Ngọc Nhi, Ái Vân và Tấn Sang là bạn thân, tình bạn ba người từ thuở thiếu thời đến lúc học lên cấp ba vẫn luôn đẹp như một bức tranh tuyệt phẩm. Thế nhưng kể từ khi Tấn Sang và Ngọc Nhi yêu nhau thì tình bạn đó dần có sự thay đổi. Ai ai cũng biết, ai ai cũng hiểu và nhận ra sự thay đổi đó theo thời gian nhưng chỉ có duy nhất Ngọc Nhi vẫn vô tư không biết sự dạn nứt ấy mỗi ngày một tăng, để rồi đến một ngày cô bị chính những người tri kỷ đó của mình lừa gạt thì cô mới cay đắng nhận ra rằng trên đời này không có bất cứ thứ gì gọi là mãi mãi… Có những thứ tình cảm cứ tưởng là khắc cốt ghi tâm, đời đời không phụ nhưng suy cho cùng con người vẫn là hèn kém, không đủ mạnh mẽ bước qua những cám dỗ cuộc đời và kết cục là chẳng còn lại gì… Mười mấy năm tình bạn, hai năm tình yêu, Ngọc Nhi dốc lòng hết sức tin tưởng, vun đắp tình yêu, tình tri kỷ ấy nhưng đổi lại cô chỉ nhận về sự lừa gạt cay đắng. Liệu rằng sau cú sốc đầy bất ngờ, sự tổn thương do những người tin tưởng nhất của mình mang lại thì Ngọc Nhi còn đủ dũng khí tin vào một tình cảm mới không hay là cô chỉ muốn đóng băng lại trái tim đau đớn của mình thì mời tất cả hãy theo chân Hạ Long đi tìm câu trả lời trong tác phẩm: “Nhân Duyên Khó Tránh” nhé… Tên: Nhân Duyên Khó Tránh! Tác giả: Hạ Long. Chương 1: Tiếng nhạc lấn át cuộc nói chuyện của hai người bạn mới quen, Thanh Tuyền ghé sát vào tai Ngọc Nhi nói như hét lên: – Hôm nay không say không về nhé! – OK! – Uống… Cả hai uống và uống rồi lại lắc lư theo nhạc cho đến khi cảm giác người dã dời thì Ngọc Nhi dừng lại nhưng Thanh Tuyền vẫn đu theo tốc độ của nhạc sàn một cách hứng khởi… Ngồi một mình nhâm nhi thứ rượu đắng chát lại gợi cho Ngọc Nhi nhớ về buổi tối của bốn năm về trước, một buổi tối định mệnh đã khiến cho cuộc sống của cô thay đổi và rẽ sang một hướng khác. Ngọc Nhi bị chính người bạn thân của mình là Ái Vân chuốc thuốc nên đã mất đi lần đầu cho một người đàn ông xa lạ. Nỗi đau đó dù đã qua bốn năm rồi nhưng cô chưa giây phút nào quên đi được, cảm giác như tất cả mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Cô còn nhớ như in buổi sáng sớm ngày hôm đó khi Ái Vân và Tấn Sang xuất hiện trước cửa phòng của khách sạn. Lúc cô vẫn còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì Tấn Sang đã cho cô ăn một cái bạt tai cùng những lời lẽ xúc phạm thậm tệ, tận sâu trong đôi mắt của anh ta lúc đó là một sự khinh bỉ rất lớn đối với cô nhưng khi ấy cô vẫn ngây thơ không nhận ra đó là âm mưu của người bạn thân Ái Vân mà còn đánh ánh mắt cầu cứu sang cô ta hòng mong nói giúp mấy lời bênh vực… Nhưng không… Trái với sự cầu cứu khổ sở của cô thì Ái Vân cũng ném cho cô ánh mắt tràn đầy khinh bỉ và còn cả sự đắc thắng nữa. Trong giây phút Ngọc Nhi cần người bạn thân giúp đỡ lựa lời khuyên nhủ bạn trai bình tĩnh cho cô giải thích nhưng cuối cùng lại chỉ nhận về sự thờ ơ và mỉa mai thì cô mới chợt nhận ra rằng mình đã bị hại… Có nỗi đau nào bằng chính nỗi đau của sự phản bội và mất niềm tin ở hai người thiết nhất. Khi đó cô đã không khóc được, mặc dù tim rất đau. Hóa ra tình bạn mười mấy năm cũng không bằng sự ích kỷ, còn tình yêu hai năm ngọt ngào cũng không có một chút tin tưởng. Hóa ra là người bạn thân thiết đó đã thầm thương trộm nhớ bạn trai của cô, hóa ra những câu chuyện nó kể trước đây, mẫu người nó thích đều liên quan tới người đàn ông tên Tấn Sang này, rồi những lý do không đâu vào đâu khiến cho cô và bạn trai gây lộn, cãi nhau. Tất cả chẳng phải ngẫu nhiên, chẳng phải vô tình mà là có sự toan tính hết và chính vào buổi tối sau khi tốt nghiệp không lâu thì Ái Vân nói có việc buồn muốn tâm sự với cô là để làm bàn đạp tạo ra sự việc mất mặt này, khiến cô rơi vào hoàn cảnh tình ngay lý gian không thể giải thích. Nụ cười chua chát, đau vì bị bạn thân gài bẫy, còn người yêu không phân biệt đúng sai, không chịu tin tưởng mà còn ném cho cô những lời không chút nghĩa tình. Nhưng đắng cay và tủi phận hơn là cô bị một người đàn ông lạ mặt cướp đi đời con gái của mình, cái cảm giác bị hại tới không còn mặt mũi ấy nó tệ lắm, tệ tới mức đã qua đi bốn năm rồi mà mỗi khi nhắm mắt lại thì nó vẫn còn hiện hữu rất rõ. Thanh Tuyền nhảy chán chê một mình thì bước nhanh về ngồi cùng Ngọc Nhi, với tay tự rót rượu vào cốc của mình rồi nâng lên chạm vào cốc của cô nói lớn: – Uống một mình tẻ nhạt lắm! – Tôi lại thích thế! – Tôi chả biết đằng ấy ra sao nhưng với tôi cứ sống vô tư thì đời mới vui. – Ý kiến hay! – Không phải ý kiến mà là quan điểm của tôi như vậy! – Ok! Uống vì quan điểm khá tốt. – Hết nhé! Ngọc Nhi nhìn cốc rượu của Tuyền mà cười như mếu, uống không phải ít rồi mà cốc này nữa thì không biết có đi nổi không nhưng thấy người đối diện có vẻ nhiệt tình quá thì cô cũng gật đầu: – Say thì tự về đấy! – Khỏi lo cho tôi! Đằng ấy cứ liệu sức khỏe của mình! – Có vẻ tự tin vào bản thân nhỉ? – Chưa bao giờ có cảm giác phê là gì, với học võ sáu năm rồi, đang ngứa tay chân đây! – Không có tên nào cho cơ hội để thí nghiệm à? – Chưa. Ha ha… – Vậy thì uống hết thôi! Say là có lí do nhỉ? Ha ha… Thanh Tuyền lại cười vang sau đó ngửa cổ uống cạn cốc rượu với vẻ mặt hết sức thản nhiên rồi buông lời nhẹ tênh: – Tuy không phải bạn thân nhưng hiểu nhau phết đấy! – Thân chưa chắc đã tốt. Cứ lớt phớt có khi lại hay. – Uống tiếp vì câu nói hay được chứ? – Chiều nhau thôi. Thích là được! – Tôi kết đằng ấy rồi đấy nhé! Ha ha… Lần này là tiếng cười sảng khoái của Ngọc Nhi. Cô quen Thanh Tuyền mới được vài tháng gần đây thế nhưng người bạn này luôn cho cô cảm giác thoải mái và vô tư. Chỉ là vài tháng thôi nhưng xem ra còn tốt gấp nhiều lần tình bạn mười mấy năm trời kia. Đúng thật là nực cười, Ngọc Nhi uống thêm cốc nữa rồi đứng lên tạm biệt cô bạn của mình: – Thôi, muộn rồi tôi về đây! Tạm biệt đằng ấy nhá! – Ừ! Về đi! Lúc khác gặp! – Ok. Bái bai… Ngọc Nhi bắt xe về tới chung cư, biết không còn sớm nên cô mở cửa rất chi là rón rén nhưng dù nhẹ nhàng là thế rồi thì vẫn bị mẹ cô phát hiện. Bà Hằng với tay bật điện phòng khách thì Ngọc Nhi lắp bắp: – Mẹ…Mẹ chưa ngủ ạ? – Con lại đi uống rượu đấy hả? Ngọc Nhi cười trừ rồi lên tiếng: – Con uống với bạn có chút ấy mà! – Nồng nặc mùi mà còn kêu ít, mau thay đồ rồi sang phòng bên kia ngủ đi! Đừng vào phòng thằng Tôm nữa, nó ngủ say rồi! – Vâng ạ! Tắm xong cô ra ngoài tính rót nước để uống thì vẫn thấy mẹ ngồi ghế phòng khách chưa đi ngủ, là người nhạy cảm nên nhận thấy mẹ chắc có tâm sự nên cô đi lại ngồi xuống hỏi bà: – Mẹ! Mẹ có chuyện gì phải không? – Nhi này! Mẹ lên chơi với hai mẹ con con cũng chỉ được vài hôm thôi, chứ để bố ở nhà một mình không được. – Bố con mấy nay sao rồi ạ? – Sáng nay mẹ gọi điện thì em con bảo tối qua bố ho nhiều hơn. Con à! Hay là hai mẹ con cứ về thăm bố đi! Ngọc Nhi nghe mẹ nói vậy thì nhớ lại cái hôm cô báo mình có thai cho ông bà biết, thực sự cô không dám đối diện với bố bởi cô sợ ông sẽ tăng xông lần nữa, cô sợ sẽ khiến ông tức giận mà bỏ mẹ con cô ra đi mãi mãi… – Mẹ biết con rất muốn về mà nhưng con sợ bố vẫn không tha thứ cho con, mỗi lần con gọi điện về bố không chịu gặp, con sợ bố nhìn thấy con thì bệnh tình bố lại tái phát…Con sợ lắm… – Ông ấy cứng đầu, cố chấp thế thôi chứ mẹ biết ông ấy đã không còn giận nữa rồi, nhiều đêm mẹ thấy ông ấy ngồi một mình, còn bỏ ảnh của con ra xem, đôi lúc mắng thằng Nghĩa lại đem con ra so sánh với nó, bảo mày mà học giỏi như chị Nhi thì tốt quá rồi! Đấy! Chẳng qua là tính khí không giống ai, nói giận con, từ con mà giờ xuống nước trước thì ngại ấy mà! – Liệu con về bố có tha thứ cho con không ạ? – Cứ cho cả thằng Tôm về, giận gì thì giận chứ nhìn thằng bé đáng yêu thế thì ai giận lâu được! Cứ về đi, hàng xóm, họ hàng nói gì đã có mẹ, có em trai con nữa, đi bốn năm thế là đủ rồi! – Vâng. Vậy cuối tuần này hai mẹ con con theo mẹ về ạ! – Ừ! Muộn rồi, ngủ đi! Mẹ ngủ với thằng bé! – Vâng ạ! Năm đó Ngọc Nhi mới vừa tròn 18, cái tuổi vốn có bao nhiêu hoài bão, ước mơ nhưng tất cả đã chấm dứt khi cô biết mình đã mang giọt máu của người đàn ông lạ ấy. Khi đó bố cô không chấp nhận được sự việc này nên đã đuổi cô ra khỏi nhà nhưng may có mẹ thương đã mặc sự ngăn cản của bố mà bao bọc cô lúc cô mất cân bằng nhất trong cuộc sống. Hai mẹ con xách hành lý lên Hà Nội, rời xa nơi đã gây cho cô bao nhiêu tổn thương và mất mát… Mẹ cô là một người phụ nữ tân tiến, thương chồng con và rất biết nắm bắt thời cuộc, nhận ra cô có năng khiếu về ẩm thực, giỏi nấu nướng, đặc biệt là nấu những món chay nên bà đã bàn với cô mở một quán cơm chay nho nhỏ phục vụ những người dân có sở thích này mà cũng là tạo dựng trước tương lai cho cô dựa vào. Trộm vía Ngọc Nhi không nghén ngẩm khi mang thai nên cũng có sức khỏe cùng mẹ làm ăn. Thôi thì cô không may mắn được học tiếp đại học nhưng đôi khi lập nghiệp bằng con đường khác cũng là lựa chọn tốt và cô đã không còn đau đáu về việc mình lỡ dở việc đèn sách nữa. Ngọc Nhi vốn thông minh lại có duyên bán hàng nên quán cơm chay của mẹ con cô mở ra có khá nhiều khách đến ủng hộ, dần dà cô còn đăng facebook để bán nữa thì tiếng lành đồn xa, hàng quán ngày càng đông khách và rồi Ngọc Nhi chính thức trở thành cô chủ nhỏ có chút danh tiếng khi mới bước sang tuổi 20. Dẫu thời gian này mẹ cô không thể ở lại giúp được tiếp vì còn vướng bố và em trai ở nhà nhưng Nhi rất mạnh mẽ và cố gắng. Năm con trai tròn ba tuổi thì Ngọc Nhi đã sở hữu hai nhà hàng lớn chứ không còn là quán cơm chay nho nhỏ nữa. Ngày khai trương cơ sở hai cũng chỉ có mẹ lên chúc mừng cô, dẫu đã qua bốn năm có lẻ nhưng ông Khương vẫn không chịu nói lời tha thứ, có điều lần này theo sự động viên, an ủi của mẹ thì Ngọc Nhi đã mạnh dạn dẫn con trai về thăm bố mình. Cuối tuần đó Ngọc Nhi cùng con trai và mẹ về lại Hải Phòng, lúc xe ô tô dừng trước cổng nhà thì cô có chút e dè, bà Hằng hiểu tâm lý của con gái nên cứ bế cu Tôm vào nhà trước thế là cô cũng phải kéo hành lý theo sau. Ông Khương được vợ nhắn tin báo trước rồi nên cũng không có bất ngờ, chỉ là khi này có hơi khó mở lời sau bao năm không chịu nói chuyện với con gái nhưng khi nhìn thấy cu Tôm chạy nhào vào gọi một tiếng ông ngoại thì bức tường đồng ra vẻ không quan tâm của ông đã sụp đổ: – Ông… Ông ngoại ơi… – Ờ… Ông đây… Không nhận, không chịu nói chuyện với con gái chứ với thằng cháu Tôm này thì ông vẫn nói chuyện qua điện thoại thường xuyên mỗi khi bà Hằng gọi điện thoại lên hỏi thăm hai mẹ con. Hành động ông Khương bế Tôm đi vào trong nhà với nụ cười vui vẻ, dù không nói với Ngọc Nhi lời nào nhưng như thế cũng đủ thấy ông đã xuôi xuôi rồi. Kết thúc bữa cơm tối, bà Hằng giành phần đi rửa bát còn Nghĩa bế cháu ra ngoài sân chơi thì Nhi biết ý ra phòng khách pha ấm trà mà bố thích uống. Ông Khương lúc này cũng không còn thái độ lạnh nhạt với Nhi nên cũng di chuyển ra phòng khách ngồi thì cô rót cốc trà đưa cho ông: – Con mời bố uống trà ạ! – Để đó đi! Ngọc Nhi thấy bố vẫn chưa chịu cầm cốc trà lên uống thì liền quỳ xuống trước mặt ông: – Bố! Bố đã thương cháu rồi thì hãy tha thứ cho con đi ạ! Con… Lúc này ông Khương cũng không còn tỏ vẻ cứng rắn trước con gái được nữa, biết không phải lỗi của con nhưng ngày ấy ông không thoát khỏi sự lạc hậu trong tính cách của mình. Sợ điều tiếng và hơn hết là ông vì dành quá nhiều hi vọng ở cô con gái học giỏi như Ngọc Nhi nên khi mới vừa tốt nghiệp cấp ba chưa lâu, thay vì báo tin mừng đỗ đại học thì cô lại báo cho bố mẹ tin sốc thì ông Khương không chịu nổi đả kích này nên đã đuổi cô ra khỏi nhà. Thực ra sau đấy không lâu ông đã tha thứ cho Ngọc Nhi rồi nên mới để vợ lên giúp con gái nhưng vì cái tôi và còn chút giận hờn nên ông giằng dứ mãi mà không mở lời với con được. Mới đó mà cu Tôm cũng ba tuổi rồi, thời gian qua con gái chịu thiệt nhiều, người làm bố như ông bây giờ chỉ mong được ôm con gái như ngày nào cô vẫn còn đi học, mỗi khi về nhà là sà vào lòng ông kể chuyện vui hay là khoe những điểm số cao trong học tập… – Con gái của bố… – Bố… Con nhớ bố lắm, bố đừng giận con nữa được không bố? – Không giận… Bố tha thứ… Bố tha thứ lâu rồi… – Bố ơi…hic…hic… Ông Khương ôm con gái vào lòng cũng không cầm được nước mắt, sau bốn năm dài thì hôm nay ông cũng được ôm đứa con gái thương nhớ vào lòng vỗ về… – Ngoan! Đừng khóc! – Bố ơi… Tiếng sụt sịt của ông Khương càng rõ hơn thì Ngọc Nhi cũng vậy, bao năm nỗ lực phấn đấu là để chứng minh cho bố thấy rằng sau lỗi lầm vô tình đó thì cô vẫn không đánh mất đi sự mạnh mẽ của mình, cô vẫn là người con gái xuất sắc trong mắt ông… – Bố ơi, con đã cố gắng rất nhiều. Con hứa từ nay sẽ không khiến bố phải lo lắng nữa! – Con gái bố rất giỏi! Bố tự hào lắm! – Bố… – Đừng nghĩ chuyện cũ nữa! Đó không phải là lỗi của con! Là do chúng nó hại con, là bố sai khi trách con. Bố mới là người có lỗi! – Không. Bố không sai, con không trách bố, con thương bố nhiều lắm! Cô lại thút thít trong vòng tay người bố thân yêu của mình, cô muốn trở lại là cô bé học sinh cấp ba đáng yêu ngày nào… Khóc chán thì Ngọc Nhi lại mè nheo với ông: – Mai bố nấu mì tôm trứng trần cho con nhé! – Trứng chỉ chín lòng đào phải không? – Vâng. Ở trên kia mẹ cũng làm cho con ăn nhưng không giống vị của bố. Thực ra chẳng phải là ở cái vị mà là sự yêu thương của ông dành cho Ngọc Nhi, mẹ yêu thương theo kiểu của mẹ, còn bố là sự chấp nhận thật tâm… – Cho thằng Tôm ngủ sớm đi! Mai bố làm đồ ăn sáng cho hai mẹ con. – Vâng ạ! Hai bố con đã giải tỏa khúc mắc nên gia đình lại trở về vẻ hạnh phúc như xưa, nay nhà có thêm đứa trẻ con thì lại càng nhộn nhịp và vui hơn. Không tránh được điều tiếng và sự dị nghị của hàng xóm bởi Ngọc Nhi bỏ đi biệt tích mấy năm liền, không báo cáo lấy chồng mà giờ về lại mang theo đứa trẻ ba tuổi nhưng ông bà Khương Hằng không để ý mà vẫn vui vẻ bên con cháu mình và Nghĩa em trai của Nhi cũng vậy. Có gia đình ở bên che chở nên Ngọc Nhi không cảm thấy bị bỏ rơi và ấm ức nữa, cô sẵn sàng đối diện sự thật mình là mẹ đơn thân khi về đây. Cũng biết sẽ có ngày phải đối mặt với những người từng coi nhau là bạn thân khi ấy nhưng không ngờ ông trời khéo sắp đặt quá, lại gặp nhau ngay lúc này. Trước đây Nhi tin tưởng nên mới bị đứa bạn thân lừa gạt chứ giờ thì cô không để nó tái hiện lần nữa đâu, sự chán ghé hiện rõ trên khuôn mặt cô không muốn nhận những kẻ khốn nạn này nhưng họ lại tưởng cô đã quên đi sự việc năm nào mà thản nhiên chào hỏi như còn thân thiết lắm: Tiếng Ái Vân hồ hởi vang lên: – Nhi! Mày về bao giờ thế? Nghĩa nghe câu hỏi chướng tai thì cậu đứng lên trước chửi xéo vào mặt hai người đã từng làm tổn thương chị gái mình: – Giữa chị và chị gái tôi còn thân thiết tới mức này không mà hỏi câu nhẹ tênh thế? Những việc đồi bại, thiếu nhân cách mà các người đã làm với chị tôi vẫn còn đó, chị cũng mau quên quá nhỉ? – Nghĩa! Chuyện chỉ là không may thôi mà! Hôm đó chị cũng say nên không biết Nhi lại tự mình đi vào phòng của người ta! – Chị diễn hay đấy! Bốn năm cùng một câu trả lời nhưng sự việc chị dẫn anh ta đến đúng phòng của chị gái tôi vào nhầm mà bắt gian tại trận thì giả trân lắm! – Em không tin anh chị thì thôi nhưng không được nói xúc phạm kiểu đó! – Nếu thân là em gái của chị tôi hôm nay thì tôi đã cho chị mấy cái bạt tai về tội lươn lẹo, diễn xuất kinh tởm rồi nhưng bản thân tôi là con trai mà đi đánh con gái thì tệ quá! Tôi không muốn mình trở thành kẻ tệ bạc như tên đàn ông nào đó, miệng nói yêu thương che chở nhưng mới chỉ nhìn thấy vậy đã ngoác miệng chửi đổng, xúc phạm người con gái của mình. Tôi nhất định không để hèn bẩn như lũ các người được! – Em… – Tốt nhất là đôi cẩu nam nữ các người đừng bao giờ xuất hiện trước mặt chị em tôi nữa, thực sự là rất bẩn mắt! – Nghĩa! Em không nên nói như vậy! Ái Vân bị Nghĩa sỉ nhục cho tức điên nhưng cô ta đứng trước Tấn Sang lại luôn tỏ vẻ ấm ức và nhu mì thì anh ta liền đứng ra bênh vực liền nhưng Nghĩa làm sao chịu đứng yên để họ làm hại chị cậu thêm lần nữa chứ. Có điều Ngọc Nhi không còn là cô bé mười tám tuổi non nớt, ngây thơ năm nào nữa rồi, cô giữ chặt tay em trai ra hiệu để mình nói chuyện với họ. Ngọc Nhi nhìn trực diện Tấn Sang, ánh mắt lạnh lùng hỏi thẳng: – Em tôi không được nói thế thì nó phải nói như nào mới vừa lòng mấy người? – Nhi! Ngày đó anh biết mình hiểu lầm em nhưng sau đó anh đã xin lỗi em rồi mà em vẫn còn trách ư? Nghĩa nó không hiểu chuyện đã đành, chẳng nhẽ em đến bây giờ cũng vẫn suy nghĩ trẻ con vậy sao? – Anh nói nghe nhẹ nhàng nhỉ? Anh có biết tôi đã vất vả trải qua quãng thời gian đó như nào không? Anh có thấu hiểu nỗi đau, nỗi nhục nhã đó đối với tôi tệ hại tới mức nào không? – Em không cần phải mất bình tĩnh vậy đâu! – Tôi không mất bình tĩnh mà ngược lại đến giờ này tôi rất bình tĩnh đấy chứ! Chỉ là tôi nhắc để cho các người nhớ rằng sự vô nhân tính của các người sẽ bị quá báo sớm thôi! Ông trời rất công bằng, sẽ không để tôi chịu thiệt một mình đâu. – Em… – Sao? Tôi nói oan cho các người à? Miệng anh nói xin lỗi tôi nhưng anh có tin tưởng tôi thật sự không hay là hôm trước anh xin lỗi tôi nhưng hôm sau anh đã ở trong vòng tay của nó? Anh trách tôi không hiểu chuyện, trẻ con, vậy anh có từng đặt vào địa vị, hoàn cảnh của tôi khi đó không? Bỗng dưng tôi bị mất đời con gái cho một kẻ xa lạ, có nhà không thể ở, mười tám tuổi tôi phải trốn đi xa, bỏ lại ước mơ, hoài bão của mình, tôi mất tất cả ở độ tuổi trẻ con như thế mà anh chỉ nói một câu đơn giản thì anh đúng không phải con người. – Em… Em đừng có nói quá lên như vậy! Nghe lời trách này mà Ngọc Nhi cười khẩy, vẫn là mọi thứ con bạn cô nói thì anh ta tin còn cô thì được coi là quá đáng, làm mình làm mẩy. Nhi cũng chẳng thèm nể nang mà vỗ thẳng vào mặt hai người bọn họ: – Anh và nó đúng là một giuộc, tôi thật ngu muội, phí hoài thanh xuân khi kết thân với lũ bạn như hai người. Kẻ đâm sau lưng tôi không phải ai khác mà chính là nó đấy! Vẻ mặt luôn thể hiện mình ngoan ngoãn, hiểu chuyện nhưng tâm hồn thì rắn độc. – Em không có chứng cứ thì đừng đổ oan cho Vân chứ! Người có lỗi không tin em khi đó là anh, chứ Vân thì cô ấy luôn tự dằn vặt bản thân lúc ấy không giúp gì được cho em. – Phải rồi! Nó dằn vặt, nó cao thượng, tốt bụng nên mới hốt được anh đó! Mà cũng may là nó hốt đống rác giúp tôi chứ để tôi tiếp tục với đống rác ấy chắc tôi thối lây rồi. Không cần dài dòng làm gì, các người hợp nhau thế thì tôi chúc hai người ở bên nhau cho tới khi răng long đầu bạc nhé! Ngọc Nhi nói rồi kéo em trai đi nhưng Ái Vân thì cứ cố diễn sâu mãi, cô ta làm ra vẻ khổ tâm và ăn năn với Nhi để lấy lòng Sang: – Nhi! Nhi đừng nói thế! Bà trách tôi sao cũng được nhưng anh Sang thì chỉ nghĩ tới bà thôi! – Cút! Nhi đẩy mạnh Ái Vân một cái thì Tấn Sang vội đỡ lấy cô ta, giọng trách mắng cũng theo đó ra luôn: – Em quá đáng vừa thôi! – Tôi quá đáng cũng chưa bằng một phần mười những gì nó gây ra cho tôi đâu. – Những gì sai bọn anh cũng đã xin lỗi rồi, ngày ấy em uống say tự mình đi nhầm phòng mới xảy ra cơ sự đó mà còn trách người khác, thật sự không thể chấp nhận được. Nếu em không muốn làm bạn tiếp với bọn anh thì anh cũng không ép nữa từ nay chúng ta sẽ giống như người dưng nhưng anh khuyên em hãy chín chắn lên, bớt làm mấy hành động thiếu văn hóa như vừa rồi! Ha ha… Ôi… Ngày ấy sao cô có thể coi hai người này như đấng thần tiên được nhỉ? Nghĩ tới mà Nhi muốn cười to hơn thì Tấn Sang nóng mắt nói tiếp: – Em đúng là ấu trĩ và trẻ con! – Cút! Chúng mày cút khỏi mắt bà ngay lập tức! Cả đời này hay cả trăm ngàn kiếp sau thì bà đây cũng không bao giờ muốn gặp lại hai đứa khốn nạn như chúng mày nữa! – Em… Lần này thì hai người bọn họ bị cô làm cho tức chết, họ kéo nhau bước đi mà đầu không dám ngoảnh lại nhưng hôm nay đúng là nhiều sự bất ngờ, những người không muốn gặp, không muốn dây dưa thì cứ phải đối diện. Cái siêu thị rộng lớn thế này vẫn không tránh cho cô giáp mặt người đàn ông ấy…
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]