🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Thành Trường An, tuyết rơi cả một đêm.

Cung Đại Minh xưa kia tường đỏ ngói xanh, nay lại được phủ thêm một lớp tuyết trắng thật dày, trời đông giá rét, cành rong [*] trước mắt bị bao phủ bởi băng tuyết, duy chỉ có cây mai đỏ là nở rộ rực rỡ trong tuyết.

[*] Cành rong: một loại rong có tên khoa học là Eucheuma gelatinae.

Nơi ở của Thái hậu là điện Phượng Loan, thau đồng trong tay cung nữ rơi xuống đất, một tiếng “choang” giòn tan vang lên, tạo ra một trận ồn ã.

“Thái hậu tỉnh rồi! Mau đi bẩm báo cho Hoàng thượng.”

Nữ nhân tái nhợt, yếu ớt nằm trên chiếc giường bậc [*] gỗ lim có hoa văn được điêu khắc bằng tơ vàng, người nọ mặc áo ngủ minh hoàng thụy có hoa văn phượng sẫm màu, đắp một chiếc chăn màu vàng sáng, làn da khắp toàn thân trắng sáng vô cùng, trắng đến nỗi làm lòng người rúng động, từ mặt, cổ, cho đến mu bàn tay và những phần da thịt bị lộ ra ngoài đều đang mang sắc màu như băng tuyết ngoài điện, xám trắng và lạnh lẽo.

[*] Giường bậc: là loại giường bằng gỗ, phải bước lên vài bậc mới đến chiếc giường để nằm thật sự.

Hoạn quan Lưu Trung khom người đứng bên cạnh, hơi ngẩng đầu lên để nhìn Trần Thái hậu.

Nàng chống người ngồi dậy, miệng ho khan hai tiếng nhỏ vụn, mái tóc dài mềm mại rũ xuống, khuôn mặt tái nhợt như tờ giấy đã khôi phục lại chút sắc hồng, tuy mặt mày tiều tụy và hốc hác nhưng vẫn không ngăn được tư dung tuyệt sắc của nàng.

Đệ nhất mỹ nhân thành Trường An năm đó, quyến rũ tài hoa, nói là khuynh quốc khuynh thành cũng không phải là nói quá, người ta luôn nói “giang sơn nặng mỹ nhân nhẹ”, mà bao giờ cũng sẽ có một người…

Lưu Trung thầm buông một tiếng thở dài.

Hằng đế dẫn theo một đám cung nhân vội vã bước vào đại điện, đầu hắn đội long quan, trên người là long bào vàng chói, Hằng đế mới vừa được chấp chính nên vẫn chưa thể nén nổi khí phách hăng hái trên mặt.

Một phát đẩy ngã hai ngọn núi lớn trên đầu, sao hắn không vui cho được đây?

“Mẫu hậu, nhi thần tới để tiễn đưa người đoạn đường cuối cùng.”

“Nhi thần sẽ chôn cất người trong di lăng, để người ở bên cạnh phụ hoàng, nhưng không biết, liệu người có còn mặt mũi để gặp lại phụ hoàng hay không đây?”

Trần Thái hậu cười lạnh vài tiếng: “Không ngờ ai gia lại nuôi ra được cái thứ lòng lang dạ sói như ngươi.”

“Mẫu hậu, người buông rèm chấp chính mười hai năm rồi, có công với giang sơn xã tắc, nhưng khó mà ngăn được tội dâm loạn cung đình.”

“Dâm loạn cung đình?” Trần Nhu như vừa nghe thấy câu chuyện khôi hài bậc nhất nhất thiên hạ, nàng ra sức ho khan vài tiếng, màu máu đỏ thắm lan trên khăn gấm trắng như tuyết.

“Người và Định Bắc Vương Thích Nhung có tư tình, chỉ e là, ngay cả một hài tử bên đường cũng phải bàn luận dăm ba câu về người đấy.”

“Y vừa chết, mẫu hậu bị kích thích đến nỗi hôn mê đến ba ngày, thái y nói người quá đỗi bi thương, vậy ra là người rất nặng tình với tên loạn thần tặc tử này.”

Trần Nhu nôn ra một ngụm máu nóng, nỗi bi thương to lớn chợt quét qua rồi quấn lấy người nàng, nàng ngã lên giường, nàng ngẩn ngơ nhớ lại năm ấy, khi tiên đế băng hà, nàng chỉ mới hai mươi ba tuổi, nàng dẫn theo hài tử năm tuổi, xung quanh nàng chỉ toàn là sói dữ, quan lại và quyền thần muốn phò tá con trai Tiêu Thục phi lên làm tân đế.

Thích Nhung dẫn mười vạn đại quân quay về Trường An, chàng cầm cây thương bạc trong tay, trên người mặc áo giáp đen sáng loáng, đứng trên đại điện lộng lẫy nguy nga.

Chàng nói:

“A Nhu, đừng sợ, ta sẽ bảo vệ nàng.”

Nhoáng một cái đã mười hai năm trôi qua, chàng vẫn luôn tuân thủ lời hứa, thay nàng bình định phản loạn, mở rộng bờ cõi, trấn thủ Bắc cương [*].

[*] Bắc cương chỉ biên giới phía Bắc.

Nàng lại hại chàng mất rồi.

Ba ngày trước, tin tức Định Bắc Vương tử trận truyền tới Trường An.

Tiểu Hoàng đế không hề che giấu dã tâm bừng bừng của mình: “Mẫu hậu, ý chỉ của người thật hiệu quả, Định Bắc Vương đã trúng kế rồi.”

Hắn cho là mình đã giải trừ được mối tai họa lớn trong lòng.

Không có năng lực làm vua mà lại học được thủ đoạn xấu xa này trước.

“Thích Nhung, ta thật lòng xin lỗi chàng.”

Trước khi rơi vào một màn đen đen kìn kịt, hai hàng nước mắt trong veo của Trần Nhu chảy xuống.

Nàng nghĩ, nàng đã nợ chàng quá nhiều.

Món tình cảm sâu nặng mà nàng đã nợ chàng cả một đời, đành phải… báo đền ở kiếp sau mà thôi.



“Cô nương, Thất cô nương, sao bây giờ cô nương lại ngủ rồi?”

Ý thức của Trần Nhu mơ hồ, cơ thể như đang rơi vào một cái hồ sâu, giọng nói kia vang lên từ xa đến gần, như gợn sóng xoay tròn trong nước rồi lại rót vào tai nàng.

Nàng thở hổn hển mở to hai mắt, tạp âm chuyển động bên tai biến mất ngay lập tức, trời đất sáng trong.

Đại nha hoàn Nhạn Thư lo lắng mà nhìn nàng: “Thất cô nương, chẳng lẽ người lại bị bệnh rồi ư? Sắc mặt của người…”

“Nhạn Thư? Em là Nhạn Thư?” Trần Nhu vẫn chưa thể bình tĩnh lại và cũng chưa thể thoát ra khỏi nỗi ngạc nhiên, nghi hoặc, cứ như thể là nàng vừa choàng tỉnh khỏi một cơn ác mộng vậy.

Giấc mộng kia quá đỗi chân thực, chuyện mười mấy năm như xảy ra rõ ràng ngay trước mắt, rốt cuộc đó là một giấc mơ, hay nó đã thật sự xảy ra rồi?

… Nàng là Trần Thái hậu buông rèm nhiếp chính mười hai năm ư?

Chẳng phải nàng đã chết rồi sao?

Bây giờ, nơi nàng ở không phải là cung Đại Minh có rường cột chạm trổ, mà là khuê phòng nàng đã từng ở khi chưa xuất giá.

Trần Nhu ngồi trước bàn trang điểm, nàng thiếu nữ trong gương tóc đen xõa qua vai, còn chưa điểm phấn son mà đã là hạng quốc sắc thiên hương. So với người trong giấc mơ kia, khuôn mặt này vẫn còn trẻ trung lắm, lại có thêm vài phần ngây thơ hồn nhiên, không rành chuyện đời.

“Thất cô nương, y phục đã được chuẩn bị xong từ lâu rồi ạ, hôm nay chúng ta vẫn sẽ ra ngoài đúng không cô nương?” Tay Nhạn Thư đang bưng một bộ y phục của nam tử.

Trần Nhu im lặng nhìn mình trong gương: “Đi.”

Trần Nhu sinh ra trong một trâm anh thế gia, phụ thân Trần Hiến giữ chức hữu tướng, nhận được rất nhiều ân sủng từ đế vương, mẫu thân Thôi thị đã mất từ khi nàng bốn tuổi, trên nàng có một vị ca ca ruột thịt là Trần Trưng, lớn hơn nàng ba tuổi.

Phụ thân nặng tình nặng nghĩa với mẫu thân, sau khi Thôi thị chết thì mãi vẫn chưa lấy vợ kế, cũng không có bất kỳ một vị cơ thiếp nào.

Trong ngôi nhà này của họ, chỉ có một đôi huynh muội ruột thịt là Trần Trưng và Trần Nhu, vậy nên, dĩ nhiên là không cần phải bàn cãi gì nhiều về tình cảm giữa hai huynh muội.

Trần gia vốn là một gia tộc lớn quyền thế ở địa phương, từng có không ít danh sĩ trọng thần qua các triều đại, tới lứa của gia gia [*] Trần Nhu, gia tộc Trần thị đã trên đà suy tàn, phụ thân Trần Hiến là trưởng tử trong nhà, vừa sinh ra đã được mọi người ký gửi hy vọng.

[*] Gia gia: ông.

Mà ông cũng không phụ sự kỳ vọng của mọi người, thành công dẫn dắt gia tộc trở về đỉnh vinh quang.

Giờ đây, trong Trần phủ của Trường An này, trừ chi của bọn họ ra thì còn có nhị phòng, tam phòng, tứ phòng và ngũ phòng. Trần Nhu bệnh tật ốm yếu từ nhỏ, nàng được nâng niu trong chốn khuê phòng, không có quan hệ thân thiết gì với các tỷ muội của các chi khác, tuy cùng chung sống trong một phủ, nhưng họ rất hiếm khi qua lại.

Nãi nãi [*] ruột Tiết thị thiên vị tam phòng, bà không thích Thôi thị, nên cũng không thích lây sang cô cháu gái Trần Nhu có vẻ ngoài giống Thôi thị.

[*] Nãi nãi: bà.

Chỉ riêng việc đại phòng chỉ có một đôi huynh muội ruột thịt còn mấy phòng khác đều có thứ tử, thứ nữ, thì người mà lão phu nhân hận nhất là Thôi thị, mắng bà ấy là hồng nhan họa thủy, làm chậm trễ đại nhi tử của mình.

Vì để có được sự yêu thích của lão phu nhân, tất nhiên là mấy chi khác phải cố gắng khai chi tán diệp [*].

[*] Khai chi tán diệp: nói việc sinh nhiều con để mở rộng gia đình.

Phụ thân Trần Hiến thành thân muộn, trừ một người ca ca ruột ra thì Trần Nhu còn có một đống lớn đường huynh đệ và đường tỷ muội khác [*]. Năm nay nàng mới mười lăm, mấy đường tỷ muội khác cũng đã tới lúc phải được gả đi, có mấy vị phu nhân đang tính toán chuyện lựa chọn nhà phu quân tương lai cho các cô nương trong nhà.

[*] Đường tỷ muội: “đường” là anh em họ có cùng họ, “biểu” là anh em họ khác họ.

Nửa tháng trước, trùng hợp là vào ngày sinh thần của Trần Hiến, Nhị phu nhân và Trần lão phu nhân thương lượng mượn dịp này để tổ chức một bữa tiệc lớn, mời con cháu các nhà đến, hòng xem xét nhà phu quân tương lai cho các cô nương.

Cơ thể Trần Nhu ốm yếu, ban đầu Trần Hiến không muốn nữ nhi ruột xuất hiện trong tiệc sinh thần, nhưng Trần Nhu đã mười lăm rồi, nào có chuyện cứ ở trong viện của mình mãi như thế được.

Trần thất cô nương chưa bao giờ xuất hiện trước mặt người ngoài, ấy thế mà nay lại gảy một khúc đàn trong bữa tiệc sinh thần của cha, tài nghệ lẫn dung nhan làm chấn động tứ phương, ngày hôm sau còn có người đồn rằng, Trần thất cô nương quốc sắc thiên hương, chính là đệ nhất mỹ nhân thành Trường An.

Cũng trong bữa tiệc sinh thần này, Trần Nhu đã quen Ngũ hoàng tử Lý Hãn.

Hai người đều có thiện cảm với đối phương, họ trở thành tri âm, Ngũ hoàng tử sưu tầm đàn cổ, phổ nhạc cổ vì nàng, vậy nên, càng ngày, quan hệ giữa họ càng thân thiết hơn.

Mấy ngày trước nàng đã nghe ca ca Trần Trưng nói rằng, hôm nay bọn họ sẽ đến đài Phi Trì đánh mã cầu [*], Ngũ hoàng tử cũng sẽ đến, Trần Nhu đang buồn chán ở trong nhà bèn quyết định mặc nam trang ra ngoài xem ca ca đánh mã cầu.

[*] Mã cầu (马球): môn thể thao cưỡi ngựa đánh bóng.

Người dân Trường An cởi mở, dù có là tiểu thư nhà quan hay là nữ tử bình dân, thì việc họ mặc nam trang hay y phục của người Hồ rồi lên phố du ngoạn cũng đã là chuyện mà người ta nhìn mãi thành quen, mấy tỷ muội khác của Trần gia, hoặc nhiều hoặc ít cũng đã từng làm những chuyện như vậy, trưởng bối cũng không trách móc nặng nề gì, chỉ phê bình vài câu ngoài miệng rồi lại thôi.

Nhưng, với Trần Nhu của năm mười lăm tuổi mà nói, thì đây chính là lần đầu tiên.

Cơ thể Trần Nhu ốm yếu, đã mang theo bệnh ngay từ trong bụng mẹ, từ nhỏ đã phải cẩn thận chăm lo cho sức khỏe của mình, hơn nửa số ngày trong năm là triền miên trên giường bệnh, cho đến năm nàng mười hai tuổi, phụ thân tìm được một lão thần y, nàng uống thuốc ba năm, cuối cùng thì cũng đã được trị khỏi bệnh.

Bấy giờ bệnh tật mới không khiến nàng bị gò bó nữa, để nàng ra ngoài đạp thanh du ngoạn như các cô nương khác trong gia đình.

Trần Nhu nói muốn đi xem đánh mã cầu, đám nha hoàn bà tử thân cận của nàng cũng không can ngăn, họ chỉ gọi người chuẩn bị xiêm y ra ngoài trước.

“Thất cô nương thay bộ y phục này vào trông giống hệt như một chàng thiếu niên tuấn tú vậy.”

Trần Nhu mặc nam sam bằng vải gấm màu trắng như tuyết, dù là vạt áo hay cổ áo thì đều có rất nhiều hoa văn mây bạc mờ mờ, mái tóc dài đen nhánh được cột cao bằng dây cột bạch ngọc, bên hông là một chiếc tua rua màu xanh lơ, được điểm xuyết bằng một chiếc nhẫn bạch ngọc trong suốt.

Eo nàng cực nhỏ, thon thả đến nỗi, chỉ cần một tay thôi là có thể ôm trọn, lại nhìn má phấn môi son, mắt ngậm nước thu, quả thật là xinh đẹp quyến rũ đến mức khó lòng mà diễn tả ra thành lời.

Trần Nhu nghĩ thầm: Trừ phi mắt bị mù, nếu không thì có ai không nhìn ra đây là một nữ tử kiều diễm đâu chứ.

Mông ngựa này lại vỗ lên hẳn chân ngựa nữa rồi.

Nàng cũng không có ý muốn cải nam trang, chỉ đơn thuần là muốn thuận tiện cho việc ra ngoài đi dạo, vậy nên cũng không quá để ý mình đã được “hóa trang” như thế nào, chỉ là, nàng cảm thấy dáng vẻ này thu hút quá nhiều sự chú ý.

Trời sinh Trần Nhu có làn da cực kỳ trắng mịn, kiểu trắng của nàng khác với Hồ cơ [*] mũi cao da trắng, mà là kiểu trắng của bạch ngọc mềm mịn trong suốt, là làn da như tuyết, cực kỳ mềm mại, là làn da đã được nâng niu từ tấm bé, nhìn vô cùng mịn màng, đứng trong đám người mà muốn không gây chú ý cũng khó.

[*] Hồ cơ: Cơ ở đoạn này chỉ kỹ nữ người Hồ.

Nhưng nàng không muốn mình chỉ vừa ra tới cửa thôi mà đã bị vô số đôi mắt nhìn chằm chằm vào.

Dù rằng, có khi là đang ở trong mơ…

Trần Nhu nhíu mày.

Bệnh lâu thành lương y.

Nàng tìm một loại thuốc bột cao màu vàng rồi bôi lên làn da của mình, rất nhanh sau đó, làn da lộ ra bên ngoài trở nên ảm đạm và vàng vọt, nàng lại lấy than dùng để vẽ mày quẹt qua quẹt lại vài cái trên mặt mình, bấy giờ, dung mạo và ngũ quan đã không còn xuất chúng, không còn khiến người ta chú ý như trước nữa.

Nhạn Thư ngồi bên cạnh không ngăn cản gì, ngược lại, nàng ấy còn giơ ngón tay cái lên: “Kỳ diệu quá đi mất! Thất cô nương, bây giờ trông người còn có thêm ba phần anh khí nữa đấy ạ!”

Trần Nhu: “…”

Đôi lông mày đẹp đẽ của nàng nhướng lên: “Em có muốn thử không?”

“Muốn ạ!”

Đại nha hoàn Nhạn Thư này của nàng cũng có rất ít cơ hội được khoác lên mình một thân nam trang để ra ngoài, vậy nên nàng ấy vô cùng xem trọng lần ra ngoài cùng cô nương này.

Nàng ấy đã phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giữa các nha hoàn mới có được công việc này.

Chủ tớ hai người thay y phục, mấy đứa nha hoàn Văn Cầm, Tư Kỳ, Cẩm Họa cười cười vây lại trêu ghẹo, khi thì muốn treo túi thơm cho hai người, khi thì lại nói là muốn đeo đai buộc trán, rồi lại có khi nói là lấy quạt xếp cho,…

“Ngày mưa xuân lành lạnh còn cầm theo quạt làm gì, không chê quạt cho mặt ngươi thành gió Tây Bắc hiu quạnh à.”

“Ngươi không hiểu rồi, quạt xếp phong nhã là do ta gấp rút tạo ra để kịp cho lần đầu tiên mặc nam trang của Thất cô nương đó.”



Trần Nhu ngẩn ngơ nhìn mấy nha hoàn đang trêu đùa nhau trước mắt mình, mấy hình ảnh trong mơ liên tiếp chớp hiện, nếu như hai mươi năm đã qua kia chỉ là một giấc mơ, thì vì sao nàng đã tỉnh lâu như vậy rồi mà những ký ức đó vẫn chưa hề biến mất, trái lại là nó còn càng lúc càng rõ ràng hơn.

Nàng có một thứ cảm giác hốt hoảng tựa như “khi mơ về lại thuở thiếu thời, cũng là lúc ta đang trong thời thiếu niên”.

Nàng là Trần Nhu ba mươi lăm tuổi, hay là Trần Nhu mười lăm?

“Thất cô nương? Người sao vậy ạ?”

Bỗng nhiên thấy Trần Nhu không hào hứng cho lắm, mấy nha hoàn mặt đối mặt mà nhìn nhau tự hỏi.

“Không sao.” Trần Nhu dời mắt, từ chối mấy thứ như túi thơm rồi đai buộc trán gì gì đó: “Cẩm Họa, em lấy thanh kiếm của ca ta tới đây đi.”

“Ca ca” trong miệng Trần Nhu chỉ có thể là Trần gia Tứ lang, ca ca ruột thịt của nàng, Trần Trưng.

Cẩm Họa ngẩn ra, mấy người còn lại cũng mang vẻ mặt ngẩn ngơ y như thế, Cẩm Họa không nói gì, quay đầu nghe lệnh, Nhạn Thư thì có tính cách hoạt bát, nàng ấy nhanh miệng nói: “Hai thanh nhé, ta cũng muốn.”

Cẩm Họa mang hai thanh bảo kiếm màu bạch ngọc tới, trên thân kiếm cột một chiếc tua rua màu đỏ.

Trần Nhu nắm thanh trường kiếm trong tay, bỗng có một cơn lạnh lẽo xuyên thấu lòng bàn tay, bấy giờ nàng mới cảm nhận được chút chân thực.

Nhạn Thư nói: “Vẫn là nhờ có Thất cô nương có chủ kiến, xứng với bảo kiếm, đúng là lang quân tiêu sái.”

Rồi nàng ấy lại chắp tay hành lễ: “Thuộc hạ bái kiến Thất công tử.”

Bởi vì động tác của nàng ấy quá sức khoa trương, lại không rũ bỏ được khí chất của nữ nhi nên động tác này có vẻ dở ông dở thằng, không chỉ chọc cười đám Tư Kỳ, ngay cả Trần Nhu cũng cười theo.

“Không còn sớm nữa, Thất công tử và Nhạn thị vệ nhanh chóng ra ngoài đi, nếu không thì sẽ trễ mất thôi.”

Văn Cầm đứng cạnh cười nhắc nhở, trong đám nha hoàn, nàng ấy luôn là người nhã nhặn hướng nội, khí chất ngời ngời nhất, bây giờ nàng ấy đang ôm một cây thất huyền cầm trong lòng.

Mặt của cây cầm này được làm từ ngô đồng, đáy được làm từ gỗ tím, toàn thân đen nhánh, tên là “Cửu Cung”, trông bề ngoài thì đơn giản, không màu mè gì, nhưng thật ra là nó rất có giá trị, được danh gia Tạ Ninh chế tác ra, âm sắc cực kỳ tuyệt mỹ.

Chưa nói đến chuyện cây đàn này đẹp đẽ và quý giá đến nhường nào, chỉ nói đến chuyện, cây đàn này do đích thân Ngũ hoàng tử Lý Hãn tặng cho cô nương nhà mình thôi là đã đủ.

Thất cô nương rất thích thanh âm của nó, mỗi ngày đều phải gảy vài bản.

Văn Cầm chịu trách nhiệm bảo dưỡng “Cửu Cung” hằng ngày, nàng ấy đang định đổi dây điều chỉnh hợp âm.

Thất cô nương muốn ra ngoài gặp ai, hiển nhiên là mấy nha hoàn biết rõ trong lòng.

“Từ từ đã.” Trần Nhu lên tiếng: “Văn Cầm, em bỏ cây đàn này ra đi, tìm cây tỳ bà của ta đã, khi về ta muốn luyện tỳ bà.”

Từ nhỏ tới lớn, nhạc cụ Trần Nhu thích nhất vẫn luôn là tỳ bà, chẳng qua là, có người nào đó cứ cười chê là nàng đàn tỳ bà khó nghe, dần dà, nàng cũng ít chơi nó lại.

Trong giấc mơ đó, có người tặng nàng vô vàn đàn tỳ bà hiếm có, chỉ là, Trần Thái hậu bộn bề chính sự, chưa từng đụng lại vào bất kỳ một loại nhạc cụ nào.

“Dạ.” Văn Cầm đáp.

“Thất cô nương, chúng ta đi mau thôi, Nhạn Thư chưa từng được thấy cảnh Đại công tử đánh mã cầu đâu ạ, chắc là tư thế của người rất oai phong mạnh mẽ, xuất sắc phi phàm, Ngũ hoàng tử càng là bậc nhân trung long phượng [*], không giống với người thường, em hận mình không thể nhìn thấy ngay lúc này, chắc chắn Thất cô nương cũng vội vã muốn thấy họ.”

[*] Người trong rồng phượng: ý chỉ người bất phàm.

Nhạn Thư dứt lời thì làm mặt quỷ, trong câu nói còn nhấn mạnh ba chữ “Ngũ hoàng tử”.

Trần Nhu không muốn thấy Ngũ hoàng tử gì gì đó, người mà giờ phút này nàng muốn gặp nhất đó chính là…

Thích Nhung.

Nàng muốn gặp Thích Nhung.

Nếu việc này bị đám Nhạn Thư biết, chắc chắn là nàng ấy sẽ nghi ngờ nàng bị điên, Thích Nhung là kẻ mà nàng không muốn gặp nhất mới phải.

Nhớ đến kẻ này cực kỳ ghét nữ tử yếu ớt nhu mì, Trần Nhu nhịn không được mà siết chặt thanh kiếm trong tay.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.