Chương trước
Chương sau
Tôi nghe thấy đúng là nhân rau cần thật, vội ngăn chú họ lại rồi hỏi: “Còn có nhân khác nữa không ạ? Hình như vừa nãy cháu nghe thần bảo hộ bảo không muốn ăn sủi cảo nhân rau cần…”
Chú họ sững ra, sau đó nhìn quanh rồi nói với tôi: “Cháu chắc là không nghe nhầm đấy chứ?”
Tôi gật đầu, trả lời chắc nịch: “Không nghe nhầm đâu, có giọng nói bảo ông ấy không thích ăn bánh nhân rau cần, nhưng không biết có phải vị đại tiên của chú hay không thôi.”
Chú họ nghe xong thì không nói gì mà chạy về phòng, chỉ để lại một mình tôi đứng ở cửa nhà kho. Tôi vốn không nhát gan lắm, nhưng chẳng hiểu sao lúc này lại cảm thấy lạnh sống lưng…
Chú họ nhanh chóng bê một mâm sủi cảo nhận hẹ ra, lần này tôi không còn nghe thấy giọng nói kia nữa.
Sau khi về phòng, tôi thắc mắc hỏi chú họ: “Vị thần bảo hộ được vẽ lên kia là thứ gì thế ạ??”
Chú họ trừng tôi: “Đừng nói linh tinh, đó là thần bảo hộ chứ không phải là thứ gì!”
Tôi le lưỡi, đổi cách nói: “Đại tiên là do cái gì biến thành thế ạ?”
Chú họ thấy tôi hứng thú nên châm thuốc, sau đó giảng giải. Thật ra thần bảo hộ trong nhà kho là một con chồn vàng, đã được thờ từ đời ông nội của chú.
Chú họ nghe ông nội kể lại, năm đó Đông Bắc vẫn chưa giải phóng, ở đây gặp hạn hán ba năm liền. Trong làng chẳng thu hoạch lấy nổi một hạt gạo, nhà nhà người người phải đi gánh nước từ một cái giếng cách hơn bốn, năm mươi dặm mới sống sót được.
Ông nội của chú là thợ mộc, lúc được mùa chưa bao giờ phải lo ăn mặc. Nhưng vào năm tai ương, mọi người còn chẳng có cơm mà ăn, còn thuê thợ mộc làm gì? Vì thế năm đó nhà họ cũng rơi vào cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai.
Có một tối, ông nội đang ngủ thì chợt nghe thấy tiếng động bên ngoài. Ban đầu, ông cũng chẳng vội ra xem là có chuyện gì. Lúc đó nhà nào nhà nấy đều rất nghèo, nên hoàn toàn không lo có trộm viếng, vì thật sự chẳng có thứ gì đáng giá để lấy đi cả.
Nhưng tiếng động càng lúc càng lớn, ông nội lo lắng, nghĩ hay là có thú hoang vào, lại ăn thịt người thì sao?! Thế là ông vội vàng quơ lấy cái móc đào tro ở cạnh giường, cẩn thận đến nhà bếp…
Ai ngờ ông ấy tìm trong bếp cả buổi, lại chỉ thấy một con chồn vàng đang chạy quanh vại nước. Ông thấy kỳ lạ, bèn đi tới xem. Ai ngờ con chồn kia thấy người đến cũng không bỏ chạy, mà còn đứng thẳng người lên, chắp tay trước ngực lạy ông ấy.
Ông nội nhìn một lúc mới hiểu, thì ra con chồn chạy quanh vại là vì muốn lấy nước uống… Thế là ông mở nắp vại ra, lấy gáo múc cho nó chút nước.
Con chồn vội vã uống một hớp to, rồi bỏ chạy mất! Ông nội lúc đó còn nghĩ, vất vả lắm mới lấy được nước, sao nó chỉ uống một ngụm là đã chạy rồi?
Lúc đó ông cũng không nghĩ nhiều, nên quay về phòng định ngủ tiếp. Ai dè vừa nằm chưa được bao lâu thì lại nghe thấy tiếng động trong nhà bếp. Ông lại biết con chồn kia đã quay lại rồi!
Lúc ông nội quay lại bếp, quả nhiên con chồn kia đã trở về. Nó thấy ông thì lại bắt đầu vái dài, vẻ mặt nịnh nọt. Ông nghĩ thầm, xem ra vừa rồi nó chưa uống đủ, nên muốn về lấy thêm. Thế là ông lại đặt nửa gáo nước xuống đất, nhưng con chồn vẫn chỉ uống một ngụm to rồi bỏ chạy!
Ông nội thắc mắc, sao nó không uống một lần cho đủ đi? Chẳng lẽ không phải là nó uống? Nghĩ đoạn, ông bèn cầm nửa gáo nước lên, đi theo nó…
Chẳng biết con chồn đã chạy bao xa, mãi đến tận một vùng đất đã khô cằn vì hạn hán từ lâu, nó mới chui tọt vào một hốc cây tối om.
Ông nội đến trước hốc cây, ngồi xổm xuống, nghe ngóng động tĩnh bên trong. Vài tiếng chút chít vang lên, giống như thú con đang kêu.
Ông ấy hiểu ra, là con chồn mẹ đang lấy nước cho con mình uống! Vì thế, ông đặt gáo nước xuống trước hốc cây, chờ chồn mẹ kia đi ra lần nữa.
Quả nhiên, chỉ một lát sau, chồn mẹ lại ló đầu ra khỏi hốc cây. Nó không ngờ ông cũng theo mình tới nên hốt hoảng, vội chui tọt vào trong.
Ông thấy buồn cười, vừa rồi oắt con này đến phòng bếp lấy nước cũng gan lắm mà, sao bây giờ lại sợ đến thế này? Nhưng ông lại nghĩ, chắc là vì có con của nó nên nó như vậy.
Ông bèn nói vọng vào hốc cây: “Mày đừng sợ, tao tới đưa nước, mày không cần chạy tới chạy lui nữa!”
Chẳng biết chồn mẹ có hiểu hay không, thế mà nó lại dẫn theo ba chồn con chui ra thật. Chúng vây quanh gáo nước, bắt đầu uống ừng ực…
Từ đó về sau, ông nội thường xuyên đưa nước uống và đồ ăn đến ổ. Tuy năm đó con người sống cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng ông nội vốn lương thiện, nghĩ mình ăn uống tiết kiệm một chút là đủ cứu mạng những con vật nhỏ bé này rồi.
Rất nhanh đã sang năm, có nơi tình hình hạn hán đã đỡ hơn phần nào, nhiều vùng đất hoang lại được người ta xới lên trồng lương thực. Hôm đó đang làm việc thì chợt nghe thấy phía Tây của thôn ồn ào, ông đứng dậy nhìn, hình như là một nhóm người đang đánh gì đó.
Lúc ấy, một thôn dân đi từ hướng đó về, ông bèn hỏi thăm bên kia làm gì thế? Sao đông vui vậy? Thế mới biết người ta phát hiện ra chồn vàng ở đất của Lý Đắc Phúc, họ đang bắt chúng.
Chú họ thầm than không hay rồi, đất của Lý Đắc Phúc chẳng phải là ổ của nhà chồn vàng kia sao? Nghĩ đoạn, chú bèn bỏ công việc đang dang dở lại, chạy đến khu Tây.
Nhưng lúc đến nơi, thì Lý Đắc Phúc đã dẫn theo đàn em đánh chết ba con chồn con rồi! Ông nội chú họ là thợ mộc, cũng biết chút chuyện thần quỷ, vạn vật đều có linh tính, nhất là loài chồn vàng này. Người nào có chút hiểu biết nào dám chọc vào chúng?
Thấy chồn con đã chết, ông chẳng thể thay đổi được gì nữa, bèn nghiêm nghị nói với Lý Đắc Phúc: “Các anh gây ra họa lớn rồi! Có biết không?”
Ai ngờ Lý Đắc Phúc kia lại vênh mặt, vô tư nói: “Chẳng phải chỉ đánh chết mấy con chồn vàng thôi à? Chẳng qua do con chồn mẹ kia chạy nhanh thôi, nếu không thì cũng đã bị tôi đánh chết từ lâu rồi!”
Ông nội chú lắc đầu liên tục, nhấc ba con chồn nằm dưới đất lên, sau đó đưa ra sau núi chôn. Nghe Lý Đắc Phúc nói, chồn mẹ cũng bị gã đánh bị thương rồi, vì thế ông bèn tìm ở gần đó suốt đêm…
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.