🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Hoàng Sơn vốn tên cũ là Bắc Y sơn, vào năm Thiên Bảo đời Ðường, Hoàng đế du ngoạn tới đây, thấy phong cảnh hữu tình, vân hải kỳ ảo mới đổi thành Hoàng Sơn.

Quần phong có tới bảy mươi hai ngọn, phần lớn được đặt tên như Lão Nhân phong, Chu Sa phong, Tử Vân phong, Thiên Ðô phong, Tinh Vân phong, Liên Hoa phong, Liên Nhụy phong, Ngọc Bình phong, Ngạo Ngư phong, Sư Tử phong, Thạch Tuấn phong, Bạch Nga phong, Thiên Ðô phong...

Trong số bảy mươi hai ngọn núi thì Thiên Ðô phong và Liên Hoa phong là cao nhất.

Hoàng Sơn có vô số thắng cảnh, có ngọn quanh năm mây phủ, những khu rừng nghìn năm cổ thụ rườm rà, những sườn núi quái thạch nhấp nhô thiên hình vạn trạng, những sơn cốc u tịch đầy kỳ hoa dị thảo, những thác nước trắng xóa cao trăm trượng đêm ngày gầm rú, những hồ nước trong xanh leo lẻo lọt giữa thung lủng bạt ngàn...

Du khách tới đây như lạc vào cảnh thần tiên, mải mê thưởng lãm đến nỗi quên mất đường về...

Chẳng ngày nào không có khách tham quan, kẻ đi thành đoàn lớn, người chia thành tốp nhỏ đôi ba người, có quan lại khách thương tìm nơi giải trí, có người tìm nơi u tịch để quên đi sầu muộn, lại có cả tao nhân mặc khách tìm nguồn cảm hứng cho thi họa...

Tuy nhiên Hoàng Sơn càng vào sâu càng hiểm trở, hiếm vết chân người, có những nơi nhân yên tuyệt tích.

Sau năm ngày hành trình, đoàn xa mã của Thiên Long đã tiến nhập vào sơn khu.

Vẫn là Kim Cương Thần Tiền Nhị và Tĩnh Cô đi trước mở đường, nhưng tiếp theo lại là bốn tỷ muội Thiên Sơn Tử Phụng, vừa đi vừa chuyện trò ríu rít, tới xe kiệu của Bách Phụng cung chủ Giang Nam Tài Nữ có mười hai nữ kiếm sĩ của Bách Phụng cung hộ giá, sau cùng là Thiên Long và Kim Linh, Kim Lợi đi đoạn hậu.

Vì đường rất dốc và hiểm trở, lại còn có xe kiệu chở bệnh nhân nên đoàn xa mã tiến rất chậm.

Càng đi thế núi càng cao, vượt qua rất nhiều khe suối, thác nước đổ ầm ầm vang động cả núi rừng.

Tới một đoạn đường u tối, dù ban trưa mà giống như trời đã hoàn hôn, chỉ nhìn thấy cảnh vật cách vài bước, cuối cùng vượt qua khu vực mây phủ, tới Văn Thù viện thì trước mặt chợt bừng sáng.

Nguyên là đã lên tới đỉnh núi.

Người của Bách Phụng cung đã quá quen thuộc với cảnh vật nơi đây nên không có gì ngạc nhiên, còn Thiên Long và ba vị phu nhân cùng bật lên tiếng kêu thích thú.

Cảnh tượng quả là thoát tục, giống như lạc vào thiên giới, tầm mắt mở ra muôn dặm với vô số đỉnh núi nhấp nhô trải xa tít tắp, bên dưới là những tầng mây trắng, tựa hồ mình đang ở chín tầng trời.

Hắc Yến Tử cao hứng nói :

- Long ca! Chúng ta dừng lại thưởng ngoạn một lúc đi! Thiếp cảm thấy giống như mình lạc vào Thiên phủ vậy!

Ðoàn Uyển Ngọc cười nói :

- Ðây sắp tới cung rồi. Sẽ còn nhiều nơi đáng xem hơn, nhưng nếu ba vị tỷ tỷ thích thì cứ dừng mà ngắm cho chán mắt.

Ðoàn người ngựa liền dừng lại.

Bên đường ngổn ngang quái thạch. Ðoàn Uyển Ngọc dẫn Thiên Long và ba vị phu nhân nhảy lên một tảng đá lớn phẳng lỳ.

Nàng chỉ tay giới thiệu :

- Ngọn núi cao nhất bên tả là Thiên Ðô phong, trọng địa của bổn cung ở đó. Chỉ cần đi một canh giờ nữa là tới. Nhưng cần đến đó trước lúc hoàng hôn, vì vào thời gian đó thường nổi cuồng phong, có khi bất thần đổ mưa mà không có triệu chứng gì, sơn đạo sẽ rất khó đi.

Dừng lại ngắm cảnh một lúc, đoàn người lại tiếp tục hành trình.

Sơn đạo dọc theo sống núi, xuyên qua những cây cổ tùng cành lá xum xuê tạo thành một mái vòm tự nhiên che mưa năng.

Gia Cát Minh Châu thốt lên thán phục :

- Ðẹp quá! Mát mẻ quá! Nếu muội sống ở đây thì cả đời không muốn đi đâu nữa cả!

Khoảng cuối giờ Thân thì tới Thiên Ðô phong.

Trong rừng thì giờ đây trời đã tối sầm nhưng trên đỉnh núi còn rất sáng, chan hòa ánh nắng.

Ðỉnh Thiên Ðô phong là cả bãi bình nguyên bao la, Bách Phụng cung chỉ chiếm một khoảng diện tích bốn năm mẫu với san sát phòng ốc và lầu các trông rất hùng vĩ.

Ðoàn xa mã dừng lại trước đại môn.

Tĩnh Cô chạy vào cung thông báo cho môn nhân đệ tử sẵn sàng nghênh đón Cung chủ và quý khách.

Chỉ sau chốc lát, một đoàn cung nữ hàng lối chỉnh tề bước ra, có bốn tỳ nữ khiêng một chiếc kiệu hoa lộng lẫy, đến trước xe kiệu cúi mình nói :

- Bọn đệ tử cung nghênh Cung chủ hồi cung! Chúc Cung chủ vạn thọ khang an!

Lại hướng sang Thiên Long và bốn tỷ muội kính cẩn nói :

- Tham kiến Thiếu cung chủ, công tử và ba vị phu nhân!

Ðoàn Uyển Ngọc dõng dạc nói :

- Các ngươi miễn lễ! Ðưa Cung chủ về phòng nghỉ ngơi!

Bọn cung nữ đồng thanh đáp :

- Tuân lệnh!

Bốn tên tỳ nữ dìu Giang Nam Tài Nữ lên kiệu khiêng vào cung, bọn nữ kiếm sĩ vừa tháp tùng Cung chủ đánh xe dắt ngựa vào tàu, số còn lại theo lệnh Ðoàn Uyển Ngọc dẫn năm vị khách cùng hai con Kim Mao Hầu đến phòng đã được Tĩnh Cô bố trí sẵn, tắm rửa thay y phục.

Một canh giờ sau, vì trời đã tối nên Ðoàn Uyển Ngọc không dẫn khách đi tham quan các nơi mà chỉ bày một tiệc nhỏ tẩy trần để mọi người đi nghỉ kẻo vừa qua một đoạn đường dài vất vả.

Nhưng mọi người chưa kịp ngồi bàn thì chợt nghe tiếng hai con Kim Mao Hầu kêu chí chóe.

Thiên Long bảo Kim Cương Thần :

- Ngươi xem xảy ra chuyện gì mà chúng hoảng sợ như thế?

Kim Cương Thần vâng lệnh chạy đi, lát sau dắt hai con khỉ tới, cười nói :

- Không ngờ chúng to xác như vậy mà sợ mấy con hạc.

Ðoàn Uyển Ngọc nói :

- Lũ hạc trong bổn cung nhiều con không nhỏ đâu, thậm chí rất dữ. Kim Linh và Kim Lợi tuy võ công cao cường nhưng bản năng vẫn là loài khỉ, thường sợ ưng, hạc và những con chim lớn thuộc loại ác điểu.

Thiên Long hỏi :

- Xảy ra động thủ hay sao?

Kim Cương Thần đáp :

- Không có, nhưng Kim Linh và Kim Lợi thấy đàn hạc thì tỏ ra rất khiếp sợ đứng nép vào nhau.

Ðoàn Uyển Ngọc cười nói :

- Hạc ở đây có cả trăm con, nhốt cũng có mà thả cũng có, trong đó có nhiều con rất dữ. Nhưng chúng đều được huấn luyện thành thục, tiểu muội đã dặn mấy tên tỳ nữ chăm sóc chúng nên không xảy ra sự cố gì đâu. Ở đây một thời gian, chúng sẽ quen nhau thôi.

Dùng xong bữa, tuy rất vui nhưng ai cũng có dáng mỏi mệt, liền về phòng nghỉ ngơi.

Hôm sau, ngủ dậy rửa mặt xong, Ðoàn Uyển Ngọc dẫn khách đi tham quan các nơi trong cung rồi mời lên lầu sảnh dùng tiệc.

Ðoàn Uyển Ngọc sai tỳ nữ rót rượu xong lui ra, chỉ còn lại năm người, nàng bưng chén đứng lên nói :

- Long ca, ba vị tỷ tỷ! Hôm nay gia mẫu còn chưa dứt bệnh nên không tiếp khách được, tuy nhiên đưa được lão nhân gia tới đây an toàn, trừ được quá nửa bệnh căn, như vậy là tốt rồi. Tiểu muội xin thay mặt gia mẫu lấy chén rượu nhạt để tỏ lòng cảm tạ...

Nghe tới đó, Thiên Sơn Tử Phụng ngắt lời ngay :

- Bây giờ ở đây không có người ngoài, chúng ta đều là người một nhà cả, việc của Uyển muội cũng là việc của Long ca và tỷ muội chúng ta, từ nay Uyển muội đừng bao giờ tỏ ra khách khí như thế nữa! Nào! Chúng ta hãy uống chén rượu mừng Uyển muội trở thành một thành viên mới trong tỷ muội chúng ta!

Cả bốn tỷ muội tán thành ngay, chỉ có Thiên Long hiểu ý nghĩa câu này, tuy cảm thấy lúng túng khó xử nhưng vì không muốn làm mất đi sự cao hứng của mọi người nên cũng nâng chén uống cạn.

Năm người đều trẻ tuổi, đã cùng nhau sẻ chia hoạn nạn, đặc biệt ba vị phu nhân và Ðoàn Uyển Ngọc tình thân như thủ túc, bây giờ vượt qua chặng đường nguy hiểm tới đích, trong lòng đều rất vui, chẳng có gì e dè khách sáo nữa, chén tạc chén thù thỏa thích.

Ban đầu nói về phong cảnh các nơi, tâm tư mỗi người, những chuyện tâm tình riêng tư.

Rượu qua ba tuần, bốn tỷ muội đã bắt đầu chếnh choáng hơi men.

Thiên Sơn Tử Phụng đã mấy phần tửu ý, đôi má đỏ hồng như đóa hoa đào, bắt đầu bàn về vũ trụ :

- Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, vũ trụ đang trong giai đoạn hỗn mang. Ngài làm ra nhật nguyệt tinh tú, tạo nên sông núi lục địa, nhưng vẫn nằm trong vòng càn khôn. Càn là trời, khôn là đất. Càn khôn thiên địa tạo ra vạn vật, nhưng vẫn chưa được định hình. Sau đó Phục Nghi định thành Bát Quái, văn vương diễn Chu Dịch, từ đó thiên địa mới định hình. Dương là càn, âm là khôn. Dương cực sinh âm, âm cực sinh dương, đêm tàn ngày rạng. Không biết tiểu muội lý giải như vậy có đúng không?

Hắc Yến Tử cao hứng tiếp lời :

- Càn khôn thiên địa, âm dương lưỡng nghi, càn khôn ly khảm hợp thành tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Văn Vương điền bát quái sinh thêm ngũ hành, đông phương giáp ất là mộc, nam phương bính đinh là hỏa, tây phương canh tân là kim, bắc phương nhâm quý là thủy, mậu thổ tại trung tâm, đó là ngũ hành. Từ hỗn độn vô cực đã hóa âm dương lưỡng nghi, sau thêm tứ tượng và bát quái thành định hình vĩnh cửu. Tất cả những trận pháp sau này đều căn cứ vào những nguyên lý đó mà biến hóa ra.

Nói đến trận pháp, Gia Cát Minh Châu lập tức góp lời :

- Những gì tiểu muội định nói thì bị Thanh tỷ tranh mất cả rồi! Nhưng tiểu muội vẫn còn muốn thêm mấy lời. Ngoài lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái còn có thái hành, tam hằng, thất chính, nhị thập bát tú. Tam hằng là Tử Vi, Thái Vi, Thiên Phát. Thất chính là nhật nguyệt kim mộc thủy hỏa thổ. Nhị thập bát tú gồm Thanh Long, Thủy Tú, Bạch Hổ, Thất Tú, Chu Tinh Thất Tú, Huyền Vũ Thất Tú. Tiểu muội chỉ hiểu nôm nhân ảnh như thế, không biết có đúng không?

Ðoàn Uyển Ngọc cũng tỏ ra không thua kém :

- Ba vị tỷ tỷ cao đàm khoát luận, phân tích hết lẽ thiên địa càn khôn, tiểu muội nghe như tiếng sấm bên tai, thích thú vô cùng! Quả là “Cộng quân nhất độ thoại, thắng đọc thập nhiên thư!” Về âm dương, vũ trụ, bát quái, ngũ hành, nhật nguyệt, tinh tú, trận pháp, tiểu muội không thông hiểu lắm. Nay nói về người. Bàn Cổ khai thiên lập địa, tựu trung là để phục vụ cho con người. Cây cỏ, vạn vật, nhật nguyệt tinh tú cũng thế. Người có ngũ quan, huyết khí, lục phủ ngũ tạng là căn bản. Hư hóa thần, thần hóa khí, khí hóa tinh. Da thịt huyết cốt đều do tinh khí thần hóa ra. Hình toàn thì huyết toàn, huyết toàn thì khí toàn, khí toàn thì thần toàn, thần toàn thì sinh tính. Có người mới có nhận thức về thiên địa, bởi thế người ta gọi là nhân, thiên, địa tam tài.

Thiên Long nghe bốn tài nữ cao đàm khoát luận, cười hô hô tán thưởng :

- Hay! Hay lắm! Không ngờ chỉ cần ứng khẩu mà bốn vị muội muội đã bao hàm hết cổ kim vũ trụ nhân sinh! Thế mới biết cả bốn vị tỷ muội ai cũng thông tuệ chẳng ai kém ai!

Ðược tình mang tán thưởng, ca bốn người mặt đều tươi như hoa, tranh nhau nói :

- Thế nào? Bốn tỷ muội chúng tôi nói còn gì khiếm khuyết, tướng công cần bổ sung hay sao?

Thiên Long xua tay nói :

- Không! Không! Xin lỗi! Ta không có gì bổ xung đâu! Bây giờ có bổ xung chăng là nhét căng thêm vào bao tử thôi!

Mọi người cùng cười ồ!

Thức ăn nguội được mang đi, đồ nhắm mới được chuyển tới, thứ nào cũng thơm ngon, đủ thứ sơn hào hải vị, chỉ nhìn là muốn ăn.

Câu chuyện ngày càng rôm rả.

Thiên Long chợt nói :

- Ðoàn cô nương, tiểu huynh có việc này, không biết nói ra thì có mạo muội quá không?

Ðoàn Uyển Ngọc đáp :

- Long ca có gì cứ nói đi. Giữa chúng ta có gì phải ngại ngần? Tiểu muội không hài lòng đâu!

Thiên Long gật đầu :

- Cám ơn cô nương. Nguyên là thế này... Tối qua tiểu huynh nghe như có tiếng đàn. Thoạt đầu cho là người trong cung đàn, nhưng nghe kỹ mới thấy tiếng đàn phát ra từ dưới núi...

Ðoàn Uyển Ngọc tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi :

- Thế nào? Long ca nghe tiếng đàn thật sao?

Thiên Long lúng túng đáp :

- Chẳng lẽ không phải? Tiểu huynh tin rằng mình không nghe lầm đâu! Ðoàn cô nương nói thế... chẳng lẽ tiếng đàn có gì kỳ ảo?

Ðoàn Uyển Ngọc trầm ngâm một lúc mới nói :

- Việc này nói ra thì dài...

Hắc Yến Tử nổi tính hiếu kỳ liền hỏi :

- Chuyện thế nào? Uyển muội nói đi!

Ðoàn Uyển Ngọc bắt đầu kể :

- “Trước khi bổn cung còn chưa lập phái, thủy tổ là người rất ham thích phong cảnh khắp nơi, đã đi du ngoạn khắp trung nguyên, khi tới đây lập tức bị cảnh sắc quyến rũ. Lão nhân gia còn phát hiện được ở trong núi có phát ra một thứ âm thanh rất huyền bí, cho rằng đó là “Cửu Thiên Huyền Âm, nghệ xuất Càn Khôn, chứa đựng toàn bộ thiên cơ địa mạch”.

Thế nhưng thủy tổ cất công tìm nơi phát âm đó, nhưng không thấy gì, không biết tiếng đàn từ đâu phát ra?

Thủy tổ bỏ ra rất nhiều thời gian tìm tòi, nhưng tiếng đàn huyền ảo đó vẫn cứ vang lên đầy huyễn hoặc mà không sao xác định được.

Lão nhân gia thất bại trong việc lần ra xuất xứ tiếng đàn, đành nghiền ngẫm từ âm thanh huyền diệu đó mà sáng tạo ra Hoàng Sơn kiếm pháp, nhưng không sao tạo thành một mạch kiếm liên tục được.

Thủy tổ quyết định ở lại Hoàng Sơn hy vọng sẽ từ tiếng đàn mà tiếp liền mạch kiếm nhưng dù cố gắng đến đâu cũng không được toại ý.

Trước lúc lâm chung, thủy tổ di ngôn cho hậu thế hãy cất công tìm ra xuất xứ tiếng đàn để hoàn thành kiếm pháp, nhưng từ đó tới nay tiếng đàn thỉnh thoảng vẫn phát ra nhưng không ai thực hiện được di nguyên của thủy tổ”.

Tới đó nàng thở dài kết luận :

- Có lẽ duyên của bổn cung chỉ tới đó mà thôi!

Gia Cát Minh Châu nghe kể rất lấy làm kinh dị, mới biết rằng Bách Phụng cung có một đoạn tình khúc thú vị như thế.

Hắc Yến Tử nhìn Thiên Long hỏi :

- Tướng công! Chàng có nhớ được đoạn âm giai đó không?

Thiên Long gật đầu nhưng không đáp, ánh mặt chợt rực sáng, như vừa phát hiện ra điều gì tối quan trọng.

Ðột nhiên chàng rời bàn đứng lên bước tới cuối sảnh, ấn tay vào chuôi kiếm rút ra múa lên mấy vòng.

Bốn nữ nhân ngơ ngác nhìn chàng không hiểu ra chuyện gì.

Chỉ thấy thế kiếm của Thiên Long từ chậm bỗng nhanh dần, chỉ nhìn qua cũng biết chàng đang luyện một thứ kiếm pháp vô cùng huyền diệu.

Thiên Sơn Tử Phụng thì thầm :

- “Chẳng lẽ chàng ngộ ra từ tiếng đàn tối qua mà diễn thành kiếm pháp? Vì chung sống với chàng sáu bảy năm nhưng chưa bao giờ chàng luyện kiếm pháp như thế cả!”

Hắc Yến Tử nói :

- Rất có khả năng!

Ðoàn Uyển Ngọc mừng rơn nói :

- Tạ thiên tạ địa! Nếu vậy thì đại phúc cho phái Hoàng Sơn quá! Ðúng là thiên duyên rồi...

Nói tới đó nàng chợt đỏ mặt lên.

Hắc Yến Tử liền chế nhạo :

- Thiên duyên thế nào? Muội định nói rằng Bách Phụng cung có một vị nữ tế đúng không?

Bốn người đã coi nhau như chị em ruột thịt, hơn nữa chính Thiên Sơn Tử Phụng đã mở lời đề nghị Ðoàn Uyển Ngọc trở thành tỷ muội loan phòng cùng ba vị phu nhân, vô hình trung họ đã chấp nhận nàng.

Ðoàn Uyển Ngọc tuy thẹn thùng nhưng không tiện giấu giếm nữa, mặt đỏ ửng nói :

- Ba vị tỷ tỷ! Tiểu muội không dám giấu, trái tim mình đã thuộc về chàng mất rồi. Nếu đều đó làm cho ba vị...

Thiên Sơn Tử Phụng ngắt lời :

- Cái đó không sao! Uyển muội đừng nói thế, ngay từ khi chúng ta gặp muội lần đầu, đã biết rằng đây là thiên duyên, dù có tránh cũng không được...

Ðoàn Uyển Ngọc ngạc nhiên hỏi :

- Thiên duyên?

Thiên Sơn Tử Phụng gật đầu :

- Không sai! Khi Thiên Long lạc vào Càn Khôn động phủ, luyện thành tuyệt học, ta tình cờ rơi xuống đó, suốt mấy năm không sao thoát ra được, hai người luyện thành võ công tối thượng, mới phát hiện trong cốc có một số vật dụng cho truyền nhân gồm một bộ nam, năm bộ nữ y bằng Thiên Tằm, một thanh trường kiếm với năm thanh trung kiếm với ngũ sắc tử, hắc, thanh, hồng, hoàng gọi là Thần Long kiếm và Ngũ Phụng kiếm lần lượt là Tử Phụng, Hắc Phụng, Thanh Phụng, Hồng Phụng, Hoàng Phụng kiếm, đặc biệt có một câu sấm viết rằng, “Nhất long ngũ phụng do thiên định, Ngũ phụng triều dương thần tiên du”. Như thế không phải thiên duyên là gì?

Ðoàn Uyển Ngọc tuy lòng đã rộn lên, nhưng vẫn cố hỏi :

- Nhưng cái đó... có dính dáng gì đến tiểu muội đâu?

Thiên Sơn Tử Phụng cười mỉa nói :

- Muội đã biết còn cố hỏi làm gì chứ? Hiệu xưng của muội là Hoàng Sơn Phi Phụng, sao lại không liên quan?

Ðoàn Uyển Ngọc đỏ bừng đôi má, nhưng lòng rộn rã niềm vui.

Chợt nghĩ đến thái độ kiên quyết của Thiên Long, nàng băn khoăn nói :

- Ðại tỷ, nhưng chàng...

Thiên Sơn Tử Phụng cười đáp :

- Uyển muội cứ yên tâm đi! Ðã gọi là thiên duyên, chàng muốn tránh né thế nào cũng không được đâu. Giống như nhị muội, tam muội, lúc đầu chàng phản ứng rất quyết liệt, nhưng sao thoát được tơ trời?

Hắc Yến Tử nói :

- Ðại tỷ! Bây giờ trong số năm thanh Ngũ Phụng kiếm thì bốn đã có chủ, như vậy là chúng ta cần phải tìm cho tướng công một vị phu nhân nữa...

Thiên Sơn Tử Phụng cười nói :

- Ðã gọi là thiên duyên sao lại phải tìm? Hơn nữa ta thấy rằng chủ nhân của thanh Hồng Phụng kiếm đã có rồi!

Hắc Yến Tử và Gia Cát Minh Châu đồng thanh hỏi :

- Có rồi? Ai vậy?

Thiên Sơn Tử Phụng làm ra vẻ bí ẩn nói :

- Thiên cơ bất khả lậu!

Hắc Yến Tử trầm ngâm nói :

- Hồng Phụng kiếm...

Mắt nàng chợt sáng lên, hỏi :

- Ðại tỷ, có phải là Hồng Y La Sát Hoàng Phủ Tuệ Quân không?

Thiên Sơn Tử Phụng gật đầu :

- Ta tin đến chín phần rằng chính là cô ta!

Hắc Yến Tử lắc đầu :

- Nhưng Hoàng Phủ Tuệ Quân là ái nữ của Ðịa Sát giáo chủ...

Thiên Sơn Tử Phụng nghiêm mặt hỏi :

- Thì sao chứ? Ta nghe nói nhiều tên giáo đồ Ðịa Sát giáo lộng hành ức hiếp lương dân, nhưng Tổng tuần Hoàng Phủ Tuệ Quân là người rất nghiêm khắc chỉ một năm mà đã xử tội hơn hai trăm người. Có một Tổng tuần như thế, Ðịa Sát giáo không thể coi là ma đạo được. Hơn nữa xưa nay chưa nghe nói giáo phái này có hành vi xâm hại các môn phái khác.

Gia Cát Minh Châu nói :

- Chỉ cần nữ nhân đó nhân phẩm tốt là được, tà phái hay chính phái thì có sao đâu? Nghe đại tỷ nói cô ta là một vị Tổng tuần nghiêm khắc như vậy là tốt, chỉ không biết tài sắc...

Thiên Sơn Tử Phụng ngắt lời :

- Về sắc đẹp thì khỏi chê, rất xứng đáng với tỷ muội chúng ta, còn võ công Hồng Y La Sát nguyên là ngoại điệt của Trường Bạch lão quái, được vị cao nhân đó nuôi dạy từ nhỏ, chỉ e võ công còn cao hơn chúng ta nữa...

Bốn người vừa nói chuyện vừa quan sát Thiên Long luyện kiếm.

Lúc này thấy chàng dừng tay, Ðoàn Uyển Ngọc liền bước lại gần hỏi :

- Long ca! Có phải... vừa rồi huynh đã tham ngộ từ tiếng đàn mà biến thành kiếm pháp hay không?

Thiên Long gật đầu, đưa tay lau mồ hôi trán.

Ðoàn Uyển Ngọc run giọng hỏi :

- Không ngờ ước nguyện của thủy tổ mấy trăm năm trước đến bây giờ mới được thực hiện... chỉ là tiểu muội nghe kiếm âm của huynh không giống kiếm âm mà gia mẫu học được từ kiếm pháp thủy tổ, vì sao thế?

Thiên Long tra kiếm vào bao trở lại bàn ngồi, thong thả giải thích :

- Tối qua ngu huynh nghe tiếng đàn quá huyền diệu nên chăm chú lắng nghe, nhưng qua một đoạn thì đứt, trong lòng rất băn khoăn, tự hỏi vì sao người kia không đàn nữa? Vừa rồi nghe Uyển muội nó rõ nguyên nhân, ngu huynh chợt nhớ trong một pho sách ở Càn Khôn động phủ bàn đến Ðạo gia có viết rằng thủy tổ Thái Thượng Lão Quân có hai vị đệ tử là Quỷ Cốc Tử và Cửu Thiên Huyền Nữ. Huyền Nữ là người đầu thai thành đệ tử của Thái Thượng Lão Quân dùng thiên cơ sáng tạo ra Thiên Cơ Phổ. Nghe Uyển muội nói rằng lệnh thủy tổ nghe đàn mà luyện thành kiếm pháp, ngu huynh mới hiểu ra, liền nhớ lại chi tiết cả khúc tấu, mường tượng giống như âm thanh của kiếm khí mới thử xem, quả nhiên cả bản tấu là một pho kiếm pháp cực kỳ tinh diệu!

Bốn nữ nhân nghe nói xong gật đầu xưng kỳ.

Ðoàn Uyển Ngọc hỏi :

- Vì sao Ðại Diễn Ðiệu Thiên kiếm pháp của bổn môn do thủy tổ ngộ ra từ tiếng đàn đó mà không liên thủ, trong lúc Long ca vừa diễn kiếm lại liên miên bất tuyệt như vậy?

Thiên Long cười đáp :

- Thực ra tiếng đàn chỉ trắc ở cung Thương, nhưng nó là liền với Bộc, biến tấu sẽ từ đó mà ra, tuy khác nhau nhưng có khả năng quy nhất. Vừa rồi ngu huynh không dừng ở cung Thương mà tiếp một vài âm để sang cung Bộc, qua một lúc mới biến hóa được nhuần nhuyễn.

Chàng vừa nói tới đó thì chợt nghe từ bên ngoài vang lên tiếng cười sang sảng như chuông.

Tiếng cười nghe thật huyền diệu, như gần như xa, không biết cự ly, không xác định được phương hướng, khi thì giống như từ đông truyền lại, lúc tưởng như từ Tây vẳng sang.

Thiên Long biết có cao nhân liền rời ghế đứng lên bước ra cửa đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm.

Bốn mỹ nữ cũng bước theo.

Tiếng cười huyền ảo vẫn không ngừng phát ra nhưng vẫn không xác định được cự li phương hướng.

Thiên Long vận công Thông Thiên Nhĩ, ngẩng đầu nhìn thấy trên đỉnh núi cách chừng bốn mươi trượng có một con bạch hạc cực lớn đang bay, sải cách của nó ít nhất phải tới hai trượng!

Con hạc thả lượn lờ trên đỉnh núi một cách du nhàn, thấp thoáng trên lưng nó có một nhân ảnh.

Âm thanh từ trên lưng hạc phát ra sang sảng như chuông :

- Hô hô hô.... Ða tạ tiểu hữu đã hoàn thiện pho kiếm pháp của bổn môn! Tiểu hữu quả là một nhân tài trăm năm hiếm có, không những võ công kiệt xuất mà kiến thức cũng thật uyên bác, giúp bổn cung giải được câu đố hiểm hóc mấy trăm năm, làm cho lão phu từ nay mới được sảng khoái. Ðể phúc đáp đại ân, có yêu cầu gì thì tiểu hữu cứ nói ra một tiếng, nếu đủ khả năng, lão phu quyết không từ chối!

Ðoàn Uyển Ngọc chợt kêu lên :

- Gia gia đã trở về! Gia gia...

Nàng hướng lên trời, hai tay múa may, dáng điệu vô cùng mừng rỡ.

Chợt thấy con bạch hạc chao nhẹ đôi cánh, từ từ hạ thấp độ cao, cuối cùng duỗi chân đáp xuống giữa quảng trường tiền sảnh.

Năm người vội vã xuống lầu chạy tới.

Trên lưng đồ sộ của con bạch hạc ngồi bệ vệ một lão nhân đã ngoài trăm tuổi, tóc bạc như sương, râu trắng như cước dài phủ ngực, da đỏ như tiên đồng, khuôn mặt nhìn rất thánh thiện.

Thiên Long nghĩ thầm :

- “Theo truyền ngôn thì vị này nguyên là Bách Phụng cung chủ từ hai đời trước, trác hiệu Hoàng Sơn Tiên Ông. Quả là một bậc tiên phong đạo cốt!”

Bạch phát lão nhân chờ mọi người tới gần mới nhún mình nhảy xuống đất, không bay lên một hạt bụi.

- Gia gia!

Ðoàn Uyển Ngọc nhảy bổ vào lòng lão nhân, miệng cười nhưng nước mắt tuôn rơi lã chả.

Bạch phát lão nhân cười nói :

- Nha đầu! Ngươi đã lớn sao vẫn như con nít vậy chứ? Không sợ quý khách cười cho sao? Mau giới thiệu mấy vị với gia gia đi!

Không chỉ Thiên Long đoán ra vị này là Hoàng Sơn Tiên Ông mà cả ba vị phu nhân cũng biết, cùng quỳ xuống nói :

- Vãn bối Âu Dương Thiên Long và ba vị tiện thê xin bái kiến Tiên ông! Chúc lão nhân gia vạn thọ vô cương!

- Vãn bối Trần Vân Phụng...

- Vãn bối Triệu Thanh Thanh...

- Vãn bối Gia Cát Minh Châu...

Hoàng Sơn Tiên Ông phất tay nói :

- Mời bốn vị đứng lên đi! Xin đừng khách khí!

Bốn người đứng lên.

Hoàng Sơn Tiên Ông nhìn Thiên Long nói :

- Tiểu hữu! Nếu không chê nha đầu Uyển Ngọc thì cứ gọi ta một tiếng gia gia là được! Các vị cứ tiếp tục dự tiệc đi, lão phu vào cung một chút, lát nữa chúng ta sẽ gặp lại nói chuyện!

Nói xong lướt mình đi rất nhanh vào hậu cung.

Thiên Long và ba vị phu nhân ở lại Bách Phụng cung thêm mười ngày nữa để làm một số việc cần thiết.

Việc chữa độc cho Giang Nam Tài Nữ không gặp khó khăn gì, chỉ qua hai ngày chiếc Thiên Niên Hạc Ðỉnh Hồng trừ đi hai thứ độc chất của Bách Túc Kim Ngô và Song Vỹ Ðộc Yết, việc trị độc đã thành công.

Sau đó Giang Nam Tài Nữ bình phục rất nhanh.

Phu thê Thiên Long còn ở thêm mấy ngày du ngoạn hầu khắp vùng Hoàng Sơn, nhưng việc chủ yếu là Thiên Long dùng kiếm pháp mình lĩnh hội được truyền cho Ðoàn Uyển Ngọc.

Cũng trong những ngày đó, được sự khích lệ của Hoàng Sơn Tiên Ông và Giang Nam Tài Nữ và ba vị phu nhân ra sức thuyết phục, Thiên Long đành đồng ý hợp duyên với Ðoàn Uyển Ngọc nhưng Cung chủ chưa bình phục nên chưa tiến nhành hôn lễ.

Ngày đoàn tụ chẳng tày gang.

Sau bữa đại tiệc tiễn hành, Ðoàn Uyển Ngọc và Tĩnh Cô lưu luyến tiễn quý khách đến tận chân núi, rớm lệ nhìn theo năm kỵ mã cho đến khi khuất bóng.

Hôm đó tới Tuyên Thành.

Vì không có việc gì cấp thiết nên hành trình rất chậm, Kim Cương Thần Tiền Nhị cùng Kim Linh, Kim Lợi mặc sức du sông ngoạn thủy.

Sắp tới thành, chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa rầm rập.

Thiên Long và ba vị phu nhân quay lại nhìn, thấy trong đám bụi đường mù mịt có một đoàn kỵ mã phóng qua, có tới sáu bảy chục người. Tiếng ngựa hí, tiếng roi, tiếng người thét tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn.

Ðoàn kỵ mã phi tới gần như một cơn lốc.

Cách mấy phu thê chừng năm trượng, tên kỵ sĩ đi đầu chợt trỏ roi nói :

- Ðường chủ! Chính là bọn chúng!

Lập tức vang lên một tiếng quát lệnh, cả đoàn kỵ sĩ nhất tề ghì cương cho ngựa phi chậm lại.

Thiên Long biết việc này liên quan đến mình, không cần nhìn lại nữa, cứ tiếp tục cho ngựa phi nước kiệu thong thả tiến như trước, thấp giọng nói :

- Chắc bọn này đuổi theo chúng ta.

Hắc Yến Tử Triệu Thanh Thanh nói :

- Chàng đoán chúng là ai?

Thiên Sơn Tử Phụng cười nhạt, thay lời đáp :

- Ngoài Thiên Ma giáo ra, còn ai nữa?

Gia Cát Minh Châu nói :

- Lần trước, ngoài bốn vị Hộ pháp cùng năm sáu trăm tên mà còn bị diệt, lần này chỉ có mấy chục tên thì làm được gì chứ? Bọn này quả là vong mạng, đã thấy quan tài rồi mà còn chưa nhỏ lệ!

Thiên Long nói :

- Châu muội đừng chủ quan. Trong số này có ít nhất một tên Đường chủ, rất có thể chúng chỉ là đội tiền vệ, sẽ còn nhiều cao thủ tiếp ứng nữa!

Thiên Sơn Tử Phụng nói :

- Theo tướng công thì nên xử trí thế nào? Nếu liệu không đối phó được, với cước lực của mấy con ngựa chúng ta, đối phương còn khuya mới đuổi kịp.

Thiên Long nói :

- Cứ chờ xem thế nào rồi sẽ liệu. Muốn chạy thoát cũng không muộn đâu!

Phía sau có tiếng một lão nhân :

- Thế nào? Lại bọn nhãi nhép này sao?

Tên kỵ sĩ đi đầu đáp :

- Bẩm Đường chủ, chính là bọn này. Thuộc hạ không nhầm đâu!

Một tên cao giọng nói :

- Xin các vị đi trước dừng ngựa!

Thiên Long biết trước sau gì cũng khó tránh khỏi chạm mặt, bảo ba vị phu nhân quay ngựa lại chờ.

Kim Cương Thần đã biết gặp sự cố, lập tức phi tới đứng bên chủ nhân.

Lúc đó tên hán tử dẫn đường đã ghì cương nhường cho Đường chủ phi lên trước.

Ðó là một lão nhân tuổi độ thất tuần, đầu tóc vàng hoe rối bù, mắt xanh, nanh vàng, râu lởm chởm sợi vàng sợi đỏ, mặc y phục theo lối người Miêu, tai đeo hai chiếc vòng lớn bằng vàng, trông rất dị tướng.

Hắc Yến Tử Triệu Thanh Thanh khẽ nói :

- Chắc tên này là lão đại Ma Lạp Ca, Đường chủ Thiên Lôi đường của Thiên Ma giáo...

Lão nhân dừng ngựa giương đôi mắt xanh lè trừng trừng nhìn phu thê Thiên Long một lúc rồi lắc đầu tỏ ý hoài nghi :

- Chính là bọn nhóc này sao? Hừ! Ta không tin! Các ngươi làm sao mà có bản lĩnh ấy? Tứ đại hộ pháp và không dưới hai trăm người bỏ mạng... Chẳng lẽ chúng có bản lĩnh thần thông?

Tên hán tử đi sau hắn, cánh tay vẫn còn băng, sợ hãi nói :

- Ðường chủ còn chưa biết...

Lão quái nhân quát :

- Câm miệng! Cút đi! Ta không muốn nghe nữa!

Tên hán tử bị thương “dạ” một tiếng ôm đầu lùi lại.

Hắc Yến Tử Triệu Thanh Thanh chợt cười khanh khách nói :

- Các vị xem kìa! Ðánh chó thì chủ lộ diện thôi! Chỉ cần nhìn phục sức và tướng mạo cổ quái cũng biết lão đầu này là một trong hai tên Miêu Cương song quái, Đường chủ Thiên Lôi đường của Thiên Ma giáo đây mà! Chẳng những huyệt Thái Dương gồ lên mà cả hai hàm răng cũng nhô hết ra như lợn lòi, nhất định võ công cao thâm ghê lắm! Hai tên quái nhân này chính là thủ phạm đã dùng độc chưởng đả thương Bách Phụng cung chủ, lần này nhất định phải nhổ hết bộ răng đi mới trả được thù cho Uyển muội!

Thiên Long nhìn nàng tỏ ý không hài lòng :

- Thanh muội chớ nên khinh địch! Nên biết rắng người luyện độc chưởng, ngoài dùng nó trực tiếp đả thương đối thủ, ngay cả chưởng phong cũng có thể truyền khí độc. Nếu hít phải, nặng thì thụ nội thương, nhẹ thì công lực hao tổn, chúng ta không thể không đề phòng!

Hắc Yến Tử không dám nói nữa.

Mọi người thấy phu quân giáo huấn như vậy là rất đúng nên từ đó không dám khinh địch nữa.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.