🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Học ở Nhị trung, Tần Chiêu Chiêu ngồi cùng bàn với Đàm Hiểu Yến, lâu dần hai người thành bạn tốt, có chuyện gì cũng kể nhau nghe.
Ngày khai giảng, hai người giới thiệu bản thân. Đàm Hiểu Yến vừa nghe đã thích mê tên của Tần Chiêu Chiêu. “Tên nghe hay quá, thật êm tai lại đặc biệt, chả bù cho tên mình, bình thường quá!”
Tên Tần Chiêu Chiêu là do ba đích thân mở từ điển ngâm cứu rồi đặt cho, ba cô không phải người học hành chữ nghĩa nhưng đặt tên cho con gái cưng nhất định phải chọn một cái tên văn vẻ. Mấy cái tên tầm thường kiểu A Linh, A Trân, A Cầm, A gì đó… ông nhất định không động tới. Ban đầu ba rất ưng cái tên “Hi” nghĩa là “ánh ban mai”, nhưng mẹ lại bảo chữ này khó viết quá, không muốn đặt cho con, lúc sau thấy tên “Úc” nghĩa là “đẹp đẽ” cũng được nhưng mẹ vẫn gàn vì chữ này chẳng mấy người biết, đến lúc ấy có tên mà chẳng ai biết đọc thì phải làm sao. Cuối cùng, ba vô tình lật tới trang có hai chữ “Chiêu Chiêu”, có nghĩa là “sáng láng, rõ ràng”, âm đọc lên vang vang, lại dễ viết, ý nghĩa cũng sáng sủa đẹp đẽ; mà mẹ cô cũng khen chữ này hay. Vậy là họ liền đặt tên cho con gái là “Chiêu Chiêu“.
Đàm Hiểu Yến cũng là con một gia đình công nhân giống Tần Chiêu Chiêu, ba mẹ cô công tác ở nhà máy động cơ diezel Hồng Kỳ, thường gọi tắt là Hồng Cơ. Nhà máy và khu tập thể nằm ở ngoại ô phía tây thành phố, cũng là một vùng nửa phố nửa quê. Hai nhà có gia cảnh tương đồng nên gặp nhau nói chuyện đặc biệt ăn ý, hòa hợp. Cái gọi là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, người ra sao thì kết giao cùng kiểu người thế ấy cũng thật có đạo lý, những người có xuất thân, gia cảnh tương đồng thường dễ thành bạn bè với nhau.
Trong lớp, nữ sinh gia cảnh có điều kiện nhất là Chung Na, ba mẹ cô làm việc ở bệnh viện thành phố. Cả nhà ba người sống khá thoải mái trong căn nhà mới ba phòng ngủ, một phòng khách được trang hoàng đẹp đẽ. Chung Na cũng rất nhiệt tình, hiếu khách, thường mời các bạn nữ trong lớp về nhà chơi. Tần Chiêu Chiêu có ghé qua một lần, vừa vào cửa là ngẩn người. Lần đầu tiên cô được thấy ngôi nhà rộng rãi, đẹp đẽ như vậy. Nhà cửa thoáng mát, rộng rãi, sáng sủa; sàn nhà trắng tinh không một hạt bụi; bên cạnh chiếc tivi lớn trong phòng khách còn bày một chiếc máy quay phim hiếm thấy thời ấy. Chung Nam mở băng cho các bạn xem, còn bày hai đĩa bánh kẹo đầy ắp lên bàn trà mời mọi người.
Tuy Chung Na nhiệt tình như vậy nhưng các bạn trong lớp đã tới một lần đều không muốn đến lần thứ hai. Đa số học sinh trong lớp gia cảnh bình thường, mà nhà cô khá giả như vậy, so sánh hai bên không khỏi có chút tủi thân trong lòng.
Đến thăm nhà Chung Na, trông lại nhà mình, tuy giờ nhà cửa đã được sửa sang, cơi nới nhưng Tần Chiêu Chiêu vẫn cảm thấy nó thật nhỏ hẹp, âm u.
Hai năm trước, nhà kế bên chuyển khỏi Trường Cơ, Tần ba ở gần được hưởng luôn ngôi nhà bỏ lại có diện tích, bài trí hệt như nhà mình, vì thế nhà Tần Chiêu Chiêu rộng ra gấp đôi. Tần ba lại nối thông hai phòng trong nhà kia rồi hai vợ chồng ông dọn sang đó ở, căn phòng mười mét vuông cũ giờ thành phòng riêng của Tần Chiêu Chiêu, phòng nhỏ trở thành phòng khách kiêm phòng ăn. Chỗ ở coi như cũng mở rộng ít nhiều. Có điều, nhà trong khu tập thể thật sự quá cũ rồi. Nghe nói dãy nhà tập thể này được xây từ thời mới lập nhà máy, đến giờ cũng ngót ba chục năm, chẳng những rêu cỏ xanh rì chân tường mà đến những kẽ hở trên mái ngói cũng có cỏ lan. Nhìn nhánh cỏ nảy mầm trong khe ngói hẹp, con người không khỏi cảm khái sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của loài cỏ yếu mềm. Nhà đã ba chục tuổi cũ kĩ, gặp mưa là dột tứ tung, thường phải mang chậu ra hứng. Gặp những lúc không ai ở nhà, nước mưa cứ thế dột xuống ướt lênh láng sàn, ướt cả chăn màn; lúc về chỉ biết mang chăn chiếu đi hong cho khô.
Gia cảnh nhà Đàm Hiểu Yến cũng không khá giả hơn, nhà cô nằm trong dãy nhà ngang của khu tập thể Hồng Cơ, mỗi tầng có một hành lang dài nằm giữa hai dãy nhà. Trên hành lang la liệt đủ thứ đồ lặt vặt, ngay chỗ rộng nhất gần chân cầu thang bày chình ình một cỗ quan tài của nhà nào đó. Lúc còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy cái quan tài nằm đó, Đàm Hải Yến lại sợ rúm người, không bao giờ dám lên cầu thang một mình. Một dạo như vậy, ngày nào cô cũng úm bà lão nhà kia chết cho mau để người ta mang quan tài đi chôn, không còn án ngữ ở cầu thang mà dọa cô nữa. Thế nhưng ít lâu sau lại có quy định hỏa táng người chết, bà lão nhà ấy chết được đưa đi hỏa táng chỉ còn một nhúm tro cốt, chiếc quan tài chuẩn bị sẵn không được dùng đến, cũng chẳng có chỗ nào mà cất nên cứ để mãi bên cầu thang như thế.
Sau lần tới chơi nhà Chung Na, Đàm Hiểu Yến vô cùng buồn bực. “Sao Chung Na sướng thế nhỉ? Có nhà rõ đẹp! Mình mà đổi được cho cậu ấy thì tốt quá, không phải ra ra vào vào đều chạm mặt cỗ quan tài kia.”
Trong lòng Tần Chiêu Chiêu cũng ao ước như vậy, giống như trước kia cô vẫn ngưỡng mộ ba Kiều Mục là phó giám đốc, ba Tả Chí Binh là cán bộ thu mua, giờ lại ao ước ba mẹ là bác sĩ như ba mẹ Chung Na, có thể sống sung sướng. Nếu được thế thì thật, cô cũng muốn đánh đổi.
Chỉ là mặc kệ cô ngưỡng mộ, ước ao tới đâu cũng vô dụng, họ vẫn là họ, vĩnh viễn chẳng bao giờ cô có thể thế chỗ họ.
Năm nay nhà máy Hồng Cơ cũng làm ăn thất bát, mẹ Đàm Hiểu Yến phải nghỉ việc. Phụ nữ bốn chục tuổi muốn tìm việc khác chẳng dễ dàng gì, gặp hết tai này nạn kia, cuối cùng đành sắm một chiếc xe ba bánh bán canh ma lạt năng kế bên trường Nhị Trung. Ngoài mấy món canh cay nóng ăn vặt bà còn bán thêm mì nước rất tiện cho học sinh trong trường ăn trưa. Khách hàng của bà cũng chủ yếu là học sinh trường Nhị Trung tranh thủ giờ giải lao ra ngoài ăn uống. Mỗi ngày chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng cuối tháng trừ hết chi phí vẫn dư ra chút đỉnh.
Mới đầu Đàm Hải Yến còn xấu hổ chuyện mẹ bán hàng rong cạnh trường, sợ bạn bè biết được sẽ khinh rẻ mình nên mở miệng là thầm than thở, bảo mẹ dọn đi chỗ khác bán hàng.
Nguồn ebook: https://www.luv-ebook.com
Cô Đàm bực mình giáo huấn con gái một trận, mắng oang oang như sấm: “Có gì mà xấu hổ? Mẹ có đi ăn trộm, ăn cướp cũng vì chúng mày, có gì mà mất mặt? Huống hồ mẹ đây tay làm hàm nhai, bỏ công bỏ sức ra kiếm tiền thì sao phải xấu hổ? Sợ người ta nói này nói nọ hả? Được thôi! Mẹ không bán hàng nữa! Một tháng được hơn trăm đồng tiền tạm thôi việc, mua gạo nấu cháo loãng cầm hơi cũng không chết đói, bất quá từ nay đừng hòng nay đòi ăn cái này, mai đòi mua cái kia nữa!”
Đàm Hải Yến lần đầu thấy mẹ giận đến mức ấy, nhất thời nín thinh.
“Dù gì mẹ con trước kia cũng vinh dự đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân, con nghĩ mẹ con muốn ra đường bán hàng rong thế này lắm sao? Chẳng qua mẹ cũng hết cách rồi, mà tiền vẫn phải kiếm. Giờ con vẫn còn đi học, sau này còn bao nhiêu việc cần đến tiền. Mẹ con vì cái nhà này mới muối mặt bám vỉa hè, giờ con còn bảo mẹ làm con xấu hổ với bạn bè. Con muốn chọc mẹ tức chết mới hả à?”
Bị mẹ nghiêm khắc giáo huấn một trận, nỗi hổ thẹn xóa mờ chút hư vinh trong lòng Đàm Hiểu Yến. Chẳng những cô không ấu giếm bạn bè chuyện mẹ bán canh ma lạt năng nữa mà còn thường xuyên khoe mẹ mình có quầy bán canh ma lạt trong con hẻm gần trường, rồi mời mọi người qua ăn thử, nếu ngon thì năng lui tới.
Từ ngày mẹ mở tiệm ma lạt năng, Đàm Hiểu Yến thường xuyên kéo Tần Chiêu Chiêu cùng qua ăn mì ma lạt trong nồi đất miễn phí. Một, hai lần thì không sao, lâu dần Tần Chiêu Chiêu cũng sinh ngượng. Nhưng cô Đàm là người tinh ý, thường tủm tỉm cười, nói: “Chiêu Chiêu à, sau này con cứ cùng Hiểu Yến đến đây ăn trưa, đồ ăn trong trường vừa đắt vừa không ngon mà về nhà lại xa quá. Hiểu Yến vẫn khoe con học giỏi lắm, vẫn thường giúp đỡ nó nhiều. Thôi thì hằng ngày qua đây ăn với dì bát mì coi như thay dì chỉ bảo Hiểu Yến con nhé!”
Thành tích học tập của Hiểu Yến trên lớp rất bình thường. Thật ra cô là người thông minh, có điều học lệch nghiêm trọng; điểm Ngữ văn rất cao, bài của cô luôn được giáo viên đọc trước lớp làm mẫu nhưng Toán, Lý, Hóa thì lơ mơ, bết bát. Lúc làm bài cùng nhau, Tần Chiêu Chiêu luôn phải giảng giải lại các vấn đề của môn Toán, Lý, Hóa cho cô. Rõ ràng Hiểu Yến thông minh, lanh lợi là vậy, chẳng hiểu sao động vào phương trình bậc hai lại mơ mơ hồ hồ như thế. Kết thúc luôn là ráo hoảnh một câu: “Thôi thôi, không làm nữa, chúng mình nói chuyện phiếm đi!”
Những cuộc tán gẫu của họ thường xoay quanh những mối quan hệ với các bạn nam; Tần Chiêu Chiêu sẽ nói về Kiều Mục, còn Đàm Hiểu Yến nói về một cậu tên Trịnh Nghị.
Trịnh Nghị học cùng Đàm Hiểu Yến hồi tiểu học, là con trai giáo viên Toán của lớp. Đó là một cậu nhóc trắng nõn, dáng vẻ tuấn tú; năm sáu tuổi, vì cao lớn hơn chúng bạn mà cậu được tuyển vào trường Thể dục thể thao của thành phố. Học được vài năm, cha mẹ xót con trai học hành vất vả nên quyết định chuyển cậu về trường học bình thường. Từng học ở trường Thể dục thể thao nên khi chuyển sang trường mới, trong giờ Thể dục cậu chỉ tùy tiện thể hiện một chút là đủ khiến cả lớp được phen sửng sốt.
Đàm Hiểu Yến vẫn nhớ rõ có lần trong tiết Thể dục, Trịnh Nghị biểu diễn nhào lộn một tay trên sân thể dục, lộn liên tục bảy, tám cái, cuối cùng tiếp đất vững vàng chỉ bằng một chân; một loạt động tác linh hoạt, duyên dáng đủ khiến cô bé ngơ ngẩn nhìn mãi không thôi. Từ ấy, hình bóng cậu nam sinh mạnh mẽ đã in sâu trong tâm hồn non nớt của cô bé.
Trịnh Nghị chỉ học cùng cô một học kỳ thì ba cậu chuyển công tác về quê cũ ở Nam Xương, cậu đi theo ba. Ngày cậu chuyển đi, rất nhiều học sinh trong lớp theo trào lưu ngày ấy mua sổ tặng cậu, Đàm Hiểu Yến cũng cực kì cẩn thận chọn một cuốn. Trịnh Nghị không còn đến trường nữa nên lớp trưởng thay mặt cả lớp thu hết sổ, nhờ giáo viên Toán chuyển giúp, nhưng cô chỉ cười khách sáo, nói: “Trịnh Nghị chuyển đi mất rồi, các em mang sổ này về dùng đi!”
Cuốn sổ ấy không tặng được nhưng Đàm Hiểu Yến cũng không nỡ mang ra dùng mà cẩn thận cất kĩ trong ngăn kéo. Đây là thứ duy nhất có chút liên hệ với Trịnh Nghị mà cô có được.
Sở dĩ Đàm Hiểu Yến có ấn tượng sâu sắc như thế về Trịnh Nghị là do trong số bạn bè cùng trang lứa, cô chưa từng gặp ai đặc biệt như cậu. Cậu học sinh từ trường Thể dục thể thao chuyển tới mang theo một cảm giác mới mẻ, hoàn toàn khác so với những cô cậu học trò ngày ngày ở bên cạnh.
Trịnh Nghị đối với Đàm Hiểu Yến cũng giống như Kiều Mục đối với Tần Chiêu Chiêu, tựa như một dải cầu vồng rực rỡ len vào giữa những tháng ngày bình dị như thước phim đen trắng của hai cô bé. Một thứ ánh sáng đẹp đẽ khiến họ không thể không yêu thích, ngưỡng mộ.
Nếu nữ sinh họp lại một chỗ sẽ cùng bàn về con trai, thì nam sinh túm tụm lại với nhau cũng thường bàn về con gái. Con trai rất thích bình bầu thứ tự con gái trong lớp để chọn ra “Tứ đại mỹ nữ“. Chung Na được bầu là hoa khôi của lớp, ngoài chuyện xinh đẹp, gia cảnh khá giả ra, cô còn là nữ sinh ăn mặc thời thượng nhất trong lớp, có rất nhiều quần áo đẹp, cả lớp không ai qua mặt được cô. Đàm Hiểu Yến cũng dành được một suất trong “Tứ đại mỹ nữ”. Thực ra ngũ quan của cô cũng không có gì xuất sắc: mi mỏng, mắt một mí dài và nhỏ, môi mỏng, xếp chung lại không thể thành gương mặt trái xoan chuẩn mực nhưng lại lộ ra một vẻ thanh tú khác thường. Hơn nữa, da cô rất đẹp, trắng hồng và mịn màng.
Tần Chiêu Chiêu không có được nước da hồng hào như vậy, da cô ngăm ngăm đen, tuy mày rậm mắt to, bộ dạng cũng không quá khó coi nhưng gặp lần đầu thường không để lại nhiều ấn tượng. Hơn nữa, cô ăn mặc bình thường, giản dị, tính cách hướng nội, không hay ồn ào, không ưa buôn chuyện nên thường bị coi như “ười vô hình” lúc đứng với các bạn cùng lớp, thuộc loại “vắng mợ thì chợ vẫn đông”.
Đàm Hiểu Yến thì hoàn toàn khác, cô xinh đẹp lại hoạt bát nên rất nổi bật, thu hút sự chú ý của mọi người. Năm thứ hai sơ trung thường có nam sinh gửi thư cho cô, trong lớp cũng có mà lớp khác cũng không thiếu. Những nét bút vụng về gửi gắm biết bao lời lẽ thơ ngây nhưng chân thành. Mỗi lần nhận được thư, Hiểu Yến đều đưa Tần Chiêu Chiêu xem cùng, lần nào xem xong trong lòng cô cũng nảy sinh ít nhiều hâm mộ.
Ngày ấy thiếu nữ mười ba, mười bốn đã ít nhiều hiểu thế nào là “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, con gái là phải xinh đẹp, yểu điệu, nho nhã, dịu dàng mới đáng là đối tượng để theo đuổi. Vì thế, Tần Chiêu Chiêu cũng hiểu vì sao trước giờ mình chẳng bao giờ nhận được thư của ai, hiển nhiên trong mắt đám con trai cô không phải “yểu điệu thục nữ”. Hay nói thẳng ra, cô không xinh đẹp.
Tần Chiêu Chiêu thấy thật đau lòng, tại sao cô không xinh đẹp hơn chứ? Đến cả đám con trai trong lớp còn không buồn để ý tới cô, Kiều Mục sẽ càng không bao giờ thèm để ý tới.
Tần Chiêu Chiêu không chịu được việc mình xấu xí, nên lúc ba mẹ không ở nhà cô thường trốn trong phòng soi gương trang điểm cho mình. Cái gọi là trang điểm cũng chỉ là đem mấy bộ quần áo phối lại với nhau, sau đó chải thử nhiều kiểu tóc khác. Cô chải đủ kiểu từ cột tóc đuôi ngựa, cột trễ, cột lệch tới bện một bím, hai bím… để lựa xem kiểu nào hợp nhất. Chải hết kiểu này tới kiểu khác, cuối cùng cô cảm thấy mình tết hai bím là dễ nhìn nhất.
Từ đó, Tần Chiêu Chiêu thường xuyên tết tóc hai bên đi học. Nhưng đến lớp vẫn chẳng có bạn trai nào viết thư gửi cô; mà trên đường về Kiều Mục thấy cô cũng coi như không, cứ thế lướt qua. Cô cứ như người vô hình, như không khí trong suốt, chẳng để lại vết tích gì.
Tần Chiêu Chiêu chán nản, chán nản vô cùng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.