Con bò nghe Trang Chi Điệp nói thế, nó cảm động vô cùng, nhưng nó không thở ra đằng mũi phì một cái, ngay đến tai và đuôi cũng cụp xuống không động đậy, chỉ đủng đỉnh bước rất chậm, bốn chân nó nặng chình chịch, như đổ chì. Nó nghe thấy bà chủ và Trang Chi Điệp nói chuyện. Bà chủ nói:
- Gần đây con bò này hơi lạ, ăn ít, sữa cũng không nhiều, lần nào dắt vào hang cổng thành, nó cũng chống chân không chịu đi, dường như sắp phải lên lò mổ.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Chắc nó ốm chăng? Không được chỉ bắt nó cho sữa bán lấy tiền, mà không quan tâm đến bệnh tật của nó, chị Lưu ạ!
Chị Lưu nói:
- Vâng, nên mời thầy thuốc khám cho nó.
Nghe vậy con bò tự nhiên rưng rưng nước mắt. Thật sự nó bị ốm, cơ thể yếu đi, không muốn ăn uống, nhất là hàng ngày đi vào thành phố, không biết tại sao cứ bước vào cổng thành liền nôn nóng sốt ruột, rồi lại nhớ tới những ngày còn sống ở vùng núi Chung Nam. Ừ nhỉ, đã xa dòng họ bò lâu lắm, lâu lắm rồi, nó không biết đồng loại đang làm gì, ôi, không khí trong khóm cỏ nước ở bờ sông và ngọn cây trên đỉnh núi trong sương mù màu xanh lúc sáng sớm tươi mới biết chừng nào! Tiếng chim hót sao mà ríu rít thế, lảnh lót thế! Dòng suối chảy sao mà trong xanh thế! Chẳng phải bọn nó đang gặm cỏ tại đó, cái lưỡi dài dài lè ra, rồi liếm một cái ngon ơ như lưỡi liềm một nắm cỏ non đã nằm gọn trong mồm? Sau đó tập trung đứng ở dốc núi thoai thoải, thả sức cựa quậy thân thể, thi nhau các bộ xương và cơ bắp của mình, hắt hơi và rống lên, những tiếng rống kéo dài ấy vang ra va vào vách núi xa xa, rồi đập trở lại, chẳng phải ầm ầm cả thung lũng và khe núi đó sao? Thế là ào ào đi qua một trảng cỏ xanh, cào cào châu chấu bay nhẩy tứ tung. Nhưng trên lưng thì đậu một con chim xanh nho nhỏ, đồng bọn hếch sừng ra oai đuổi mà nó cũng chẳng chịu bay đó sao? Lại còn chuyện vểnh đuôi ỉa một đống phân to bằng cái đĩa, những cục phân văng ra đất như ném một vốc bùn chẳng ra hình thù gì cả. Dưới ánh nắng mặt trời dìu dịu, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, chủ nhân của vùng núi liền cất tiếng chửi. Họ chửi những câu tục tĩu khó nghe lắm phải không? Tục tĩu khó nghe chẳng khác nào những câu họ chửi vợ, chửi con họ chứ gì? Lần nào nghĩ đến đây, con bò mới biết mọi thứ trước kia hoàn toàn không trân trọng quý mến, bây giờ biết trân trọng quý mến thì đã chẳng còn nữa. Nó lại nghĩ, khi nó được chọn đưa về thành phố này, đực cái lớn bé trong dòng họ đã nhìn nó với ánh mắt hâm mộ như thế nào, bọn họ vây quanh nó nô nghịch vui vẻ, liếm lên đầu nó, liếm vào đuôi nó bằng cái lưỡi ấm mềm. Lúc ấy đương nhiên nó đắc ý. Cho đến bây giờ bọn họ cũng không biết vẫn còn đang bàn luận về nó, ganh ghét nó như thế nào trên đường từ cánh đồng về chuồng trong đêm đầy trời sao. Trong thời gian cày bừa, hoặc lúc nghỉ kéo cối xay lại tưởng tượng như thế nào cảnh phồn hoa đẹp đẽ của thành phố đây nhỉ! Nhưng bọn họ đâu có biết nỗi cô độc của nó ở nơi đây cơ chứ? Nó ăn thức ăn ngon, nó nhìn thấy cảnh vật mới, chủ mới của nó cũng không bắt nó kéo cày và thồ hàng. Nhưng không khí của thành phố làm nó nghẹt thở, thứ không khí trộn lẫn mùi thuốc lá, mùi lưu huỳnh và mùi phấn son này, thường làm cho nó bị tức ngực buồn nôn, mặt đất xi măng rắn câng câng không có cái mềm tơi của vùng đất mới khai khẩm ẩm ướt. Móng chân nó đã bắt đầu lở loét. Chuyện nó lo lắng quả nhiên đã xảy ra, sức lực mỗi ngày sa sút, tính cách mỗi ngày thay đổi, thậm chí nó còn nghi ngờ đường ruột và dạ dày đã thay đổi. Ăn uống không ngon, tính tình cáu gắt, thì làm gì có nhiều sữa cơ chứ? Nó hận chẳng thể vắt ra hàng tấn sữa một ngày, thậm chí đã tưởng tượng nước vặn ra ở vòi nước kia không phải nước, mà là sữa của nó, để người của thành phố này ai ai cũng uống biến thành bò, hoặc chí ít cũng có sức khoẻ của bò. Nhưng làm gì có chuyện ấy, không những nó không thể thay đổi được con người của thành phố này, hơi thở của con người thành phố này, ngược lại môi trường đã làm cho nó dần dần không phải là bò nữa! Thử nghĩ, ở đây nó thường nghĩ về miền núi. Giả thử một ngày nào đó nó trở về thật, thì họ hàng nhà bò sẽ không nhận ra nó là bò nữa, cũng rất có thể nó không còn bao giờ thích ứng với đời sống của miền núi nữa! Ôi, nghĩ đến đây, con bò này hối hận đã đến thành phố này, đến thành phố này đâu có phải là niềm vinh hạnh và sung sướng của nó, mà quả thật là cảnh ngộ bi thảm và sự trừng phạt tàn khốc. Đã mấy lần nó định trốn đi trong đêm, nhưng chủ mới yêu nó, đã buộc nó ở trong nhà chi, nó không bỏ trốn nổi. đương nhiên cũng không nói rõ nguyên nhân với chủ mà tự tiện bỏ đi sẽ có lỗi với chủ. Tiếc thay nó không nói được tiếng người, nếu nói được, nó sẽ bảo:
- Cứ cho tôi đi ăn cỏ non, uống nước lã thuần tuý thôi mà. Tôi thà chết đói ở vùng núi, hoặc thà để đàn ruồi trâu đáng sợ kia đốt chết, chứ không bao giờ bằng lòng ở lại đây nữa. Thành phố này không phải là nơi bò ở đâu.
Cho nên đêm nào nó cũng nằm mơ, mơ thấy tiếng nước chảy trên núi cao, mơ thấy cánh rừng tối om, mơ thấy đồng cỏ mênh mông và bùn đất mới khai hoang, thậm chí mơ thấy nó đang trốn chạy, khi một con báo khoang vàng đến xâm chiếm giết hại người thành phố, sau khi nó vật lộn với con báo ấy một trận sống mái. Cuối cùng cả hai bên đều mệt lử kiệt sức mà chết, và sau khi báo đáp tình nghĩa tốt đẹp đối với nó của chủ mới và Trang Chi Điệp, linh hồn nó đã ra đi khỏi đây một cách vui vẻ. Nhưng đêm mơ tỉnh giấc, nó chỉ có một giọt nước mắt đang bám ở khoé mắt. Nó âm thầm than thở:
- Mình đang ốm, đang ốm thật mà!
Con bò đang mải suy nghĩ như thế, mà nó cũng đã rã rời không còn được khoẻ nữa, nó liền nằm xuống, mồm sùi bọt mép, lưỡi nhỏ dãi. Trang Chi Điệp kéo nó không dậy, liền sờ chỗ này, nắn chỗ kia, bảo chị Lưu:
- Con bò ốm thật rồi, hôm nay đừng bán sữa nữa, dắt nó đến chân tường thành gặm cỏ và nghỉ ngơi dưỡng sức!
Chị Lưu nhìn con bò, thở dài thườn thượt, nói:
- Anh Điệp ơi, anh cứ bận việc của anh đi. Con bò ốm rồi đấy, cứ để nó nằm nghỉ một lúc, tôi sẽ dắt nó ra chân tường thành gặm cỏ.
Trang Chi Điệp lại vỗ vỗ vào mông nó một lần nữa rồi mới đi.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]