Chương trước
Chương sau
- Chính là Yến Vân.
Da Luật Đức Dung cải chính lại nói:
- Yến Vân là của chúng ta. Trong quốc thư bản đồ sở hiến Trung Nguyên lúc trước đều có ghi rõ, mười sáu châu Yến Vân mỗi tấc đất đều có thể tra ra, hiện giờ chỉ còn có mười huyện ở trong tay Nam triều.

- Không biết là quốc thư, bản đồ sở hiến của nước nào?

- Hậu Tấn Hoàng đế Thạch Kính Đường.
Da Luật Đức Dung cười nói:
- Nghe nói ngươi là Trạng Nguyên, làm sao mà ngay cả điều này cũng không biết?

- Thạch Kính Đường là ngụy đế người Hồ, làm sao có thể làm chủ cho nhà Hán chúng ta.
Trần Khác lơ đễnh cười nói:
- Đừng nói chuyện sở hiến Yến Vân của y, ngay cả chỗ đứng vững cũng không có!

- Làm sao lại không đứng vững?
Da Luật Đức Dung cười lạnh nói:
- Ngay cả trong “Ngũ Đại Sử” (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) của người Hán cũng thừa nhận Hậu Tấn chính là một vương triều, làm sao tới miệng Trần Trạng Nguyên lại chở thành ngụy đế vậy?

Triệu Tông Tích cũng âm thầm đổ mồ hôi. Đúng rồi, lúc nãy làm sao lại phạm sai lầm đơn giản như vậy?

- Còn biết “Ngũ Đại sử” nữa, đúng là không đơn giản.
Trần Khác trầm giọng nói:
- Nhưng ta dám khẳng định ngươi không hiểu rõ “Ngũ Đại sử”.
Xong lại thản nhiên cười nói:
- Trong “Ngũ Đại sử” miêu tả đoạn lịch sử này như sau. Ban đầu, Thạch Kính Đường là Hà Đông Tiết Độ Sứ của Hậu Đường, nhưng vì bị mạt đế Lý Tòng Kha nghi kị nên mưu phản. Y lo lắng thực lực mình không đủ, liền cho thư ký Tang Duy Hàn viết tấu chương cầu viện Khiết Đan: “từ đó xưng thần, phụ thuộc Khiết Đan, ước hẹn sau khi chiến thắng sẽ cắt Lư Long cùn các châu phía bắc Nhạn Môn Quan cho Khiết Đan”.

- Thái Tông Hoàng Đế Khiết Đan biểu lộ rất vui mừng, liền cho binh chi viện đánh bại Hậu Đường Trương Kính Đạt. Tháng mười một cùng năm, Thái Tông Hoàng Đế Khiết Đan làm sách thư phong Thạch Kính Đường làm Hoàng đế Đại Tấn, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, quốc hiệu Tấn, cũng tự mang áo mũ tấn phong tới, Thạch Kính Đường lập tức tiếp nhận vị trí.
Trần Khác nói xong, nghiêm nghị nhìn Da Luật Đức Dung nói:
- Đoạn lịch sử này không chỉ có sách sử của quốc gia ta ghi lại, nước Liêu cũng miêu tả chân thực. Sự thật đã được chứng minh rồi, là nước Liêu vì có mưu đồ mười sáu châu Yến Vân của chúng ta mà thông đồng với Thạch Kính Đường, ngang nhiên xuất binh Trung Nguyên, ngang ngược can thiếp nội chính Trung Quốc chúng ta. Nước Liêu không có xuất binh, cũng sẽ không có việc Thạch Kính Đường thành lập Hậu Tấn… Quan hệ nhân quả trong đây vừa xem là hiểu rõ. Từ xưa đến nay, vương triều bị dị tộc lập nên đều là ngụy đế! Thỉnh mọi người nghĩ xem, chúng ta gọi Thạch Kính Đường là Ngụy đế thì có gì sai? Cái gọi là hiến thư Yến Vân làm sao có thể có chỗ đứng?

- Đúng!
Triệu Tông Tích tinh thần hăng hái, trầm giọng nói:
- Nếu muốn nói đến nợ cũ … Mười sáu châu Yến Vân đều là của Đại Tống ta đó, người coi tính toán ra sao?

- Cái này…
Da Luật Đức Dung lúc này mới nhớ tới, một trong mười điều đàm phán với Nam triều mà các tiền bối tổng kết: “Tuyệt đối không nên cùng quan viên Nam triều so học vấn, từ nhỏ bọn họ đã uống mực để trưởng thành”. Như vậy bây giờ nên làm cái gì đây? Gã lại nghĩ tới điều thứ hai trong mười điều: “Người Khiết Đan chúng ta từ nhỏ lớn lên trên yên ngựa, phải tin tưởng vào sự cứng rắn mạnh mẽ, không cho người khác khua môi múa mép!”

- Người Hán các người rất quỷ quyệt, chúng ta nói không lại các ngươi.
Nghĩ vậy, gã lập tức định thần lại, làm ra bộ dáng lợn chết không sợ nước sôi nói:
- Chúng ta chỉ biết mười huyện ban đầu đều là của chúng ta, chúng ta nhất định phải lấy lại! Nam triều nếu không đồng ý… Chúng ta cũng chỉ có thể tự mình lấy!

- Vì mười huyện mà các ngươi canh cánh trong lòng, chúng ta đây vì mười sáu châu có phải nên sớm đã bị mất ngủ mỗi đêm hay không?
Đối với loại tống tiền trắng trợn, Trần Khác dâng lên sự tức giận trong lòng. Hắn biết đối sách chỉ có một, phải giải quyết không được nhượng bộ! Nếu lui một tấc người khác sẽ lấn lên một thước:
- Chúng ta sở dĩ kiềm chế, bởi vì năm đó tiên đế của chúng ta với tiên đế của ngươi cùng ký một hiệp ước Thiền Uyên. Năm đó Thiền Uyên đại chiến, tiên đế chúng ta nhân từ, nghĩ đến mẹ góa con côi không nơi nương tựa, nhớ đến dân chúng sinh linh đồ thán mới tha cho các người một đường sống, cũng ký kết minh ước quốc gia mà chúng ta chịu thiệt. Đại Tống chúng ta đã nói là không đổi lời, cho nên tuy rằng không thoải mái nhưng vẫn tuân thủ biên giới xác định lúc trước. Ngược lại các ngươi, người nước Liêu nổi tiếng là hết lòng coi trọng lời hứa, bây giờ lại xem minh ước của tiên đế thành giấy lộn rồi sao?

“Người này, làm sao mà giống như đã ăn thuốc nổ vậy?” Da Luật Đức Dung thầm than trong lòng, mở miệng biện bạch nói:
- Đương nhiên không có, chúng ta chỉ muốn lấy lại lãnh thổ thuộc về mình, cũng không có ý định phá bỏ minh ước.

- Các người một hai đòi cắt đất, chính là đã phá hỏng minh ước, “Hiệp ước Thiền Uyên” vì vậy mà mất đi hiệu lực!
Triệu Tông Tích quả quyết nói:
- Nếu quả thực là vậy thì cắt đất chỉ là lấy cớ, Nam triều chúng ta quyết không đáp ứng, chỉ có thể nói chuyện bằng binh đao thôi !

“Làm sao Nam triều lại phái hai kẻ lỗ mãng này đến đàm phán vậy?” Da Luật Đức Dung là người hào hoa phong nhã, có lý cũng phải nhượng ba phần giống sĩ phu Đại Tống. Đối với hai tên tiểu tử khốn kiếp hô đánh kêu giết này cảm thấy rất không thích ứng, lão nhíu chặt mày lại nói:
- Ôi, Nam triều các ngươi sao cứ cố chấp như vậy, rõ ràng là không chịu nghĩ cách giải quyết vấn đề…

Trần Khác và Triệu Tông Tích thiếu chút nữa là nổi giận, còn có người vô sỉ hơn mình sao? Không biết là ai khởi sự trước? Lại nói chúng ta không phối hợp, hay là chúng ta nên mài đao giúp các ngươi, sau đó ngửa cổ chờ chết?

Hai người điều chỉnh lại tâm tình hơn nửa ngày, mới nhịn được không chửi ầm lên:
- Vốn hai nước bình yên vô sự, chung sống hòa thuận, nhưng Bắc triều không có việc gì đột nhiên chạy đến Nam triều chúng ta sinh sự, yêu cầu cắt lãnh thổ của chúng ta! Chúng ta không trực tiếp phát binh chống cự là đã rất có thành ý rồi, có vấn đề thì cũng là vấn đề của các ngươi, muốn giải quyết cũng không đến phiên chúng ta làm!

Da Luật Đức Dung suy nghĩ nửa ngày, phát hiện mình không biết đối đáp như thế nào, gấp đến mức vò đầu bứt tai. Lúc này, Phó sứ Lý Anh bên cạnh lão vẫn trầm mặc, cuối cùng cũng phải mở miệng lên tiếng:
- Muốn nói đến phá hỏng Hiệp ước Thiền Uyên, là do người Nam triều trước chứ không phải là Bắc triều chúng ta.
Nghe y nói một câu tiếng Hán rõ ràng, hiển nhiên không phải là người Khiết Đan, mà là xuất thân từ quan Nam Diện (tên chức quan của nước Liêu) người Hán của mười sáu châu Yến Vân.
- Các ngươi tích góp bùn ở cửa biển, lợi dụng sông ao hồ đắp bờ trữ nước từ phía tây của tây bắc Bảo Châu đến phía đông, hình thành đầm bùn lầy hai trăm dặm, không phải là để hạn chế kỵ binh Bắc triều chúng ta sao?

- Các hạ là người ở nơi nào?
Nghe xong lời Lý Anh nói, Trần Khác hỏi một câu không đầu không đuôi.

- U Châu.

- Là người Hán?

- Phải…
Hàm răng Lý Anh thoáng run lên, chợt trợn mắt nói:
- Nhưng tổ tông của ta đều là con dân của nước Liêu, ta lại là đại thần của nước Liêu.

- Đừng kích động, đừng hiểu lầm.
Trần Khác nâng chén trà lên nhấp một ngụm nói:
- Ý của ta là, nếu là người Hán thì nên hiểu rõ ràng hơn so với người Khiết Đan, người Hán của ta là dân tộc trồng trọt, chuyên môn làm việc đồng áng. Làm sao để thích hợp trồng trọt, chúng ta trồng trọt ở nơi nào. Ban đầu hai nước giao chiến, đồng cỏ Hà Bắc ngàn dặm phì nhiêu không thể trồng trọt nên mới để hoang như thế.Sau hiệp ước Thiền Uyên, song phương trở thành lân bang hảo hữu, dân chúng cảm thấy yên tâm ở biên cảnh nên ở nơi này khai hoang thủy đạo, có gì sai nào?
Dừng một chút nói:
- Nếu cảm thấy quá thiệt thòi, các ngươi có thể khai hoang ở Bạch Câu Hà Bắc mà? Nếu không biết trồng trọt, với tình hữu nghị, triều đình của chúng ta có thể cung cấp kỹ thuật để giúp đỡ…

Triệu Tông Tích phải cố nén lắm mới có thể không cười thành tiếng, trong lòng cũng trút được giận… Chẳng lẽ người Liêu các ngươi nói chuyện không giữ chữ tín được sao…
- Đó cũng không phải hành động của dân chúng, mà có quân đội Nam triều tham dự vào trong đó!
Lý Anh cả giận nói.

- Sự tình phía nam sông giáp ranh làm sao các ngươi biết được?
Trần Khác vẻ mặt kỳ quái nói:
- Hay là các ngươi phái gián điệp tới?

- Việc này là cả thiên hạ đều biết!
Lý Anh cũng nói không lại Trần Khác, thẹn quá hóa giận nói:
- Bất kể như thế nào đi nữa, các ngươi làm như vậy đều làm cho dân chúng nước Liêu rất bất an. Các đại thần đều nói muốn trực tiếp xuất binh, một trăm ngàn thiết kỵ, mỗi người một bao đất lấp tất cả ao hồ của các ngươi! Nhưng Hoàng đế bệ hạ chúng ta lấy nhân từ làm gốc, cảm thấy chúng ta nên nói trước với quan thổ địa Nam triều, nếu như triều Tống các ngươi không đáp ứng thì sẽ xuất binh cũng không muộn. Việc này không thể thương lượng, các ngươi không đáp ứng, chúng ta chỉ có thể nói chuyện bằng binh đao thôi!

Người nước Liêu là như vậy. Tuy nói đạo lý nhưng cũng không thèm để ý đến đạo lý, một chút phẩm vị cũng không có. Trần Khác mỉm cười một tiếng, nói:
- Bây giờ, ta thật sự không biết các ngươi là trung thần hay gian thần của nước Liêu nữa.

- Đừng có châm ngòi ly gián!
Lý Anh như như bị giẫm lên đuôi, âm điệu nhất thời cất cao, nói:
- Da Luật đại nhân chính là người Hoàng đế Đại Liêu tín nhiệm nhất. Mà ta, lại là người Da Luật đại nhân tín nhiệm nhất!

- Vậy hai người các ngươi đều là đồ ngu rồi!
Trần Khác hừ lạnh một tiếng nói:
- Các ngươi muốn đẩy Hoàng đế Bắc triều vào tình thế nguy hiểm đây mà!

Cái gì gọi là nói chuyện giật gân! Đó chính là nói làm người khác sợ đến mức dựng tóc gáy lên. Da Luật Đức Dung cũng chẳng buồn truy cứu hắn vô lễ, mặt tối sầm lại hỏi:
- Tại sao lại nói như vậy?

- Ngươi có nghĩ tới, sau khi khai chiến, quan hệ giữa thần tử và Hoàng đế nước Liêu sẽ biến hóa như thế nào so với bình thường không?
Trần Khác dẫn dắt từng bước nói:
- Quốc gia các ngươi thực hành chế độ động viên binh lính “giấu binh trong dân”. Ngoài trừ mấy vạn quân bì thất (thị vệ thân quân nước Liêu) của Hoàng đế, dưới tay vương công quý tộc cũng không có quân đội, cho nên Hoàng đế mới có thể ngồi vũng vàng trên cái ghế đó. Nhưng một khi tiến vào thời chiến, thủ hạ của ông sẽ có hai triệu ba trăm ngàn đại quân, vượt xa quân bì thất trong tay Hoàng đế… Theo ta được biết, phụ tử điện hạ Hoàng Thái Thúc của các ngươi nắm chức Thiên hạ binh Mã đại nguyên soái (chức quân cao nhất của TQ),Xu Mật Sứ Nam Bắc viện, nắm giữ toàn bộ quân đội.

- Đến cùng là ngươi muốn nói cái gì?
Da Luật Đức Dung cảm thấy sốt ruột không hiểu.

- Ta muốn nói là có phải các ngươi muốn tạo cơ hội cho phụ tử bọn họ nắm giữ quân đội?
Trần Khác âm trầm nói:
- Nếu không phải, các ngươi có từng nghĩ đến an nguy của Hoàng đế nước mình chưa?

- Ngươi chỉ nói bậy bạ.
Da Luật Đức Dung khóe miệng co giựt nói:
- Hoàng Thái Thúc đối với bệ hạ trung tâm như một, ngươi có biết lão đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội đăng ngôi không?

- Đó là do trong tay lão không có quân đội, mà phụ tử bệ hạ các ngươi có quân bì thất.
Trần Khác cười ha ha nói:
- Không tin các ngươi cho lão nắm quân đội cả nước thử một lần, đây mới là đá thử vàng kiểm nghiệm sự trung thành, xem coi Hoàng Thái Thúc có khởi binh thanh trừng hay không…

Nghe Trần Khác nói xong, Da Luật Đức Dung có chút bối rối. Vì để cho lão càng hiểu thêm được điểm này, Trần Khác quy kết vấn đề thành một câu:
- Cùng duy trì hòa bình với Đại Tống, vị trí Hoàng đế của các ngươi sẽ vô cùng vững chắc. Nếu như cùng Đại Tống khai chiến, Hoàng đế của các ngươi có nguy cơ bị đoạt vị. Xin hỏi, cuối cùng là ai nghĩ ra chủ ý ‘tốt’ này vậy?

Da Luật Đức Dung sắc mặt trắng bệch. Lão sẽ không nói cho Trần Khác biết, người lần này khuyên Hoàng đế bọn họ nhân lúc cháy nhà đi hôi của chính là con trai Niết Lỗ Cổ của Da Luật Trọng Nguyên…

- Hơn nữa, Đại Tống chúng ta là quả mềm cho người khác tùy ý nắn bóp sao?
Triệu Tông Tích trầm giọng nói:
- Năm đó, các ngươi có Thánh Tông Hoàng Đế, có Tiêu Thiên Hậu, còn có danh tướng Da Luật Chẩn, còn trong cảnh nội Đại Tống chúng ta sứt đầu mẻ trán. Lúc trước nếu tiên đế của chúng ta nghe theo các tướng quân đề nghị, phái binh chặn đường lui của các ngươi, bộ tộc Khiết Đan của các ngươi có còn hay không còn chưa biết!

Dừng một chút, y cao giọng nói tiếp:
- Hiện giờ trong ngàn dặm Đại Tống, trăm vạn tinh binh, thuế ruộng vô số, pháp lệnh có kỷ cương, trên dưới một lòng. Người Khiết Đan các ngươi muốn khai chiến, có chắc chắn nắm phần thắng sao?

- Không có.
Da Luật Đức Dung thành thật trả lời, rồi xoay chuyển nói:
- Nhưng chúng ta liên hợp hai nước, hai mặt giáp công, nhất định có thể chiến thắng.

- Có Thổ Phiên kiềm chế Tây Hạ, bọn họ dám dốc hết lực sao?
Triệu Tông Tích cười lạnh nói.

- Thổ Phiên đã bàn bạc với Đại Liêu ta liên hôn rồi.
Da Luật Đức Dung lần đầu tiên lộ ra vẻ tươi cười nói:
- Làm sao có thể giúp người ngoài được?

- Đạo lý môi hở răng lạnh, người Thổ Phiên vẫn hiểu đấy.
Triệu Tông Tích mỉm cười nói:
- Nếu không có Đại Tống của ta, bất luận là nước Liêu như hổ, hay là Tây Hạ như sói đều ăn sạch bọn họ!
Dừng một chút, trong mắt y thần quan rạng rỡ nói:
- Nếu quý sứ không tin, cứ lập tức trở về triều, hai bên chỉnh binh chuẩn bị giao chiến, nhìn xem đến cùng là lời tiên đoán của ai sẽ trở thành thật đi…
Từ dịch quán đi ra, Triệu Tông Tích phỉ nhổ:
- Thật là sảng khoái…

- Lúc này còn chưa được đâu.
Trần Khác không vui nói:
- Mồm mép chúng ta chiếm thượng phong, cũng không thể thay đổi việc chúng ta bị uy hiếp.
Xong hắn đấm thật mạnh vào vách xe nói :
- Có câu nói ‘Không ngoại giao nước yếu’, chỉ cần trên chiến trường Đại Tống không thắng được bọn họ, người nước Liêu bất cứ lúc nào cũng có thể làm chúng ta ấm ức !

- Đúng vậy.
Triệu Tông Tích đồng tình nói:
- Đại Tống của ta lại bị uy hiếp như vậy, thật sự vô cùng nhục nhã!

- Ừ.
Trần Khác gật đầu nói:
- Sớm muộn gì cũng có một ngày ta trả lại cho bọn chúng gấp bội.

- Đúng, trả lại gấp bội!
Triệu Tông Tích kích động, lại nhớ tới hiện thực nói:
- Ngươi nói tiếp theo thì sẽ như thế nào?

- Da Luật Đức Dung nhất định sẽ báo cáo lên Liêu chủ, ta nghĩ bọn họ không có khả năng bỏ ý đồ.
Trần Khác thản nhiên nói:
- Bằng không, mặt mũi nước Liêu còn để ở chỗ nào? Bọn họ làm sao có thể duy trì thể diện của một cường quốc quân sự.

- Cho nên nói…
Triệu Tông Tích có chút minh bạch nói.

- Tất nhiên sẽ đưa ra rất nhiều điều kiện.
Trần Khác thản nhiên nói:
- Nhớ lúc trước bọn họ nói, cắt đất hoặc là đền tiền, nếu không đồng ý cắt nhường mười huyện sẽ phải cống tiền hàng năm lên tới năm triệu lượng. Ta nghĩ, bước tiếp theo chính là ra giá trên trời, trả tiền ngay tại chỗ. Năm triệu là không thể nào rồi, nhưng mất đi một số không mà nói, đám tướng công nhất định sẽ vui mừng vô cùng.

- Chúng ta bác bỏ các lý do cắt đất của bọn chúng đi.
Triệu Tông Tích nói:
- Bọn họ còn mặt mũi đòi tiền?

- Muốn tiền thì còn cần cái gì mặt mũi?
Trần Khác mỉm cười nói:
- Hơn nữa người Liêu cũng hiểu thấu rồi. Triều đình của chúng ta rất nhiều đại nhân vật cho rằng bỏ tiền ra mua hòa bình thì rất đáng! Dù sao cũng không phải tiền cho bọn chúng xuất ra.

Phải nói , tiền cống hàng năm của triều Tống đều tồn tại hai loại ý kiến bất đồng. Một là cho rằng “Lấy tiền đổi hòa bình rất đáng!”, phái chủ trương này ở nhóm các quan văn, nhất là bên trong các quan lớn. Theo bọn chúng, bất kì việc gì ở biên cảnh, hàng năm đều thu thuế đạt được trên dưới hai triệu quan, chính là thêm mấy vạn lượng tiền cống hàng năm, nếu có thể đổi được cái gọi là “Hòa bình” thật sự rất đáng giá. Đánh giặc nhiều không tốt lại nguy hiểm, lại không thể hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp này, còn phải ở cùng một đám binh lính chán ghét.

Mặc dù biết không thể đoạt lại mười sáu châu Yến Vân, nhưng Đại Tống vẫn còn một mối nguy cơ rình rập bên cạnh. Có thể bọn họ muốn là làm sao có thể kéo dài thời gian nguy cơ rình rập đó đến, ít nhất là không phải trong thời gian mình đảm nhiệm.

Còn một loại khác là những quan viên trẻ tuổi vẫn còn nhiệt huyết cùng với dân chúng “không hiểu rõ tình hình”, Bọn họ xem người Liêu là đại địch sinh tử, nằm mơ cũng muốn thu phục Yến Vân… Tỷ như Triệu Tông Tích bây giờ, chỉ nghe y nghiến răng nghiến lợi nói:
- Năm triệu quan đã quá nhiều, ta không cho phép tiền này nhiều hơn một đồng!

- Việc này sợ là ngươi không thể quyết định.
Trần Khác than nhẹ một tiếng. Loại thái độ này của Tông Tích, sợ là bị các đại nhân vật xem là khuyết điểm “Không chín chắn, quá kích động”. Hay là họ cảm thấy sĩ phu bình ổn như Triệu Tông Thực càng khiến bọn họ thích hơn?

Vậy gần như đã thống nhất được… Xe ngựa dừng lại ở trước cửa Trần phủ, Triệu Tông Tích muốn vào cung hồi báo, Trần Khác cũng không cần phải đi cùng y vào.

Đưa mắt nhìn đoàn xe đi về hướng hoàng cung, Trần Khác cũng không vào cửa mà đi lên xe ngựa đã sớm chờ ở trước cửa nhà mình:
- Đi Nhất Phẩm lầu.

Phu xe liền cho xe đi về hướng Thập Tam Hành Phố. Xe ngựa đi qua cầu Đắc Thắng, rẽ qua phía tây. Trên đường cái Nam môn liền gặp một mảnh phố xá phồn hoa, những cửa hiệu dựng lên đều tăm tắp. Trước cửa những hoan lầu treo các màu sắc khác nhau, tựa như đóa hoa mùa xuân đua nhau khoe sắc, ai cũng không chịu thua. Trước cửa còn có những nữ tử trang điểm xinh đẹp đứng đó, tiếng mời gọi rất uyển chuyển dễ nghe tựa như trăm chim ganh tiếng. 

Cảnh tượng bình thường này lại không bình thường. Nói nó là bình thường là bởi vì trong thành Biện Kinh này, so về độ lớn thì lượng phố xá náo nhiệt cũng không ít. Nhưng nó không bình thường là bởi vì tại hai năm rưỡi trước đây, nơi này vẫn là một đống hoang tàn, lâu hơn một chút thì là một khu dân sống bằng lều.

Cảnh tượng trước mắt này được như vậy là nhờ sự giúp đỡ cải tạo Thập Tam Hành Phố, cũng là do tài chính của Biện Kinh đột nhiên quá thừa. Tiền này vốn cất trong nhà các nhóm phú hào lắm tiền, tức thì tuôn vào thị trường, thứ nhất đã kích thích mọi người tiêu phí, thứ hai là đầu tư lớn, cho nên những cửa hàng này từ đó mọc lên như nấm.

Xe ngựa ở một góc đường, ngừng trước một tòa lầu bốn tầng xa hoa quý phái, nơi này chính là ‘Nhất Phẩm lầu’ mà Truyền Phú mở. Năm đó, Truyền Phú mang giấc mộng mở một thiên hạ đệ nhất tửu lầu, y đến thành Biện Kinh dốc hết tất cả để xây Nhất Phẩm lầu này. Trần Khác lại giúp y có được ngự bút đề tên tửu lầu, đương nhiên tên tuổi được đánh bóng.

Nếu chỉ có tấm bảng, mà không có được món ngon chân thật thì khẳng định cũng không thể mở lâu dài. Tuy nhiên, Truyền Phú này được xưng là đệ nhất đầu bếp ở Xuyên. Y không chỉ trò giỏi hơn thầy, mà còn đem những tri thức quản lý tửu điếm học được của Trần Khác nắm giữ thuần thục, thành Biện Kinh đúng là sân khấu để y thi triển quyền cước tốt nhất.

Hơn hai năm qua, người trong nghề không nghĩ Nhất Phẩm lầu sẽ kinh doanh được như vậy, song nó càng ngày càng kinh doanh tốt hơn. Danh khí ngày càng lớn, hiện giờ đã vượt qua những tửu điếm danh tiếng như Ngộ Tiên lầu, Thái Bạch Cư. Tiếp đến là Phàn lầu, mặc cho hai cửa hàng nổi danh như vậy, nó cũng được xưng là thiên hạ đệ tam.

Không có biện pháp khác, hai nhà kia đều là những lão điếm đã hơn trăm năm, không phải dễ dàng mà vượt qua như vậy…

Lúc này Truyền Phú ra đón, Trần Khác thu hồi suy nghĩ của mình. Nhìn đại đệ tử đang mở cửa, hắn cười nói:
- Ông chủ Thái, lại phát tướng nữa rồi hả?

- Sư phụ, người cũng không phải không biết đồ đệ mà.
Thái Truyền Phú cười nói cộc lốc:
- Càng làm mệt thì lại càng muốn ăn, càng ăn thì lại càng béo.

- Xem ra thật sự là mệt muốn chết rồi.
Trần Khác cất tiếng cười to nói:
- Đi, xem cửa hàng của ngươi kinh doanh như thế nào.

- Sư phụ, mời vào.
Thái Truyền Phú không khỏi khẩn trương lên.

Đi vào cửa hàng, ngửa đầu liền nhìn thấy một tấm biển được ngự bút “Nhất Phẩm giang sơn” vô cùng bắt mắt. Lúc trước khách nhân tới, mười phần hết chính phần là vì tấm biển này.

Trong tửu điếm được trang hoàng tráng lệ, thảm len màn gấm treo trùng trùng, những cây cột được chạm trổ khéo léo vô cùng. Kết cấu trước có lầu các, sau có đài cao. Trong lầu các đặt riêng mấy chục phòng đơn, rộng rãi thoải mái, trang trí thanh nhã. Đài cao là nơi ca múa, dưới đài có khoảng một trăm chỗ ngồi, có nghệ kỹ biểu diễn để cho khách nhân vui chơi giải sầu.

Lúc này là giờ cơm, trên tửu lầu đã sớm chật ních. Thanh âm cụng rượu, nói chuyện, thêm với tiếng đàn trên đài cao, huyên náo không khác gì phố xá … Vô cùng náo nhiệt, đúng là đặc điểm của tửu lầu đời Tống. Càng náo nhiệt thì càng chứng minh mình kinh doanh tốt, nếu yên lặng thì nhất định là kinh doanh đã xảy ra vấn đề.

Truyền Phú dẫn Trần Khác đi vào một tĩnh phòng có tranh vẽ trên trần, trong phòng trang trí thanh nhã.

Trong phòng, trên bàn gỗ đã trải sẵn một khăn bàn nhỏ bằng lụa màu ngà. Trên bàn bày biện chén bát chỉnh tề, khảm bạc, khăn lụa. Trên bốn ghế lưng cao đã trải sẵn đệm ghế bằng nhưng đỏ, bên cạnh ghế dựa lại không có ghế thấp bằng gỗ trắc hình trống dành cho ca kỹ bồi tửu.

Trong phòng đã có sẵn một nam một nữ, hai người đứng ở bên cạnh bàn cung nghênh Trần Khác đến.

- Thật có lỗi đã đến chậm.
Trần Khác chắp tay cười nói:
- Khiến ông chủ Trì, Khinh Hành thủ chờ lâu rồi.

Cặp mắt gợi tình thầm kín, thân như ngọn liễu trước gió, xinh đẹp tuyệt sắc, đúng là Khinh Mị Nhi đã cách biệt mấy năm. Hai năm trước nàng đứng thứ mười trên bình hoa bảng như ý nguyện, đương nhiên nghe được một tiếng “Hành thủ” thì khuôn mặt u ám lại:
- Không thể ngờ công tử lại kêu nô gia là Hành thủ, thật là xa lạ.

Làm Trần Khác vừa thoải mái vừa lại thấy xấu hổ, hắn cười nói với nam tử hơn năm mươi tuổi kia:
- Trì lão bản, Khinh Hành thủ đã chê cười ta rồi.

Ông chủ kia gọi là Trì Vân Sơn, là lão bản của thiên hạ đệ nhất tửu lầu Phàn lầu, mà ngay cả người bán hàng rong cũng đều biết rằng lão bản Phàn lầu không phải là nhân vật thường. Bình thường lão sẽ không đặt chân vào địa bàn của người cùng nghề, nhưng Trần Khác đã gửi thiệp mời, Trì lão bản cũng chỉ đành ngoan ngoan tới hẹn…

Trì Vân Sơn thu hồi sự lo âu trong lòng lại, trên mặt nở nụ cười, cung kính nói:
- Không biết đại nhân gọi tiểu nhân đến có gì chỉ bảo.
Đối với một người lõi đời, có bối cảnh sâu như Trì ông chủ thì một quan viên lục phẩm trung tầng không đáng cung kính như vậy. Nhưng đối với một người mới hơn hai mươi tuổi, xuất thân Trạng Nguyên, lại là quan viên lục phẩm lập công lớn, lão cũng không dám chậm trễ chút nào.

- Trì lão bản, mời ngồi.
Trần Khác khẽ vươn tay, mời Trì Vân Sơn vào một phòng trang nhã, cười nói:
- Khinh Hành thủ cũng ngồi đi.

Đợi mọi người đã ngồi xuống, liền có một thị nữ xinh đẹp động lòng người bưng lên một chậu đồng, chén trà mời khách nhân xúc miệng. Bọn sai vặt mặc áo xanh, đội mũ cũng nhẹ nhàng mang thức ăn lên. Theo thường lệ là tám loại trái cây, tám món tươi và tám món mặn.

Nói như vậy, xem kịch nhắm thức ăn chỉ là để làm đẹp cho yến hội thôi, khách nhân cũng sẽ không đụng đũa. Nhưng ở lục đại danh lầu Biện Kinh… bây giờ đã có đến bảy danh lầu. Sở dĩ có thể nổi danh thiên hạ, là do mỗi chi tiết đã tốt còn muốn làm tốt hơn, mỗi nhà bọn họ đều có một tuyệt chiêu riêng đặc biệt. Ví dụ như lão bản của Phàn lầu là tám món trái cây là mật trấp mai nhục (thịt heo tẩm mật ong),hạnh vụn, mơ gừng, rau diếp, dưa chuột giới tử, quảng giới anh đào, lê rim đường, táo xắt lát… Có thể gom góp đủ trái cây khắp trời nam biển bắc ở thời đại này thật sự là rất khó.

Mà mâm đựng trái cây của Nhất Phẩm lầu ngay cả Phàn lầu cũng không sánh bằng… Mãng cầu dai, mận, mít, thanh long, dứa, chuối, dừa là những hoa quả chỉ có ở phương nam, chỉ có Nhất Phẩm lầu dựa vào biện pháp đặc biệt của hiệu buôn Tứ Hải để vận chuyển đến kinh thành.

Trì Vân Sơn hôm nay đến Nhất Phẩm lầu, tuy là chỉ đáp ứng lời mời của Trần Khác, nhưng cũng không khỏi muốn dò xét Nhất Phẩm lầu mới xuất hiện này có thực lực ra sao mà phất lên nhanh như thế? Dùng con mắt chuyên nghiệp của lão xem, bài trí và trình độ phục vụ của tửu lầu thật sự rất cao, rất nhiều chỗ đáng để Phàn lầu tham khảo. Nói ví dụ như những thị nữ và người hầu nam trẻ tuổi, không quá mức ân cần, nhưng cũng không quá lạnh nhạt với khách nhân, di chuyển chén bát không có một tiếng vang. Hơn nữa toàn bộ bốn tầng trên lầu đều có hiệu quả cách âm tốt, khác với sự ồn ào náo nhiệt phía dưới một trời một vực, làm cho người ta có loại cảm giác mình ở một đẳng cấp cao quý.

Lão đang chăm chú thưởng thức chỗ độc đáo của tửu lầu này, Trần Khác lại mở miệng:
- Lần này mời Trì lão bản đến chủ yếu là muốn kết giao bằng hữu, tại hạ đến Phàn lầu quấy rầy vài lần nhưng đều không gặp được Trì lão bản, quả là đáng tiếc.

- Đâu có đâu có, tiểu nhân không thể gặp được được Trạng Nguyên mới thật sự đáng tiếc.
Trì Vân Sơn vội vàng nói.

Hai người nói vài lời dạo đầu, Thái Truyền Phú nâng chén lên chúc mừng. Sau một vài lần chạm cốc, khi hai bên đã quen thuộc rồi, Trần Khác mới mở miệng nói:
- Mặt khác còn có một việc muốn hỏi, tại hạ cũng biết việc này không hợp quy củ, trước mong Trì lão bản không trách tội.
Nói xong liền tự mình uống ba chén.

Trì Vân Sơn trong lòng tự nhủ, đây mới là nguyên nhân thật sự, liền nghiêm mặt nói:
- Đại nhân có chuyện gì xin cứ nói, chỉ cần ta có thể nói, nhất định sẽ bẩm báo chi tiết.
Ý là nếu thật sự không thể nói, ngài cũng đừng ép ta.

- Ngày hai mươi tháng trước.
Trần Khác gật đầu hỏi:
- Đoàn người Khiết đan sứ đến Phàn lầu ăn cơm, Trì lão bãn có ấn tượng gì không?

- Có
Trì Vân Sơn gật đầu nói:
- Do người Khiết Đan uống rượu vào thích gây rối, tệ điếm lại không thể đuổi khách được, cho nên ngày ấy ta rất lưu ý.

Thấy lão vô cùng hợp tác, Trần Khác gật đầu nói chuyện khách khí hơn một chút:
- Dám hỏi Trì lão bản, ngày hôm đó là ai làm chủ?

- Việc này…
Trì Vân Sơn nhíu mày suy nghĩ một chút nói:
- Không ai làm chủ hết, bọn chúng tự chơi.
Dừng một chút rồi cười nói:
- Ở thành Biện Kinh, ai mà dám ngang nhiên mời người Khiết Đan ăn cơm, chẳng phải để cho người ta lột da sao?

- Có thể nói tình hình cụ thể ra sao không?

- Bọn họ uống nhiều rượu, một người uống bốn năm cân.
Trì Vân Sơn đã hiểu được vì sao Trần Khắc tìm lão, cho nên cẩn thận nhớ lại nói:
- Vài cô nương bồi tửu cũng bị họ làm cho khóc, cuối cùng ta phải ra mặt trấn an, cũng xém nữa là bị đánh. May mắn mà có Tiêu Thiên Dật Tiêu lão bản đang ở trên lầu uống rượu giúp ta giải vây, nếu không thì không biết sẽ náo loạn đến cỡ nào.

- Tiêu Thiên Dật?
Trong đầu Trần Khác hiện lên một thân ảnh người Liêu cao lớn hào phóng… Lần trước cũng là ở Phàn lầu, trên sàn đấu giá, thằng nhãi đó cũng đã trợ giúp Hàn Kỳ:
- Y thường đến đó sao?

- Tiêu lão bản chính là khách quen.
Trì Vân Sơn nói:
- Tuy nhiên ngày đó tới khá muộn. Ta nói với y là trên lầu có đoàn người nước Liêu, y lại nói mình có khách rồi, không muốn gặp họ.

- Ừ.
Trần Khác gật đầu, hỏi tiếp:
- Sau khi khuyên giải xong thì sao? Y lại trở về à?

- Không có.
Trì Vân Sơn nhớ lại nói:
- Y bị người Liêu lôi kéo đến uống rượu, ta thì lui ra trước.

- Y ở bên trong bao lâu?

- Phải hơn nửa canh giờ.

- Nửa canh giờ?
Trần Khác cau mày nói:
- Bỏ rơi khách của mình nửa canh giờ.

- Có lẽ không phải là khách quan trọng.
Trì Vân Sơn nói đến đây cũng thấy có chút vấn đề, liền không đoán mò mà nói tiếp:
- Đại khái là đến giờ Thân, đám người Khiết Đan rời đi. Đúng rồi, Tiêu đại quan nhân còn giúp bọn họ tính tiền nữa.
Dừng một chút, thanh âm lão hạ thấp nói:
- Nghe nói rời khỏi Phàn lầu, bọn họ lập tức đi Thiên Âm thủy tạ…

- Ừ.
Trần Khác gật đầu, không cười mà nói:
- Người ngay thẳng không nói lời ám muội. Trì lão bản là một người hiểu chuyện, nhất định có thể nhìn ra đám người Khiết Đan này đi Thiên Âm thủy tạ là do nhất thời nghĩ ra. Trước đó, bọn chúng chưa nghe nói qua nơi này, rất có thể có người trên bàn rượu nói gì đó với bọn chúng…

- Bởi vì không có cô nương nào nguyện ý đi vào, cho nên đoạn thời gian kia bên trong cũng không có ai hầu hạ.
Trì Vân Sơn áy náy nói.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.