Đầu tháng mười, Tây Bắc truyền tin chiến cuộc đã ổn định. Ta thấy yên tâm nhiều. Tuy không thường gặp Hoàng thượng, nhưng ta nghĩ bệ hạ hẳn cũng thấy nhẹ nhõm.
Mười một tháng chạp, Hoàng thượng đột ngột phái Đại hoàng tử đi đóng quân ở Y Lê. Hai tháng sau lập tức lên đường, không chỉ không được hồi kinh.
Thế cuộc đã bình định, nhưng đúng lúc này lại điều Đại hoàng tử đi, trong cung không khỏi bàn tán xôn xao. Tuy ta không có tâm tư gì, nhưng đã ở trong cung mười hai năm, ta lờ mờ đoán được dụng ý sau lưng lần điều chuyển này.
Nhưng ta vẫn không dám tin.
Tết đến, Hoàng thượng vẫn đến cung Đường Lê. Xu Ninh còn nhỏ không thức khuya được nên ngủ gật, đến nửa đêm đói bụng mới thức giấc. Ngủ dậy thấy Hoàng a ma của mình đến, làm nũng muốn Hoàng a ma bế.
Hoàng thượng cười tủm tỉm đặt con bé lên đầu gối, lại sai người nổi lửa nấu nướng, bên ngoài tuyết rơi, trong phòng thì ấm áp vui vầy.
Trời tối, đèn mờ, không có biết có phải do ta nhìn lầm hay không mà cứ thấy sắc mặt bệ hạ không được tốt.
- Thưa Hoàng a ma, hôm nay con đọc Thiên vận của Trang Tử.
- Đã thuộc câu nào chưa?
- Con thiên nga mỗi ngày mỗi tắm đâu mà lúc nào cũng trắng; con quạ mỗi ngày mỗi bôi đen đâu mà lúc nào cũng đen. Trắng và đen đều là màu tự nhiên, không cần phân biệt xấu đẹp. Ngưỡng mộ danh dự là tỏ rằng có óc hẹp hòi. (1)
- Hân Uyên hiểu câu này thế nào?
- Nhi thần không muốn bị chữ “danh” đè nặng, bởi vì danh tiếng không giúp mở rộng bản tâm. Nhi thần tự giác mình không đạt được đến cảnh giới “Cử thế dự chi nhi bất gia khuyến, cử thế phi chi nhi bất gia tự (2)“. Nghĩ vậy danh tiếng chẳng có gì tốt mà còn có hại, nhi thần muốn được sống tự tại.
Dường như Hoàng thượng đang suy tư gì đó, ta gắp cho người một miếng thịt hươu nướng, mỉm cười nói:
- Thằng bé lúc nào cũng thích xem mấy quyển sách như vậy, chẳng hiểu sao sư phó cũng để đứa bé như nó đọc nữa.
Bệ hạ cũng tươi cười:
- Trẫm lại thấy Hân Uyên như vậy cũng được, giống nàng lắm.
Ăn xong bữa khuya, Xu Ninh lại buồn ngủ nên ta để vú nuôi bế nó xuống rồi cũng đi nghỉ ngơi.
Sáng mồng một, bệ hạ lại dậy sớm. Ta vừa giúp người chỉnh lại cổ áo, vừa bảo Mịch Nhi mang áo choàng lông cáo mới làm hai hôm trước đến. Biết khuyên cũng bằng thừa nhưng ta vẫn lải nhải khuyên bệ hạ phải chú ý nghỉ ngơi.
Bệ hạ đứng yên nghe ta nói, vừa nhìn ta vừa cười.
Sau đó, người không thể đứng trước mặt ta như vậy nữa.
Hoàng thượng vừa lâm triều một lúc lâu, ta bỗng nghe bên ngoài náo loạn, trong lòng bất an nên bảo Mịch Nhi đi hỏi xem có chuyện gì mà không hỏi được gì cả. Ta nghĩ nếu chẳng may có gì xảy ra thì sẽ có người đến báo thôi nên cố kiên nhẫn ngồi thêm hai khắc, mà vẫn không nhận được tin tức gì cả.
Ta không nhịn nổi nữa, lật đật chạy đến điện Cần Chính.
Bệ hạ không có ở đó.
Ta hoảng hốt, ngày thường ta lúc nào cũng ước người không có ở điện Cần Chính, nhưng sao hôm nay người lại vắng mặt cơ chứ?
Ta lại chạy đến tẩm cung của bệ hạ.
Tiểu Trịnh Tử đang đứng canh bên ngoài, vẻ mặt cũng tràn đầy lo lắng, thấy ta tiến lên thì cản lại:
- Hoàng thượng cố ý dặn không được để tin tức truyền đến cung Đường Lê, sao nương nương lại đến đây?
- Đừng nói mấy lời vô nghĩa đó với ta, mau nói ta biết Hoàng thượng sao rồi?
- Thái y đang khám ạ, có lẽ Hoàng thượng mệt, lúc nãy vừa hạ triều, vừa đứng dậy thì ngất đi.
- Bây giờ đã tỉnh chưa?
- Lúc thái y đến còn chưa tỉnh, bây giờ thì chưa biết ạ.
Ta đứng bên ngoài chờ, chờ một canh giờ thì Hoàng hậu, Cẩn phi, Tuệ phi, Gia phi cũng đến. Các chủ tử khác đến lại bị Hoàng hậu xua về cả. Hoàng hậu không tỏ vẻ gì, Cẩn phi luôn bình tĩnh nay đứng không yên cứ đi tới đi lui, Tuệ phi và Gia phi càng sốt ruột.
Thái y đi ra, chúng ta vội xúm vào hỏi, thái y chỉ giải thích rằng:
- Bệ hạ mệt nhọc quá độ nên ngất đi, bây giờ đã không sao.
Ta thoáng thả lỏng đôi chút, nhưng vẫn chưa yên lòng.
Bệ hạ cũng không gặp ta, những ngày sau chỉ có từng đạo thánh chỉ được truyền đi.
Mồng bảy tháng giêng truyền chỉ, cháu gái của Hoàng hậu, Hách xá lý thị, hiền thục đoan trang, tứ hôn cho Thái tử, chọn ngày lành thành hôn.
Mười bốn tháng giêng truyền chỉ, phong Dịch Thiện, cháu trai của Cẩn phi làm Ngự tiền thị vệ.
Mồng bốn tháng hai truyền chỉ, phong trưởng nữ của Thuần tần thành Cố Luân công chúa.
Ngoài ra còn có mấy chuyện ở tiền triều, ta không để trong lòng.
Ngày hai mươi ba tháng hai, cuối cùng bệ hạ đã gọi ta đến.
Trên đường đi, ta lại bình tĩnh đến lạ kỳ.
Bệ hạ ngồi ở điện Cần Chính.
Sắc mặt trắng bệch, yếu ớt.
Lúc ta biết bệ hạ, người mới ba mươi mốt tuổi, còn hăng hái lắm. Thật ra năm nay người mới bốn mươi ba tuổi thôi, nhưng vất vả sớm khuya làm người có vẻ già hơn tuổi nhiều.
- Dao phi ngồi đi.
Ta ngồi vào chiếc ghế mới được kê lên.
Người nhìn ta thật lâu, trên mặt có chút xấu hổ:
- Trẫm nhớ mấy hôm trước là sinh nhật nàng, nhưng trẫm bận quá.
- Hoàng thượng quốc sự bận rộn, thần thiếp không thể đỡ đần gì đã xấu hổ lắm rồi... Người... có khỏe không?
Bệ hạ không trả lời ta mà hỏi:
- Những năm này, nàng thấy trẫm đối xử với nàng thế nào?
- Thần thiếp biết người dành cho thần thiếp rất nhiều sủng ái.
- Nàng lúc nào cũng nói chuyện kiểu chọc giận người khác như vậy. Nàng chỉ biết sủng ái, ban thưởng là sủng ái, phong hào cũng là sủng ái. Nhưng thứ trẫm muốn cho nàng không phải mấy thứ đó. - Bệ hạ mỉm cười, - Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao. Câu này hẳn nàng biết, nhưng nàng có biết hai câu sau của nó là gì không?
- Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao. Phỉ báo dã, vĩnh dĩ vi hảo dã.
- Lần đầu gặp mặt, nàng tặng trẫm một quả đào, trẫm tặng lại nàng vị trí Dao phi. Nhưng đây không phải vì báo lại nàng, mà là hứa hẹn luôn yêu thương nàng, chung lòng với nàng. Nàng đã hiểu chưa?
Cổ họng ta nghẹn lại nhưng không muốn bị bệ hạ phát hiện nên chỉ gật đầu mà không đáp.
- Nàng về đi. Sắp tới trong cung có nhiều biến cố, trẫm không gọi, nàng đừng nên tới.
Ta quỳ xuống thỉnh an rồi xoay người đi ra cửa.
- Ý Tùy.
Ta không dám quay đầu lại.
- Lại đây.
Ta khựng lại, cảm thấy mặt hơi ươn ướt, chỉ có thể vội quay đi luống cuống dùng tay áo lau nước mắt rồi mới bước nhanh đến bên người.
- Trẫm biết nàng sẽ khóc mà, - Bệ hạ có vẻ đắc ý cười cười, khẽ nắn mũi ta, - Giống đứa bé vậy, để trẫm tính xem, năm nay bé Dao mấy tuổi rồi?
Lần này ta không nhịn được, tựa lên đầu gối người khóc nức nở. Bệ hạ nhẹ nhàng vỗ lưng ta.
Ta không muốn đi.
Ta không muốn đi.
Ta không muốn đi.
Vào lúc này đây, ta không cần mẫu gia, không cần Hân Uyên, không cần Xu Ninh, không cần cả chính ta.
Ta muốn ở lại đây, chết ngay tại đây cũng được. Cầu khẩn thần tiên nào đi qua biến ta thành chiếc bút lông trên bàn cũng tốt.
Một lát sau, người khẽ nói với ta:
- Đi thôi.
Giọng của người nhỏ đến nỗi ta không nghe được, khóe miệng bệ hạ khẽ nhếch lên, hơi run run, vành mắt cũng đỏ.
Lúc ta đi ra, Nhị hoàng tử đang ở bên ngoài.
Hắn cung kính hành lễ với ta:
- Dao nương nương.
Ta cũng đáp lại.
Trên đường về lại gặp Đại hoàng tử, không biết có phải trùng hợp hay không.
Toàn bộ Hoàng cung đều trầm lặng, tựa như bầu trời đầy mây đen trước khi mưa.
Ta về cung Đường Lê, nghe lời bệ hạ, không ra khỏi cửa một bước.
Hai mươi tư tháng hai, trời trong.
Hai mươi lăm tháng hai, trời âm u.
Hai mươi sáu tháng hai, trời âm u.
Hai mươi bảy tháng hai, nổi gió.
...
Mười bốn tháng năm, trời trong.
Mười lăm tháng năm, trời trong.
Mười sáu tháng năm, trời âm u.
Mười bảy tháng năm, trời trong.
Mười tám tháng năm, trời âm u.
Mười chín tháng năm, trời trong.
Hai mươi tháng năm, trời trong.
Hai mươi một tháng năm, Xu Ninh hỏi ta khi nào mới gặp được Hoàng a ma.
Ta không đáp, chỉ ôm con bé thật chặt.
Hai mươi hai tháng năm truyền đến tin tức, các cung mặc đồ trắng, cấm chơi nhạc, hoàng tử cắt tóc, phụ nữ tháo trang sức, đàn ông tháo tua mũ.
Hoàng thượng băng hà.
Nghe được tin này, ta không khóc. Ban ngày theo các phi tần đi tế bái tập thể, buổi tối dỗ Hân Uyên và Xu Ninh ngủ, ban đêm lại ngồi một mình ngẩn ngơ.
Việc trong cung còn thật nhiều, lễ mai táng, rồi tân đế kế nhiệm, các phi tần chuyển cung.
Ta chuyển đến cung Thọ Khang yên tĩnh, có lúc ngồi thêu túi tiền cho Hoàng thường, trong đầu nghĩ, cung Thọ Khang hẻo lánh cách xa điện Cần Chính, cái tên còn nghe có vẻ già cỗi, không biết Hoàng thượng có chịu đến không.
Nghĩ đi nghĩ lại, rồi cúi đầu thêu tiếp. Hoàng thượng hay bị đau đầu, ta phải bỏ chút bạc hà, long não vào trong túi. Bệ hạ lại hay bỏ quên rồi làm mất, ta rất phiền lòng, nhưng cuối cùng vẫn chịu làm thêm vài cái.
Ngày hai mươi bảy tháng sáu, trời u ám, ta đang tập viết chữ người từng dạy thì có người cầu kiến.
Ta nhận ra Tiểu Trịnh Tử.
Tiểu Trịnh Tử đưa tới một hộp gỗ đỏ, bảo do Tiên hoàng để lại, nhờ hắn chuyển cho ta.
Ta mở hộp, bên trong là chiếc túi hoa mai đã mất nhiều năm trước, ta ngơ ngẩn, nước mắt bỗng lăn dài.
Bên dưới là hai tờ giấy đã ố vàng, một tờ người viết, thanh thanh tử câm, du du ngã tâm. Tờ còn lại ta viết, Ký kiến quân tử, vân hồ bất hỉ.
Dưới cùng là một phong thư, bên trên viết, Dao phi cung Đường Lê.
Ta mở phong bì, bên trong là một phong thư khác, ở trên viết, thê tử Ý Tùy. Ta mở ra.
“Ý Tùy:
Chắc hẳn, hai ngày sau sẽ tuyên chỉ để Lục hoàng tử sớm xuất cung kiến phủ, nàng và Xu Ninh cũng đi theo. Ta muốn nói rằng, không phải ta thấy con của chúng ta kém cỏi. Hân Uyên được nàng dạy dỗ thông minh ngoan ngoãn, chính trực chân thành. Xu Ninh đáng yêu giống nàng, là con gái bé bỏng của ta. Là ta có lỗi với các con, không thể theo hai đứa nó trưởng thành. Nhưng ta không thể che chở cho nàng, Hoàng cung này không còn là nơi nàng nên ở. Ta nghĩ tới nghĩ lui, cũng chỉ có cách này để đưa nàng ra ngoài.
Từ năm ngoái ta đã thấy tinh thần kém cỏi, đêm không ngủ ngon. Triệu thái y khám xong cũng không biết làm sao. Thầy thuốc chữa bệnh chứ không cứu được mạng. Ta tại vị hơn hai mươi năm, tự thấy mình thận trọng cẩn thận, chăm chỉ đêm ngày. Làm thiên tử, đời này của ta không có gì hối hận. Làm phu quân, ta có lỗi với Ý Tùy.
Nàng và ta thành phu thê tính ra đã được mười hai năm, người ngoài luôn cảm thấy Hoàng thượng sủng ái Dao phi, chỉ có mình ta biết nàng còn tốt với ta hơn ta tốt với nàng.
Năm Thái phi qua đời, các phi tần khuyên ta giữ gìn sức khỏe, các đại thần khuyên ta lấy quốc sự làm trọng, đến cả Hoàng thái hậu cũng chỉ nói với ta, Thiên tử không thể có sướng vui đau buồn. Nhưng dưới tán ô, nàng nói với ta rằng, đau lòng thì không cần nhịn, thấy ta giả vờ cứng cỏi nàng rất đau lòng. Từ khi đó ta đã biết, lòng ta ngoài nàng ra ta sẽ không có ai nữa. Mười năm nay, nàng không tranh vinh sủng, không tranh quyền thế, lúc nào cũng đặt ta lên đầu, ta biết cả.
Nhưng ta không thể cho nàng thêm gì ngoài vị phân, ban thưởng. Ta biết nàng không muốn những thứ đó. Mà nàng cũng hiểu, ta thân bất do kỷ, đời này sinh ra ở nhà đế vương đã có lỗi với nàng.
Chiếc túi hoa mai này, ta nói không nhặt được. Bởi vì nàng mỗi lần viết chữ xấu đề xé đi không cho ta xem, chiếc túi hoa mai này xấu như vậy, nàng biết nó ở chỗ ta sẽ đòi về mất. Duyên phận của nàng và ta từ nó mà ra, ta không nỡ.
Nàng cái gì cũng tốt, mỗi cái tự thấy mình không tốt là phải sửa. Chữ của nàng, túi lưới của nàng, đẹp hay xấu trong mắt ta đều là tốt nhất. Ta nàng muốn trở nên thận trọng, hiểu chuyện hơn. Nhưng ta lại nghĩ, có thể bảo vệ sự ngây thơ vô tư của nàng, cũng rất tốt.
Trước mắt ta không thể gặp nàng, một là sắp tới bận rộn, hai là không muốn nàng trở thành cái gai trong mắt mọi người. Trước mắt nàng đã phong Phi, có thể dẫn Xu Ninh theo Hân Uyên xuất cung, đứa bé này tâm tính trầm ổn, đời này cứ làm một Vương gia nhàn tản. Xu Ninh còn nhỏ, ta đã bàn giao để sau này tân hoàng tìm nơi tốt cho nó.
Ta hổ thẹn lại không đành lòng, nhưng vì hai đứa nhỏ, bé Dao bốn tuổi lớn rồi, không được khóc.
Khi nàng nhớ ta, hãy ngẩng lên nhìn mặt trăng.
Phu quân của nàng.
Ngày mồng bảy tháng hai.”
Sấm rền ngoài cửa sổ, ta thẫn thờ sờ mặt mình, mùa mưa, đến rồi.
Quả nhiên ba ngày sau, tân hoàng tuyên chỉ, Lục hoàng tử Hân Uyên năm xưa thất lễ với trung cung, sớm xuất cung kiến phủ. Dao thái phi Từ ý Tùy đi theo, Ngũ công chúa còn nhỏ, theo mẫu phi ở tạm trong phủ Bối tử.
Lĩnh chỉ xong, ta sai Mịch Nhi đi thu dọn hành lý, trong cung này không có gì để ta lưu luyến nên dặn kỹ chỉ thu lại những gì cần thiết thôi.
Mịch Nhi đột nhiên hỏi:
- Nương nương, tờ giấy này có cần mang theo không.
Ta nhìn lên, là bài thơ ta viết sau khi ngắm trăng cùng Hoàng thượng hồi Thất tịch năm ngoái.
“Hận quân bất tự giang lâu nguyệt, nam bắc đông tây, nam bắc đông tây, chích hữu tương tùy vô biệt ly.”
“Hận quân khước tự giang lâu nguyệt, tạm mãn hoàn khuy, tạm mãn hoàn khuy, đãi đắc đoàn viên thị kỷ thì?” (3)
Ta ngẩn người.
- Vứt đi.
Quay đi trong lòng lại nghĩ, nếu để bệ hạ nhìn thấy, kiểu gì người cũng cầm bút son phê rằng: “chữ của nàng xấu quá“.
Nghĩ đến đây khóe miệng nhếch lên, lại không nén được nước mắt tràn mi.
Ngày xuất cung trời trong nắng ấm giống ngày ta tiến cung, chỉ là khi hỉ thước bay ngang qua đầu, ta không thắc mắc đó là chim gì nữa.
Xe ngựa chậm rãi đi qua cổng Thái Hòa, Tử Cấm Thành đã vây nhốt ta 12 năm lùi lại ngày một xa, mãi mãi không thể giam cầm ta được nữa. Nhưng ta lại nghĩ, nếu bệ hạ còn đó, ở lại cả đời cũng không sao.
Xu Ninh nhìn ta chằm chằm, đưa tay lau nước mắt cho ta, hỏi:
- Mẫu phi, sao người lại khóc, chúng ta đang đi đâu?
Ta cười xoa đầu nó, ôm nó vào lòng, nói:
- Mẫu phi dẫn con đi hái đào, mùa thu chúng ta đi nhặt hoa quế, mùa đông ném tuyết, mùa xuân đào măng, làm thật nhiều chuyện trước đây không được làm, có được không?
Xu Ninh vui mừng vỗ tay, lại nghĩ một lát rồi nói:
- Vậy tại sao chúng ta không chờ Hoàng a ma?
- Hoàng a ma của con bây giờ đang ở trên trăng theo dõi chúng ta. Buối tối con ngẩng lên ngắm trăng sẽ thấy Hoàng a ma cười với con. Hoàng a ma còn nói, Xu Ninh, con phải ăn nhiều một chút, ngủ thật ngoan, học thêm mấy bài thơ, làm một cô gái nhỏ vui vẻ hạnh phúc. Con hỏi ca ca xem có phải không.
Hân Uyên vốn đang thò đầu ra ngắm nhìn bên ngoài, nghe thấy liền quay lại cười dịu dàng với Xu Ninh.
- Vậy mẫu phi dạy con một bài thơ đi, buổi tối con sẽ đọc cho Hoàng a ma trên mặt trăng nghe.
Ta suy nghĩ một là rồi đọc.
“Đầu ngã dĩ mộc qua, báo chi dĩ quỳnh cư. Phỉ báo dã, vĩnh dĩ vi hảo dã.” (4)
“Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao. Phỉ báo dã, vĩnh dĩ vi hảo dã.”
“Đầu ngã dĩ mộc lý, báo chi dĩ quỳnh cửu. Phỉ báo dã, vĩnh dĩ vi hảo dã.” (5)
Nguyện cùng người bên nhau, đời đời kiếp kiếp.
[Xong chính văn]
(1) Trích trong Thiên Vận của Trang Tử
(2) Nguyên văn: 舉世而譽之而不加勸,舉世而非之不加沮,定乎內外乎分,辯乎榮辱乎境,斯已矣 Trích trong Tiêu dao du của Trang Tử
Dịch nghĩa: Dù cả thế gian khen ngợi, ông cũng không nỗ lực thêm; dù cả thế gian chê bai ông cũng không thối chí nản lòng; ông đã phân biệt được giữa trong và ngoài, đã xác định được ranh giới giữa vinh và nhục. Ông ta đã như thế rồi.
(3) Bài thơ Thái Tang Tử của La Bản Trung
Hận quân bất tự giang lâu nguyệt,
Nam bắc đông tây,
Nam bắc đông tây,
Chỉ hữu tương tuỳ vô biệt ly.
Hận quân khước tự giang lâu nguyệt,
Tạm mãn hoàn khuy,
Tạm mãn hoàn khuy,
Đãi đắc đoàn viên thị kỷ thì.
Bản dịch thơ của Nguyễn Thị Bích Hải trên thivien:
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]