🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Nghe giọng Phong, tất cả mọi người đều sửng sốt quay lại, ngay cả con mụ đang chuẩn bị đánh tôi cũng dừng tay, trợn mắt nhìn về phía anh ta.
Tôi chẳng biết có phải do ánh mắt của Phong khi ấy quá lạnh lùng hay là vì quần áo trên người anh ta trái ngược hẳn với tôi hay không, mà thái độ hung hăng của mấy người nhà giàu kia phút chốc cũng thay đổi ngay lập tức.
Bà kia không dám vênh váo nữa mà chỉ nói:
– Cậu này là ai thế?
– Phụ huynh của người bà sắp đánh đấy.
– Gì cơ?
Tôi tưởng lúc trước anh ta nói đùa thế thôi, thế mà bây giờ Phong đến tận đây, còn dám nhận là phụ huynh tôi thật, khiến tôi vừa kinh ngạc lại vừa xấu hổ, lúc ấy chỉ muốn tìm một cái lỗ nẻ nào mà chui xuống.
May sao cùng lúc này hiệu trưởng cũng tất ta tất tưởi chạy tới, thấy bóng Phong thì vội vàng chào hỏi:
– Ơ Phong, sao cậu lại đến đây không báo trước thế? Phải báo trước để nhà trường tiếp đãi tử tế chứ?
– Tưởng nhà trường báo tôi đến mà?
– Làm gì có? Chưa đến kỳ họp cổ đông nên tôi chưa thông báo mà.
– Cô giáo lớp 11A3 nhắn tin bảo tôi đến họp phụ huynh. Người nhà tôi đánh nhau nên bị nhà trường dọa đình chỉ học thì phải.
Hiệu trưởng nghe xong thì lập tức quay ngoắt về phía cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, mắng luôn:
– Cô làm sao thế? Có mấy chuyện nhỏ thế này cũng không giải quyết được à mà gọi cả phụ huynh đến rồi ầm ỏm hết cả lên thế này? Cô biết anh này là ai không? Cổ đông lớn nhất của trường đấy, tiền lương hàng tháng của cô cũng có một phần tiền cậu Phong trả đấy. Thế mà giờ có tý chuyện cô cũng dọa đình chỉ rồi yêu cầu anh ấy đến tận đây à?
– Ơ… xin lỗi hiệu trưởng… em không biết ạ. Tại em Giang nói gia đình em ấy ở xa hết, lúc ghi trong thông tin chỉ ghi mỗi số điện thoại này, em tưởng đây là số bố của em Giang nên mới nhắn tin bảo anh ấy đến. Nếu em biết đó là số của cổ đông thì em không dám nhắn tin đâu ạ.
– Thôi chuyện này không nhớ đến cô giải quyết nữa, đứng gọn sang một bên để tôi làm.
– Vâng.
Hiệu trưởng nói xong thì nhìn mấy người bọn tôi một lượt, ánh mắt dừng lại trên người tôi vài giây, sau đó lại tròn xoe mắt nhìn Phong, biểu cảm như kiểu không thể tin được một người giàu có như Phong lại có mối quan hệ với một đứa nhà quê như tôi vậy.
Sau cùng, ông ta hắng giọng một tiếng:
– Bây giờ các cháu đánh nhau thì cũng đã đánh rồi, người lớn mà đánh học sinh cũng không được, nhà trường không chấp nhận cho bất cứ ai đánh nhau ở đây cả. Giờ mời hai bên phụ huynh và các em tham gia đánh nhau ngồi xuống trước đi, chúng ta nói chuyện đàng hoàng, đúng sai thế nào thì tôi sẽ đứng ra phân xử.
Cái bà đeo đầy kim cương nói:
– Ôi cổ đông lớn nhất của trường ông thì tất nhiên ông sẽ đứng ra phân xử đúng cho người ta rồi, nói chuyện làm gì nữa. Tôi nói cho các ông biết, đừng có cậy đông ức hiếp người khác, động vào nhà tôi là không xong đâu. Tôi sẽ làm đến cùng cho các người biết tay.
– Cậy đông ức hiếp người khác?
Phong nhếch môi cười nhạt, sau đó đột ngột kéo tay tôi lại gần anh ta, lạnh lùng nói từng chữ:
– Không phải các người vừa cậy đông bắt nạt bạn này hả? Tôi còn vừa mới thấy bà định đánh người ta mà. Nói gì nhỉ? Bố mẹ mày không dạy được mày thì tao dạy à?
– Không đúng à? Nhà cậu mà dạy dỗ tử tế thì con bé đó đã không du côn du đồ như thế nhé? Cậu xem đây này, người nhà cậu đánh con tôi ra thế này đấy, chỉ có cái loại không được dạy dỗ mới đánh người thôi.
– Bà nói lại tôi nghe xem.
– Người nhà cậu đánh con tôi ra thế này đấy.
– Không, câu cuối cơ.
– Chỉ có cái loại không được dạy dỗ mới đánh người thôi.
– À… Thế hóa ra từ trên xuống dưới gia đình bà đều là cái loại không được dạy dỗ cả nhỉ? Mẹ không dạy được con, để con đi đánh bạn. Mà ngay bản thân bà cũng chẳng ra gì nên mới định đánh người luôn ở đây, phải không?
– Cậu…
Mắng thâm quá là thâm, thâm đến nỗi con mụ kia tức đến xanh cả mắt mà không làm gì được, chỉ có thể nghiến răng kèn kẹt trừng Phong.
Ai kia thì mặt mày tỉnh bơ bảo:
– Người nhà tôi, muốn dạy dỗ thì cũng không đến lượt gia đình không có tý giáo dục nào của bà dạy. Còn hôm nay bà muốn làm đến cùng phải không? Trích xuất camera trong lớp học rồi mời công an vào cuộc xem ai đúng ai sai nhé?
Quả nhiên, khi nghe đến công an thì hống hách đến mấy cũng vẫn phải khép nép ngay tức thì, cái đứa đánh tôi lúc nãy vênh váo bao nhiêu, giờ run như cầy sấy bấy nhiêu. Nó quay sang thì thầm với bà mẹ điều gì đó, bà ta nghe xong thì mặt mày khó coi giống như vừa ăn phải một con sâu róm. Tức mà không làm gì được, nhưng vẫn cứng miệng bảo Phong:
– Ôi cậu là cổ đông lớn thì nhà trường kiểu gì chả trích xuất camera rồi nói có lợi cho cậu. Người bình thường như bọn tôi sao đấu lại được với nhà giàu. Khỏi phải ra công an đi, coi như hôm nay con tôi bị đánh oan.
– Bà sợ à?
– Tôi chẳng việc gì mà phải sợ, chẳng qua tôi không thích chơi một trò chơi mà ngay từ đầu đã không công bằng thôi. Đừng tưởng cổ đông lớn nhất mà oai, nhà tôi thừa sức xây 10 cái trường thế này cho con tôi học. Giờ thiếu quái gì trường tốt, không học ở đây thì học chỗ khác. Các người cứ chờ đấy, tôi sẽ không để yên đâu.
Nói xong, bà ta tóm tay đứa con lôi đi, lúc ngang qua chỗ tôi và Phong còn cố ý dừng lại lườm thêm một cái. Nhưng cả hai người bọn tôi chẳng ai thèm bận tâm, mặc bà ta lườm chán rồi cũng thôi.
Lúc đám phụ huynh hống hách kia vừa đi khỏi thì hiệu trưởng ngay lập tức chạy đến chỗ tôi hỏi:
– Em này là người nhà của Phong à? Hôm trước bị đánh có sao không? Ch.ế.t thật, tôi nghe giáo viên chủ nhiệm lớp báo lại nhưng cứ nghĩ là mấy đứa trẻ con đánh nhau thôi nên không để ý, không biết là người nhà của Phong.
Tôi không quen được đối xử tử tế thế này nên hơi ngượng, lí nhí đáp:
– Em… không sao đâu ạ. Cả hai bên đều có lỗi, em cũng đánh các bạn ấy, không phải mình các bạn ấy đánh em đâu ạ.
– À thì dù sao bị mấy đứa kia bắt nạt cũng nên phản kháng lại mà. Phong nhỉ?
Anh ta không thèm trả lời mà chỉ hỏi ngược lại:
– Ông định xử lý chuyện này thế nào?
– Tôi sẽ ra quyết định kỷ luật bằng hình thức phạt dọn vệ sinh xung quanh khuôn viên trường đối với mấy đứa kia. Nếu gia đình có khiếu nại hoặc các em ấy không chịu làm thì sẽ kỷ luật cao hơn.
– Còn người nhà tôi thì sao? Cũng tham gia đánh nhau, phạt thì phải phạt cả.
Tôi cứ nghĩ anh ta đến đây để bênh vực mình, ai ngờ bênh xong còn đòi phạt luôn cả tôi. Nhưng mà thôi, dù sao tôi cũng sai một phần mà, phạt cũng được.
Hiệu trưởng có lẽ cũng bất ngờ khi Phong nói như vậy nên hơi ngẩn ra, lát sau dường như ông ta nhớ ra chuyện gì đó nên bảo:
– À… phạt… phạt chuyển lớp. Chuyển em Giang sang 11A1.
– Cảm ơn!
Nói xong, anh ta gật đầu chào hiệu trưởng rồi xoay người đi về, tôi cũng vội vàng chào mọi người rồi ba chân bốn cẳng chạy theo. Chân Phong dài nên bước rất nhanh, mới đi trước có mấy giây thôi mà tôi chạy bở cả hơi tai mới đuổi kịp.
Ra đến sân trường, tôi thở hồng hộc bảo:
– Anh đợi em với.
– Làm gì?
– Em đi về cùng với anh.
– Xe của cô đâu?
Mặt mày tôi méo xệch:
– Sáng nay đi đến trường thì bị hỏng rồi ạ. Em đang sửa ở tiệm ngoài cổng trường, họ hẹn ngày mai mới lấy được. Giờ anh có về nhà luôn không?
Phong quay đầu nhìn bộ dạng tất ta tất tưởi của tôi, hừ lạnh một tiếng:
– Không.
Nghe đến đây là tôi biết đại gia đang giận rồi. Hôm qua rõ ràng cô giáo đã nhắn tin thông báo, vậy mà anh ta hỏi thì tôi vẫn nói dối. Có lẽ Phong không thích phải nghe nói dối nên mới giận tôi.
Thế là tôi đành phải tỏ ra hối lỗi, năn nỉ bảo anh ta:
– Đừng giận nữa mà. Em không nên nói dối anh. Em sai rồi. Em xin lỗi.
– …
– Tại em sợ anh cười em nên em mới không dám nói thật.
– …
– Đừng giận nữa mà.
Anh ta không thèm trả lời, nhưng sau đó bước chân rút cuộc cũng chậm lại. Tôi thấy vậy thì vội vàng chạy đến đi song song với Phong, vừa đi vừa nói:
– Anh đừng giận nữa, tý nữa em mời anh đi ăn súp cua. Em mới lấy được tiền học bổng hôm kia, em mời anh đi ăn súp cua để xin lỗi được không?
– Cô thi may mà không trượt cơ mà. Học top cuối mà vẫn giành được học bổng cơ à?
– Top cuối từ dưới lên, em quên nói.
Ai kia cuối cùng cũng bị chọc cười, anh ta dừng lại nhìn tôi, vẻ mặt rõ ràng rất nghiêm túc nhưng ánh mắt không còn hậm hực như ban nãy nữa:
– Giỏi thật. Nói dối mãi thành quen phải không?
– Không phải. Em chỉ nói dối mỗi chuyện thi cử với cả đánh nhau ở trường thôi. Chuyện đánh nhau thì em sợ mất mặt, đã mất công xin anh đi học rồi mà còn đánh nhau. Còn chuyện thi thì …
– Thì sao?
– Tại anh học giỏi hơn em… em sợ anh biết em thi được kết quả cao lại giao bài khó cho em giải.
– Chỉ giỏi biện minh.
– Thật mà.
– Lắm lời, lên xe đi.
Trèo lên xe xong, tôi cứ tủm ta tủm tỉm nhìn Phong rồi cười thầm mãi. Cứ nghĩ đến chuyện “phụ huynh” của tôi đến tận lớp mắng cho mấy bà già hống hách kia một trận, tôi lại cảm thấy vui vẻ cực kỳ. Cảm giác như kiểu mình tôi đang bị cả thế giới bắt nạt, rồi bỗng dưng có một người đến che chở cho tôi, bảo vệ tôi, cho tôi sự vững tâm để chẳng sợ hãi điều gì nữa cả.
Lúc ấy, tôi chỉ thiếu điều chống nạnh, phổng mũi hét to lên rằng: Các bà thấy chưa? Thấy phụ huynh nhà tôi oai chưa? Tôi có phụ huynh bảo kê đấy, đừng có bắt nạt tôi.
Hahaha!
Tôi rút cuộc cũng không nhịn được, ôm bụng cười như đ.iê.n. Phong ngồi cạnh thấy mặt mày tôi vặn vẹo mới lườm một cái:
– Cười gì?
– À…. tự nhiên em nghĩ đến lúc bà kia cãi nhau không thắng được anh nên buồn cười. Anh không biết đâu, lúc anh chưa đến bà ấy oai cực. Nói mà bao nhiêu người không nói lại được ấy.
– Tôi không đến thì cô định để bà ấy đánh luôn à?
– Vâng… Tại anh chỉ bảo kê cho em đánh lại mấy con bé ở trường thôi mà, anh có dặn em đánh lại người lớn đâu.
– Nói thế mà cũng tin.
Công nhận, cái lão này toàn xúi bậy thôi mà tôi cũng tin, còn dám đánh nhau thật để anh ta bảo kê nữa. Tôi vừa xấu hổ vừa buồn cười, không dám nói vấn đề này nữa nên đành lảng sang chuyện khác:
– Anh là cổ đông ở trường thật à?
– Trước dư ít tiền thì góp vốn thôi.
– Thế mà anh không nói sớm.
– Để làm gì?
– Để em được oai sớm một tý. Có sugar daddy chức to thế cơ mà.
Cuối cùng, Phong không nhịn được bật cười:
– Nịnh nghe buồn nôn c.hế.t được.
– Thật đấy.
– Quán súp cua kia ở chỗ nào?
– Dạ?
– Không định mời súp cua để cảm ơn sugar daddy của cô à?
– À à… Đến ngã tư trên kia anh rẽ trái, phải đi ra ngoại thành cơ. Ra ngoại thành em mời anh ăn súp cua.
Đường Hà Nội hôm ấy tắc, chúng tôi chật vật mãi đến tận 1h chiều mới đến được quán súp cua kia. Tôi chọn một bàn trông có vẻ sạch sẽ nhất, sau đó còn cẩn thận mượn khăn lau dọn lần nữa rồi mới mời Phong ngồi.
Anh ta hình như chưa bao giờ đến những quán ăn cũ kỹ thế này nên cứ nhìn quanh nhìn quẩn mãi, tay còn không dám chạm xuống bàn. Tôi cũng ngượng nên bảo:
– Nhìn cũ cũ thế thôi mà đồ ăn ngon lắm. Súp cua bác ấy nấu cũng ngon. Cái nồi sạch bóng loáng luôn.
– Súp cua sao có 10 nghìn?
– Vâng, ở đây ngoại thành, đời sống của dân còn thấp mà. Bán giá cao hơn người ta không ăn đâu. Như chỗ em nhé, mấy quán hàng ăn sáng còn không có ấy, người dân chỗ em buổi sáng toàn tự nấu cơm mang lên nương ăn cho chắc bụng, lại đỡ tốn tiền nữa. Muốn tìm một quán ăn bình thường còn khó chứ đừng nói đến ăn súp cua.
– Ngoài Hà Nội ra, cô còn được đi những đâu rồi?
– Em kể thì anh đừng cười em nhé?
– Ừ.
– Em được sang Trung Quốc một lần. Hồi đó đi bán lợn với bố, chỗ ấy giáp Trung Quốc, lội qua đúng cái sông cạn là đến thôi. Em tò mò nên thử lội sang, đặt hai bước chân sang đó rồi em lại quay về. Thế cũng là được đi nước ngoài anh nhỉ?
– Thế gọi là du lịch xuyên Việt Trung đấy.
– Thật ạ?
– Ừ.
Lúc đó chẳng hiểu sao tôi ngu thế, ông Phong nói thế mà tôi cũng tin, cứ tưởng mình được đi du lịch xuyên Việt – Trung như thật. Tôi cười bảo:
– Em ước sau có tiền sẽ được đi miền nam.
– Để làm gì?
– Để thử xem không khí trong đó thế nào ạ. Em thấy mọi người nói ở miền nam không khí ấm áp, không bị xoang nữa.
Nói đến đây tôi mới nhớ, hình như mùi dầu gội trên người Phong đã đổi rồi, quán ăn này bàn rất nhỏ, tôi ngồi cách anh ta có đúng một tý thôi mà không bị hắt hơi nữa. Mùi nước hoa nồng nồng ngày trước Phong vẫn hay dùng cũng biến mất luôn.
Tôi chớp chớp mắt hỏi:
– Anh đổi dầu gội rồi à?
– Để cô khỏi gọi tôi là anh đẹp trai hắt xì.
– Anh đẹp trai thật mà.
Phong không thèm để ý đến tôi, chỉ đẩy bát súp bác chủ quán vừa mang ra về phía tôi rồi bảo:
– Ăn đi.
Chắc tại vì súp ở đây nấu ngon nên ban đầu thì Phong có vẻ dè dặt, nhưng sau đó thì ăn hết luôn cả bát, ăn hết không để sót lại giọt nào. Lúc tôi thanh toán, bác chủ quán theo thói quen bảo:
– Lần sau hai người lại đến ăn nữa nhé.
Phong rất nghiêm túc đáp:
– Vâng, nhất định sẽ đến ạ.
Ở cùng Phong đã lâu, tôi ít khi thấy anh ta dễ gần dễ chịu như vậy với người khác. Thường ngày, Phong lúc nào cũng uể oải lười biếng, nhưng bây giờ bỗng dưng tôi lại có cảm giác anh ta chỉ là một chàng thanh niên trẻ tuổi đẹp trai bình thường thôi, không phải đại gia nhà giàu bao nuôi tôi, hay là con trai độc nhất của chủ tịch một tập đoàn lớn gì cả.
Một người có thể ngồi trong quán ăn tồi tàn với bát súp cua 10k, hoặc có thể chụm đầu xem số liệu cùng tôi… Nếu anh ta cứ mãi bình thường thế này thì tốt biết mấy nhỉ?
Sau hôm đó tôi bắt đầu được nghỉ hè, ban ngày không phải đi học nữa nên tôi rất nhàn rỗi, định xin Phong về nhà mấy hôm thăm bố, nhưng lúc gọi điện thoại về, bố tôi lại nói:
– Thôi, đi đi về về xa xôi, tốn kém. Bố không sao đâu. Mày muốn về thì chờ mấy hôm nữa giỗ bà rồi mà về.
– À… con quên mất, 15/7 là giỗ bà bố nhỉ?
– Ừ. Còn nửa tháng nữa thôi. Hôm ấy có được nghỉ không?
– Có ạ. Không vào ngày nghỉ thì con xin nghỉ, lâu nay không nghỉ ngày nào nên vẫn còn ngày phép bố ạ.
– Ừ.
– Thế dạo này bố có khỏe không? Còn đau lưng nhiều không?
– Lưng đỡ rồi, mày mua gì mà nhiều thuốc thế? Trên này tao uống lá cũng được, cứ mua thuốc tây làm gì cho tốn tiền.
– Tốn gì đâu, thuốc rẻ mà bố. Thuốc lá không có tác dụng như thuốc tây đâu. Con mua được, bố cứ yên tâm mà uống đi. Không thì bữa nào con về thì con đón bố xuống đây luôn mà đi khám.
– Thôi, tao không khám đâu. Khám lại ra lắm bệnh. Với cả nhà cửa ruộng vườn không ai chăm. Không phải khám. Mày cứ lo cho mày đi, 25 tuổi rồi, ế đến nơi rồi đấy, xem mà lấy chồng đi không đến khi lại không ai lấy.
Ở trên chỗ tôi lấy vợ lấy chồng sớm lắm, mười mấy tuổi đã kết hôn rồi, hai đứa nhà tôi cũng 16, 17 tuổi là cưới, xong về cũng chỉ đầu tắt mặt tối với nương rẫy thôi, khổ lắm. Giờ tôi 25 rồi mà vẫn chưa động tĩnh, bố tôi mới sốt ruột.
Tôi bảo:
– Vâng, vài năm nữa con lấy ấy mà, ở trên này không ai cưới sớm đâu, toàn 27, 28 tuổi mới lấy. Bố đừng lo, kiểu gì mấy năm nữa con cũng mang con rể về cho bố.
– 27, 28 tuổi thì người ta đã đẻ được 4, 5 đứa con rồi, lúc đấy mày mới lấy thì còn đẻ đái gì nữa. Thôi, làm gì thì làm, phụ nữ thì chỉ nên ở nhà thôi, chồng mới là trụ cột gia đình. Lo liệu mà lấy chồng rồi yên bề gia thất đi cho sớm.
– Vâng, con biết rồi mà. Thế mấy đứa dạo này có ngoan không hả bố?
– Hai đứa út thì ngoan, còn con Thu thì dạo này nghe bảo học ôn đại học nên đi suốt, sáng đi tối đi. Tao nói thì nó cứ bảo là đi học, chẳng biết học được chữ nào không nữa.
– Vâng, thôi bố cứ động viên mấy đứa học hành đi rồi đến giỗ bà con về.
Tự nhiên nghe bố nói thế tôi cũng thấy sốt ruột, vì dạo này con bé Thu đang trong độ tuổi ẩm ương, lại đi tối ngày thế nên tôi lo. Nhưng lo thì cũng chỉ lo thế thôi chứ giờ vẫn chưa về được, thôi thì đành đợi nửa tháng nữa rồi về xem thế nào vậy.
Bẵng đi thêm mấy ngày, tôi ở nhà cũng chán quá, việc thì làm hết rồi nên định xin làm thêm công việc gia sư online. Dạy mấy bé tiểu học ấy. Tôi nghĩ làm việc đó mình cũng thoải mái thời gian, với cả không phải đi đi lại lại nữa, dù lương thấp nhưng kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy mà.
Mỗi tội đúng hôm tôi định nhận việc thì tự nhiên tối đó, Phong vừa về đã đưa cho tôi một tấm vé máy bay. Tôi nhìn thấy chặng bay là Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, với cả thời gian bay là ngày mai nữa nên mắt tròn mắt dẹt hỏi:
– Ơ… sao lại mua vé máy bay tên em hả anh?
– Không phải cô bảo thích đi miền nam à?
– Vâng, em thích nhưng mà…
Còn chưa nói hết câu, Phong đã thản nhiên bảo:
– Mai tôi có hợp đồng trong đó, cô thích thì cho cô đi cùng!
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.