Việc đồng áng rất chú trọng mùa vụ, vì tranh thủ mấy ngày thu hoạch vụ hè, có không ít nông dân phải làm ngày làm đêm, thậm chí còn ở luôn ngoài ruộng.
Hai năm trước, thôn Thất Lí được mùa, Chu đại lang, Chu nhị lang và Chu tam lang vì để kịp thu hoạch đã ra ngoài ruộng ở, có đôi khi mệt đến nỗi không thẳng lưng nổi cũng vẫn phải nhờ ánh trăng và ánh lửa để thu hoạch.
Nếu không, một trận mưa đổ xuống, có thể sẽ uổng phí cả năm nỗ lực.
Mà bình thường cứ mưa xong, là thu hoạch vụ hè có thể kết thúc rồi, mọi người thu hoạch cây đay, tách vỏ đay, ngâm nước, đập cây đay, lại tẽ vỏ, sau đó bện sợi đay, rồi mang ra bờ sông rửa, giã sợi..
Trình tự làm việc rất rườm rà, lại mất sức, trẻ con nhà họ Chu ghét thu hoạch cây đay nhất, mấy người lớn cũng thế.
Bởi vì đay dệt ra vải, nên phần lớn đều phải nộp lên nha huyện, ngoài vải đã dệt xong, mỗi người còn phải nộp ba cân đay.
Vì thế, Chu lão đầu đã trồng từng hàng dài cây đay dưới ruộng của mình, còn trồng hai ba hàng đay ở chân núi của Chu đại lang và Chu tam lang.
Cây này chịu hạn tốt, chỉ là gia công hơi vất vả, nhưng năm nào nhà bọn họ cũng có thể dành lại một ít để làm quần áo, còn mấy nhà ít người khác chưa chắc đã thừa đay để dệt quần áo.
Hơn nữa nhà họ Chu làm vải đay đúng là không thể gọi là tốt, Mãn Bảo rất không thích, bé nhớ bé chỉ từng mặc qua đúng một bộ áo đay mới, kết quả mặc chưa được bao lâu người bé đã bị vải cọ cho đỏ bừng.
Sau đó mẹ bé lấy lại bộ đấy, tháo ra để làm quần áo cho bà.
Mặc hơn nửa năm, lại tháo bộ áo đay cũ đó ra để may lại thành quần áo cho bé.
Bây giờ Mãn Bảo đang mặc quần áo mùa hè, phần lớn là dùng quần áo vải đay cũ của mẹ và đại tẩu bé, chỉ đến mùa đông mới mặc quần áo làm từ vải bông mua trên huyện thành.
Cho nên đối với đay, Mãn Bảo cũng không thích, bé thổi tay cho mấy đứa cháu, sau đó thả một viên kẹo vào trong lòng bàn tay bọn họ.
Cả đám trẻ con lập tức thấy được an ủi, vừa vui vẻ bóc kẹo ăn vừa đi về nhà với Mãn Bảo.
Mãn Bảo mang bút ra, viết hết số lượng các thứ cần tìm rồi giao cho Đại Đầu, "Bạn của ta còn muốn mua những thứ này nữa, cháu dẫn bọn Nhị Đầu tìm giúp ta đi, nhớ kỹ, sâu xanh phải bắt sống. Vì để phòng chẳng may, các cháu cứ bắt dư thêm một chút, hái thêm cả một ít lá to về cho ta đóng gói."
Mấy chữ trên giấy Đại Đầu đều nhận được, cũng không khó hiểu, thứ khiến cậu khó hiểu là, rốt cuộc là ai muốn mua sâu và cành cây chứ?
Mấy thứ như này không phải sẽ bán theo cân sao?
Hoặc là theo đấu cũng được.
Chẳng qua khách của cô nhỏ bị ngốc có vẻ cũng là chuyện tốt nhỉ?
Đại Đầu chỉ liếc qua tờ giấy một chút đã vỗ ngực bảo đảm với Mãn Bảo là không thành vấn đề, sau đó tí tởn hỏi: "Cô nhỏ, cây đậu trong nhà đã gặt xong hết rồi, người có thể nói với nhị thúc một tiếng, để mấy hôm nữa dẫn chúng ta lên huyện thành chơi không ạ?"
Mãn Bảo cười, "Ta biết rồi, các cháu định bán kẹo trong tay đi đúng không?"
Cả đám trẻ con cười he he với Mãn Bảo.
Mãn Bảo bèn nói: "Chắc chắn nhị ca sẽ không dẫn mấy đứa đi, nhưng tứ ca thì hẳn là được."
Ánh mắt Nhị Nha sáng lên, hỏi: "Tứ thúc cũng lên huyện thành ạ?"
"Đương nhiên, chờ bao giờ Bạch lão gia thu hoạch hoa màu xong, ta sẽ cùng tứ ca lên núi tìm phục linh, đến lúc đó bảo tứ ca đi bán giúp nhị ca."
Nếu bọn họ có thể tìm được phục linh, thì Mãn Bảo sẽ lén giữ lại một gốc, sau đó chia thành mấy phần để bán đi.
Bách Khoa Quán cho bé 200.000 tích phân khen thưởng, vậy bé sẽ bán 150.000, chỉ cần bán tầm hai phần là đủ.
Đây là kết quả suy ngẫm của Mãn Bảo sau khi nhìn một loạt đơn đặt hàng tối qua.
Bé phát hiện, thứ nào Bách Khoa Quán trả tích phân càng cao, thì ở chỗ này cũng khá đáng giá.
Ví dụ như phục linh và chim sẻ có số tích phân cao nhất này, không nói chim sẻ, phục linh là thứ mà nhà bọn họ bán được giá cao nhất cho đến bây giờ.
Chu nhị lang đã hỏi Trịnh chưởng quầy, Trịnh chưởng quầy nói thứ này toàn là mọc hoang, không thể gieo trồng, cho nên rất hiếm.
Vừa hiếm vừa có tính dược liệu, vì vậy nó rất đắt.
Chẳng qua bọn họ bán phục linh tươi, Chu nhị lang đã từng hỏi thăm, phục linh qua bào chế mà có chất lượng tốt, giá không chỉ là tăng gấp đôi đâu.
Thảo nào thuốc ở hiệu thuốc đều đắt như vậy.
Bé biết, tích phân còn giá trị hơn đồng tiền, mà một phần phục linh nho nhỏ đã có giá 200.000 tích phân.
Mãn Bảo cười như con chuột nhỏ, khiến Bạch Thiện Bảo phải quay sang nhìn bé lần nữa.
Cuối cùng thật sự không nhịn được, cậu giơ tay gõ đầu bé, hỏi: "Rốt cuộc là ngươi làm sao thế?"
Mãn Bảo nhìn trái ngó phải, cuối cùng nhìn chằm chằm vào Đại Cát đang ngồi trong góc.
Đại Cát:.
Bạch Thiện Bảo cũng quay sang nhìn Đại Cát.
Đại Cát yên lặng đứng dậy, mở cửa, đi ra khỏi thư phòng.
Hắn nhìn quanh sân, cuối cùng tìm một gốc cây ngồi xuống, từ đây có thể nhìn thấy hai đứa trẻ qua cửa sổ, nhưng không thể nghe thấy bọn họ nói gì.
Mãn Bảo chờ Đại Cát ra ngoài, lập tức ghé sát vào tai Bạch Thiện Bảo thì thầm: "Nếu trong tay ta có rất nhiều đồ khan hiếm mà một số người cần, ngươi nói ta nên đổi hết thành tiền thì tốt, hay là lấy vật đổi vật hay hơn?"
"Những thứ đồ khan hiếm đó có giá trị cao với ngươi không?"
Mãn Bảo ngẫm nghĩ rồi nói: "Có cái cao, có cái không cao; có cái hiếm thấy, có cái có thể tìm được ở khắp nơi."
"Vậy ngươi muốn đổi thứ gì với bọn họ?"
Mãn Bảo ngẫm nghĩ rồi nói: "Giống lúa mạch? Hoặc là mấy loại hạt giống thú vị khác."
Hôm nay đám Đại Đầu muốn xin đi huyện thành, hiển nhiên là định đổi kẹo mình đang có thành tiền, nhưng Mãn Bảo biết, có khả năng bây giờ việc bán kẹo trên huyện thành không khả quan lắm.
Mà trên đời này có thứ kiếm được tiền chắc chắn hơn kẹo, chỉ cần dùng một ít tích phân là có thể tạo ra được rất nhiều, ví dụ như gừng.
Lúc trước bé mua năm cân gừng kia nhìn có vẻ đắt hơn kẹo nhiều, nhưng cả năm ngoái, nó đã kiếm được cho Chu tứ lang rất nhiều tiền.
Giá trị của nó đã vượt xa số bé phải trả cho những hạt giống đó.
Hơn nữa năm nay lúa mạch của nhà họ Chu cũng tốt hơn các nhà khác nhiều.
Vừa nãy lúc bé ra khỏi nhà để sang nhà họ Bạch, đã có rất nhiều người già trong thôn đến nhà họ Chu, đang bàn bạc chuyện giống lúa mạch với Chu lão đầu.
Tuy rằng lúa mạch năm nay còn chưa đập xong, nhưng lúc gặt lúa mạch mọi người cũng đều nhìn thấy, bây giờ cả thôn đều biết, lúa mạch của nhà họ Chu tốt nhất, tình hình lúa mạch còn tốt hơn cả nhà Bạch lão gia.
Trong đó có một số bông lúa mạch vừa dài vừa mẩy, nên mấy người già trong thôn muốn đổi một ít hạt giống của nhà họ Chu.
Bông lúa tốt chính là hạt giống tốt, hạt giống tốt kiểu gì cũng có thể trồng ra lúa mạch càng tốt, tuy những người nông dân làm ruộng cả đời không biết nhiều thứ, nhưng kiến thức cơ bản này thì họ vẫn biết.
Có lẽ người khác không rõ vì sao lúa mạch nhà họ Chu qua cơn lũ lụt vẫn tốt hơn nhà người khác, nhưng Mãn Bảo biết.
Bởi vì lúc đầu xuân bé đã lén thay đổi một ít giống lúa mạch.
Mãn Bảo đang suy nghĩ có nên mua tiếp một ít giống lúa mạch để đổi nữa không.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]