Vì không tìm được cái thang nào ở chỗ Lý Vi, Tứ a ca đành tự kiếm lối cho mình bước xuống. Chàng mở nhà kho thưởng Võ cách cách vài xấp vải vóc, bảo rằng Lý Vi thấy áo quần nàng ta mặc toàn bằng vải năm cũ, mới cố ý xin thay cho.
Trong cung, nhờ công thái tử van nài, rốt cuộc hoàng thượng cũng dịu lại. Thái tử nói bọn đệ đệ đã đóng cửa học bài được một thời gian, nếu hoàng a mã không rảnh, chi bằng để y gọi các huynh đệ vào cung khảo bài trước, "Nhi thần sẽ lên dây cót tinh thần cho chúng nó trước, đỡ đụng cảnh xấu hổ trước mặt hoàng a mã."
Hoàng thượng cười nói: "Biết con xót các đệ đệ, tính tuồn đề cho chúng chứ gì."
Hằng ngày hoàng thượng và thái tử đều đọc sách cùng nhau, hoàng thượng muốn khảo ba vị a ca thì chỉ chọn đề trong mấy cuốn sách đọc gần đây. Thái tử cười nói: "Nhi thần định cho chúng làm trước một lần vài đầu đề dạo này hoàng a mã ra cho nhi thần, để hoàng a mã chê cười rồi."
Hoàng thượng rất đỗi mừng vui, nói: "Huynh đệ các con thân thiết, như thế rất được."
Vậy là thái tử bèn phát thông báo trước một ngày, hôm sau ba chàng a ca đóng cửa học bấy lâu nay đã vội vã xuất phát đến Thượng thư phòng. Thái tử đặt năm câu hỏi, để mấy vị a ca ở Thượng thư phòng cùng giải thử luôn. Nhóm học sĩ hầu học và thầy dạy đều góp sức giúp ba chàng a ca lật sách, chép bài giải lại. Trong số mấy a ca nhỏ tuổi hơn, bài Bát a ca làm là ra hình ra dáng nhất, được thái tử kẹp chung với bài làm của ba người anh đem về cùng.
Lúc đọc sách, hoàng thượng nói: "Hôm nay con ra đề cho chúng phải không? Giải thế nào? Lấy cho ta xem."
Thái tử dâng lên, thưa: "Ra năm câu, hôm nay chỉ làm một câu, còn lại nhi thần đã dặn các đệ đệ về giải tiếp. Trang bài làm này là của Bát đệ, con thấy làm không hề thua Ngũ đệ."
Hoàng thượng nở nụ cười, vừa nhận lấy vừa nói: "So với lão Ngũ à? Ta không muốn làm khó nó đâu. Tuy nhiên ba đứa chúng nó cùng vào cung, nếu chỉ có mỗi nó không bị phạt, lại sợ nó nghĩ vẩn nghĩ vơ." Nói đoạn, tập trung đọc bài làm của Bát a ca.
Đề bài là một đoạn trích trong "Tế dân yếu thuật": "Thần Nông tạo ra cái cày cho chúng dân sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Vua Nghiêu lệnh cho bốn vị đại thần tuyên bố cặn kẽ thời vụ gieo trồng cho quần chúng hay. Vua Thuấn truyền đạt mệnh lệnh cho đại thần Hậu Tắc, phải coi sản xuất lương thực là vấn đề chính trị ưu tiên hàng đầu. Vua Vũ quy hoạch đất đai và chế độ ruộng đất, tất cả mọi nơi đều có khuôn khổ riêng để tuân theo. Thời hưng thịnh của hai nhà Ân - Chu được ghi lại qua thơ và sách, muốn lòng dân yên, phải dạy họ làm giàu."*
*Tế dân yếu thuật: một cuốn cổ thư của Giả Tư Hiệp viết về cách trồng cây trong nông nghiệp, cách thức chăn nuôi gia súc.
*Nghiêu - Thuấn - Vũ là những vị vua hiền của Trung Quốc cổ đại.
*Hậu Tắc tên thật là Cơ Khí, có mẹ là Khương Nguyên vì ra đồng đạp phải dấu chân lớn rồi sinh ra Khí. Khí thích chơi trồng cây và cây trồng bao giờ cũng tốt, đến tuổi thành thân, Khí thích cày bừa làm ruộng rồi được dân chúng học làm theo. Vua Nghiêu biết bèn cho về làm chức Nông sự, lấy hiệu Hậu Tắc.
Dạo đây kỳ lũ mùa hạ đang đến gần, điều làm hoàng thượng rầu rĩ ngày qua ngày ấy chính là lũ lụt Hoàng Hà ở vùng Hà Nam. Có thể nói là hàng năm trị, hàng năm lụt, không năm nào khá hơn được. Thái tử đọc sách với hoàng thượng, biết rõ hoàng thượng lo âu điều gì. Đề này mặc dù đơn giản, nhưng câu trả lời của bốn vị a ca, đã tính luôn cả Bát a ca, đều khá khác nhau.
Trong bài làm của mình, Tam a ca viết rằng: muốn phát triển nông nghiệp, quan trọng nhất là phổ biến kiến thức nông nghiệp tiên tiến; mà muốn phổ biến kiến thức nông nghiệp tiên tiến, trước tiên phải để toàn dân được đi học, mở mang dân trí.
Hoàng thượng nghĩ bụng: về lý là đúng đấy, nhưng lại cao siêu quá, không thực tế.
Tứ a ca tương đối thiết thực hơn, chàng cho rằng: phát triển nông nghiệp nghĩa là khiến người dân yên tâm làm nông, giảm bớt sưu dịch và thuế má là một mặt, mà để lệnh vua được báo cáo và truyền đạt một cách hiệu quả mới là trên hết.
Hoàng thượng đọc rồi không khỏi gật đầu, lão Tứ theo trường phái làm thật. Sau đó ngài bèn đưa lại bài làm này cho thái tử, bảo y đọc kỹ.
Ngũ a ca thì chỉ lệ thuộc sách vở, y giải nghĩa đề bài một lần chung chung, tiếp đó mới giải lần lượt từng câu. Thấy viết cả một bài dài dòng văn tự, hoàng thượng chỉ lướt vội vài dòng, cười nói: "Lão Ngũ... ôi, chẳng biết là làm khó nó hay làm khó ta nữa."
Bát a ca viết hay ho hơn một chút. Y dẫn câu: "Từng nghe nói: Cây quýt sinh trưởng ở Nam sông Hoài là cây quýt, sinh trưởng ở Bắc sông Hoài sẽ biến thành cây quýt hôi, lá cây của hai loại thì tương tự, nhưng trái của chúng có vị khác nhau. Vì sao lại thế? Ấy là bởi thủy thổ khác biệt" trong "Án Tử Xuân Thu - Tạp Hạ Chi Thập" để chứng minh: phát triển nông nghiệp không thể máy móc, mà cần tính đến các vấn đề như môi trường và dân số tại địa phương.
Chỉ có xem xét toàn diện, nông nghiệp mới được thực sự phát triển. Nếu chuyện gì cũng bắt mọi người phải chấp hành theo đúng một chuẩn mực, vậy thì khi trồng lúa cạn vào đất vốn để trồng lúa nước, sau một năm vất vả rồi sẽ chẳng thu hoạch được gì.
Hoàng thượng đặt bài của Bát a ca và Tứ a ca cạnh nhau, nói: "Bài làm của lão Tứ và lão Bát kết hợp lại dùng chung được đấy."
Thái tử ngó qua, xếp bài của Tứ a ca đứng nhất, Bát a ca đứng nhì, Tam a ca đứng ba, cười nói với hoàng thượng: "Hoàng a mã, sinh thời nếu nhi thần hoàn thành được một nửa trong đây, đã là mãn nguyện rồi."
Hoàng thượng nói: "Đại Thanh hàng vạn năm, chúng ta không làm được, thì để cho con cháu làm. Có khởi đầu tốt là rất đáng mừng rồi." Thái tử vâng dạ, hoàng thượng lại nói: "Ta thấy, để lão Tam, lão Tứ và lão Bát tới chỗ con học hỏi nhiều, con dẫn dắt chúng nó. Mùa lũ sắp đến, để chúng nó hiểu biết thêm nhiều, con cũng có thêm mấy trợ thủ."
Thái tử lĩnh giáo, sau khi ra khỏi liền phái người đến A Ca Sở và phủ của hai vị a ca truyền tin. Cả ba chàng a ca rất phấn khích. Ở A Ca Sở, tiễn người của thái tử đi xong, Bát a ca lòng vòng tới lui khắp căn phòng.
Đây là một cơ hội! Y nhất định phải nắm chắc!
Tứ a ca cũng vậy. Đối với họ, từ bé sống trong cung đã được chứng kiến hoàng thượng ngợi khen thái tử cỡ nào, dần dà, bất giác họ cũng bắt đầu lấy thái tử làm gương. Từ Tam a ca trở xuống Bát a ca, không một người nào định học tập Đại a ca mà đều đồng loạt noi theo thái tử.
Hai ông học sĩ hầu học đã về nhà, Tứ a ca lật sách hết nửa buổi trời chỉ vì muốn đào sâu hơn nội dung của "Tế dân yếu thuật". Tiếc thay tuổi tác và tầm nhìn của chàng có giới hạn, đọc một lúc thấy toàn là lý luận suông rỗng tuếch không hơn.
Có cần ra ngoài mời mấy vị tiên sinh về không nhỉ? Hay mướn vài liêu thuộc am hiểu thuế ruộng về?
Tứ a ca đắn đo mãi, quyết định chọn mấy cái tên trong danh sách về đây. Chuyện này cực kỳ quan trọng, nhất thiết phải khẩn trương tiến hành. Có điều chàng mới ra cung, chưa kịp mở rộng mạng lưới quan hệ, nếu nhờ vả tùy tiện mà làm lộ tiếng gió, thì có khi sẽ bị vướng vào những lời chê trách, nên chàng chỉ đành tìm kiếm trong thầm lặng.
Lúc trong cung thì thấy cứ ra cung là mọi thứ đều sẽ tốt, đến khi ra thật, mới phát hiện mình chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc gì cả. Tứ a ca ngồi trong thư phòng nghĩ ngợi u hết cả đầu, bèn cất gót sang tiểu viện thăm Lý Vi.
Mới bước tới ngoài tiểu viện, một mùi nước ô mai xộc ngay vào mũi. Tứ a ca vừa ngửi đã thấy nước dãi tiết ra, hơi nóng toàn thân tiêu tán đi nửa.
Trong phòng chỉ đặt một tảng núi băng ở gian chính, Lý Vi ngồi bên chái Tây, ngăn cách bởi một chiếc kệ trưng cổ. Luồng khí mát lạnh từ từ lan tỏa, vừa giúp hạ thấp nhiệt độ mà vừa không khiến bà bầu bị cảm lạnh.
"Tứ gia." Lý Vi đứng dậy đón, lần trước Tứ a ca có nói nàng không cần hành lễ, tránh khi nhún người lại đau bụng. Tuy Lý Vi tự thấy tư thế hành lễ của mình tao nhã yểu điệu muôn phần, đậm đà hương vị phụ nữ, song cũng chỉ đành tạm thời nghe lời chàng.
Tứ a ca cho nàng ngồi xuống, một mình vòng ra sau bình phong thay quần áo. Từ thư phòng sang tiểu viện có mấy bước ngắn ngủi mà chàng đã toát mồ hôi đầy người, chàng vốn dễ nóng trong người, thời tiết nóng nôi thế này lại thêm phơi nắng, lúc mới vào mặt mũi chàng đỏ gay, giọt mồ hôi to như hạt đậu trên trán thi nhau chảy ròng ròng.
Khi đi ra, trông thấy núi băng ở gian chính đã được chuyển vào phòng này, đặt ngay trên cái bàn đằng sau chàng. Lý Vi bảo chàng ngồi xuống, sai người đứng sau núi băng quạt gió cho chàng, cơn mát rượi phả lên tấm lưng thấm tận ruột gan, khí nóng quanh người Tứ a ca chẳng mấy chốc bay biến.
Không còn nóng phát rồ nữa, tâm trạng của chàng cũng tốt lên. Lúc này mới nhìn thấy vô vàn hoa quả đủ các màu đặt trước mặt Lý Vi: có dưa hấu, dưa lê, táo cắt thành miếng; dưa vàng và nho quả dài thuộc hàng cống phẩm; ngoài ra còn có vải, dâu tây và quả anh đào. Lý Vi đang cầm một bát sữa chua trong tay, trộn cùng những miếng trái cây, ăn đến là sung sướng.
Sau khi mang thai, nhờ nguồn cung chất lượng nên sức ăn của nàng lại bộc phát, khuôn trăng bây giờ nhỏ nhắn tròn xoe xoe, da dẻ căng mọng trắng hồng. Nom dáng điệu tận hưởng của nàng hiện giờ, đến Tứ a ca cũng muốn khen một câu, hương sắc Dương phi* bào mòn được cả ý chí của một đời đế vương có lẽ chính bởi vì đã khiến con người ta vô thức lún sâu vào những lối hưởng thụ ấy cùng mình.
*Ở đây chỉ Dương quý phi.
Nhưng vốn dĩ chàng sang tiểu viện là để thả lỏng thư giãn, ở đây cần gì ý chí kiên định.
Lý Vi còn bảo: "Năm nay trời nóng, trái cây ngọt cực kỳ."
Tứ a ca không cần đũa bạc, đưa tay nhón một quả dâu tây ăn thử, gật đầu bảo: "Đúng là ngọt lịm. E lại sắp hạn rồi." Chàng chỉ vu vơ bỏ thêm một câu.
Lý Vi sửng sốt, không tiếp lời. Thời ở hiện đại nàng cũng hay xem thời sự, tình hình bao giờ cũng là một bên ngập lụt, bên lại hạn hán. Lúc xem nàng còn nghĩ: nếu ông trời cho hai bên đồng đều thì tốt biết bao? Đằng này một bên kiệt nước, bên kia thì nước quá nhiều.
Thấy nàng ăn ngon miệng, Tứ a a cũng gọi một bát sữa chua ăn. Lưu thái giám thấy thời gian này Lý Vi không gọi bữa ở thư phòng, biết nàng thận trọng, nhưng vì muốn dựa hơi nàng nên lão lại chủ động hầu hạ, có thứ gì là sẽ lặng lẽ bảo Triệu Toàn Bảo cầm về. Thường xuyên qua lại như thế, Lý Vi biết ngay từ những ngày trước lúc còn ở A Ca Sở chính Lưu thái giám đã có lòng quan tâm nàng, thành ra cũng thêm một đôi phần thân thiết hơn với lão.
Trái cây trên cái bàn con ngoài dưa hấu ra, còn lại Lý Vi ăn hầu như sạch bách. Tứ a ca thấy thế, bèn ăn luôn dưa hấu, nói: "Dưa hấu tính hàn, về sau nàng ăn ít thôi." Đoạn dặn Ngọc Bình, "Sau này đừng đem dưa hấu tới đây nữa."
Trái cây đầy ra đấy, Lý Vi chẳng tiếc gì một quả dưa hấu.
Dọn bàn con xuống, Tứ a ca rửa sạch bàn tay dính nước dưa hấu ngọt ngào, tựa ra gối bảo: "Lần trước nàng nói muốn làm váy kiểu nhà Hán, ta bận nên quên khuấy đi. Nhân sắp làm đồ mặc hè, ta nói với phúc tấn rồi, sẽ cắt hai ma ma thêu thùa sang đây."
Lý Vi không dám sáp lại gần quá vì sợ chàng thấy nóng, ngả người ngồi cách chàng nửa cánh tay, cầm cây quạt tròn chầm chậm quạt cho chàng mát, nói: "Thiếp ở đây cũng đã đủ người. Bên phúc tấn mới cần dùng hai người chứ."
Liễu ma ma nói với nàng như thế. Bên phúc tấn dùng hai ma ma thêu thùa và bốn tiểu a đầu, làm xiêm áo cho phúc tấn và tiểu cách cách. Còn Tống cách cách và Võ cách cách đều sẽ được ma ma thêu thùa đưa về làm sau khi lấy số đo.
Lý Vi vừa nghe đã hiểu. Như trang phục của phúc tấn và nàng đây được gọi là thiết kế riêng, ma ma thêu thùa chực bên cạnh luôn, bất cứ khi nào có yêu cầu gì cứ việc nói. Hai nàng Tống - Võ thì mặc đồ may sẵn, đo kích cỡ rồi chọn kiểu dáng, chất vải là xong.
Chứ đừng nói là được tận hai bà ma ma.
Nàng không dám khước từ hết, được sủng ái lại chẳng sướng rơn lên? Nhưng nàng không muốn độc đáo quá, đặc biệt một chút thôi cũng được rồi. Vậy nên nàng mới định chỉ giữ một người lại.
Tứ a ca nói: "Hai ma ma, riêng một người làm Hán phục." Nói xong nhìn nàng, tỏ vẻ "ta chờ nàng chọn".
Lý Vi ngớ luôn, một người chuyên làm Hán phục, chắc chắn người còn lại sẽ làm kỳ bào. Hèn nào cần những hai người, thế bảo nàng chọn kiểu gì được đây? Tứ a ca muốn ngắm nàng mặc váy áo thời Hán, còn mong ngóng từ lâu lắm rồi đấy. Kỳ bào thì buộc phải có rồi, vì nàng đâu thể ru rú trong nhà suốt nhà mùa hè được.
Nhìn nàng rối rắm, Tứ a ca rất lấy làm thích chí, ra chiều nhàn nhã không thúc giục nàng, chốc chốc lại bồi một câu: "Bên phúc tấn dùng hai ma ma đấy", "Người nàng nhỏ nhắn, mặc váy con gái nhà Hán ắt sẽ đẹp", "Để họ làm chung cũng tiết kiệm được thì giờ".
Sau cuối, trước ánh nhìn ung dung của Tứ a ca, Lý Vi ngượng nghịu nói: "... Thiếp nghe gia."
Hai bà thì hai bà, dù sao đây có phải lần đầu gây sự chú ý đâu. Đã cùi, sợ gì lở. Thây kệ! Lúc còn hưởng thụ được, cứ mặc sức mà hưởng thụ đi.
Thấy nàng gật đầu, Tứ a ca không ghẹo nàng nữa, ghé đầu lại nhỏ giọng bảo: "Vừa khéo, gia cũng định làm mấy bộ đồ kiểu Hán, lúc ấy làm ké nàng luôn vậy."
Cha chả! Đùa người ta đấy à!
Gương mặt Lý Vi in đậm dòng chữ "Để người ta đùa mình, giờ mới nhận ra, ta khờ quá", ánh mắt nàng làm Tứ a ca bật cười ha hả.
Sau đó hai người bày trò chơi. Nhưng lúc đánh cờ vây, xuyên suốt cả ván Tứ a ca toàn chặt đẹp Lý Vi. Đánh cờ tướng, chặt tiếp. Lý Vi thua liểng xiểng trông mắt dại cả ra, Tứ a ca thắng liên tiếp thì rất sướng, khi vui vui còn cười một cái.
"Thiếp không thạo những trò đánh cờ lắm." Thua thảm bại quá, Lý Vi không biết giấu mặt đi đâu, bất đắc dĩ đành biện hộ vậy.
Tứ a ca cũng không muốn chiến thắng nghiêng về một phía hoài, bèn gọi người đem xúc xắc tới, hai người cược lớn nhỏ. Ngặt nỗi trước đó đám Triệu Toàn Bảo có động tay động chân vào mấy cục xúc xắc, vừa cầm lên tay là Tứ a ca biết ngay. Tuy Lý Vi biết xúc xắc đã bị tác động, nhưng vì không biết dùng nên vẫn bị chặt chém ác liệt như thường, đến nỗi phải nộp luôn cả cái vòng đeo tay của mình, làm Tứ a ca khoái trái cười ha ha.
Chàng cất số bạc Lý Vi thua vào hà bao thật, tháo luôn vòng khỏi tay nàng, gói trong khăn tay nhét vào ngực.
Lý Vi cứ tưởng chàng giỡn thôi! Thấy chàng lấy đồ đi thật thì hơi đứng hình, Tứ a ca bèn nhìn nàng chằm chặp, lại cười thêm một tràng nữa.
Chơi đến tận giờ ăn tối hai người mới nghỉ. Sau đó Lý Vi bắt đầu tác quái, cứ đem trâm gài hoa ngọc của mình ra mặc cả, toàn đồ dành cho đàn bà con gái, xem chàng cầm về thư phòng thì cất đi đâu.
Tứ a ca biết tỏng, chàng tịch thu hết theo luật chơi. Ngọc Bình ôm hộp trang điểm của Lý Vi tới, đặt bên cạnh nàng. Thua một ván, nàng chỉ lấy hai món trong ấy ra; vậy mà đến khi kết thúc, trong hộp đã trống mất một nửa.
"Tô Bồi Thịnh, đi lấy hộp qua đây cho gia, cảm tạ phần thưởng của Lý chủ tử." Tứ a ca đẩy cục xúc xắc, cười nói.
Tô Bồi Thịnh đã gọi người lấy sẵn, lúc này mới bưng lại, ấy là một chiếc hòm nhỏ dài, rộng, cao một thước rưỡi làm bằng gỗ hoàng dương, mặt trên khắc một con cóc ngậm viên ngọc trong miệng.
Tứ a ca bỏ hết các thứ châu ngọc mình thắng được vào, tủm tỉm bảo Tô Bồi Thịnh đem đi. Bấy giờ Lý Vi rất tò mò, trên đường đi sang gian chính, nàng kéo tay chàng bảo: "Gia, chàng lấy những châu ngọc ấy để làm gì?"
Với sự thâm trầm của Tứ a ca, chắc sẽ không làm chuyện gì vô dụng đâu nhỉ? Nhưng hình như mấy món này cũng đâu đáng bao tiền.
Nàng không hiểu nổi. Ngờ đâu Tứ a ca gãi gãi cằm nàng, nói: "Đồ thắng được đương nhiên sẽ thuộc về ta, sao không cần hả?"
... Vậy ra chàng chỉ đang giỡn với nàng thôi à?
Trò đùa vui giúp Tứ a ca ăn uống ngon miệng hẳn. Chàng chén sạch món hoa hòe chưng Lưu thái giám dâng lên; chuyện là lần trước Lý Vi muốn ăn xoan hôi, nhưng khi giải quyết mọi sự xong xuôi thì cũng hết xoan hôi rồi, Ngọc Bình nhớ lấy bèn nhắc Triệu Toàn Bảo, bảo hắn nghĩ cách. Biết việc, Lưu thái giám liền dâng món hoa hòe chưng này.
Ai ngờ, Lý Vi chẳng ăn được mấy miếng, còn lại Tứ a ca bao thầu. Rõ ràng chàng rất thích món này, ăn xong thở dài: "Đúng là ngoài thôn dã cái gì cũng lấy làm đồ ăn được, thực là khó cho họ rồi."
Hôm nay từ lúc sang, đây đã là lần thứ hai chàng than thở. Có ngốc cũng nhận ra hiện giờ nhất định chàng gặp chuyện nan giải. Nhưng về nông nghiệp thì Lý Vi dốt đặc cán mai; lúc vừa xuyên không, định lòe một lần nên nàng cũng tìm kiểu sách như "Tế dân yếu thuật" hòng ngâm cứu, song sau khi đọc mới thấy mình đừng nên để lòi cái dốt ra trước mặt cổ nhân là hơn.
Nên lần này nàng lại không tiếp lời, Tứ a ca có hứng tán dóc với nàng, bèn chủ động hỏi: "Dạo này vào kỳ lũ hè, khi ở nhà nàng có từng nghe gì không?"
Cái này thì Lý Vi nói được, nàng bảo: "Có vài điều. Tỷ như trong nhà mướn cố nông, đa số là dân chạy nạn, vì mướn họ rẻ hơn một phần ba so với mướn người bình thường, có lúc rẻ hơn một nửa. Còn nữa, mùa thu hằng năm trong nhà sẽ mua rất nhiều lương thực để dự trữ; nếu các nơi như Hà Nam, Sơn Đông gặp hạn hay ngập úng, Hoàng Hà gặp nạn lụt, thì a mã và ngạch nương sẽ sai cố nông quây ruộng đồng ở ngoài thành lại, đào hầm chứa lương thực; còn nuôi chó, dựng thêm rào tre chung quanh kho thóc và nhà cửa để không bị nạn dân cướp bóc lương thực, đánh người phá nhà."
Sắc mặt Tứ a ca dần trở nên nặng nề, Lý Vi nói tiếp: "Lúc mới vào phủ, nghe nói bốn người Trang ma ma đưa tới chính là nạn dân năm ngoái chạy từ Hà Nam đến đây."
"Vậy à..." Tứ a ca thở dài, thiên tai vừa ập xuống là nạn dân sẽ tháo chạy ra ngoài, đợi khi thiên tai qua đi, số nạn dân chạy về chưa đầy một phần mười. Phần đông thanh - tráng niên đều an cư ở nơi khác, về lâu về dài, việc thiếu hụt nông dân sẽ trở thành vấn đề lớn.
Nghĩ đến đây, Tứ a ca mượn thư phòng của Lý Vi, nhanh chóng viết lại điều mình vừa nghĩ tới. Lý Vi đứng bên mài mực cho chàng, đọc mấy câu rồi nghĩ bụng: chẳng lẽ giờ Tứ a ca đã vào Hộ bộ làm việc, điều tra các khoản thiếu hụt rồi à? Nàng ở cạnh tưởng tượng vẩn vơ, viết xong Tứ a ca bắt gặp ánh mắt nàng trôi đâu lửng lơ, nhân tay cầm bút lông bèn chấm một cái vào cằm nàng, thấy nàng không phản ứng gì, lại vẽ một vòng tròn lên má phải của nàng.
Thấy nàng vẫn cứ ngây ra, Tứ a ca bó tay đành gọi Ngọc Bình múc nước, rửa mặt cho nàng. Khoan nói tới biểu cảm của Ngọc Bình khi bước vào, lúc lau mặt Lý Vi mới thấy một mảng mực đen chình ình trên tấm khăn, hoảng hốt la toáng, sực bừng tỉnh trong tiếng cười sằng sặc của Tứ a ca. Cuối cùng Tứ a ca mới giơ tay lau sạch cho nàng.
Lúc lau mặt, Tứ a ca: "Phụt..."
Lý Vi căm phẫn: "..." Thầm nghĩ: được rồi, ta thông cảm cho Tứ a ca còn quá trẻ... nhưng vẫn thật là khốn kiếp mà...
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]