Chương trước
Chương sau
Không! - Nhưng tôi phải. Tôi không muốn kể! Nhưng tôi đã thề sẽ kể hết. Không, tôi rút lại, chuyện này thì không, chắc chắn là có những chuyện không kể thì tốt hơn...? Vớ vẩn, cái gì không chữa được thì phải chịu! Nhưng chắc là không phải chuyện những bức tường thì thầm, và phản bội, và xoẹt xoẹt, và những người đàn bà ngực bầm chứ? Đặc biệt là những chuyện đó.

Nhưng sao tôi có thể, nhìn tôi đi, tôi đang giằng xé, không thể nhất trí với bản thân. Độc thoại, lý luận như một thằng điên, suy sụp, ký ức tiêu vong. Phải, ký ức lao xuống vực thẳm và bị bóng tối nuốt chửng, chỉ còn lại những mảnh vụn, chẳng đâu vào đâu nữa cả!

Nhưng tôi không được tự cho mình quyền phán xét, mà phải cứ thế tiếp tục (sau khi đã bắt đầu) đến hết. Có-nghĩa-hay-vô-nghĩa không còn (có lẽ chưa bao giờ) thuộc quyền đánh giá của tôi. Nhưng nỗi kinh hoàng của điều đó, tôi không thể không muốn không được không đành không chịu không!

Thôi ngay, bắt đầu đi. - Không! - Có.

Thôi thì, về giấc mơ? Tôi có thể kể nó như một giấc mơ. Phải, có lẽ như một ác mộng: xanh và đen và tóc mụ Góa phụ và bàn tay siết lại và lũ trẻ ú ớ và những trái bóng nhỏ và từng-đứa-một và xé-làm-đôi và những trái bóng bay lên bay lên xanh và đen tay mụ xanh móng tay mụ đen thật đen. - Không mơ mộng gì cả. Giờ không phải nơi phải lúc. Sự thật, nhớ sao kể vậy. Cố gắng hết khả nảng.

Đúng như thực tế: Bắt đầu đi.

Không có lựa chọn hả? Không, đã bao giờ có đâu? Mệnh lệnh thì có, những hệ quả logic, những sự tất yếu, những sự tái diễn thì có. Những điều-họ-gây-ra-cho-ta, những tai biến, những cưỡng-bách-của-số-phận thì có. Nhưng đã bao giờ có lựa chọn? Có cái để cân nhắc? Có quyền tự do quyết định, trở thành cái này hay cái kia hay cái khác? Không có đâu, bắt đầu đi.

Vâng. Nghe đây:

Những đêm ngày tuần tháng bất tận vắng bóng mặt trời, hay đúng hơn (bởi vì chính xác là quan trọng) dưới bóng một mặt trời lạnh giá như đĩa ngâm trong lòng suối, phủ lên chúng tôi một thứ ánh sáng nửa đêm điên loạn[1]; tôi đang nói tới mùa đông 1975-76. Cùng với mùa đông, là bóng tối, và bệnh lao.

[1] Nguyên văn: lunatic, có nghĩa là điên loạn, nhưng cũng có thể hiểu là thuộc về mặt trăng.

Có lần, trong căn phòng xanh dương nhìn ra biển, dưới ngón tay đang chỉ của một ngư phủ, tôi đã chiến đấu chống bệnh thương hàn, và được nọc rắn cứu mạng. Giờ đây, bị mắc vào mạng nhện hoàng tộc của sự tái diễn do tôi đã nhận nó làm con trai.

Aadam Sinai của chúng tôi cũng phải chiến đấu suốt những tháng đầu đời với đàn rắn vô hình của một căn bệnh. Bầy độc xà của lao phổi quấn quanh cổ thằng bé và làm nó thở rất khó nhọc... Nhưng nó là đứa trẻ của tai và sự lặng lẽ, khi nó khục khặc, không một âm thanh. Khi nó hổn hển, không tiếng khò khử nào phát ra từ cổ họng. Tóm lại, con trai tôi ngã bệnh, và mặc dù mẹ nó, Parvati tức Laylah, bổ đi tìm những thảo dược thần kỳ bí truyền của em, mặc dù chúng tôi sắc thuốc và cho nó uống liên tục, bầy sâu quỷ hồn của bệnh lao nhất định không bị xua đi.

Tôi đã nghi ngờ, ngay từ đầu, có một ẩn dụ đen tối ở căn bệnh này. Tôi tin rằng, trong những tháng nửa đêm ấy, khi thời kỳ của mối-liên-hệ-với-lịch-sử của tôi giao thoa với của nó, tình trạng khẩn cấp của riêng cha con tôi, không phải không liên quan đến căn bệnh lớn hơn, của thế giới vĩ mô, làm mặt trời cũng xanh xao, ốm yếu như con trai chúng tôi.

Parvati-hồi-đó (cũng như Padma-bây-giờ) bác bỏ những phán đoán trừu tượng này. Quy kết tôi là hoàn toàn điên rồ khi ngày càng bị ám ảnh với ánh sáng, đến nỗi bắt đầu đốt những đĩa đèn dia nhỏ trong túp lều bệnh tật của con tôi, thắp sáng căn lều bằng ánh nến khi đang chính ngọ...

Nhưng tôi vẫn tin rằng chẩn đoán của mình là chính xác.

“Anh bảo thật,” tối quả quyết, “chừng nào Tình trạng Khẩn cấp chưa kết thúc, nó sẽ không bao giờ khỏe lại.”

Quẫn trí vì bất lực trong việc chữa bệnh cho đứa trẻ lầm lì không bao giờ khóc ấy, Parvati-Laylah nhất định không tin giả thiết bi quan này của tôi, nhưng em lại dễ lung lạc trước mọi ý tưởng kỳ cục khác. Khi một trong mấy bà già trong trại bảo em – điều Resham Bibi chắc cũng sẽ làm – rằng bệnh sẽ không lui chừng nào thằng bé còn câm, Parvati hình như cũng thấy hợp lý.

“Bệnh tật là nỗi đau về thể xác,” em lên lớp tôi, “nó phải được rũ bỏ bằng cách khóc than.”

Đêm đó, em trở về lều, mang theo một nắm bột màu xanh, gói trong giấy báo và buộc một sợi dây hồng nhạt, rồi bảo tôi rằng đây là một phương thuốc công hiệu đến mức đá cũng phải hét lên. Khi uống thuốc vào, má thằng bé bắt đầu phồng lên, như thể mồm nó đầy thức ăn, những âm thanh bị đè nén bấy lâu của thời thơ ấu trào lên sau môi nó, và nó ngậm chặt miệng trong một niềm phẫn nộ. Tôi thấy rõ là đứa bé gần như bị nghẹn khi cố nuốt ngược trở vào dòng thác nôn mửa của những âm thanh bị dồn nén mà thứ bột xanh đã khuấy lên. Và đây là lúc hai chúng tôi nhận ra, mình đang đối diện với một trong những ý chí bất khuất nhất thế gian.

Sau một giờ đồng hồ con trai tôi hết ngả sang màu nghệ đến nghệ-và-xanh, và cuối cùng là màu cỏ, tôi không thể chịu đựng thêm nữa liền gầm lên, “Đồ đàn bà, nếu thằng bé đã muốn im lặng đến thế, ta không thể vì vậy mà hại chết nó!”

Tôi bồng Aadam lên để ru nó, và cảm thấy thân hình bé nhỏ ấy cứng đờ ra, đầu gối khuỷu tay cổ nó đầy ứ cơn lũ bị kìm nén của những âm thanh không được diễn đạt thành lời, và cuối cùng Parvati phải mủi lòng liền chuẩn bị thuốc giải bằng cách nghiền củ hoàng tinh và cam cúc trong bát nhôm, đồng thời khe khẽ lầm rầm những lời nguyền kỳ quái.

Sau lần đó, không một ai cố ép Aadam Sinai làm bất cứ điều gì nó không muốn nữa. Chúng tôi nhìn nó chiến đấu chống lại bệnh lao vì cố tự trấn an mình bằng suy nghĩ rằng một ý chí sắt đá dường ấy thì sẽ quyết không chịu thua bất kỳ căn bệnh tầm thường nào.

Trong những ngày sau cùng ấy, nội tâm của Laylah hay Parvati vợ tôi còn bị lũ ngài của niềm tuyệt vọng gặm nhấm. Vì khi em đến bên tôi để tìm sự an ủi hoặc hơi ấm trong sự riêng tư của giấc ngủ ban đêm, tôi vẫn thấy diện mạo bị ăn mòn khủng khiếp của Jamila Ca sĩ chồng lên gương mặt em. Và mặc dù tôi đã thú nhận với em bí mật về hồn ma này, an ủi em rằng với tốc độ thối rữa hiện thời thì không bao lâu nữa nó sẽ hoàn toàn tiêu tan, em chỉ buồn thảm bảo tôi rằng ống nhổ và chiến tranh đã làm tôi nhũn não, và làm em tuyệt vọng bằng cuộc hôn nhân mà với hiện trạng này sẽ không bao giờ có đêm động phòng. Dần dà, dần dà trên môi em hiện ra cái bĩu bất tường của niềm đau khổ...

Nhưng tôi làm được gì? Tôi có gì để an ủi em? Tôi, Saleem Thò lò, kẻ đã rơi vào cảnh khốn cùng sau khi mất đi sự bảo trợ của gia đình, kẻ đã chọn (nếu đây được coi là lựa chọn) sinh nhai bằng tài năng khứu giác, kiếm vài paisa một ngày bằng cách đánh hơi xem người khác ăn gì tối qua và ai trong số họ đang yêu. Tôi biết vỗ vễ em bằng gì, khi bản thân tôi đã nằm trong nắm tay buốt giá của nửa đêm dằng dặc ấy, và đã ngửi thấy trong không khí mùi của cáo chung?

Mũi của Saleem (chắc quý vị chưa quên) có thể ngửi thấy nhiều thứ kỳ lạ hơn là cứt ngựa. Hương của cảm xúc và ý tưởng, mùi của sự-vật-như-thế-nào, tất cả đã và đang được tôi đánh hơi một cách dễ dàng. Khi Hiến pháp được sửa đổi nhằm dành cho Thủ tướng quyền lực gần-như-tuyệt-đối, tôi ngửi thấy hồn ma của các đế quốc cổ đại trong không khí...

Ở một thành phố lúc nhúc bóng ma của các Vua Nô lệ, các Mughal, của bạo chúa Aurangzeb và của những kẻ chinh phục cuối cùng, da hồng, tôi một lần nữa hít vào mùi gay gắt của tư tưởng độc tài. Nó có mùi giống giẻ rách dính dầu đang cháy.

Nhưng ngay cả những người kém về khứu giác cũng có thể nhận ra rằng, mùa đông 1975-76, có gì đó bốc mùi thối rữa ở thủ đô. Điều làm tôi lo sợ là một mùi hôi khác, riêng tư hơn. Hơi hướm của một nguy hiểm cá nhân, mà trong đấy tôi nhận ra bóng dáng một cặp đầu gối phản phúc, báo thù...Dự cảm đầu tiên của tôi rằng một mâu thuẫn xa xưa, bắt đầu từ khi một cô gái đồng trinh điên tình đánh tráo thẻ tên, sắp sửa kết thúc trong một cơn hoảng loạn của phản bội và cắt xoẹt.

Đáng lẽ, khi một cảnh báo như vậy nhói lên trong mũi, tôi nên bỏ chạy, được cái mũi phím trước, tôi đã có thể đào tẩu. Nhưng thực tế lại đặt ra một số trở ngại: tôi sẽ đi đâu? Rồi, vợ bìu con ríu, làm sao tôi đi nhanh được? Và chớ nên quên rằng tôi đã từng bỏ chạy một lần, và thử xem tôi lạc đến đâu: Sundarbans, cánh rừng của hồn ma và báo ứng, nơi tôi đã thoát nạn chỉ trong gang tấc!... Dầu gì đi nữa, tôi đã không chạy.

Chạy hay không có lẽ cũng thế thôi. Shiva - không khoan dung, phản phúc, kẻ thù của tôi từ khi ra đời - cuối cùng cũng sẽ tìm ra tôi. Bởi mặc dù cái mũi có công dụng vô song là đánh-hơi-ra-mọi-thứ, đến khi lâm trận không ai phủ nhận được ưu thế của một cặp đầu gối có thể siết chặt và bóp nghẹt.

Tôi sẽ cho phép mình đưa ra một nhận xét cuối cùng, tự mâu thuẫn về vấn đề này. Nếu như tôi vẫn hằng tin, ngôi nhà của những phụ nữ khóc than là nơi tôi biết được đáp án cho câu hỏi về mục đích đã dằn vặt tôi suốt đời, thì nếu tự cứu mình thoát khỏi cung điện của diệt vong ấy, tôi cũng sẽ tự tước bỏ cơ hội thực hiện khám phá quý báu bậc nhất này. Nói một cách hơi triết lý: trong cái rủi có cái may.

Saleem-và-Shiva, mũi-và-đầu-gối...chúng tôi chỉ có ba điểm chung: thời khắc (và hệ quả của việc) chúng tôi ra đời, tội phản bội, và đứa con trai. Aadam, hợp thể của chúng tôi, lầm lì, không cười, có đôi tai nghe khắp mười phương. Aadam Sinai, trên nhiều khía cạnh, chính là bản thể đối lập của Saleem. Tôi, buổi ban đầu, lớn lên với tốc độ chóng mặt. Aadam, vật lộn với đàn rắn của bệnh tật, hầu như chẳng lớn được chút nào. Saleem ngay từ đầu đã nở nụ cười cầu tài. Aadam tự trọng hơn, giữ nụ cười lại cho chính mình.

Trong khi Saleem khuất phục ý chí của mình dưới ách đồng thống trị của gia đình và vận mệnh, Aadam chiến đấu dũng mãnh, kiên quyết không lùi bước, kể cả trước ách áp bức của thứ bột xanh. Và trong khi Saleem quyết tâm tiếp nhận cả vũ trụ đến nỗi, có một thời kỳ, nó không thế chớp mất, Aadam lại muốn nhắm chặt mắt lại... mặc dù, thi thoảng, khi nó hạ cố mở mắt ra, tôi mới thấy màu của chúng, màu xanh. Xanh-như-băng, sắc xanh của sự tái diễn, sắc xanh định mệnh của bầu trời Kashmir... nhưng không cần diễn giải thêm nữa.

Chúng tôi, những đứa trẻ của Độc lập, điên cuồng và quá vội vã lao đến tương lai. Nó, sinh giữa thời Khẩn cấp, đã và sẽ thận trọng hơn, kiên nhẫn đợi thời. Nhưng khi nó hành động, sẽ không ai cưỡng lại được. Ngay bây giờ, nó đã khỏe hơn, cứng rắn hơn và cương quyết hơn tôi, khi ngủ, cầu mắt nó bất động dưới mí mắt. Aadam Sinai, đứa con của đầu-gối-và-mũi, không (theo như tôi biết) đầu hàng trước những giấc mơ.

Bao nhiêu chuyện đã lọt vào đôi tai phấp phới, có những lúc như thể rực lên vì sức nóng của thông tin chúng thu nhận được ấy? Nếu nói được, liệu nó có cảnh báo tôi về sự phản bội và xe ủi đất? Ở một đất nước bị vô vàn âm thanh và mùi vị đồng ngự trị, chúng tôi đã có thể là cặp đôi hoàn hảo; nhưng con tôi từ chối nói chuyện, còn tôi không tuân theo mệnh lệnh của mũi mình.

“Arre baap,” Padma kêu lên, “Thì ông cứ kể xem có chuyện gì xảy ra nào! Con nít không nói chuyện thì có gì lạ đâu?”

Và một lần nữa sự giằng xé trong tôi: Tôi không thể. - Cậu phải. - Vâng.

Tháng Tư năm 1976 đến, và tôi vẫn sống ở khu trại, hay ghetto của giới ảo thuật. Con trai tôi, Aadam vẫn mắc chứng lao mạn tính dường như không phản ứng trước bất kỳ hình thức điều trị nào. Đầu tôi đầy rẫy những dự cảm không lành (và ý nghĩ chạy trốn),nhưng nếu có một người là lý do tôi ở lại ghetto, thì người đó là Picture Singh.

Padma, Saleem quyết định cùng chung số phận với các ảo thuật gia Delhi một phần vì cảm thấy gã thuộc về nơi này. Một niềm tin tự hành xác về sự chính đáng của việc gã trở nên nghèo khó một cách muộn màng (tôi mang theo, từ nhà cậu tôi, đúng hai tấm sơ mi, trắng, hai cái quần, cũng trắng, một áo phông, in hình đàn guitar màu hồng, và giày, một đôi, đen) Tôi đến đây, một phần, bởi lòng trung thành, bị ràng buộc bởi những nút thắt của lòng biết ơn người giải cứu tôi, Parvati-phù-thủy. Nhưng, tôi ở lại, trong khi, là một thanh niên có học vấn, ít ra tôi có thể làm thư ký ngân hàng hay thầy giáo trường đêm dạy đọc và viết.

Bởi vì, suốt đời mình, chủ ý hay vô thức, tôi luôn tìm kiếm những người cha.

Ahmed Sinai, Hanif Aziz, Sharp-sticker sahib, Đại tướng Zulfikar, tất cả đều buộc phải đóng thế vai trò của William Methwold. Picture Singh là người cuối cùng trong danh sách cao quý này.

Và có lẽ, trong sự khao khát song hành: tìm cha và cứu nước, tôi đã phóng đại Picture Singh (cũng như đã bóp méo anh lần nữa trên những trang viết này) thành một ảo-tượng-trong-mơ của trí tưởng tượng của tôi...

Thực tế là, mỗi khi tôi hỏi, “Chừng nào anh sẽ lãnh đạo chúng em, Pictureji - chừng nào ngày trọng đại ấy sẽ đến?”

Anh gượng gạo thoái thác, nói, “Cậu bỏ ý nghĩ ấy đi, đội trưởng, anh chỉ là một gã nghèo quê ở Rajasthan, và Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian; đừng bắt anh làm gì khác.”

Nhưng tôi, thúc giục anh, “Nhưng đã từng có tiền lệ - có Mian Abdullah, con Chim ngân nga...”

Nghe vậy Picture, “Đội trưởng, cậu có những ý nghĩ kỳ khôi thật.”

Những tháng đầu ban hành Tình trạng Khẩn cấp, Picture Singh tiếp tục chìm trong một sự im lặng u ám gợi nhớ (một lần nữa) đến sự Vô thanh vĩ đại của Mẹ Bề trên (điều cũng đã rỉ sang con trai tôi...),chẳng buồn diễn thuyết cho khán giả trên đường to phố nhỏ của cả thành phố Cũ lẫn Mới, như trước đây anh nhất quyết làm bằng được.

Nhưng mặc dù anh nói, “Đây là lúc cần im lặng, đội trưởng,” tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó, một buổi bình minh của thiên niên kỷ khi nửa đêm kết thúc, dẫn đầu một jooloo hay đoàn diễu hành khổng lồ của những người cùng khổ, và có lẽ vẫn thổi sáo và quấn rắn độc quanh người, chính Picture Singh sẽ dẫn dắt chúng tôi tới con đường sáng…

Nhưng có lẽ anh luôn chỉ là một người dụ rắn không hơn, tôi không phủ nhận khả năng ấy. Tôi chỉ nói rằng, với tôi, người cha cuối cùng này, cao gầy râu rậm, tóc buộc thành một búi sau gáy, dường như chính là hóa thân của Mian Abdullah.

Nhưng có lẽ tất cả chỉ là ảo tưởng, hình thành từ nỗ lực gắn anh với mạch truyện lịch sử của tôi hoàn toàn bằng sức mạnh của ý chí. Ảo tưởng đeo đuổi tôi suốt đời, đừng tưởng tôi không biết điều này. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta là một thời điểm vượt ra ngoài mọi ảo tưởng. Chẳng còn lựa chọn nào khác, rốt cuộc tôi sẽ phải ghi lại, trên giấy trắng mực đen, đoạn cao trào mà tôi đã né tránh cả tối nay.

Những mảnh ký ức: đấy không phải là cách viết xứng đáng với đoạn cao trào. Cao trào phải trào dâng tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, nhưng trong tay tôi chỉ còn những mẩu vụn, buộc tôi phải cà nhắc dẫn đến bi kịch của mình như một con rối đứt dây. Việc này nằm ngoài kế hoạch của tôi, nhưng có lẽ câu chuyện ta kết thúc không bao giờ là câu chuyện ta bắt đầu.

(Có lần, trong một căn phòng màu xanh, Ahmed Sinai đã ứng tác ra đoạn kết cho những câu chuyện cổ tích mà cái kết nguyên bản ông đã quên mất từ lâu; con Khỉ Đồng và tôi, qua năm tháng, được nghe đủ loại phiên bản về những cuộc hải hành của Sinbad, những chuyến phiêu lưu của Hatim Tai... nếu tôi lại bắt đầu, liệu tôi, cũng như ông, có kết thúc ở một chỗ khác?)

Vậy thì: tôi phải tự bằng lòng với những mẩu vụn, như hàng thế kỷ trước tôi đã viết, bí quyết là lấp đầy những chỗ trống, dựa trên vài manh mối có sẵn. Hầu hết những điều trọng đại trong đời ta đều xảy ra vắng mặt ta, tôi đành bám vào ký ức về một cặp hồ sơ có ba chữ cái đầu tiết-lộ-bí-mật, mà tôi chỉ thoáng thấy một lần.

Và vào những mảnh vụn quá khứ còn sót lại, vạ vật trong các ngăn ký ức bị sục sạo của tôi như những chai thủy tinh vỡ trên bãi biển... Giống như những vụn ký ức, những mảnh báo vẫn lăn lóc khắp khu trại của giới ảo thuật trong làn gió nửa đêm lặng lẽ.

Những mảnh báo gió bay tìm tới lều của tôi để báo tin rằng cậu tôi, Mustapha Aziz, đã là nạn nhân của một nhóm sát thủ giấu mặt; tôi không buồn rơi nước mắt. Nhưng còn những mẩu thông tin khác; và từ đây, tôi phải dựng nên hiện thực.

Trên một mảnh báo (có mùi củ cải) tôi đọc thấy tin Thủ tướng Ấn Độ không đi đâu mà không có nhà chiêm tinh riêng của bà. Từ mảnh giấy ấy, tôi không chỉ phát hiện ra mùi củ cải, một cách bí hiểm, mũi tôi nhận thấy, một lần nữa, mùi của hiểm nguy cá nhân. Điều tôi buộc phải suy ra từ mùi hương cảnh báo này: thầy bói từng tiên tri về tôi, phải chăng cuối cùng chính thầy bói sẽ hủy hoại tôi? Phải chăng một mụ Góa phụ, bị ám ảnh về tinh tú, đã được giới chiêm tinh mách bảo về tiềm năng bí ẩn của bất kỳ đứa trẻ nào ra đời vào nửa đêm nhiều năm trước? Và phải chăng đây là lý do khiến một Công chức, chuyên gia về phả hệ, được yêu cầu truy tìm... lý do khiến ông ta nhìn tôi với ánh mắt khác lạ vào buổi sáng?

Đấy, quý vị thấy chưa, các mảnh vụn đã bắt đầu khớp với nhau!

Padma, chuyện đã rõ ràng chưa? Indira là Ấn Độ và Ẩn Độ là Indira... nhưng có lẽ nào bà ta chưa đọc bức thư của chính cha mình gửi cho một đứa trẻ nửa đêm, trong đó vị thế trung tâm được nâng tầm thành khẩu hiệu của bà ta bị phủ nhận; trong đó vai trò tấm-gương-của-đất-nước được gửi gắm lên tôi? Quý vị thấy chưa? Thấy chưa?...

Còn nữa, còn những cứ chứng rõ ràng hơn: một mẩu báo khác của tờ Thời báo Ẩn Độ, trong đó hãng thông tấn của mụ Góa phụ trích dẫn mụ ta khẳng định “quyết tâm chiến đấu với âm mưu chống đối ăn sâu lan rộng và ngày càng lớn mạnh”. Xin thưa: mụ ta không nói về Janata Morcha! Không, bên cạnh nửa trắng, Tình trạng Khẩn cấp còn có nửa đen, và đây là bí mật đã bị che giấu quá lâu dưới lớp mặt nạ của những ngày nghẹt thở ấy: động cơ thực thụ nhất, sâu xa nhất ẩn đằng sau việc ban bố Tình trạng Khẩn cấp là gieo tang loạn đến mức đập tan, nghiền nát, bất khả vãn hồi lên đầu lũ trẻ nửa đêm.

(Những chủ nhân của một Hội nghị đã, tất nhiên, giải thể nhiều năm trước; nhưng riêng khả năng tái hợp của chúng tôi cũng đủ để gây ra báo động đỏ.)

Các nhà chiêm tinh - tôi tin chắc là vậy - là người đưa ra cảnh báo; trong một cặp tài liệu màu đen dán nhãn M.C.C., những cái tên được thu thập từ những hồ sơ hiện tồn; nhưng không chỉ có vậy. Có cả những sự phản bội và những lời thú tội, có đầu gối và mũi - mũi, và cả đầu gối.

Những mẩu, những mảnh, những vụn: có vẻ như, ngay trước khi tỉnh dậy, với mùi nguy hiểm trong cánh mũi, tôi đã mơ thấy mình đang ngủ. Tôi tỉnh dậy, trong giấc mơ lạnh gáy bậc nhất ấy, và thấy một người lạ trong lều: một gã bộ dạng thi sĩ có mái tóc suôn dài trùm kín tai (nhưng rất thưa ở đỉnh).

Phải: trong giấc ngủ cuối cùng trước sự-kiện-tôi-sắp-phải-miêu-tả, cái bóng của Nadir Khan đến thăm tôi, nhìn cái ống nhổ bạc khảm thanh kim thạch với vẻ khó hiểu, và hỏi hết sức kỳ quái.

“Cậu ăn cắp cái này đúng không? - Bởi vì nếu không, tức là cậu - có nhẽ đâu thế? - là con của Mumtaz?”

Và khi tôi thừa nhận, “Đúng, không phải ai khác, chính là tôi đây...”

Bóng-ma-trong-mơ của Nadir-Qasim liền đưa ra một lời cảnh báo: “Trốn đi. Gấp lắm rồi. Trốn mau khi còn kịp.”

Nadir, người trốn dưới thảm ở nhà ông tôi, đến khuyên tôi làm điều tương tự. Nhưng đã quá muộn, quá muộn rồi, bởi giờ tôi đã tỉnh hẳn, và ngửi thấy mùi hiểm nguy như kèn trumpet om sòm trong mũi...

Sợ mà không biết vì sao, tôi nhổm dậy, và do tôi tưởng tượng ra hay quả thật Aadam Sinai đã mở to đôi mắt xanh mà nhìn vào mắt tôi đầy nghiêm trọng? Phải chăng mắt con tôi cũng ngập tràn lo lắng? Phải chăng đôi tai phấp phới cũng nghe thấy thứ cái mũi đã đánh hơi ra? Phải chảng cha và con đã có một sự giao tiếp không lời, vào thời điểm trước khi tất cả bắt đầu?

Tôi đành phải để những câu hỏi ấy lơ lửng, không lời đáp. Nhưng điều chắc chắn là vợ tôi Parvati, tức Laylah Sinai, cũng thức giấc mà hỏi.

“Gì thế, mình? Anh bồn chồn gì thế?”

Và tôi, dù không thật sự hiểu vì sao: “Trốn đi, ở đây và đừng ra ngoài.”

Rồi tôi bước ra ngoài.

Lúc ấy có lẽ là buổi sáng, cho dù cái u ám của nửa đêm bất tận như sương mù bao trùm khắp ghetto. Trong ánh sáng âm u của thời kỳ Khẩn cấp, tôi thấy lũ nhóc đang chơi ném tháp, và Picture Singh, ô xếp lại cặp dưới nách trái, đang đi tiểu vào tường Thánh đường Thứ Sáu. Một nhà ảo thuật hói đầu đang tập cắm dao xuyên cổ thằng bé học việc lên mười, và một ảo thuật gia khác đã tìm thấy khán giả, và đang phù phép cho những trái bóng len to rơi ra từ nách người xem. Trong khi ở một góc khác của ghetto, Chand Sahib người nhạc công đang luyện trumpet, đặt búp kèn cũ kỹ của chiếc trumpet móp méo vào cổ và chơi bằng cách vận động các cơ cổ họng... còn kia, kia là ba chị em uốn dẻo, đầu đội surahi đựng nước, đang trở về lều từ vòi nước độc nhất của khu trại...

Tóm lại, tất cả đều có vẻ bình thường. Tôi mắng thầm mình vì những giấc mơ và báo động của khứu giác; nhưng rồi nó bắt đầu.

Xe hòm và xe ủi tiến trước, rầm rập trên trục đường chính, chúng dừng lại đối diện ghetto của giới ảo thuật. Tiếng loa oang oang: “Chương trình làm đẹp đô thị... chiến dịch đã được chuẩn y của Trung ương đoàn Thanh niên Sanjay... chuẩn bị sơ tán ngay lập tức đến địa điểm mới... khu ổ chuột này là vết nhơ trên bộ mặt thành phố, không thể được dung dưỡng lâu hơn nữa... tất cả phải tuyệt đối phục tùng.”

Và trong khi loa gọi om sòm, nhiều người từ xe hòm bước xuống: một mái lều sáng màu vội vã được dựng lên, có giường dã chiến và dụng cụ phẫu thuật... Và lúc này từ trên xe trào xuống một dòng những nữ tú xuất thân quyền quý và du học nước ngoài ăn mặc sang trọng. Và rồi một dòng sông thứ hai các nam thanh ăn mặc cũng bảnh chọe không kém: các tình nguyện viên, tình nguyện viên của Đoàn thanh niên Sanjay, đóng góp chút sức mọn cho xã hội...

Nhưng tôi chợt nhận ra: không, không phải tình nguyện viên, bởi vì tất cả đám thanh niên đều có mái tóc lượn sóng và đôi môi âm-thần-đàn-bà, còn phụ nữ cũng giống hệt nhau, đường nét trên mặt họ hoàn toàn trùng khớp với Menaka vợ của Sanjay, người được những mẩu báo miêu tả là một “mỹ nhân mảnh mai”, và từng làm người mẫu váy ngủ cho một công ty đệm...

Trong cảnh hỗn loạn của chương trình giải tỏa khu ổ chuột, một lần nữa tôi lại được chứng kiến vương triều đang cai trị Ấn Độ đã học được cách tự sao chép bản thân. Nhưng khi ấy làm gì có thời gian để nghĩ, đội quân vô số môi-âm-thần và mỹ-nhân-mảnh-mai đang tóm lấy các ảo thuậc gia và ăn mày già, mọi người bị lôi xềnh xệch đến chỗ xe hòm, và giờ một tin đồn lan khắp khu trại của giới ảo thuật.

“Bọn chúng đang thực hiện nasbandi - đang tiến hành triệt sản!”

Một tiếng kêu thứ hai: “Hãy cứu lấy đàn bà và trẻ con!”

Và một cuộc bạo động nổ ra, lũ trẻ vừa chơi ném tháp chuyển sang ném đá vào những kẻ xâm lăng thanh lịch, và đây là Picture Singh tập hợp các nhà ảo thuật về phía mình, múa tít cây dù thịnh nộ, từng là vật tạo lập hòa bình nhưng nay đã biến thành vũ khí, một ngọn thương đông ki sốt xập xòe, và các ảo thuật gia đã thành một phòng tuyến, bom xăng được hô biến hiện ra và ném đi, gạch được rút ra từ túi các thuật sĩ, không khí đặc quánh lại với tiếng gào thét và phi đạn và đội quân môi-âm-thần và mỹ-nhân-mảnh-mai buộc phải rút lui trước cơn thịnh nộ khốc liệt của các huyễn giả; còn kia là Picture Singh, dẫn đầu đợt xung phong về túp lều cắt ống dẫn tinh...

Parvati tức Laylah, không nghe lời tôi, lúc này đang bên cạnh tôi nói, “Lạy Chúa, họ làm cái gì...”; và đúng lúc này một đợt công kích mới, dữ dội hơn được phát động về phía khu ổ chuột: quân đội được điều động đến đàn áp ảo thuật gia, đàn bà và trẻ con.

Một lần, ảo thuật gia nghệ nhân múa rối thần bài và thuật sĩ thôi miên đã kiêu hãnh diễu hành cùng đoàn quân chinh phục. Nhưng giờ đây tất cả đã bị lãng quên, và những khẩu súng Nga được chĩa vào cư dân của ghetto. Cơ hội nào cho các phù thủy Cộng sản trước họng súng xã hội chủ nghĩa? Bọn họ, chúng tôi, đang bỏ chạy, tứ tung, Parvati và tôi lạc nhau khi bọn lính xung phong, tôi mất dấu Picture Singh, báng súng giáng xuống liên hồi, tôi thấy một trong ba chị em uốn dẻo ngã gục dưới cơn cuồng bạo của súng, mọi người bị túm tóc lôi về những cỗ xe hòm đang ngoác miệng chờ đợi.

Và tôi cũng bỏ chạy, nhưng quá muộn, vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn, vấp vào chai Dalda thùng rỗng và bao tải bị các ảo thuật gia kinh hoàng vứt lại, và khi ngoái đầu lại giữa đêm tối Khẩn cấp mịt mù tôi bỗng thấy tất cả những thứ này chỉ là một màn khói hỏa mù, một chuyện bên lề, bởi vì đang vùn vụt lao đến, xuyên qua cảnh hỗn loạn của cuộc bạo động, là một nhân vật thần thoại, hóa thân của vận mệnh và hủy diệt: Thiếu tá Shiva gia nhập vòng chiến, và hắn chỉ lùng tìm tôi. Sau lưng, khi tôi bỏ chạy, đôi đầu gối báo hiệu diệt vong của tôi đang đuổi đến.

Trong óc tôi lóe lên hình ảnh về một túp lều: con trai tôi! Và, không chỉ con trai tôi: một cái ống nhổ bạc, khảm thanh kim thạch! Đâu đó trong cơn hỗn loạn của ghetto, một đứa bẻ đã bị bỏ lại một mình...Đâu đó một tấm bùa hộ mệnh, được giữ gìn cẩn thận bấy lâu đã bị bỏ quên. Thánh đường Thứ sáu bàng quan nhìn tôi chạy hụp rẽ ngoặt giữa những căn lều nghiêng ngả, đôi chân tôi đưa tôi đến chỗ đứa con tai phấp phới và chiếc ống nhổ... nhưng tôi có cơ hội nào trước cặp đầu gối ấy?

Cặp đầu gối của người hùng thời chiến đã đuổi tới gần rất gần, đôi khớp gối của vị thần báo ứng đang sầm sập về phía tôi, và hắn nhảy vọt đến, đôi chân người hùng thời chiến bay vút qua không trung, như hàm răng nghiến quanh cổ tôi, vắt hơi thở khỏi họng tôi, tôi đổ xuống quằn quại nhưng đôi đầu gối vẫn siết chặt.

Và giờ một giọng nói, giọng nói của sự bội bạc phản phúc thù hận! - vang lên, khi đầu gối đè lên ngực tôi và ghim chặt tôi xuống nền đất của khu ổ chuột: “Chà, công tử bột: ta lại gặp nhau rồi. Salaam.”

Tôi khò khè, Shiva mỉm cười.

Ôi hàng khuy bóng nhoáng trên quân phục kẻ phản bội! Lấp lánh nhấp nhánh như bạc...Tại sao hắn làm vậy? Tại sao hắn, kẻ từng cầm đầu đám du côn vô chính phủ ở khu ổ chuột Bombay, lại biến thành chiến tướng của bạo quyền? Tại sao đứa trẻ của nửa đêm lại phản bội những đứa trẻ nửa đêm khác, và ném tôi vào tay định mệnh? Vì thích bạo lực, vì ánh lấp lánh chính danh của hàng khuy trên quân phục? Vì nỗi ác cảm xa xưa đối với tôi? Hay - tôi thấy điều này hợp lý hơn cả - để đổi lấy việc được miễn xá mọi hình phạt mà tất cả chúng tôi phải chịu...

Phải, hẳn thế rồi! Ôi người hùng thời chiến bị tước đoạt mọi quyền vị lúc chào đời! Ôi địch thủ bị tha hóa vì một bát cháo đậu[2]... Nhưng không, tôi không được dông dài nữa, và phải kể câu chuyện càng đơn giản càng tốt: khi quân lính lùng sục bắt bớ lôi kéo các nhà ảo thuật ra khỏi ghetto, Thiếu tá Shiva chỉ tập trung vào tôi. Tôi cũng bị thô bạo lôi về phía một chiếc xe hòm; trong khi xe ủi đất tiến vào khu ổ chuột, một cánh cửa đóng sập lại...

Trong bóng tối tôi gào lên, “Còn con tôi! - Còn Parvati, em đâu rồi, Laylah của tôi? – Picture Singh! Cứu em, Pictureji!” - Nhưng xe ủi đã lăn bánh, và chẳng ai nghe thấy tôi gào thét.

[2] Theo Thánh kinh của người Do Thái, Esau và Jacob là con của Isaac. Một lần vì quá đói, Esau đã bán quyền trưởng nam cho Jacob để đổi lấy một bát cháo đậu.

Parvati-phù-thủy, sau khi cưới tôi, đã trở thành nạn nhân của lời nguyền chết thảm, hằng đeo đuổi tất cả người thân của tôi... Tôi không rõ Shiva, sau khi nhốt tôi lên chiếc xe hòm tối tăm bít bùng, có đi tìm em không, hay hắn bỏ mặc em cho xe ủi đất? Bởi lúc này, những cỗ máy hủy diệt như cá gặp nước, và những túp lều tồi tàn bé nhỏ của khu dân cư xập xệ đang điên cuồng chui tọt trôi tuột vào dưới bước tiến vũ bão của những sinh vật bất khả kháng cự ấy. Chòi lán gãy rắc như cành khô, hộp các tông của nghệ nhân múa rối và giỏ thần kỳ của ảo thuật gia bị nghiền nát thành một mớ hổ lốn.

Thành phố đang được làm đẹp, và nếu dăm người chết, nếu một cô gái với cặp mắt to tròn và đôi môi bĩu ra vì đau khổ có ngã dưới bánh xe của những cỗ cự xa, hà, thì đã sao, một vết nhơ đang được xóa bỏ khỏi bộ mặt của thủ đô ngàn năm văn hiến... Và có tin đồn rằng, trong cơn giẫy chết của ghetto của giới ảo thuật, một người khổng lồ râu rậm, người quấn đầy rắn (nhưng điểm này có thể là phóng đại) lao - HẾT TỐC LỰC - giữa đống đổ nát, chạy điên cuồng trước mũi những cỗ xe ủi đất, tay nắm chặt cán một cái ô đã tơi tả đến nỗi không thể sửa chữa, tìm kiếm và tìm kiếm, như thể tính mạng mình phụ thuộc vào điều đó.

Tới cuối ngày hôm đó, cả khu ổ chuột chen chúc dưới bóng Thánh đường Thứ Sáu đã biến mất khỏi mặt đất. Nhưng không phải tất cả các nhà ảo thuật đều bị bắt, không phải ai cũng bị lùa lên xe chở đến khu trại rào thép gai tên là Khichripur, trại thập cẩm, ở bờ bên kia Sông Jamuna. Chúng không bao giờ tóm được Picture Singh, và người ta kể rằng một ngày sau khi ghetto của giới ảo thuật bị san bằng, một khu ổ chuột mới nghe nói đã mọc lên ở trung tâm thành phố, ngay sát nhà ga xe lửa của Delhi Mới. Xe ủi được điều động đến hiện trường, nhưng chẳng thấy gì

Từ đấy trở đi, sự tồn tại của khu ổ chuột di động của các nhà ảo thuật lưu vong trở thành một sự thật người dân thủ đô ai cũng biết, nhưng đội quân phá nhà không bao giờ tìm thấy nó. Có tin báo nó ở Mehrauli; nhưng khi đội cắt ống dẫn tinh và quân lính kéo đến, họ thấy Qutb Minar chẳng hề bị lều lán của sự bần cùng xâm hại. Lũ chỉ điểm báo rằng nó đã xuất hiện trong khuôn viên của Jantar Mantar, đài chiêm tinh do Jai Singh xây dựng theo lệnh đại đế Mughal; nhưng những cỗ máy hủy diệt, khi đổ xô đến hiện trường, chỉ thấy vẹt và đồng hồ mặt trời.

Mãi đến khi Tình trạng Khẩn cấp kết thúc khu ổ chuột di động mới thôi di chuyển; nhưng chuyện đó phải để sau, bởi vì sau rất nhiều trì hoãn, đã tới lúc phải kể, và không được mất tự chủ, về thời gian tôi bị cắm tù tại Khách sạn Góa phụ ở Benares.

Resham Bibi từng rú lên, “Ai-o-ai-o!” Và bà đã đúng: tôi đã gieo họa hủy diệt cho ghetto của các ân nhân của tôi. Thiếu tá Shiva, nhất định là hành động theo chỉ thị trực tiếp của mụ Góa phụ, đã đến khu trại để bắt tôi. Trong khi con trai mụ Góa phụ bố trí chương trình làm đẹp đô thị và cắt ống dẫn tinh như một chiêu đánh lạc hướng đối phương.

Phải, dĩ nhiên tất cả đã được mưu đồ như thế, và (nếu tôi được phép nhận xét) hết sức hiệu quả. Điều chúng đạt được trong cuộc bạo loạn của giới ảo thuật: một kỳ tích đích thực khi âm thầm bắt được người duy nhất trên đời nắm giữ chìa khóa xác định vị trí của từng đứa trẻ của nửa đêm - bởi chẳng phải tôi đã, đêm này sang đêm khác, bắt sóng với từng người trong số chúng? Chẳng phải tôi đã, suốt bấy lâu, lưu giữ tên họ địa chỉ diện mạo của chúng trong đầu? Tôi sẽ trả lởi câu hỏi ấy: đúng vậy. Và tôi đã bị bắt.

Phải, dĩ nhiên tất cả đã được mưu đồ như thế. Parvati-phù-thủy đã kể hết cho tôi về kình địch của tôi; có thể nào em lại không đề cập đến tôi với hắn? Tôi cũng sẽ trả lời câu hỏi này: không thể nào. Nghĩa là người hùng của chúng ta biết nơi nào, ở thủ đô, kẻ mà chủ nhân của hắn thèm muốn nhất đang ẩn nấp (kể cả cậu Mustapha tôi cũng không biết tôi đi đâu sau khi rời nhà ông; nhưng Shiva biết!)

Và, một khi hắn đã phản bội, và, tôi đoán chắc, được hối lộ mọi thứ từ hứa hẹn được thăng cấp đến đảm bảo an toàn cá nhân, thật quá dễ dàng để hắn giao nộp tôi vào tay nữ chủ nhân của mình, tức Madam, mụ Góa phụ với mái tóc hai màu.

Shiva và Saleem, người chiến thắng và nạn nhân, hiểu được mối thù địch giữa chúng tôi thì quý vị sẽ hiểu được thời đại mà mình đang sống. (Nếu đảo ngược lại, tuyên bố này vẫn đúng.)

Ngày hôm ấy, ngoài tự do, tôi còn mất đi một thứ khác: xe ủi đã nuốt mất một cái ống nhổ bạc. Bị tước mất đồ vật cuối cùng gắn bó tôi với một quá khứ hữu hình hơn, dễ xác minh hơn về mặt lịch sử, tôi bị đem đến Benares để đối diện với kết cục của phần đời nội tâm, được nửa đêm ban tặng của mình.

Phải, đó là nơi điều ấy xảy ra. Ở cung điện của các góa phụ trên bờ sông Hằng, tại thành phố cổ xưa nhất thế giới còn tồn tại, thành phố đã già khi Buddha còn trẻ, Kasi Benares Varanasi, Thành phố của Ánh sáng Thiêng, quê hương của Cuốn sách Tiên tri, tử vi của mọi tử vi, trong đó mọi cuộc đời, quá khứ hiện tại tương lai, đều đã được ghi lại. Nữ thần Ganga chảy xuống Trái đất trong mái tóc Shiva...

Benares, đền thờ của Shiva-vị-thần, là nơi tôi được Shiva-người-hùng mang đến để đối diện định mệnh của mình. Tại xứ sở của tử vi, tôi tiến đến thời điểm từng được Ramram Seth tiên đoán trên gác thượng: “Lính tráng kết án nó... bạo chúa sẽ rán nó!”

Người thầy bói đã phán vậy, thực tế thì không có bản án chính thức nào cả, đầu gối Shiva kẹp quanh cổ tôi, vậy thôi. Nhưng tôi có ngửi thấy, vào một ngày đông, mùi thứ gì đó bị rán trên chảo sắt...

Xuôi theo dòng sông, qua Scindia-ghat nơi các vận động viên thể dục quấn vải trắng quanh hông tập chống đẩy bằng một tay, qua Manikarnika-ghat, nơi cử hành lễ tang, nơi ta có thể mua lửa thiêng từ những người giữ đuốc, qua xác chết trôi của chó và bò - những sinh linh bất hạnh không có ai mua lửa cho, qua những tu sĩ Bà la môn ngôi dưới ô rơm ở Dasashwamedh-ghat, vận đồ màu nghệ, đang phân phát những lời ban phước...Và giờ nó trở nên rõ ràng: một âm thanh kỳ quái, như tiếng chó tru từ xa vọng lại.. đi theo đi theo đi theo âm thanh ấy, và nó thành hình, và ta hiểu ra đó là một tiếng rên thảm thiết bất tận, phát ra từ những cửa sổ buông mành của một cung điện bên sông: Khách sạn Góa phụ!

Ngày xửa ngày xưa, nó là tư dinh của một maharajah, nhưng Ấn Độ ngày nay là một quốc gia hiện đại, và những chỗ như thế đều đã bị sung công. Ngày nay tòa cung điện là nhà của các vị vong nhân. Họ, hiểu rằng cuộc đời thật sự của mình đã kết thúc cùng cái chết của chồng, nhưng không được phép tìm sự giải thoát bằng sati[3] nữa, đã tìm đến thành phố linh thiêng này để sống nốt những ngày vô nghĩa trong niềm khóc than thống thiết. Cung điện góa phụ là nơi cư trú của một bộ lạc gồm toàn những người đàn bà có bộ ngực bầm tím vô phương cứu chữa, hệ quả của việc đấm ngực thùm thụp liên hồi, có mái tóc bị rứt tả tơi không thể phục hồi, và có giọng nói bị cắt vụn vì liên tục giãi bày đầy ai oán niềm tiếc thương của họ.

Đó là một tòa nhà đồ sộ, một mê cung của những căn phòng tí hin ở các tầng trên để nhường chỗ cho các đại sảnh khóc than ở tầng dưới; và phải, đây là nơi điều ấy xảy ra, mụ Góa phụ hút tôi vào trung tâm bí mật của đế chế khủng khiếp của mụ, tôi bị nhốt vào một căn phòng tầng trên nhỏ tí và ăn cơm tù do đám quả phụ mang đến.

Nhưng tôi còn có những vị khách khác: người hùng thời chiến mời hai đồng sự của hắn tới, nhằm mục đích đối thoại. Nói cách khác: tôi được khuyến khích trò chuyện. Bởi một bộ đôi cọc cạch, một béo, một gầy, được tôi đặt tên là Abbott-và-Costello[4] vì chưa một lần chúng làm tôi thấy buồn cười.

[3] Thủ tục của người Hindu theo đó người vợ góa sẽ tự thiêu chết theo chồng bằng cách gieo mình vào giàn thiêu xác chồng.

[4] William “Bud” Abbott và Lou Costello, bộ đôi diễn viên hài nổi tiếng ở Mỹ những năm 1940, 1950.

Ở đây tôi ghi nhận một khoảng trắng ân huệ trong ký ức. Không gì có thể khơi dậy trong tôi ký ức về những kỹ năng đối thoại của bộ đôi kém hài hước, mặc đồng phục ấy. Không chutney hay rau quả dầm gì có khả năng mở khóa những cánh cửa mà tôi đã khóa kín những ngày ấy phía sau!

Không, tôi đã quên, tôi không thể, không định nói bằng cách nào chúng đã dụ được tôi phun ra hết. Nhưng tôi không thể lẩn tránh cốt lõi đáng hổ thẹn của vấn đề, ấy là bất chấp việc thiếu-vắng-những-trò-đùa-cợt và thái độ nhìn chung là thiếu cảm thông của thẩm tra viên hai đầu của tôi, tôi cầm chắc là đã nói.

Và không chỉ nói: dưới tác động của những thủ đoạn gây áp lực không thể kể tên - đã bị lãng quên - của chúng, tôi trở nên ba hoa tột độ. Cái gì đã trào ra, dào dạt, từ môi tôi (nhưng giờ thì không): tên tuổi địa chỉ ngoại hình. Phải, tôi khai hết, tôi tiết lộ cả năm trăm bảy mươi tám cái tên (bởi vì Parvati, chúng lịch sự báo cho tôi, đã chết, còn Shiva đã đào ngũ sang phe địch, còn năm trăm tám mươi mốt đứa kia đều đang khai...) - buộc phải bội tín vì sự phản bạn của kẻ khác, tôi đã phản bội lũ trẻ nửa đêm.

Tôi, Người sáng lập Hội nghị, đã chủ trì sự kết thúc của nó, trong khi Abbott-và-Costello, không hề cười, thỉnh thoảng lại ngắt lời:

“Aha! Tốt lắm! Chưa biết về con bé này!” hoặc, “Anh bạn hợp tác rất tốt, gã đó tụi này mới nghe lần đầu!”

Những chuyện kiểu này là thường. Số liệu thống kê có thể làm rõ bối cảnh tôi bị bắt giam, mặc dù có sự bất đồng đáng kể về con số tù “chính trị” bị bắt giữ trong thời kỳ Khẩn cấp. Là ba mươi nghìn, hay một phần tư triệu người đã mất tự do?

Mụ Góa phụ tuyên bố: “Đó chỉ là một phần rất nhỏ của dân số Ấn Độ,”

Đủ thứ chuyện xảy ra trong thời kỳ Khẩn cấp: tàu hỏa chạy đúng giờ, bọn đầu cơ tiền bẩn cum cúp nộp thuế, đến thời tiết cũng được kiểm soát, và mùa màng thì bội thu, bao giờ cũng có, tôi nhắc lại, một nửa trắng và một nửa đen. Nhưng ở nửa đen, tôi bị xiềng xích trong một căn phòng tí hin, trên tấm thảm rơm là vật dụng duy nhất tôi được phép sở hữu, và chia sẻ bát cơm hằng ngày với gián và kiến.

Còn về phần lũ trẻ nửa đêm – cái mưu đồ đáng sợ phải bị đập tan bằng mọi giá ấy - cái bè lũ cùng đồ giết người cắt cổ làm bà Thủ tướng bị ám ảnh chiêm tinh học run lên vì sợ hãi ấy - lũ quái vật bất thường dị dạng của thời điểm Độc lập, những kẻ mà một quốc gia-dân tộc hiện đại không thể phung phí cả thời gian lẫn lòng trắc ẩn ấy - giờ đây, ở tuổi hai mươi chín, thêm bớt độ một hai tháng, chúng bị bắt đến Khách sạn Góa phụ; từ tháng Tư tới tháng Mười hai chúng bị lùa bắt lại, và tiếng rì rầm của chúng bắt đầu tràn ngập những bức tường.

Tường xà lim của tôi (mỏng tang, thạch cao bong tróc, trần trụi) bắt đầu rì rầm, vào một tai lành và một tai điếc, về hậu quả của sự khai báo ô nhục của tôi. Một tên tù mũi dưa chuột, trang sức bằng mớ vòng và nhẫn sắt khiến nhiều hoạt động thông thường trở thành bất khả thi - đi đứng, sử dụng cái bô nhôm, ngồi xổm, ngủ - nằm co ro sát lớp thạch cao bong tróc và thì thầm với một bức tường.

Tất cả kết thúc, Saleem đầu hàng nỗi đau của gã. Suốt đời tôi, và cả trong phần lớn những dòng hồi tưởng này, tôi đã cố gắng giữ những đau khổ của mình trong tầm kiểm soát, ngăn chúng làm hoen ố những câu viết của tôi bằng dòng chất lỏng mằn mặn, sướt mướt của chúng, nhưng hết rồi.

Không ai cho tôi biết lý do (cho đến khi Bàn tay Mụ Góa phụ...) tại sao tôi bị giam cầm? Nhưng ai, trong ba mươi nghìn hay nửa triệu tù nhân, được biết tại sao hay vì đâu? Ai cần được biết?

Trong những bức tường, tôi nghe thấy giọng nói lầm rầm của những đứa trẻ nửa đêm: không cần giải thích gì thêm, tôi nức nở qua lần thạch cao bong tróc.

Những gì Saleem đã thì thầm với bức tường từ tháng Tám đến tháng Mười hai năm 1976:

Hỡi những đứa trẻ. Tôi biết nói thế nào đây? Mà có gì để nói? Tội của tôi lỗi tại tôi. Mặc dầu có thể viện dẫn nhiều lý do: tôi không có lỗi gì trong chuyện Shiva. Đủ mọi loại người đều bị giam, sao ta lại không? Mà tội lỗi là một vấn đề phức tạp, bởi chẳng phải tất cả chúng ta, mỗi cá nhân trong chúng ta, theo một cách nào đấy, đều có phần trách nhiệm - há chẳng phải tập thể nào thì lãnh đạo nấy sao? Nhưng không lời bào chữa nào được đưa ra. Lỗi tại tôi. Tôi.

Hỡi những đứa trẻ: Parvati của tôi chết rồi. Và Jamila của tôi, biến mất. Và mọi người. Biến mất dường như cũng là một trong những đặc điểm lặp đi lặp lại suốt lịch sử của tôi. Nadiar Khan biến mất khỏi một thế giới ngầm, lưu lại một tin nhắn. Aadam Aziz cũng biến mất, trước khi bà tôi dậy cho ngỗng ăn. Và Mary Pereira, đã đi đâu? Tôi, nằm trong giỏ, biến mất, nhưng Laylah hay Parvati đã biến mất cái phụt không cần sự trợ giúp của thần chú. Giờ đến lượt chúng ta, biến-mất-khỏi-mặt-đất. Lời nguyền biến mất, những đứa trẻ thân mến, rõ ràng đã rỉ sang các cậu.

Không, đối với câu hỏi về tội lỗi, tôi dứt khoát không chọn cách nhìn rộng. Chúng ta ở quá gần cái-đang-xảy-ra, cái nhìn toàn cảnh là điều bất khả, sau này có thể các nhà phân tích sẽ lý giải tại sao và vì đâu, sẽ truy nguyên các xu thế kinh tế và diễn biến chính trị liên quan. Nhưng lúc này, chúng ta đang ở quá gần màn hình, hình ảnh vỡ vụn thành từng điểm nhỏ, và chỉ có thể đưa ra phán xét chủ quan. Vậy thì, một cách chủ quan, tôi cúi gằm mặt đầy hổ thẹn. Hỡi những đứa trẻ: hãy tha thứ.

Không, tôi không chờ được tha thứ. Chính trị, hỡi những đúa trẻ: khi đẹp trời nhất vẫn là điều bẩn thỉu. Đáng lẽ ta nên tránh xa nó, đáng lẽ tôi không bao giờ nên mơ tưởng về mục đích. Tôi đi đến kết luận rằng sự riêng tư, cuộc sống cá nhân nhỏ bé của mỗi con người, quan trọng hơn tất cả cái hoạt động vĩ mô bị thổi phồng này. Nhưng muộn rồi. Hết thuốc chữa rồi. Mà thứ gì không chữa được thì phải chịu.

Câu hỏi hay, hỡi những đứa trẻ: phải chịu đựng cái gì? Tại sao chúng ta bị lùa vào đây, từng người một như thế này; tại sao gông cùm đeo quanh cổ chúng ta? Và những cách thức giam cầm kỳ lạ (nếu lời thì thầm của bức tường đáng tin),người-có-khả-năng-phi-thăng bị xích cổ chân xuống sàn, còn người sói bị bắt đeo rọ mõm; người-có-thể-tẩu-thoát-qua-gương phải uống nước qua một lỗ nhỏ trên cái bình có nắp, để cậu ấy không thể biến mất qua bề mặt phản xạ của nước; và cô-gái-có-ánh-mắt-giết-người bị trùm đầu bằng bao tải, hai nhan sắc mê hồn xứ Baud cũng chung số phận. Một người trong chúng ta có thể ăn kim loại; đầu cậu ấy bị ngàm chặt, đến bữa ăn mới tháo ra... điều gì đang được chuẩn bị cho chúng ta? Một điều tồi tệ, hỡi những đứa trẻ. Tôi chưa biết là gì, nhưng nó sắp đến. Hỡi những đứa trẻ; chúng ta, cũng phải chuẩn bị.

Hãy truyền tin này đi: một số trong chúng ta đã trốn thoát. Tôi đánh hơi thấy, qua tường, một số sự vắng mặt. Tin vui, hỡi những đứa trẻ! Chúng không bắt được hết chúng ta. Soumitra, người du hành thời gian, chẳng hạn - Ôi sợ điên rồ tuổi trẻ! Ôi lũ ngốc bọn ta, cứ không chịu tin cậu ấy! - không có ở đây; đang ngao du có lẽ, ở một miền thời gian khác hạnh phúc hơn, đã trốn thoát những kẻ săn đuổi mãi mãi.

Không, đừng ghen với cậu ấy; mặc dù tôi cũng thèm muốn cơ hội đào thoát về quá khứ, có lẽ về thời khắc khi tôi, niềm kiêu hãnh của vũ trụ, thực hiện cuộc diễu hành chiến thắng trong vai đứa trẻ sơ sinh quanh các cung điện của William Methwold.

Ôi cơn hoài vọng âm ỉ về những thời kỳ của nhiều triển vọng hơn, trước khi lịch sử, như con phố phía sau Bưu điện Trung tâm tại Delhi, bóp hẹp dần lại đến dấu chấm hết cuối cùng này! - nhưng chúng ta đã ở đây rồi; hồi tưởng kiểu này chỉ càng nhụt chí; hãy lấy làm mừng, rằng trong chúng ta có người vẫn tự do!

Và có cả những người đã chết. Chúng cho tôi biết về Parvati của tôi. Người mà trên mặt, tới phút cuối, vẫn hiện lên diện mạo hồn ma rữa nát của... Không, chúng ta không còn là năm trăm tám mươi mốt nữa. Run rẩy trong cái rét tháng Mười hai, bao nhiêu trong chúng ta đang ngồi sau bốn bức tường và chờ đợi?

Tôi hỏi cái mũi, nó trả lời, bốn trăm hai mươi, con số của lừa đảo và gian dối. Bốn trăm hai mươi, bị đám góa phụ cầm tù, và còn một kẻ nữa, sải bước trong đôi ủng quanh Khách sạn - tôi ngửi thấy xú khí của hắn đến gần đi xa, mùi hôi thối của sự phản bội!

Thiếu tá Shiva, người hùng thời chiến, Shiva-đầu-gối-bự, trong vai trò cai ngục. Liệu chúng có bằng lòng với bốn trăm hai mươi? Những đứa trẻ: tôi không biết chúng còn chờ bao lâu nữa.

Không, các cậu đang giễu tôi, thôi đi, đừng đùa nữa. Vì sao từ đâu thế quái nào lại có cái lối thân thiện, cái kiểu hữu hảo này trong những lời xì xầm truyền tai nhau của các cậu?

Không, các cậu phải kết tội tôi, thẳng thừng và miễn kháng án - đừng dằn vặt tôi bằng những lời chào hỏi hân hoan khi từng người trong các cậu bị nhốt trong xà lim. SSây là lúc nào ở đâu mà còn salaam, namaskar với cậu-dạo-này-thế-nào?

Những đứa trẻ, các cậu không hiểu à, chúng có thể làm bất cứ thứ gì với chúng ta, bất cứ thứ gì - không, sao các cậu có thể nói thế, sao lại chúng-thì-có-thể-làm-gì?

Tôi nói các cậu nghe: cùm sắt kẹp vào mắt cá chân rất đau; báng súng để lại trên trán những vết bầm tím. Chúng làm được gì hả? Gí điện vào hậu môn, các cậu ạ; và đấy chưa phải trò duy nhất, còn treo ngược đầu xuống đất, và một ngọn nến - chà, ánh nến lung linh ngọt ngào lãng mạn! - sẽ chẳng hề dễ chịu khi gí, đang cháy, vào da! Thôi ngay đi, bỏ cái trò bạn bè này đi, các cậu không sợ à? Chẳng lẽ các cậu không muốn đấm đá giẫm đạp tôi thành nghìn mảnh?

Sao cứ mãi rì rầm hồi tưởng, cứ hoài niệm về những vụ cãi cọ ngày trước, về cuộc chiến giữa vật chất và ý thức, sao các cậu cứ cười cợt tôi bằng vẻ thản nhiên, lạnh nhạt, bằng sức mạnh vượt-trên-khủng-hoảng của mình? Nói thật, tôi chịu đấy, hỡi những đứa trẻ: làm sao các cậu có thể, ở tuổi hai chín, ngồi trong xà lim thì thầm nhả nhớt với nhau?

Mẹ kiếp, đây đâu phải một cuộc hội ngộ bạn bè!

Hỡi những đứa trẻ, những đứa trẻ, tôi xin lỗi. Tôi công nhận rằng dạo gần đây tôi không còn là chính mình nữa. Tôi đã là một buddha, một con ma trong giỏ, một cứu-tinh-hụt của đất nước... Saleem đã cắm đầu chạy vào ngó cụt, gặp những vấn đề nghiêm trọng với hiện thực, từ khi cái ống nhổ rơi xuống như một mảnh... hãy thương xót tôi: tôi thậm chí đã đánh mất cái ống nhổ.

Mà tôi lại nói linh tinh rồi, tôi không định cầu xin sự thương hại, tôi muốn nói rằng có lẽ tôi biết - chính tôi, chứ không phải các cậu, đã không hiểu điều gì đang xảy ra. Thật phi thường, hỡi những đứa trẻ: chúng ta, những người không thể nói chuyện quá năm phút mà không bất đồng; chúng ta, những người hồi bé từng cãi cọ xung đột chia rẽ ngờ vực tan rã, thì nay bỗng lại đoàn kết thành một khối!

Ôi sự trớ trêu kỳ diệu: mụ Góa phụ, khi nhốt chúng ta vào đây, hòng đập tan chúng ta, kỳ thực đã mang chúng ta đến với nhau! Ôi cơn cuồng vọng tự thân ứng nghiệm của bạo chúa... bởi vì bọn chúng có thể làm được gì, khi giờ chúng ta đã cùng một trận tuyến, không còn mâu thuẫn ngôn ngữ, không còn định kiến tôn giáo: nói cho cùng, chúng ta đã hai mươi chín tuổi rồi, tôi không nên gọi mọi người là những đứa trẻ nữa...!

Phải, đây là niềm lạc quan, như một bệnh dịch: một ngày kia mụ ta sẽ phải thả chúng ta ra và khi đó, khi đó, cứ chờ xem, có thể chúng ta nên thành lập, tôi không biết, một chính đảng mới, phải, đảng Nửa đêm, chính trị có cơ hội gì trước những người có thể nhân một con cá thành nhiều và hóa sắt thành vàng?

Hỡi những đứa trẻ, có một thứ sắp ra đời ở đây, vào thời khắc đen tối của sự tù đày; hãy cứ để lũ Góa phụ giở trò tồi tệ nhất; đoàn kết là vô địch! Hỡi những đứa trẻ: chúng ta đã thắng!

Quá đau đớn. Sự lạc quan, nảy nở như hoa hồng gặp phân: nó làm tôi đau xót khi hồi tưởng lại. Đủ rồi! Sau đó thế nào tôi quên rồi. - Không! - Không, thôi được, tôi vẫn nhớ... Thứ gì đáng sợ hơn gông cùm xiềng xích nến-cháy-gí-vào-da? Thứ gì ăn đứt nhổ móng tay và bỏ mặc cho chết đói?

Tôi xin tiết lộ trò đùa ma mãnh nhất, tinh vi nhất của mụ Góa phụ: thay vì tra tấn chúng tôi, mụ cho chúng tôi hy vọng. Nghĩa là mụ có một thứ - không, không chỉ một thứ: mà là thứ quý giá hơn hết thảy! - đế lấy đi. Và giờ, rất sớm thôi, tôi sẽ phải miêu lả mụ đã cắt đứt nó ra sao.

Ectomy (khởi nguồn từ tiếng Hy Lạp, chắc vậy): sự cắt bỏ. Từ đây, y học đã bổ sung nhiều tiền tố: appendectomy tonsillectomy mastectomy tubectomy vasectomy testectomy hysterectomy[5]. Saleem xin đóng góp thêm một mục từ nữa, miễn phí và cho không, vào danh mục các phẫu thuật cắt bỏ này; đây, tuy vậy, là một thuật ngữ đúng ra phải thuộc về lịch sử, mặc dù y học cũng có, đã có phần đóng góp:

Sperectomy: sự hút kiệt hy vọng.

[5] Các thuật ngữ y khoa có nghĩa là: cắt bỏ ruột thừa, cắt bỏ amiđan, cắt bỏ ngực, cắt bỏ ống dẫn trứng, cắt bỏ ống dẫn tinh, cắt bỏ tinh hoàn, cắt bò tử cung.

Ngày đầu năm mới, tôi có khách. Tiếng kẹt cửa, tiếng loạt soạt của vải chiffon đắt tiền. Tông màu: xanh đen. Kính ả, xanh, giày ả đen thật đen... Báo chí miêu tả ả là “một cô gái quyến rũ, với cặp hông đầy đặn, đong đưa... quản lý một tiệm kim hoàn nhỏ trước khi làm công tác xã hội... Thời kỳ Khẩn cấp, cô phụ trách, một cách bán chính thức, chương trình triệt sản.”

Nhưng tôi có tên riêng cho ả: ả là Bàn tay của mụ Góa phụ. Chộp từng đứa một và lũ trẻ ú ớ và xé và xé những trái bóng nhỏ lăn lóc... vừa xanh vừa đen, mụ đột kích xà lim của tôi. Hỡi những đứa trẻ: bắt đầu rồi. Hãy sẵn sàng. Đoàn kết là sức mạnh. Mặc kệ Bàn Tay mụ Góa phụ làm việc của mụ Góa phụ, rồi ta sẽ, ta sẽ... hãy nghĩ đến sau này.

Giờ thì gắng đừng nghĩ đến... và ả, ngọt ngào, điềm đạm, “Về căn bản, cậu biết đấy, đây hoàn toàn là một câu hỏi về Chúa.”

(Những đứa trẻ, các cậu có nghe không? Truyền tai nhau đi.)

“Người dân Ấn Độ,” Bàn Tay của mụ Góa phụ giải thích, “tôn thờ Đức bà như một vị thần. Ấn Độ chỉ có thể tôn thờ một Chúa.”

Nhưng tôi lớn lên ở Bombay, nơi Shiva Vishnu Ganesh Ahuramazda Allah và vô vàn thần linh khác đều có bầy chiên của mình...

“Vậy còn bách thần điện,” tôi lý luận, “với ba trăm ba mươi triệu vị thần của riêng đạo Hindu? Và Hồi giáo, và Phật giáo...?”

Và đây là câu trả lời: “Phải rồi! Lạy Chúa, hàng triệu vị thần, cậu nói đúng! Nhưng tất cả đều là hóa thân của OM. Cậu theo đạo Hồi: cậu biết OM là gì chứ hả? Tốt lắm. Với quần chúng, Đức bà chính là hiện thân của OM.”

Chúng tôi có bốn trăm hai mươi người, vỏn vẹn 0,00007 phần trăm của dân số lên đến sáu trăm triệu người của Ấn Độ. Không đáng kể về mặt thống kê, thậm chí, nếu tính trên ba mươi (hay hai trăm năm mươi nghìn) người bị bắt, chúng tôi cũng chỉ chiếm 1,4 (hay 0,168) phần trăm! Nhưng tôi đã học được từ Bàn tay của mụ Góa phụ rằng, những kẻ muốn làm thần không sợ gì bằng các thần linh tiềm năng khác. Và rằng, chính vì vậy và chỉ bởi vậy, nên chúng tôi, những đứa trẻ thần kỳ của nửa đêm, mới phải hứng chịu sự căm ghét khiếp sợ hủy diệt của mụ Góa phụ, kẻ không chỉ là Thủ tướng Ấn Độ mà còn thèm khát trở thành Devi, hình tướng khủng khiếp nhất của Mẫu-thần, người sở hữu shakti của các nam thần, một linh thần nhiều tay có mái tóc rẽ ngôi giữa và phân liệt... Và tôi đã giác ngộ ý nghĩa của mình tại cung điện đổ nát của những người đàn bà ngực bầm như thế đó.

Tôi là ai? Chúng tôi là ai? Chúng tôi đang là, sẽ là, những vị thần quý vị không bao giờ có. Và còn là một thứ khác; và để giải thích điều ấy, tôi sẽ phải kể đoạn khó khăn cuối cùng.

Nào, thì tăng tốc, nếu không thì sẽ chẳng bao giờ đến được đoạn đó. Tôi xin kể với quý vị rằng, vào ngày đầu năm mới, 1977, tôi được một cô gái quyến rũ với cặp hông đong đưa cho biết rằng phải, bọn chúng sẽ bằng lòng với bốn trăm hai mươi, chúng đã xác minh được một trăm ba mươi chín đã chết, chỉ vài trốn thoát, thế nên, việc đó sắp bắt đầu, xoẹt xoẹt, sẽ có thuốc gây mê và đếm-đến-mười, những con số diễu hành một hai ba, và tôi, thì thầm với bức tường. Cứ mặc cứ mặc chúng, chừng nào chúng ta còn sống và đoàn kết thì kẻ nào có thể chống lại chúng ta?...

Và ai đã dẫn chúng tôi, từng-người-một, xuống căn phòng dưới hầm nơi (vì chúng ta không phải dân man rợ, thưa ngài) có điều hòa nhiệt độ, và chiếc bàn bên trên lơ lửng một ngọn đèn treo, và bác sĩ y tá màu xanh và đen, áo choàng màu xanh mắt màu đen... ai đã, với cặp đầu gối lồi bất bại, áp giải tôi đến căn phòng sẽ hủy hoại tôi?

Nhưng quý vị biết mà, quý vị có thể đoán ra, câu chuyện này có duy nhất một người hùng thời chiến; không thể tranh cãi với nọc độc của đôi đầu gối ấy, tôi đành đi theo lệnh hắn đến bất cứ đâu... Và rồi tôi đến nơi, và một cô gái quyến rũ với cặp hông đong đưa đầy đặn, bảo, “Nói cho cùng, cậu không thể phàn nàn, cậu không phủ nhận cậu từng khẳng định mình có Năng lực tiên tri chứ hả?”

Bởi vì chúng biết tất cả, Padma, tất cả tất cả, chúng đặt tôi lên bàn và chiếc mặt nạ chụp xuống mặt tôi và đếm-đến-mười và những con số thình thịch bảy tám chín...Mười.

Và “Lạy Chúa hắn ta vẫn còn tỉnh, ngoan nào, tiếp tục đến hai mươi đi...”

Mười tám, mười chín, hai....

Họ là những bác sĩ giỏi: họ không cho may rủi một cơ hội nào. Loại tiểu phẫu, cắt ống dẫn tinh và dẫn trứng, của đám đông không dành cho chúng tôi; bởi những phẫu thuật kiểu này vẫn có cơ may, chỉ là cơ may, phục hồi... Chúng tôi cũng được phẫu thuật cắt bỏ, nhưng không thể phục hồi. Tinh hoàn bị cắt khỏi bìu, và tử cung biến mất vĩnh viễn.

Bị cắt bỏ tinh hoàn và tử cung, lũ trẻ của nửa đêm đã bị tước bỏ khả năng sinh sản... Nhưng đó chỉ là hệ quả phụ, bởi vì đó là những bác sĩ thực sự xuất sắc, và họ đã hút kiệt ở chúng tôi nhiều hơn thế. Hy vọng cũng bị cắt đứt, và tôi không biết nó được thực hiện ra sao. Bởi vì những con số đã sầm sập tiến đến, tôi đã bị nốc ao, và tất cả những gì tôi nhớ được là kết thúc mười tám ngày của những ca phẫu thuật tê liệt tâm trí được thực hiện với tốc độ trung bình 23,33 ca mỗi ngày.

Chúng tôi không chỉ mất đi những hòn bi và túi nội thể, mà cả những thứ khác nữa: về phương diện này, kết cục của tôi khả dĩ hơn đa số, việc hút-kiệt-ở-trên đã cướp đi của tôi khả năng ngoại cảm được nửa đêm ban tặng, tôi không còn gì để mất, một cái mũi nhạy cảm là thứ không thể bị hút đi...

Nhưng về phần những người còn lại, những người mà năng lực thần kỳ còn nguyên vẹn khi bị bắt đến cung điện của các góa phụ khóc than, thì giây phút hồi tỉnh khi tan thuốc mê thực sự tàn nhẫn, và những bức tường thầm thì phát ra câu chuyện về sự hủy hoại của họ, và tiếng khóc ai oán của những đứa trẻ mất đi pháp thuật.

Ả đã cắt bỏ nó khỏi chúng tôi, một cách quyến rũ với cặp hông nảy nở đong đưa, ả đã thiết kế chiến dịch hủy diệt chúng tôi, và giờ chúng tôi chẳng là gì hết, chúng tôi là gì chứ, chỉ vỏn vẹn 0,00007 phần trăm, giờ cá chẳng thể được nhân lên và sắt cũng chẳng thể hóa vàng; kết thúc vĩnh viễn rồi, khả năng phi thăng và hóa sói cùng nguyên-thủy-một-ngàn-lẻ-một điều ước thần kỳ của một nửa đêm thần thánh.

Hút kiệt ở dưới: đó là một phẫu thuật không thể phục hồi.

Chúng tôi là ai ? Những hứa hẹn bất thành, hứa để mà thất hứa.

Và giờ tôi phải kể cho quý vị chuyện cái mùi.

Phải, quý vị phải được nghe hết: dù phóng đại đến đâu, dù gay cấn kiểu chớp-bóng-Bombay đến đầu, quý vị cũng phải thấu hiểu, cũng phải thấy! Cái mà Saleem đánh hơi thấy vào tối 18 tháng Một năm 1977: có gì đó đang được rán trên chảo sắt, thứ gì đó mềm và không thể nói ra được ướp nghệ mùi thì là và cỏ cà ri... mùi cay nồng không lẫn đi đâu được của những-thứ-vừa-bị-cắt-bỏ, nấu trên lửa nhỏ, liu riu.

Trong khi bốn trăm hai mươi con người chịu đựng phẫu thuật cắt bỏ, một Nữ thần báo thù đảm bảo rằng những bộ phận bị cắt bỏ này được nấu cà ri với hành và ớt xanh và đem cho đàn chó hoang ở Benares.

(Có bốn trăm hai mươi mốt ca cắt bỏ: bởi vì một người trong chúng tôi, mà chúng tôi gọi là Narada, hoặc Markandaya, có khả năng chuyển đổi giới tính; cậu ấy, hoặc cô ấy, phải phẫu thuật hai lần.)

Không, tôi không chứng minh được, không một chút gì. Chứng cứ đều đã bốc hơi: một số bị chó ăn; và sau này, vào ngày 20 tháng Ba, hồ sơ bị một bà mẹ với mái tóc hai màu và đứa con trai yêu dấu đốt sạch.

Nhưng Padma biết rõ điều tôi không làm được nữa. Padma, người đã một lần, trong cơn giận dữ, hét lên: “Anh thì được tích sự gì, lạy Chúa, như một người yêu?”

Riêng chuyện này, ít nhất, có thể kiểm chứng: trong lều của Picture Singh, tôi đã tự nguyền rủa bản thân khi nói dối mình bất lực.

Tôi không thể bảo không có ai cảnh báo tôi, vì anh đã nói: “Điều gì cũng có thể xảy ra.” Nó xảy ra thật.

Đôi khi tôi cảm thấy mình đã một nghìn tuổi: hay (bởi vì tôi chẳng thể, đến tận bây giờ, từ bỏ hình thái),chính xác hơn, một nghìn lẻ một.

Bàn tay của mụ Góa phụ có cặp hông đong đưa, và từng sở hữu một tiệm kim hoàn. Tôi cũng bắt đầu giữa kim hoàn: ở Kashmir, năm 1915, có kim cương và ngọc bích. Các cụ tôi có một tiệm buôn đá quý. Hình thái! - một lần nữa, tái diễn và định hình! - không thể thoát được nó.

Trong những bức tường, vọng ra tiếng thì thầm tuyệt vọng của bốn trăm mười chín nạn nhân tê liệt. Trong khi kẻ thứ bốn trăm hai mươi trút cơn phẫn nộ. Chúng cho phép tôi một lần, một khoảnh khắc quát tháo duy nhất - vào câu hỏi ấm ức sau đây...

To đến lạc giọng, tôi thét lên: “Còn hắn thì sao? Thiếu tá Shiva, tên phản bội? Các người không quan tâm đến hắn à?”

Câu trả lời, từ cô ả quyến-rũ-có-cặp-hông-đong-đưa: “Ngài Thiếu tá đã tình nguyện cắt ống dẫn tinh.”

Và giờ, trong buồng giam không cửa sổ, Saleem bắt đầu cười, thật lòng, hết cỡ. Không, tôi không cười cay độc kình địch của mình, mà tôi cũng không suy diễn một cách châm biếm chữ “tình nguyện” thành một chữ khác. Không, tôi nhớ đến những chuyện Parvati tức Laylah đã kể cho tôi, những huyền thoại về thói phong lưu của người hùng thời chiến, về những binh đoàn con hoang căng phồng trong những cái bụng không bị phẫu thuật của các mệnh phụ phu nhân và gái điếm.

Tôi cười bởi vì Shiva, kẻ hủy diệt những đứa trẻ nửa đêm, đồng thời đã hoàn thành vai trò còn lại được ẩn giấu trong tên hắn, chức năng của Shiva-linga, của Shiva-đấng-sinh-thành, thành thử đúng thời điếm ấy, ở các khuê phòng và ổ chuột trên cả nước, một thế hệ những đứa trẻ mới, hậu duệ của đứa trẻ hắc ám nhất của nửa đêm, đang được nuôi lớn đến tương lai. Các mụ Góa phụ kiểu gì cũng quên mất một điều quan trọng.

Cuối tháng Ba năm 1977, tôi bất ngờ được phóng thích khỏi cung điện của các góa phụ gào khóc, đứng hấp háy mắt như chim cú dưới ánh mặt trời, không hiểu vì đâu tại sao thế nào. Sau đó, khi đã nhớ ra cách đặt câu hỏi, tôi phát hiện ra rằng vào ngày 18 tháng Một (đúng ngày xoẹt-xoẹt kết thúc, ngày một số thứ bị rán trên chảo sắt: quý vị còn cần bằng chứng gì nữa để khẳng định chúng tôi, bốn trăm hai mươi đứa trẻ, là đối tượng mụ Góa phụ khiếp sợ hơn hết thảy?) ngài Thủ tướng đã, trước sự kinh ngạc của tất cả, kêu gọi tổng tuyển cử.

(Nhưng giờ khi đã biết về chúng tôi, chắc quý vị cũng dễ hiểu tại sao mụ tự tin đến thế.)

Nhưng ngày hôm ấy, tôi không hay biết gì về thất bại liểng xiểng của mụ, lẫn chuyện mụ đốt hồ sơ; mãi sau này tôi mới biết niềm hy vọng tả tơi của đất nước này đã được gửi gắm vào tay một lão già lẫn cẫn chuyên ăn hạt điều và hạt dẻ cười và mỗi ngày đều uống một cốc “nước tự có” ra sao. Những kẻ uống nước tiểu đã lên nắm quyền.

Trong mắt tôi, đảng Janata, với một trong số các lãnh đạo bị nhốt trong máy chạy thận, có vẻ không phải là (khi tôi nghe tin này) đại diện của một bình minh tươi sáng. Nhưng có thể tôi rốt cuộc đã tự chữa khỏi virus lạc quan, có thể những người khác, bệnh vẫn còn trong máu, lại cảm thấy điều ngược lại. Dù sao đi nữa, tôi nếm, vừa mới nếm, vào cái ngày tháng Ba ấy - mùi chính trị như thế là đủ, quá đủ rồi.

Bốn trăm hai mươi đứa trẻ đứng hấp háy mắt trong ánh mặt trời và không khí om sòm của những ngõ phố ở Benares. Bốn trăm hai mươi người nhìn nhau và thấy trong mắt nhau ký ức về việc mình bị thiến. Và rồi, không sao chịu nổi hình ảnh ấy, lúng búng những lời tạm biệt, rồi giải tán, lần cuối cùng, vào sự riêng tư chữa lành vết thương của đám đông.

Thế còn Shiva? Thiếu tá Shiva bị chính quyền mới ra lệnh quản thúc trong nhà tù quân đội, nhưng hắn không ở đây lâu, bởi vì hắn được phép đón một người vào thăm: Roshanara Shetty đã hối lộ ve vãn luồn lọt để vào được xà lim của hắn, chính cô bé Roshanara đã rót thuốc độc vào tai hắn ở Trường đua Mahalaxmi và từ đó đã phát điên vì một đứa con hoang kiên quyết không chịu nói và không chịu làm điều gì nó không thích. Vợ của nhà tài phiệt thép rút trong xắc tay ra khẩu súng lục Đức cỡ đại của chồng mình, bắn xuyên tim người hùng thời chiến. Cái chết, như họ nói, đến ngay tức khắc.

Viên Thiếu tá chết mà không biết rằng khi xưa, tại một nhà hộ sinh màu nghệ-và-xanh giữa cái hỗn loạn thần bí của một nửa đêm không thể nào quên, một người đàn bà nhỏ bé bấn loạn đã tráo thẻ tên, và cướp mất của hắn quyền vị lúc chào đời, nghĩa là cái thế giới bọc trong tiền trên đỉnh đồi với những bộ quần áo hồ trắng, và vật chất vật chất vật chất - một thế giới mà hắn sẽ khoái được sở hữu biết mấy.

Còn Saleem? Không còn gắn kết với lịch sử, bị hút kiệt cả ở-trên-và-ở-dưới, tôi tìm đường về thủ đô, ý thức rằng một thời đại, khởi đầu từ cái nửa đêm xa xưa ấy, xem ra đã đến hồi kết thúc. Tôi đi bằng cách nào: tôi đứng trên sân ga Benares hoặc Varanasi với nhõn một tấm vé vào sân ga trên tay, và nhảy tót lên một khoang hạng nhất khi chuyến tàu thư chuyển bánh về Tây.

Giờ đây, rốt cuộc, tôi đã biết thế nào là cảm giác phải cố sống cố chết bám thật chặt, trong khi bụi bồ hóng đất tro bám đầy mắt, và phải đập cửa kêu nài.

“Ohe, mahaji! Mở cửa đi! Cho con vào với, hỡi ngài tôn kính, mahaji!”

Trong khi ở trong, một giọng nói thốt ra những lời quen thuộc: “Dù thế nào cũng không ai được mở. Dân lậu vé ấy mà.”

Ở Delhi: Saleem hỏi han khắp nơi. Anh có thấy ở đâu? Chị có biết liệu các nhà ảo thuật? Bác có quen Picture Singh? Một người đưa thư với ký ức về người dụ rắn đang nhạt dần trong mắt chỉ về phía Bắc. Và, sau đó, một người bán trầu lưỡi thâm sì trả tôi về đường cũ. Rồi, cuối cùng, tung tích cũng hết luẩn quẩn, các nghệ sĩ tạp kỹ giúp tôi bắt được mùi.

Một người đàn ông Dill-dekho với cái máy vạn hoa, một người luyện chồn-và-rắn đầu đội chiếc mũ giấy như thuyền buồm đồ chơi của trẻ con, một cô gái bán vé ở rạp phim vẫn giữ những hoài niệm về tuổi thơ học việc với một nhà ảo thuật… như những ngư phủ, hỏ chỉ bằng ngón tay.

Về phía Tây Tây Tây, cho đến khi, cuối cùng, Saleem tìm tới bến xe buýt Shadipur ở ngoại ô phía Tây thành phố. Đói khát kiệt quệ ốm yếu, lẩy bẩy nhảy lò cò khỏi đường đi của đám xe buýt gầm rú ra vào bãi đậu - những chiếc xe sơn màu hớn hở, nắp capô viết dòng chữ như Ý Chúa! và những tuyên ngôn khác, chẳng hạn như Ơn Chúa!

Ở hông xe - gã đi đến chỗ một dúm lều bạt rách nát chen chúc dưới gầm cây cầu đường sắt bằng bê tông, và thấy, dưới bóng bê tông, một người khổng lổ dụ rắn ngoác miệng nở nụ cười sâu răng vĩ đại, và, trên tay anh, mặc tấm áo phông in những cây guitar hồng, là một thằng bé trạc hai mươi mốt tháng, với đôi tai voi, cặp mắt to tròn như hai cái đĩa, vi nét mặt nghiêm nghị như một nấm mồ[6].

[6] Rushdie chơi chữ, chữ grave trong tiếng Anh vừa có nghĩa là nghiêm nghị, vừa có nghĩa là ngôi mộ.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.