Bỏ lại sau lưng ánh hoàng hôn, đang trải một màu đỏ rực như lửa xuống mặt nước mênh mông, chiếc ghe tam bản xuôi dòng nhanh theo con nước ròng từ hướng lụctỉnh về lại Sài Gòn, gió chiều lồng lộng thổi giúp nó càng trôi mau hơn. Trên ghe, ngoài một số vật dụng ra thì chỉ có hai người đàn ông, xem chừng cũng không quá lớn tuổi. Từ trước mũi ghe, giọng một người đàn ông vang lên.
- Khỏe quá, trước mặt có bến rồi, tấp vô Sáu Ngọc ơi!
Phía sau lái,một người đàn ông bận, bộ đồ bà ba lụa lèo màu trắng trông rất bảnh bao. lên tiếng đáp lời:
- Vậy tối nay mình neo lại đây hả anh ba?
Sáu Ngọc vừa hỏi vừa bẻ lái cho chiếc ghe hướng mũi vô bờ. Đó là cái bến khá lớn, rộng rãi đủ cho cả chục chiếc ghe cùng neo đậu, nhưng do cây cối nơi này mọc um tùm quá, nhất là mấy cây Bần xung quanh lấn ra che mất khá nhiều khoảng trống. Sáu Ngọc thắc mắc không hiểu sao dân ở đây không chịu chặt bớt mấy nhánh cây này, cho cái bến nó quang đãng hơn để tàu bè dễ cập vào.
Sau khi chiếc tam bản đã cập sát bờ an toàn, thì người được gọi là “anh ba” ở đầu ghe liền bỏ neo xuống nước, rồi nắm sợi dây thừng lớn ở đầu mũi ghe nhảy lên bờ, mau chóng cột nó vô gốc một cây bần lớn sát mé sông. Sáu Ngọc, từ trong khoang hỏi vọng ra:
- Ủa! mình chỉ ngủ một đêm mà cột chi vậy anh ba?
Ba Đợi sau khi cột dây xong liền bước xuống ghe, chui vô khoang nói với Sáu Ngọc.
- Sáng qua ghé chợ Bạc Liêu mà anh em mình sơ ý hổng mua thịt thà\, rau trái gì ráo trọi\, nên bây giờ chỉ còn mấy con khô ăn hoài xót ruột quá. Tui tính mình lên bờ kiếm cái gì bỏ bụng\, rồi mua thêm mớ thịt heo\, thịt bò\, rau cải gì đó đem về mai ăn.
Sáu Ngọc nghe vậy liền cười khà khà nói:
- Ờ\, anh tính vậy cũng phải\, tui tán thành cái rụp. Vậy mình lên bờ liền ha anh ba.
- Khoan\, chú chờ tui bận bộ đồ khác\, cái bộ này cũ mèm xấu hoắc\, người ta thấy cười chết.
Chỉ một chút sau, Ba Đợi trong bộ đồ xá xẩu màu xám rất đẹp, nom rất ra dáng một ông chủ Hoa kiều sang
trọng, đi cạnh là Sáu Ngọc ăn bận không khác gì một chàng công tử miệt vườn giàu có. Hai người sánh vai bước lên khỏi bến, Sáu Ngọc chợt hỏi:
- Bây giờ mình đi hướng nào đây anh ba?
Ba Đợi nhìn quanh một vòng, thấy quanh đây toàn cây cối um tùm, rậm rạp, nhìn hoài cũng không thấy có xóm nhà nào hết, rồi quay sang Sáu Ngọc trả lời
- Tui cũng như chú đâu có biết ở đây chổ nào, có buôn bán gì. Thây kệ, mình bương đại tới trước,
gặp ai thì hỏi thăm coi ở đâu có quán xá thì tấp vô.
Nói xong, hai người cứ theo hướng trước mặt mà xăm xăm đi tới, buổi chiều lặng lẽ buông dần xuống. Khi họ vừa bước đi khỏi chổ neo ghe một chút, thì không biết từ đâu một con chó đen to lớn, với hai cái răng nanh dài như nanh heo rừng nhảy ra hực một tiếng, rồi phóng nhẹ một cái đã đứng trên mui chiếc ghe tam bản của Ba Đợi và Sáu Ngọc đang neo ở mé sông. Con chó mực đưa mũi ngửi ngửi mấy cái rồi nhe răng ra cười cười tỏ vẻ rất hài lòng chuyện gì đó, sau đó nó quay lưng phóng xuống đất, rồi biến đâu mất dạng..
Sau khi con chó vừa đi, trên cành ngọn bần mà Ba Đợi buộc dây thừng neo ghe, một con rắn màu xanh lè trường xuống đất. Con rắn ngóc đầu ngó lên chiếc ghe nọ và dường như nó cũng hít hít cái gì đó từ trong ghe. Trên cái đầu hình tam giác của nó thè ra cái lưỡi màu tím rịm, đánh qua đánh lại như đang cười. Con rắn lục đó cũng nhanh chóng phóng theo hướng con chó mực khi nãy và biến mất nhanh chóng.
***
Về phần Ba Đợi cùng Sáu Ngọc, họ vốn là anh em chú bác ruột, năm nay đều đã 27 tuổi, nhà gần nhau bên Tân Quy, Nhà Bè. Hai người chơi thân từ hồi còn nhỏ xíu, lớn lên cả hai đều không thích cuộc đời làm ruộng, quanh năm tay lấm chân bùn lại cũng không kiếm được bao nhiêu, nên cùng hùn vốn đi đây đó mua bán mấy năm nay, coi bộ kiếm cũng kha khá. Đến nay, tuy tuổi cũng bộn nhưng cả hai đều chưa muốn lập gia thất làm chi, họ kêu có vợ con làm vướng bận tay chân khó bề mần ăn, vì mỗi chuyến đi của họ có khi tới một hai tháng mới về nhà.
Thường thì hai người họ lên Sài Gòn là tới mấy tiệm người Ấn mua vải vóc, tơ lụa, dầu thơm loại tốt, sau đó rong ghe vô Chợ Lớn mua thêm nồi niêu, soong chảo cùng đồ sành sứ như ly, chén, dĩa, bình ở mấy lò sản xuất của người Hoa . Sau khi mua đủ các loại hàng hóa cần thiết, họ xuôi ghe xuống miệt lục tỉnh bỏ mối cho bạn hàng, các chợ dưới đó. Bao giờ còn dư hàng chút đỉnh, hai người lại đem di bán dạo ở những xóm làng cùng các chợ nhỏ, hết hàng thì họ về xứ nghỉ ngơi ít bữa lấy sức, rồi tiếp tục rong ruổi cùng chiếc ghe tam bản xuôi ngược dòng nước, tiếp tục giao thương. Ban đầu, gia đình cũng hối thúc họ lấy vợ sinh con, bởi tuổi đã bộn rồi nhưng sau khi thấy họ miệt mài, chi thú làm ăn thì cũng không thúc ép nữa.
Bữa nay cũng như mọi lần, hai người họ, sau khi bán hết hàng, lại lên ghe từ Bạc Liêu xuôi dòng về quê nhà nghỉ ngơi. Ghe quận về nhẹ hều do hàng đã bán hết ráo, cứ thế lướt nhẹ theo dòng thủy lưu. Mà cũng bởi thuyền xuôi ngon trớn nên hai người đã không ghé chợ, ghé quán mua thêm đồ ăn, thành ra bây giờ Ba Đợi mới rủ Sáu Ngọc lên bờ tìm chợ mua đồ về, để ăn dọc đường.
Hai người sau khi rời bến, cứ nhắm hướng trước mặt đi một hồi lâu mới gặp một xóm nhỏ coi bộ khá nghèo nàn. Họ gặp hai vợ chồng nọ đang ngồi chơi trước sân cùng mấy đứa con, bước tới hỏi thăm.Thấy hai người lạ mặt ăn mặc lịch sự nói năng đàng hoàn, nên người đàn ông tận tình chỉ dẫn.
- Hai chú em theo hướng này, đi thêm một đổi xa nửa mới có xóm chợ trong huyện, ở đó buôn bán lớn nhất vùng, đặt biệt chợ ở trển bán từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ, muốn mua đồ ăn, thức uống hay quần áo gì cũng có đủ hết.
Hai anh em Sáu Ngọc cám ơn hai vợ chồng nọ rồi theo hướng chỉ đường của họ mà đi tới. Sau một hồi lội bộ, hai người cũng gặp một khu buôn bán khá sầm uất, nhà cửa đông đúc, thì trời củng đã chạng vạng, đèn Măng Xông ở mấy quán nơi này được thắp lên sáng rực. Sáu Ngọc, nhìn ra con sông phía xa xa trước mắt nói
- Phải chi hồi xế chiều mình ghé đây thì bây giờ anh em mình đâu phải lội bộ rã giò ha anh ba.
Ba Đợi cười lớn nói .
- Tụi mình bó chân, bó cẳng dưới ghe cả ngày trời, giờ lội bộ một chút cho khí huyết lưu thông có lợi cho
sức khỏe chớ chú em.
- Ờ ha, anh ba nói vậy cũng trúng, thôi giờ anh em mình kiếm cái gì bỏ bụng đi.
Ba Đợi ngó quanh một vòng, anh thấy trước mắt có quầy hàng hủ tiếu, đứng trong quầy là một người đàn ông trung niên dáng người phốp pháp. Mùi hủ tiếu thơm lừng làm Ba Đợi nuốt nước bọ ực ưc, anh quay qua khều Sáu Ngọc.
- Tui với chú sáu qua đó kêu tô hủ tiếu với xị rượu, làm một chút cho ấm bụng ha.
- Chí lý! Lâu rồi không có giọt rượu nào cũng thấy buồn miệng.
Nói xong, hai người tấp vô quán kêu một tô xí quách thật lớn, hai tô hủ tiếu cùng một xị rượu rồi cùng nhau nhâm nhi. Đang lúc đang ăn uống ngon lành, chợt có giọng cười của một cô gái cất lên lanh lảnh giữa khung cảnh nhá nhem khi trời chập tối , không khác nào tiếng của ma quỷ đang tru tréo. Ba Đợi hoảng hồn hét lên một tiếng.
- Ối trời ơi! Ai đâu mà cười nghe thấy ớn dữ vậy không biết?
Anh chàng nọ vừa dứt lời thì tiếng cười đó cũng dứt, thay vào đó là tiếng hát của cô gái nọ được cất lên, tuy nghe không dở nhưng nó cứ âm trầm như tiếng ma quỷ than khóc. Ba Đợi ngó quanh thì phát hiện, căn nhà cách nơi mình ngồi ăn không xa có một cô gái đang đứng múa hát. Anh quay sang Sáu Ngọc cất tiếng.
- Không biết cô kia có bệnh gì không mà tự nhiên giờ này ra đó đứng hát nghe thấy ớn quá chú sáu.
Chợt lúc này, ông chủ bán hủ tiếu lên tiếng:
- Đó là cô Thanh Hằng, con của chị út Diệu và chú năm Rô. Hổng biết hồi tháng trước, cổ đi đâu về rồi tự
nhiên phát bệnh như vậy. Tội nghiệp, bữa giờ chạy chữa biết bao nhiêu nơi rồi mà cũng đâu có hết.
- Cô này bị tâm thần hay sao vậy ông chủ?
Ông chủ quán với đôi mắt thương cảm nhìn về phía ngôi nhà cô gái nọ, lắc đầu.
- Thiệt tình tui cũng không rõ nữa, nhưng nghe mọi người nói chắc cô này bị trúng tà, hay ma quỷ theo quấy
phá chi đó.
Nghe vậy Ba Đợi thấy ớn ớn, liền hỏi:
- Rồi gia đình, có mời thầy bà gì trị cho cổ chưa?
- Có chứ sao không, mời tới mấy ông thầy rồi mà trị có hết đâu
Ba người họ nói chuyện thêm vài câu nữa thì ông chủ quán quay trở vô bán tiếp cho khách. Baa Đợi càng nghĩ càng thấy ớn, bởi anh tin chắc là cô Thanh Hằng kia bị ma nhập rồi, nói không chừng ngồi đây chút thêm nữa, con ma kia thấy mình hợp vía, nó đi theo thì chết. Nghĩ vậy nên Ba Đợi vội kêu tính tiền và mua thêm mấy cái bánh bao đem về, trước khi đi Ba Đợi hỏi thăm chủ quán
- Ông chủ! Bây giờ tui muốn mua mấy ký thịt bò thịt hay heo gì cũng được, ông chủ biết chổ nào bán mần ơn ( làm ơn ) chỉ dùm.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]