Chương trước
Chương sau
Lúc ấy Văn Thời không trả lời, may là Chu Húc có vẻ cũng không để ý tới điều này cho lắm.
Có lẽ nó rất ham nghe và kể chuyện, hoặc do đã cam chịu việc Văn Thời gõ chữ chậm và mạng bị yếu, thế là nó quyết định tự vạch trần Tạ Vấn một phen, hận không thể nói sạch sẽ về ba đời của hắn.
Văn Thời nhìn độ dài của đoạn đầu, chỉ cảm thấy Chu Húc, thằng nhóc đang gõ chữ lúc đó, đang thấy chán hoặc đã kìm nén dữ dội lắm rồi.
Chu Húc nói: Anh từng nghe nói về mẹ của Tạ Vấn chưa? Bà ấy cũng thuộc Trương gia á. Nghe kể là hồi trẻ bà ấy nổi tiếng lắm, mười mấy tuổi đã rất lợi hại, nếu giờ mà còn sống thì sẽ là một cô thiếu nữ thiên tài. Tên bà là Trương Uyển Linh, cùng thế hệ với mẹ tui, cũng lấy Linh làm tên đệm. Thực ra chú nhỏ Trương Nhã Lâm của tui cũng thế, nhưng chú cảm thấy Nhã Linh nghe xinh xắn quá, nên đã tự sửa lại tên. Dì nhỏ càng đỉnh hơn, bỏ mẹ luôn chữ ‘Linh’.
Chu Húc: Nhưng nếu nhìn cái tên nằm trước Tạ Vấn trên bức danh phả, anh sẽ chỉ có thể tìm được một người tên Trương Uyển trên cái dòng của hắn thôi. Thực ra người đó là mẹ của hắn á, chỉ là chữ ‘Linh’ đã bị xóa đi. Tình huống của bà ấy không giống như dì nhỏ của tui. Mặc dù vai vế của dì nhỏ và chú nhỏ nhà tui lớn hơn, nhưng tuổi còn trẻ, luôn đi ngược số đông, không muốn tên cũng bị người khác làm chủ nên mới đổi. Mẹ của Tạ Vấn thì khác, năm đó bà ấy bị đuổi khỏi bổn gia, nên chữ ‘Linh’ cũng bị thu lại.
Chu Húc: Giờ ngẫm lại, bà ấy cũng là một người hiếm thấy, tuy sau này nhiều người ai cũng bảo…

Tuy sau này nhiều người ai cũng bảo Tạ Vấn chỉ là một dòng bên không hề tầm thường của Trương gia. Nhưng những ai từng ở bổn gia nhà họ Trương và nghe ngóng được vài chuyện đều biết rằng sự thật không phải thế.
Gần như đời nào của bổn gia nhà họ Trương cũng có hai người, tựa như hai chị em Trương Lam và Trương Nhã Lâm. Chủ gia tộc hiện giờ tên là Trương Chính Sơ, ông nội của Trương Lam và Trương Nhã Lâm.
Dựa theo quy củ Trương gia, người đang tại chức phải truyền lại vị trí chủ gia tộc khi đã hơn ba mươi lăm tuổi. Quy củ này luôn được tuân thủ nghiêm khắc từ cổ chí kim, song lại gãy mất tại thời của Trương Chính Sơ.
Trương Chính Sơ có hai đứa con trai. Con lớn tên là Trương Ẩn Sơn, từ nhỏ đã được đào tạo để trở thành người kế nhiệm vị trí chủ gia tộc —— để không quên bổn lão tổ tông, các chủ gia tộc nhà họ Trương từng tại chức đều là người tu tạp.
Tiếc là Trương Ẩn Sơn không thể không phụ lòng sự coi trọng này, cách tu tạp thực sự tạp lắm. Hắn học mỗi thứ một ít, nhưng chẳng giỏi thứ nào cả. Hắn ngu dốt bẩm sinh, còn chẳng bằng kẻ dòng bên nữa.
Ngược lại, đứa con thứ hai tên Trương Yểm Sơn từ nhỏ đã được thả tự do, học bên này tí xíu bên kia chút đỉnh, trở thành một người tu tạp xuất sắc: trận pháp và bùa chú đều xuất sắc, ngay cả quẻ thuật phải có khiếu nhìn trời và rối thuật tốn linh thần nhất thì hắn cũng là người học nổi bật nhất trong đám.
Trương Chính Sơ cũng không quá rối rắm về vụ này. Khi đứa con thứ hai chưa trưởng thành bao lâu, người tiếp nhận vị trí chủ gia tộc đời sau đã được chọn.
Đây vốn là một chuyện tốt, ai ngờ nửa đường lại gặp chuyện ngoài ý muốn.
Năm ba mươi hai tuổi, Trương Yểm Sơn lỡ chân sa vào chỗ chết trong lúc giải quyết một cái lồng khủng. Mặc dù sau đó đã có người hợp lực giải được lồng xoáy đó, hắn cũng đã rơi vào trạng thái hồn phi phách tán, kết cục là linh tướng bị phá hủy, chết đi hoàn toàn, chỉ để lại hai đứa con chỉ mới bi bô tập nói, sau này được biết đến như Trương Lam và Trương Nhã Lâm.
Đó vốn là một nỗi đau tang tử, vả lại còn chẳng có một mụn người nối nghiệp, Trương Chính Sơ bị đả kích, già đi rất nhiều chỉ trong một đêm, sau đó cũng không lộ diện nhiều, rơi vào trạng thái nửa lui về ở ẩn.
Dù nói là nửa lui về ở ẩn, nhưng ông vẫn phải xen vào việc cai quản, ví dụ như vấn đề chọn người kế nhiệm mới.
Trương Yểm Sơn qua đời, con cái mà hắn để lại vẫn còn quá nhỏ. Theo lý thuyết, đương nhiên vị trí chủ gia tộc phải nghiêng về phía người anh Trương Ẩn Sơn.
Nhưng Trương Chính Sơ không chịu làm thế.
So với con lớn, ông ưu ái đứa con gái của con lớn hơn. Cô gái ấy không giống cha mình chút nào, còn nhỏ xíu đã có biểu hiện phi phàm, mười mấy tuổi đã vượt xa đa số người cùng thế hệ. Tới năm hai mươi, cô càng có dáng điệu sẽ đăng đỉnh hơn nữa.
Cô gái này chính là Trương Uyển Linh.
Thực ra trong mắt nhiều người, Trương gia lại khá cổ hủ, không biết có phải phong cách của đại gia tộc thường như thế hay không—— gia tộc khác thường sẽ có nữ chủ gia tộc, vậy mà Trương gia tồn tại đã suốt ngàn năm, nhưng lại chẳng có bất cứ nữ chủ gia tộc nào cả.
Trương Yểm Sơn vừa qua đời cũng là lúc Trương Uyển Linh đang hưng thịnh. Nhiều người ai cũng nói rằng nói không chừng Trương gia sắp phá lệ rồi..
Nhưng cuối cùng tiền lệ này vẫn không bị phá hủy.
Năm thứ hai sau khi Trương Yểm Sơn qua đời, Trương Uyển Linh đã cãi nhau ầm ĩ một trận với lão chủ gia tộc. Không ai biết bởi vì chuyện gì, chỉ biết là sau đó Trương Uyển Linh đã bị đuổi khỏi bổn gia, thu lại chữ ‘Linh’ mà người cùng thế hệ đều có, cuối cùng không còn dính líu gì tới bổn gia nữa.
Chu Húc: À phải rồi, nhắc mới nhớ, anh biết vì sao gần như nhà nào của Phán Quan cũng có treo một bức danh phả không? Dì nhỏ của tui nói hiện giờ có rất nhiều tiểu bối cũng chẳng biết lý do, cứ tưởng treo thế cho đẹp hoặc vì xếp hạng thôi. Thực ra khi có chuyện lớn, người ta có thể triệu tập các Phán Quan khác dựa theo bức tranh ấy. Cơ mà tui cũng chưa chứng kiến vụ đó một cách cụ thể bao giờ, chỉ biết là có câu nói như thế thôi.
Chu Húc: Dì nhỏ của tui từng kể nhỏ, lúc ấy lão gia tử đã triệu tập người của các gia tộc khác tới đây, bao gồm Tề gia, Lý gia, có cả những người máu mặt của Chung gia và Trang gia nữa, nói chung là mấy người có thăm viếng hoặc tới lui với bổn gia đều có mặt. Ông ấy đã sửa lại đôi điều trên bức danh phả, thuận tiện nói với các gia tộc rằng Trương Uyển Linh đã bị trúng tà, toàn nói mấy lời khùng điên, đại nghịch bất đạo, từ đó về sau không có quan hệ gì với bổn gia, yêu cầu họ đừng bao giờ nhắc đến nó nữa.
Vừa trải qua nỗi đau tang tử đã phải đối mặt với chuyện bị người cùng huyết thống phản bội, nghe nói sức sống của Trương Chính Sơ bị tổn thương nặng nề, hoàn toàn không lộ mặt nữa, có việc gì cũng giao người khác đi làm. Sau này khi Trương Lam và Trương Nhã Lâm trưởng thành, nếu không đụng trúng chuyện lớn thì cũng không dám quấy rầy Trương Chính Sơ.
Nhưng dù là ai lộ mặt đi chăng nữa, người khác vẫn phải cho Trương gia chút mặt mũi. Chủ gia tộc đã nói nhà mình không có người tên Trương Uyển Linh này nữa, mấy gia tộc khác sẽ coi như người nọ không tồn tại. Thỉnh thoảng, họ chỉ lén lút đề cập một hoặc hai câu, chứ không bao giờ nói huỵch toẹt ra trên bàn tiệc này nọ.
Bởi vậy, Trương Uyển Linh… à không, Trương Uyển hầu như bị cô lập bởi phần lớn người cùng nghề đời này. Bà trở thành một người không có chút vướng bận nào, một mình vào lồng và sổ lồng ở nơi mà mọi người không nhìn thấy.
Nhưng cũng có vài người bên cạnh giữ lại chút liên lạc với bà ở ngoài tầm mắt của mọi người, ví dụ như Trương Bích Linh, mẹ của Chu Húc.
Chu Húc: Mẹ tui nói dì ấy chạy đi xa lắm, nhờ đó mà không thấy đau lòng nhiều nữa. Dù sao thì tui cũng chưa ngộ ra nổi. Đã bị ông ruột từ mà còn rất vênh váo tự đắc. Nhưng đôi khi ngẫm lại, dì ấy cũng ngầu vãi nồi.
Thằng trẻ trâu này vô cùng mâu thuẫn.
Từ khi còn bé, nó đã nghe người ta nói Trương Uyển bất nghĩa và bất hiếu. Nó vừa cảm thấy đó là lỗi của người nọ theo như số đông, lại vừa sùng bái khí thế không màng việc bị người nhà ‘từ’ này của bà theo bản năng.
Có lẽ nó còn xoắn xuýt trong chốc lát, giữa hai tin nhắn cách nhau một thời gian ngắn, ít lâu sau mới nói tiếp: Nghe nói dì ấy có con sau năm thứ hai rời đi, đứa con ấy chính là ma ốm Tạ Vấn kia. Lúc ấy, mẹ tui có gửi thư qua lại với dì ấy. Hồi sáng này tui rảnh rang không có chuyện gì để làm, tâm huyết dâng trào kiếm một quyển sách để ngồi đọc ở nhà, thế mà lại lục ra mấy bức thư kia.
Thằng trẻ trâu này còn nói như đang khoe khoang: Úi phải rồi! Anh từng thấy bộ dáng lúc bé của ma ốm chưa? Hôm nay tui có thấy nè, trong thư có kẹp hai bức ảnh.
“…”
Ngón tay của Văn Thời lướt tới dòng này thì lập tức trở nên khó chịu.
Dù anh biết, nếu có thể ‘biến thành’ một Phán Quan bị xóa tên nào đó của Trương gia mà lại không bị ai nghi ngờ suốt ngần ấy năm, Tạ Vấn nhất định đã sắp xếp việc xưa một cách chu toàn. Nói không chừng, hắn còn ném ra một con rối để tạo nên bộ dáng của mình khi còn nhỏ, sau đó để nó từ từ lớn lên tựa như Kim sí Đại bàng nữa.
Đó chắc hẳn không phải là bản thân Tạ Vấn, nhưng Văn Thời vẫn cảm thấy khó chịu lắm.
Thế nên vốn đang trong tư thế dựa lên đầu giường, anh trực tiếp ngồi thẳng người và nhích ra ngay mép nệm.
Đèn bàn tỏ lên tia sáng lờ mờ, anh khom lưng ngồi dưới ánh đèn, cầm điện thoại đang được trưng dụng, ngón cái viết trên bàn phím: Thư thì sao?
Tin nhắn được gửi đi, giao diện nhảy theo xuống dưới cùng. Phía trên tin nhắn gồm ba chữ hiện lên thời gian, 3 giờ 12 phút sáng sớm.
Văn Thời ngơ ngác một lát, lúc này mới nhận ra giờ đã khuya, có lẽ Chu Húc đã ngủ từ đời nào, sẽ không nhắn lại cho mình đâu. Dù có hồi âm, nó cũng sẽ không thể hiểu rõ anh muốn biết điều gì thông qua ba chữ này.
Cổ tay của anh buông xuống, lặng lẽ cầm điện thoại một cách lỏng lẻo trong chốc lát, sau đó ấn mở màn hình, ngón cái lướt lên trên, đọc tiếp mấy lời nối tiếp khi nãy của Chu Húc.
Chu Húc nói: Cha của ma ốm hẳn là một người thường, không có tên trên bức danh phả, cũng không phải một nhân vật lợi hại. Nói chung, mọi người cũng chẳng biết tên họ và ngành nghề của người nọ là gì. Dù sao thì điều nổi tiếng nhất về ông ấy chính là việc ổng đã bị ma ốm hại chết. Nhưng dì nhỏ của tui nói tin đồn sớm nhất không phải thế đâu.

Tin đồn sớm nhất nói rằng người đàn ông xui xẻo đã bị Trương Uyển và con bà hại chết. Khi đó, Tạ Vấn còn chưa phải vai chính trong những lời đồn đãi này.
Năm đó chắc Tạ Vấn đã mười tuổi. Trương Uyển và hắn vào một cái lồng. Lúc ấy người đàn ông kia cũng có mặt, nhưng lại không bị cuốn vào cùng.
Thực ra chỉ cần vào đó cùng nhau là tốt rồi. Ít nhất ở trong lồng, hắn vẫn sẽ nằm trong phạm vi tầm nhìn của Trương Uyển và Tạ Vấn, tiếc là trường hợp khi ấy không phải thế.
Trương Uyển gặp điều bất trắc lúc giải lồng, khiến sương đen tỏa ra khắp nơi vào khoảnh khắc đó.
Nơi đó vốn là một cái lồng xoáy, khiến người đến gần bị chồng chất bởi trần duyên như đang ngâm mình dưới đầm lầy mạo hiểm, rất dễ tạo ra lồng mới. Vì thế, Trương Uyển vừa giải lồng, chồng bà đã bị quấn vào một cái lồng khác, bước chân vô một chỗ chết bị đóng kín.
Đến một mức độ nào đó, trải nghiệm này giống hệt như vụ Trương Yểm Sơn của Trương gia vốn sẽ trở thành chủ gia tộc, song lại chết trẻ. Vì vậy, có người kết nối hai việc này với nhau, bảo rằng số mệnh của Trương Uyển không tốt, thân duyên(*) dứt tuyệt, tình duyên khó dài.
(*) Thân duyên: quan hệ ruột thịt.
Vì Trương Chính Sơ, chủ gia tộc nhà họ Trương, từng nói phải xem như Trương Uyển không tồn tại, nên lời đồn đãi cũng chỉ ngắt quãng. Không ai nhắc đến bên luồng ngoài, chuyện này sẽ không còn được nhớ tới nữa.
Mãi đến mấy năm sau khi mà Tạ Vấn vừa trưởng thành, Trương Uyển lại giẫm lên vết xe đổ của chú và chồng mình, cũng bước vào chỗ chết ở một lần vào lồng nọ.
Từ đó, Tạ Vấn trở thành một kẻ cô độc trên cõi đời này. Trong khi đó, mấy lời lưu truyền lén lút của các gia tộc khác cũng chính thức từ ‘số mệnh của Trương Uyển không tốt’ thành ‘thân duyên của Tạ Vấn đứt tuyệt, có mệnh thiên sát.’
Ban đầu, có người tin, đương nhiên cũng có người không tin. Dù sao cái thứ gọi là số mệnh thì quá mơ hồ, chỉ có một bộ phận người tu quẻ thuật mới thích treo mãi hai chữ kia bên mép thôi.
Nhưng sau đó lại có một số việc xảy ra khiến họ không tin không được.
Đầu tiên là vào một hôm nào đó, tự dưng một nét bút đỏ nhìn như vết máu hiện lên trên bức danh phổ và quẹt ngang qua tên của Tạ Vấn, điều đó nêu rõ người này không nên tồn tại ở đây.
Nói cách khác, hắn đã bị xoá tên.
Kế tiếp, có người chuyên tu bùa chú nhìn thấy linh tướng của Tạ Vấn thông qua lá bùa, phát hiện cơ thể của hắn đầy rẫy nghiệp chướng. Đúng là hắn tướng có mệnh thiên sát, hơn nữa còn dày đặc hơn mọi người rất xa. Ai không biết còn tưởng mình nhìn thấy ác quỷ xuất hiện ở khắp mọi nơi của địa ngục nữa chứ.
Quả thực không nên dính vào người như thế, hắn có bị xóa tên cũng đáng thôi.
Vì vậy từ đó về sau, Tạ Vấn đã trở thành người mà ai gặp cũng né, bị xếp ngoài danh sách tất cả các Phán Quan trên đời.
Chu Húc nói: Trước đây thực ra Tạ Vấn không có ở Ninh Châu, nhiều người đã nghe mấy lời đồn hắn từ nhỏ đến lớn, ví dụ như tui, cũng chưa gặp hắn bao giờ. Nhưng điều này cũng dễ hiểu thôi. Dù sao mẹ của hắn cũng bị đuổi ra khỏi nhà, hắn cũng đâu được tiếp đón, tới Ninh Châu nghe nó vô lý lắm. Không ngờ năm rồi hắn lại dọn sang đây và mở cái tiệm Tây Bình Viên kia.
Chu Húc: Nói thế nghe khá hài hước. Lúc hắn tới Ninh Châu, tui chẳng nghe ai thảo luận ngoài sáng cả, nhưng chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, tất cả mọi người đã biết Tạ Vấn mở một cửa hàng tên Tây Bình Viên.
Chu Húc: Nhưng cửa hàng hắn mở ế lắm, tui nghi là không kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Vả lại hắn cứ thỉnh thoảng lại không thấy bóng. Mẹ tui nói đi tìm hắn mười lần thì tám lần không ở tiệm, toàn đi đâu đó, cũng không biết là ra ngoài làm gì, lần nào quay về cũng càng bệnh thêm.

Ngón tay của Văn Thời vô thức lướt xuống, phát hiện mình đã lướt tới cuối. Chu Húc nói câu này nhảy liền qua câu khác, thực sự rất là rối nhưng anh đã hiểu ra chút ngọn ngành.
Anh đang định tắt đi màn hình, thế mà điện thoại lại rung lên một cái.
Một tin nhắn nhảy ra ở cuối giao diện: Thư gì cơ?
Văn Thời khá sửng sốt, lẳng lặng nhìn thời gian, 3 giờ 30 phút sáng sớm…
Người hiện đại nào cũng không ngủ hết hả?
Lúc anh đang kinh ngạc, Chu Húc lại gửi tới một tin: À, ý anh là những bức thư mà mẹ tui và Trương Uyển gửi qua viết lại ấy hả?
Văn Thời viết một chữ: Ừ
Chu Húc: Khi đó nhà bà ấy chưa có chuyện gì to tát, nội dung bức thư cũng bình thường lắm. Dù sao thì tui không nhìn ra điểm đặc biệt nào, chỉ cảm thấy Trương Uyển hơi sai sai thôi.
Văn Thời:?
Chu Húc: Thì bà ấy sẽ nói vài lời khó hiểu, linh tinh gì mà “chỗ này là đất lành của chị, chị vốn phải tới đây” rồi còn bảo “trần duyên mấy đời nối tiếp nhau phải đi đến hồi kết rồi.”
Chu Húc: Mấy người tu quẻ thuật toàn nói mấy lời lạ lùng không thôi. Trương gia cũng có không ít người tu quẻ thuật, bản thân tui chẳng thấy được bao nhiêu người đáng tin, giác quan thứ sáu của tui còn chuẩn hơn nữa á.
Cách nói của nó quả thực tự kèm theo biểu cảm, vẻ mặt hất cằm ghét bỏ người khác tự động hiện lên trong đầu người đọc.
Ghét bỏ xong, nó lại nhân tiện khoe chú nhỏ nhà mình một chút: Đếm tới đếm lui chỉ có rối của chú nhỏ nhà tui là đáng tin nhất, vừa thấy đã biết rất chững chạc.
Văn Thời lơ thẳng lời khoe mẽ của nó, hỏi: Bà ấy nói đất lành nằm ở đâu?
Theo như lời Chu Húc nói, Trương Uyển và Trương Bích Linh đều gửi những bức thư ấy cho nhau xấp xỉ lúc Trương Uyển đã có con, cũng là khoảng chừng khi Tạ Vấn đã xuất hiện.
Vì từng quen biết Bốc Ninh, Văn Thời cũng không cảm thấy quẻ thuật là một thứ vô dụng. Trái lại, nó thường rất có ích, nhưng mà mỗi người mỗi khác.
Trương Uyển nói thế như thể bà đã tiên đoán hoặc lường trước được điều gì. Văn Thời muốn biết vì sao bà lại nói như thế.
Chu Húc trả lời: Sao tui biết đất lành nằm ở đâu được?
Văn Thời: Địa chỉ của bức thư
Chu Húc: Có vẻ bức thư đã bị dính trúng mấy thứ khác, tui nhìn không ra, hình như là Thiên Tân hay là nơi nào á.
Chu Húc: Ôi, anh vừa hỏi thế thì lại khơi gợi lòng hiếu kỳ của tui rồi. Giờ tui hệt như không làm được đề, nhất định sẽ không thể ngủ được. Để mai tui về nhà xem thử.
Văn Thời:?
Anh nhận ra mình viết chữ không lẹ bằng tốc độ gõ chữ của đối phương, thế nên dứt khoát rút gọn thành một chữ quan trọng… hoặc nên nói là một dấu câu quan trọng. Cũng may là Chu Húc lại hiểu được, nó trả lời: Giờ tôi còn đang bị giam ở bổn gia.
Thực ra Văn Thời không hề có hứng thú với việc nó đang ở đâu, nhưng nhìn thấy chữ ‘giam’ đó, anh vẫn hỏi một câu xuất phát từ lòng nhân đạo:?
Chu Húc: Chuyện này nói ra thì dài lắm…
Văn Thời:?
Chu Húc: Bộ anh xài chức năng trả lời tự động hả?
Chu Húc: Về phần vì sao tui lại bị giam ở bổn gia thì tui phải hỏi ngược lại anh rồi. Hôm nay anh có nhìn bức danh phả chưa?
Văn Thời: Chưa.
Chu Húc: Vậy gặp lại sau.
Văn Thời hơi sửng sốt, cảm thấy nó nói đột ngột quá. Nhưng anh không có sự kiên nhẫn và thói quen tán dóc với người khác, nên chấp nhận lời chào tạm biệt rồi cũng ấn tắt màn hình.
Anh vứt điện thoại sang một bên xong lại thực sự ngủ không yên, trong đầu toàn quanh quẩn những việc Tạ Vấn từng trải qua. Anh ngồi tại mép giường một lát rồi vặn cửa phòng đi ra ngoài.
Phòng khách không hề đen kịt, ánh trăng xuyên qua cửa sổ chiếu vào, vùng sáng hiện lên trông lạnh vắng như một vũng nước hình vuông. Trong này cũng không hoàn toàn yên lặng, có thể nghe láng máng tiếng ngáy không nhẹ không nặng của Hạ Tiều, có lẽ hai ngày trước cậu đã mệt mỏi lắm rồi.
Văn Thời lục tung đồ uống trong tủ lạnh, bật nắp rồi rót một ngụm vào miệng, sau đó cầm lon nước lạnh lẽo vặn mở cửa kính và đi ra hậu viện.
Cây mai trắng mà Thẩm Kiều để lại trông rất có linh khí, hoặc vì Hạ Tiều chăm sóc rất khá, nó đã nẩy mầm mới.
Anh đứng bên bìa sân một lúc, bỗng nghe cửa sổ bằng kính của tầng hai trên đỉnh đầu của mình bị ai đó gõ nhẹ hai cái.
Văn Thời ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Tạ Vấn kéo cửa sổ ra, cúi đầu hỏi anh: “Sao còn chưa ngủ nữa?”
HẾT CHƯƠNG 56 („• ֊ •„)
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.