Rồi đến một tháng Một hư ảo, một giai đoạn tĩnh lặng trên bề mặt đến mức tưởng như năm 1947 chưa hề bắt đầu. (Trong khi, dĩ nhiên, trên thực tế...) Khi mà Phái đoàn Nội các - gồm Pethick-Lawrence già cả, Cripps khéo léo, A.V. Alexander binh gia[1] - chứng kiến kế hoạch chuyển giao quyền lực của mình đổ bể. (Nhưng dĩ nhiên, trên thực tế, chỉ sáu tháng nữa là đến...)
Khi mà đức ngài toàn quyền, Wavell, biết rằng mình thế là hết, xong phim, hay nói theo ngôn ngữ biểu cảm của ta, funtoosh, (một điều, dĩ nhiên, trên thực tế, chỉ đẩy nhanh mọi sự, vì nó mở đường cho vị toàn quyền cuối cùng xuất hiện, người sẽ...)
Khi mà Ngài Attlee hình như còn mải định đoạt tương lai của Miến Điện với Ngài Aung Sam. (Trong khi, dĩ nhiên, trên thực tế, ông ta đang dặn dò viên toàn quyền cuối cùng, trước khi tuyên bố bổ nhiệm; vị toàn-quyền-cuối-cùng tương lai đang yết kiến đức vua và được trao đặc mệnh toàn quyền; cho nên sớm, sớm thôi...)
Khi mà Hội đồng Lập hiến tạm ngừng hoạt động, dù chưa nhất trí được về bản Hiến pháp. (Nhưng, dĩ nhiên, trên thực tế, Bá tước Mountbatten, viên toàn quyền cuối cùng, sẽ đến với chúng ta bất kỳ lúc nào, với tiếng tích tắc vô tình, với lưỡi dao nhà binh có thể xẻ tiểu lục địa làm ba, với bà vợ chốt cửa nhà vệ sinh ăn vụng ức gà.)
Và giữa cái tĩnh lặng như gương mà qua nó người ta không thể thấy bộ máy khổng lồ đương rầm rập vận hành, mẹ tôi, tân Amina Sinai phu nhân, trông vẫn bình lặng và không thay đổi mặc dù những điều lớn lao đang diễn ra dưới da bà, một sớm tỉnh dậy, với cái đầu ong ong vì mất ngủ và cái lưỡi đóng dày một lớp giấc-ngủ-chưa-ngủ, bỗng thấy mình buột miệng nói lớn, mà không hề chủ định, “Mặt trời làm gì ở đây thế này, Allah? Mọc nhầm chỗ rồi.”
[1] Năm 1946, chính phủ Anh cử phái đoàn đại diện nội các sang Ấn Độ để đàm phán chuyển giao quyền lực với hy vọng thành lập thể chế liên bang. Dẫn đầu đoàn là ba nhân vật kể trên. Huân tước Pethick-Lawrence là Bộ trưởng Ngoại giao về Ấn Độ; Cripps là Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Alexander là Chủ tịch Cao ủy Hải quân.
...Tôi phải ngắt lời mình. Hôm nay tôi không định thế, vì dạo này Padma tỏ ra khó chịu mỗi khi câu chuyện của tôi trở nên tự tri, mỗi khi, như một anh múa rối kém tài, tôi để lộ bàn tay điều khiển những sợi dây, nhưng tôi chỉ muốn nói một lời phản đối. Vậy nên chen giữa một chương mà, bằng sự tình cờ may mắn, tôi đặt tên là “Lời Tuyên bố Công khai”, tôi đưa ra (bằng ngôn từ mạnh nhất có thể) lời cảnh báo toàn diện về y học sau: “Một lão Bác sĩ N.Q. Baligga nào đấy,” tôi muốn công bố - từ trên mái nhà! Từ loa của các thánh đường! - “là một lão lang băm. Đáng bị nhốt lại, bị tước giấy phép và ném qua cửa sổ. Hay nặng hơn: phải hứng chịu trò lang băm của chính lão, phát cùi hủi vì một viên thuốc kê sai. Đồ ngu dốt khốn kiếp,” tôi nhấn mạnh, “có mắt như mù!”
Xả giận xong rồi, tôi phải tạm để mẹ mình nghĩ ngợi thêm chút nữa về hành vi kỳ quặc của mặt trời, để giải thích rằng Padma của chúng ta, kinh hãi vì tôi đề cập đến sự rạn nứt, đã bí mật phó thác cho lão Baligga - lão ju-ju này! lão lang vườn ấy! - và do đó, tên đại bịp ấy, kẻ tôi sẽ không hạ mình tô điểm bằng cách mô tả lão, liền mò đến. Tôi, hoàn toàn ngây thơ và cũng vì Padma, đồng ý cho lão khám. Lẽ ra tôi phải sợ điều tồi tệ nhất, điều tồi tệ nhất là cái lão đem lại.
Quý vị tin được thì cứ tin: lão lừa bịp ấy tuyên bố tôi nguyên vẹn!
“Tôi không thấy nứt gì cả,” lão trầm giọng như đưa đám, nhưng khác Nelson tại Copenhagen[2] ở chỗ lão không có con mắt sáng nào, cái mù của lão không phải là lựa chọn của thiên tài ngoan cường mà là tai ương tất yếu của ngu xuẩn! Đui mù, lão nghi vấn về tình trạng tâm lý của tôi, gieo nghi ngờ về độ tin cậy của tôi trong vai trò nhân chứng. Và còn-gì-nữa-Chúa-mới-biết: “Tôi không thấy nứt gì cả.”
[2] Đô đốc Horatio Nelson của hải quân Anh. Trong trận chiến Copenhagen năm 1801, Nelson nhận được tín hiệu rút lui, giơ ống nhòm lên bên mắt chột và nói: “Tôi không thấy tín hiệu gì hết.” Kết quả quân Anh giàng chiến thắng, buộc Đan Mạch phải ngồi vào đàm phán.
Cuối cùng, chính Padma đã xua lão đi. “Không sao đâu, Bác sĩ Sahib,” cô nói, “chúng tôi sẽ tự chăm lo cho anh ấy.” Trên mặt cô tôi thấy một sự tự ý thức về lỗi lầm khờ dại của mình... Baligga thế là xéo, vĩnh viễn không trở lại những trang sách này. Nhưng lạy Chúa! nào nghề y – nghề nghiệp của Aadam Aziz - đã tụt xuống đến mức ấy? Đến cái bể phốt rặt những Baligga này? Sau cùng, nếu thế thật, thì ai cũng tự lo thân được chẳng cần bác sĩ... một điều đưa tôi trở về với lý do tại sao một sáng nọ Amina Sinai thức giấc với mặt trời trên môi.
“Nó mọc nhầm chỗ rồi!” bà buột miệng thốt lên, rồi, giữa cơn mụ mị đang tan dần của một đêm khó ngủ, nhận ra trong cái tháng ảo giác này mình đã trở thành nạn nhân của một trò ảo thuật ra sao, vì mọi chuyện chẳng qua là bà vừa thức dậy ở Delhi, tại nhà người chồng mới, nhìn ra hướng Đông, về phía mặt trời; nên sự thật của vấn đề là mặt trời vẫn ở đúng chỗ, chỉ có vị trí của bà là thay đổi... nhưng kể cả khi đã tiêu hóa xong suy nghĩ giản đơn ấy, và cất nó đi cùng nhiều nhầm lẫn tương tự bà gặp phải từ khi đến đây (vì sự lẫn lộn về mặt trời thường xuyên xảy ra với bà, như thể trí óc bà từ chối tiếp nhận sự thay đổi của hoàn cảnh, vị trí mới, trên mặt đất của giường bà),có gì đó trong ảnh hưởng lộn xộn của nó vẫn lưu lại và khiến bà không thể thấy hoàn toàn thanh thản.
“Cuối cùng, ai cũng có thể sống vắng cha,” Bác sĩ Aziz bảo con gái khi chia tay.
Và Mẹ Bề trên bổ sung, “Lại thêm một đứa con côi trong nhà, cái-gì-không-biết, nhưng có sao, Muhammad cũng là con côi đấy thôi, và con cũng có thể nói vậy về Ahmed Sinai của con, cáigìkhôngbiết, ít nhất nó cũng là dân Kashmir một nửa.” Rồi, tự tay mình, Bác sĩ Aziz chuyển chiếc rương tôn xanh lên khoang tàu nơi Ahmed Sinai chờ cô dâu.
“Món hồi môn này xét ra thì chẳng nhỏ nhưng cũng không quá lớn,” ông nói. “Chúng ta chẳng phải là crorepatis[3], con cũng biết. Nhưng chúng ta đã cho con đủ, Amina sẽ cho con nhiều hơn.”
Trong chiếc rương xanh là: ấm trà bằng bạc, sari thêu kim tuyến, những đồng vàng của các bệnh nhân hàm ơn biếu Bác sĩ Aziz, một viện bào tàng trong đó những vật trưng bày tượng trưng cho những căn bệnh được chữa và những sinh mệnh được cứu. Lúc này Aadam Aziz nhấc bổng con gái lên (bằng chính tay mình),trao cô, sau món hồi môn, vào vòng tay người đàn ông đã đổi tên và do đó đã tái sinh cô, bởi vậy theo một nghĩa nào đó đã trở thành cha đồng thời là chồng cô... ông đi (bằng chính chân mình) dọc sân ga khi đoàn tàu bắt đầu lăn bánh. Như một tay chạy tiếp sức ở cuối vòng đua, ông đứng đó, bị vây phủ giữa khói bụi và những người bán truyện tranh và cái hỗn loạn của những cây quạt lông công và quà vặt và hết thảy cái huyên náo trì trệ của đám phu khuân vác ngồi xổm và bầy thú thạch cao trên xe đẩy khi con tàu vào guồng chạy về hướng thủ đô, bắt tốc độ để vào vòng đua tiếp.
Trên khoang tàu Amina Sinai phu nhân ngồi (nguyên đai nguyên kiện) gác chân lên chiếc rương tôn xanh, vì cao hơn một tấc nên không nhét vừa gầm ghế. Với đôi xăng đan gác lên bảo tàng khóa kín đựng những thành tựu của cha mình, cô tăng tốc tiến vào cuộc đời mới, bỏ lại sau lưng Aadam Aziz để ông dồn hết tâm huyết cho nỗ lực kết hợp các kỹ thuật của Tây y và hakim[4], một nỗ lực sẽ từ từ khiến ông kiệt quệ, khiến ông nhận ra rằng sự thống trị của mê tín dị đoan, sùng thần bái quỷ và vô số điều huyền bí khác sẽ không bao giờ bị phá vỡ ở Ấn Độ, vì các hakim từ chối không hợp tác; trong khi ông già đi và thế giới trở nên ít thực hơn, ông bắt đầu hoài nghi đức tin của mình, nên trước khi ông nhìn thấy Chúa mà chưa bao giờ ông có thể tin hay không tin, có lẽ ông đang đợi chờ cuộc gặp gỡ ấy.
[3] Triệu phú (một crore là 10 triệu rupee) .
[4] Thầy thuốc điều trị theo phương pháp cổ truyền của đạo Hồi.
Khi tàu rời ga Ahmed Sinai bật dậy chốt cửa khoang lại rồi sập cửa chớp xuống, trước sự ngạc nhiên của Amina; nhưng rồi bỗng có tiếng thình thịch ở ngoài, và có bàn tay vặn nắm đấm cửa cùng tiếng nài nỉ “Cho chúng con vào với, maharaj! Maharajin, bà có đấy không, bảo ông nhà mở cửa đi.” Và luôn như thế, trên mọi chuyến tàu trong truyện này đều có những nắm đấm ấy, những giọng nói ấy đập cửa van nài; trên tuyến Frontier Mail đi Bombay và mọi tuyến tàu nhanh những năm ấy. Và nó luôn luôn đáng sợ, cho đến khi rốt cuộc tôi là kẻ ở ngoài, cố sống cố chết bám chặt, cầu xin: “Kìa, maharaj! Cho con vào với, hỡi ngài tôn kính.”
“Dân lậu vé” Ahmed Sinai nói, nhưng không đơn giản như vậy. Họ là một lời tiên tri. Sẽ sớm có những lời tiên tri khác.
... Và lúc này mặt trời đang ở nhầm chỗ. Mẹ tôi nằm trên giường và thấy thấp thỏm; nhưng cũng háo hức vì điều vừa xảy ra trong bà và, cho tới lúc này, vẫn là bí mật của riêng bà. Cạnh bà, Ahmed Sinai ngáy hết cỡ. Ông không bị mất ngủ; không hề, bất chấp những rắc rối đã khiến ông đem về nhà một cái túi xám đựng đầy tiền và giấu dưới gậm giường khi tưởng Amina không để ý.
Cha tôi ngủ ngon lành, cuộn mình trong sự bao bọc êm ái của thiên tư vĩ đại nhất ở mẹ tôi, điều hóa ra còn giá trị hơn rất nhiều những thứ trong cái rương tôn xanh: Amina Sinai đã dành cho Ahmed món quà là sự ân cần không mệt mỏi của bà.
Không một ai nhẫn nại như Amina. Đen sậm làn da, long lanh đôi mắt, mẹ tôi sinh ra đã là người tỉ mỉ nhất trên đời. Cần mẫn, bà cắm hoa trên từng hành lang, từng căn phòng của ngôi nhà ở thành Delhi cũ; thảm được chọn với sự cẩn thận vô biên. Bà có thể bỏ ra hai mươi lăm phút nghĩ ngợi về vị trí của một cái ghế. Trước khi bà hoàn thành việc xây tổ ấm, tỉa tót chỗ này một tí, sửa sang chỗ kia một tẹo, Ahmed đã thấy chỗ ở của gã mồ côi là mình đây trở nên đầy dịu dàng và yêu thương. Amina sẽ dậy trước ông, đức cần mẫn thôi thúc bà lau chùi mọi thứ, kể cả mấy tấm mành tre (đến khi ông bằng lòng thuê một hamal làm việc đó); nhưng điều mà Ahmed không bao giờ biết là năng khiếu của bà được áp dụng chuyên chú nhất và bền bỉ nhất không phải lên những ngoại vật trong cuộc sống của họ, mà là lên chính bản thân Ahmed Sinai ông.
Vì sao bà lấy ông? - Vì muốn nguôi ngoai, vì cần con cái. Nhưng đầu tiên chứng mất ngủ bao bọc não bà đã cản trở mục đích thứ nhất; còn con cái thì chẳng phải bao giờ cũng đến ngay. Vậy là Amina thấy mình mơ thấy một khuôn mặt thi sĩ không được phép mơ và tỉnh giấc với một cái tên không được phép nói ra trên môi.
Quý vị hỏi: rồi bà làm thế nào? Tôi trả lời: bà nghiến răng và quyết tâm chấn chỉnh lại mình. Bà tự nhủ thế này: “Đồ ngu dốt vô ơn, mày không thấy bây giờ chồng mày là ai sao? Mày không biết một người chồng đáng được nhận những gì sao?”
Để tránh sự tranh cãi vô bổ quanh câu trả lời đúng cho hai câu hỏi này, tôi xin nói rằng, đối với mẹ tôi, một người chồng đáng được nhận sự trung thành tuyệt đối, và tình yêu toàn tâm toàn ý. Nhưng có một khó khăn: Amina, đầu óc chất chứa Nadir Khan và bệnh mất ngủ, thấy mình không thể mang lại cho Ahmed Sinai những điều đó một cách tự nhiên.
Vậy là, vận dụng cái thiên tư cần mẫn vốn có, bà bắt đầu rèn cho mình yêu ông. Để làm được điều đó bà chia ông, trong đầu bà, thành từng bộ phận cấu thành riêng rẽ, cơ thể cũng như hành vi, phân loại ông thành nào môi nào khẩu tật nào định kiến nào sở thích... tóm lại, bà đã mắc phải bùa phép của tấm ga giường khoét lỗ của cha mẹ mình, vì bà đã quyết tâm đem lòng yêu chồng theo từng mảnh một.
Mỗi ngày bà chọn một mảnh của Ahmed Sinai, và tập trung toàn bộ thân tâm vào nó cho tới khi nó trở nên hoàn toàn quen thuộc; cho tới khi bà thấy sự ưa thích dâng lên trong lòng rồi hóa thành cảm mến và, cuối cùng, tình yêu. Cứ như thế bà đi đến chỗ si mê giọng nói quá to của ông và cái cách nó chọc vào màng nhĩ bà làm bà rùng mình; và cái quái tật là luôn vui vẻ cho đến khi cạo râu xong - sau đó sáng nào cũng vậy, tính tình ông trở nên gay gắt, cục cằn, quy củ và xa cách; và đôi mắt kền kền ẩn chứa điều bà tin chắc là một nội tâm nhân hậu sau một cái nhìn mơ hồ u ám; và cái cách môi dưới ông trề ra so với môi trên; và cả chiều cao khiêm tốn khiến ông cấm tiệt bà đi giày cao gót...
“Lạy Chúa,” bà tự nhủ, “xem ra ở mỗi người đàn ông có cả triệu thứ để yêu!” Nhưng bà không sờn lòng.
“Rốt cuộc,” bà thầm lý luận, “có ai thật sự hiểu người khác trọn vẹn?”, và tiếp tục học cách yêu và ngưỡng mộ thói ưa đồ nướng, tài trích thơ Ba Tư của ông, nếp nhăn giận dữ nơi chân mày ông...
“Cứ thế này,” bà thầm nhủ, “sẽ luôn có gì đó mới mẻ ở anh ấy để yêu; và cuộc hôn nhân này sẽ chẳng thể nhàm chán được.” Cứ thế, một cách cần mẫn, mẹ tôi ổn định cuộc sống ở thành phố cũ. Cái rương tôn nằm im chưa mở trong cái tủ cũ.
Và Ahmed, không hề biết hay nghi ngờ, thấy bản thân và cuộc sống của mình chịu ảnh hưởng của vợ, cho đến khi, từng chút một, ông trở nên giống - và sống ở một nơi giống - một gã đàn ông ông chưa từng biết trong một căn phòng dưới mặt đất ông chưa từng thấy. Dưới tác động của thứ nhẫn thuật mơ hồ đến nỗi có lẽ Amina không ý thức được mình đang thực hiện nó, Ahmed Sinai thấy tóc mình thưa dần, và phần còn lại trở nên xuôi và nhờn; ông nhận ra mình sẵn lòng để nó mọc chờm quá tai. Đồng thời, dạ dày ông bắt đầu căng ra, đến khi biến thành cái bụng nhão, mềm mà tôi sẽ rất thường chết ngạt trong đó và không một ai trong chúng tôi, ở mọi cấp độ của ý thức, so sánh với sự mập lùn của Nadir Khan.
Cô em họ xa Zohra bảo ông, lả lơi, “Anh phải ăn kiêng đi, anh giai, kẻo chúng em chả chạmđược đến anh mà hôn đâu!” Nhưng chẳng ăn thua gì... và từng chút một Amina tạo dựng ở Delhi Cũ một thế giới của nệm mềm vàrèm trên cửa sổ, để ánh sáng càng ít lọt vào càng tốt... bà lèn vải đen vào mành; và hết thảy những sửa đổi vụn vặt ấy góp phần vào cái kỳ công Hercules của bà, cái nhiệm vụ chấp nhận, từng mảnh một, rằng bà phải yêu một người đàn ông mới. (Nhưng bà vẫn dễ tổn thương trước hình ảnh trong mơ cấm kỵ của... và luôn bị hấp dẫn bởi những người đàn ông bụng mềm, tóc dài và xuôi.)
Từ thành phố cũ không thể nhìn thấy thành phố mới. Ở thành phố mới, một chủng tộc những kẻ chinh phục da hồng đã xây những cung điện đá hồng; nhưng nhà cửa trên những con ngõ hẹp của thành phố cũ đều nhoi ra, chen chúc, nhốn nháo, chắn hết tầm nhìn của nhau về những dinh thự của quyền lực nhuộm sắc hồng. Hơn nữa cũng chẳng ai nhìn về hướng ấy. Ở những muhalla, hay khu dân cư của người đạo Hồi, tập trung quanh Chandni Chowk, người ta thỏa mãn với việc nhìn vào mảnh sân biệt lập của đời mình; với việc buông mành xuống cửa sổ và hiên nhà.
Ở những con ngõ hẹp, đám thanh niên rỗi việc nắm tay và ngoắc tay và hôn nhau khi gặp gỡ và đứng thành vòng tròn mông chìa ra, mặt quay vào. Nơi này không có cây xanh, còn lũ bò thì tránh xa, biết rằng ở đây chúng chả thiêng gì. Chuông xe đạp réo liên hồi. Và vượt lên âm thanh chói tai ấy là tiếng rao của những hàng hoa quả rong: Ai hoa quả đê-Ê, chà là ngon đê-Ê!
Cùng những thanh âm này, vào buổi sáng tháng Một khi mẹ tôi và cha tôi đều đang có một bí mật giấu người kia, còn có tiếng lẹp kẹp bồn chồn của bước chân Ngài Muscapha Kemal và Ngài S.P. Butt; và tiếng lốc cốc liên hồi từ cái trống dugdugee của Lifafa Das.
Khi những bước chân lẹp kẹp đầu tiên vang lên trên những con hẻm ở muhalla, Lifafa Das cùng chiếc hộp vạn hoa và cái trống vẫn còn ở đâu đó khá xa. Bốn bàn chân lẹp kẹp xuống taxi và rảo bước trên mấy con ngõ hẹp; trong khi đó, ở ngôi nhà góc phố, mẹ tôi đứng trong bếp rang khichri cho bữa sáng và nghe lỏm cha tôi nói chuyện với cô em họ xa Zohra. Những bàn chân lẹp kẹp đi qua những người bán hoa quả và những kẻ rỗi việc nắm tay nhau; mẹ tôi nghe lỏm: “...Đôi vợ chồng son nhà anh, em chả nhịn được cứ phải đến ngắm, thật là sịu sàng khôn xiết!”
Trong khi những bàn chân lại gần, cha tôi đổi màu thật sự. Hồi ấy ông đang ở vào độ chín của sự quyến rũ; môi dưới ông chưa trề lắm, nếp nhăn giữa hai hàng lông mày mới chỉ lờ mờ... và Amina, đang đảo khichri nghe thấy Zohra ré lên, “Ui, đỏ mặt kìa! Cơ mà anh trắng thật, anh giai ạ!...”
Và ông cho cô ả nghe Đài phát thanh Toàn Ấn Độ tại bàn, điều Amina không được phép; Lata Mangeshkar đang ca một bản tình ca ai oán khi “Y như em, anh-thấy-hông,”
Zohra tiếp tục “Chúng ta sẽ có những bé con hồng hào đáng yêu, một cặp trời sinh, nhỉ, anh giai, một đôi vợ chồng da trắng đẹp đẽ?” Những bàn chân vẫn lẹp kẹp và bàn tay vẫn đảo chảo khi “Da đen khổ thật đấy, anh giai nhỉ, sáng ra thức dậy đã thấy nó nhìn mình chằm chằm, và soi gương là thấy bằng chứng sự thấp kém của mình! Tất nhiên là họ biết; ngay dân da đen cũng biết da trắng đẹp hơn, anhnghĩvậyhông?”
Những bàn chân đã rất gần và Amina khệ nệ bước vào phòng ăn với cái nồi trên tay, hết sức tập trung kiềm chế bản thân, tự nhủ Sao ả phải đến đúng ngày mình có tin muốn nói kia chứ rồi lát mình còn phải xin tiền trước mặt ả. Ahmed Sinai thích bà nói ngọt khi xin tiền ông, thích bà phỉnh nó ra khỏi túi ông bằng sự mơn trớn và những lời âu yếm, đến khi cái khăn ăn trồi lên trên lòng ông khi trong quần ông có gì ngọ nguậy.
Còn bà không màng, bằng sự cần mẫn bà đã học cách yêu cả điều này, và mỗi khi bà cần tiền sẽ có những vuốt ve và “Janum, cuộc sống của em, nhé...” và “... Tí chút thôi, để em làm mấy món ngon và trả hóa đơn...” và “Mình rộng rãi mà, đưa bao nhiêu tùy mình, em biết là sẽ đủ”... những thủ đoạn của lũ ăn mày và bà sẽ phải làm vậy trước mặt cô ả mắt thô lố hay cười rúc rích và nói chuyện dân da đen oang oang ấy.
Những bàn chân đã ở sát cửa và Amina trong phòng khách với món khichri nóng hổi đã sẵn sàng, hết sức gần cái đầu ngu ngốc của Zhora, vừa lúc ả thốt lên, “À, ai có mặt thì không tính nhé, tất nhiên rồi!” để phòng xa, không rõ mình có bị nghe lỏm không, và “Kìa, Ahmed, anh giai, anh thật quá tệ khi nghĩ ý em muốn nói cả chị Amina dễ thương của chúng ta, người thật sự không quá đen mà chỉ như một phụ nữ da trắng đứng dưới bóng râm thôi!”
Trong khi Amina với cái nồi trên tay nhìn mái đầu xinh đẹp kia và nghĩ Có nên không? Và, mình có Dám không? Rồi tự vỗ về bản thân rằng: “Hôm nay là một ngày quan trọng đối với mình; và ít nhất ả cũng nhắc đến chuyện con cái; bây giờ mình sẽ dễ nói...” Nhưng đã quá trễ, tiếng nức nở của Lata trên đài đã nhấn chìm tiếng chuông nên không ai nghe thấy lão Musa giúp việc ra mở cửa; Lata đã che lấp tiếng chân thấp thỏm lẹp kẹp lên cầu thang; nhưng thình lình chúng đã ở đây, bước chân của Ngài Musupha Kemal và Ngài S.P. Butt, đang lệt bệt dừng lại.
“Bè lũ bất lương vừa thực hiện một hành vi phá hoại!” Ngài Kemal, người gầy nhất mà Amina Sinai từng thấy, đã châm ngòi, bằng thứ cổ ngữ kỳ lạ (bắt nguồn từ tính thích tranh tụng của ông ta, hệ quả là ông ta đã nhiễm cái giọng điệu chốn pháp đình),một phản ứng dây chuyền của nỗi sợ hãi khôi hài, được ngài S.P. Butt nhỏ thó, the thé, dặt dẹo, có gì hoảng loạn nhảy nhót như một con khỉ trong mắt, làm gia tăng đáng kể khi thốt lên bốn chữ này: “Phải, bọn hỏa tặc!”
Lúc này Zohra trong một phản xạ kỳ quặc siết chặt cái đài vào ngực, bóp nghẹt Lata giữa hai bầu vú, rú lên, “Ôi Chúa ơi, Ôi Chúa ơi, hỏa tặc nào, ở đâu? Ở đây à? Ôi Chúa ơi tôi thấy rực lên rồi!” Amina đứng sững với khichri trên tay đăm đăm nhìn hai người đàn ông mặc âu phục trong khi chồng bà, bí mật giờ đã ném đi theo gió, râu đã cạo nhưng đồ chưa mặc, bật dậy hỏi, “Cái godown?”
Godown, gudam, kho hàng, quý vị gọi sao cũng được; nhưng Ahmed vừa hỏi xong thì một sự câm lặng đã vây phủ căn phòng, dĩ nhiên trừ giọng hát của Lata Mangeshkar vẫn vọng ra từ khe ngực Zohra; vì ba người đàn ông này cũng chung nhau một sản nghiệp lớn như vậy, tọa lạc tại khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố.
“Xin đừng là cái godown, Chúa phù hộ,” Amina âm thầm cầu khẩn, bởi việc kinh doanh reccine và vải giả da đang thuận lợi - qua Thiếu tá Zulfikar, giờ là sĩ quan phụ tá của Sở chỉ huy Quân sự tại Delhi, Ahmed Sinai đã ký được hợp đồng cung cấp áo giả da và khăn trải bàn không thấm nước cho chính Quân đội - và một số lượng lớn thứ nguyên liệu mà cuộc sống của họ trông vào được chứa ở kho hàng ấy.
“Nhưng ai lại làm chuyện đó?” Zohra rền rĩ song ca với cặp vú biết hát của mình.
“Bọn điên rồ nào lại sổng ra xã hội giữa thời buổi này?”... và đây là lần đầu tiên Amina nghe thấy cái tên mà chồng mình giấu giếm, cái tên mà, vào thời ấy, gieo rắc nỗi khiếp sợ cho rất nhiều người.
“Đó là Ravana,” S.P. Butt đáp... nhưng Ravana là tên con quỷ nhiều đầu; vậy thì, lẽ nào, mặt đất này đang đầy quỷ dữ?
“Chuyện vớ vẩn gì thế?” Amina, thốt lên với lòng căm ghét mê tín dị đoan của cha mình, yêu cầu câu trả lời; và Ngài Kemal đáp ứng.
“Đó là tên một bọn cùng đồ, thưa bà; một phường những quân nghịch tặc đốt nhà. Giờ đang là thời loạn lạc; thời loạn lạc.”
Trong godown: từng súc từng súc vải giả da; và hàng hóa được Ngài Kemal nhập vào, gạo trà đậu lăng - ông ta thu mua số lượng lớn trên khắp cả nước, như một hình thức phòng vệ trước con quái vật đói khát lắm đầu nhiều mồm là quần chúng, bởi, bằng không, với ngần ấy cái đầu, nó sẽ ép giá cả giữa thời buổi sung túc xuống thấp (đến nỗi những thương gia một lòng kính Chúa sẽ chết đói trong khi con quái vật béo ra... Kinh tế học tức là khan hiếm” Ngài Kemal lập luận, “cho nên sự tích trữ của tôi không chỉ duy trì giá cả ở mức phải chăng, mà còn củng cố chính cơ cấu kinh tế.” Và trong kho còn có hàng dự trữ của Ngài Butt, đóng trong từng hộp các tông in dòng chữ AAG BRAND. Tôi không cần mách các vị rằng aag nghĩa là lửa. S.P. Butt là một nhà sản xuất diêm.
“Nguồn tin của chúng tôi, chỉ cho biết có một đám cháy tại khu công nghiệp,” Ngài Kemal nói. “Kho hàng chính xác chưa được xác định.”
“Nhưng sao lại là của ta.” Ahmed Sinai hỏi. “Tại sao, ta vẫn còn thời gian nộp tiền mà?”
“Nộp tiền?” Amina ngắt lời. “Nộp cho ai? Nộp cái gì? Mình, janum, cuộc sống của em, chuyện gì xảy ra thế?”...
Nhưng “Ta phải đi thôi,” S.P. Butt nói, và Ahmed Sinai đi luôn, vẫn mặc bộ đồ ngủ nhàu nhĩ, lẹp kẹp bổ ra khỏi nhà với ông bạn gầy và ông bạn dặt dẹo, bỏ lại món khichri chưa đụng đũa, mấy người đàn bà mắt trợn tròn, Lata nghẹt giọng, và lơ lửng trong không khí cái tên của Ravana…
“Một băng đảng những kẻ bất hảo, thưa bà; một lũ sát nhân vô đạo và táng tận lương tâm!”
Và những lời run rẩy cuối cùng của S.P. Butt: “Đám hỏa tặc Hindu khốn kiếp, Begum Sahiba. Nhưng người đạo Hồi chúng ta làm gì được?”
Người ta biết gì về Ravana? Rằng ngoài mặt nó tỏ ra là một phong trào chống đạo Hồi cuồng tín, phong trào mà, vào cái thời trước bạo loạn Chia cắt, cái thời đầu lợn có thể được vứt ngang nhiên không bị trừng phạt giữa sân những giáo đường Thứ Sáu, không có gì là xa lạ . Rằng nó cho người, giữa nửa đêm, vẽ khẩu hiệu lên tường ở cả thành phố mới lẫn cũ: KHÔNG CHIA CẮT! HOẶC LÀ DIỆT VONG! DN HỒI LÀ BỌN DO THÁI CỦA CHU Á!, vân vân. Và rằng nó đốt trụi những nhà máy, cửa hiệu, kho hàng của người đạo Hồi.
Nhưng không chỉ có vậy, và điều này thì ít người biết: đằng sau lớp mặt nạ hằn thù sắc tộc ấy, Ravana là một tổ chức kinh doanh được trù tính khôn ngoan. Những cú điện thoại nặc danh, những thư cắt dán từ báo được gửi đến các thương gia đạo Hồi, cho họ lựa chọn giữa hoặc trả một khoản tiến duy nhất, dứt điểm, hoặc nhìn cơ nghiệp của mình bị thiêu rụi. Điều lý thú là, chúng cho thấy mình rất giữ lời. Tuyệt không có lần thứ hai.
Và chúng không nói chơi: vắng những chiếc túi xám đầy tiền bảo kê, lửa sẽ liếm đến cửa hiệu nhà máy kho hàng. Đa số đều nộp tiền, thà như vậy còn hơn giải pháp mạo hiểm là tin vào cảnh sát. Cảnh sát, vào năm 1947, không phải là đối tượng người Hồi có thể trông cậy. Và người ta còn nói (tuy tôi không dám chắc việc này) rằng, khi thư tống tiền đến, chúng gồm cả một danh sách “khách hàng mãn nguyện”, những người đã đóng tiền và yên ổn làm ăn. Ravana - như tất cả dân chuyên nghiệp - có giấy giới thiệu đàng hoàng.
Hai người đàn ông mặc âu phục, một vận đồ ngủ, chạy qua những con hẻm ở muhalla đạo Hồi đến chiếc taxi đang đợi họ trên Chandni Chowk. Họ thu hút những ánh mắt tò mò: không chỉ vì trang phục đa dạng của họ, mà còn bởi họ cố không chạy.
“Đừng tỏ ra sợ hãi,” Ngài Kemal nói, “Bình tĩnh thôi.” Nhưng chân họ cứ mất kiểm soát và chạy cuống lên. Một cách giật cục, cứ chạy hộc tốc được một quãng lại đi bộ mấy bước chẳng theo lề lối gì, họ rời khỏi muhalla; và, trên đường, vượt qua mặt một thanh niên với chiếc hộp vạn hoa bằng sắt sơn đen có bánh xe, tay cầm cái trống dugdugee: Lifafa Das, đang trên đường đến địa điểm sắp diễn ra lời truyền tin quan trọng[5] đã mang lại cái tên cho chương sách này.
Lifafa Das lắc trống và rao: “Lại xem vạn vật đi, lại xem vạn vật đi, lại xem đi! Lại xem Delhi, lại xem Ấn Độ, lại xem đi! Lại xem, lại xem đi!”
[5] Theo Kinh Thánh Đại thiên sứ Gabriel báo cho đức Mẹ Maria biết bà sẽ mang thai con của Chúa. Tín đồ Thiên Chúa giáo kỷ niệm sự kiện này bằng lễ Truyền tin (Annunciation) vào ngày 25 tháng Ba hằng năm.
Nhưng Ahmed Sinai còn những thứ khác phải xem.
Bọn trẻ con ở muhalla đặt biệt hiệu cho hầu hết cư dân ở đây. Một nhóm ba người hàng xóm được gọi là “ba gã gà chọi” vì họ gồm một tay người Sindh và một tay người Bengal, hai nhà bị ngăn cách bởi một trong vài hộ người Hindu hiếm hoi của muhalla. Hai tay người Sindh và Bengal có rất ít điểm chung - họ không nói cùng thứ tiếng hay nấu cùng loại thức ăn: nhưng họ đều là tín đồ đạo Hồi, và đều ghét tay người Hindu ở giữa. Họ đổ rác sang nhà gã từ sân thượng. Họ văng những câu chửi đa ngôn ngữ vào gã từ cửa sổ. Họ ném thịt vụn trước cửa nhà gã... trong khi gã, để trả đũa, thuê lũ nhóc ném đá vào cửa sổ hai nhà kia, những hòn đá gói trong những bức thông điệp.
“Chờ đấy,” thông điệp viết, “rồi sẽ đến lượt mày”... lũ trẻ ở muhalla không gọi cha tôi bằng tên thật. Chúng gọi ông là “người không theo nổi cái mũi của mình”.
Ahmed Sinai là người sở hữu một khả năng định hướng kém cỏi đến nỗi, nếu để ông tự xoay xở, ông có thể bị lạc ngay giữa những ngõ ngách vòng vèo ở gần nhà. Đã nhiều lần lũ nhóc bụi đời tình cờ bắt gặp ông đang lang thang trong tuyệt vọng, và được ông cho hẳn một chavanni bốn anna[6] để hộ tống ông về nhà. Tôi nhắc đến điều này vì tôi tin rằng cái năng khiếu rẽ nhầm đường này của cha tôi không chỉ hành hạ ông suốt đời; nó còn là lý do khiến ông say mê Amina Sinai (bởi vì nhờ có Nadir Khan, bà đã cho thấy mình cũng có thể rẽ nhầm đường).
Và, hơn thế nữa, sự bất lực không thể đi theo cái mũi của chính mình ở ông đã rỏ sang tôi, trong chừng mực nào đó đã che mờ cái di sản khứu giác mà tôi thừa kế từ những nơi khác, và khiến tôi, suốt nhiều năm ròng rã, không thể đánh hơi ra con đường đúng... Nhưng giờ nói thế đủ rồi, vì tôi đã cho ba thương gia đủ thời gian đến được khu công nghiệp. Tôi chỉ nói thêm rằng (theo quan điểm của tôi là hệ quả trực tiếp từ việc ông thiếu khả năng định hướng) cha tôi là một người, ngay giữa thời điểm thắng lợi vẫn tỏa ra mùi hôi của thất bại ở tương lai, cái hơi hám của một cú rẽ nhầm ở ngay góc phố trước mặt, một thứ mùi không thể gột sạch bằng những lần tắm rửa thường xuyên.
Ngài Kemal, người ngửi ra nó, nói riêng với S.P. Butt: “Mấy gã Kashmir này, ông bạn ạ: có tiếng là không tắm bao giờ.” Sự vu khống ấy gắn kết cha tôi với lão lái đò Tai... Tai trong gọng kìm của cơn thịnh nộ tự diệt khiến lão từ bỏ việc làm người sạch sẽ.
[6] Một rupee = 4 chavanni; một chavanni = 4 anna.
Tại khu công nghiệp, những người gác đêm đang ngủ ngon lành giữa tiếng ồn ào của xe cứu hỏa. Tại sao? Thế nào? Vì họ đã có giao ước với băng Ravana, và, khi được báo trước về cuộc viếng thăm sắp tới của chúng, lẽ làm một liều thuốc ngủ và kéo mấy cái giường charpoy ra xa các tòa nhà trong khu công nghiệp. Bằng cách này, băng Ravana tránh được bạo lực, còn mấy tay gác đêm thì cải thiện được đồng lương bèo bọt. Đó là một sự dàn xếp hữu hảo và chẳng phải là không thông minh.
Đứng giữa những người gác đêm đang ngủ, Ngài Kemal, cha tôi, và S.P. Butt nhìn chỗ xe đạp bị hỏa táng bốc lên bầu trời theo những đám mây đen kịt. Butt cha Kemal đứng bên mấy chiếc xe cứu hỏa, lòng ngập tràn nhẹ nhõm, vì đó là godown của Arjuna Indiabike đang cháy - cái thương hiệu Arjuna, lấy tên vị anh hùng trong thần thoại Hindu, không che giấu được sự thật là công ty này thuộc về người đạo Hồi.
Tắm trong cảm giác nhẹ nhõm, cha Kemal Butt hít thở bầu không khí ngập ngụa xe đạp bị phóng hỏa, ho khạc sặc sụa khi khói từ lốp xe bị hỏa thiêu, bóng ma bị hóa hơi của xích chuông ghi đông xắc cốt, những bộ khung bị chuyển hóa về chất của Arjuna Indiabikes đi vào rồi lại đi ra khỏi phổi họ.
Một tấm mặt nạ bìa thô thiển được cắm lên cột điện tín ở trước cái godown đang cháy - tấm mặt nạ của nhiều khuôn mặt - tấm mặt nạ quỷ dữ hình những bộ mặt gầm ghè, với đôi môi cong rộng ngoác và lỗ mũi đỏ lòm. Những bộ mặt của con quái vật nhiều đầu, Quỷ vương Ravana, giận dữ nhìn xuống thân hình những người gác đêm đang ngủ ngon lành đến nỗi không một ai, kể cả lính cứu hỏa, lẫn Kemal, lẫn Butt, lẫn cha tôi, nỡ làm phiền họ; trong khi tro của pêđan và săm xe từ trên trời rơi rắc lên người họ.
“Làm ăn tệ quá,” Ngài Kemal nói. Khôngphải ông ta đang thông cảm. Ông ta đang phê phán chủ nhân của công ty Arjuna Indiabike.
Trông kìa: đám mây của tai họa (cũng là của sự nhẹ nhõm) bốc lên và tụ lại như một khối cầu giữa bầu trời buổi sớm không màu. Nhìn cách nó lao về phía Tây tới trung tâm của thành phố cũ; cách nó trỏ, lạy Chúa, như một ngón tay, trỏ xuống muhalla đạo Hồi gần Chandni Chowk!... Nơi, đúng lúc này, Lifafa Das đang cất tiếng rao ở chính con ngõ nhà Sinai.
“Lại xem mọi thứ đi, xem cả thế gian đi, lại xem đi!”
Đã sắp đến thời điểm của lời tuyên bố công khai. Tôi không phủ nhận là mình háo hức: tôi đã quanh quẩn ở hậu trường câu chuyện của chính tôi quá lâu, và tuy vẫn còn một lúc nữa tôi mới có thể tiếp quản, nhưng ngó vào một cái cũng hay. Vậy là, với một niềm kỳ vọng, tôi bám theo ngón tay đang trỏ giữa bầu trời và nhìn xuống khu của cha mẹ tôi, xuống những xe đạp, những hàng rong mời chào món đậu chiên cuộn trong giấy báo, những kẻ rỗi việc chìa mông, nắm tay trên phố, những mảnh giấy bay lả tả và những cơn lốc ruồi nho nhỏ bu quanh mấy quầy bánh kẹo... tất cả được rút ngắn lại dưới góc nhìn từ tít trên cao của tôi.
Có cả lũ nhóc, hàng đàn hàng lũ, bị hút ra đường bởi liếng lốc cốc mê hoặc từ cái trống dugdugee của Das và tiếng rao của anh, “Dunya dekho”, lại xem cả thế gian! Những cậu bé không quần soóc, cô bé không áo lót, và những đứa trẻ khác, bảnh bao hơn trong đồng phục trắng, quần soóc thắt thắt lưng chun có khóa con rắn hình chữ S, những thằng bé béo tròn ngón tay múp míp; tất cả ùa đến chiếc hộp đen có bánh xe, kể cả một con bé nọ, một con bé có hàng lông mày dài rậm liền một đường che rợp hai mắt, đứa con gái tám tuổi của chính gã người Sindh thô lỗ, kẻ hiện giờ thậm chí đã treo lá cờ của cái quốc gia vẫn đang là hư cấu, của Pakistan trên mái nhà, người hiện giờ thậm chí đang văng tục với tay hàng xóm trong khi con gái gã lao ra đường với đồng chavanni trên tay, với nét mặt của một bà hoàng con, và án mạng lẩn khuất sau khóe môi.
Tên nó là gì? Tòi không biết; nhưng tôi biết hàng lông mày ấy.
Lifafa Das, vì một sự tình cờ đen đủi đã bày cái hộp vạn hoa màu đen cạnh bức tường mà ai đó đã nguệch ngoạc vẽ một chữ thập ngoặc (hồi ấy quý vị thấy nó khắp nơi; đảng cực đoan R.S.S.S. vẽ nó lên mọi bức tường; không phải chữ thập Quốc xã, có chiều ngược lại, mà là biểu tượng quyền lực của đạo Hindu từ xa xưa. Svasti tiếng Phạn nghĩa là tốt lành)... anh chàng Lifafa Das mà sự xuất hiện được tôi thổi kèn gióng tróng nãy giờ là một chàng trai vô hình cho tới khi anh cười, khi anh trở nên đẹp đẽ, hoặc lắc trống, khi anh trở nên không cưỡng lại được với trẻ con.
Dân dugdugee: ở khắp Ấn Độ, họ rao, “Dilli dekho,” “lại xem Delhi!” Nhưng đây là Delhi, nên Lifafa Das đã sửa lại lời rao cho phù hợp. “Lại xem cả thế gian, lại xem vạn vật đi!” Câu sáo ngữ phóng đại này, sau một thời gian, bắt đầu giày vò tâm trí anh; bưu thiếp chui vào cái hộp vạn hoa của anh mỗi lúc một nhiều, trong khi anh nỗ lực, một cách tuyệt vọng, để mang lại điều đã hứa, để nhét mọi thứ vào cái hộp. (Tôi chợt nhớ đến anh bạn họa sĩ của Nadir Khan: có phải đây là căn bệnh của Ấn Độ, cái khao khát gói trọn cả hiện thực này? Tệ hơn: có phải tôi cũng bị nhiễm rồi không?)
Trong chiếc hộp vạn hoa của Lifafa Das là những bức ảnh Taj Mahal, Đền Meenakshi, và sông Hằng linh thiêng; nhưng cùng với những cảnh trí nổi tiếng này người chủ hộp vạn hoa cảm thấy nỗi thôi thúc phải đưa vào những hình ảnh đương đại hơn - Stafford Cripps rời dinh cơ của Nehru; tiện dân được người ta chạm vào[7]; từng đám đông trí thức nằm ngủ trên đường xe lửa; ảnh phim[8] của một diễn viên người Âu đang đội một núi hoa quả trên đầu - Lifafa gọi nàng là Carmen Verandah; thậm chí cả một bức ảnh cắt từ báo, rồi dán lên bìa, của một đám cháy ở khu công nghiệp.
Lifafa Das không tin vào việc bảo vệ khán giả của anh khỏi diện mạo không phải lúc nào cũng dễ chịu của thời đại... và thông thường, khi anh vào mấy con ngõ này, cả người lớn lẫn trẻ con đều ra xem có gì mới trong cái hộp đặt trên bánh xe của anh, và một trong số những khách hàng thường xuyên nhất chính là Begum Amina Sinai.
[7] Đẳng cấp thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ. Theo quan niệm cũ, người ở đẳng cấp cao hơn nếu chạm vào tiện nhân thì sẽ bị ô uế, phải tắm thật kỹ để tẩy rửa sự nhơ bẩn ấy.
[8] Publicity still, hoặc film still, là những bức ảnh chụp trực tiếp cảnh phim, hoặc một khung hình cắt ra từ bộ phim, chủ yếu dùng cho mục đích quảng cáo.
Nhưng hôm nay, có gì đó kích động trong không khí; có gì đó dễ vỡ và đầy đe dọa phủ lên muhalla khi đám mây của những chiếc xe Indiabike bị hỏa thiêu lơ lửng trên đầu... và lúc này nó sổng ra, khi con bé với một hàng lông mày liền kia ré lên, giọng nó ngọng líu một vẻ ngây thơ mà nó không sở hữu.
“Tao tước! Tránh ra... cho tao them! Tao không them được!” Bởi vì đã có những con mắt áp vào hàng lỗ trên hộp, đã có mấy đứa trẻ bị hút vào dòng bưu thiếp, và Lifafa nói (mà không dừng tay - anh tiếp tục quay cái cần để giữ cho chuỗi bưu thiếp chuyển động trong hộp).
“Chỉ mấy phút thôi, bibi; rồi ai cũng sẽ đến lượt; đợi một tí thôi.”
Nghe vậy bà hoàng con một lông mày nói, “Không! Không! Tôi muốn tước!”
Lifafa ngừng cười - trở nên vô hình - và nhún vai. Một cơn thịnh nộ bạo phát trên gương mặt bà hoàng con. Và giờ một lời thóa mạ trỗi dậy; một câu nói sắc nhọn chết người run lên trên môi con nhỏ.
“Mày to gan đấy, mò thới muhalla này! Tao biết mày: bố tao biết mày: ai cũng biết mày là dân Hindu!!”
Lifafa Das đứng im lặng, quay tay quay trên cái hộp; nhưng lúc này vị nữ thần valkyrie[9] tóc đuôi ngựa một lông mày đang hát và chỉ những ngón tay múp míp vào anh, con lũ con trai mặc đồng phục trắng và khóa thắt lưng hình rắn hòa theo, “Hindu! Hindu! Hindu!” Rồi những tấm mành vọt lên; và từ cửa sổ bố con nhỏ thò đầu ra, nhập cuộc, văng tục vào một mục tiêu mới, rồi tay người Bengal cũng tham gia bằng tiếng Bengal...
“Quân hiếp mẹ! Kẻ xâm hại con gái chúng tao!”... và sực nhớ là trước đó báo đã đứa tin về những vụ hãm hiếp trẻ em đạo Hồi, nên đột nhiên ai đó rú lên - giọng đàn bà, của ả Zhora ngu ngốc cũng nên.
“Kẻ hiếp dâm! Arre lạy Chúa họ tìm ra thằng badmaash rồi! Nó kia kìa!” Và giờ sự điên dại của đám mây như ngón tay đang trỏ và toàn bộ sự phi thực hỗn loạn của thời kỳ ấy đã siết chặt muhalla, và những tiếng hét được vọng lại từ mọi ô cửa sổ, còn lũ học trò bắt đầu hát,
“Hiếp dâm! Hiếp dâm! Hiếp-hiếp- hiếp-dâm!” mà thực sự không biết mình đang nói gì; bọn nhóc lùi xa khỏi Lifafa Das và anh cũng đi, kéo lê cái hộp có bánh xe, cố rời khỏi đây, nhưng giờ anh đã bị bao vây giữa những giọng nói sặc mùi máu, mấy gã rỗi việc trên phố tiến về phía anh, đám đàn ông xuống xe đạp, một cái bình lao đi trong không khí rồi vỡ vụn trên bức tường bên cạnh anh; anh dựa lưng vào một cánh cửa khi một gã tóc chải lật bóng nhẫy nhăn nhở cười ngọt ngào với anh và hỏi
“Sao, ông bạn: có phải ông không hả? Ông bạn Hindu, người dâm ô con gái tụi này? Ông bạn sùng bái ngẫu tượng[10], người ngủ với chị ruột?”
Và Lifafa “Không, vì lòng kính...”, nở nụ cười ngớ ngẩn... thế rồi cánh cửa sau lưng anh bật mở, và anh ngã ra sau, ngồi bệt xuống một hành lang lạnh tối bên cạnh mẹ tôi Amina Sinai.
[9] Nữ thần trong thần thoại Bắc u, có nhiệm vụ tuyển chọn và tiếp dẫn các chiến binh tử trận vào cung điện của thần Odin.
[10] Đạo Hindu sùng bái thần tượng, ngược với đạo Hồi là đơn thần giáo, chỉ có duy Chúa Trời.
Bà đã ở một mình cả buổi sáng với ả Zhora cười rúc rích và với dư âm của cái tên Ravana, không hay biết chuyện xảy ra ngoài khu công nghiệp, để đấu óc luẩn quẩn nghĩ về chuyện thế giới này dường như đang hóa điên; và khi cơn gào rú bắt đầu và, Zohra - trước khi bà kịp ngăn ả lại - hùa theo, có chút gì đó sắt lại trong bà, chút gì đó ý thức rằng bà là con gái của cha bà, chút gì đó bóng ma ký ức về Nadir Khan núp trong ruộng ngô trốn những lưỡi dao cong, chút gì đó cảm giác ngứa ngáy nơi đường mũi, và bà đi xuống nhà để sắm vai cứu tinh, mặc cho Zohra rú lên.
“Chị làm gì thế, chị dâu, con quái vật ấy, vì Chúa, đừng cho hắn vào đây, chị mất trí rồi à?”... Mẹ tôi mở cửa và Lifafa Das ngã vào.
Hãy hình dung bà sáng hôm ấy, một bóng đen giữa đám đông say máu và con mồi, cái bụng căng ra với một bí mật vô hình chưa nói: “Nào, nào,” bà tán thưởng đám đông.
“Anh hùng gớm nhỉ! Anh hùng quá đi chứ, tôi thề đấy! Vỏn vẹn năm chục người chống lại con quái vật kinh khủng là một cậu thanh niên! Allah, thật khiến mắt tôi ngời lên vì kiêu hãnh.”
... Và Zohra, “Vào đi, chị dâu!”
Và gã tóc mượt, “Bênh thằng goonda này làm gì, Begum Sahiba? Làm thế này không đúng đâu.”
Và Amina, “Tôi biết cậu ta. Cậu ấy là người tử tế. Thôi, đi đi, tất cả hết việc làm rồi hay sao? Giữa một muhalla đạo Hồi mà định xé xác con người ta à? Thôi, giải tán hết đi.” Nhưng đám đông đã hết bất ngờ, và lại xô về phía trước... và giờ. Giờ nó đến.
“Nghe đây,” mẹ tôi quát lên, “Nghe cho rõ đây. Tôi sắp có con. Tôi là một người mẹ sắp sinh con, và tôi sẽ che chở cho người đàn ông này. Tiến lên đi, nếu các người muốn giết, giết luôn một người mẹ để cả thế giới biết các người là hạng người gì!”
Đấy là đầu đuôi vì sao sự xuất hiện của tôi - sự giáng hạ của Saleem Sinai - lại được tuyên bố trước tập hợp đông đảo quẩn chúng trước khi bố tôi biết chuyện. Có vẻ như, ngay từ thời khắc được hoài thai, tôi đã là tài sản công cộng.
Nhưng mặc dù mẹ tôi nói đúng khi bà thực hiện lời tuyên bố công khai, bà lại cũng sai. Đây là lý do: đứa bé bà đang mang trong bụng cuối cùng sẽ không phải là con bà.
Mẹ tôi đến Delhi; cần mẫn chuyên tâm vào việc yêu chồng; bị ả Zohra và món khichri và những bước chân lẹp kẹp cản trở không kịp báo tin cho ông; nghe tiếng gào rú; thực hiện lời tuyên bố công khai. Và nó đã hiệu nghiệm. Lời truyền tin về tôi đã cứu một mạng người.
Sau khi đám đông tản đi, lão Musa giúp việc ra đường cứu nốt cái hộp vạn hoa của Lifafa Das, trong khi Amina đưa cho anh thanh niên có nụ cười đẹp đẽ hết cốc nước chanh này đến cốc nước chanh khác. Có vẻ như chuyện vừa qua đã hút kiệt không chỉ chất lỏng mà có cả chất ngọt trong anh, vì mỗi cốc anh đều bỏ bốn thìa đưòng đầy, trong khi Zohra rúm ró vì khiếp hãi trên chiếc sofa.
Và, một hồi lâu sau, Lifafa Das (được bổ sung nước nhờ nước chanh, được làm ngọt vì đường) nói: “Begum Sahiba, bà là một phụ nữ cao quý. Nếu bà cho phép, tôi xin chúc phúc cho gia đình bà; cho cả em bé chưa ra đời. Nhưng - xin bà đồng ý - tôi muốn làm một việc nữa cho bà.”
“Cảm ơn cậu,” mẹ tôi nói, “nhưng cậu không phải làm gì cả.”
Nhưng anh đã tiếp (đường làm anh ngọt giọng). “Anh họ tôi Shri Ramram Seth, là một nhà tiên tri tài ba, Begum Sahiba. Xem tay, chiêm tinh, đoán số... Nếu bà vui lòng đến gặp anh ấy, anh ấy sẽ tiết lộ cho bà tương lai của cậu nhà.”
Thầy bói tiên đoán về tôi... tháng Một năm 1947, mẹ tôi Amina Sinai được đề nghị món quà là một lời tiên đoán để đền đáp món quà một sinh mạng của bà. Và bất chấp Zohra: “Có họa điên mới đi cùng thằng cha này, chị Amina, đừng nghĩ đến việc đó, dù chỉ một giây, thời buổi này là phải cẩn thận”.
Bất chấp hồi ức về sự hoài nghi của cha bà và của ngón-cái-và-ngón-trỏ nắm quanh tai vị maulvi, lời đề nghị ấy đã chạm tới một nơi trong mẹ tôi trả lời rằng Có. Mắc trong niềm phấn khích phi logic của tình mẫu tử tinh khôi mà bà chỉ vừa trở nên chắc chắn.
“Có,” bà đáp, “Lifafa Das, mấy ngày nữa, cậu vui lòng gặp tôi ở cổng Thành Đỏ. Rồi cậu sẽ dẫn tôi đến gặp anh họ cậu.”
“Tôi sẽ đợi mỗi ngày,” anh chắp tay lại; rồi đi.
Zohra choáng váng đến nỗi, khi Ahmed Sinai quay về, cô ả chỉ biết lắc đầu rồi nói, “Vợ chồng son các vị; điên như cú ấy; thôi tôi mặc kệ anh chị với nhau!”
Musa, lão giúp việc già, cũng giữ miệng. Lão luôn giữ mình ở hậu trường cuộc sống của gia đình tôi, luôn như vậy, trừ có hai lần... một lần khi lão bỏ đi; một lần khi lão quay về để hủy hoại cả thế giới một cách tình cờ.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]