Chương trước
Chương sau
Quyển 4 – Chương 202: Thiên Sơn vạn thủy.

Tây Vực nổi tiếng thế giới về vũ nhạc. Âm nhạc Quy Tư, âm nhạc Cao Xương và âm nhạc Sơ Lặc là ba hệ thống lớn trong âm nhạc Tây Vực, mà âm nhạc Quy Tư là nổi tiếng nhất. Cao tăng Huyền Trang đi Tây Thiên lấy kinh, đi qua hàng trăm quốc gia, đã khen ngợi vũ nhạc Quy Tư là “Kỹ năng chơi nhạc đặc biệt giỏi hơn các nước”, như thế đủ thấy rõ trình độ của họ.

Theo đề nghị của Long Ưng, đoàn người nghỉ ngơi một đêm ở ốc đảo, hôm sau trời chưa sáng lập tức lên đường. Với sự dẫn đường của Thắng Độ, mọi người đi theo một bí đạo trong núi rời khỏi khu ốc đảo, kết thúc cuộc hành trình băng qua sa mạc Taklimakan mênh mông. Đường núi cũng không dễ đi, nhất là khi còn phải chở theo thiên thạch nặng ngàn cân, sự khó khăn vất vả trong của chuyến đi, chỉ có ai từng trải qua mới biết. Hơn nữa, đoàn người còn tránh được sự tấn công của bọn cướp, đến được bờ nam sông Tháp Lý Mộc (tức sông Tarim).

Dòng sông này dài nhất Tây Vực, lưu lượng lớn nhất, hai bên bờ sông cảnh đẹp như vẽ, lúc này đầu mùa xuân, càng đẹp không sao tả xiết, tựa như Bồng Lai tiên cảnh.

Bởi vì đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, bọn hắn không dám ngừng lại, lập tức phát rừng bện thừng qua sông, mất cả ngày cho lạc đà vận chuyển xong hàng hóa sang bờ bên kia. Đến lúc này mọi người hết sức mệt mỏi, nhưng đã thoát khỏi tình thế nguy hiểm, cho dù địch có đuổi theo, cũng bị sông lớn cách trở.

Ngày kế tiếp, đoàn người đi dọc theo bờ sông về phía đông. Ba ngày sau, rốt cuộc thành Quy Tư đã xuất hiện ở phía xa. Bọn hắn nghỉ ngơi một đêm, trời trưa sáng liền tiếp tục cuộc hành trình.

Quy Tư và Thả Mạt luôn có quan hệ hữu hảo và gắn bó, Phong Mạc dẫn hơn mười thủ hạ, dắt theo chiến mã đoạt được của người Nhiệt Mị, đi trước đến thành Quy Tư thu xếp ổn thỏa mọi việc.

Đoàn người như trút được gánh nặng, tâm trạng nhẹ nhõm, từ từ tiến lên.

Hoang Nguyên Vũ không nói quá, cảnh vật ven đường đúng là vô cùng đẹp đẽ, khiến người ta nhìn mà phải tấm tắc khen ngợi. Bọn hắn đi xuôi theo bờ đông sông Quy Tư, một ngôi chùa to lớn đứng uy nghiêm phía bờ bên kia khiến người ta nhớ đến sự sùng đạo Phật của người Quy Tư. Quanh chùa là rừng rậm nguyên thủy, tưởng chừng như không có con đường nào dẫn lên chùa, cổ kính, u tĩnh.

Ven bờ đủ loại cây cối tốt tươi tranh nhau khoe sắc, xa xa ngọn Tuyết Sơn tuyết phủ ngang trời. Gió thổi vi vu, hoa thụ (1) cao vút, cây sồi và các loại cây lá kim đan xen, khiến tâm trạng con người thư thái, quên hết mọi phiền não.

Càng đến gần thành Quy Tư, càng nhiều những đồng ruộng mênh mông, những nông trang và lều trại lưa thưa điểm xuyết, nhưng vẫn có cảm giác dân cư thưa thớt. Nhà cửa thấp bé, thảo nguyên vô tận, núi non chạy dài, phối hợp với nhau thật hài hòa đẹp mắt.

Long Ưng, Vạn Nhận Vũ, Phong Quá Đình và Thắng Độ đi phía sau đoàn người, ngồi trên lưng lạc đà thưởng thức phong cảnh đặc sắc của sông Quy Tư.

Long Ưng nhớ tới câu “Tiểu quốc quả dân” (2) của Lão Tử, cảm khái nói:

- Bất cứ cuộc chiến tranh nào xảy ra, đều là không biết trân trọng mảnh đất xinh đẹp này.

Vạn Nhận Vũ ngẩn người, nói:

- Sau khi vượt qua ải Ngọc Môn Quan, chúng ta đặt chân đến Tây Vực, đi tới nơi này núi non vây quanh, sông ngòi phân nhánh. Bắc có núi Altai, giữa là Thiên Sơn, nam là Côn Lôn Sơn, dãy Thông Lĩnh (Pamir - ND) vắt ngang phía tây, thảo nguyên và sa mạc mênh mông bát ngát.

Chỉ cần nghĩ đến chúng ta từng vào nam ra bắc ở khu vực rộng lớn này, lập tức có cảm giác hào khí bừng bừng.

Thắng Độ nói:

- Các vị gọi là Tây Vực, còn chúng tôi gọi là vùng đất thần thánh “Ba núi hai thung lũng”. Ba núi là Altai, Thiên Sơn và Côn Lôn Sơn mà Vạn gia vừa nhắc tới, hai thung lũng là thung lũng Chuẩn Cát Nhĩ (tức bồn địa Junggar- ND) và Tháp Lý Mộc (tức thung lũng sông Tarim),trải rộng trên thảo nguyên và sa mạc, cũng là chiến trường để các tộc người chúng tôi thúc ngựa tiến quân, tranh hùng xưng bá.

Phong Quá Đình nói:

- Lúc chúng ta rời khỏi Trường An, là đầu mùa đông, hiện giờ vừa qua khỏi mùa rét đậm, xuân về hoa nở, rốt cuộc đến được Quy Tư, thì đã hơn một năm.

Long Ưng hỏi:

- Bây giờ chúng ta cách Trường An có xa lắm không?

Vạn Nhận Vũ rành rẽ nói:

- Chừng bảy ngàn bốn trăm tám mươi dặm. Hừm, ta tính chính xác đấy!

Long Ưng líu lưỡi nói:

- Chỉ thiếu hơn hai ngàn dặm là đủ vạn dặm. Ha ha! Tuy nói như vậy, nhưng chắc chắn sau khi rời Trường An, chúng ta không chỉ vượt qua vạn dặm. Ha ha! Thật sảng khoái!

Lúc này chỉ còn cách thành Quy Tư chưa tới năm dặm, trời còn sớm, mặt trời vừa lên chênh chếch, trên đường vào thành họp chợ, nhiều người Quy Tư nhìn bọn họ với ánh mắt tò mò.

Phương tiện giao thông của nông dân và dân du mục Quy Tư rất tiến bộ, đa số đi xe lừa, vẻ ung dung nhàn nhã chở các loại hàng hóa vào thành.

Long Ưng đặc biệt chú ý đến các cô gái, mặt trái xoan, dáng điệu mỹ nhân trời sinh phóng đãng, mặc áo lụa, tươi đẹp rực rỡ, không hề ngại ngùng khi bị bọn hắn nhìn chăm chú, còn nở nụ cười tươi như hoa đáp lại, khiến bọn hắn như mở cờ trong bụng. Mấy cô gái trong số đó đặc biệt xinh đẹp, khiến Long Ưng nhìn mãi không muốn rời mắt.

Mỹ nữ Quy Tư nhiều như mây, quả thật không phải lời nói suông.

Cách thành chưa tới nửa dặm, Phong Mạc cùng một đội binh lính Quy Tư ra khỏi thành đón chào. Theo kế hoạch đã định, bốn người Long Ưng vừa vào thành là lập tức chuồn đi, ai làm việc nấy.

Sông Quy Tư từ phía tây chảy tới, chảy ngang qua thành, chia thành thị to lớn này làm hai phần, nước chảy nhẹ nhàng, ven bờ cây xanh tươi tốt, nước chảy vào kênh mương, thành trì, hình thành phong cảnh đặc sắc của một thành phố gắn liền với sông.

Thành Quy Tư tựa như một trạm canh gác tiền tuyến nơi giáp ranh với sa mạc, sừng sững vững vàng, hiển nhiên là một thành thị hùng cường miền quan ngoại. Bốn phía là thành lũy, phía trong là đất, bên ngoài xây gạch, lầu gác chập trùng, bốn góc có chòi gác, hai phía đông tây tường thành có hai cổng thành, mỗi cổng thành đều nổi hẳn lên so với tường thành, có hai cổng trong, sức phòng ngự mạnh mẽ. Thảo nào Sa Cát ngang ngược như vậy, cũng không dám tùy tiện xâm phạm. Quy mô của thành Quy Tư tương đương với một thành trì xếp sau Thần Đô và Trường An. Bởi vậy, ở đây có thể gặp người Quy Tư đã Hán hóa sâu sắc, rất khác so với người dân các nước ở Vu Điền và Tây Vực mà bọn hắn từng đến trước đó.

Một điều đặc sắc khác của thành Quy Tư là hoàng thành được xây dựng ở chính giữa thành, trở thành trọng tâm của cả thành trì, tất cả phố lớn, ngõ nhỏ đều lấy hoàng thành làm trung tâm, mở rộng ra bốn phía như một cái mạng nhện. Chùa cổ, chợ, đường đi, khu dân cư, Phật tháp, các nhánh sông, hình thành một đồ án bát quái khổng lồ.

Bốn người bước chậm trên phố, nhẹ nhàng thoải mái.

Long Ưng đã gỡ mặt nạ, để lộ khuôn mặt thật, vừa đón nhận hai ánh mắt đưa tình, mừng rỡ nói:

- Trong mười người, có ít nhất là sáu phụ nữ, người Hiệt Kiết Tư thì như thế nào?

Về kiến trúc, càng thấy rõ ảnh hưởng văn hóa Hán đối với Quy Tư, thành thị lấy trục cổng thành Đông - Tây làm trục trung tâm, hoàng thành ở giữa trục, đường chính cũng là đường kinh doanh buôn bán, dài tới hai dặm, cửa hàng tập trung, đếm sơ qua cũng hơn hai trăm, quy mô như thế, các thành thị ở Vu Điền không thể bằng được. Trong lúc đi dạo, các cửa hàng bán lẻ lớn nhỏ san sát sau, tiệm tơ lụa, tạp hóa, tiệm bán thịt dê, bò, hầu như có tất cả các mặt hàng. Trên đường, trừ người địa phương ra, có rất nhiều thương khách phương Đông và phương Tây, nơi bọn hắn vừa đi qua đều là hoang mạc khô cằn nắng cháy, nhìn cảnh tượng trước mắt càng cảm thấy như không có thật.

Thắng Độ đang ngắm một thiếu nữ Quy Tư vừa bán thịt dê nướng bên đường, vừa cắn hạt hướng dương, nghe Long Ưng hỏi như vậy, liền đáp:

- Ở chỗ chúng tôi, trong mười người mới có hai đàn ông. Ha ha!

Long Ưng không kìm được, nói:

- Có cơ hội nhất định phải đến chỗ các vị trải nghiệm điều đó để thấy nó tuyệt diệu như thế nào!

Vạn Nhận Vũ trách mắng:

- Ngươi đúng là tham lam, bộ ngươi còn thiếu đàn bà lắm sao? Nếu như ta là ngươi, chắc chắn đã bị phiền chết rồi.

Long Ưng cười hì hì:

- Tưởng tượng một chút cũng được mà!

Phong Quá Đình luôn chú ý đến các cửa hàng chuyên bán sắt thép, dừng bước quan sát. Ba người cũng dừng lại. Phong Quá Đình nói:

- Chỉ cần nhìn binh khí, cũng biết nghề đúc tinh vi, có thể thấy trình độ luyện gang thép nơi này rất cao.

Long Ưng khẽ đụng Thắng Độ, cười nói:

- Ngươi có ước muốn trở thành bậc thầy về đúc kiếm, mà lò đúc đầu tiên đã luyện “thiên kiếm”, chắc chắn sẽ thành giai thoại của đời sau.

Thắng Độ thở gấp, nói không ra lời.

Ông chủ tiệm sắt thép ra đón, lộ vẻ tươi cười, nói bằng tiếng Đột Quyết:

- Tuy các vị nói bằng tiếng Đột Quyết, nhưng chắc chắn không phải người Đột Quyết, xin hỏi quý khách từ đâu đến?

Thắng Độ sợ ông ta phát hiện sự giả mạo của bọn Long Ưng, đáp:

- Ta là người Hiệt Kiết Tư, họ là người Thả Mạt. Xin hỏi ông chủ, các mặt hàng của tiệm là do lò rèn nào làm?

Ông chủ kiêu ngạo nói:

- Trong tiệm của ta, từ một cây kim cho đến một xẻng sắt lớn, đều do các xưởng đúc quy mô lớn nhất của Tháp Lý Mộc chế tạo, chẳng những chất lượng bền tốt, mà giá cả hợp lý, các vị không mua là tổn thất lớn cho các vị.

Phong Quá Đình hỏi được vấn đề muốn biết, thầm vui mừng, móc vàng ra mua bốn thanh đao, mỗi người một thanh, coi như vật kỷ niệm.

Vạn Nhận Vũ lại hỏi rõ con đường đi tới viện vũ nhạc, rồi bốn người thích thú rời khỏi đường chính, đi thẳng đến phía tây thành, rẽ trái đi về hướng bắc.

Phía ngoài đường phố chính của thành Quy Tư, tựa như là một thế giới khác, cây rừng vây quanh, nhà cửa đa số rất giản dị, chắc chắn, lộ ra màu đất, phân bố lưa thưa, chỗ giao với sông ngòi, có cầu bắc ngang. Người đi đường không nhiều lắm, nhưng đều thong thả nhàn hạ, dường như ai cũng không cần phải làm việc.

Vạn Nhận Vũ chăm chú nhìn phía trước, xúc động nói:

- Rốt cuộc đã đến nơi!

Con đường lát đá phiến dẫn đến viện vũ nhạc rất đẹp đẽ và đặc sắc, tạo được ấn tượng ban đầu mạnh mẽ với người mới đến. Đá phiến lát đường làm bằng chất liệu đá trong suốt, trơn bóng, đặt chân lên có cảm giác vững vàng dày dặn, nhưng trải qua mấy trăm năm người ngựa giẫm đạp, đã trở nên hư hỏng, một màu tang thương, gập ghềnh, sâu cạn không đều.

Bước vào cửa sau viện vũ nhạc, thấy thấp thoáng sau bóng cây rừng, là một quần thể kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ, dù ở xa ngoài trăm bước, vẫn có thể nghe được mùi gỗ mộc hương. Một người ra đón, cười to nói:

- Ba vị đại ca của Hoang Nguyên Vũ rốt cuộc đã tới, không chỉ là vinh hạnh cho hai anh em chúng tôi, mà còn là vinh dự cho viện vũ nhạc. Tệ muội ngày đêm trông mong các đại ca tới, thật sự là hết sức khổ sở.

So với trước kia, phong thái của Hoang Nguyên Vũ càng tự nhiên phóng khoáng. Sau khi ba người lần lượt ôm Hoang Nguyên Vũ, Vạn Nhận Vũ giới thiệu y với Thắng Độ.

Xa cách từ lâu gặp lại, bốn người rất vui mừng, có biết bao nhiêu điều muốn nói, nhưng lại không biết nói từ đâu.

Hoang Nguyên Vũ hết sức nhiệt tình, dẫn bọn hắn đi trên con đường nhỏ, trong rừng, vòng qua các kiến trúc chính, đi sâu vào trong viện, giải thích:

- Tệ muội đang tập ca múa ở điện chính, đệ chưa báo tin cho cô ấy, để tạo sự bất ngờ.

Từ điện chính văng vẳng vọng lại tiếng nhạc, trừ Phong Quá Đình ra, đám Long Ưng đều không hiểu âm luật, nhưng vẫn nhận ra sự khác biệt so với âm nhạc của Quy Tư. Mọi người đi dọc theo hành lang, như bước vào một thế giới riêng của âm nhạc, rời xa tất cả tranh chấp phiền phức.

(1) Các loại cây to ôn đới rụng lá hoặc bụi cây, có hoa, tên khoa học Betula pendula, trên thế giới gồm hơn 100 loài, Trung Quốc có 29 loài, trong đó cây bạch dương là phổ biến nhất, từ Đông Bắc, Hoa Bắc, Tây Bắc đến Tây Nam Trung Quốc đều có.

(2) Tiểu quốc quả dân: Nước nhỏ, dân ít. Đây là mấy chữ đầu của chương 80 trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nguyên văn chương 80 Đạo Đức Kinh:
1. Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bá chi khí nhi bất dụng.
2. Sử dân trọng tử nhi bất viễn tỉ. Tuy hữu chu dư vô sở thừa chi.
3. Tuy hữu giáp binh, vô sở trần chi.
4. Sử dân phục kết thằng nhi dụng chi.
5. Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ cư, lạc kỳ tục.
6. Lân quốc tương vọng. Kê khuyển chi thanh tương văn. Dân chí lão tử, bất tương vãng lai.

Dịch nghĩa:
1. Nước nhỏ, dân ít, dù có ít nhiều tôi giỏi, nhưng chưa cần dùng đến.
2. Dạy dân sợ chết, đừng đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng.
3. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương.
4. Khiến dân trở lại thắt nút mà dùng.
5. Ăn cho là ngon, mặc cho là đẹp, ở cho là yên, sống cho là sướng.
6. Nước gần, thấy nhau, gà kêu chó cắn đều nghe, dân đến già chết chẳng lui tới nhau.

Đây là một giấc mơ của Lão tử. Lão tử sống vào đời Chu mạt, luôn luôn chứng kiến những cảnh đoạn trường, nhà tan nước nát, tử biệt sinh ly, nên ông muốn phác họa một cảnh thiên đàng nơi trần thế. Cảnh thiên đàng của Lão tử được mường tượng như là một nước nhỏ bé có những người dân chất phác, sống một cuộc sống vô tư, vô cầu, chẳng màng đến những tiện nghị của nền văn minh trần thế, xe thuyền binh, giáp đều cho vào bảo tàng, sống hồn nhiên, ăn ở đạm bạc mà vẫn lấy thế làm sung sướng, suốt đời chẳng muốn đi đâu, vui trong cái vui thuần phác của mình. (Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ)
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.