Bến đò Qua Châu tấp nập, quần chúng tụ tập thành đám, đang hóng hớt việc gì đó, chẳng khác gì ruồi bu vào thịt ôi. Anh em nhà họ Tiết theo dòng người chen lên trước, có bộ khoái nha môn đang đi từng nhà hỏi thăm chủ thuyền. Đứng bên cạnh là bà chủ hiệu may đối diện đường, Thúy Thúy cất tiếng gọi: “Xảy ra chuyện gì vậy ạ?” Bà chủ đáp: “Nghe nói có ba người mất tích, vốn có hẹn với nương tử hoa lâu, cô nương kia đợi mãi không thấy đâu, bèn đi báo quan phủ. Bộ khoái tra ra người đi đến đây thì mất dấu, hoài nghi hung thủ là chủ thuyền, thấy không, đang đi tra từng nhà kia kìa.” Thúy Thúy tò mò: “Đã bắt được hung thủ chưa ạ?” “Chưa!” Bà chủ nói, “Đều là người có công phu, có muốn giết người phóng hỏa cũng phải cân nhắc, nói không chừng tự mình uống say ngã xuống nước rồi.” Tiết A Ất hỏi: “Là người giang hồ ạ?” Bà chủ gật đầu: “Bộ đầu nói thế.” Không bao lâu sau, bộ khoái không thu hoạch được gì, trở về nha môn phục mệnh, đám đông tụ tập ở bến đò ồ một tiếng tản ra. Tiết A Ất tìm đến thuyền nhà mình, bên trái chỉ có mình Phùng Thiếu Mị, mặc một bộ áo cánh thân đối màu đỏ lựu, đang ngồi quỳ ở bờ sông giặt quần áo, quần áo bẩn đặt trên phiến đá dùng chày đập từng cái. Eo giắt dao mổ cá, ống tay áo xắn lên khuỷu tay, để lộ nửa cánh tay ra ngoài. Nghe thấy tiếng bước chân, Phùng Thiếu Mị ngẩng đầu lên. Tiết A Ất hỏi: “Bộ khoái có tới không?” Phùng Thiếu Mị đáp có: “Không tra ra được gì.” “Cha tôi đâu?” “Ở trong.” Cát Sinh nhận khách đưa đò, vẫn chưa về, Thúy Thúy đi nhóm lửa nấu cơm. Tiết A Ất vén mành trúc lên, trong buồng vẫn nồng nặc mùi thuốc như thường lệ, Tiết Côn Ngọc đang mài đao. Lưỡi đao tiếp xúc với đá mài, phát ra tiếng vang vừa trong trẻo vừa hỗn độn. Trong góc bày hộp đao cao ba tấc, bên trong có tám thanh đao không bán được, đao không mài tất sẽ gỉ. Từ mấy năm trước, Tiết Côn Ngọc đã không rèn đao mới nữa, quá nửa thời gian đều mài đao cũ, hiệu đao nhà họ Tiết đã không còn, chỉ còn lại những thanh đao này. Hiệu đao nhà họ Tiết đóng cửa hơn mười năm, tám thanh đao này vẫn sáng loáng như mới. Tiết A Ất đợi một khắc. Mài đao cũng chú trọng công phu mài nước, không để ý làm méo lưỡi, đao tốt sẽ hỏng. Đao mài xong ngâm trong nước, Tiết Côn Ngọc lấy miếng giẻ bạc màu lau sạch thân đao, cất vào hộp, rồi nhận lấy bản vẽ Tiết A Ất đưa tới. Liếc mắt sơ sơ: “Vương gia tìm con?” Tiết A Ất đáp dạ. Tiết Côn Ngọc không hỏi tiếp, trải bản vẽ lên bàn: “Đao này bao giờ cần?” “Hai tháng nữa.” Tiết Côn Ngọc không nói nữa, cúi đầu xem bản vẽ. Tiết A Ất đứng dậy ra ngoài, mành nan trúc vén được một nửa thì bị gọi lại: “A Ất, có biết vì sao cha đặt cho con cái tên này không? ‘Ất’ là thiên can thứ hai, cha không mong con thành rồng thành phượng, chỉ mong con có thể giữ vững tâm mình, sống tiêu dao tùy ý.” Tiết A Ất quay đầu, trong buồng không thắp đèn, chỉ có ánh lửa vụn vặt từ bên ngoài rọi vào, vẻ mặt Tiết Côn Ngọc tối tăm không rõ. Tiết A Ất vâng: “Con biết, cha yên tâm.” Vén mành đi ra ngoài, nhặt thanh trường đao gác lên mạn thuyền lên, xắn ống quần, nhảy xuống thuyền ô bồng. Hắn băng qua thuyền đánh cá ngổn ngang, lội nước đi lên bờ. “Anh đi đâu thế?” Thúy Thúy nhoài người trên mạn thuyền, gọi, “Ăn cơm…” Tiết A Ất đầu không ngoảnh lại: “Mọi người ăn trước đi.” Nắng chiều như ngọn lửa cháy hết, chỉ còn lấm chấm lóe tắt cuối chân trời. Ngư dân đốt đèn, mặt sông dần sáng lên, hoa quỳnh hai bên bờ nở rộ, khách ngắm hoa nườm nượp nhộn nhịp, đang là thời điểm làm ăn khá khẩm. Sau mành nan trúc lộ ra gương mặt thoa phấn trắng của điếm thuyền, nũng nịu mời chào khách, còn ôm tì bà che nửa mặt. Người lái đò cầm sào trúc khua trong sông, tiếng nước rào rạt, sào trúc dùng lâu nứt ra những khe nhỏ, phát ra tiếng ken két. Múa đao năm trăm đường, mồ hôi chảy ướt lưng. Tiết A Ất ném đao, lột cái áo ngắn vải thô ướt đẫm ra, thở phì phò như trâu, huyệt thái dương nảy thình thịch. Gió xuân thổi qua, quanh thân lạnh lẽo. Sau lưng vọng lại tiếng bước chân, là Phùng Thiếu Mị. Nàng bưng bát nước: “Anh siêng ghê.” Người đàn bà yêu kiều duyên dáng, quần vải áo đay cũng chẳng che đậy được nhan sắc tươi đẹp. Tiết A Ấp nhớ đến chung trà Giang Đô vương đưa, chung sứ ấy trắng ngần tinh xảo – xinh đẹp mà nguy hiểm. Hắn thở hổn hển, cởi tấm áo trong như vớt từ dưới nước ra, để mình trần xách trường đao lên, chĩa mũi đao về phía người đàn bà: “Tới đây!” Choán lấy con mắt trái mù lòa là vết sẹo đao dài hơn tấc, ánh đèn thuyền chài chập chờn trên mặt hắn, mắt sáng như tuyết như đao. Phùng Thiếu Mị sửng sốt: “Có cần phải thế không?” Tiết A Ất không nhiều lời, vung thẳng đao chém tới. Phùng Thiếu Mị lùi về sau một bước theo phản xạ, bát sành trong tay bị chém thành hai nửa, rơi “bốp” xuống đất vỡ vụn, nước chảy đầy tay. Phùng Thiếu Mị vẩy tay: “Nổi điên gì vậy chứ!” Đao phong lại tới, nàng nghiêng người né, bị cắt mất nửa đoạn tay áo, lộ ra cánh tay như ngó sen. Lửa giận bùng lên, Phùng Thiếu Mị rút dao mổ cá treo bên hông ra, nghênh đón ánh đao đánh tới từ đối diện. “Đinh!” Lưỡi đao chạm nhau, tiếng vang giòn giã. Lực đánh như Thái Sơn đè đầu, chấn động cánh tay Phùng Thiếu Mị tê dại, trong lòng biết không đỡ nổi, bèn thu lực, nghiêng mình lăn xuống đất. Người đàn ông chém xuống sau lưng, đao phong hất hoa rụng trên đất bay lên, Phùng Thiếu Mị thuận thế xoay người đứng dậy, sau lưng dính đầy phù sa và hoa quỳnh úa tàn. Trời sinh phụ nữ đã chẳng thể đọ sức với đàn ông, muốn thắng thì chỉ có hoặc khéo hoặc mau. Phùng Thiếu Mị rùn người tránh khỏi trường đao càn quét, cầm dao mổ cá chọc lên, Tiết A Ất ngửa đầu né, mũi dao khó khăn lắm sượt qua cằm. Dao mổ cá lướt qua trước mắt, động tác cô ả như nước chảy mây trôi, tay trái chống đất, chân trái uốn gối, ép trọng tâm xuống cực thấp, chân phải quét ngang tới. Tiết A Ất nhảy ra sau tránh, dao mổ cá đã đâm lại. Nửa thân trên ngửa ra sau, hắn huơ đao đón nhưng hụt, trước ngực hở ra một khoảng lớn. Tiếng hít thở của Phùng Thiếu Mị chẳng biết đã đến bên tai tự lúc nào, dao mổ cá đâm lên, cắt toác lồng ngực rắn rỏi của người đàn ông. Vết thương không nông, máu rỉ từng giọt ra ngoài. Võ công trong thiên hạ, duy mau bất khả phá. Tiết A Ất biết đao của Phùng Thiếu Mị rất mau song chẳng ngờ lại mau đến vậy. Lúc ở trấn Bạch Thủy là hắn chiếm thiên thời địa lợi, hèn chi Hoài lão gia tử lại chết trong tay một cô ả. Người ngoài nghề xem náo nhiệt, người trong nghề xem lề lối, Phùng Thiếu Mị là một tay hành thích lão luyện, đường đường chính chính tỷ võ thì không rành. Tiết A Ất ngó lơ vết thương trên người, gập cùi chỏ thụi xuống, đánh mạnh vào bụng người đàn bà. Bên tai vang lên tiếng kêu đau, Phùng Thiếu Mị oằn mình, tay lỏng ra, dao mổ cá rơi “lạch cạch” xuống đất. Người đàn bà nhấc chân toan đá, trường đao trong tay xoay một vòng, Tiết A Ất gõ lưng đao lên đầu gối nàng. Phùng Thiếu Mị lảo đảo. Tiết A Ất tóm gáy nàng quật xuống đất, không cẩn thận làm rách áo nàng, lộ ra nửa bầu ngực tròn trịa trắng bóc. Trời mưa mấy ngày liên tiếp mới tạnh, trăng đêm nay rất đẹp, ngực người đàn bà trắng đến lóa mắt. Uất ức trong lòng chưa tan hết. Phùng Thiếu Mị ngã ngửa ra đất, búi tóc tán loạn. Tay phải chống xuống nhổm dậy, giữa chừng lại bị đẩy ngã. Tiết A Ất ngồi xổm xuống, gập cùi chỏ ghì lên họng người đàn bà, vươn tay nhéo bầu ngực trắng mẩy phập phồng: “Giang Đô vương tặng cô cho tôi làm thiếp.” Phùng Thiếu Mị sững người. Ngực bị nhéo đau, cánh tay cường tráng của người đàn ông ghì trước họng, nhất thời thở ra thì nhiều mà hít vào thì ít, cơ hồ nghẹt thở. Mặt đỏ lên, không thể không ngửa đầu há to miệng hít thở. Nàng nhớ đến cái đêm trong quán trọ ở trấn Bạch Thủy, bị Tiết A Ất bóp họng như ma treo cổ, suýt nữa để Hắc Bạch Vô Thường bắt mất hồn. Giận quá hóa cười, nàng nói: “Anh bán công phu một thân, tôi bán da thịt của mình, đều là con chó vương gia buộc trước cửa, ai xem thường được ai.” Tiết A Ất buông nắm đấm. Mồ hôi tí tách nhỏ xuống đất, hắn đứng dậy nhặt cái áo ngắn vứt một bên, xé miếng vải băng đại vết thương, nhặt dao mổ cá lên ném cho người đàn bà. Phùng Thiếu Mị đón lấy, ngẩng đầu lên, chỉ còn thấy được bóng lưng Tiết A Ất. Nàng ngồi bên bờ một chốc, nương nhờ đèn thuyền chài chỉnh lí lại quần áo, rút trâm đồng ra, lấy tay làm lược, soi xuống nước búi lại tóc. Vốc nước rửa mặt, đứng dậy phủi phù sa dính sau lưng, xách dao mổ cá lên treo ngang eo, đứng dậy trở về. Một trước một sau trở lại thuyền ô bồng, nhìn thấy vết thương của Tiết A Ất, Thúy Thúy cả kinh: “Xảy ra chuyện gì vậy?” Tiết Côn Ngọc ngó sang. Ông đương nhiên nhận ra vết đao. Tiết A Ất ngồi vào bàn: “Bị nhánh cây quệt trầy, không có gì đáng ngại, ăn cơm đi.” Phùng Thiếu Mị nhìn hắn, ngồi xuống theo. Bữa tối vẫn là canh cá, không thể tươi ngon như cá lát ướp vàng được nếm trong phường trò, nuốt xuống xộc vị tanh lòm. Những người khác đã ăn xong, Tiết A Ất vừa đánh một trận, bụng sôi sùng sục, một mình ăn hết sạch canh thừa thịt nguội, không để lại một sợi thịt nào mắc trên xương cá. Họng dâng lên bọt máu, Tiết Côn Ngọc che miệng ho, nuốt về bụng: “Phùng nha đầu, lại sắc thuốc giúp bác với.” Phùng Thiếu Mị vâng dạ, đi theo vào buồng lán. Nàng tìm bình sành tráng men ra, sắc thuốc chú trọng dùng nước, đại khái hai mươi lượng thuốc thì lấy một đấu nước, đun lấy bốn thưng. Nhà họ Tiết không dùng nổi rượu ngon sắc thuốc, thanh minh vừa qua cốc vũ sắp tới, đang là thời điểm lượng mưa dồi dào nhất trong năm, bèn cầm gáo mộc múc nước mưa tích trong hố trũng để sắc thuốc. Phùng Thiếu Mị xúc than bỏ vào lò lửa, chỉ khi rèn đao và sắc thuốc mới dùng than mua, bình thường nhóm lửa đều dùng củi Cát Sinh nhặt về. TIết Côn Ngọc xem bản vẽ rồi, không bắt tay vào làm ngay. Đao rèn ra là cho người khác dùng, Giang Đô vương lại hạ quyết tâm muốn lấy thanh đao này kiếm thanh danh, không cần quá xem trọng. Không phải tốn sức điều chế đồng sắt rèn đao, Tiết Côn Ngọc bèn lựa trong hộp đao ra một phôi đao đã đúc xong khuôn từ trước, chưa qua gọt giũa nạo tước, mặt đao vô cùng lởm chởm, đến lúc đó trực tiếp nung chảy rót vào khuôn đao đã chế tạo xong. Tạo khuôn là bước đầu tiên trong rèn đao, khuôn đao dùng đất sét tạo thành, chữ viết và hoa văn đúc ra trên thân đao đều cần khắc trước đường vân chìm nổi ngược lại trên vách trong của khuôn đao. Tiên Côn Ngọc rửa tay, vốc một nắm bùn xanh được chuẩn bị từ hồi hiệu đao nhà họ Tiết hãy còn. Đang định làm thì ngửi thấy mùi thuốc quen thuộc. Phùng Thiếu Mị đang ngồi quỳ trước lò lửa phe phẩy quạt, lưng thẳng tắp như thân lúa mạch. Giang Đô đã trút bỏ heo may đầu xuân, chóp mũi nàng lấm tấm mồ hôi. Giờ Tuất đã qua hơn nửa, bến đò Qua Châu tĩnh lại, ngoài mành nan trúc vọng vào tiếng nước chảy ồ ồ. Lò lửa cháy rất mạnh, than nung đỏ nổ lép bép. Khuôn đao dần thành hình, Tiết Côn Ngọc mở miệng: “Phùng nha đầu, tính A Ất ngang bướng, cháu khoan dung với nó hơn chút.” Phùng Thiếu Mị đưa mắt nhìn sang. Tiết Côn Ngọc lấy một con dao nhỏ dài ba tác ra, phác họa hoa văn lên vách trong khuôn đao: “Nó giống bác, từ nhỏ tính tình đã cứng như đá, bảo nó học rèn đao cùng bác mà sống chết không chịu, nhất định đòi đi học võ công.” “Nói hết nước hết cái mới chịu học thành, vừa rèn ra thanh đao thứ nhất đã bỏ không làm nữa, nói không thích việc này.” Ông giơ tay trỏ vào con dao mổ cá Phùng Thiếu Mị giắt ngang eo, “Đấy, chính thanh này.” Phùng Thiếu Mị sửng sốt. Nàng không có binh khí thường dùng, lần đầu đến nhà họ Tiết lấy để giết cá, dùng thuận tay nên mang theo bên người. Thuốc sắc được hai lượt, Tiết Côn Ngọc nhận lấy bát sành Phùng Thiếu Mị đưa, ngửa đầu uống. Đặt bát sành sang một bên, ông ngồi lại xuống bàn: “Bác không muốn nó học võ công, thời thế thế này, võ công cái thế phỏng có ích gì?” Vẽ sơ đường nét hoạ tiết hình rồng, Tiết Côn Ngọc bỏ dao nhỏ xuống: “Đêm khuya rồi, đi nghỉ đi.” Phùng Thiếu Mị đáp vâng, dọn dẹp bã thuốc rồi vén mành ra ngoài.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]