Tôi được sinh ra vào tháng 1 ngày 10, từ nhỏ đã có nhiều đồng nghiệp của ba tôi đùa rằng tôi có số làm cảnh sát (1) Vì sinh vào mùa đông nên biệt danh lúc nhỏ của tôi là Đông Tử, tựa như bản thân tôi và mùa đông có sự gắn kết khăng khít. Nhưng do sợ lạnh bẩm sinh nên tôi lại ghét mùa đông nhất trong các mùa. Hàng năm đông đi xuân đến, khi hoa xuân bắt đầu nở là lúc tâm trạng tôi tốt nhất. Có người nói, ở những nơi không có hai mùa xuân thu, vừa dứt cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông đã đón ngay cái nóng như đổ lửa của mùa hè, người ta chỉ có thể cảm nhận chút gió xuân thoảng qua mặt vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư, ngay trước tết Thanh Minh. Nếu lúc ấy được đi chơi hội Đạp Thanh (2) nhìn ra xa thấy hoa cải nở rộ khắp núi đồi mới dễ chịu làm sao!
Đáng tiếc, học bảy năm Đại học, kế hoạch đi du lịch của tôi vẫn chỉ là ao ước. Sau khi đi làm được một năm, nhờ có biểu hiện xuất sắc của chúng tôi, cuối cùng tôi cũng được trải qua một cái Tết an ổn. Nháy mắt đã đến cuối tháng ba, ý định đi chơi hội lại hiện lên trong đầu tôi. Tôi đã sớm hẹn với Linh Đang, đến kỳ nghĩ lễ Thanh Minh sẽ cùng đi ngắm hoa cải. Nhưng có kế hoạch trước cũng không cản nổi những sự bất ngờ. Ngày nghỉ lễ Thanh Minh vừa bắt đầu, tôi còn chưa kịp “tỉnh giấc xuân nồng” thì chuông điện thoại đã kêu loạn như đòi mạng.
Kể cả ngủ như chết, chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại là tôi bật dậy như điện giật, mấy năm nay vẫn thế, đã thành thói quen mất rồi. Ghét của nào trời trao của ấy, cuộc điện thoại này là của sư phụ gọi tới, bảo rằng ở huyện Thạch Bồi gần thành phố chúng tôi có xảy ra án mạng, chết một người. Vì hiện trường nằm ở trong thị trấn, gây ảnh hưởng lớn đến cư dân ở đây, nên lãnh đạo Cục công an Thạch Bồi gọi lên tỉnh để xin sự trợ giúp của pháp y tỉnh.
Tuy hàng năm phải dành quá nửa thời gian để đi công tác, nhưng chỉ cần các địa phương có lời mời là sư phụ đi ngay. Thầy nói, dù năng lực và thời gian có hạn, chúng ta vẫn phải dùng hết sức mình, lấy tất cả khả năng ra để phá án, vì đó là công việc của người làm pháp y, vì muốn tấn công tội phạm, hơn thế là vì bảo vệ người dân. Khi mới nghe sư phụ nói vậy, trong lòng tôi cảm thấy quá vĩ đại, đến khi làm pháp y lâu rồi mới dần phát hiện ra, kỳ thật chúng tôi vẫn luôn lặng thầm thực hiện những điều lớn lao ấy. Người ngoài nhìn vào thấy bác sỹ pháp y thật bình tĩnh, thậm chí đôi lúc còn quá lạnh lùng, thật ra trong lòng chúng tôi đều ngập tràn nhiệt huyết và chính trực. Cũng chính vì ý thức trách nhiệm không thể kháng cự, mặc kệ buồn ngủ hay bận bịu, chúng tôi vẫn có thể nhận lệnh bất cứ lúc nào, lập tức tới hiện trường.
Thời gian gấp gáp, tôi nhanh chóng mặc quần áo, đồ ăn sáng cũng chưa kịp mua, ngồi ngay lên xe cảnh sát chạy tới huyện Thạch Bồi. Trên xe, tôi vội vã hỏi sư phụ về tình huống vụ án, hi vọng trước khi tới hiện trường có thể tìm hiểu một vài thông tin, chuẩn bị thật tốt tâm lý cũng như định sẵn bước tiếp theo trong kế hoạch công tác.
“Phòng trực ban trực tiếp đưa lệnh xuống.” Sư phụ xòe tay, nói: “Chỉ có một câu, ở sông Thạch phát hiện được một thi thể, bước đầu xác định là bị sát hại, vì tìm thấy thi thể ở nơi đông đúc nhất thị trấn nên gây ra phản ứng rất lớn, Trung đoàn trưởng yêu cầu phải mau chóng phá án.”
“Ít thông tin như vậy sao?” Tôi thất vọng lắc đầu.
“Vội cái gì,” sư phụ đẩy cửa kính ra, châm thuốc, “Tôi hỏi rồi. Để giữ an toàn, họ đã tiến hành bảo vệ hiện trường, chờ chúng ta đến mới bắt đầu vớt thi thể.”
“Thi thể đó không bị nước cuốn trôi ư?” Tôi không dám tin ở địa phương lại có thể ra quyết định bừa bãi như thế.
“Dĩ nhiên là không trôi, nếu trôi chẳng lẽ không ai vớt. Anh tưởng mọi người dốt nát lắm à?”
Tôi trầm mặc, nhưng trong lòng vẫn âm ỉ nỗi lo lắng. Tình trạng ở hiện trường thứ nhất vô cùng quan trọng, nhưng chỉ vì chờ chúng tôi mà dẫn đến thay đổi vị trí thi thể hoặc khiến thi thể càng thêm tổn hại, thì đúng là mất nhiều hơn được.
Huyện Thạch Bồi rất gần thành phố chúng tôi. Xe xuất phát từ 7 giờ sáng, tránh được dòng xe cộ giờ cao điểm, một tiếng sau đã tới hiện trường ở huyện Thạch Bồi. Lúc này là 8 giờ sáng, cũng là lúc nhiều người ra đường nhất, xa xa đã thấy một đám người hóng chuyện đông nghìn nghịt, đều nhốn nháo nhón chân, râm ran bàn luận. Người phụ trách bảo vệ hiện trường đang cố gắng ngăn cản người dân và phóng viên chen qua dải phân cách.
Chúng tôi mang theo hòm dụng cụ và giấy tờ chứng nhận, vượt qua những tiếng xôn xao “Pháp y đến rồi đấy!” để đi vào trong dải phân cách.
Huyện Thạch Bồi có hai trăm nghìn cư dân sinh sống, là một nơi non xanh nước biếc. Sông Thạch chảy từ Tây sang Đông, chạy qua lòng thị trấn, trên sông có hơn mười cây cầu đá, khiến cho thị trấn thêm phần cổ kính và duyên dáng. Vào mùa này sông sâu khoảng hai mét, nước gần như trong vắt, nhưng muốn nhìn rõ vật nằm trong nước thì không quá dễ dàng.
Thi thể được tìm thấy ngay gần cây cầu đá ở giữa thị trấn. Hai bên bờ sông có rất nhiều cửa tiệm nhấp nhô vui mắt. Sáng sớm 6 giờ, có người chủ tiệm nọ ra sông múc nước giặt giẻ lau nhà, đột nhiên thấy trong nước dường như có vật gì đang lập lờ chìm nổi. Lúc ấy trời chưa sáng hẳn, người chủ tiệm nổi hết da gà, vội chạy đi báo công an. Công an khu vực chạy đến hiện trường thì phát hiện ra một thi thể mặc váy liền in hoa.
Tôi cùng sư phụ đứng trên cầu nhìn xuống sông, loáng thoáng thấy thi thể bị dòng nước đẩy đưa bồng bềnh, váy xòe ra như vòng hoa đặt trên mồ mả, khóc than cho người đã khuất bất hạnh.
“Nước chảy không chậm, vì sao thi thể không trôi tiếp?” Sư phụ đi đúng vào trọng điểm, điều đầu tiên phải hỏi về con sông Thạch yên bình này.
“Đây là đoạn giữa cầu, dưới cầu có vật cản thiên nhiên.” Bác sỹ Quế của Cục công an huyện Thạch Bồi vừa nói vừa đi ủng và đeo găng tay cao su, chuẩn bị xuống sông vớt thi thể.
“Vật cản?” Sư phụ rất hiếu kỳ, “Vật cản gì?”
“Là đá tảng dưới lòng sông, đá ở đây xếp thành dốc, chỗ cao nhất chỉ cách mặt nước chưa đến 30 cm. Vì vật cản này không làm ảnh hưởng đến dòng nước, lại có thể chặn rác rến, dễ dọn dẹp nên không ai sửa lại cả. Nhiều năm rồi vẫn như vậy, những vật hơi lớn một chút trôi từ thượng du xuống đều bị chặn lại.”
“À, vì mực nước thấp hơn độ dày của thi thể nên thi thể bị giữ lại chỗ này.” Tôi hiểu ra, “Mùa này thi thể muốn nổi cũng phải mất ba, bốn ngày thầy nhỉ?”
Sư phụ lắc đầu, nói: “Không. Đá ở đây dốc nghiêng, nên thi thể này không phải nổi lên, mà là bị mắc cạn.”
Tôi gật đầu tỏ vẻ tán thành.
Sư phụ nói tiếp: “Ở đây là trong thị trấn, nếu thi thể trôi đến đây sớm hơn thì sẽ bị người dân phát hiện ngay. Dòng nước chảy nhanh như vậy, theo tôi được biết sông Thạch cũng không dài, nên tôi cho rằng thi thể trôi đến đây từ đêm qua, thời gian tử vong cũng không quá dài.”
“Chúng tôi đi xuống xem được không?” Sư phụ nhìn quanh bốn phía, như đang tìm dụng cụ để xuống nước.
“Xuống được, nước chỗ này nông lắm.” Bác sỹ Quế nói, “Nhưng đá rất trơn, phải cẩn thận mới được. Ở đây thỉnh thoảng vẫn có trẻ con xuống chơi đùa rồi trượt chân ngã vào nước sâu chết đuối.”
“Phỉ phui cái mồm.” Sư phụ cười nhìn bác sỹ Quế, bảo tôi cũng đi ủng, đeo găng tay, xuống nước tìm kiếm.
Trên đá thực sự rất trơn, tôi vừa xuống nước đã ngã lộn cổ, may mà nước cạn nên chỉ bị ướt quần áo. Thời tiết dạo này ấm áp hơn, tôi không quan tâm đến cái quần ướt đẫm, tiếp tục di chuyển về phía thi thể.
Đi đến gần mới thấy quả thực thi thể bị đá chặn lại ở phía tây, bập bềnh trôi nhưng không thể vượt qua rào cản đá xanh.
Tôi cẩn thận rướn người qua, nắm lấy tay phải của thi thể. Bàn tay ấy mảnh mai nhưng cứng đờ, xem ra các khớp xương nhỏ đã hoàn toàn cứng lại. Ngón tay của thi thể cong gập, móng tay không ngừng cào vào bàn tay đang đeo găng của tôi, khiến trong lòng tôi trào lên từng cơn sợ hãi.
Đứng trên đá trơn trượt, tôi và bác sỹ Quế đều không thể dùng nhiều lực, phải phí sức chín trâu hai hổ, mượn lực nổi của dòng nước mới có thể đưa được thi thể đến sát bờ nước, sau đó cùng công an khu vực nâng cái xác lên bờ.
Người chết là một cô gái trẻ, khoảng mười mấy, hai mươi tuổi. Làn da trắng nõn, cằm nhọn, đôi mắt to trống rỗng nhìn lên bầu trời, trên người mặc áo thun cùng quần bò mài màu xanh, bên ngoài mặc thêm một chiếc áo váy in hoa.
Tôi cố gắng mở khớp hàm ra, muốn xem kỹ bộ răng, hi vọng có thể phán đoán về tuổi tác của cô gái này. Nhưng thi thể đã cương cứng, xương hàm hoàn toàn không có dấu hiệu cử động.
“Anh làm cái gì đấy?” Sư phụ có vẻ khó hiểu khi thấy tôi làm vậy.
“Em xem tuổi. Xem có thể nhanh chóng tìm ra nguồn gốc thi thể không.”
“Vội gì, thị trấn nhỏ như vậy, nguồn gốc thi thể khó tìm đến mức nào chứ?” Sư phụ nói, “Còn nữa, khám nghiệm hiện trường anh còn chưa làm xong, ai đã cho khám nghiệm bên ngoài thi thể? Không phải cứ nhớ ra cái gì thì làm cái đấy, làm từng bước thì sẽ không sai.”
Tôi ngượng ngùng gãi đầu, đúng là có hơi hấp tấp thật. Nhưng ở đây cũng chẳng phải hiện trường giết người, có gì mà khám tra?
“Thông qua khám nghiệm tử thi để tìm ra nguồn gốc thi thể là biện pháp lúc không còn cách làm nào khác.” Sư phụ nhoài ra thành cầu, cẩn thận dò xét dòng nước bên dưới, “Tốt nhất là có thể từ việc khám nghiệm và kiểm tra hiện trường, tìm ra ngay nguồn gốc thi thể. Nếu không thể mới tính đến chuyện khám nghiệm tử thi để suy đoán ra một vài căn cứ tìm nguồn gốc thi thể.”
“Nhưng dựa vào khám tra hiện trường như thế nào để tìm ra nguồn gốc cái xác đây? Căn cứ vào quần áo sao?” Tôi chăm chú nhìn vào thi thể vì bị cương cứng mà rơi vào tư thế kỳ quặc.
“Có khả năng trên thi thể sẽ có vài đồ tùy thân, bị dòng nước cuốn đi, sau đó mắc lại chỗ nước cạn.” Sư phụ nói, “Không tin thì anh xem đó là gì?”
Nhìn theo hướng sư phụ chỉ, quả nhiên tôi nhìn thấy bên rìa tảng đá gần đó có một vật gì đang trôi nổi, nằm khá gần chỗ tìm thấy thi thể, trước đấy tôi chỉ quan tâm đến cái xác, hoàn toàn không để ý đến sự tồn tại của nó. Tôi hào hứng chạy xuống nước lần nữa, dọc theo những tảng đá trơn tuồn tuột để đến gần thứ ấy, rồi thò tay vào nước lôi nó ra.
Đúng là sư phụ nói chuẩn. Đó là một cái túi sách.
Việc này đối với nhân viên khám nghiệm hiện trường là một chuyện tốt. Mỗi khi kiểm tra hiện trường vụ án, người ta đều muốn tìm được những vật chứng quan trọng như chứng minh thư, danh thiếp, điện thoại… Từ những vật đó có thể xác định nguồn gốc thi thể khá nhanh, cũng có thể giảm bớt nhiều chuyện phiền toái cho công tác khám nghiệm tử thi, giúp đẩy nhanh tốc độ phá án.
Tôi vớt túi sách này như vớt được “thần khí”. Trong túi có một tấm thẻ học sinh ướt sũng, trên thẻ dán ảnh của cô gái đã chết, bên cạnh có vài chữ nói rõ thân phận của cô: Trường Trung học phổ thông Thạch Bồi, lớp 12/1, Mã Tiểu Lan.
(1)Số điện thoại gọi cảnh sát ở Trung Quốc là 110 (2) Hội Đạp Thanh: Đạp thanh là giẫm chân lên cỏ. Trước đây, có ngày hội giẫm chân lên cỏ trong dịp tiết Thanh Minh, nam nữ thanh niên nhân dịp này để du xuân, nên mới có tên gọi hội đạp thanh ( tức là giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì. Trích từ truyện Kiều có câu:
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]