Chương trước
Chương sau
Ban đêm mơ thấy sư phụ.
Hai ta đứng sóng vai nơi đồng hoang bát ngát, gió ngàn thổi ào ào.
Ông cụ đã mất hơn mười năm rồi, đây là lần đầu tiên ta mơ thấy ông.
Nom ông cụ vẫn y nguyên cái tướng vô lại đó, đầu đội cái mũ vành rách nát, chống cây gậy gỗ lung la lung lay, nghiêng đầu cầm bầu rượu dơ dáy nốc cho túy lúy mặt mày đỏ gay, mái tóc trắng lưa thưa lộn xộn bị gió thổi rối bù như ổ gà.
Điều duy nhất khác với kí ức là đôi mắt ông.
Đôi mắt đục ngầu lâu ngày nay sáng rực quắc thước, kể cả lúc ông cụ hồi quang phản chiếu ta cũng chưa từng trông thấy ánh mắt này.
Một đàn hồng nhạn từ chân trời bay lại.
Đang là hoàng hôn, ráng chiều đỏ ối như ngọn lửa thiêu đốt một nửa khoảng trời, thiên địa mênh mông như chỉ còn mỗi hai ta và đàn chim nhạn lững thững bay trên đầu.
Ông cụ giơ tay trỏ vào hồng nhạn, toét miệng cười: “Nha đầu, con nói xem vì sao vi sư lại đặt tên cho con là Nhạn Cửu?”
Mọi thứ xảy ra trong mộng đều không bình thường, nhưng cuộc đối thoại này thì quả thật đã từng phát sinh, thời gian địa điểm cũng chẳng hề sai lệch.
Ta hồi tưởng hoàn cảnh khi đó, tiếp lời: “Vì sao ạ?”
“Con biết đấy, con là một đứa trẻ bị bỏ rơi, lúc vi sư nhặt con về, thời tiết cũng như thế này, trên trời vừa hay có đàn nhạn chín con bay về phương nam, vi sư bèn vỗ bàn, một dùi định âm, thế là con mang tên Nhạn Cửu!”
Đoạn, ông cụ chống nạnh ngửa mặt lên trời cười to, mặc sức vẩy hơi rượu vào gió.
Tuy đã là lần thứ hai nghe ông cụ kể vậy, nhưng trong lòng ta vẫn lấy làm mừng thầm vì bay trên trời khi ấy không phải một đôi nhạn tách bầy tay nắm tay bỏ trốn, bằng không đội cái tên “Nhạn Nhị” hay “Nhị Nhạn” trên đầu, ta chỉ có nước bị người khác cười nhạo mà sống cả đời.
Cười dứt, ông cụ bắt đầu ngâm từ, gật gù đắc ý, phát âm lèm nhèm:
“Sống trên đời, lắm tụ tan, như bèo dạt. Khéo thì gặp gỡ, kiếm lấy bầu rượu cùng rót say. Nói đến tình người chân thật, dẫn vào cảnh giới đâu hay, tri âm duy có rượu. Huống hồ cảnh đương đẹp, đối diện châm chén nồng.”
Bất chợt, ông cụ ngừng lại, quay sang nhìn ta chằm chằm, đôi mắt già nua vẩn đục trên gương mặt say đỏ được rượu mạnh gột sáng trưng như tuyết: “Nhạn Cửu, con có hiểu không?”
Ông quắc mắt nhìn ta bặm trợn như lâm đại địch, như muốn nhìn cho ra một bông hoa trên mặt ta, một lúc lâu sau lại buông tiếng thở dài nửa như thất vọng nửa tựa an ủi: “Con không hiểu… Con không hiểu…”
Ông cụ chống cây gậy gỗ lung lay lảo đảo y hệt mình, bước thấp bước cao mỗi lúc một xa, miệng hãy còn ngâm nga một từ khúc chẳng biết tên: “Yêu như gió táp, hận như sương mai, yêu hận tựa mây mù hỡi ôi…”
Nhạn bay thẳng cánh, ráng chiều tà dương, trong sát na hoen mờ đôi mắt.
Khi tỉnh lại, đối diện là một cặp mắt phượng như cười như không.
Tiết Vô Y tựa bên cửa sổ, trong ngực ôm bầu rượu mơ và thanh đao của hắn. Đằng sau sống lưng thẳng tắp là bầu trời Trường An vĩnh hằng không đổi, có chim ưng dang cánh, cánh đen chao liệng vụt thoắt phá tầng không.
“Nằm mơ nói mớ à?” Hắn hỏi.
“Mơ thấy cố nhân.” Ta đáp.
“Cố nhân? Cô mà cũng có cố nhân?”
Ta không trả lời, hắn cũng chẳng gạn hỏi.
Chơi với Tiết Vô Y có cái hay là xưa giờ hắn vẫn luôn biết chừng biết mực.
Ngoài buồng rả rích tiếng mưa rơi.
Mưa Trường An cũng quen thói giấu tài y như người Trường An vậy, không mưa thì thôi, đã mưa là mưa như trút. Sau mùa hạn sớm, trời mưa trọn một tháng, người Trường An bị nước mưa giặt bợt cả mặt mày.
Tiết Vô Y nói, ắt là ông trời cũng không nhìn nổi dân Trường An ngợp trong vàng son, muốn khiến Trường An nom không ra Trường An một bận.
Ta từng gặp rất nhiều người, nhớ được lại rất ít, người có thể gọi là bằng hữu lại càng ít hơn. Tiết Vô Y xem như một trong số những bằng hữu ít ỏi đó.
Tiết Vô Y là sát khách độc hành hiếm hoi ở thành Trường An.
Mỗi lần giết người xong, hắn sẽ đến chỗ ta uống rượu, ba vò rượu mơ, mười năm không đổi. Hắn thích uống rượu bằng bát lớn, như thể chẳng có lần sau. Hắn không cho phép mình uống say, tay run cầm đao giết người sẽ không vững.
Túi gấm Tiết Vô Y đặt trên bàn vẫn nặng trịch như thường lệ, ít nhất phải có một ngàn năm trăm lượng bạc.
Trên giang hồ, hắn có một biệt hiệu nghe tiếng chạy biệt, là Huyết Đao Tử. Một khi Tiết Vô Y rút đao, đao trắng vào đao máu ra, tuyệt không sơ xuất.
Việc làm ăn của sát khách độc hành rất tẻ nhạt, chủ thuê chẳng ai cần một tay đao phủ không nghe lời, bất cứ lúc nào cũng có thể bỏ gánh giữa đường. Chỉ khi có nút chết đến kẻ liều mạng cũng chẳng chịu dấn thân mới giao cho sát khách độc hành – tất nhiên, thù lao rất hậu. Trên đời làm gì có kẻ nào liều mạng thật sự, chẳng qua là có đáng đặt cược mạng sống hay không.
Ta lắc lắc túi gấm, hỏi: “Lần này lại đi giết tay tai to mặt lớn nào đấy?”
“Tai to mặt lớn gì đâu, lúc bị tôi một đao làm thịt, gã binh bộ thị lang kia còn đang mây mưa với tiểu thiếp, chưa kịp rên tiếng nào đã tắt thở, chán.” Tiết Vô Y ngửa đầu nốc rượu, mắt mơ màng nhìn ta, song đáy mắt trong vắt sáng sủa, “Cô có biết ‘Thanh Bạch Nhãn’ Thạch Thu Phong không?”
Đương nhiên ta có biết.
Dạo gần đây trên giang hồ, tên người này có thể nói như sấm đánh bên tai.
Trước khi được gán cho danh hiệu “Thanh Bạch Nhãn” giống Nguyễn Tịch thời Ngụy Tấn1, Thạch Thu Phong chỉ là một đệ tử ngoại môn không tên không tuổi của Mai Tông vùng Giang Bắc. Nửa năm trước, cậu ta bất ngờ phát hiện vụ việc Mai Tông ngấm ngầm giết người cướp của, chạy khỏi Mai Tông rồi công bố bí mật môn phái, làm dậy lên một phen sóng to gió cả trên giang hồ. Tức thì, Mai Tông trở thành cái đích bị mọi người chỉ trỏ, tông chủ Mai Tông biệt tích giang hồ, Giang Bắc Mai Tông sừng sững trăm năm trong chính đạo sụp đổ.
1 Nguyễn Tịch là một trong Trúc lâm thất hiền, tương truyền ông có hai màu mắt khác nhau, khi tiếp khách gặp người quân tử hợp ý mình, ông sẽ nhìn người đó bằng tròng mắt xanh, nếu kẻ đến là phường tục tử không vừa lòng mình, ông sẽ nhìn bằng tròng mắt trắng.
Ai mà ngờ được đó mới chỉ là khởi đầu, trong vòng nửa năm Thạch Thu Phong hành tẩu giang hồ, đã lần lượt vạch trần chuyện nhơ bẩn bốn môn phái chính đạo tầm cỡ lén lút gây ra. Nhất thời người giang hồ hoang mang phấp phỏng, khắp chốn truyền tai nhau “Chính đạo đã mất, hiệp đạo tắt rồi”, liên tục có đệ tử chính đạo rời khỏi môn phái, cam nguyện lưu lạc giang hồ, tỏ rõ trong sạch.
“Hôm qua Thạch Thu Phong vào Trường An, hôm nay trong thành Trường An ẩn náu vô số người muốn lấy mạng hắn.” Tiết Vô Y vuốt ve thanh đao đã theo hắn mười năm trên đầu gối, giọng thú vị nhưng không mang ý cười, “Nhạn Cửu, tôi cá với cô, tiểu tử này không sống nổi qua đêm nay.”
Lông mày hắn dài mảnh sắc sảo, khi cười nom như lá liễu, khi không cười thì giống lưỡi đao chưa ra khỏi vỏ. Đạo sĩ mù xem bói dưới lầu nói, tướng do tâm sinh, người mắt mày sắc bén có tính tình gàn dở, thích hành động trái trời, số mệnh khó lường, hoặc đại phú đại quý, hoặc tự chặt đứt tiền đồ, dẫn lửa tự thiêu.
Ta cúi đầu nhìn lá trà bồng bềnh trong chung sứ trắng, ba chìm bảy nổi, có thể bị nước biếc chôn vùi bất cứ khi nào: “Chẳng lẽ hắc bạch lưỡng đạo đều muốn lấy mạng hắn?”
“Đương nhiên, hắc bạch lưỡng đạo vốn cùng gốc rễ, xương thịt không chia lìa.” Tiết Vô Y nói.
“Tôi cược hắn không sống nổi qua đêm mai.”
“… Tại sao?”
“Nghe nói Thạch Thu Phong này là kỳ tài ngút trời về khinh công, sao có thể chết dễ như vậy.”
Tiết Vô Y cười khẩy: “Khoan bàn đến lúc vào Trường An hắn đã bị thương, kỳ tài ngút trời thì đã sao, giang hồ ăn thịt người này đã từng bỏ qua ai bao giờ?”
“Mọi sự đều có ngoại lệ.” Ta ngẩng đầu nhìn hắn, “Anh cược cái gì?”
Hắn đáp rất nhanh: “Thù lao tôi giết binh bộ thị lang mới rồi.”
Ta liếc túi gấm nặng trịch trên bàn: “Được.”
Tiết Vô Y ngửa đầu uống ngụm rượu mơ cuối cùng rồi xoay người nhảy ra cửa sổ: “Nhạn Cửu, bữa này cô thua chắc rồi.”
Ta cũng cảm thấy mình thua chắc rồi.
Đại đa số kỳ tài ngút trời trên đời đều hoặc chết khi bộc lộ tài năng, hoặc bị kỳ tài ngút trời trong quá khứ mai táng.
Tiết Vô Y là kiểu thứ hai.
Thuở thiếu thời hắn từng vang danh một thời vì thích giết chóc thành tính, người giang hồ không dung, lúc lăn lộn đỉnh điểm sóng gió nhất từng bị hắc bạch lưỡng đạo liên thủ phục kích một trận, mạng còn nhuệ khí mất.
Đó là câu chuyện lưu truyền suốt mười năm nay trên giang hồ về sát khách độc hành “Huyết Đao Tử” Tiết Vô Y.
Rất ít ai biết, mười năm trước, vì từ chối đúc vũ khí cấm cho môn phái chính đạo mà người trong lòng Tiết Vô Y – Tô Thu Trì – bị đệ tử chính đạo giết người diệt khẩu. Tiết Vô Y muốn đòi lại công bằng, môn phái chính đạo chối bay chối biến, trong cơn nóng giận, hắn rút đao tắm máu toàn môn, thế nên mới có trận chém giết danh chấn giang hồ kia.
Một vị nguyên lão võ lâm đức cao vọng trọng đứng ra nói một câu, thế là mọi tội nghiệt đều được che giấu – chẳng ai tin lời một tên lỗ mãng mới bước chân ra đời, không ai tin rằng chính đạo sẽ làm chuyện nhơ nhuốc nhường ấy.
Sau đó, Tiết Vô Y nói với ta: “Nhạn Cửu, giết chóc đúng là chuyện kẻ điên mới làm được, biết rõ tuyệt đối bất khả thi mà vẫn mong ước viển vông có thể lấy một địch mười.”
“Trận thảm bại năm xưa đã dạy anh thế à?” Ta hỏi.
Hắn không đáp, chỉ cúi đầu nhè nhẹ vuốt ve thanh đao Tô Thu Trì tặng hắn như vuốt ve ngôi mộ xanh rì cỏ dại của người tình đã mất.
Chẳng biết có phải ảo giác hay không, trong mắt hắn tựa hồ luôn cất chứa một thứ gì đó đang chết mòn suy kiệt, dầu ta không nhận biết rõ được đó là cái gì – nhuệ khí, sát khí hay ngạo cốt toàn thân.
Ta vẫn nhớ như in dáng vẻ thời son trẻ của Tiết Vô Y – thiếu niên gầy gò bướng bỉnh ngông cuồng, cô độc lẻ loi, lủi thủi độc hành, ánh mắt lúc nào cũng phách lối khinh khi, khóe miệng lúc nào cũng nhếch lên ngạo nghễ, ánh mắt khi rút đao lúc nào cũng sáng rực như đao sắc.
Tiết Vô Y đi rồi, có vị khách nhân khác ghé thăm.
Phương đồ tể mặc áo đay thô, do quanh năm cầm dao nên khớp xương ngón tay thô bè, chai sạn. Anh ta ngồi trước bàn, xoa tay dè dặt: “Nhạn cô nương, hôm trước con tôi chết đuối dưới sông, kính nhờ cô nương khắc cho con tôi một tấm bia với.”
Ta và Tiết Vô Y đều kiếm cơm nhờ người chết, Tiết Vô Y giết người, còn ta thì khắc bia cho những ngôi mộ chôn vùi hết thảy sinh tiền của người đã khuất. Đất có người ắt có người chết, kèm theo đó là kẻ kiếm cơm nhờ người chết, sinh sôi mãi mãi không ngừng.
“Tiền khắc bia thì dễ bàn thôi, tôi chỉ có mỗi đứa con trai là nó, cũng chẳng thiếu gì chút bạc này, chỉ là…” Phương đồ tể ngẩng lên nhìn ta, mắt mày thấm đẫm mệt mỏi, lưng vẫn thẳng tắp như cũ, “Văn bia khắc gì thì đêm qua tôi bàn với vợ đến tận khuya vẫn chưa có kết quả, Nhạn cô nương có gợi ý gì chăng?”
Ta ngước mắt nhìn anh ta: “Đây là đại sự cả đời của lệnh lang, mong anh tự quyết định thì hơn.”
Phương đồ tể trù trừ không chắc, lưỡng lự hồi lâu mới quyết định: “Ngoài thông tin khi còn sống ra, thêm một câu ‘Nguyện bình an đời đời’ vậy.”
Một ước nguyện rất tầm thường nhưng cũng vô cùng chất phác.
Khách tới xin bia hầu hết đều như vậy, bất kể người chết là người thân, bạn bè, người yêu hay kẻ thù, sau khi trăn trở trăm chiều về nội dung văn bia, rốt lại phần lớn đều chỉ gói gọn trong bình an hỉ lạc mà thôi.
“Chết, là thứ hiếm hoi trên đời có thể kích thích thiện tâm.”
Thi thoảng lúc tỉnh táo, ông cụ từng nói với ta như vậy.
“Bất kể là người chết, vật chết hay một tòa thành chết, thật ra đều là thứ có thể khiến người ta đau thương trong chớp mắt như nhau. Có điều, chúng ta kiếm sống nhờ người chết thì cũng hơi đặc thù tí xíu, quý giá tí xíu.”
Khi nói câu này, thảng hoặc lắm mới được một hôm ông không uống rượu, tay cầm đao khắc, chậm rãi chạm trổ bia đá xanh trên đầu gối, ánh mắt trầm tĩnh mà lạnh nhạt.
Ông cụ là một thợ khắc bia cực kì xuất sắc, nghe nói khi còn trẻ ông cũng từng phong lưu phóng khoáng, sau đó chẳng biết do đâu mà bắt đầu nay đây mai đó, miễn cưỡng sống qua ngày nhờ tay nghề khắc bia, tiện thể, dính luôn tật ma men.
Từ khi ta có kí ức, cơ hồ đêm nào ông cũng uống đến say như chết. Bình thường ta ngủ vào giờ Hợi, canh tư bò dậy, mò mẫm trong bóng tối tìm được ông cụ đã say ngây ngất, dìu ông lên giường, lúc gần đi nghe ông ợ rượu một tiếng vang dội, rồi mò mẫm trở về ngủ tiếp. Đêm nào cũng vậy.
Có bận ta hỏi ông: “Sư phụ, rượu ngon vậy thật ạ?”
Ông cụ như chưa từng nghĩ đến câu hỏi này, ngẩn ra rồi mới đáp: “Ta đã sớm uống không ra vị rượu thế nào rồi.”
“Vậy tại sao vẫn uống nhiều rượu thế ạ?”
Ông không đáp, chỉ xoa đầu ta, mãi sau, nói một câu rất ư khó hiểu: “Nhưng sống trên đời mà mơ màng được thật thì tốt biết bao.”
Ta ngẩng đầu, chỉ thấy một gương mặt đã sớm nhăn nhúm già nua vì quanh năm nát rượu, và đôi mắt vẩn đục màu rượu nồng.
Sau cùng, ông cụ vẫn chết vì rượu.
Trong một lần đi mua say như bao lần, ông đột tử ở quán rượu. Lúc ta tìm được ông, mặt ông đỏ lừ túy lúy, khóe miệng còn ngậm nét cười say sưa, mà cơ thể lại đã lạnh như băng.
Sau khi ông cụ chết, ta đến Trường An, không vì lí do gì cả, chỉ vì người ở đây chết nhiều nhất, chết nhanh nhất.
Mưa dầm dề suốt đêm, cây mơ ngoài nhà úa vàng từng cuống lá.
Xưa nay ta không thích mưa dầm, làm ta nhớ đến mùi xác thối nồng nặc lúc bị ông cụ bỏ quên ở bãi tha ma rất lâu trước kia.
Một đêm không mộng, vẫn như mọi khi.
Giữa cơn nửa tỉnh nửa mê, ngoài song như văng vẳng tiếng hát than ê a loáng thoáng của nàng nào say rượu về khuya:
“Sắn leo mận gai, cơm rượu ngoài đồng. Người thương đã mất, cùng ai? Trơ mình?
Sắn leo táo chua, cơm rượu bờ vực. Người thương đã mất, cùng ai? Thở mình?
Gối sừng sáng chừ, chăn gấm đẹp ghê. Người thương đã mất, cùng ai? Bạn mình?”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.