Chương trước
Chương sau
Editor: Gracie

Đám trẻ chơi mãi không biết chán, chơi đến lúc sau thì đòi mang lưới đi bắt bướm, cứ đuổi đuổi bắt bắt, chẳng mấy chốc đã không thấy bóng dáng đâu nữa, trên bờ ruộng chỉ còn lại những người nông dân đang cấy mạ.

A Hạ cười đến mức phải ngồi trên bàn đu dây xoa bụng, Sương Hoa ở bên cạnh vừa nhặt rau vừa cười trêu nàng, "Hối hận vì không đi theo chơi à?"

"Muội mới lười đi ấy."

Nàng vừa dứt lời, ông ngoại khoác áo tơi, chân đi giày rơm, vác sọt tre ra tới, cười ha hả hỏi, "A Hạ, có đi vào núi không?"

Cái người vừa nãy còn lười nhác ngay lập tức từ bàn đu dây đứng dậy, nhanh chóng nói: "Đi ạ, tỷ tỷ đi cùng luôn nhé?"

"Ta mới không đi cùng muội."

"Ai nha, a tỷ tốt ơi..."

Sương Hoa bị nàng nài nỉ đến mức không còn cách nào khác, chỉ có thể buông công việc trong tay xuống. Cùng nàng đi thay quần áo, đổi sang bộ có tay áo bó và quần dài, bên dưới đi đôi giày cỏ bồ.

Còn phải đội mũ tre, khoác áo tơi, cỏ cây trong núi đang vào mùa phát triển mạnh, côn trùng xuất hiện nhiều, phải mặc như thế để tránh bị rơi vào người.

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, A Hạ mới xách một cái giỏ tre nhỏ đi theo vào núi. Trên con đường nhỏ dẫn lên núi, gặp Đại Phát thúc đang đẩy xe đẩy tay từ phía trước lại đây, theo bên người còn một con chó lớn màu vàng.

"Thất thúc, dẫn tụi A Hạ vào núi à?"

"Ừm, đi hái ít thứ, đào vài gốc măng." Ông ngoại mang cái sọt trên lưng, đáp lời.

"Thế thì Thất thúc dẫn hai đứa đến chỗ tảng đá lớn ở phía đông Tùng Lĩnh nhé. Hương xuân năm trước không mọc mầm, năm nay lại mọc nhiều đến lạ lùng, Thất thúc xem thử này."

Đại Phát thúc xách từ trên xe đẩy ra một sọt mầm hương xuân, mầm non có màu đỏ tía pha lẫn xanh lá, ông ngoại nhìn kỹ vài lần, gật đầu, "Mầm này không tồi."

"Đúng vậy. Hái một giỏ, rồi đi nhà Vương Lão Tài mua một cân đậu phụ non, trộn cùng ăn ngon phải biết, cháu dùng để nhắm rượu."

"Được đó."

Nói xong, thấy bọn họ sắp phải đi, Đại Phát thúc lại lấy ra một cây sào tre có móc gỗ, tiến lên vài bước đưa cho ông ngoại, "Hái hương xuân không thể không có nó, lát nữa trả lại cháu là được, Thất thúc, cháu đi trước đây, trong nhà còn có việc khác."

"Được, cháu đẩy xe cẩn thận chút."

Đợi xe đi xa, Sương Hoa mới thở phào nhẹ nhõm, nàng ấy thực sự không chịu nổi mùi hương xuân, hàng năm vào thời điểm nấu món này, nàng ấy đều trốn đi thật xa.

Người khác nói nó thơm, nhưng nàng ấy ngửi lại thấy buồn nôn.

"Chút nữa Sương Hoa đi qua bên cạnh ngồi nhé, chờ ta và A Hạ hái xong, tối nay sẽ nấu món măng kho mỡ con thích trước, chờ con ăn xong rồi ông mới làm hương xuân trộn."

Trước kia ông ngoại năm nào cũng phát sầu, món mầm hương xuân này vừa non mềm, vừa có hương vị ngon, vậy mà Sương Hoa lại không ăn được. Sau này cũng không ép buộc nữa, thứ này cũng giống như rau mùi vậy, người thích thì mê mẩn, người không ăn được thì tránh đến thật xa.

"Vâng ạ."

Nếu biết trước là hái mầm hương xuân, có đánh chết Sương Hoa cũng không chịu đi lên núi.

A Hạ ôm lấy cánh tay nàng ấy, cũng không đề cập đến việc hương xuân có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, mà chỉ bảo: "A tỷ, lát nữa chúng ta cùng đi tìm lô hao nhé."

"Được thôi."

Nhớ tới hương vị của lô hao, Sương Hoa bỗng cảm thấy mùi mầm hương xuân cũng không phải là không thể chịu đựng.

Đường lên núi là một con đường nhỏ được rải đá dăm, có chút dốc, A Hạ nhặt một cành cây để chống, hai bên là lá cỏ mới nhú lên, cực kỳ xanh mướt, tỏa ra một mùi thơm cỏ cây nhàn nhạt.

Hoa cỏ trong núi thay đổi theo mùa, vào đầu xuân, những bông hoa còn e ấp, nhỏ bé, nép mình vào tán lá dài. Đến cuối xuân, từ xa nhìn lại, hoa nở rực rỡ, khoe sắc thắm.

Chim tước hót líu lo vang vọng, hòa cùng tiếng sột soạt của cỏ tranh xẹt qua người, trong rừng tre, lá cây cũng lay động mạnh mẽ.

Ông ngoại đặt sọt tre xuống, lấy ra một cái cuốc, bắt đầu tìm những gốc măng mùa xuân mới nhú, rồi cất tiếng gọi: "A Hạ, Sương Hoa, các con đi tìm rau lô hao nhớ đừng đi xa quá, ta đào vài gốc măng rồi về."

"Vâng, ngoại tổ phụ, chúng con đi dạo một lát liền quay lại."

A Hạ đã đi được một đoạn đường, quay đầu lại đáp ứng.

Núi rừng vào ngày xuân đã cởi bỏ vẻ ảm đạm của mùa đông lạnh giá, sự náo nhiệt len lỏi từ dưới đất chui lên, bao trùm cỏ cây khắp núi đồi. A Hạ nhìn thấy một cây hoa sơn trà nở rộ bên đường, nàng cẩn thận hái xuống hai đóa.

Xoay người lại cười khanh khách nói, "Tới đây, a tỷ, để muội cài hoa cho tỷ, đeo trâm hoa xuân nào. Cũng cài lên giúp muội nhé."

"Ôi, tiểu mỹ nhân từ đâu đến đây?" Sương Hoa cẩn thận cắm vào búi tóc nàng, trêu ghẹo nói.

A Hạ mỉm cười tựa vào vai nàng ấy, sau đó cùng nhau đi dọc theo con đường, khi vừa nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, họ rẽ qua một khúc quanh, trước mắt hiện ra một con sông dài, rộng lớn, trên bờ sông mọc um tùm một mảng lô hao xanh mướt.

Là một trong 'đầu xuân tứ dã', dù còn cách một đoạn đường nữa nhưng vẫn ngửi thấy mùi thơm nồng nàn. (chú thích: Cây thanh hao ở C7 và lô hao cùng thuộc chi Ngải, nên chắc vì vậy mà đều là rau đầu tiên trong là 'đầu xuân tứ dã', cùng với ba loại rau khác.)

Sương Hoa ngồi xổm bên bụi lô hao, cẩn thận chọn lựa mới hái được một giỏ đầy, những hạt sương còn đọng trên ngọn rau, từ khe hở của giỏ mà nhỏ giọt xuống.

"A Hạ, ta hái xong rồi, muội ở đó làm gì vậy?"

Cùng với một trận tiếng lá cây xào xạc, A Hạ mới nhẹ nhàng bước trở lại, đôi mắt cong lên, giọng nói vui vẻ: "A tỷ, muội vừa nhìn thấy một con nai rất lớn, nó ở kia ăn cỏ, cặp sừng của nó trông như chạc cây, thấy muội nhìn nó cũng không hề trốn."

"Vậy chúng ta phải đi nhanh thôi, tránh làm phiền tụi nó."

Sương Hoa kéo A Hạ quay về, nàng ấy lớn lên ở trong trang từ nhỏ, cũng đã nghe không ít lời đồn về núi Tùng Lĩnh.

Người trong trang không bao giờ vào núi đi săn, bọn họ nói rằng những thú hoang đó có linh tính, là thần giữ núi, không thể ăn cũng không thể bắt.

Vì vậy, mặc dù núi Tùng Lĩnh là một ngọn núi sâu, ẩn náu không ít sài lang hổ báo, nhưng trong suốt trăm năm qua, chúng cũng chưa hề xuống núi.

Người dân miền núi thậm chí còn dựng một cái am nhỏ để thắp hương cúng bái tại cửa núi Tùng Lĩnh, nhằm thờ phụng Sơn Thần, hương khói không bao giờ dứt, người dân trước khi vào núi sâu đều ở trước am đốt ba nén hương.

Lúc đầu nghe kể, A Hạ còn thấy rất kỳ lạ, nhưng vì mọi người đều giữ kín như bưng, nên dần dần nàng cũng không hiếu kỳ nữa. Chỉ là ngẫu nhiên qua đó chơi, nàng cũng sẽ thắp chút hương, tuy không sùng kính nhưng thái độ vẫn rất kính sợ.

Vừa đi vừa suy nghĩ, cuối cùng họ cũng về tới rừng tre, ông ngoại đã cởi chiếc áo tơi ra, chống cuốc chờ các nàng quay lại, bên cạnh là một sọt măng non.

"Gặp được chuyện gì vui à, sao lại cao hứng thế?" Ông ngoại thấy các nàng mặt mày rạng rỡ, vác cái sọt lên vai, tò mò hỏi.

"Là A Hạ, muội ấy nhìn thấy nai ở bên bờ Tùng Khê, sừng rất lớn, chắc là một con nai già." Sương Hoa thở dốc, đáp lời.

"Con nai kia thật sự rất đẹp."

A Hạ vẫn còn đang cảm khái, ông ngoại đã vác sọt đi đến trước mặt nàng, tươi cười rạng rỡ, "A Hạ có khả năng đã nhìn thấy con nai đầu đàn, trong đàn nai chỉ có một con nai lớn với cái sừng dài làm đầu đàn, nó cũng là con ít né tránh con người nhất."

Ông lau mồ hôi, vui tươi hớn hở mà nói tiếp: "Đợi đến lúc cuối xuân đầu hạ, khi trời nắng ấm hơn lại vào núi, có lẽ còn có thể thấy được đàn nai. Lúc trẻ ta từng gặp qua hai lần, sau này đi vào đó cũng không nhìn thấy lần nào nữa."

Ông ngoại nói đến đây còn mang theo chút hoài niệm, nhìn về phía núi sâu xa xa mờ mịt trong sương mù, trên mặt hiện lên nụ cười nhàn nhạt.

"Vậy đến Tết Đoan Ngọ con lại lên đây xem."

Sương Hoa liếc xéo nàng một cái, "Gần Đoan Ngọ là lúc ở đây nhiều rắn nhất, muội không sợ sao?"

"Mấy con rắn đó không cắn người, cơ mà vẫn nên tránh xa thì tốt hơn."

A Hạ có chút nhụt chí, nhưng đảo mắt lại vui vẻ trở lại, hỏi: "Ngoại công, vậy bao nhiêu năm qua ông đi vào núi, có gặp phải chuyện gì kỳ lạ không ạ?"

Lúc có mẹ Phương ở đây, nàng ấy luôn cấm cản, không cho nàng vào núi, cho nên số lần A Hạ đi vào núi có thể đếm trên đầu ngón tay.

"Có nhiều chuyện lắm, đợi chút nữa ngoại công kể cho con nghe."

Vòng qua vài khúc cua, bọn họ nhìn thấy mấy cây hương xuân, hương thơm tỏa ra mạnh mẽ, khiến Sương Hoa hắt hơi liên tục, nàng ấy vội né ra xa và nói mình sẽ về trước.

Ông ngoại bật cười rồi đặt cái sọt xuống, cầm lấy sào tre móc những cành hương xuân ở phía trên, những cành dưới thấp đã sớm bị người ta hái hết rồi, với mấy cành quá cao, ông sẽ kéo cả một chùm xuống để A Hạ bẻ lấy phần ngọn.

Ông vừa nhìn lên trên, vừa nói: "Cách đây mười mấy năm, lúc con còn chưa ra đời, trong trang có một đứa bé đi lạc, chúng ta còn tưởng rằng bị bọn mẹ mìn bắt đi, người cả trang đều đi tìm, cuối cùng ở cửa vào núi thấy một chiếc giày rơm của hắn, mới biết hắn đã đi sâu vào trong núi."

"Sau đó thì sao ạ?"

A Hạ đặt những đọt hương xuân vào chiếc giỏ tre nhỏ, tò mò hỏi.

"Khi tìm thấy chiếc giày thì trời đã tối mịt, ai cũng không dám lên núi vào ban đêm, vì biết trong đó có bầy sói," giọng ông ngoại xa xăm, "Lúc đó, cha đứa bé nói hắn sẽ tự mình đi tìm, sống hay chết cũng không can hệ đến mọi người. Người trong trang không đồng ý, thế là mấy chục người cầm đuốc tiến vào trong núi. Ta cũng đi theo, vào núi rồi thì nhìn thấy hàng chục cặp mắt xanh lét."

"Là bầy sói?" A Hạ run giọng hỏi.

"Đúng là sói, lúc ấy dọa chúng ta sợ đến vỡ mật lại không dám chạy trốn, không ngờ lũ sói thấy chúng ta liền tru lên một tiếng rồi chạy vào núi. Chờ chúng nó đi rồi, ta tinh mắt, nhìn thấy trên mặt đất có một cái bóng đen, đi đến gần mới phát hiện là đứa bé kia đang nằm ngủ ngon lành dưới gốc cây, thậm chí một chút thương tích cũng không có."

Hai ông cháu vừa nói vừa đi ra ngoài, A Hạ nhảy vài bước, có chút nghi hoặc, "Bầy sói che chở cho đứa bé đó sao ạ?"

"Chúng ta cũng thắc mắc, nhưng sau này các trưởng lão nói rằng, sói ở đây chưa bao giờ ăn thịt người nên có lẽ chúng coi đứa bé kia như sói con. Họ cũng dặn dò mấy người trẻ tuổi chúng ta không được ngứa tay đi săn động vật trên núi, nếu bị phát hiện liền sẽ mở cửa từ đường, bắt quỳ ở đó."

Trước đây ông ngoại cũng không hiểu, nhưng hiện giờ lớn tuổi hơn, ngược lại đã hiểu được sự kính trọng cùng kính sợ của người miền núi đối với núi non.

"Ồ."

A Hạ gật gù đầu, đến khi ra khỏi cửa núi lại quấn lấy ông ngoại để hỏi thêm những chuyện khác, nàng đối với ngọn núi lớn này rất là tò mò.

Dọc đường đi, ông ngoại kể không ít chuyện kỳ lạ, làm cho A Hạ nghe đến ngây người, nàng nhịn không được mà quay đầu lại nhìn núi Tùng Lĩnh, ngọn núi sừng sững kia như một con quái vật khổng lồ lặng lẽ tọa lạc dưới bầu trời này. Trong lòng nàng nghĩ quả thật quá thần kỳ.

Trở về, nàng phải kể cho tụi Hiểu Xuân và Sơn Đào nghe mới được.

Một già một trẻ thong thả rảo bước về nhà, bà ngoại đang mắng Sinh Đông và Tiểu Ôn, cả người hai đứa trẻ lấm lem đầy bùn đất, nước bùn còn rơi lả tả xuống đất, trên mặt và đầu cũng dính không ít, trông như hai cái tượng bùn.

Sương Hoa về trước đang đứng đó, vừa tức vừa buồn cười, "Các ngươi đi chơi lung tung ở đâu? Hay là lọt xuống ruộng nhà người ta rồi?"

Sinh Đông ngước mắt liếc nhìn bà ngoại một cái, rụt cổ lắc đầu, lí nhí đáp: "Đệ lọt xuống ruộng nhà mình, là ruộng chưa cày ấy ạ."

Bà ngoại tức đến ngã ngửa, mảnh ruộng hoang đấy cách đây rất xa, bên cạnh lại là một con sông lớn, thế mà hai đứa chúng nó cũng có thể chạy đến đó chơi, bà làm bộ cầm roi tre lên định đánh.

"Bà ngoại, ôi ôi ôi, đừng đánh đừng đánh," A Hạ vội vàng chạy đến ôm lấy hai đứa trẻ mặc dù chính nàng cũng vô cùng tức giận, "Bà đừng đánh mà, đến lúc đánh tụi nó đau, lòng bà lại xót."

Nàng đảo đảo con ngươi, "Trước cứ để cho tụi nó tắm rửa, sau đó nhờ ông ngoại dẫn chúng đi cấy mạ. Ngày nào cũng nhàn rỗi, giờ bắt tụi nó không cắm xong nửa mẫu thì không được ăn cơm."

"Được, hai cái đứa này," ông ngoại chắp tay sau lưng, giận thì không giận, ngược lại thực sự muốn cười, "Trong nhà tam gia các con còn mẫu ruộng, đợi chút nữa sẽ mang các con đến đó cấy mạ. Lão bà tử, bà cũng đừng tức giận, trời lạnh như vậy mau cho tụi nó đi tắm rửa, thay quần áo."

Bà ngoại tức giận trừng mắt nhìn hai đứa trẻ, rồi ném cái roi tre xuống, bước vào nhà. Tiểu Ôn và Sinh Đông hai mặt nhìn nhau, nhưng khi trông thấy bộ dạng của đối phương lại không nhịn được mà phì cười.

Sau khi bị Sương Hoa và A Hạ mỗi người đánh một cái, hai đứa được dắt vào hai gian phòng nhỏ ở bên cạnh, hai bồn nước nóng pha thêm ít nước lạnh đã được chuẩn bị để chúng tự tắm rửa, từng mảng bùn làm nước dơ đục, đen xì.

Tắm gội sạch sẽ xong, A Hạ lấy khăn lau tóc cho Tiểu Ôn, hỏi cô bé, "Làm sao lại rơi xuống ruộng?"

"Chẳng phải sau đó bọn muội chơi bắt bướm sao, lúc chạy đến bên cạnh ruộng hoang thì thấy hai con ếch xanh, bọn họ liền nói muốn bắt chúng nó để chơi trò đón dâu thật," Tiểu Ôn cười ngượng, "Ếch xanh nhảy vào ruộng, đứa phía trước không kịp thu tay lại, làm cả hàng người đều bị kéo ngã xuống theo."

A Hạ nghe xong thì cười không ngừng, rồi lại nhanh chóng nghiêm mặt, giáo huấn hai đứa nhỏ, "Lần sau nếu còn như vậy, tỷ sẽ không bảo vệ các ngươi nữa đâu."

Nàng còn chưa nói hết câu, đã thấy ở trước rào tre, Tiểu Bát vẫn còn lấm lem bùn đất, đang lê giày rơm chạy đằng trước, mẹ của nó cầm một cây trúc dài đuổi theo phía sau, từ xa vọng đến tiếng mắng, "Nhãi ranh ngươi đừng chạy, cả ngày chỉ biết nghịch ngợm, đợi ta bắt được, nhất định phải đánh cho ngươi một trận ra trò."

Sinh Đông và Tiểu Ôn ấm ức, vội quay đầu đi, như thể chính mình bị đánh vậy.

"Nếu không phải vì tiểu biểu tỷ các con che chở, hôm nay ta cũng phải cho các con một bài học nhớ đời. Mau vào ăn tạm gì đó lót bụng đi, trưa nay ra đồng làm việc."

Bà ngoại hai tay chống nạnh, lời nói bắn ra như pháo chưa cháy hết, Sinh Đông và Tiểu Ôn ủ rũ cụp đuôi mà bước vào phòng ăn.

Buổi trưa cũng không có làm món gì ngon, tối hôm qua còn thừa khá nhiều cơm nguội, bèn cho cơm vào tô lớn rồi đặt trong chiếc giỏ tre treo trên xà ngang, đậy nắp cẩn thận. Khi cần nấu thì gỡ xuống, đợi nước trong nồi sôi liền đổ cơm nguội vào, khuấy đều cho đến khi sôi bùng lại.

Không mềm nhão như cháo, cái này dùng cơm nguội để nấu, nên vẫn còn thấy rõ hạt gạo, là món cơm chan* mà người trong trang thường ăn.

Đôi khi bận rộn quá thì sẽ nấu một nồi như này, ăn kèm với đậu muối, trứng vịt muối hay một chút đậu phụ kho, những nhà khá giả hơn thì ăn cùng cá đông, mực trứng, bất kể là loại nào thì ăn vào cũng đều ngon miệng.

Bà ngoại không chỉ nấu mỗi cơm chan mà còn lấy ra một đĩa bánh bột mì, nếu là bình thường chỉ có mấy người bọn họ ở nhà, thì chỉ cần ăn cơm với thức ăn thừa là được. Nhưng vì A Hạ ở lại đây, nên bà không hề qua loa chút nào.

Nhào bột mì được thôn trang nghiền trước đó thành khối, lại lấy một miếng thịt heo nửa nạc nửa mỡ đem thái nhỏ, trộn cùng dưa muối đã cắt nhuyễn, một ít tôm khô, trứng gà và mỡ heo, sau đó bọc phần nhân này vào bên trong cục bột mì, rồi cán mỏng.

Bánh bột mì này phải được chiên trên chảo sắt phẳng, phết một lớp dầu dưới đáy chảo, để bếp lò cháy đến nóng rực, sau một lúc vỏ bánh sẽ phồng lên, trở nên vàng giòn và phiếm vài điểm sém cạnh.

Một chiếc bánh bột mì tròn lớn được cắt thành những miếng tam giác nhỏ, xếp trên đĩa sứ trắng, lộ ra chút nhân bên trong.

"Đây, A Hạ nếm thử một miếng đi."

Bà ngoại gắp một miếng bánh bột mì đặt vào chén A Hạ.

"Vâng, bà ngoại và mọi người cũng ăn đi ạ."

Bánh bột mì phải ăn nóng mới ngon, nếu để nguội, trên vỏ bánh sẽ nổi một lớp dầu lạnh, ăn vào có hương vị hơi lạ.

Cắn miếng bánh còn nóng hổi, vỏ bánh xốp mềm, dai dai, về phần nhân bên trong, dưa muối được rửa qua nhiều lần và không được nêm thêm muối, cùng với tôm khô mằn mặn, trứng gà beo béo, tất cả hòa quyện không những không bị mặn, ngược lại còn tạo nên hương vị rất đặc sắc.

Nhưng có một điểm hơi đáng tiếc là, sau khi ăn xong bánh vẫn còn sót lại khá nhiều nhân trong chén, lúc này A Hạ sẽ múc phần nhân đó bỏ vào trên cơm chan, rồi ăn dọc theo mép chén lúc còn nóng.

Sau khi ăn no và đặt bát đũa xuống, bà ngoại vừa thu dọn đồ đạc vừa nói, "Lão nhân, bây giờ ông dẫn hai đứa nó xuống ruộng luôn đi, để khỏi lù lù trước mắt làm ta khó chịu."

"Được, được."

Ông ngoại gật đầu đồng ý, Sinh Đông và Tiểu Ôn ngồi kia thì bẹp miệng, lại không dám khóc, hai đứa không tình nguyện mà đứng dậy, cùng nhau đi theo ra ngoài.

A Hạ ở phía sau vui vẻ cười khúc khích, cũng đi cùng ra xem náo nhiệt.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.