ishtar. Ông đắn đo, sàng sẩy những rung cảm. Tại cung điện Ashurbanipal, ông dừng chân, đoạn nhìn chếch sang một tượng đá vôi thô kệch vẫn còn ở nguyên vị trí, đôi cánh tơi tả, đôi chân chơm chởm móng vuốt, dương vật ngắn ngủn nhô ra như hình củ hành và một cái mồm căng thẳng thành một cái cười hoang dại. Quỷ Pazuzu đây.

Bất giác ông lả cả người.

Ông biết.

Điều đó đã đến.

Ông nhìn đăm đăm lớp bụi đất. Những bóng đen sống động, tíu tít. Ông nghe tiếng sủa văng vẳng của lũ chó hoang chạy rong quanh rìa thành cổ. Quỹ đạo mặt trời bắt đầu rơi xuống dưới riềm quả đất. Ông buông tay áo xuống, cài cúc lại lúc một ngọn heo may bắt rùng mình nỗi lên. Bắt nguồn từ hướng Tây Nam.

Ông rảo bước về. Mosul và chuyến tàu hoả đang đợi, tim ông niêm kín trong một niềm xác tín giá băng rằng chẳng bao lâu nữa, ông sẽ đối diện với một kẻ thù xưa.

***

Giống như một lóe sáng định mạng của bao nhiêu mặt trời nổ tung chỉ in dấu lờ mờ trên mắt người mù, sự bắt đầu của nỗi kinh hoàng ấy trôi qua hầu như không ai thấy. Thật vậy, trong tiếng thét chát chúa của những điều kế tiếp, sự bắt đầu đã bị quên lãng và có lẽ không liên quan gì với nỗi kinh hoàng ấy cả. Thật khó mà xét đoán được.

Đó là một ngôi nhà thuê. Ẳm đạm. Chắc nịch. Một ngôi nhà gạch kiểu thuộc địa phủ đầy dây trường xuân trong khu Georgetown ở thủ đô Washington D.C. Bên kia đường là đường viền khuôn viên Viện Đại học Georgetown, phía sau nhà là bờ đất dốc đứng phóng thẳng xuống con phố Ma-phi-a nhộn nhịp, tít xa là dòng sông Potomac đục lờ. Sáng sớm ngày mùng 1 tháng Tư, căn nhà ấy thật yên tĩnh. Chris MacNeil chống tay lên giường, ôn lại vai tuồng cho buổi quay phim ngày hôm sau. Regan, con gái nàng, ngủ yên nơi phòng cuối hành lang. Ở tầng dưới, trong một căn phòng bên ngoài bếp, vợ chồng người quản gia tuổi trung niên, Willie và Karl, còn ngủ kỹ. Vào khoảng 12 giờ 25 phút sáng, Chris rời mắt khỏi kịch bản, mặt cau lại vì hoang mang. Nàng nghe có những tiếng gõ mạnh. Những tiếng gõ kỳ dị. Nghẹt ngòi. Sâu lắng. Từng cụm nhịp nhàng. Một thứ mật mã xa lạ do một kẻ chết đánh đi.

Kỳ lạ.

Trong một lúc nàng cứ lắng nghe. Sau đó nàng gạt nó ra khỏi tâm trí; nhưng tiếng gõ cứ nhịp đều đều khiến nàng không sao tập trung được. Nàng vụt mạnh kịch bản xuống giường.

Nó quấy quả ta quá chừng!

Nàng trỗi dậy đi xem có chuyện gì.

Nàng bước ra lối hành lang, nhìn quanh quất. Tiếng gõ dường như vẳng ra từ phòng ngủ của Regan.

Con bé làm giống gì vậy kìa?

Nàng khẽ bước đến cuối hành lang và tiếng gõ đột nhiên lớn hơn, nhặt hơn, rồi khi nàng đẩy cửa bước vào phòng, chúng bỗng ngưng bặt.

Chuyện quái gì đây không biết?

Đứa con gái xinh xắn mười một tuổi của nàng say sưa ngủ, tay ôm siết một con gấu lớn nhồi bông có đôi mắt tròn xoe. Con gấu đã nhạt màu sau bao năm bị quấn, bọc, bao năm bị nựng nịu, hôn hít bằng những cái hôn ướt át kêu chùn chụt.

Chris khẽ đến bên giường, cúi xuống thầm thì, "Rags? Con thức đấy à?"

Nhịp thở đều. Nặng. Sâu lắng.

Chris đảo mắt nhìn quanh phòng. Ánh sáng lờ mờ từ hành lang toả xuống xanh xao và vỡ vụn trên những bức vẽ sơn dầu của Regan, trên những bức điêu khắc của Regan, trên những con thú nhồi bông khác.

Ô kê, Rags. Lại ba cái trò chọc phá mẹ đây hẳn. Nói đi. Trò nghịch ngợm "Cá Tháng Tư" đây chứ gì.

Tuy nhiên, Chris biết điều này không giống với con gái nàng chút nào. Con bé tính tình rất rụt rè, nhút nhát. Vậy thì ai chơi cái trò này? Một thần trí hôn thụy ra lệnh tạo những tiếng gõ trong hệ thống ống sưởi hay ống nước chăng? Có dạo, trên vùng núi xứ Bhutan, nàng đã đăm đăm nhìn hàng giờ một nhà sư Phật giáo ngồi xếp bằng tham thiền dưới đất. Cuối cùng, nàng nghĩ là đã thấy vị sư bay lên bềnh bồng giữa khoảng không. Có lẽ vậy. Thuật lại câu chuyện này cho bất cứ ai, bao giờ nàng cũng nói thêm "có lẽ vậy". Và có lẽ thần trí nàng - kẻ tường thuật về các ảo giác không biết mệt mỏi ấy - đã tô điểm cho những tiếng gõ này cũng nên.

Cứt họ, ta nghe thấy rõ ràng chứ bộ!

Chợt nàng ném nhanh một cái liếc mắt lên trần nhà. Đó kìa! Có tiếng cào nạo khe khẽ mà!

Lũ chuột trên rầm thượng rồi! Trời ạ, chuột rồi!

Nàng thở dài. Đúng chuột rồi. Những chiếc đuôi to sầm. Thịch thịch. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm kỳ lạ. Sau đó nàng nhận ra cái lạnh. Căn phòng đó. Nó lạnh như nước đá.

Nàng khẽ bước đến cửa sổ. Kiểm soát cửa. Vẫn đóng chặt mà. Nàng rờ vào lò sưởi. Nóng.

Ủa, thật vậy sao?

Bối rối, nàng đến bên giường, áp tay nàng vào má Regan. Bờ má mịn màng như ý nghĩ và rơm rớm mồ hôi.

Chắc là mình ốm rồi!

Nàng ngắm con gái, nhìn chiếc mũi hếch và khuôn mặt đầy tàn nhang, rồi trong một xung động nồng nàn, thoáng nhanh, nàng cuối xuống hôn lên má con. "Mẹ rất yêu con" nàng thì thầm, xong trở lại phòng riêng, trở lại chiếc giường và tập kịch bản của nàng.

Trong một lúc, nàng nghiên cứu kịch bản. Đó là một phim hài rập khuôn theo phim Ông Smith lên Washington. Một cốt truyện phụ được bổ sung mô tả các cuộc nổi loạn trong trường đại học. Chris thủ vai chánh. Nàng thủ vai một giáo sư tâm lý học về phe với nhóm nổi loạn. Nàng ghét cay đắng vai trò đó. Rõ ngớ ngẩn! Thật là một cảnh cực kỳ ngớ ngẩn! Tâm trí nàng, dù không học thức mấy, chưa bao giờ cầm nhầm khẩu hiệu thay cho chân lý, và giống như một con chim xanh, nàng mổ không thương tiếc vào mớ ngôn từ đại cà sa để tìm cho ra một sự kiện kín dấu, rạng ngời. Cho nên theo nàng, lý do cuộc nổi loạn này thật là "cả quỷnh". Chẳng có nghĩa lý gì cả. Sao thế này nhỉ? Nàng tự hỏi. Khoảng cách giữa các thế hệ chăng? Rặt là đồ rơm rác! Ta mới có ba mươi hai tuổi thôi! Ngớ ngẩn chỉ đơn giản là nó ngớ ngẩn! Thế thôi...

Bình tĩnh nào. Chỉ còn một tuần nữa thôi.

Họ đã quay xong phần nội cảnh tại Hollywood. Chỉ còn vài ngoại cảnh quay tại khuôn viên của Đại học đường Georgetown, bắt đầu vào ngày mai. Lúc này đang mùa nghỉ lễ Phục Sinh, các sinh viên nghỉ cả.

Nàng đâm buồn ngủ quá. Mí mắt cứ nhíu lại. Nàng lật sang một trang bị rách bươm một cách kỳ cục. Kinh ngạc, nàng mỉm cười. Ông đạo diễn người Anh của nàng đây rồi. Ông ta có thói quen cứ khi nào quá căng thẳng, lại đưa đôi tay run lẩy bẩy xé toạt một rẻo nhỏ khỏi bất cứ rìa trang giấy nào gần ông nhất, rồi bỏ vào mồm nhai, từng phần một, cho đến khi nó viên thành một cục tròn trong miệng ông.

Chàng Bruke thân mến.

Nàng ngáp dài, rồi âu yếm nhìn xuống rìa kịch bản. Các trang giấy trông như bị gậm nhấm. Nàng nhớ lại lũ chuột. Nàng bụng bảo dạ sáng ra phải nhớ nhắc Karl đặt bẫy chuột.

Những ngón tay lơi lỏng. Tập kịch bản rời ra. Nàng thả nó rơi xuống sàn. Ngớ ngẩn. Thật ngớ ngẩn quá! Một bàn tay lần mò tìm nút tắt đèn. Đó rồi. Nàng thở dài. Trong một lúc, nàng nằm bất động, chập chờn ngủ. Thế rồi nàng đưa một chân lười lĩnh đá tung chăn tung chăn đắp ra. Nóng như quỷ.

Một làn sương dịu khẽ khàng quyện lấy các khung kính cửa sổ.

Chris ngủ. Nàng mơ đến cái chết trong một cách thế đặc biệt muốn chóng mặt, cái chết như thể sự chết vẫn chưa hề được biết đến giữa lúc một cái gì đó vẫn rung lên như chuông, nàng há hốc mồm, tan chảy, trôi tuột vào sự trống không, trong khi tư tưởng cứ mãi trăn trở. Ta sắp chết, ta sẽ chết, ta sẽ không hiện hữu, mãi mãi, đời đời. Ôi, bố ơi, đừng để họ làm thế, đừng! Đừng để con biến thành hư vô mãi mãi và cứ tan chảy, cứ lơi lỏng ra, cứ rung rung như chuông...

Điện thoại!

Nàng nhổm dậy mà nhịp tim đổ hồi, tay cầm máy điện thoại mà bụng hẩng không còn chút trọng lượng, một cõi trung tâm không chút trọng lượng và máy điện thoại thì cứ réo vang.

Nàng trả lời. Viên phụ tá đạo diễn.

"Hoá trang sẵn sàng đúng sáu giờ, cưng".

"Được."

"Chị thấy người ra sao?"

"Nếu tôi vào phòng tắm và nó không thiêu cháy thì chắc là tôi tiếp tục được."

Anh ta cười khẽ "Gặp lại chị sau."

"Được rồi. Cám ơn anh."

Nàng gác máy. Trong hàng mấy khoảng khắc, nàng chỉ ngồi bất động suy nghĩ về giấc mơ kia. Một giấc mơ chăng? Tư tưởng giữa lúc nữa thức nữa ngủ thì nghe ra có lý hơn. Cái sự minh bạch, rõ ràng khủng khiếp ấy! Trạng thái không hiện hữu. Không thể đảo ngược được. Nàng không sao tưởng tượng được điều ấy. Chúa ơi, không thể như thế được.

Nàng cân nhắc, đắn đo. Rốt cuộc, nàng cúi đầu. Nhưng mà nó như thế.

Nàng vào phòng tắm, mặc chiếc áo dài, và lặng lẽ xuống bếp, xuống với cuộc sống trong tiếng dăm bông xèo xèo trên chảo mở.

"Ồ, xin chào bà MacNeil"

Willie, trong bộ đồ xám, uể oải, đang vắt cam, dưới mắt trễ tràng hai túi thịt xanh tái. Phát âm lơ lớ giọng Thụy Sĩ, giống như Karl. Chị lau tay vào một chiếc khăn giấy rồi đi ra bếp lò.

"Để tôi lấy cho, Willie" Chris rất nhạy cảm, đã trông thấy vẻ mặt mệt mỏi của Willie, lúc chị ta lầu bầu, quay trở lại bồn rửa chén. Người nữ diễn viên rót cà phê, xong di chuyển ra góc ăn sáng. Nàng ngồi xuống, mỉm cười hồn hậu lúc nhìn khay ăn. Một bông hồng đỏ thắm. Regan rồi. Đứa con gái thiên thần đó. Có lắm buổi sáng, lúc Chris đang làm việc, Regan thường rón rén tụt xuống giường, xuống bếp đặt một bông hoa rồi lại mắt nhắm mắt mở lần lối trở lại giường ngủ tiếp. Chris lắc đầu, thương xót. Nàng nhớ lại đã suýt đặt tên con gái là Goneril. Phải rồi, đúng quá đi chứ! Ngữ này thì chỉ là thứ phá gia chi tử thôi! Chris cười khẽ vì hồi ức đó. Nàng nhấm nháp cà phê. Lúc nàng ngắm lại bông hoa hồng, nàng chợt thoáng buồn, đôi mắt to, xanh, sầu muộn trên khuôn mặt giống như của đứa trẻ lạc loài. Nàng nhớ lại một bông hoa khác. Một đứa con trai, Jamis. Thằng bé đã chết lâu rồi, lúc mới lên ba, khi Chris còn rất trẻ và vẫn là một cô gái vô danh trong nhóm ca vũ ở Broadway. Nàng đã thề là sẽ không bao giờ còn xả thân tận tụy như nàng đã từng làm đối với Jamis cũng như đối với bố thằng bé, Howard MacNeil nữa. Nàng thôi nhìn bông hồng, và lúc giấc mơ từ cái chết của nàng từ tách cà phê bốc khói lên như làn sương mộng, nàng vội đốt một điếu thuốc. Willie mang nước trái cây ép đến và Chris nhớ lại lũ chuột. "Karl đâu?" nàng hỏi chị giúp việc.

"Tôi đây, thưa bà."

Phóng ra khỏi cửa phòng chứa thực phẩm thoăn thoắt như một con mèo. Đầy vẻ quyền uy, cung kính lễ phép. Năng động. Khép nép. Một mảnh khăn giấy Kleenex ép chặt vào cằm, chỗ anh ta vừa vô ý làm chảy máu khi cạo mặt. "Dạ, bà gọi". Bắp thịt săn rắn, cuồn cuộn, tiếng anh thở sát bên bàn. Đôi mắt long lanh. Mũi diều hâu. Đầu hói.

" Này Karl, trên rầm thượng nhà ta có chuột đấy. Nên kiếm mua vài cái bẫy đi."

" Có chuột ạ ?"

" Tôi mới nói đó".

" Nhưng rầm thượng sạch tươm ạ."

" À, tốt, vậy là nhà ta có lũ chuột sạch tươm chứ sao?"

" Không có chuột đâu ạ"

" Karl này, tôi đã nghe thấy tiếng chúng đêm qua." Chris kiên nhẫn nói, cố tự chủ.

" Chắc là ống nước." Karl thăm dò, "chắc là mấy tấm ván."

" Chắc là chuột! Anh có chịu đi mua hộ mấy cái bẫy khốn kíp và thôi lý sự cùn nữa được không?"

" Vâng, thưa bà," anh ta tất tả đi ngay. "Tôi đi đây."

" Không phải bây giờ, Karl. Các tiệm họ đóng cửa hết rồi!"

" Họ đóng cả rồi!" Willie quở.

" Để tôi đi xem."

Rồi anh ta đi.

Chris và Willte nhìn nhau, lắc đầu, rồi quay lại với món dăm bông. Chris nhấm nháp cà phê. Lạ lùng. Con người thật lạ lùng. Cũng giống như Willie, chăm chỉ, rất trung thành, kín đáo. Vậy mà ở anh ta vẫn có một cái gì đó, khiến nàng mơ hồ khó chịu. Cái gì vậy? Vẻ tự phụ tế nhị? Vẻ thách thức? Không, một cái gì khác cơ. Một cái gì đó khó mà xác định được. Cặp vợ chồng này đã ở với nàng gần sáu năm rồi, thế mà Karl vẫn là một chiếc mặt nạ - một chiếc mặt nạ biết nói, biết thở, một thứ chữ tượng hình không phiên dịch được - chuyên chạy việc vặt cho nàng với đôi chân đi cà khêu. Tuy thế, đàng sau chiếc mặt nạ, một cái gì đó chuyển động, nàng nghe được cả bộ máy của anh ta kêu tí tách giống như một lương tâm. Nàng dụi tắt điếu thuốc, nghe tiếng cửa trước mở két một tiếng, rồi đóng lại.

" Cửa tiệm đóng cả"

Chris nhấm nháp miếng dăm bông, xong quay về phòng riêng, mặc áo nịt len và váy vào. Nàng soi gương và trang trọng ngắm máy tóc đỏ của nàng, mái tóc trông bù xù muôn thuở, ngắm đám tàn nhan bộc phát trên gương mặt bé choắt của nàng, sau đó đảo mắt và cười ngờ nghệch. Nàng le lưỡi chế giễu mình trong gương. Rồi lơi lả người. Chúa ơi! Rõ chán mớ đời! Nàng nhặt lấy hộp tóc giả, lề mề xuống cầu thang và bước ra đường phố rợp bóng cây, tươi roi rói.

Nàng đứng bên ngoài nhà chốc lát, nín thở trước ánh ban mai. Nàng nhìn qua phải. Cạnh ngôi nhà một dãy bậc cấp bằng đá cũ kỹ đổ thật dốc xuống tận phố M. xa tít dưới kia. Xa hơn một chút là cánh cổng phía trên dẫn vào nhà chứa xe điện, vốn trước kia được dùng làm nơi chứa xe điện: nhà kiểu Địa trung Hải, lợp ngói, có những tháp nhỏ, cổ lỗ sĩ, gạch xưa. Nàng nhìn ngôi nhà với nỗi hoài mong... Từ đâu đó, có tiếng chuông đổ hồi. Nàng nhìn về hướng âm thanh. Tháp chuông đồng hồ Viện Đại học Georgetown. Tiếng chuông quạnh quẽ, ngân vang trên sông, run rẫy, lay lắt qua con tim mòn mỏi của nàng. Nàng bước đến nơi làm việc, đến với những trò đùa chữ nghĩa quái quỷ, đến với những món giả mạo rẻ tiền nhồi rơm đáng tức cười.

Nàng bước vào cổng chính trường Đại học, và nỗi chán chường trong nàng nguôi đi; càng nguôi ngoai hơn lúc nàng nhìn dãy phòng trang điểm đặt trên những cỗ xe rờ móc đậu dọc theo đường xe đến sát cạnh vách tường phía Nam của chu vi trường. Đến 8 giờ sáng, lúc bắt đầu quay những thước phim đầu tiên trong ngày, nàng đã gần như tươi tỉnh hẳn: nàng bắt đầu tranh cãi về kịch bản.

" Nè, Burke? Ngó sơ qua cái của chết bầm này một chút được chứ ?"

" Chà, cô có cả một kịch bản trong tay! Rõ ràng nhé, lý thú thật !"

Đạo diễn Burke Dennings, căng thẳng và tinh quái, mắt trái giật giật mà long lanh vẻ ranh mãnh, lấy mấy ngó tay run rẫy rọc, như thể bác sĩ giải phẫu, một rẻo nhỏ từ một trang kịch bản. "Tôi tin là mình gặm thứ này được," ông cười khằng khặc.

Họ đang đứng trên sân trước mặt Toà Viện trưởng và bị gút lại giữa phòng các tài tử, các chuyên viên ánh sáng, kỹ thuật viên, các vai phụ, các tay chạy hiệu. Rải rác đây đó vài khán giả trên sân cỏ, phần lớn là ban giáo sư Dòng Tên. Một số trẻ con. Chuyên viên quay phim, buồn chán, nhặt tờ Daily Variety lên xem ngay lúc Dennings đút rẻo giấy vào mồm và cưới khúc khích; hơi thở ông sặc mùi chầu rượi "gin" thứ nhất đầu ngày.

" Đúng, tôi vui kinh khủng khi thấy cô được trao một kịch bản."

Một con người mảnh khảnh, tinh quái, ở tuổi ngũ tuần, ông nói tiếng Anh với một phát âm chất phát, khỏe khoắn, đầy duyên dáng, lối phát âm thật nhanh và chính xác, đến nỗi ngay cả những từ tục tĩu, sống sượng cũng bay bổng đến mức lịch lãm. Còn cứ khi rượu vào, ông dường như lúc nào cũng chỉ những chực phát lên cười hô hố, om sòm, dường như cứ phải phấn đấu không ngừng để giữ cho được bình tĩnh.

" Nào, cô bé, bây giờ nói đi. Có chuyện gì vậy? Có gì không ổn nào ?"

Cái cảnh họ đang bàn đến đòi hỏi vị khoa trưởng phân khoa huyền thoại học trong kịch bản ngỏ lời trước đám sinh viên đang tụ tập, nhằm cố dẹp tan một cuộc biểu tình ngồi lì đang có nguy cơ diễn ra. Trong kịch bản, lúc đó Chris sẽ chạy lên bậc cấp dẫn lên sân, giằng chiếc loa phóng thanh trên tay vị khoa trưởng, rồi chõ về phía Toà Viện trưởng mà hô lớn, "Giật sập Toà nhà ấy xuống đi."

" Chỗ này chả ra ý nghĩa gì cả," Chris bảo.

" Ồ, nó rõ như ban ngày rồi còn gì," Dennings phịa.

" Việc quái gì họ phải phá sập cái toà nhà ấy xuống chứ, hở Burke? Để làm gì chứ?"

" Cô định kết án tôi sao?"

" Không, tôi chỉ hỏi "để làm gì?" thôi."

" Bởi vì toà nhà đó nó ở đó, chứ sao cưng?"

" Trong kịch bản ấy à?"

" Không, ở trên sân ấy chứ?"

" Hừ, nó chả có nghĩa lý gì cả, Burke ạ. Đơn giản là cô ta đừng làm thế mới phải."

" Cô ta làm chứ."

" Không, cô ta không làm đâu."

" Ta có cần mời tác giả kịch bản đến không? Tôi chắc anh ta đang ở Paris."

" Trốn ở đó à?"

" Đ... gái!"

Ông ném cái tiếng đó ra gọn bân không chê vào đâu được, đôi mắt tinh như cáo, long lanh trên bản mặt như bột nhồi bánh, lúc cái tiếng ấy vút dòn dã đến tận các tháp nhọn kiểu gô tích, Chris lịm trên vai ông: " Ôi, Burke, anh là đồ quỷ sứ đâu không ấy!"

" Phải." Ông ta nói cứ y như lúc César khiêm tốn xác nhận những báo cáo rằng ông ta ba lần từ chối ngai vàng. " Nào, bây giờ ta tiếp tục kịch bản được chứ?"

Chris không nghe thấy. Nàng ném một cái nhìn len lén, bối rối về phía một tu sĩ Dòng Tên đứng cạnh đó, xem thử ông ta có nghe được cái tiếng tục tĩu kia không. Một khuôn mặt quàu quạu, ngăm đen như khuôn mặt một võ sĩ quyền anh. Tuổi trạc tứ tuần. Có một vẻ gì buồn thảm nơi ánh mắt, một vẻ gì đau đớn. Tuy nhiên, ánh mắt ấy lại ấm áp và đầy khích lệ lúc chúng dán lấy ánh mắt nàng. Ông ấy đã nghe thấy rồi. Ông đang mỉm cười. Ông nhìn đồng hồ đeo tay rồi dời bước.

" Tôi bảo là ta có tiếp tục kịch bản ấy hay không đây?"

Nàng quay lại, ấp a ấp úng. " Ồ, có chứ, Burke. Ta tiếp tục chứ."

" Tạ ơn Trời."

" Khoan, đợi đó đã."

" Trời đất!"

Nàng than phiền về lời thoại ở cuối lớp cảnh. Nàng có cảm tưởng là cao điểm đã đạt tới được ở lời thoại của vai nàng nay đâm ra lại chỏi với cảnh nàng chạy qua cửa sổ toà nhà kia ngay sau đó.

" Điều đó chẳng thêm thắt được gì cả." Chris bảo " Ngớ ngẩn quá."

" Phải, đúng vậy, đúng vậy đó, cưng ạ." Burke chân thành biểu đồng tình. " Tuy nhiên chuyên viên cắt cúp đòi hỏi chúng ta phải diễn như vậy." Ông nói tiếp, " nên ta làm. Cô thấy chưa?"

"Không, chả thấy gì cả."

" Không, dĩ nhiên là không rồi. Nó ngu ngốc quá. Cô thấy đó, vì lớp cảnh tiếp theo sau," ông ta cười hì hì " bắt đầu bằng động tác của Jed đi về hướng chúng ta qua một cái cửa, do đó chàng cắt cúp nhà ta cảm thấy chắc ăn nếu đề nghị cảnh trước đó kết thúc bằng động tác cô bỏ đi cũng qua một cái cửa."

"Thế thì ngu ngốc quá!"

" Thì hẳn vậy rồi! Thật đáng lộn mửa! Thật điên rồ như cái đồ l... què ấy. À này, sao bây giờ ta lại không cứ quay cảnh đó rồi giao nó cho tôi, tôi sẽ găm đoạn đó ra khỏi lần cắt cúp cuối cùng. Nhai món đó chắc là phải ý vị lắm."

Chris cười lớn và tán thành. Burke liếc sang chàng chuyên viên cắt cúp, một anh chàng nổi tiếng "ta đây là nhất" với tính tình bất thường, khoái tranh cãi mất thời giờ. Anh ta đang bận bịu bên chuyên viên quay phim. Nhà đạo diễn thở phào nhẹ nhõm.

Chờ đợi trên sân cỏ ngay dưới chân bậc cấp lúc đèn đóm nóng rực, Chris nhìn Denings khi ông đang văng tục tưới hột sen lên đầu một anh chàng chạy hiệu không may, rồi sau đó mặt mày ông hí hửng trông thấy. Có vẻ như ông ta lấy làm khoái vì cái nết kỳ quặt trái tính của mình. Vậy mà ở một thời điểm nào đó lúc đang nốc rượu, Chris quá rỏ, ông thường bất ngờ nổi giận đùng đùng, và nếu như tình cờ lúc đó lại là ba, bốn giờ sáng, ông ta liền gọi điện thoại cho các nhân vật tai to mặt lớn rồi nhục mạ họ thậm tệ chỉ vì những lời khiêu khích con con chẳng đáng chi. Chris nhớ lại vụ một giám đốc phim trường. Ông này chỉ có mỗi một tội là trong một lần quay phim, ông có nhẹ nhàng bình luận rằng đôi tay áo sơmi của Dennings trông hơi sờn, thế là Dennings liền đánh thức ông ta dậy lúc 3 giờ sáng để gọi ông ta là "thằng cù lần mặt l.." con của một "lão dở điên dở khùng"! Thế rồi ngày hôm sau, ông cứ vờ như bị chứng mất trí nhớ và mặt mày cứ tươi hơn hớn vì khoái trá khi những kẻ bị ông nhục mạ thuật lại chi tiết những điều ông đã làm. Dù vậy, nếu cái gì ông thấy khoái, ông vẫn cứ nhớ được như thường. Mỉm cười, Chris nhớ lại cái đêm mà ông đập nát cả dãy văn phòng của phim trường trong cơn giận hoảng vô tâm và được nung đốt bằng men rượu gin, và thế nào sau đó, khi đối diện với bảng hoá đơn liệt kê chi tiết từng món cùng các tấm ảnh Polaroid ghi lại toàn vẹn sự thiệt hại, ông ranh mãnh gạt các món đó qua một bên với nhận xét "toàn là đồ bịa đặt, sự thiệt hại còn tồi tệ hơn thế xa lắc tí tè!" Chris không tin Dennings uống rượu vì nghiện hay vì một vấn đề tuyệt vọng nào, mà đúng hơn ông ta uống vì thiên hạ tin rằng ông ta như vậy: ông sống cho đúng với huyền thoại của chính mình.

À mà, nàng suy nghĩ, ta đoán đây cũng là một thứ bất tử đây.

Nàng ngoái lại nhìn người tu sĩ Dòng Tên lúc nãy vừa mỉm cười. Ông đang bách bộ ở đàng xa, đầu cúi thấp, chán chường, như một áng mây đen cô độc đang tìm kiếm một cơn mưa.

Nàng không bao giờ ưa nổi mấy tu sĩ. Họ quá tự tin. Quá an nhiên. Vậy mà người tu sĩ này...

" Sẵn sàng chưa, Chris ?" Dennings hỏi.

" Vâng, sẵn sàng"

" Tốt, tuyệt đối yên lặng!" Viên phụ tá đạo diễn lên tiếng.

" Chuẩn bị quay." Burke phát lệnh.

" Tốc độ."

" Bắt đầu!"

Chris chạy lên bậc cấp giữa tiếng hoan hô của các vai phụ, còn Dennings ngắm nàng tự hỏi không biết nàng đang nghĩ gì. Nàng đã bỏ qua cuộc tranh luận quá sức mau. Ông ném một tia nhìn ý nhị về phía chuyên viên đối thoại, anh này riu ríu bước đến bên ông trình lên một kịch bản mở sẵn, giống như một đứa trẻ giúp lễ dâng sách kinh lên cho vị thầy cả trong buổi lễ trọng.

Họ làm việc trong ánh nắng gián đoạn. Lúc bốn giờ, mây vần vũ kéo đến nhuộm đen cả bầu trời, phụ tá đạo diễn cho đoàn phim giải tán.

Chris đi bộ về nhà. Nàng mệt mỏi. Tại góc đường Ba Mươi Sáu và đường O, nàng dừng lại cho chữ ký một anh bán hàng tạp hoá người Ý sồn sồn lúc anh ta đứng ở cửa hiệu chào đón nàng. Nàng viết tên nàng và dòng chữ "Gửi Đến Bạn Những Lời Chúc Nồng Hậu Và Tốt Đẹp Nhất" lên một túi giấy màu nâu. Lúc đứng chờ qua đường, nàng liếc chéo sang con phố về phía một giáo đường Công giáo. Giáo đường Thánh gì gì đó. Giáo đường này do các linh mục Dòng Tên cai quản. Nàng nghe nói John F. Kennedy đã làm lễ hôn phối với Jackie tại đó. Tổng thống thường đến xem lễ ở đó. Nàng cố tưởng tượng ra cảnh họ: Tổng thống John F. Kennedy giữa các nến đèn tạ và các bà già nhăn nheo, kính tín. John F. Kenney cuối đầu cầu nguyện: Tôi tin... một tình hình hoà dịu với người Nga: tôi tin, tôi tin... Appolo IV giữa tiếng lần tràng hạt loạt soạt: tôi tin... sự sống lại và sự sống đời đời.

Đúng rồi. Đúng nó rồi. Đúng là cái điều đã nắm bắt chiếm đoạt lấy ta đây!

Nàng cứ nhìn lúc một xe tải chở bia rầm rập chạy qua với tiếng lanh canh của những lời hứa hẹn nồng nàn, ướt át.

Nàng qua đường. Lúc nàng thả dốc xuống phố O và đi qua thành đường của ngôi trường tiểu học, một linh mục từ phía sau sấn sổ vượt qua nàng, hai tay ông ta thủ trong túi áo gió bằng ni lông. Còn trẻ. Rất căng thẳng. Râu ria tua tủa. Dấn lên phía trước mặt, ông ta rẽ phải, ngoặc vào một ngõ mở vào sân sau của ngôi nhà thờ.

Chris dừng lại bên ngỏ đó, nhìn vị linh mục, tò mò. Hình như ông ta đang đi đến một túp nhà nhỏ sơn trắng. Một cánh cửa lùa cũ kỹ "kịch" mở và lại thêm một linh mục khác ra. Ông này có vẻ ủ dột, bứt rứt lắm. Ông gật đầu cộc lốc về phía người trẻ tuổi, và đôi mắt cứ cúi gầm, ông di chuyển lẹ làng đến cánh cửa dẫn vào bên trong giáo đường. Lại một lần nữa, cánh cửa túp nhà nhỏ từ bên trong mở ra. Lại một linh mục nữa. Hình như - À, đúng rồi, chính là người tu sĩ đã cười lúc Burke văng tục đây mà! Duy có điều lúc này, trông ông thật nghiêm túc khi khẽ chào người mới đến. Tay ông quàng vai người trẻ tuổi trong một cung cách dịu dàng và ít nhiều giống như của một người cha. Ông đưa người trẻ vào bên trong và cánh cửa lại đóng lại với một tiếng "kít" khe khẽ .

Chris nhìn đăm đăm xuống giày nàng. Nàng bối rối. Họ làm gì vậy kìa? Nàng thắc mắc không hiểu có phải các tu sĩ Dòng Tên ấy đến xưng tội hay không.

Có tiếng sấm rền rĩ. Nàng ngước nhìn trời. Mưa chăng? Mấy tia chớp cắt ngang dọc khung trời ở phía xa.

Nàng kéo cổ áo choàng rồi thong thả đi tiếp. Nàng những mong trời sẽ mưa như trút nước.

Một phút sau, nàng đã về đến nhà rồi. Nàng lao ngay vào phòng tắm. Xong, nàng xuống bếp.

" Chào Chris, mọi chuyện ra sao?"

Một kiều nữ tóc vàng tuổi đôi mươi đang ngồi ở bàn, Sharon Spencer. Tươi mát. Quê ở Oregon. Suốt ba năm gần đây, cô là gia sư của bé Regan và là thư ký riêng cho Chris.

" Ồ, thì cũng ba cái thứ rác rưởi thường lệ." Chris thơ thẩn đến bên bàn, bắt đầu lựa chồng thư tín. " Có gì hấp dẫn không?"

" Chị có muốn đi dự dạ tiệc ở Toà Bạch Ốc tuần tới không ?"

" Ồ, tôi cũng chả biết nữa. Cô thấy muốn làm gì đây?"

" Ăn kẹo cho đến bịnh luôn!"

Chris cười. " À này, Rags đâu rồi ?"

" Trong phòng giải trí dưới nhà ."

" Làm gì?"

" Điêu khắc. Đang nặn một con chim, em nghĩ vậy. Để tặng chị."

" Ừ, tôi cũng cần một con thật," Chris thì thầm. Nàng đến bên bếp lò, rót một tách cà phê nóng. " Cô có đùa với tôi về vụ dạ tiệc không đấy ?" Nàng hỏi.

" Không đâu, dĩ nhiên là không," Sharon đáp. " Họ mời vào tối thứ Năm."

" Tiệc to chứ ?"

" Không, em đoán chỉ có năm, sáu người gì đó thôi."

" Không phải giỡn chơi thật rồi!"

Nàng hài lòng, nhưng chẳng có gì ngạc nhiên. Thiên hạ khoái kết thân với nàng: cánh tài xế tắc xi, các thi sĩ, quý vị giáo sư, các ông hoàng. Họ khoái nàng vì khoản nào mới được chứ? Cuộc sống chăng? Chris ngồi xuống bàn. " Chuyện học hành ra sao ?"

Sharon đốt một điếu thuốc, nhăn mặt. "Lại đâm ra kém toán trở lại."

" Ủa, quái nhỉ, thế thì lạ thật."

"Em biết, là môn tủ của con bé mà." Sharon nói.

" Ôi chào, cái thứ "tân toán học" này. Tôi cũng chẳng tính toán nỗi ba cái mớ tiền lẻ trả xe buýt nếu như... "

" Kìa, Mẹ !"

Cô bé đang nhảy chân sáo qua cửa, đôi tay thon thả dang rộng. Tóc thả đuôi ngựa. Khuôn mặt sáng láng, dịu dàng, đầy vết tàn nhang.

" Chào cô, cô con gái hư!" Chris ôm chầm lấy con gái, siết chặt, rồi hôn chùn chụt liên hồi lên má con. Nàng không cưỡng nỗi cơn lũ yêu thương dào dạt. Rồi nàng đẩy Regan ra, quan sát thật kỹ khuôn mặt con. " Hôm nay con làm gì nào? Có gì lý thú không ?"

" Ôi chào, công việc ấy mà."

" Mà công việc gì chứ ?"

" Ừ, để con xem nào." Cô bé kê đầu gối mình lên đầu gối mẹ, lắc lư tới lui. " À, phải rồi, con mắc học."

" À há !"

" Rồi con vẽ."

" Vẽ gì ?"

" Chà, thì vẽ hoa, mẹ biết không? Hoa cúc ấy. Tuyền màu hồng. Với lại - à, đúng rồi vẽ ngựa này" Con bé chợt phấn khích, mắt mở to. " Cái ông có một con ngựa, mẹ biết không, ở dưới mé sông ấy? Chúng con đang đi tản bộ, mẹ thấy không, thì con ngựa này trờ tới, nó đẹp quá. Chà, mẹ ơi, lẽ ra mẹ nên gặp nó, rồi ông ấy còn cho con cỡi ngựa nữa. Thật đó! Ý con muốn nói là con đã ngồi trên ngựa thật sự suốt một phút đấy!"

Chris nheo mắt với Sharon với vẻ thích thú kín đáo. " Chàng chứ gì?" Nàng nhướng một bên mày, ra dáng hỏi thế. Khi di chuyển đến Washington để quay bộ phim, người thư ký tóc vàng, kẻ mà giờ đây thực tế đã là người nhà, đã từng chung sống trong ngôi nhà này tại một phòng ngủ trên lầu. Cho đến ngày cô gặp chàng "kỵ mã" ở một tàu ngựa lân cận. Thế là Chris quyết định rằng Sharon cần có một chỗ ở riêng tư và nàng đã di chuyển cô ta đến một phòng khách sang trọng và nhất quyết dành phần đài thọ mọi phí tổn đó.

"Chính chàng." Sharon mỉm cười để trả lời Chris.

"Nó là một chú ngựa xám." Regan nói thêm. " Mẹ à, ta không thể mua một con ngựa được sao? Con định nói là ta có thể mua một con chứ mẹ ?"

" Ta sẽ tính, bé con của mẹ."

" Khi nào thì con có ngựa riêng được ?"

" Để rồi ta xem. Con chim con đang nặn đâu rồi ?"

Regan có vẻ lúng túng một lúc, rồi quay lại phía Sharon cười toe tóet, miệng đầy những chiếc kẹp ngàm răng, và đầy vẻ trách móc e lệ. " Cô mách ấy nhé." Rồi cô bé cười khúc khích với mẹ. " Con muốn dành cho mẹ một ngạc nhiên mà."

" Thế con muốn... "

" Với một cái mũi dài ngộ nghĩnh, như mẹ muốn!"

" Ôi, Rags, thế thì tuyệt quá. Mẹ nhìn qua nó một chút được không?"

" Không được, con còn phải sơn đã chứ. Bao giờ mới ăn cơm đây mẹ?"

“Đói hả?"

" Đói muốn chết."

" Hừ, mới chưa đầy năm giờ. Thế ăn trưa lúc nào?" Chris hỏi Sharon.

" Đâu khoảng mười hai giờ gì đó." Sharon đáp.

" Bao giờ Willie và Karl mới về ?"

Nàng đã cho họ được nghỉ ngơi buổi chiều.

" Chắc phải bây giờ," Sharon đáp.

" Mẹ à, hay ta đi ra tiệm Hot Shoppe đi mẹ ?" Regan năn nỉ. " Được không mẹ?"

Chris nhấc bàn tay con gái lên, cười âu yếm rồi hôn tay con. " Chạy ngay lên lầu mặc quần áo, rồi ta đi."

" Ôi, mẹ đáng yêu quá!"

Regan chạy bay biến.

" Cưng ạ, nhớ mặc áo dài mới ấy nhé!" Chris dặn với theo con gái.

" Chị có muốn nghe một tin sốt dẻo không ?" Sharon đăm chiêu hỏi.

" Một đề nghị à?"

Chris với lấy xấp thư tín, bắt đầu lãng đãng lựa lọc giữa những nội dung ca tụng viết rất tháo.

" Chị có nhận lời không ?" Sharon hỏi.

" Với đầu óc tôi đang rối tinh như thế này ấy à? Với bao nhiêu thứ phải thuộc lòng ấy à?"

" Đúng vậy."

" Xin miễn."

" Cứ nghĩ kỹ đi."

" Tôi đang nghĩ đây." Chris nhặt lấy một kịch bản với bức thư cặp ngoài bìa trước. Jarris đây. Người đại diện của nàng. " Tôi nghĩ là tôi đã dặn họ là không có kịch bản kịch biết gì lúc này nữa hết."

" Chị nên đọc qua kịch bản ấy đi." Sharon nói.

" Lại thế nữa sao?"

" Vâng em vừa đọc sáng nay xong."

" Tạm được chứ ?"

" Tuyệt vời."

" Và tôi phải đóng vai một nữ tù bỗng khám phá ra mình mắc bệnh đồng tính luyến ái, đúng không?"

" Không, chị chẳng phải đóng vai gì cả."

" Cô đang nói cái quái gì thế, hở Sharon? Cô cười gì vậy?"

" Họ muốn chị làm đạo diễn cơ". Sharon rụt rè bật ra câu đáp cùng với dòng khói thuốc lá.

" Cái gì?"

" Cứ đọc bức thư đi!"

" Lạy Chúa. Shar, cô cứ đùa dai hoài!"

Chris vồ lấy lá thư bằng đôi mắt ham hố, ngốn từng cụm từ trong từng ngoạm lớn một "... kịch bản mới ... ba lớp cảnh... phim trường muốn ngài Stephen Moore... nhận vai với điều kiện."

" Tôi đạo diễn lớp cảnh có ông ấy diễn xuất."

Chris tung hê đôi tay, bật lên một tiếng kêu sung sướng. Thế rồi nàng đưa cả hai tay ấp lá thư ấy lên ngực. "Ôi, Steve, anh thật là một thiên thần, anh đã nhớ tới." Anh đã từng làm phim ở Phi Châu. Say nhừ tử. Ngồi trên những cái ghế của lều trại. Nhìn ngày tàn phai trong sự vắng lặng bàng hoàng. " Hừ, tuồng tích gì chỉ rặt thứ bá láp! Steve ạ, đối với diễn viên, đó chỉ là thứ rác rưởi!" " Ồ, tôi lại thích cơ đấy!" "Rặt thứ rác rưởi!Anh không biết trong cái nghề này người ta nhăm nhe vào cái gì à? Đạo diễn" " Ồ, phải " "Thế thì anh phải làm một cái gì đó, một cái gì đó là của anh, ý tôi muốn nói là một cái gì sẽ sống mãi!" " Ừ, vậy thì cô làm đi" " Tôi đã cố, nhưng họ có chịu mua cho đâu." " Sao lại không?" " Thôi mà, anh cũng biết là tại sao rồi đó: họ không nghĩ là tôi làm nổi?" Những hồi ức ấm áp. Nụ cười thật hồn hậu. Ôi, Steve thân yêu.

" Mẹ ơi, con không thấy cái áo dài đâu hết!" Regan ở trên lầu gọi vọng xuống.

" Trong tủ quần áo ấy!" Chris trả lời con.

" Con xem rồi!"

" Mẹ lên ngay đây, chờ chút xíu". Chris gọi với lên. Nàng xem xét kịch bản giây lát. Rồi từ từ ỉu xìu, " Ra cái kịch bản này cũng là thứ rác rưởi thôi."

" Này chị! Em nghĩ là kịch bản ấy được lắm."

" Mẹ?"

" Mẹ lên đây."

Chris uể oải đứng lên. " Có hẹn hò hở, Shar?"

" Vâng."

Chris chỉ mở thư từ." Vậy thì cô cứ đi đi. Đến sáng ta giải quyết mớ giấy má này cũng được."

Sharon đứng lên.

" Khoan đợi chút đã," Chris đính chính, nàng chợt nhớ đến điều gì đó. " Có bức thư cần phải gửi đi tối nay."

" Vâng". Người thư ký với tay lấy tập giấy.

" Mẹee... " Tiếng than vãn đầy nóng nảy.

" Đợi tôi lên với con bé chút xíu", Chris bảo Sharon. Nàng bắt đầu rời nhà bếp, nhưng dừng lại lúc Sharon nhìn đồng hồ tay.

" Chà, đã đến giờ em ngồi thiền rồi. Chris ạ." Cô thư ký nói.

Chris nhìn kỹ cô gái với vẻ bực bội câm nín. Suốt sáu tháng qua. Nàng đã quan sát cô thư ký của mình bỗng trở nên một kẻ mưu tìm sự thanh tịnh. Câu chuyện bắt đầu ở Los Angeles với thuật tự thôi miên, kế đó là phó mình cho những lời kinh tiếng kệ của nhà Phật. Trong vài tuần lễ cuối cùng lúc Sharon còn cư ngụ ở căn phòng trên lầu, ngôi nhà nồng nàn mùi hương khói cùng những tiếng tụng đều đều, vô hồn " Nam mô A di đà Phật" ( "chị xem, chỉ cần tụng đều câu đó thôi, chị sẽ đạt được mọi điều sở cầu... ") vang vọng vào những thời điểm trái khoáy nhất, thường là vào những lúc Chris đang nghiền ngẫm vai tuồng của nàng. " Chị cứ vặn tivi lên", có lần Sharon đã độ lượng bảo với bà chủ như vậy vào lúc cô tụng kinh. " Không hề gì đâu. Em có thể tụng niệm giữa đủ loại tiếng động. Điều đó không quấy rầy em chút nào hết." Vậy ra đó là sự quán tưởng siêu thoát.

" Ra cô thực tâm cho rằng cái món ấy sẽ giúp ích được cho cô sao?" Chris ơ thờ hỏi.

" Thiền định mang lại cho em sự thơ thới trong tâm hồn", Sharon đáp.

" Phải", Chris nói khô khốc. Nàng quay chỗ khác và chúc cô gái ngủ ngon. Nàng không nói gì về vụ lá thư kia, và lúc rời bếp, nàng thầm thì "Nam mô A di... "

" Cứ tụng đều như thế mười lăm, hai mươi phút", Sharon bảo, " có lẽ sẽ có tác dụng tốt đối với chị."

Chris dừng bước, đắn đo tìm một câu đáp dè dặt nhưng rồi lại thôi. Nàng lên thang gác, đến phòng ngủ của Regan, lại ngay tủ quần áo. Regan đang đứng ngay giữa phòng, nhìn trân trân lên trần nhà.

" Có chuyện gì vậy?" Chris hỏi con, vừa tìm chiếc áo dài. Đó là một chiếc áo bằng cô-tông màu lam nhạt. Nàng mới mua nó tuần trước và nhớ là đã máng nó trong tủ.

" Những tiếng động kỳ lạ" Regan đáp.

" Mẹ biết rồi. Nhà ta có lắm bạn."

Regan nhìn mẹ, "Hở?"

" Lũ sóc, con ạ, lũ sóc trên rầm thượng." Con gái nàng dễ buồn nôn và rất hãi chuột. Cả lũ chuột nhắt cũng làm nó chết khiếp.

Cuộc săn tìm chiếc áo tỏ ra vô hiệu quả.

" Mẹ thấy chưa, cái áo đâu có trong đó."

“Ừ, phải. Chắc Willie nhặt nó đi luôn với mớ đồ giặt rồi."

"Nó biến mất rồi."

" Ừ thôi, con mặc chiếc áo màu xanh biển đi. Cũng đẹp chán."

Hai mẹ con ra hiệu Hot Shoppe. Chris dùng một món rau trộn, còn Regan ăn súp, bốn ổ bành mì, thịt gà rán, một ly sữa sóc sô-cô-la, một miếng rưỡi bánh đậu và kem cà phê. Không biết con bé chứa các thứ đó vào chỗ nào. Chis âu yếm tự hỏi, trong hai cổ tay nó chăng? Con bé thanh mảnh như một niềm hy vọng phù du.

Chris đốt một điếu thuốc lúc uống cà phê và nhìn qua cửa sổ bên phải nàng. Con sông tối đen và lặng lờ, chờ đợi.

" Một bữa ăn thật là tuyệt, mẹ ạ."

Chris quay sang con gái, và như thường lệ, nàng nín thở mà từng trải lại cái cảm giác đau đớn khi nhìn thấy hình ảnh của Howad trên khuôn mặt Regan. Do ảnh hưởng của góc sáng tạo nên. Nàng thả rơi tia nhìn xuống khai ăn của Regan.

" Định thôi món bánh hả?" Chris hỏi con.

Regan nhìn xuống, " Con đã ăn kẹo rồi".

Chris dụi điếu thuốc lá và cười khúc khích. " Ta đi thôi."

Hai mẹ con về nhà trước bảy giờ. Willie và Karl cũng đã về trước đó. Regan phóng nhanh xuống phòng giải trí dưới hầm nhà, hăng hái hoàn tất bức tượng tặng mẹ. Chris vào bếp lấy kịch bản. Nàng thấy Willie đang đun cà phê, bình cà phê mở ngỏ, thô kệch. Chị ta có vẻ bực dọc, ủ rũ.

" Ủa, Willie, thế nào? Đi chơi vui vẻ chứ?"

" Đừng hỏi." Chị ta bỏ thêm một quả trứng và một nhúm muối vào cái chất đang sôi bùng bục trong bình kia. Hai vợ chồng đi xem phim, Willie giải thích. Chị ta muốn xem phim có ban nhạc Beatles, còn Karl thì nhất định đòi xem một phim nghệ thuật nói về Mozart. " Thật kinh khủng". Chị ta cố nén giận lúc vặn thấp ngọn lửa. " Cái lão ngốc nghếch ấy."

" Rất tiếc về chuyện đó", Chris kẹp tập kịch bản dưới cánh tay. " À, Willie, chị có thấy chiếc áo dài tôi vừa sắm cho Rags tuần trước không? Cái áo cô-tông màu lam ấy?"

" Có, tôi thấy nó trong tủ quần áo của em ấy. Sáng nay."

" Thế trước đó chị cất nó ở đâu?"

" Nó ở đó."

" Chắc chị đã không nhầm lẫn thu nó đi luôn với mớ đồ giặt đấy chứ?"

" Nó ở đó mà."

" Trong mớ đồ giặt ấy à?"

" Trong tủ".

" Không, không có trong tủ. Tôi xem rồi."

Định mở miệng nói Willie lại mím chặt môi, cau có nhìn ấm cà phê. Karl vừa bước vào trước đó.

" Chào bà chủ". Anh đi lại phía bồn rửa chén, lấy một ly nước lạnh.

" Anh đã đặt mấy bẫy chuột đó chưa?". Chris hỏi.

" Đâu có chuột."

" Anh đã đặt bẫy chưa?"

" Dĩ nhiên tôi đã đặt rồi, nhưng rầm thượng sạch boong."

" Nào, nói tôi nghe, Kal, xem phim ra sao?"

" Lý thú lắm ạ." Tấm lưng của anh ta, cũng như khuôn mặt, là một sự trống rỗng quả quyết.

Chris bắt đầu rời bếp, vừa hát khe khẽ một ca khúc đã nổi tiếng nhờ ban Beatles. Nhưng rồi nàng quay lại.

" Anh có gặp khó khăn gì khi tìm mua bẫy chuột không, Karl."

" Không, chẳng chút khó khăn gì."

" Vào lúc sáu giờ sáng?"

" Chợ bán suốt đêm mà."

Chúa ơi!

Chris thưởng thức một cái tắm xa hoa và rõ lâu. Khi đến tủ quần áo trong phòng ngủ của mình, nàng tìm thấy chiếc áo bị lạc mất của Regan. Nó nằm nhúm nhó một đống trên sàn tủ.

Chris nhặt chiếc áo lên. Có chuyện gì ở đây vậy kìa? Lấy nhãn hiệu vẫn còn đính trên áo. Trong một lúc, Chris hồi tưởng lại . Rồi nàng nhớ ra cái hôm mua chiếc áo dài đó, nàng còn sắm thêm hai, ba món gì đó nữa cho riêng nàng. Chắc là ta cất chúng một lượt với nhau cũng nên.

Chris mang chiếc áo vào phòng ngủ Regan, mắc vào một mắc áo rồi treo lên giá. Nàng nhìn tủ quần áo của Regan. Đẹp. Những quần áo đẹp. Đúng rồi, Rags, con hãy nhìn đây, chứ đừng nhìn tới chỗ bố con, ông ấy có bao giờ viết thư đâu.

Lúc từ tủ quần áo quay ra, nàng vấp ngón cái vào chân chiếc tủ ngăn kéo. Chúa ơi, đau quá! Lúc nhấc bàn chân lên và xoa bóp ngón chân đau, nàng nhận thấy chiếc tủ đó đã lệch khỏi chỗ cũ khoảng một thước. Bảo sao mà mình chẳng bị vấp. Chắc là Willie đẩy ra để hút bụi đây mà.

Nàng đi xuống văn phòng với tập kịch bản của người đại diện gửi tới.

Không giống như phòng khách vĩ đại với những cửa sổ lớn và phong quang, văn phòng tạo cảm giác chen chúc của những lời thì thầm, của những điều bí mật giữa các ông chú, ông bác giàu có. Một lò sưởi bằng gạch nhô lên cao, phòng ốp toàn gỗ sồi, những thanh gỗ ngang dọc cho ta cảm tưởng đã có thời nó là một chiếc cầu rút. Vài món trong phòng gợi lên vẻ hiện đại được thêm thắt vào là quầy rượu, vài chiếc ghế màu sáng, một tấm thảm da beo của riêng Chris được trải trên sàn gỗ thông cạnh lò sưởi, nơi lúc này nàng đang nằm soải người, đầu và vai chống lên phía trước một chiếc trường kỷ êm ái.

Nàng lại nhìn bức thư của người đại diện. Kịch bản gồm ba phân đoạn, mang tên: Đức Tin, Sự Hy Vọng, Lòng Bác Ái, mỗi phân đoạn có thành phần diễn viên riêng và đạo diễn riêng. Phân đoạn của nàng là Sự Hy Vọng. Nàng thích cái ý tưởng ấy. Và nàng thích cả tựa phim nữa. Có lẽ hơi nhàm chán, nàng nghĩ, nhưng tao nhã.

Tiếng chuông cửa ngân vang. Burke Dennings rồi. Là một người cô độc, ông ta thường ghé đây. Chris cười buồn, lắc đầu lúc nghe ông ta lẩm bẩm văng tục với Karl, người mà ông ta có vẻ ghét bỏ và không ngừng trêu chọc.

" Ôi, chào cô, cho cái gì uống đi". Ông cau có đòi hỏi, vừa bước vào phòng và ra thẳng quầy rượu, mắt ngoảnh đi chỗ khác, hai tay thủ trong chiếc áo mưa nhăn nhúm. Ông ngồi trên một ghế đẩu cạnh quầy rượu, bực tức mắt láo liên, thoáng vẻ chán ngán.

" Lại đi hoang đàng nữa đây phải không?" Chris hỏi.

" Cô muốn nói cái quỷ gì vậy?", ông khịt mũi. " Thì cái bản mặt anh lại trông ngộ nghĩnh cứ y như kỳ đó", nàng đã thấy khuôn mặt đó một lần hồi họ đi đóng phim ở Lausanne. Đêm đầu tiên ở đó, tại một khách sạn đạo mạo nhìn ra hồ Genève, Chris cứ thao thức không sao ngủ được. Lúc 5 giờ sáng, nàng phóng xuống giường, quả quyết mặc quần áo đi xuống kiếm cà phê uống hay tìm ai cho có bạn. Lúc đứng đợi thang máy ngoài hành lang, nàng nhìn ra cửa sổ, trông thấy ông đạo diễn đang thả bộ dọc bờ hồ, dáng điệu cứng nhắc, hai tay thủ kỹ trong túi áo khoác chống với cái lạnh mùa đông buốt cóng. Lúc xuống đến hành lang khách sạn thì ông đang đi vào. " Chả thấy bóng một "em út" nào cả!" Ông dấm dẳn nói, đi ngang qua nàng, mặt cúi gầm. Thế rồi ông vào thang máy đi lên ngủ tiếp. Về sau, lúc nàng cười cợt nói đến chuyện đó, vị đạo diễn nổi cơn thịnh nộ buộc tội nàng là đã phao truyền "những ảo giác lố bịch", mà thiên hạ "cả tin chỉ vì cô là một ngôi sao". Ông còn miệt thị nàng là "đồ điên rồ như trôn đĩ ấy", nhưng sau đó lại dịu giọng giải thích, nhằm vuốt ve lòng tự ái của nàng, rằng "có lẽ" nàng đã trông lầm ai ra Dennings đấy thôi. " Xét cho cùng", ông ta còn phân bua ngay lúc đó, " thì ông cố ông sơ gì của tôi không hẹn mà lại từng ở Thụy Sĩ cơ đấy".

Chris ra sau quầy rượu, nhắc cho ông nhớ biến cố đó. "Ôi thôi, đừng có dở hơi lắm nữa!" Dennings quát: "Sự thật là tôi phí suốt cả buổi tối trà chết tiệt, một buổi uống trà với các quý giáo sư đại học!"

Chris nghiêng người trên quầy. " Anh vừa uống trà xong à?"

" Đúng, cứ việc mà cười nữa đi!"

Nàng nói khô khốc: "Vậy ra anh đã say nhừ tử vì trà với mấy ông tu sĩ Dòng Tên cơ đấy."

" Không phải, các tu sĩ Dòng Tên không bao giờ say sưa cả."

" Họ không uống rượu chăng?"

" Cái đầu của cô đã hoá điên rồi sao?" Ông la lối. "Bọn họ uống như hủ chìm ấy. Tôi chưa hề thấy ai lại có tửu lượng cao đến như vậy!"

" Nào, nào, giữ mồm giữ miệng hộ chút đi, Burke! Còn Regan nữa đấy."

" Ừ, Regan", Dennings thì thào. "Rượu tôi đâu?"

"Anh làm ơn cho tôi biết anh làm cái giống gì ở các buổi uống trà trí thức ấy được chứ?"

" Chỉ là chuyện xã giao chó chết, một chuyện rồi chính cô cũng phải làm."

Chris trao cho ông ta một ly gin có đá.

" Chúa ôi, cứ nghĩ đến cái chúng ta bôi bác bẩn thỉu cả sân trường đại học của họ", nhà đạo diễn lẩm bẩm, vẻ kính tin, ly rượu trên môi. " Ừ đúng, cứ việc cười nữa đi. Cô thì chỉ được có nước đó, cười cợt và phô phang cái mông đít ra."

" Tôi chỉ mỉm cười thôi."

" Hừ, thì cũng phải có người làm trò phô trương cho đến chi chứ."

" Đã bao lần anh văng cái tiếng "đ... " của anh ra rồi hả, Burke?"

" Ôi, cưng, đừng có tàn nhẫn thế chứ", ông khẽ trách nàng: "Bây giờ nói coi, cô làm sao vậy?"

Nàng trả lời bằng một cái nhún vai chán chường.

" Cô nản hả? Nào nói tôi nghe."

" Tôi chả biết."

" Nói cho chú cô nghe đi."

" Cứt họ, chắc tôi phải làm một ly", nàng nói, với tay lấy một chiếc ly.

" Đúng, rượu giúp ích cho bao tử. Nào, nói đi, chuyện gì vậy?"

Nàng thong thả rót vốt ka. "Có bao giờ anh nghĩ đến cái chết chưa?"

" Cái gì?"

" Chết", nàng ngắt lời. " Có bao giờ nghĩ đến điều đó chưa? Buke? Nó có ý nghĩa gì? Tôi muốn nói là nó thực sự có ý nghĩa ra sao?"

Hơi bực mình, ông đáp. " Tôi chẳng biết. Không, tôi không biết đâu. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đó cả. Tôi chỉ thực hiện nó thôi. Hà cớ quái gì cô lại đưa chuyện đó ra?"

Nàng nhún vai, "tôi không biết."

" Phải... phải... " nàng nói chữa. " À, sáng nay... không hiểu sao tôi lại nghĩ đến điều đó... như một giấc mơ... rồi thức giấc. Tôi cũng muốn nói là, tôi cũng không biết nữa, tự nhiên tư tưởng ấy bủa lấy tôi... cái chết có ý nghĩa thế nào. Tôi muốn nói đến cái chung cuộc - sự chung cuộc - cứ như tôi chưa hề nghe nói đến điều ấy bao giờ... "Nàng lắc đầu: "Ôi Chúa, cái điều ấy quả cứ ám ảnh tôi! Tôi có cảm giác như mình rơi khỏi một hành tinh chết bầm nào đó với vận tốc hàng triệu dậm một giờ."

" Toàn chuyện rác rưởi đâu không. Sự chết là một niềm an ủi" Dennngs khịt khịt mũi.

" Với tôi thì không, Charlie ạ."

" Ồ, người ta sống qua con cái của họ."

" Thôi dẹp đi. Con tôi không phải là tôi."

" Đúng, tạ ơn Trời. Một mình là quá đủ rồi."

" Tôi muốn nói là anh hãy nghĩ đến điều ấy, Burke ạ! Không hiện hữu mãi mãi. Thật là... "

" Trời đất ơi! Tuần tới đây cô cứ việc chưng cái mông của cô ra ở buổi uống trà trường đại học, có lẽ mấy ông tu sĩ đó có thể an ủi được cô đấy."

Ông giằn cái y đánh "rầm" lên bàn. "Làm ly nữa đi."

" Anh biết không, tôi không biết là họ uống rượu đấy."

"Ừ, thì cô ngốc."

Mắt ông đờ đẫn hẳn. Phải chăng ông ta đã đi đến chỗ không còn quay lại được nữa? Chris thắc mắc. Nàng có cảm tưởng là nàng đã làm ông chạm nọc. Có đúng thế không?

" Họ có đi xưng tội không?" nàng hỏi ông.

" Rượu đâu?"

" Làm chút cà phê nhé?"

" Đừng có ngu ngốc. Tôi muốn uống rượu nữa."

" Uống cà phê đi."

" Bảo nghe, nào. Một ly cuối cùng rồi lên đường."

" Uống loại Lincoln Highway hé?"

" Thứ đó dở tệ, tôi thù ghét những thứ uống tồi tệ. Nào, mẹ kiếp, rót đi!", ông đẩy chiếc ly qua quầy rượu và nàng rót thêm gin vào đó.

" Tôi nghĩ có lẽ tôi nên mời vài kẻ trong đám họ đến đây."

" Mời ai?"

" Ồ, bất cứ ai." Nàng nhún vai. " Mấy ông tai to mặt lớn, anh biết rồi đấy, mấy ông linh mục chứ còn ai."

" Rồi họ sẽ chẳng chịu bỏ đi đâu, họ là một lũ cướp đoạt khốn kiếp mà." Ông nói nhừa nhựa, vừa nốc rượu ừng ực.

Chà, anh ta sắp nổi khùng lên rồi! Chris nghĩ thế và liền thay đổi đề tài, nàng giải thích về vụ kịch bản và dịp may sắp được đạo diễn phim.

" Ừ, tốt", Dennings lẩm bẩm.

" Tôi sợ quá."

" Ồ, chỉ nói tầm xàm. Em bé ơi, cái trò trong nghề đạo diễn là làm sao tạo cho cái công việc chó chết đó một vẻ như là khó khăn lắm vậy. Hồi mới làm đạo diễn lần đầu, tôi có biết mô tê gì đâu, thế mà bây giờ tôi đã như thế này rồi, cô xem. Chỉ là trò con nít"

" Burke, xin thú thật với anh, lúc này họ đã mời tôi làm đạo diễn rồi đó, thế mà thật sự tôi cũng chưa dám chắc là mình có đạo diễn được bà ngoại tôi băng qua đường không nữa đây. Tôi muốn nói đến mặt kỹ thuật ấy."

" Ối chào, cứ vất hết các thứ đó cho người biên tập, cho người quay phim và thư ký phim trường, cưng ạ. Cứ chọn những người giỏi và họ sẽ đưa cô đến thành công. Điều quan trọng là biết sử dụng đào kép, và thế là cô trở nên tuyệt vời, đúng là tuyệt vời trong công việc đó. Chẳng những cô có thể bảo họ cách di chuyển và đọc lời đối thoại, mà cô còn dư khả năng biểu diễn cho họ xem nữa. Hãy nhớ lại tài tử Paul Newman và phim Rachel, phim Rachel đấy nhé, và chớ có hoảng lên như thế."

Nàng vẫn còn vẻ hoài nghi. " Chà, về cái món kỹ thụật này", nàng lo âu. Dù say hay tỉnh, Dennings vẫn là nhà đạo diễn ưu tú nhất trong nghề. Nàng cần được ông khuyên bào.

" Chẳng hạn?" Ông hỏi nàng.

Trong ngót một tiếng đồng hồ, nàng dọ dẩm đi vào các điểm rắc rối, các gút mắc đến tận cùng chi tiết. Các dữ kiện thì dễ dàng tìm thấy trong các sách giáo khoa rồi, nhưng nàng lại không có đủ kiên nhẫn để đọc sách. Thay vào đó nàng đọc chính con người. Bản tính ưa tra hỏi, nàng khai thác con người, vắt họ kiện cạn để tìm hiểu. Nhưng sách vở thì không thể nào vắt ép được. Sách vở cứ trơn tuột như lươn. Sách cứ bảo "Tuy nhiên" với lại "rõ ràng là" trong khi chúng chẳng rõ ràng tí nào, thế mà mớ văn chương quanh co uẩn khúc lại chẳng bao giờ bị ai thách thức hết. Chúng không bao giờ bị chặn lại vì những lời thuyết phục khôn khéo. " Hượm đã, tôi lú lẫn rồi đây. Làm ơn nhắc lại cho tôi nghe điều ấy được không?" Sách cũng không bao giờ bị ghìm chặc lại, hay bị bắt buộc phải vặn vẹo hay bị mổ xẻ ra manh mún. Sách cũng giống như thể Karl.

" Cưng ạ, cô chỉ cần tìm cho ra một chuyên viên cắt cúp thông minh là xong hết", nhà đạo diễn cười khằng khặc, kết thúc câu chuyện. "Tôi muốn nói một người thực sự hiểu biết hết các cánh cửa của mình ấy."

Ông ta trở nên duyên dáng và sôi nổi, và dường như đã vượt qua điểm nguy hiểm đang đe doạ ông.

" Xin lỗi bà chủ. Bà cần điều gì ạ?"

Karl đứng cung kính ở cửa văn phòng.

" Kìa, xin chào Thordike", Dennings cười khúc khích. "Hay là Heinrich? Tôi không làm sao nhớ rõ tên đó."

" Tên tôi là Karl."

" Thì đã hẳn là thế. Mẹ kiếp, tôi quên mất. Kể cho tôi nghe đi Karl, có phải cái sở mà anh nói với tôi là anh làm cho bọn Gestapo ấy có tên là sở giao tế công cộng, hay là giao tế cộng đồng phải không. Tôi tin là có sự khác biệt."

Karl vẫn lễ phép nói. " Tôi chẳng làm cho sở nào hết. Tôi là người Thụy Sĩ."

" Ừ phải, dĩ nhiên là thế." Nhà đạo diễn cười ồ ồ. " Và anh chưa bao giờ đi chơi ném trái lăn với Goebbels đấy chứ, tôi thiển nghĩ?"

Karl, trơ trơ như đá, quay sang Chris.

" Anh chưa hề bay chung với Rudolf Hess đấy chứ?"

" Bà chủ cần điều gì ạ?"

" Ồ, tôi cũng chẳng biết nữa, Burke ạ, anh muốn uống cà phê không?"

" Tôi đếch uống!"

Nhà đạo diễn vùng đứng dậy, hùng hổ sải bước ra khỏi phòng và ra khỏi ngôi nhà.

Chris lắc đầu, quay lại Karl. " Nhớ ngắt điện thoại." Nàng ơ thờ ra lệnh.

" Vâng, thưa bà, còn gì nữa không ạ?"

" À, có lẽ lấy cho tôi một ít Sanka nữa. Rags đâu rồi?"

" Ở dưới phòng giải trí. Tôi gọi cô ấy nhé?"

" Ừ, đến giờ đi ngủ rồi. Mà thôi, chờ tí đã, Karl. Đừng bận tâm. Tôi muốn đi ngó con chim đó một chút. Cứ đi lấy hộ tôi Sanka đi."

" Vâng, thưa bà."

" Và lần thứ không biết mấy mươi, tôi xin anh thứ lỗi cho Burke."

" Tôi không hề để tâm."

" Tôi biết. Chính điều đó đã làm anh ta bực."

Chris đến lối hành lang dẫn vào ngôi nhà, mở cánh cửa vào cầu thang dẫn xuống tầng hầm, rồi bắt đầu xuống thang.

" Kìa, chào cô gái, cô làm gì dưới đó thế? Xong con chim chưa?"

" Rồi mẹ ạ. Mẹ đến xem đi. Xuống đây mẹ, xong đâu đấy rồi."

Căn phòng giải trí được lát ván và trang hoàng rực rỡ. Giá vẽ. Tranh sơn dầu. Máy hát. Dãy bàn chơi trò chơi và một bàn để nặn tượng. Mấy dải cờ hoa đỏ trắng còn sót lại từ bữa tiệc của đứa con trai vị thành niên của người thuê nhà trước đây.

" Chà, tuyệt thật." Chris reo lên lúc con gái trao cho nàng bức tượng. Nó vẫn chưa khô hẳn và có vẻ như một " con chim băn khoăn" được quét sơn màu cam, trừ cái mỏ được tô mỗi bên thành từng sọc xanh lục và trắng. Một túm lông vũ được dán vào đầu chim.

" Mẹ thích nó không?" Regan hỏi.

" Ồ, cưng của mẹ, mẹ thích, thích lắm. Đặt tên cho nó chưa?"

" À há!"

" Tên gì cho hay bây giờ?"

" Con chả biết", Regan nhún vai.

" Để mẹ xem, để mẹ xem nào", Chris nhịp mấy đầu ngón tay lên răng. "Mẹ không biết nữa. Con nghĩ sao? Con nghĩ sao về cái tên "Con Chim Ngớ Ngẩn" hở? Đơn giản chỉ là Con Chim Ngớ Ngẩn."

Regan cười rúc rích, tay đưa lên miệng che mấy chiếc kẹp ngàm răng. Gật đầu.

" Chim Ngớ ngẩn thắng lớn! Mẹ sẽ để nó lại đây phơi cho khô đã, rồi mẹ sẽ đưa chú ta về phòng mẹ."

Chris đang đặt con chim xuống thì nàng trông thấy BÀN CƠ. Sát một bên, trên bàn... Nàng quên là mình có một bàn cơ. Gần như cũng tò mò về chính bản thân mình như nàng hiếu kỳ muốn tìm hiểu về những người khác, nàng đã mua bàn cơ đó, thoạt tiên coi nó như một phương tiện khả dĩ bộc lộ những manh mối về tiềm thức nàng. Nó chẳng được tích sự gì. Nàng có sử dụng bàn cơ đó một đôi lần với Sharon và một lần với Dennings, kẻ có biệt tài lèo lái con "cơ" bằng nhựa dẻo (có phải anh là kẻ đã đẩy con "cơ" đi không, hở ông mảnh?) bằng cách nào đó mà tất cả mọi "cơ giáng" đều là những lời tục tĩu, rồi sau đó lại trút trách nhiệm về điều đó cho "mấy hồn ma!".

" Con cầu cơ đấy à?"

" Vâng."

" Con biết cách chơi sao?"

" Ồ, hẳn biết chứ mẹ. Đây này, con chỉ mẹ xem."

Cô bé đến ngồi bên bàn cơ.

" Mẹ cho là con cần phải có hai người, cưng ạ."

" Không cần đâu mẹ. Con vẫn cầu một mình suốt ấy thôi."

Chris kéo một chiếc ghế. " Nào, hai mẹ con ta chơi đi, được chứ?".

Một chút lưỡng lự. "Vâng, được thôi". Cô bé đặt mấy đầu ngón tay lên con cơ màu trắng và lúc Chris đưa tay ra đặt vào vị trí của mình, chợt con cơ di chuyển thật nhanh đến vị trí trên bàn cơ có ghi chữ "KHÔNG".

Chris mỉm cười, nhìn con, bẻn lẻn. "Mẹ à, con muốn chơi một mình hơn". "Có phải con muốn nói thế không? Con không muốn mẹ tham gia chứ gì"

" Ồ không, con muốn chứ. Chính Đại Uý Howdy nói không đó."

" Đại uý nào?"

" Đại uý Howdy."

" Cưng à. Đại uý Howdy này là ai vậy?"

" Ồ, mẹ biết đó. Con hỏi, còn ông ấy thì trả lời."

" Ra thế?"

" Ông ấy tử tế lắm"

Chris cố không cau mày lúc nàng cố cảm nhận một nỗi ưu tư mơ hồ chợt đến. Con bé yêu bố nó thắm thiết, vậy mà chưa bao giờ có phản ứng nhãn tiền nào về việc bố mẹ nó ly dị. Và Chris không ưa nổi điều đó. Có lẽ con bé có khóc trong phòng riêng mà nàng không biết. Nhưng Chris sợ là con bé bị dồn nén và một ngày nào đó, những tình cảm của nó sẽ bộc phát dưới một dạng tai hại nào đó. Nó chọn một bạn chơi trong cái tưởng tượng. Nghe ra không lành mạnh chút nào. Sao lại "Howdy?" Gọi thay cho tên Howard, bố nó chăng? Khá gần cận.

" Làm thế nào mà con không tìm ra được một cái tên đặt cho chim, thế rồi đùng một cái con làm mẹ choáng cả người vì một cái tên như là "đại uý Howdy?" Sao con gọi ông ta là "Đại uý Howdy?"

" Bởi vì tên ông ta là thế chứ sao nữa?" Regan cười rúc rích.

" Con nói ai?"

" Thì ông ấy."

" Hẳn rồi."

" Thì hẳn."

" Ông ta còn nói gì với con nữa?"

" Chuyện này chuyện nọ."

" Chuyện gì?"

Regan nhún vai. "Thì nói chuyện thôi."

" Chẳng hạn?"

" Để con làm cho mẹ xem. Con sẽ hỏi ông ta vài câu."

" Hỏi đi."

Mấy đầu ngón tay đặt trên con cơ. Regan nhìn chăm chú xuống bàn cơ với đôi mắt căng thẳng vì tập trung. "Đại uý Howdy, ông có cho là mẹ tôi đẹp không?"

Một giây... năm... mười... hai mươi.

" Đại uý Howdy?"

Thêm nhiều giây nữa. Chris kinh ngạc. Nàng những mong con gái nàng sẽ đẩy con cơ đến ô chữ "Có". Trời ơi, chuyện gì thế này? Một sự hằn thù vô ý thức chăng? Chà, thế thì điên rồ quá.

" Này đại uý Howdy, như thế là không được lịch sự lắm đấy nhé." Regan khiển trách.

" Cưng ạ, chắc ông ta ngủ rồi."

" Mẹ nghĩ thế?"

" Mẹ nghĩ là con nên đi ngủ."

" Đã đến giờ rồi sao?"

" Nào bé con! Lên đi ngủ!" Chris đứng dậy.

" Ông ta thật điên khùng", Regan lẩm bẩm, rồi theo mẹ lên cầu thang.

Chris ủ con vào giường rồi ngồi một bên. "Cưng à, chủ nhật được nghỉ, con muốn làm gì không?"

" Gì mẹ?"

Lần đầu tiên khi hai mẹ con đến Washington, Chris đã nỗ lực tìm bạn cho Regan chơi đùa. Nàng có tìm được một đứa, một bé gái tên July mười hai tuổi. Nhưng gia đình July đã đi nghĩ lễ Phục sinh, và Chris đâm ưu tư vì bây giờ Regan phải thui thủi một mình.

" Chà, mẹ không biết nữa," Chris trả lời. " Thì một điều gì đó. Con có muốn đi ngoạn cảnh không? Hoa anh đào, có lẽ phải đấy! Đúng rồi, năm nay hoa nở sớm. Con có muốn đi xem hoa không?"

" Có chứ, mẹ."

" Rồi tối mai đi xem phim. Sao?"

" Ôi, con yêu mẹ quá!"

Regan ôm lấy mẹ, Chris cũng ôm trả con với sự nồng nhiệt hơn thường lệ, thì thào. " Ôi, Rags cưng của mẹ, mẹ yêu con."

" Mẹ cứ việc đưa ông Dennings về nhà, nếu mẹ thích."

Chris dội ngửa lại để đánh giá tình hình. " Ông Dennings à?"

" Ý con muốn nói là điều đó được thôi."

Chris cười. "Không, điều ấy chẳng có được gì hết. Cưng nè, sao mẹ lại muốn đưa ông Dennings về nhà chứ nhỉ?"

" Thì mẹ thích ông ấy."

" Đã hẳn là mẹ thích ông ấy rồi, còn con?"

Cô bé không trả lời.

" Bé con à, có chuyện gì vậy?".Chris dụ con.

" Mẹ sắp lấy ông ấy phải không?". Đó không phải là một câu hỏi, mà là một sự khẳng định ảm đạm.

Chris phá lên cười. " Ôi, bé con của mẹ, dĩ nhiên là không có việc đó rồi. Con đang nói năng gì lạ vậy? Ông Dennings à? Do đâu con lại nghĩ như thế?"

" Thì mẹ thích ông ta."

" Mẹ thích món pizzas nhưng mẹ có lấy nó đâu nào! Cưng à, ông ấy là bạn, chỉ là một người bạn già trái tính trái nết!"

" Mẹ không thích ông ấy như bố chứ?"

" Mẹ yêu bố con, cưng ạ. mẹ mãi mãi yêu bố con. Ông Dennings đến đây thường, vì ông ấy cô độc, thế thôi, ông là một người bạn."

" Chà, con nghe nói là... "

" Con nghe cái gì? Nghe ai?"

Những áng nghi ngờ quay cuồng trong mắt con bé, nó lưỡng lự rồi nhún vai, bỏ qua. " Con không biết nữa. Con chỉ nghĩ vậy thôi."

" Rặt chuyện ngu ngốc. Hãy quên nó đi."

" Vâng."

" Bây giờ đi ngủ đi."

" Con đọc sách nhé? Con chưa buồn ngủ."

" Được. Đọc cuốn sách mới của con ấy, cho đến khi nào thấy mệt."

" Cám ơn, mẹ."

" Chúc con ngủ ngon."

Đứng ở ngưỡng cửa, Chris gửi một nụ hôn gió rồi đóng cửa lại. Nàng bước xuống thang gác. Nàng thắc mắc không biết Regan có liên hệ Dennings với vụ đưa đơn ly dị của nàng không. Regan chỉ mới biết rằng Chris đã nộp đơn đó. Nhưng Howard đã muốn như vậy. Hai người đã sống ly thân từ lâu. Tự ái anh ta bị xói mòn vì cảnh làm chồng một ngôi sao. Anh đã tìm được người khác. Regan không biết điều đó. Ôi, dẹp quách mấy cài màn phân tâm học tái tử này đi mà chịu khó dành thêm chút thời gian sống với con bé!

Trở lại văn phòng, Chris đọc lại kịch bản. Giữa chừng, nàng thấy Regan chạy lại phía nàng.

" Kìa cưng, có chuyện gì vậy?"

" Có những tiếng động thật là kỳ, mẹ ạ."

" Trong phòng con à?"

" Nghe cứ như tiếng gõ. Con không sao ngủ được."

Mấy cái bẫy chuột đâu cả rồi?

" Cưng ạ, cứ ngủ trong phòng mẹ, còn mẹ sẽ đi xem chuyện gì."

Chris dẫn con về phòng ngủ, rồi ủ nó vào giường.

" Con xem ti vi một chút để dỗ giấc ngủ nghe mẹ?"

" Chứ sách con đâu?"

" Con tìm không thấy. Con xem ti vi mẹ nhé?"

" Được rồi, con xem đi." Chris mở một kênh nơi chiếc máy truyền hình nhỏ trong phòng ngủ. "Đủ lớn không?"

" Được rồi, mẹ."

" Cố ngủ đi nhé."

Chris tắt đèn rồi đi xuôi xuống hành lang. Nàng trèo lên dãy cầu thang hẹp lót thảm dẫn lên rầm thượng. Nàng mở cửa, lần tìm núm bật đèn. Tìm thấy núm đèn, nàng bật sáng, khom người xuống, bước vào.

Nàng nhìn quanh. Hàng đống thùng các tông đựng các mảng cắt báo và thư từ nằm trên sàn gỗ thông. Không có gì khác ngoài mấy chiếc bẫy chuột. Sáu cái tất cả đã gắn mồi sẵn. Căn phòng không một vết bẩn. Chí đến không khí cũng có mùi sạch sẽ và mát mẻ. Rầm thượng không được sưởi ấm. Không có ống dẫn. Không có lò sưởi. Không có những lỗ nhỏ trên mái.

" Không có gì đâu ạ."

Chris nổi da gà. Nàng há hốc mồm, quay ngoắc lại, tay chận lên phía tim đang đập dữ dội. " Chúa ôi, Karl, anh đừng làm thế chứ!"

Anh ta đang đứng trên bậc cầu thang.

" Xin lỗi bà, nhưng bà thấy chưa? Phòng sạch boong."

" Ừ, sạch sẽ lắm. Cám ơn nhiều."

" Có lẽ mèo thì tốt hơn."

" Cái gì?"

" Để bắt chuột."

Không đợi câu trả lời, anh ta gật đầu, xong bỏ đi.

Chris đăm đăm nhìn cánh cửa một lúc. Một là Karl không có một chút óc khôi hài nào, hai là anh ta có nhưng nó quá ranh ma đến nỗi nàng không khám phá ra nổi. Nàng không quyết đoán được điều nào đúng.

Nàng lại suy nghĩ về những tiếng gõ, rồi nhìn lên mái nhà gẫy góc. Con phố rợp bóng các loại cây, hầu hết cây cối đó đều u nần, chằng chịt những dây leo tầm gửi, mớ cành của một cây đoạn bề thế, sum suê xòe tán che trọn cả một phần ba mặt tiền ngôi nhà. Có phải là lũ sóc thật không? Chắc thế rồi. Hay cành cây. Đúng, có thể là mớ cành cây. Đêm đến thường có gió nhiều.

" Có lẽ mèo thì tốt hơn."

Chris nhìn cánh cửa một lần nữa. Bất giác nàng mỉm cười, lộ vẻ tinh quái nghịch ngợm. Nàng xuống thang gác, đến phòng ngủ của Regan, nhặt một vật gì đó lên, mang nó trở lại rầm thượng, rồi sau một phút, lại trở về phòng ngủ của nàng. Regan đang say ngủ. Nàng trả con lại phòng riêng của nó, ủ con vào giường, rồi quay lại phòng nàng, tắt ti vi và đi ngủ.

Căn nhà yên ắng cho đến sáng.

Lúc ăn sáng, Chris bảo Karl một cách thật tự nhiên rằng nàng nghĩ mình có thấy tiếng bẫy sập trong đêm.

" Anh có muốn lên xem thử không?" Chris gợi ý, vừa nhấm nháp tách cà phê và ra vẻ như chuyên chú vào một tờ báo sáng. Chẳng nói chẳng rằng, Karl đi lên gác xem xét.

Chris đi ngang qua anh ta nơi hành lang lầu hai lúc anh ta quay lại, nhìn một cách ơ thờ con chuột lớn nhồi bông anh ta đang cầm. Anh tìm thấy con thú giả này bị kẹt chặt mỏm vào ngàm bẫy.

Lúc bước về phía phòng ngủ của mình, Chris nhướng một bên chân mày lên nháy con chuột.

" Có ai đó kỳ lạ thật", Karl lẩm bẩm lúc anh ta tạt ngang qua nàng. Anh ta trả con thú nhồi bông về phòng ngủ của Regan.

" Đã hẳn là có lắm chuyện đang xảy ra," Chris thầm thì, lắc đầu lúc nàng bước vào phòng ngủ. Nàng trút chiếc áo dài ra và chuẩn bị đi làm. Ừ, có lẽ mèo lại tốt hơn, anh bạn già ạ. Tốt hơn nhiều. Cứ khi nào nàng cười, cả khuôn mặt nàng đều có vẻ nhăn nhó.

° ° °

Việc quay phim diễn ra trơn tru ngày hôm đó. Gần trưa, Sharon đến trường quay. Trong những giờ giải lao giữa các lớp cảnh, cô và Chris giải quyết các công việc hàng ngày: viết một thư cho người đại diện của nàng (nàng sẽ cứu xét việc kịch bản),nhận lời dự tiệc tại Toà Bạch Ốc, đánh điện cho Howard nhắc anh ta gọi điện thoại cho Regan vào hôm sinh nhật của con bé, gọi điện thoại cho giám đốc kinh doanh của nàng hỏi xem nàng có đủ khả năng để nghỉ hẳn công việc trong một năm hay không, bàn việc tổ chức một bữa tiệc tối vào ngày hai mươi ba tháng tư.

Chập tối, Chris dẫn Regan đi xem phim và sáng hôm sau, hai mẹ con lái xe đi thăm các danh lam thắng cảnh trên chiếc Juguard XKE của Chris. Đài kỹ niệm Lincoln. Điện Capitol. Đầm Hoa Anh Đào. Đi ăn nhẹ. Sau đó qua sông đến nghĩa trang Arlington và Đài Chiến sĩ Vô Danh. Regan đâm ra trầm tư và sau đó, lúc đứng trước mộ tổng thống F. John Kennedy, cô bé có vẻ trở nên xa vắng và thoáng buồn. Cô nhìn đăm đăm ngọn lửa bất diệt một lúc, xong lẳng lặng cầm tay mẹ. " Mẹ à, tại sao người ta phải chết ?"

Câu hỏi đó đã đâm thấu vào cõi hồn Chris. Ôi Rags, cả con nữa sao? Ồ không! Nhưng nàng có thể nói gì với con đây? Nói dối chăng? Không thể được. Nàng nhìn khuôn mặt đang ngước lên của con, mắt đẫm lệ. Có phải con bé đã cảm thông được ý tưởng riêng tư của nàng? Trước đây nó thường cảm nhận được như thế... rất thường. "Cưng ạ, vì con người ta đâm ra mệt mỏi", nàng dịu dàng trả lời con.

" Tại sao Chúa lại để cho họ như vậy?"

Chris nhìn đăm đăm một lúc. Nàng bàng hoàng. Bối rối. Là một người vô thần, nàng chưa hề dạy con về tôn giáo. Nàng cho điều đó là không trung thực.

" Ai đã nói với con về Chúa vậy?". Nàng hỏi.

" Sharon".

" Ồ ". Lẽ ra nàng đã phải nói với con.

" Mẹ à, tại sao Chúa lại để cho chúng ta mệt mỏi?"

Nhìn xuống đôi mắt nhạy cảm và niềm đau ấy, Chris đành thua cuộc, nàng không thể nói với con nàng điều nàng tin. "Ừ thì, sau một thời gian, Chúa thấy nhớ chúng ta, Rags ạ, và người muốn ta quay về". Regan thu mình vào cõi yên lặng. Cô bé lặng yên suốt trên đường về, và vẻ ủ dột đó còn đeo đuổi cô bé suốt hôm đó, sang đến ngày thứ hai.

Hôm thứ ba là sinh nhật Rags, trạng thái u sầu có vẻ nguôi ngoai. Chris dẫn con heo khi đi quay phim. Khi ngày làm việc chấm dứt, cả đoàn quay phim hát vang bài Chúc mừng sinh nhật rồi khuân ra một ổ bánh. Bao giờ cũng là một con người nhân từ, tốt bụng khi tỉnh táo, Dennings cho lệnh lên đèn trở lai và quay phim cô bé lúc nó cắt bánh. Ông gọi đó là màn "quay thử" và sau đó hứa sẽ biến cô bé thành một ngôi sao màn bạc. Cô bé có vẻ rất vui.

Nhưng sau bữa ăn tối và sau lúc mở quà, trạng thái hoan hỉ dường như đã phôi pha. Không một lời nào từ chỗ Howard. Chris đã gọi điện thoại đến La Mã cho anh ta, nhưng viên thư ký khách sạn nơi anh trọ cho biết anh ta không còn ở đó mấy hôm rồi, và không cách gì liên lạc với anh ta được. Anh ta đang ở đâu đó trên một du thuyền.

Chris cắt nghĩa lý do cho con cô.

Regan gật đầu, cam chịu, và lắc đầu từ chối lúc mẹ cô đề nghị ra hiệu Hot Shoppe ăn kem sữa sóc. Không nói năng, cô bé bỏ xuống phòng giải trí dưới tầng hầm rồi ở đó cho đến giờ ngủ.

Sáng hôm sau, lúc ở mắt dậy, Chris thấy Regan nằm trên giường với nàng, nửa thức nửa ngủ.

" Ủa, có việc... Con làm gì ở đây vậy?" Chris cười khúc khích.

" Giường con lắc quá !"

" Điên khùng!" Chris hôn con rồi kéo chăn đắp lại cho con." Ngủ đi. Vẫn còn sớm."

Điều thoạt trông như một buổi sáng hoá ra lại là khởi điểm của một đêm dài vô tận.

° °

Ông đứng bên mé sân ga xe điện ngầm quạnh quẽ, lắng nghe tiếng rầm rập của một đoàn tàu nó sẽ xoa dịu niềm đau vẫn hằn canh cánh bên lòng ông. Giống như tiếng mạch đập của ông. Chỉ nghe thấy được trong sự tĩnh lặng.Ông đổi túi hành lý sang tay kia và nhìn đăm đăm xuống đường hầm. Những chấm sáng. Chúng trải dài suốt vào vùng tăm tối y như những kẻ hướng đạo đưa đường vào cõi vô vọng.

Có tiếng ho. Ông nhìn sang trái. Gã bụi đời râu tua tủa như cuống rạ, vẫn nằm co dưới đất trong vũng nước tiểu của gã, chợt ngồi lên. Gã ngước đôi mắt vàng ệch nhìn vị linh mục có gương mặt nhằn nhện, buồn thảm.

Vị linh mục quay đi. Thế nào gã cũng đến. Gã cũng rên rỉ. Thưa Cha, xin Cha giúp đỡ cho một thằng bé giúp lễ ngày xưa. Cha ơi ! Cái bàn tay nhầy nhụa các thứ ói mửa ép lên bờ vai, sờ soạng tìm chiếc huy chương. Cái hơi thở của hàng ngàn buổi xưng tội nồng nặc mùi rượu vang và tỏi cùng những tội lỗi ôi mốc của kiếp người cứ thế tuôn ra hết, làm ngạt thở... ngạt thở...

Vị linh mục nghe thấy gã bụi đời đứng dậy.

Đừng có đến đây !

Nghe tiếng bước chân.

Chúa ơi ! Hãy để ta yên nào !

" Chào Cha."

Ông nhăn nhó. Người chùng hẳn xuống. Ông không thể quay lại. Ông không thể nào chịu nỗi cái cảnh lại phải tìm kiếm Đấng Kitô trong đôi mắt hốc hác và hôi thối này, tìm kiếm Đấng Kitô đầy những mũi dãi và cứt đái dính máu này, thứ Đấng Kitô không thể chịu nổi này. Bằng cử chỉ thẩn thờ, ông sờ soạng tay áo như thể tìm kiếm một dải khăn trắng vô hình. Ông lơ mơ hoài tưởng một Đấng Kitô khác.

" Này Chaaaaa !"

Có tiếng râm ran của một con tàu vào ga. Rồi những tiếng vấp ngã. Ông nhìn gã bụi đời. Gã đang lảo đảo, ngất xỉu. Với một động tác nhảy bổ bất chợt, vị linh mục đã chờ sát bên gã, chụp được gã, lôi gã đến chiếc ghế dài kê vào tường.

" Con là người công giáo", gã bụi đời trệu trạo "Con là người công giáo."

Vị linh mục khẽ đặt gã xuống, duỗi người gã ra, ông trông thấy con tàu ông đang chờ. Ông vội rút ví, lấy một đồng đô la ra đặt vào túi áo vét của gã bụi đời. Sau đó, ông quả quyết thế nào gã cũng đánh mất tiền. Ông moi đồng đô la ra, nhét nó vào túi quần sũng nước đái của gã, rồi ông nhặt lấy túi hành lý, bước lên tàu.

Ông ngồi xuống một góc, giả vờ ngủ. Đến cuối tuyến đường, ông thả bộ đến Trường Đại học Fordham. Ông đã định dùng đồng đô la kia để đi tắc xi.

Lúc đến khu cư xá vãng lai dành cho khách, ông ký tên vào sổ đăng ký. Damien Karras, ông viết tên. Rồi xem kỹ lại. Có một cái gì đó sai quấy. Với vẻ chán ngán, ông chợt nhớ và ghi thêm S.J.

Ông lấy một phòng trong khu Cư xá Weigel và sau một giờ, ông đã ngủ được.

Ngày hôm sau, ông tham dự một cuộc hội thảo của Hội tâm thần học Hoa Kỳ. Với tư cách là diễn giả chính, ông phân phát một bản tham luận mang tựa đề " Các khía cạnh tâm lý trong sự phát triển tâm linh". Đến cuối ngày, ông thưởng thức vài cốc rượu và ăn chút đỉnh với một số các nhà tâm thần học khác. Họ đài thọ ăn uống. Ông cáo từ sớm sủa. Ông còn phải ghé thăm mẹ ông.

Ông cuốc bộ đến toà chung cư sập xệ xây bằng đá nâu ở Đại lộ Hai Mươi Mốt, khu Đông Manhattan. Dừng trên bậc cấp dẫn lên cửa nhà, ông nhìn lũ trẻ trên sân trước. Đầu bù tóc rối, áo quần lếch tha lếch thếch. Không có chỗ chạy chơi. Ông nhớ lại những lần bị đuổi nhà, những sự nhục nhã, nhớ lại có lần về nhà với cô bồ học lớp bảy và bắt gặp mẹ ông đang moi thùng rác ở góc nhà, mong kiếm chác được món gì. Ông leo bậc cấp và mở cánh cửa cứ như nó là một vết thương mới kéo da non. Có mùi nấu nướng. Ông nhớ lại những lần viếng thăm bà Choirelli, trong căn hộ tí hon có nuôi mười tám con mèo của bà. Ông bấu chặt tay vịn và leo lên, bàng hoàng vì một nỗi buồn chán cùng cực, bất chợt, mà ông biết là đã xuất phát từ mặc cảm tội lôi. Lẽ ra ông đừng bỏ mẹ lại một mình.

Bà hoan hỉ chào đón ông. Bà kêu lên. Rồi hôn ông. Bà tất bật đi pha cà phê. Đen đậm. Đôi chân bà xương xẩu, loắt choắt. Ông ngồi trong bếp và nghe bà kể lể. Mấy bức tường nhem nhuốc và sàn nhà bẩn thỉu cứ rịn rỉ vào tận xương cốt ông. Căn hộ này đúng là một cái hang. Bà sống nhờ Quỹ An sinh xã hội. Mỗi tháng, một ông anh của bà gửi cho dăm ba đô la.

Bà ngồi nơi bàn kể lể. Ông này, bà nọ. Phát âm vẫn rặc giọng dân di trú. Ông tránh đôi mắt kia, đôi mắt đúng là hai cái giếng sầu muộn, đôi mắt đã tiêu pha ngày tháng bằng cách nhìn đau đáu ra ngoài khung cửa sổ.

Lẽ ra ông đừng bao giờ bỏ bê bà.

Sau đó ông viết hộ bà mấy bức thư. Bà chẳng biết đọc biết viết chút tiếng Anh nào. Rồi ông bỏ thời giờ chữa cho bà cái núm bắt sóng của chiếc ra đi ô cà khổ bằng nhựa. Thế giới của bà đó. Tin tức. Ông thị trưởng Lindsay.

Ông vào phòng tắm. Một tờ báo vàng ệch trải trên gạch lót. Những vết rỉ sét trong bồn tắm và bồn rửa mặt. Trên sàn, một chiếc nịt ngực cũ xì. Đó, những hạt giống của thiên hướng ông đó. Chính từ những cái đó mà ông đã chạy trốn vào tình yêu. Giờ đây, tình yêu đó đã lạnh tanh. Về đêm, ông nghe được tình yêu đó rít qua những ngõ ngách của tâm hồn ông như một cơn gió rền rỉ, lạc loài.

Lúc mười một giờ kém mười lăm, ông hôn từ biệt mẹ, hứa sẽ trở lại khi có thể được. Ông ra đi khi chiếc máy thu thanh đang phát mục tin tức.

Khi đã trở về phòng ở Cư xá Weigel rồi, ông dành chút tâm trí để viết một bức thư cho linh mục giáo trưởng địa phận Maryland, xin được thuyên chuyển về địa phận New York để được gần mẹ.

Ông xin một chân dạy học và xin được từ nhiệm các chức vụ khác. Khi thỉnh cầu về mục sau, ông nại ra lý do là "không thích hợp" với các chức vụ đó. Linh mục giáo trưởng địa phận Maryland đã đề cập việc đó với ông trong chuyến thanh tra thường niên của ông ta tại Đại học đường Georgetown, một giáo vụ rất giống với quân vụ của vị tướng tổng thanh tra quân lực, nghĩa là tiếp kiến riêng những ai có những vấn đề cần than phiền, hay khiếu nại. Về điểm liên quan đến mẹ của Damien Karras, vị giáo trưởng gật đầu và tỏ ý thông cảm. Nhưng còn vấn đề "không thích hợp" do cha Karras nêu ra thì giáo trưởng cho đó rõ ràng là "mâu thuẫn". Nhưng Karras không lùi bước.

" Vấn đề đó không chỉ thuần tuý thuộc địa hạt tâm thần học đâu, Tom ạ. Cha biết đấy. Một số vấn đề của các linh mục lại đụng chạm thiết thân đến chính thiên hướng, đến chính ơn Thiên triệu, đến chính ý nghĩa của cuộc sống họ. Quỷ thật, không phải lúc nào cũng là vấn đề có dính líu đến chuyện tình dục đâu, mà chính là vấn đề đức tin của họ và đơn giản là tôi không kham nổi vấn đề đó, Tom ạ. Điều đó quá sức tôi. Tôi cần rút lui. Tôi cũng có những vấn đề của chính mình. Tôi muốn nói là những mối hoài nghi."

" Có người nào biết suy nghĩ mà lại không đâu, Damien?"

Là một người đa đoan bận rộn, vị giáo trưởng đã không thúc ép ông phải nêu ra những lý do khiến ông hoài nghi. Karras rất biết ơn vị giáo trưởng về điều đó. Ông biết những câu đáp của ông thế nào nghe ra cũng đầy vẻ điên rồ: nhu cầu phải lấy răng cắn xé thức ăn rồi sau đó lại bài tiết ra. Chín ngày Thứ Sáu Đầu Tiên của mẹ tôi. Mấy chiếc vớ thối hoắc. Những hài nhi quái thai. Một mục trong báo đăng vụ một em bé giúp lễ đang đứng đợi xe buýt thì bị một nhóm người lạ mặt tấn công, tưới dầu hoả lên người em, đốt cháy. Không. Nghe ra ủy mị tình cảm quá. Mơ hồ quá. Hiện sinh quá. Bắt rễ sâu hơn luận lý đó chính là sự câm lặng của Chúa. Giữa một cõi đời có cái ác. Và đa phần cái ác phát sinh từ sự hoài nghi, từ sự hoang mang lương thiện giữa vòng những người thiện tâm. Một Thiên Chúa có lý trí há sẽ khước từ không chịu chấm dứt điều đó sau? Ngài sẽ không khải thị chính mình ra hay sao? Không lên tiếng sao?

" Lạy Chúa, xin hãy ban cho chúng tôi một dấu hiệu... "

Việc gọi Lazarus từ kẻ chết sống lại đã mịt mờ trong cõi quá khứ diệu vợi. Không một ai đang sống đây còn nghe được tiếng ông ta cười.

Tại sao lại không có một dấu hiệu?

Bao phen, vị linh mục thường khắc khoải mong đợi sống với Đấng Kitô, để thấy, để rờ, để thăm dò con mắt Ngài! Hãy cho con biết! Xin hãy đến trong lúc con mơ!

Nỗi hoài mong đó đã thiêu đốt ông.

Lúc này, ông ngồi nơi bàn làm việc, bút đặt trên giấy. Có lẽ vị giáo trưởng im lặng không phải vì cớ ông ta không có thời gian, có lẽ ông ta đã hiểu rằng đức tin, rốt ráo lại, là một vấn đề của tình yêu thương.

Vị giáo trưởng đã hứa cứu xét lời thỉnh nguyện, nhưng cho đến phút này, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Karras viết xong là thư và đi ngủ.

Ông uể oải thức dậy lúc năm giờ sáng, đi xuống thánh đường trong Cư xá Weigel, nhận một Bánh Thánh rồi trở về phòng riêng, làm lễ.

" Et clamor mcus ad te veniat" ông thầm thì cầu nguyện trong nỗi thống khổ. " Nguyện tiếng kêu cầu tôi thấu đến bên Ngài.."

Ông nâng Bánh Thánh lên trong sự tận hiến với một hồi ức đau xót về sự sướng thoả mà đã có lần cử chỉ này đây từng mang lại cho ông, ông lại cảm thấy một lần nữa, như ông vẫn cảm thấy mỗi buổi sáng, nỗi thảng thốt về một cái nhìn bất ngờ đến từ xa và không ai thấy của một tình yêu đã từ lâu không còn nữa.

Ông bẻ bánh thánh trên cốc rượu lễ.

" Ta để lại sự bình an cho các con. Ta ban cho các con sự bình an... "

Ông đưa Bánh Thánh vào miệng rồi nuốt lấy cái vị thất vọng mỏng như giấy ấy.

Lễ tất, ông lau sạch cốc rượu thánh rồi cẩn trọng cất nó vào túi hành lý. Ông hối hả ra ga đáp chuyến tàu 7 giờ 10 phút trở về Washington, mang cả niềm đau đớn trong chiếc va li màu đen.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.