🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
10
CÂU HỎI: Khẩu hiệu tiếng Latin xuất hiện cùng hình ảnh sư tử gầm ở đầu các bộ phim của hãng Metro-Goldwyn-Mayer có nghĩa gì?
TRẢ LỜI: Ars Gratia Artis - Nghệ thuật Vị Nghệ thuật.
***
“Vâng, cá nhân em, em phải nói là em tuyệt đối ghét bài thơ này. Ý em là, em thấy cái ý nghĩ rằng đây là một bài thơ tình đặc sắc thật là nhảm nhí. Đây chỉ là một bài thơ của một gã hứng tình, một tên sở khanh tầm thường, tuyệt vọng về tình dục đang cố gắng chạm đến cái quần lót của người tình bằng cách lải nhải rằng ‘Thời giờ thấm thoắt thoi đưa’[1] mà không chấp nhận lời từ chối. Chẳng có gì là trữ tình hay lãng mạn, và chắc chắn không có gì tình tứ trong bài thơ này cả, không hề, cho dù ta là phụ nữ,” Erin lè nhè, đó là cô bạn của Alice, cô gái mắt mèo với mái tóc cắt ngắn nhuộm vàng hoe. “Thực tế thì, nếu có gã nào đấy gửi bài thơ này cho em hoặc đọc nó cho em nghe hoặc làm gì tương tự, em sẽ gọi cảnh sát. Chẳng lấy gì làm lạ nếu người tình của ông ta thấy xấu hổ. Nhà thơ này là một gã thù ghét đàn bà toàn tập.”
[1] Nguyên văn: Time’s Winged Chariot.
“Em nghĩ Andrew Marvell là một gã thù ghét đàn bà?” Giáo sư Morrison hỏi, ngả người trên chiếc ghế bành, những ngón tay dài đặt trên bụng.
“Về cơ bản thì đúng là vậy. Dù gì đi nữa, theo như bài thơ này thì chắc chắn là như vậy rồi.”
“Vậy giọng nói của nhà thơ và giọng nói trong bài thơ là của một người và hệt như nhau?”
“Tại sao lại không? Chẳng có gì cho thấy bất kỳ biện pháp nhân cách hóa xa nào...”
“Brian, em nghĩ sao?”
Nói thật nhé, tôi đang nghĩ về Alice, vì vậy tôi ngừng lại một giây và câu giờ bằng cách chà chà vào lỗ tai, như thể những khả năng đặc biệt quan trọng của tôi bằng cách nào đó lại nằm ở dái tai và tôi chỉ cần kích hoạt chúng vậy. Đây mới là lần phụ đạo thứ ba của tôi, và lần trước tôi bị bắt lỗi vì tội giả vờ đã đọc Công viên Mansfield trong khi sự thật là chỉ mới xem được nửa tập đầu trên ti vi, vì vậy lần này phải làm tốt hơn. Từ kho vũ khí của mình, tôi chọn cụm từ “bối cảnh lịch sử”.
“Em nghĩ nó phức tạp hơn thế, đặc biệt nếu ta đặt bài thơ này vào bối cảnh lịch sử...” và Erin chép miệng thở dài, vì cô ta có xu hướng làm thế bất cứ khi nào tôi mở miệng trong giờ phụ đạo. Erin rõ ràng ghét tôi thậm tệ, mặc dù tôi chẳng hiểu tại sao, vì tôi vẫn luôn mỉm cười với cô ta cơ mà. Tất nhiên trừ phi đó chính là nguyên nhân. Thôi kệ đi. Tập trung nào. “Trước hết rõ ràng có một yếu tố hài hước mạnh mẽ ở đây. Sử dụng thủ pháp khoa trương chính là tự nhận thức được bản thân, và theo hướng đó, bài thơ có một chút giống bài xônê số 130 của Shakespeare, ‘Mắt người tình tôi không giống ánh mặt trời’... (một câu thơ hay)... ngoại trừ trong trường hợp này sự khoa trương của nhà thơ khiến ông có vẻ ngốc nghếch - sự tuyệt vọng, bất hạnh cùng cực mà ông vin vào để thuyết phục người tình hồi tâm chuyển ý đã khiến ông trở thành một nhân vật có bản chất hài hước. Đó là một vở hài kịch phản ánh sự tuyệt vọng về tình dục và sự bẽ mặt đầy lãng mạn. Thật ra ‘người tình xấu hổ’ được lấy tên để đặt cho bài thơ, đối tượng của niềm đam mê không được đáp lại của nhà thơ này, chính là người có toàn bộ quyền hạn ở đây...”
“Này, đó là một đống những thứ tào lao theo chủ nghĩa sô vanh, phản động đấy,” Erin ngắt lời, cô ngồi ngọ ngoạy trên ghế suốt từ nãy giờ, phẫn nộ làm cho các ghế nhựa kêu kin kít. “Cái cô người yêu thẹn thùng ấy chả có quyền hạn gì hết, cũng chả có tí cá tính nào, cô ta chỉ là kẻ tầm thường, rỗng tuếch, chẳng qua được khắc họa là người có sắc đẹp và không sẵn lòng quan hệ tình dục với cái ông nhà thơ ấy thôi. Mà âm điệu bài thơ rõ ràng là chẳng hài hước hay trữ tình gì sất, chỉ có dọa nạt, dụ dỗ với đàn áp thôi.”
Rồi thì Chris, gã hippie có bàn tay cáu bẩn bắt đầu lên tiếng, thế là tôi quyết định để Erin dùng anh chàng như chỗ gãi ngứa thay thế trong chốc lát. Giáo sư Morrison nở một nụ cười hiền từ như một người cha với tôi, để tôi biết là ông đồng tình với tôi về mọi mặt. Tôi thích Giáo sư Morrison. Tôi cũng sợ ông nữa, sự kết hợp này hoàn toàn đúng để dành cho một giảng viên đại học. Ông trông hao hao David Attenborough, điều đó cũng tốt cho một giảng viên đại học, ông hay mặc quần nhung kẻ, cà vạt hàng dệt kim, người ốm như que củi, khác hẳn cái bụng phệ nhỏ chắc nịch trông như một miếng lót nệm được cột vào bằng dây da dưới chiếc áo sơ mi bẩn. Và khi ta đang nói thì ông lắng nghe chăm chú, đầu hơi ngẩng lên, những ngón tay dài đan vào nhau kiểu nhà thờ có mái hình tháp trước miệng, hệt như các Trí thức hay làm trên ti vi.
Trong khi Erin đang ăn tươi nuốt sống Chris và Giáo sư Morrison đang chăm chú theo dõi, tôi để tâm hồn treo ngược cành cây và nhìn ra khu vườn bên ngoài cửa sổ, tiếp tục nghĩ về Alice.
***
Khi đi dọc theo Phố Lớn trên đường về sau buổi phụ đạo, tôi thấy Rebecca hay tên-gì-đó và hai gã trông kiểu tao-điên-lắm-rồi-đấy lúc nào cũng kè kè bên cô nàng. Họ đang nhét tờ rơi vào tay những người mua sắm thờ ơ và trong tích tắc tôi đã định sang đường. Nói thật ra tôi có phần e dè cô nàng đó, nhất là sau cuộc nói chuyện gần đây, nhưng tôi đã tự hứa với lòng là phải hết sức kết giao thật nhiều bạn bè mới ở trường đại học, ngay cả khi họ đưa ra đủ loại dấu hiệu để thể hiện là chẳng thích mình cho lắm.
“Chào đằng ấy,” tôi nói.
“Nữ hoàng Khiêu vũ đây mà! Khỏe không?” cô nàng hỏi và đưa tôi một tờ rơi, cổ động tôi tẩy chay Barclays.
“Thật ra tiền học bổng của tớ đang được gửi ở một ngân hàng đa quốc gia nhân đạo và chu đáo khác rồi!” tôi nói với ánh nhìn sắc bén, đầy nhạo báng và giễu cợt, nhưng cô nàng không hẳn đang nhìn tôi mà lại quay ra phát tờ rơi và la to “Chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi! Ủng hộ tẩy chay. Không mua hàng hóa Nam Phi! Nói không với nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi!...” Khi tôi đã bắt đầu cảm thấy mình cũng bị tẩy chay và dợm bước đi thì cô nàng hỏi, bằng giọng nhỏ nhẹ hơn một tí, “Sao rồi, cậu ổn định chưa?”
“À, ổn cả. Tớ ở chung nhà với hai thằng Rupert cánh tả trời đánh thánh vật. Nhưng trừ cái đó ra thì mọi thứ cũng không tệ lắm...” tôi vừa mớm thêm gợi ý về vụ đấu tranh giai cấp mà cô nàng quan tâm, nhưng chắc cô nàng nhận thấy được điều đó, vì cô nàng chỉ nhìn tôi, bối rối.
“Họ đều tên là Rupert à?”
“Không, bọn đấy tên là Marcus và Josh.”
“Thế thì Rupert là ai?”
“Họ là, họ là, cậu biết đấy... Rupert[2] chứ còn ai nữa,” nhưng lời phê bình này đang bắt đầu mất đi ít nhiều sắc bén, và tôi tự hỏi thay vào đó mình có nên đề nghị phát tờ rơi phụ không. Rốt cuộc, đó chính là điều khiến tôi thấy hăng hái, và tôi có một chủ trương khắt khe là không ăn được trái cây Nam Phi, nó cũng khắt khe như chủ trương không ăn trái cây của tôi vậy. Nhưng giờ thì Rebecca đang gấp những tờ rơi còn lại và đưa cho các bạn học của cô nàng.
[2] Rupert (tiếng lóng Anh) chỉ những thiếu niên nổi tiếng vì tính sáng tạo mà thiếu những phẩm chất đàn ông quan trọng.
“Được rồi, phần của tớ hôm nay thế là xong nhé. Gặp cậu ngày mai, Toby, gặp cậu sau, Rupert...” và đột nhiên tôi thấy mình sánh bước xuống phố cùng cô nàng, hoàn toàn không biết việc đó là chủ ý của ai nữa. “Thế bây giờ tụi mình đi đâu đây?” cô nàng hỏi, hai tay nhét sâu vào túi áo khoác đen vinyl.
“Đúng ra, tớ đang trên đường đến Triển lãm Nghệ thuật Thành phố.”
“Triển lãm Nghệ thuật á?” cô nàng hỏi, tỏ vẻ thích thú.
“Phải, cậu biết đấy, tớ nghĩ là mình cứ xem cho biết thì đã sao?”
Cô nàng chun mũi, trả lời, “Được thôi, cùng đi ‘xem cho biết’ vậy!” và tôi theo chân cô nàng xuống phố.
***
A, cái chiêu đi-xem-thử-triển-lãm-nghệ-thuật-thế-nào xưa như trái đất chính ra lại không lỗi thời đâu nhé. Tôi đã chờ đợi dịp nào đó để thử chiêu này, vì ở Southend nó không khả thi, nhưng đây là một phòng triển lãm nghệ thuật đúng chuẩn; không khí yên lặng như ở thư viện, những băng ghế đá cẩm thạch, tay bảo vệ ngủ gà ngủ gật trên mấy cái ghế không thoải mái. Kế hoạch lý tưởng của tôi là hẹn hò Alice ở đây, nhưng cứ diễn tập với người khác trước cũng tốt, để tôi có thể lường trước những phản ứng tự phát của mình.
Tôi không ngại thú nhận rằng hiểu biết của tôi về nghệ thuật tạo hình khá là nông cạn; thí dụ như, tôi thường bấm bụng nói rằng ai đấy trong tranh giống hệt người-này-người-nọ trên ti vi. Ngoài ra, có một số quy tắc cần phải nắm rõ khi đi xem triển lãm nghệ thuật - đứng trước mỗi bức tranh trong bao lâu, tạo ra âm thanh gì, kiểu thế - nhưng Rebecca và tôi đã nhanh chóng tạo ra một nhịp điệu đúng mực và thoải mái; không đi quá nhanh để bị coi là nông cạn, cũng không dừng lại quá lâu để mà thấy chán chết.
Chúng tôi đang bước vào phòng Thế kỷ Mười tám, đứng trước một bức tranh không đặc sắc lắm của một họa sĩ tôi chưa từng nghe đến, bức Lãnh chúa và Nữ lãnh chúa đứng dưới cây đậm chất Gainsborough.
“Phối cảnh xa gần tuyệt thật nhỉ,” tôi nói, nhưng thu hút sự chú ý của cô bằng quy luật vật thể trở nên nhỏ hơn khi ở xa hơn thì có chút tầm thường, thế nên tôi quyết định chọn cách tiếp cận mang tính chính trị xã hội hơn, Mác xít hơn.
“Nhìn khuôn mặt họ kìa! Hẳn là họ hài lòng với địa vị của mình lắm!”
“Chắc vậy,” Rebecca đáp, chẳng mặn mà gì lắm.
“Thế không thích nghệ thuật à?”
“Dĩ nhiên là thích. Chẳng qua tớ không nghĩ là chỉ vì một thứ được đặt vào một cái khung lớn, mạ vàng tệ hại mà tớ buộc phải đứng trước nó hàng giờ mà xoa cằm. Ý tớ là, xem cái này đi...” Tay vẫn để trong túi áo, cô ra hiệu bằng cánh dơi của chiếc áo khoác, chỉ chung quanh phòng một cách mạnh bạo, “... những bức chân dung của cái bọn nhà giàu rỗi hơi đang ngắm nghía của cải bất chính của mình, những bức tranh xinh xắn thể hiện công việc đồng áng vất vả nhọc nhằn, những bức tranh vẽ những con heo sạch sẽ không có vết bẩn nào. Ý tớ là hãy nhìn những thứ kỳ dị này xem” - cô ấy chỉ một thân hình khỏa thân đầy đặn, hồng hào, mịn màng nằm dài trên ghế - “tranh khiêu dâm dành cho bọn buôn nô lệ. Vì Chúa, lông mu của cô ta đâu hết rồi cơ chứ! Có bao giờ trong đời cậu thấy một người đàn bà khỏa thân giống như thế chưa?” Tôi định bảo là chưa bao giờ thấy đàn bà khỏa thân, nhưng lại không muốn thổi bay đi phẩm chất nghệ thuật của mình, nên khẽ nói. “Ý tớ là, đúng ra thì bức tranh đó dành cho ai nhỉ?”
“Thế cậu không nghĩ nghệ thuật có giá trị nội tại nào đấy à?”
“Không, tớ không nghĩ nó có giá trị nội tại chỉ vì ai đó ở đâu đó quyết định gọi nó là ‘nghệ thuật’. Giống như cái này này - đó là một thứ vớ vẩn mà cậu có thể thấy trên bức tường của Câu lạc bộ Bảo thủ dưới tỉnh...”
“Thế thì tớ cho là nếu cách mạng đến, cậu sẽ đốt rụi chỗ này...”
“Ôi chao, đúng là cậu có một thói quen nhỏ đáng mến đấy, vơ đũa cả nắm...” tôi theo chân cô đi vào một phòng chứa đầy tranh tĩnh vật, và quyết định đưa cuộc nói chuyện ra khỏi chủ đề chính trị. “Số nhiều của ‘tĩnh vật’ là gì nhỉ? Là ‘các tĩnh vật’ hay ‘những tĩnh vật’?” Điều này khiến tôi chú ý là vì nó là một điều thú vị tinh tế có thể đem thảo luận trên kênh Radio 4, nhưng cô lại không cắn câu.
“Vậy cậu theo đảng phái chính trị nào?” cô hỏi.
“À, chắc kiểu như là chủ nghĩa nhân văn tự do cánh tả.”
“Nói cũng như không...”
“À, tớ không nói l...”
“À mà cậu học ngành gì ấy nhỉ?”
“Văn. Anh.”
“Vănanh là cái gì?”
“Văn học Anh.”
“Thời bây giờ người ta gọi nó như thế hả? Mà cái gì cuốn hút cậu vào Vănanh thế, ngoài cái sự thật đó chỉ là một sự trốn tránh có lợi, béo bở, to tát.”
Tôi chọn cách phớt lờ lời bình luận cuối, và đi thẳng vào bài phát biểu tủ của mình. “À, thật tình tớ cũng không biết phải làm gì. Tớ có kiến thức nền kha khá với các chứng chỉ O-level và A-level, tớ nghĩ tới lịch sử, nghệ thuật, hoặc có thể là một môn khoa học nào đấy. Có điều nói về văn học ấy mà, về cơ bản thì nó tóm gọn kiến thức của tất cả các môn học - nào là lịch sử, triết học, chính trị học, chính trị học giới tính, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, khoa học. Văn học là sự phản ánh có tổ chức của loài người về thế giới xung quanh mình, nên cũng là tự nhiên khi mà sự phản ánh đó sẽ chứa đựng toàn bộ...” - lấy hơi cái đã - “... một bộ những quan điểm, ý tưởng, vấn đề...”
Vân vân, vân vân và vân vân. Hoàn toàn chân thành nhé, đây không phải là lần đầu tiên tôi nói những điều này đâu. Thực tế thì, tôi sử dụng bài phát biểu tủ ngắn này trong tất cả những cuộc phỏng vấn vào các trường đại học, và mặc dù không được khí thế như bài diễn văn Chúng ta sẽ chiến đấu trên các bãi biển[3], nó vẫn thường thành công với các giảng viên đại học, đặc biệt khi đi kèm với, như lúc này, vò đầu bứt tai và rất nhiều những điệu bộ nhấn mạnh. Tôi đưa bài phát biểu lên tới cực điểm gây choáng “... như Hamlet đã nói với Polonius trong hồi hai, cảnh hai, toàn là về ‘từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ’, cái chúng ta gọi là ‘văn học’ thực ra chỉ là công cụ cho cái được miêu tả chính xác hơn là Nghiên cứu về... Vạn vật.”
[3] Tên thường gọi của bài diễn văn nổi tiếng do Winston Churchill đọc trước Hạ viện Anh ngày 4 tháng Sáu năm 1940.
Rebecca ngẫm nghĩ về điều này, gật gù ra vẻ nghiêm trang. “Thế hả, đấy chắc chắn là một mớ những thứ nhảm nhí vớ vẩn nhất mà thỉnh thoảng tớ cũng nghe nói đến,” cô ấy nói, và bắt đầu bỏ đi.
“Cậu nghĩ thế à?” tôi nói, lóc cóc chạy theo.
“Ý tớ là sao cậu không nói đơn giản là muốn mài đũng quần trên ghế nhà trường trong ba năm? Ít ra thế cũng chân thật hơn. Văn chương không dạy cậu về ‘vạn vật’, mà nếu có đi nữa, cũng chỉ theo cách không thực tế, hời hợt, vô ích nhất. Tức là bất cứ ai nghĩ chỉ cần đọc qua vở Under Milk Wood là đã có thể học điều gì đó thực tiễn về chính trị, tâm lý học hoặc khoa học thì đúng là họ đang nói vớ vẩn. Cứ thử tưởng tượng mà xem nếu ai đó bảo cậu, ‘À, ngài-tên-gì-đó-ơi, tôi sắp sửa cắt bỏ lá lách của ngài, và, thôi được rồi, thật ra tôi chưa học Y đến trình độ đó đâu, nhưng đừng lo, tôi rất thích đọc Cuộc phiêu lưu của ông Pickwick[4]...?”
[4] The Pickwick Papers, tiểu thuyết đầu tiên của Charles Dickens.
“À, ngành Y là một trường hợp đặc biệt.”
“Thế chính trị thì không phải à? Còn lịch sử? Luật? Tại sao lại không? Bởi vì dễ hơn à? Không đáng phân tích sâu bằng à?”
“Thế sao cậu không nghĩ tiểu thuyết, thơ ca và kịch nghệ góp phần làm cho cuộc sống có chất lượng và phong phú hơn?”
“Tớ đã không nói vậy, được chưa? Tớ chắc là đúng như thế, nhưng một bản nhạc pop ba phút cũng làm được thế, và không ai nghĩ là cần phải mất đến năm để học cái đó đâu.”
Tôi chắc là Alexander Pope[5] đã nói gì đó rất chuẩn để giải vây cho tôi lúc này, nhưng tôi không tài nào nhớ nổi, và tôi định bụng dùng từ “thuyết vị lợi” nhưng cũng không chắc lắm. Thế thay vào đó, tôi bèn nói, “Chỉ vì một cái gì đó không thực tiễn thì không có nghĩa là nó không hữu dụng.”
[5] Nhà thơ Anh nổi tiếng thế kỷ mười tám.
Nghe thế, Rebecca chun mũi, và tôi nhận ra lúc này mình đang lâm vào một tình huống khó đối phó, về mặt ngữ nghĩa, nên tôi quyết định dùng chiến thuật khác, và tiếp tục tấn công.
“Thế cậu đang học ngành gì, cái rất là hữu dụng ấy?”
“Luật. Năm hai.”
“Luật!... Ra vậy, tớ cho là luật cũng hữu ích đấy.”
“Ờ, cứ hy vọng vậy đi.”
Luật chính là lý lẽ. Nếu đang trong một phiên tòa, nhất định tôi không muốn tranh cãi với Rebecca Epstein. Cô nàng nói như tát vào mặt người ta với cái giọng Glasgow, phun ra những cái kiểu “Định nghĩa thuật ngữ của anh xem nào!” và “Lập luận của anh sáo rỗng quá đấy!” Thực ra giờ tôi cũng chẳng muốn tranh luận với cô ấy, nên tôi bèn ngừng nói và chúng tôi lặng lẽ đi hết Bảo tàng Thành phố, ngắm nghía những tủ kính trưng bày hóa thạch, đồng xu La Mã và nông cụ cổ xưa. Tôi nghĩ đây chính là lần đầu trong cuộc đời đi học mình được nếm trải và cọ xát với thực tiễn. Dĩ nhiên cũng có những tranh cãi với Erin trong giờ phụ đạo, nhưng nó cũng giống như trò vật tay; vấn đề chỉ là bạn có thể chịu đựng được tới đâu. Với Rebecca, tôi cảm thấy như bị đâm vào mắt. Ngoài ra, đây mới chỉ là tuần lễ thứ ba, tôi chắc là rồi mình sẽ khá hơn, và tận đáy lòng tôi biết mình có thể nghĩ ra một câu trả lời hùng hồn sắc bén, ngay cả khi nếu chuyện đó không xảy ra trong vòng ba đến bốn ngày nữa. Lúc này thì tôi quyết định thử xem có định chuyển chủ đề hay không.
“Vậy sau rồi cậu muốn làm gì?” tôi hỏi.
“Chưa biết. Chúng ta có thể đi uống gì đấy nếu cậu muốn...”
“Không, ý tớ là sau đại học ấy, khi cậu đủ điều kiện...”
“Khi đủ điều kiện á? Chả biết nữa. Sẽ có điều gì đấy thật sự tạo nên khác biệt cho đời người. Tớ cũng không chắc mình có muốn làm luật sư không, nhưng mà tớ có hứng thú với luật nhập cư. Văn phòng Tư vấn Công dân làm việc tốt đấy. Cũng có khi tớ chuyển sang làm chính trị hoặc viết báo hay cái gì đấy, nhằm góp phần thay đổi những gã Bảo thủ đáng ghét. Cậu thì sao?”
“Ồ, có khi dạy học hoặc nghiên cứu. Lớ ngớ có khi lại viết văn.”
“Cậu viết cái gì thế?”
“À, chưa có gì cả.” Tôi quyết định thử cách khác, và nói thêm, “Chỉ có một bài thơ ngắn thôi.”
“Ô, đây rồi. Cậu là một nhà thơ, thế mà tớ chẳng biết gì sất.” Cô ấy nhìn đồng hồ. “À, tớ phải về đây.”
“Cậu sống ở đâu?”
“Trang viên Kenwood, chỗ có bữa tiệc ầm ĩ ấy.”
“A, cùng chỗ với cô bạn Alice của tớ hở?”
“Alice-tóc-vàng-xinh đẹp á?”
“Cậu ấy xinh đẹp á? Tớ chẳng để ý.” Giờ tôi chuyển qua thử áp dụng màn nhăn nhở khôi hài kiểu hậu nữ quyền, nhưng Rebecca chỉ tặc lưỡi, cau có hỏi, “Làm sao cậu quen cô ả thế hả?”
“À, chung đội tuyển Thách thức Đại học...” tôi nói, tự nhiên nhún vai. Tiếng cười của Rebecca vang lên dội vào bức tường đá của viện bảo tàng.
“Cậu chỉ được cái thích đùa!”
“Có gì mà buồn cười?”
“Không, không có gì. Xin lỗi nhá, tớ không biết mình đang nói chuyện với một nhân vật trên truyền hình cơ đấy. Cậu đang cố chứng tỏ cái gì vậy?”
“Cậu muốn nói đến chuyện gì?”
“À, tham gia vào chương trình kiểu như thế thì tức là cậu muốn chứng minh điều gì đó.”
“Tớ chẳng muốn chứng minh cái gì cả! Cho vui thôi. Và dù sao đi nữa, bọn tớ cũng chưa đủ điều kiện để tham gia cuộc thi trên truyền hình. Tuần sau bọn tớ mới thi vòng loại.”
“Thi đấu hả? Nghe có vẻ khí khái đàn ông phết nhỉ. Khác gì cậu phải mặc quần áo bảo hộ hoặc cái gì tương tự. Cậu chơi ở vị trí nào vậy? Trung phong? Thủ thành...?”
“Thật ra thì tớ là dự bị đầu tiên.”
“À, thế thì cậu không thật sự ở trong đội rồi.”
“Không. Không, tớ nghĩ không phải thế.”
“À, nếu cậu muốn tớ bẻ gãy ngón tay bấm chuông của đứa nào đấy, chỉ cần cho tớ biết...” Bây giờ chúng tôi đang đứng ở bậc cầu thang phòng triễn lãm, và lúc chúng tôi bước vào trong thì trời đã bắt đầu tối. “Nói chuyện với cậu vui thật đấy... Tớ xin lỗi, tớ lại quên tên cậu mất rồi.”
“Brian. Brian Jackson. Tớ đưa cậu về nhé?”
“Tớ biết đường, tớ sống ở đó mà, nhớ không? Hẹn gặp sau nhé, Jackson,” cô xuống cầu thang, rồi dừng chân và quay đầu lại. “Mà Jackson này? Tất nhiên là cậu nên học bất kỳ môn nào cậu muốn. Việc nhận thức và hiểu được thứ văn chương trong sách vở hoặc bất kỳ nỗ lực nghệ thuật nào chính là trung tâm của một xã hội tử tế. Cậu nghĩ tại sao sách vở lại là thứ đầu tiên mà phát xít đem đốt chứ hả? Cậu cần học cách bảo vệ chính kiến tốt hơn,” nói rồi cô quay lưng, bước từng bước ngắn xuống bậc thang rồi biến vào màn đêm.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.