Linh Lung ái ngại nhìn ta. Vượt qua nàng, ta ngồi thẳng lên chính vị, ra lệnh:
- Đi gọi Trọng Đình đến đây, ta muốn trực tiếp nghe hắn nói.
Linh Lung ngồi vào bên tay trái ta, đôi mày vẫn chau lại. Một lát sau thì Trọng Đình đến, hắn muốn hành lễ, ta ngăn lại:
- Không cần phiền phức, việc vượt Biển Cấm có vấn đề gì?
Trọng Đình nói:
- Vượt biển Cấm không thể dùng tàu lớn mà phải đi bằng thuyền nhỏ.
- Tại sao?
- Dưới Biển Cấm, đá ngầm rất nhiều, biển lại nông, thuyền lớn không thể vượt qua, hơn nữa thường có thuỷ quái tới đó đẻ trứng, nếu gặp phải chúng ta không thể chạy kịp.
Ta hơi phân vân, nói:
- Nếu như ngươi nói thì trước giờ chúng ta làm sao giao thương với Ân quốc?
Trọng Đình kinh ngạc nhìn ta:
- Trước giờ Nghi quốc chưa từng giao thương với Ân quốc, chúng ta không có đường biển thẳng đến Ân quốc.
- Vậy làm cách nào có thể đến được Ân quốc?
- Từ Hoả Hương đi đường biển đến Kim Quốc hoặc Trường Hạp quốc. Sau đó đi đường bộ đến Ân Quốc, các thương lái đều đi đường đó. Nhưng thời gian khá dài, thường mất đến nửa hoặc một năm mới có thể đến nơi.
Phượng Âm rời đi mới hơn năm tháng, theo lý chưa thể đến được Ân quốc, nhưng Phong Nghị đã biết nàng ấy đến Lĩnh Trà Sơn? Là hắn lừa ta hay Phượng Âm mang theo nội gián? Nếu Phượng Âm trở về, người được lợi nhất là Phong Nghị, hơn ai hết hắn muốn nàng ấy quay về, không lý gì lại lừa ta.
- Không còn đường nào khác sao?
- Đường bộ thì qua Tử Hương tộc, theo thương nhân Trường Hạp quốc đi bằng đường biển, như vậy sẽ rút ngắn thời gian hơn một chút.
- Chúng ta không có đường biển đi thẳng đến Ân quốc sao?
Trọng Đình lắc đầu. Ta nhìn vào bản đồ, vùng biển bao la trống trải nhưng lại được khoanh đỏ một vùng rộng lớn, chỗ khoanh đỏ thật sự khiến người khác nhức mắt. Đáng tiếc, bây giờ chưa phải lúc dọn dẹp.
- Nếu dùng thuyền nhỏ vượt biển Cấm, đến khi qua được vùng biển khác, chúng ta sẽ không thể chịu nổi bão táp.
Trọng Đình và Linh Lung cúi đầu im lặng. Nếu chia nhỏ thuyền lớn ra mang qua biển Cấm, như vậy cần rất nhiều nhân công, không phù hợp lắm.
- Tướng quân, thật ra có một cách.
Ta nhìn Trọng Đình, đợi hắn nói tiếp:
- Chúng ta có thể đóng một dạng thuyền mới, không phải thuyền đáy bằng, nhỏ hơn thuyền của thuỷ quân, chỉ có một cột buồm chính, như vậy khi chạy sẽ nhanh hơn, khả năng chống chọi với bão táp cũng không tồi.
Ta hơi phân vân, hỏi:
- Giống những chiếc thuyền các ngươi đang dùng sao?
Trọng Đình gật đầu, hắn nói tiếp:
- Thật ra đây gần như loại thuyền mới, mang đặc điểm của thuyền quân đội và thuyền cá bình thường…
Ta khoát tay, nói:
- Không cần nói nhiều, chuẩn bị thuyền, ra biển là biết ngay thôi.
Chúng ta cho một con thuyền hạ thuỷ, hẳn mới được đóng xong. Trông nó nhỏ hơn thuyền chiến ta hay dùng, cũng nhẹ hơn, số lượng người lên được cũng chỉ hơn ba mươi người. Ta ra lệnh ra biển, Trọng Đình đánh bánh lái ra khơi, đạp từng con sóng một.
Đi nhanh hơn chiến thuyền, nhưng gập ghềnh hơn, khoang thuyền nhỏ nên lượng nước và lương thực dự trữ không được nhiều, có vẻ vì quá nhẹ nên thường bị gió thổi bạt đi, đi biển với chiếc thuyền này quả thực không đơn giản.
- Đi về hướng Bắc, có một cơn bão đang đến, phải đi vào trung tâm nó.
Ta ra lệnh, Trọng Đình im lặng đánh bánh lái về hướng Bắc, chúng ta phải thử sức chịu đựng của con thuyền.
Cơn bão được coi là khá lớn, chúng ta hạ cánh buồm, mỗi người nắm chặt một sợi dây, hứng chịu những cơn gió lớn mang theo nước biển ập vào thuyền. Chồng chềnh hơn hai canh giờ, cơn bão mới đi qua, ta mới có thời gian đánh giá lại thuyền.
Khi về đến Hoả Hương đã là trưa ngày hôm sau, chúng ta không nghỉ ngơi mà vào thẳng quân doanh bàn chuyện.
- Có thể làm cái to hơn không?
Trọng Đình hơi tư lự, hắn nói:
- Có thể, nhưng chỉ lớn hơn một chút, chứa được khoảng bốn mươi người là cùng.
- Không cần, mở rộng khoang thuyền để chứa thức ăn và nước uống. Hơn nữa phải làm thuyền nặng hơn một chút, như vậy mới đỡ bị gió cuốn trôi đi phương hướng.
Ta, Trọng Đình và vài nhân công lão làng khác bàn việc hơn nửa ngày mới có thể khắc phục được khuyết điểm của thuyền mới, hơn nữa suy xét thời gian, chúng ta quyết định chỉ đóng thêm bốn chiếc thuyền như thế, ba ngày sau tiếp tục mang đi thử nghiệm.
Khi trở về phủ tướng quân thì trời cũng gần tối, khắp trong ngoài phủ đều rộn ràng vải đỏ. Điệp Nhã đang sốt ruột đứng chờ ta bên ngoài. Vừa trông thấy ta, nàng đã nói:
- Tiểu Dương, sao bây giờ mới về? Nhanh thay y phục, trang điểm.
Nàng đẩy ta vào phòng, một đám thị tỳ tắm rửa thay y phục cho ta, nhộn nhạo đến nhức đầu.
- Kính Thiên đâu?
- Kính công tử đang ở trong phòng.
Ta hơi gật đầu, ngăn cơn buồn ngủ lại, để mặc các nàng ấy bận rộn.
- Tướng quân, xong rồi. Chúc mừng tân hôn.
Ta nhìn bản thân trong gương, cũng khá xinh đẹp. Ta mỉm cười phất tay, Điệp Nhã bên kia cười như mẹ thấy con gái, nhanh tay đưa hồng bao cho tỳ nữ, miệng nói với ta:
- Xem xem, Tiểu Dương trang điểm lên thật xinh đẹp, nếu ngày thường ngươi nghe ta chăm sóc bản thân một chút, bây giờ có phải càng giống tiên nữ hay không?
Ta mỉm cười, hỏi nàng:
- Bây giờ thì sao? Hợp phòng hả?
Điệp Nhã vỗ vai ta, mắng:
- Lang sói! Bây giờ dẫn Kính Thiên ra mời rượu mọi người, nhận hết lời chúc mừng mới có thể hợp phòng.
Ta gật đầu hướng trong phòng đi vào, bỏ ngoài tai tiếng cười mờ ám của đám tỳ nữ.
Kính Thiên đang ngồi trước bàn, hỷ phục đỏ thẫm, tương quan mà nói có thể xem là bức hoạ mỹ nhân.
- Tướng quân.
Hắn nhìn ta, ánh mắt sạch sẽ đen láy, quả nhiên là được Phượng Âm chăm sóc tốt lắm.
Ta gật gật đầu nói:
- Ngươi cùng ta ra ngoài mời rượu mọi người.
- Vâng.
Ta mang hắn ra ngoài, bên sân có khoảng mười mâm, khách khứa đều đông đủ, tiếng ồn ào nhộn nhịp một góc phố. Quân doanh bên cạnh cũng đang hò hét, ồn ào, bên này chỉ có phó tướng và quân sư, thêm vài người có chức sắc trong thành nhưng đều loạn thành một đoàn. Bàn nào ta cũng phải đến, tất cả đều nói cười vui vẻ, những lời chúc phúc tuôn ra ào ạt, hôm nay quả thật là ngày lành.
Không nhớ rõ là ai đưa ta về hỷ phòng, vừa đặt lưng vào giường là ta ngủ. Nửa đêm, khi hơi men bay đi, mới tỉnh táo lại một chút. Kính Thiên đang ngồi bên bàn ngoài, thấy ta tỉnh, hắn liền cầm một tách trà đi qua:
- Tướng quân, người tỉnh rồi.
Ta mờ mịt nhìn hắn, không hiểu sao hắn ở đây? Nhìn lại vải đỏ treo phòng, một chữ hỷ ở cửa, mới nhớ hoá ra là ta thành thân với hắn.
Uống một ngụm nước, ta tỉnh táo một chút. Ly rượu trên bàn còn chưa uống cạn, ta đứng lên, loạng choạng đến bên bàn.
Rượu hợp cẩn chưa uống, tân lang không được phép lên giường.
Quả là sống trong cung, cứng nhắc như vậy làm gì?
Cầm một ly đưa qua, ta nói với Kính Thiên:
- Lại đây uống rượu hợp cẩn này.
Hắn kinh ngạc nhìn ta, nhưng chỉ trong một chốc ánh mắt hắn đầy niềm vui. Ta mờ mịt không hiểu hắn vui cái gì?
Chúng ta uống rượu hợp cẩn xong, ta loạng choạng đi về hướng giường, nằm xuống chuẩn bị ngủ tiếp. Không thấy phía sau có động tĩnh gì, ta nhìn Kính Thiên, nói:
- Qua đây ngủ này, ngươi định thức sao?
Kính Thiên ngập ngừng đi qua, ta mặc kệ hắn mà xoay mình ngủ.
Sáng hôm sau, ta mệt mỏi trở mình lăn ra khỏi giường, Kính Thiên đã đứng giữa phòng, nói:
- Tướng quân, người dậy rồi?
Ta gật đầu, bình thường khi quá chén ta thường ngủ đến giờ Ngọ, ngày hôm đó cũng sẽ không vào quân doanh.
Đón lấy chiếc khăn ướt Kính Thiên đưa, ta lau qua loa mặt mũi, hơi men hôm qua còn chưa hết nên bước chân của ta có chút loạng choạng.
Khi tắm rửa đi ra thì trên bàn đã dọn sẵn đồ ăn, Kính Thiên đang múc canh vào bát cho ta. Uể oải ngồi xuống, gắp một miếng thịt bỏ vào miệng, ta nói với Kính Thiên:
- Ngươi cũng ngồi xuống ăn đi, không cần đứng hầu đâu.
- Đa tạ tướng quân.
Ta húp một ngụm canh, nói:
- Sau này cũng không cần gọi ta là tướng quân nữa, ngươi không phải người của Thuỷ Tịnh quân, không phải gọi theo quân lính. Ngươi muốn gọi ta là gì thì gọi, gọi giống Âm nhi cũng được, hay gọi theo Điệp Nhã tỷ cũng được.
Kính Thiên ngơ ngác nhìn ta, hắn nói:
- Vậy ta gọi người là A Dương được không?
Ta gật đầu:
- Muốn gọi thế nào thì gọi.
Ta phất tay không để ý, hôm nay phải qua quân doanh xem bọn họ đóng thuyền thế nào.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]